I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
Cho đến thời điểm 2020, Tạp chí Nghiên cứu Phật học tròn 30 tuổi. Tạp chí là ấn phẩm báo chí của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là một trong những cơ quan báo chí chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép báo chí. Tạp chí có các chuyên mục, chuyên trang như: Giáo lý; Lịch sử và Triết học; Trao đổi… là những chuyên đề chuyên sâu nhằm giúp các quý tăng, ni, học giả nghiên cứu, trao đổi và cùng nhau phổ biến tri thức Phật pháp.
Bên cạnh đó, những trang mục Phật giáo với đời sống văn hóa nghệ thuật Phật giáo; Suy ngẫm; Pháp thoại… là nhịp cầu nối giữa Phật giáo với đời sống, chú trọng truyền tải các thông tin Phật học ứng dụng (Trích Thư kết nối của Tạp chí Nghiên cứu Phật học).
Như vậy, những nội dung mà Tạp chí Nghiên cứu Phật học truyền tải đến tăng, ni và đông đảo bạn đọc là hết phong phú vừa giầu tính lý luận vừa sát hợp với thực tiễn. Trong số các chuyên mục, chuyên trang sâu phải kể đến chuyên mục, chuyên trang GIÁO LÝ. Chuyên mục thu hút được các học giả là những cao tăng, thạc đức và những nhà nghiên cứu ngoài đạo uyên áo về Phật pháp với rất nhiều chuyên luận chuyên sâu.
Cho đến nay đã có hàng trăm bài viết cho chuyên mục, chuyên trang Giáo lý. Do điều kiện cũng như do khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể nào phân tích, đánh giá một cách toàn cảnh. Do vậy, chúng tôi trong điều kiện có thể chỉ xin điểm qua một số bài viết trong những năm gần đây xoay quanh một số chủ để về Tịnh Độ tông, về sự Sống Chết và một số bài viết có tính chất phổ cập Giáo lý.
II. MỘT SỐ BÀI VIẾT VỚI CHỦ ĐỀ TIÊU BIỂU
1. Một số bài viết xoay quanh chủ đề về Tịnh Độ tông
Các nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam trong và ngoài giới đều thống nhất rằng Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp cả Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông được gọi với khái niệm Thiền - Tịnh - Mật đồng tu. Chúng phật tử Phật giáo Việt Nam đã biết khế hợp cả ba Tông trong đời sống tu tập, trong việc hoằng pháp. Tuy nhiên do điều kiện lịch sử, do vai trò của các “dòng” truyền giáo, do đặc điểm văn hóa - xã hội Việt Nam mà vai trò, vị trí của mỗi Tông có sự khác nhau. Nhìn một cách tổng thể, Thiền tông là tông giữ vai trò chủ đạo và tồn tại như một tông độc lập thì Mật tông và Tịnh Độ tông lại tồn tại như một pháp tu.
Theo thời gian Tịnh Độ tông ăn sâu vào chúng Phật tử tại gia và những người có cảm tình với Phật giáo. Việc thờ cúng Di Đà Tam tôn (Phật Di Đà; Quán Thế Âm; Đại Thế Chí) kèm theo đó là tụng niệm lục tự (Nam Mô A Di Đà Phật) đã trở nên thân thiết với các chúng phật tử đặc biệt là chúng phật tử tại gia.
Kể từ phong trào chấn hưng Phật giáo - nửa đầu thế kỷ XX - Tịnh Độ tông có điều kiện mới để phát triển. Ở miền Tây Nam bộ trên cơ sở Hội Tịnh độ Cư Sĩ với vai trò của Minh Trí làm Tông Sư chứng minh, Tịnh Độ Cư Sĩ tách ra lấy tên là Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội. Ngày 27 - 11 - 2008, Tịnh Độ Cư Sĩ được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (1981), đặc biệt khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba, Phật giáo Việt Nam nhất là Phật giáo ở miền Bắc ngày càng xuất hiện nhiều đạo tràng học tập giáo lý và tu tập theo Tịnh Độ với các tên gọi khác nhau.
Phải chăng vì vậy mà trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học kể từ năm 2010 xuất hiện nhiều bài viết dưới các góc độ khác nhau đề cập đến Tịnh Độ tông. Việc bình luận của chúng tôi không y vào thứ tự các bài viết theo thời gian mà đi vào những nội dung nghiên cứu của từng bài viết với một logic có tính học thuật.
Trước hết là bài viết của Cư sĩ Nguyễn Thanh Hoa, Nguồn gốc lịch sử, ra đời và phát triển của Tịnh Độ tông (NCPH số 3 - 2015 - 126) tr 40 -42. Bài viết cho biết người sáng lập, đối tượng thờ, các bộ kinh chính của tông Tịnh Độ.
Tịnh Độ tông còn gọi là Tịnh Thổ tông, hay Liên tông do cao tăng Huệ Viễn người Trung Quốc sáng lập. Ngài Huệ Viễn là người nhà Tấn, sinh năm 334, mất năm 416. Ông là người họ Cổ, nguyên quán xứ Lâu Phiền, ở Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Trong quá trình tu tập, ông đã mấy lần thấy một vị Phật Di Đà, với hào quang phản chiếu khắp hư không, khắp trong những ánh viên quang ấy hóa hiện vô số những vị Phật, mỗi vị Phật đều có Ngài là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên.
Sư Huệ Viễn cho rằng, sau này là thời mạt pháp, chúng sinh khó lòng tự lực tu hành; tu niệm Phật và nhờ tha lực của Phật A Di Đà là một phương pháp “dễ dãi” nhất dể tiến tới giải thoát.
Về kinh, Tịnh Độ có ba bộ kinh
1. Kinh A Di Đà 2. Kinh Vô Lượng Thọ 3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ
Mục đích của Định Độ tông là tin tưởng và nguyện sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc của vị Phật A Di Đà làm Giáo chủ. Phương pháp tu hành là niệm tên Phật A Di Đà chế ngự tâm và hành giả có thể thấy được A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí và biết trước giờ chết của mình.
Bài viết dành phần lớn nội dung đề cập đến hành trạng của cao tăng Huệ Viễn như các trước tác của ông; đề cập các đệ tử kế thế tông Tịnh Độ.
Cũng trên số 3/2014 (126), Tạp chí Nghiên cứu Phật học đăng bài: Khởi nguyên tư tưởng Tịnh Độ tông và Tha lực của tác giả Đức Minh (tr 43 - 44). Bài viết bổ sung cho bài, Nguồn gốc lịch sử, ra đời và phát triển của Tịnh Độ tông. Bài viết đi tìm nền tảng ban đầu tư tưởng Tịnh Độ và Tha Lực. Vào thời kỳ đầu của Phật giáo phát triển, yếu tố tha lực (lực khác ngoài lực của tự thân, tự lực, như Phật lực, Bồ Tát lực…) được đề cập đầu tiên trong kinh Na Tiên Tỳ kheo (kinh Na Tiên Tỳ kheo xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I Tây Lịch. Bản kinh này được truyền sang Tích Lan (Srilanca ngày nay) và các nước Nam Phương Phật giáo với tên gọi là Milindapanhà. Di Lan Đà vấn kinh, thuộc văn hệ pali). Sau đó bản kinh được truyền sang Trung Hoa và dịch sang chữ Hán khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa chưa bao lâu, bản hiện lưu hành có tên là Na Tiên Tỳ Kheo kinh. Bài viết cho biết quá trình dịch các bộ kinh: A Di Đà; Vô Lượng Thọ; Quán Vô Lượng Thọ của Phật giáo Trung Hoa; Đặc biệt là việc phân tích “Tư tưởng tha lực trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo”; Về thuyết cận tử, về tu dưỡng tạo nghiệp lành; phải tu tập theo gương sáng cũng như giáo pháp của đức Phật.
Bài viết kết luận: “Các kinh về Tịnh Độ dạy không chỉ có niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và Cõi Cực Lạc Tịnh Độ, mà còn dạy hành giả thụ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, Pháp Bồ Đề tâm, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp, tu tạo các công đức phúc lành như hộ trì Tam Bảo, hoằng truyền Chính pháp, cúng dường, từ thiện - bố thí, phóng sinh…. Tha lực, gia trì, hộ niệm của chư Phật chỉ có khi có sự tinh tấn, nỗ lực hành trì, tu tập của hành giả. Bất cứ lúc nào hành giả có sự tu tập, tâm tưởng nhớ đến Phật, đến Giáo pháp, đến các bậc tu hành, noi theo hạnh nguyện của chư Phật, thì khi ấy hành giả có được lực gia trì, có được sự hộ niệm của chư Phật”.
Tinh Độ và Tây Phương cực lạc, Thượng tọa Thích Thanh Duệ đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6/2010 (110) nhân kỷ niệm ngày khánh đản Đức Phật A Di Đà (17/11 AL) cung cấp cho bạn đọc tường minh về hai khái niệm Tịnh Độ và Tây Phương cực lạc. Theo tác giả TỊNH ĐỘ nói đầy đủ là Thanh Tịnh Độ, Thanh Tịnh Quốc độ, thanh Tịnh Phật Sái. Tịnh Độ cũng nói tắt là Tịnh Sái, Phật quốc, Tịnh độ là nơi ở, cõi nước của các bậc Thánh nhân.
Tịnh độ hay nhiều người gọi là Tịnh thổ vì nơi này không có 5 thứ cấu nhiễm, vẫn đục, ô uế, xấu ác (ngũ trược ác thế). Đó là: (1) Kiếp trược; (2) Kiến trược; (3) Phiền não trược; (4) Chúng sinh trược; (5) Mệnh trược.
Pháp môn tu tập của Tịnh Độ kết hợp tự lực với tha lực. Phương pháp tu tập của Tịnh độ dựa vào nội dung 7 bộ kinh điển làm căn bản gọi là Tịnh Độ thất kinh:
1. Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đằng Giáo kinh 2. Đại A Di Đà kinh 3. Vô Lượng Thọ kinh 4. Quán Vô Lượng Thọ kinh 5. A Di Đà kinh 6. Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thụ kinh 7. Cổ Âm Thanh Tam Đà La Ni kinh
Thông thường nói đến sự hình thành Tịnh Độ tông là căn cứ vào 3 bộ kinh và 1 luận gọi là Tịnh Độ Tam kinh, Nhất luận. Vì vậy, mặc dù ở phần trên, tác giả thống kê 7 bộ kinh điển làm căn bản gọi là Tịnh độ thất kinh nhưng ở phần dưới, tác giả chỉ đi sâu vào phân tích ba bộ kinh:
1. Vô Lượng Thọ kinh; 2. Kinh Quán Vô Lương Thọ; 3. Kinh A Di Đà hay kinh Tiểu Bản A Di Đà.
Từ việc đi sâu vào phân tích ba kinh trên, bài viết nhận xét: “Nội dung Tịnh Độ Tam kinh, Nhất Luận tán thán công đức, sự thành tựu tu tập và hạnh nguyện Y báo, Chính báo của Đức Phật A Di Đà đồng thời tán thán công đức của hành giả tu tập, khuyên theo pháp môn niệm Phật cầu sinh về cõi Tịnh Độ”.
Tác giả - Thượng tọa Thích Thanh Duệ, dành phần cuối bài viết đề cập đến lịch sử truyền thừa của Tịnh Độ Tông. Ở Trung Quốc và ở Việt Nam. Trước hết là ở Trung Quốc với vai trò của Ngài Huệ Viễn (334 - 416) được coi là người sáng lập. Tiếp theo là các vị: Đạo Xước (562 - 645), Thiên Đạo (613 - 681), Từ Mẫn (680 - 748).
Tịnh Độ ở Ấn Độ buổi đầu chỉ là pháp tu. Khi truyền sang Trung Quốc, từ sơ khởi đến Đời Đường, chưa thành hệ thống truyền thừa nối tiếp. Đầu đời Đường mới xuất hiện, đến đời Tống sự truyền thừa mới rõ nét. Phương pháp tu tập của Tịnh Độ được các nhà nghiên cứu chia thành 4 hệ tư tưởng: 1) Huệ Viễn chú trọng “Quán tưởng niệm Phật”; 2) Đàm Loan chú trọng “Tín tâm niệm Phật”; 3) Thiện Đạo chú trọng: “Khẩu xưng niệm Phật”; 4) Từ Mẫu chú trọng: “Thiện căn niệm Phật”.
Đời Tống (960 - 1279) các tông phái nói chung có xu hướng dung hợp như Thiên Thai tông với Tịnh Độ kiêm tu; Luật Tịnh kiêm tu, Thiền Tịnh kiêm tu, Đời Minh (1360 - 1661), Tịnh Độ tông phát triển mạnh do các đại sư Văn Thê, Liên Trì, Trí Húc… nhất là hàng cư sĩ tu tập Tịnh độ phát triển sâu rộng phổ cập trong quần chúng.
Đời Thanh và cho đến nay tư tưởng Tịnh Độ dung hòa, trong các Pháp môn, các tông phái. Pháp môn niệm Phật khởi sắc, phát triển mạnh ở Trung Quốc và được truyền bá rộng rãi ở Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 và 6 năm 2012 tiếp tục đăng bài viết của Thượng tọa Thích Thanh Duệ với tựa đề. Tịnh Độ với ba kinh, một luận. Ở bài viết này tác giả đi sâu vào kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật (hay còn gọi là kinh Vô Lượng Thọ), một trong ba kinh của Tịnh Độ tông. Tuy có nhiều danh hiệu nhưng A Di Đà Phật quy vào hai danh hiệu: Vô Lượng Thọ Phật và Vô Lượng Quang Phật. Tuy nhiên do đi sâu vào kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật, tác giả bài viết tập trung vào Danh hiệu và công đức của Phật Vô Lượng Thọ. Bài viết cũng cho biết: “Trong cõi nước Phật ấy có hai vị Bồ Tát tối tôn đệ nhất oai thần, ánh sáng của hai vị này, soi khắp toàn cõi đại thiên Thế giới.
Một là Quán Thế Âm, hai là Đại Thế Chí. Hai Bồ Tát này ở cõi Ta Bà, tu Bồ Đề Tát hạnh, chờ người mạnh chung (qua đời) chuyển hóa trở về cõi nước An Lạc. Ở thế giới An Lạc có hai vị Bồ Tát luôn theo nguyện đi hầu Phật Vô Lượng Thọ. Chúng sinh từ khắp mười phương phát tâm tin thế giới An Lạc và đại nguyện của Pháp Tạng Tỳ kheo tinh tiến, tin nhận, như pháp tu hành, cầu được sinh san, khi mạng chung sẽ được đón về thế giới An Lạc ở ngôi bất thoái”.
Bàn đến Giáo lý Phật Đà về Tịnh Độ phải kể đến Thượng tọa Thích Tiến Đạt với bút danh Tỳ kheo Tiến Đạt. Theo chúng tôi được biết, Thượng tọa là một trong những học giả đã và đang dành nhiều thời gian nghiên cứu về Tịnh Độ với những trước tác chuyên sâu. Những công trình nghiên cứu của Thượng tọa về Phật học nói chung và về Tịnh Độ nói riêng đều được giới nghiên cứu trong và ngoài Phật giáo đánh giá rất cao. Hiện tại Thượng tọa đang giữ trọng trách Phó tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ xin điểm qua một số bài viết có tính chuyên sâu về Tịnh Độ mà Thượng tọa đưa in ở Tạp chí Nghiên cứu Phật học thời gian từ 2010 - 2014. Đó là các bài viết: Tịnh Độ Tam Tư Lương đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học các số từ 1 - 6 năm 2010 và số 1/2011; Tịnh Nghiệp trợ hạnh, số tháng 2 đến tháng 4/2011; Tài sản không bao giờ mất, số tháng 5/2011; Tây Phương cực lạc thế giới y chính trang nghiêm, số 1 đến số 6/2012; Phẩm vị vãng sinh, số 1 đến số 5/2013.
Thật khó có thể tóm tắt, càng khó có thể “lột tả” hết tính cao siêu Phật học của một vị hành giả - học giả nhiều năm để tâm nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu. Vả lại, với năng lực của mình chúng tôi chắc chắn không thể nào thấu hiểu hết. Do vậy như đầu đề đặt ra, chúng tôi chỉ “điểm qua” mà thôi.
Thứ nhất, bài viết: Tịnh Độ Tam Tư Lương đăng trên các số từ 1 đến 6/2010 và số 1/2011. Bài viết được tác giả mở đầu: “Tịnh Độ tông lấy việc vãng sinh Tịnh Độ viên thành Phật đạo làm mục tiêu cuối cùng, cho nên mười phần coi trọng thực hành. Tịnh Độ tông có ba môn hành trì lớn hay nói cách khác là ba món tư lương để về Tịnh Độ đó là Tín - Nguyện - Hành”.
Tín Nguyện Hành được ví như cái đỉnh có ba chân, nó tương quan mật thiết với nhau, thiếu một không thể được. Do Tín mà khởi Nguyện, do Nguyện, Hành nhất định xuất hiện. Đại sư Ngẫu Ích căn cứ vào đặc tính nội tại mà đem Tín - Nguyện - Hành phân chia thành hai loại: Tín nguyện là Tuệ hành; Trì danh là Hạnh hành. Tín nguyện là kim chỉ nam để vãng sinh Tịnh Độ, do có Tín nguyện mới có thể trì danh hiệu. Tuệ hành ví như người đi trước dẫn đường. Hạnh hành là chính tu, như chân tay, mắt mũi cùng vận động tự có thể cảm sinh Tịnh Độ.
Bài báo lần lượt đề cập đến ba món tư lương của Tịnh Độ: Tín - Nguyện - Hành. Tín - Tư lương thứ nhất của Tịnh Độ Tam Lương được tác giả bài nghiên cứu đề cập ở phần đầu của chương thứ nhất với phần dẫn luận: Tín môn. Tiếp theo là tiết 1: Tín là điều kiện tiên quyết để tu Tịnh Độ. Tiết này gồm có các mục: 1) Khái niệm về Tín; 2) Công dụng của Tín. Tiết 2: Quan điểm lục tín của Tịnh Độ Tông; Đúng như tựa đề, tác giả lần lượt bàn về lục tín: Tự tín, Tín tha, Tín nhân, Tín quả, Tín sự, Tín lý. Trên cơ sở của sự phân tích, tác giả cho rằng: “Nếu có khả năng tin một bộ phận trong lục tín, chân thành niệm Phật có thể được vãng sinh; nếu đầy đủ cả lục tín thì công đức càng hết sức thù thắng, phẩm vị vãng sinh càng cao. Hành giả Tịnh Độ trước hết vượt qua cửa tín sâu giồng tín căn, tín lực bộc phát nhất định vãng sinh. Tiết 3: Đối với pháp khó tin phát sinh tín tâm quyết định, được bài nghiên cứu diễn giải bởi hai tiểu tiết: Thế gian bị thân ngũ uẩn trói buộc nên khó tin hiểu Đại pháp ở ngoài thế giới này; Dùng giáo lý phổ thông mà suy lường pháp môn đặc biệt.
Chương thứ III. Quan hệ giữa tín nguyện và tâm Bồ Đề, chương này luận giải của tác giả là: Bồ Đề Tâm của Tịnh Độ (Tín nguyện) so với Bồ Đề Tâm của Đại Thừa xét về hình thức tuy có nhiều điểm bất đồng, nhưng về thực chất nội hàm không có sự sai khác. Đứng trên quan điểm của Tịnh Độ tông “Thâm tín phát nguyện chính là Vô Thượng Bồ Đề” đã có Thánh ngôn lượng trong kinh Phật để y cứ (y nghĩa bất y ngữ) cùng với thực tế tu hành kiểm nghiệm. Có người đã dùng giáo lý phổ thông để phủ định “Tín nguyện tức là Bồ Đề Tâm”. Đã không hiểu được nghĩa lý của Tịnh Độ là vượt khỏi kiến văn tầm thường, cũng cách xa với hoằng nguyện của Phật Di Đà đầy đủ Bi Trí. Hành giả Tịnh Độ tin vào lời Phật, tin vào ngôn giáo của các bậc Tổ Sư Tịnh Độ, mà không nghe theo lời nói của người khác mà tự mê hoặc tâm tính. Thâm tín, thiết nguyện là Tâm Vô Thượng Bồ Đề; Trì danh niệm Phật tức là “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật”. Phép môn Tịnh Độ cung cấp cho chúng ta biện pháp an thân lập mệnh một các cứu cánh. Chúng ta nên đem cả thân mệnh, suốt đời tinh tiến niệm Phật thành tựu Đại sư vãng sinh”.
Những luận giải trên được bài nghiên cứu đề cập trong 3 tiết: Bồ Đề Tâm theo quan điểm Đại Thừa; Hình thức biểu hiện của Bồ Đề Tâm; Công dụng của Bồ Đề Tâm.
Chương IV. Hành môn được bắt đầu bằng tiết 1: Nguyên lý niệm Phật, Nguyên lý này được tác giả giải thích ở các khía cạnh:
1. Hồng danh đầy đủ muôn đức - hồng danh thu nạp muôn đức; 2. Dùng “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật” để nghĩ tưởng tới cõi Phật. 3. Dùng phương pháp “tu nhiếp sáu căn” của Ngài Thế Chí và tu công phu “phản văn văn tự tính” của Ngài Quán Âm. 4. Cơ chế phản xạ tự nhiên tự nghe. 5. Kim Cương niệm. 6. Tùy tức niệm Phật. 7. Hệ duyên niệm Phật. 8. Quán tự niệm Phật. 9. Trì danh và quán tưởng hợp tu. 10. Lâm thụy quán niệm. 11. Nghi thức quy tắc tu trì tịnh nghiệp.
Tiếp theo công trình nghiên cứu với tựa đề: Tịnh Độ tư lương đăng trên 6 số năm 2010 và số 1 năm 2011. Từ số 2 đến số 4 năm 2012, Thượng tọa Thích Tiến Đạt có bài Tịnh nghiệp trợ hạnh. Bài viết được xem là tiếp nối bài Tịnh Độ tư lương. Mở đầu bài viết, tác giả có mấy lời phi lộ: “Tịnh Độ tông lấy Tín - Nguyện - Trì danh làm Tông chỉ, lấy vãng sinh Tây phương Tịnh độ làm mục đích. Hành giả Tịnh độ Tín - Nguyện - Trì danh, mong nhờ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sinh. Tuy cũng được vãng sinh song lại có ba loại chín phẩm thụ dụng công đức trí tuệ hơn kém, sai khác. Tịnh Độ tông tuy là pháp môn Đại Thừa đặc biệt, nhưng cũng không ra ngoài luật nhân quả của Phật giáo và các pháp Đại Thừa khác. Tây Phương Cực Lạc thế giới là do công đức tu hành Tịnh Nghiệp của Đức Phật A Di Đà mà hình thành, cho nên hành giả tịnh độ cũng phải bắt đâu từ Tín - Nguyện - Trì Danh mà tùy hoàn cảnh, điều kiện gắng sức nỗ lực tu tập các tịnh nghiệp lấy đó để tăng cao phẩm vị vãng sinh. Tịnh Độ tông, chính hạnh và trợ hạnh song hành như thuận buồn xuôi gió lại thêm gắng sức chèo lái thì nhanh chứng tới nơi. Tịnh nghiệp trợ hạnh có rất nhiều, bài viết chỉ lược bàn hai vấn đề Tịnh nghiệp tam phúc và Phổ Hiền Thập Đại Hạnh nguyện nhằm cung cấp cho hành giả Tịnh Độ”.
Đúng như mấy lời phi lộ, bài viết tập trung vào 2 nội dung chính: 1) Tịnh nghiệp tam phúc và 2) Tu thập thiện nguyện. Ở mỗi nội dung lớn lại chia thành các nội dung nhỏ để hành giả/bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về từng vấn đề cụ thể.
Các bài viết của Thượng tọa Thích Tiến Đạt vừa mang tính hàn lâm vừa chứa tính phổ cập vì vậy mà độc giả theo các căn cơ Phật học khác nhau đều có thể tiếp cận mà không bị ngăn ngại.
2. Một số bài viết xoay quanh chủ đề Sống - Chết
Các tôn giáo lớn trên thế giới, tôn giáo nào về giáo lý cũng đều có một phần quan trọng dành cho việc trả lời các câu hỏi; Con người ta sinh ra từ đâu? Khi sống phải sống như thế nào? Đặc biệt khi chết đi về đâu. Giáo lý nhân sinh Phật giáo cũng không nằm ngoài những câu trả lời trên. Tuy nhiên do quan niệm Phật Đà quan của Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo mà kéo theo giáo lý nhân sinh quan Phật giáo quan niệm Phật Đà là nhân vật lịch sử nên nhân sinh quan Phật giáo về SINH - TỬ có sự khác nhau. Một cách tổng quan, Tiểu thừa Phật giáo quan niệm Phật Đà là một nhân vật lịch sử nên nhân sinh quan đặc biệt là quan niệm về cái chết đơn giản hơn Đại thừa Phật giáo. Mặc dù vậy, một cách tổng thể, Giáo lý Phật giáo (cho cả Tiều thừa và Đại thừa) đều có những quan niệm chung về cái chết.
Bài Đối Diện với cái chết của Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ đăng trên các số 2 đến số 6/2010; số 1 đến số 6/2011, số 1 đến số 6/2012 lần lượt bàn đến “cái chết”. Theo tác giả “Trong cuộc sống, như một điều kiêng kỵ, người ta thường né tránh như nói về chuyện cái chết. Nhưng sống và chết là hai mặt song hành của một đời người, nên nói về cái chết cũng lẽ thường tình. Thực ra khi nói về cái chết chính là bàn về cuộc sống của con người. Vấn đề ở chỗ quan niệm cái chết như thế nào? Chết có đáng sợ không? Chết là hết hay là còn? Do chịu ảnh hưởng của các môi trường cộng đồng khác nhau nên mỗi con người có một quan niệm về cuộc sống cũng như cái chết khác nhau”. Như phần trên đề cập, bài viết của tác giả được in trong nhiều số, truyền tải những nội dung xoay quanh “cái chết” với nhiều phần. Bài viết: bắt đầu từ việc Diêm Vương sợ chết với một phản đề “Cứ tưởng rằng người trên dương thế mới sự chết, còn người nắm phần hồn, quản lý đời sống dưới âm phủ thì không sợ… nhưng rõ ràng họ cũng sợ chết chẳng kém gì người trên cõi dương”.
Đối diện với cái chết được tác giả thể hiện với bút pháp rất giầu hình tượng qua những pháp thoại của Đức Thế Tôn với các đệ tử của Ngài đặc biệt là với A Nam Đà đồng thời còn là những câu chuyện rất đời thường được tác giả dẫn dụ nhằm minh chứng hay minh họa cho một vấn đề cụ thể.
Tác giả bài viết luôn khiêm tốn khi cho rằng, có thể có ai đó sẽ không đồng tình với một số nhận định của mình trong bài viết cũng như theo quan điểm của Phật giáo. “Song, chắc chắn rằng tất cả sẽ đồng ý rằng sự sống và cái chết là hai mặt không thể tách rời của con người và người ta phải sống cho đúng nghĩa Con người”.
3. Một số chủ điểm khác
Ngoài những chuyên luận bàn sâu về vấn đề thuộc giáo lý Phật giáo, không ít các bài viết khác được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học suy cho đến cùng vẫn là bàn tới các chiều cạnh khác nhau của giáo lý Phật giáo. Những bài viết về Giáo lý hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp là rất phong phú với sự tham gia của các cao tăng, thạc đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các nhà nghiên cứu Phật học.
Về các tác giả trong Giáo hội, có thể nói hầu hết các chư vị lãnh đạo trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đều có bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học như: Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Thanh Điện, Thượng tọa Thích Thiện Hạnh… về các học giả như GS. Vũ Khiêu, GS. Cao Huy Thuần, GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu, PGS.TS. Ngô Văn Doanh, PGS.TS. Hoàng Thị Thơ, PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS. Nguyễn Công Lý, PGS.TS. Trần Hồng Liên.
Cũng cần phải kể đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng với hàng loạt công trình nghiên cứu đăng tải dài kỳ trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học về: Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam; Về Ni giới Phật giáo Bắc Truyền; Về một số tăng, ni hữu công… Từ khi rời quân ngũ, nghỉ hưu, vị Đại tá quân đội đã dành trọn thời gian cho việc nghiên cứu Phật giáo với nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận.
Kể từ năm 2013 đến nay, Hòa thượng Thích Gia Quang chính thức đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Đây cũng là thời điểm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng truyền thông đa phương tiện phát triển. Loại hình báo, Tạp chí truyền thống (được gọi là báo in) đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của loại hình báo, tạp chí mạng, trong tình hình đó, Hòa thượng, Tổng Biên tập một mặt vẫn duy trì các chuyên mục đã định hình từ những năm trước đó, mặt khác Hòa thượng, Tổng Biên tập từng bước cải tiến hình thức cũng như nội dung Tạp chí. Các nhà nghiên cứu “gạo cội” trong và ngoài Giáo hội tiếp tục cộng tác vẫn là “xương sống” của tạp chí, mặt khác số cộng tác viên trẻ tuổi trong và ngoài Giáo hội ngày một đông đảo. Năm 2019 một Hội đồng Biên tập được thành lập gồm các nhà Tôn giáo học có những thành tựu nghiên cứu Phật học.
Bắt đầu từ thời gian này với tư cách Tổng Biên tập, Hòa thượng dành nhiều thời gian, trí tuệ viết nhiều bài chuyên sâu cho Tạp chí. Những bài viết của Hòa thượng rất đa dạng về thể tài về Giáo lý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông qua một số bài viết, Hòa thượng còn khéo léo truyền tải những suy tư mang định hướng cho Phật giáo Việt Nam. Chẳng hạn kết thúc bài “Bồ Tát Thích Quảng Đức” in trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4/2013 (121), Hòa thượng viết: “Từ ngọn lửa Từ Bi, Vô Úy, Đại Hùng của Bồ Tát Thích Quảng Đức ta có thể rút ra bài học cho Phật giáo Việt Nam, đó là Phật giáo luôn gắn liền với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là truyền thống đấu tranh vì độc lập tự do, vì hòa bình, công bằng và tiến bộ xã hội.
Vận mệnh của Phật giáo Việt Nam phải gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam và chỉ có như vậy mới đảm bảo cho Phật giáo trường tồn trong lòng dân tộc như ước nguyện của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Có lẽ chính vì vậy mà đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam là Đạo pháp Dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo để Phật giáo Việt Nam không chỉ đáp ứng cho hàng triệu người dân về đời sống tín ngưỡng tinh thần mà còn được sự ngưỡng mộ của bạn bè khắp nơi trên thế giới”.
III. KẾT LUẬN.
Năm 2020, Tạp chí Nghiên cứu Phật học tròn 30 tuổi. Tuổi 30 là tuổi tráng niên. Thành tựu mà Tạp chí đạt được đã chứng minh điều đó. So với hàng ngàn năm truyền thừa của Phật giáo Việt Nam thì chặng đường 30 năm chưa phải là dài, nhưng so với báo chí Phật giáo Việt Nam kể từ Phong trào Chấn hưng Phật giáo đến nay thì không phải là ngắn.
Nhìn nhận những gì đã làm được từ đó định hướng cho tương lai, hy vọng Tạp chí tiếp tục “Truyền đăng, Tục diệm” những tri thức Phật giáo cho các chúng Phật tử cũng như đông đảo bạn đọc trong thời kỳ mới của Giáo hội cũng như Dân tộc./.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Thành tựu và Định hướng”
Bình luận (0)