Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Đề Bà Đạt Đa và mối liên hệ Phật giáo nhập thế

Đề Bà Đạt Đa và mối liên hệ Phật giáo nhập thế

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác
Học viên Ths Khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Lục tổ Tuệ Năng từng nói: “Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian mà giác ngộ. Lìa thế gian này mà tìm cầu Bồ đề, chẳng khác gì đi kiếm lông rùa, sừng thỏ”. Cũng trên tinh thần ấy, hàng đệ tử xuất gia ngày nay không còn yếm ly thế gian để ẩn dật trên chốn non cao, thâm sơn cùng cốc nữa, mà đa phần đều tích cực dấn thân vào cuộc đời để “hóa độ”.

Tuy nhiên, để “gần bùn mà chẳng nhiễm bùn” thì đó cả là một đại công phu của những bước chân “sứ giả Như Lai” giữa ngàn trùng sóng gió, ngũ trược ác thế, đầy rẫy đảo điên và biến loạn. Lịch sử đã chứng minh điều đó một cách hùng hồn, đanh thép hơn bao giờ hết thông qua câu chuyện “Phản Phật phá Tăng” của Đề Bà Đạt Đa ngay lúc đương thời, khi đức Phật còn tại thế. Để hàng hậu học chúng ta, thông qua bài học xương máu, rút ra những cảm ngộ sâu sắc cũng như phát tâm lập hạnh và có những bước chân vững chãi hơn trên lộ trình tự độ, độ tha, tự giác, giác tha vốn chưa từng bao giờ là dễ dàng.

Thời đại nào chăng nữa cũng khó tránh khỏi những “Đề Bà Đạt Đa đương đại” đã từng trở thành những “ung nhọt” trong nội thân Phật giáo. Để rồi, mỗi lần bung phát là tạo nên những nỗi đau “pháp nạn” mà lịch sử ghi nhận khiến chúng ta không khỏi buông lời cảm thương. Ngay cả hiện tại, có lẽ cũng đã và đang tồn tại âm ỉ những “vết thương” do sâu trùng đục khoét, hầu hết chúng ta hay xem thường và để ngoài lề.

Chính vì những nỗi khắc khoải, mối ưu tư như vậy, người viết mong muốn đi sâu, tìm hiểu và khai thác một cách triệt để hình ảnh Đề Bà Đạt Đa phá Tăng liên hệ với thời đại Phật giáo nhập thế. Ngõ hầu, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính mình cũng như gửi đến chư vị đồng tu Thích tử đôi lời tâm ý hết sức chân thành tự đáy tâm can.

NỘI DUNG

1. Đề Bà Đạt Đa dưới lăng kính thời đại

Nếu thời gian góp nhặt, ghi chép về lịch sử vĩ đại thì cũng kết nối tạo nên dòng tư tưởng đồng hành, song song không thể tách rời. Trong thế giới phẳng, vấn đề được phơi bày đến độ rõ nét, chân thật mọi góc nhìn. Tiếp biến về hình ảnh nhân vật ở ba thời kỳ Phật giáo cũng theo tư tưởng thời đại mà mang tính cấp tiến.

Khi mô tả về nhân vật ban đầu, cũng như bao vị Tỳ khiêu trẻ, đều ôm trong mình hoài bão tu tập, thoát trần như Phật: “Giai đoạn đầu của thời tu đạo Đề Bà Đạt Đa cũng là một Tỳ kheo nhiệt thành, cũng có được nhiều tiếng khen. Cho nên ông được Vương tử A Xà Thế rất ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ này hình như vượt trên mức bình thường khiến nhiều Tỳ kheo cũng ngạc nhiên. Không phải họ ngạc nhiên vì ganh tị, mà vì vương tử A Xà Thế được biết là người không có tín tâm, nhưng nay lại phát tín tâm nhiệt thành và sùng kính Đề Bà Đạt Đa hơn cả đối với đức Phật. Nhưng chính những danh dự và lợi dưỡng như Đề Bà Đạt Đa từng cố với tới đã trở thành vũng bùn lầy, dẫn ông ta đến sự sụp đổ hoàn toàn. Đức Phật khéo léo cảnh giới các Tỳ kheo: “Chớ có ganh tị, thèm muốn danh dự và lợi dưỡng như Đề Bà Đạt Đa. Danh dự và lợi dưỡng ấy rồi sẽ gây tổn thất cho Đề Bà Đạt Đa, sẽ dẫn Đề Bà Đạt Đa đến chỗ tự hủy, như cây chuối sau khi cho trái để rồi tự diệt”[1].

Lăng kính thời đại, cũng không nằm ngoài quy luật về sự phát triển từ hình thức đến nội dung. Truyện cổ tích có biểu tượng “thiện” là ông Bụt, bà Tiên cứu giúp những mảnh đời bất hạnh mà có trái tim hiền lành, chân thật. Nhưng thực tế đời sống thì không thể chờ đợi sự xuất hiện như một điều tất yếu của nhân quả đến mức vô lý, khó hiểu lại có thể được chấp nhận như một sự hiển nhiên từ bao đời. Thay vì trông mong kỳ tích, con người ngày nay giữa thời đại của khoa học, kỹ thuật không ngừng phát triển, lại muốn sử dụng đồng thời sự sáng suốt của trí não và tâm lý tình cảm cùng lúc để giải quyết mọi vấn đề.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc De Ba Dat Da 1

Đến nhân quả còn được tìm, soi dưới ống kính khoa học thì thiện – ác không còn chỉ là sự phân định tách rời. Từ sự thấu tỏ đó, đến những khái niệm về có mặt trong nhau được hình thành, với xã hội hiện đại, mà không ngờ rằng điều đó đã được Bậc Chính Giác khai thị ngay từ buổi đầu thành đạo “Cái này sinh thì cái kia sinh…”.

Tất cả đều tồn tại song song đã được thiền sư Nhất Hạnh áp dụng trong thiền sinh hoạt, “có mặt trong nhau” ra đời để đáp ứng phần đông đòi hỏi sự định tĩnh giữa bao biến động của thiên nhiên hay cuộc sống.

Giữa tĩnh và động đều đồng thời, nên tâm có loạn, có định, thân tứ đại không đứng im như thấy bằng mắt phàm, bao sự chảy trôi đều được gọi tên “vô thường”. Lịch sử Việt Nam có nhân vật Trần Thủ Độ, tội không ít mà công cũng không nhỏ, đã một thời mờ nhạt trong những lần ghi công không bao giờ nhắc tới. Nhưng hệ tư tưởng của loài người cũng phải thay đổi, công lao ông khó có thể phủ nhận. Sự chấp nhận ngang trái trong cuộc đời còn khiến cho khi nhìn lại vẫn nở nụ cười buông xả vì đã qua, cớ sao, lại vì một điều sai trái mà quên đi bao nhiêu lần làm đúng. Mặc dù, chỉ là câu chuyện ngoài lề, nhưng lại dấy lên những suy ngẫm về bao vấn đề cần lời giải đáp.

Qua những nhận định khái quát trên, từ người khởi xướng ly giáo thời Phật cho đến một biểu pháp mang tính cảnh tỉnh như hình ảnh Đề Bà Đạt Đa thật sự cần một góc nhìn mới hay cũng có thể sám hối, có khả tính thành Phật như trong Kinh Pháp Hoa đề cập nguyên một phẩm. Kế thừa và phát triển giáo Pháp đến cùng tột, hẳn không thể không nói đến Pháp Hoa về mặt tư tưởng. Tính dung thông, hòa hợp trong Kinh đã khiến cho vị trí người nữ và Đề Bà có cơ hội được chuyển hóa về kết quả. Không còn gói gọn trong sự rành rẽ thiện ác, mà phát triển đến độ viên mãn, nhưng không bác bỏ nhân quả, không xa rời thực tế chính là điểm đến của Phật giáo “Tịnh độ tại nhân gian”. Đây chẳng phải là mục đích của Phật giáo nhập thế ngày nay hay sao! Tự bên trong nhân vật đã có những diễn tiến tâm lý qua mỗi giai đoạn cũng khác nhau, thì đứng trước sự phán xét của thời đại hiện nay, cũng nên có cái nhìn tổng thể mang tính hoàn bị. Góc độ, ánh sáng, con mắt mỗi loài lại cho ra những phản chiếu khác nhau trên cùng một sự vật, thì vị trí nhân vật Đề Bà có nên thay đổi hay không?

Cuộc sống đau khổ, u ám hay tràn đầy sức sống mỗi ngày được quyết định ở cách nhìn của chủ thể, từ đó đưa đến một tương lai khả quan hay ngụp lặn mà trong Phật Pháp gọi là “y báo chính báo”.

Chính bởi sự toàn diện của Phật giáo đã làm nên tính nhập thế cao, vượt qua sự đua tranh tầm thường, vượt qua những phàm tình thế tục để hướng tới tính khả thi, lợi ích nhân quần, căn bản đã có từ khi đức Phật thị hiện độ sinh.

2. Những suy ngẫm về Phật giáo nhập thế

Tìm hiểu về nhân vật Đề Bà Đạt Đa để nhìn lại Phật giáo nhập thế trong thời đại mới. Khủng hoảng tâm lý, áp lực cuộc sống gia đình, công việc, học hành đã khiến cho một cộng đồng con người đa phần trở nên thụ động hơn, giấu mình trong những vỏ bọc kiên cố, hay ôm mối sầu mà thành bệnh trầm cảm khó chữa. Mọi căn bệnh thế kỷ này đều bắt nguồn từ những phiền não chướng ngại ngăn che, con người tưởng rằng dựa vào khoa học là có thể làm chủ mọi thứ mà quên mất tâm thức bị bó buộc trong thân tứ đại, không cách gì vùng vẫy. Nhập thế là vào đời độ sinh những không quên mình, tự tu tập tích lũy năng lượng mới mong vì chúng sinh hóa độ. Hoằng pháp Phật giáo là như thế, công phu miên mật, định tuệ trang nghiêm thì hai chữ nhập thế mới không bị thế gian độ. Mọi hình thức nhập thế như giáo dục, truyền thông, trị liệu,… đều là phương tiện thiện xảo đưa chúng sinh dần đến gần giáo pháp nên có Phật Dược Sư, Phật Di Đà, Bồ Tát Quán Âm với ba hai ứng hóa thân.

Chi tiết làm thân Phật chảy máu khi âm mưu lăn đá của nhân vật khiến người viết liên tưởng đến bao mũi dùi công kích đạo Phật, tuy không thể ảnh hưởng đến Đạo, nhưng có thể gây nội thương tự sâu xa bên trong. Máu chảy là biểu hiện của tác động không phải từ bên ngoài. Cũng như thế, ngoại đạo phá sao được Phật giáo, nên chúng đành quay mũi về phía đệ tử Thích Tôn. Phật là hiện thân của Pháp, thường-lạc-ngã-tịnh, thế lực gì có thể gia hại, nhưng chỉ có những hủy phạm về giới luật mới đủ sức chặt đứt sự trường tồn đó nên có “chảy máu”.

Tri kiến Phật nhìn muôn loài trong sự giải thoát nên đều đồng đẳng, không sai khác: “Lại như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đem sân tâm lăn đá đến Phật, hoặc La Hầu La đem tâm cung kính chấp tay lễ Phật, đối với hai người ấy, tâm Phật bình đẳng thương yêu như yêu đôi mắt mình. Có những điều gây loạn như vậy, Phật không có tư tưởng đối khác. Thí như vàng thật, đốt, mài, dũa, sắc nó không biến đổi. Phật trải qua các việc ấy, tâm không có thêm bớt, nên có thể biết các tập khí phiền não yêu ghét, Phật đều đã dứt sạch”[2].

Phướn động hay tâm động, vốn đã có lời quyết nghi, cớ sao lại vì mê lầm mà vội gây tội thị phi. Việc Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) phá hoại Tăng đoàn và mưu hại đức Phật, Thế Tôn dùng ví dụ đi tìm lõi cây để giải thích rằng: “Có một số Tỳ kheo vui với việc cúng dường, lấy việc cung kính và danh vọng làm mục tiêu mà phóng dật tự mãn, như chỉ nắm lấy ‘cành lá’ mà bỏ qua bộ phận lõi cây. Có một số Tỳ kheo lấy việc thành tựu giới hạnh làm mục tiêu mà phóng dật tự mãn, như chỉ nắm lấy ‘vỏ ngoài’ mà bỏ qua bộ phận lõi cây. Có một số Tỳ kheo lấy thành tựu thiền định làm mục tiêu mà phóng dật tự mãn, như chỉ nắm lấy ‘vỏ trong’ mà bỏ qua bộ phận lõi cây. Có một số Tỳ kheo lấy thành tựu thần thông để làm mục tiêu mà phóng dật tự mãn, như chỉ nắm lấy “dác gỗ” mà bỏ qua phần “lõi cây”[3].

Buông xả thật sự bên trong, không vướng mắc là một loại tu hành không dễ dàng, sự xem trọng, danh dự, lợi dưỡng của thế gian tại sao không mang đến khi sinh ra nhưng lại muốn nắm bắt, ôm đồm khi nhắm mắt, là câu hỏi mà bao người hối tiếc chưa kịp tìm ra lời bình. Nhiệm vụ của nhập thế là mang tính thời đại, gánh trọng trách trường lưu Phật pháp, trong thì gắng nối giữ gia nghiệp Như Lai, ngoài thì lấy đức cảm đến nhân sinh, thế thái.

Thực tế, nhập thế vốn bắt nguồn từ thời kỳ đầu Phật giáo, nhưng đến giai đoạn phát triển Phật giáo mới có một vị trí và vai trò hưng thịnh. Cũng từ Phật giáo nhập thế mới tìm ra những khía cạnh, góc nhìn ẩn giấu để tổng quan được tròn vẹn. Mọi khái niệm, quy ước mang tính truyền thống được bổ sung, kế thừa và phát huy đến viên mãn khiến cho Phật giáo luôn là đề tài tiềm tàng mà các nhà khoa học tìm kiếm, chứng minh. Ngang qua nhân vật Đề Bà Đạt Đa, Phật giáo một lần nữa mang đến cho sự bao trùm, dung thông, rộng lớn, vượt hết mọi quy luật tưởng là thường hằng, vĩnh cửu để thấy được sự vô tận trong thế giới bao la. Những khúc mắc về thế giới, con người mỗi ngày đều được khoa học chứng minh nhưng đều là điều mà Phật giáo đã nhắc tới từ lâu xa, cho thấy sự khế hợp khoa học là điều tất yếu của giáo pháp. Phương cách truyền thông ngày nay, đúng như lời Hòa thượng Tịnh Không nói là: “Thế giới của Ma vương làm nhiễu loạn nhân thế, người làm công tác giáo dục Phật giáo nhập thế nên cần một nội công tu tập cao và đức độ lớn mới có thể vì nhân sinh mà hóa độ. Và bản thân mỗi người trước mọi thông tin dù báo hay mạng cũng nên chính tín xét suy để không rơi vào lưới ‘quyến thuộc Ma’, bảo tồn tâm bền theo chí Phật, hầu mong báo đền trong muôn một”.

KẾT LUẬN

Phật giáo từ những buổi đầu đã gồm thâu nghĩa tự lợi, lợi tha đâu cần đợi khi nhập thế. Chỉ qua những chi tiết trong cuộc đời Đề Bà Đạt Đa, một nhân vật phản diện đã được Phật giáo hóa thành tựu thực sự mang đến một bài học vô cùng đắt giá. Không kể đến sự Từ bi – Trí tuệ của Phật, bài viết tập trung xoáy sâu vào hình ảnh nhân vật Đề Bà từ lịch sử đến đời sống, ngay trong xã hội hiện đại giữa tổng quan Phật giáo tại nhân gian. Dù ở thời đại nào thì Phật giáo luôn có những đối nghịch như thế, để hàng hậu học về sau luôn cảnh giác, sáng suốt, tĩnh tâm mà thấu tỏ, chớ vội nghe lời chê khen, phá hoại mà mất đức nhân hòa.

Qua đó, cũng thêm một lần nhận thấy lòng cảm mến nơi giáo pháp càng tăng trưởng khi tìm hiểu về những hành động đối đãi với kẻ ác hay gọi tên nghịch tử cũng không sai. Chỉ với một nhân vật đã toát lên ý nghĩa hàm tàng về mối quan hệ thầy trò của Phật và soi tỏ về thế giới ngày nay. Suy cho cùng, các mối quan hệ xã hội luôn cần đặt để đạo đức lên hàng đầu. Mỗi người đều trọn vẹn với vị trí của mình, từ đó sẽ dung hòa trong quỹ đạo, an lập nên một thế giới bình yên, hạnh phúc. Những gửi gắm của người viết không phải vài trang có thể bày tỏ, nhưng cũng xin mượn nhân vật làm chủ thể đề tài, mà lạm bàn về giá trị, vai trò của nhập thế kể từ xa xưa đến nay và mãi mãi. Xét về tính nhập thế qua nhân vật có thể không cao nhưng thực tế, thì ở mỗi thời đại đều tồn tại hình ảnh thiện tri thức như vậy, chỉ mong bài viết có thể phần nào soi tỏ lộ trình giải thoát đến với mỗi người, để hiểu hơn về lời cảnh tỉnh cũng như rút ra bài học đầy uyên áo trước những biến động của hai chữ “thịnh suy”.

Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác
Học viên Ths Khóa IV, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

[1] Thích Nguyên Chứng (biên soạn), Pháp Diệt Tránh, III. Đề Bà Đạt Đa, trang 28.
[2] Thích Thiện Siêu, Luận Đại Trí Độ 5, Giải thích thẩm ba Tuệ thứ 70, trang 138.
[3] Thích Huệ Mẫn, Việt dịch: Thích Vạn Lợi, Giáo dục Phật giáo tại Đài Loan, 3. An lành và điều trị cho người cao tuổi, Cộng đồng Tịnh độ (năm 1998, 44 tuổi), trang 460.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ấn Thuận, Thích Phước Sơn và Thích Hạnh Bình dịch (2015), Lịch sử biên tập thánh điển Phật giáo nguyên thủy, Nxb Phương Đông.
2. Nalinaksha. Dutt, Thích Minh Châu dịch (2015), Đại thừa và sự liên hệ tiểu thừa, Nxb Tôn Giáo.
3. Thích Nguyên Chứng (biên soạn), Pháp Diệt Tránh, III. Đề Bà Đạt Đa.
4. Donald s. Lopez, Jr, Trần Văn Duy dịch (2019), Đời sống của các giáo điển vĩ đại, NXB Hồng Đức.
5. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (2012), Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Tôn Giáo.
6. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (2012), Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Tôn Giáo.
7. Kimura Taiken, Thích Quảng Độ dịch (2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb Tôn Giáo.
8. Thích Huệ Mẫn, Việt dịch: Thích Vạn Lợi, Giáo dục Phật giáo tại Đài Loan, An lành và điều trị cho người cao tuổi, Cộng đồng Tịnh độ (năm 1998, 44 tuổi), trang 460.
9. Abe Masao, Nguyễn Thành Sang dịch (2016), Nhập môn Phật giáo, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
10. Thích Thiện Siêu (1999), Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại thừa, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
11. Thích Thiện Siêu, Luận Đại Trí Độ 5, Giải thích thẩm ba Tuệ thứ 70.
12. Thích Trí Tịnh dịch, giảng (2007), Pháp Hoa Kinh thông nghĩa, Nxb Tôn Giáo.
13. Chơn Thiện (2013), Tư tưởng kinh Pháp Hoa, Nxb Phương Đông.
14. Mật Thể (1971), Phật học khái luận, Tổng Phát Hành Minh Đức.
15. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, NXB Tôn Giáo.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường