A.Mở đầu
Đạo Phật du nhập vào nước ta, đến nay đã hơn 2.000 năm, trải qua bao thăng trầm, biến thiên cùng lịch sử nước nhà, Phật giáo đã bén rễ sâu trong đời sống xã hội, gắn bó với dân tộc.
Đạo Phật đồng hành cùng dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua các triều đại vua chúa khi cho xây dựng đền đài, lầu gác đều mang dáng dấp của những ngôi chùa, điều dễ hiểu có lẽ vì tôn giáo là nơi gửi gắm linh hồn văn hóa của dân tộc.
Khảo cứu những di tích, cổ vật… tại các ngôi cổ tự không những giúp hiểu rõ về lịch sử cũng như văn hóa Phật giáo, cung cấp tư liệu về lịch sử văn hóa của các triều đại, dân tộc, vùng miền, chế độ, đời sống sinh hoạt của cư dân.
Chùa Phụng Sơn (chùa Gò), quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã từng diễn ra quá trình sinh hoạt của vương quốc Phù Nam; ngoài ra, chùa Phụng Sơn còn là một trong những cơ sở tôn giáo được hình thành sớm nhất ở miền Nam.
Ngôi cổ tự đã để lại nhiều di tích, di sản Phật giáo, không chỉ đơn thuần hàm chứa riêng lịch sử nhà Phật mà còn cung cấp sử liệu về lịch sử văn hóa dân tộc.
![(Ảnh: sưu tầm) (Ảnh: sưu tầm)](https://media.tapchinghiencuuphathoc.vn/uploads/2025/02/10/tap-chi-ncph-chua-phung-son-1-1739169343.jpg)
1.Lịch sử hình thành và phát triển chùa Phụng Sơn
Chùa Phụng Sơn còn có tên gọi dân gian khác là chùa Gò, xưa tọa lạc trên đường Trần Quốc Toản, nay là số 1.408 đường 3 tháng 2, phường 2, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ngôi chùa có niên đại hơn 200 năm được Bộ VHTT & DL xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”. Chùa Phụng Sơn được Thiền sư Liễu Thông (1735 - 1840) tạo lập khoảng những năm đầu thế kỷ XIX, dưới đời vua Gia Long triều Nguyễn (1802 - 1820) trên nền của một ngôi chùa Khmer cổ kính đã bị hoang phế, nằm trên một gò nhỏ xung quanh là ao, có trồng sen, thuộc vương quốc Thủy Chân Lạp.
Hòa thượng Thích Trí Định - Trụ trì Tổ đình Phụng Sơn kể lại, vào đầu thế kỷ XIX, trên đường đi vân du hành đạo từ miền Trung vào Nam, Thiền sư Liễu Thông (Pháp danh Chơn Giác, tục danh Huỳnh Đậu, người gốc Thanh Hóa) đã đến vùng đất Gia Định, dừng chân bên một gò đất cao, dưới chân gò là một bàu sen bao quanh trong xanh mát mẻ, trên mặt bàu điểm lấm tấm những đóa hoa sen hồng đang nở rộ. Thấy cảnh trí u nhàn thanh tĩnh nên Thiền sư Liễu Thông đã quyết định dựng lên một thảo lư tại gò đất ấy. Mới đầu ngôi thảo am rất nhỏ với mái lá đơn sơ, thờ Phật (tượng Phật của chùa Khmer cũ còn lại). Tương truyền, vào những buổi chiều, Tổ sư Liễu Thông vẫn thường lần chuỗi hạt, đi niệm Phật quanh bốn phía gò đất; một ngày nọ, Tổ sư đang đứng trước thảo am, bỗng thấy một con chim phụng từ đâu bay đến đậu trên cành cây ngô đồng, ăn trái và cất tiếng hót trong veo, từ đó bay về đậu trên cành đa, nhận thấy việc chim phụng xuất hiện là điều hiếm có và chắc chắn là một điềm lành, cho nên Tổ sư Liễu Thông liền đặt tên chùa là Phụng Sơn.[4, tr.3.] Cũng có nghĩa là chùa trên núi có chim phụng.
Từ khi hình thành cho đến nay đã trải qua hơn 200 năm, chùa Phụng Sơn vẫn không ngừng phát triển qua các đời trụ trì, ngoài việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc, nhà chùa còn tổ chức các buổi lễ chính trong Phật giáo như: lễ Cầu quốc thái dân an đầu năm, lễ Phật đản, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ Vía Phật Di Đà, lễ Vía Phật Thích Ca thành đạo... với quy mô rất lớn và long trọng với sự hiện diện của đông đảo nhân dân phật tử xa gần.
Chùa tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội như trao tặng nhà tình thương, chia sẻ quà tết đến các gia đình khó khăn, tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo…
Các thế hệ trụ trì
Chùa Phụng Sơn thuộc hệ phái Bắc Tông, dòng Lâm Tế (Đạo, Bổn, Nguyên), từ ngày thành lập đến nay, trải qua 10 đời trụ trì, bắt đầu tính từ Tổ khai sơn là Thiền sư Liễu Thông.
Tổ sư Liễu Thông, thế danh Huỳnh Đậu (1753-1840), gốc người Thanh Hóa, là vị khai sơn chùa Phụng Sơn. Sau khi tổ khai sơn viên tịch, đồ chúng đã cung thỉnh sư Hải Linh, thế danh Ngô Văn Núi kế nhiệm trụ trì, trùng hưng chốn tổ được 56 năm thì viên tịch vào ngày 23/11/1896 Âm lịch.
Bảy ngày sau, bổn đạo lại bầu trưởng nam của nhị tổ là ông Ngô Văn Tự tạm thời quản lý chùa (vì ông Tự chỉ là một cư sĩ, không phải bậc xuất gia).
Sau một thời gian, ông Tự cùng bổn đạo cung thỉnh Đại sư Thanh Sơn kế nhiệm trụ trì, nhưng chưa đầy một năm tổ Thanh Sơn đã viên tịch. Sau khi tổ Thanh Sơn viên tịch, để tiếp tục sự nghiệp truyền đăng tục diệm, đồ chúng đã một lòng cung thỉnh sư Thiện Định, thế danh Đoàn Văn Đại, bây giờ đang trụ trì chùa Tịnh Độ (Tân Sơn Nhất). Sau khi nhận chùa, nhà sư Thiện Định đã giao phó lại cho đệ tử của mình là ngài Huệ Minh trông nom chùa.
Ngài Huệ Minh, Pháp hiệu Trừng Đăng thế danh Phan Văn Trà, sinh năm 1885 nguyên quán ở xóm Củi chợ lớn. Nhận thấy chùa cũ nát, kiến trúc thô sơ, ngài đã vận động khắp nơi để xây dựng chốn tổ được huy hoàng. Tháng 9 năm Đinh Hợi 1947, sư bệnh nặng mà viên tịch. Trụ trì 41 năm.
Nhà sư Huệ Thành, thế danh Phan Ngọc Chung sinh năm 1888, là em ruột sư Huệ Minh, đã thay anh mình kế tục sự nghiệp tiếp tăng độ chúng. Cũng vào thời điểm nay, đất nước chiến tranh loạn lạc, quân Pháp tràn lan khắp nơi, chùa cũng ít người lui tới. Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nhận thấy sức khỏe mình ngày càng yếu, sư liền phó thác chùa lại cho đệ tử là sư Phước Quang. Năm 1955 sư Huệ Thành viên tịch.
Ngài Phước Quang thế danh Phạm Kim Diệp, sinh năm 1922, dưới sự chứng minh của chư tôn đức và phật tử khắp nơi, thầy chính thức nhận chức trụ trì chùa Phụng Sơn năm 1955. Khi đất nước rơi vào tay giặc thì chùa chiền cũng không tránh khỏi tai ương, chính quyền Ngô Đình Diệm muốn phá bỏ chùa Phụng Sơn, phần người dân xung quanh lại muốn chiếm đất chùa, khó khăn bao phủ, sư Phước Quang phải chạy vạy khắp nơi.
Năm 1963 sư khai mở lớp học đào tạo tăng tài cho giáo hội, rồi tiếp tục mở trường Hương trong nhiều năm liên tiếp. Năm 1996 sư Phước Quang viên tịch, tháp ngài được đặt trong khuôn viên chùa.
Theo lời thỉnh cầu của Hòa thượng Phước Quang, thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Thượng tọa Minh Phát, tục danh Lê Nhựt Nguyên, sinh năm 1956 tại Chợ lớn, về trụ trì chùa Phụng Sơn trong vòng 4 năm thì chuyển đến nơi khác.
Ngài Trí Định, thế danh Phạm Văn Tu sinh năm 1947, quê quán tại Tân Lập Long An, ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam Bảo. Năm 1962 ngài về chùa Phụng Sơn xin y chỉ Hòa thượng Phước Quang. Năm 1994, Hòa thượng Phước Quang bệnh nặng, Hòa thượng Trí Định được giao trọng trách thừa kế theo di chúc. Năm 2013 ngài Trí Định chính thức nhận chúc trụ trì.
Ngài Quảng Trí, thế danh Phạm Trí Dũng sinh năm 1980 tại Bến Tre. Năm 2020, được bổ nhiệm trụ trì chùa Phụng Sơn cho đến nay. “Trải qua gần 200 năm kể từ ngày khởi dựng, với 10 đời trụ trì, chùa Phụng Sơn ngày càng phát triển, tuy đã qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được cấu trúc ban đầu” [3, tr.31.]. Có thể nói chùa Phụng Sơn là một ngôi chùa cổ mang đầy đủ sắc thái từ kiến trúc ngoại cảnh, cho đến lịch sử nghệ thuật.
2.Kiến trúc và mỹ thuật, cổ vật chùa Phụng Sơn
2.1. Vị trí địa lý
Chùa Phụng Sơn tức Phụng sơn Tự, còn có tên là chùa Gò, tọa lạc ở số 1.408 đường 3 tháng 2, phường 2, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, vốn là ngôi chùa của làng Minh Phụng xưa và là một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Là một trong những điển hình chùa cổ ở Nam Bộ với kiến trúc cảnh quan hài hòa, chùa Phụng Sơn có thế đất đáp ứng thuật phong thủy khi chùa được xây trên nền đất gò cao, trước mặt có hồ nước trong xanh, có ao sen bao quanh.
Đây là thế đất mà theo phong thủy phương Đông cho rằng sẽ giúp hưng tiến đạo pháp. Nơi hội tụ nhiều linh khí hòa hợp: “Ở cách trấn lỵ về phía Nam 13 dặm rưỡi, gò đất nổi cao, có nhiều nam mai, cội già ngả nghiêng, nhưng mùa nở hoa thì không có tuyết, chỉ có lá che chở hương thơm mà thôi. Hoa cẩm khí thiên mà sinh ra, không đem trồng nơi khác được, suối trong chảy quanh chân gò, chiều mát các cô gái chống xuồng hái sen. Gặp lúc thời tiết đẹp, văn nhân thi sĩ xách nhậm mang bầu theo tùng bậc đi lên, ngâm vịnh dưới hoa, câu thơ phảng phất mùi thơm thật là một thắng cảnh cho khách du lãm [2, tr.32.].
Mặt chùa hướng phía Nam vì đó là hướng Bát nhã, cảnh chùa phối hợp với thiên nhiên thật khéo léo, trên một gò đất cao bao xung quanh là sen, phía trước và phía sau thoáng đãng, thanh tịnh, đây thực sự là một vị trí đảm bảo cân bằng âm dương, nói lên văn hóa vùng miền mà người xưa vô cùng coi trọng khi xây cất.
2.2.Kiến trúc mỹ thuật
Kiến trúc chùa Phụng Sơn, được xem là kiến trúc chùa cổ tiêu biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Năm 1904, từ am lá được xây cất lại một cách đơn sơ. Tính từ thời điểm đó cho đến nay, chùa Phụng Sơn đã có hai lần đại trùng tu, lần đầu tiên vào thời Hòa thượng Huệ Minh trụ trì (1904 - 1915) và lần tiếp theo vào năm 1960. Mặc dù được trùng tu nhiều lần, nhưng chùa vẫn giữ lối kiến trúc cổ, với bộ khung gỗ. Mái chùa lợp ngói âm dương và sà thấp xuống hai bên hàng hiên rộng làm cho không khí trong chùa thông thoáng, mát mẻ: “Đặc điểm các mái đều xuôi ở đầu đao, có dạng vuông bằng sắc cạnh, không uốn cong như mái chùa ngoài miền Bắc, vì đặc trưng vùng miền Nam bộ” [3, tr.73].
Các vì kèo nối nhau tạo thành hình tứ trụ trên đỉnh mái, trong chùa chia ra hai khu rõ rệt, phía trước là chính điện, cách một sân lộ thiên, phía sau là nhà giảng. Hai bên sân lộ thiên có đông lang và tây lang, nối liền hai nơi. Sân lộ thiên có hòn non bộ, tượng Quán Âm và cây cảnh; nhờ có khoảng sân này nên chùa thêm thoáng đãng.
Chùa Phụng Sơn được xây theo kiểu chữ “Quốc” (国), dài trên 40 mét, rộng gần 20 mét, chùa thờ kiểu “tiền Phật, hậu Tổ”. Chính điện là nơi tập trung nhiều bức hoành phi câu đối, liễn, bao lam, được chạm trổ tỷ mỉ tinh xảo, tạo nên vẻ đẹp trang nghiêm cổ kính trong không gian thờ tự.
![Chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ sau nhiều lần tu sửa (Ảnh: sưu tầm) Chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ sau nhiều lần tu sửa (Ảnh: sưu tầm)](https://media.tapchinghiencuuphathoc.vn/uploads/2025/02/10/tap-chi-ncph-chua-phung-son-2-1739169528.jpg)
![Sân lộ thiên bên trong chùa Phụng Sơn (Ảnh: sưu tầm) Sân lộ thiên bên trong chùa Phụng Sơn (Ảnh: sưu tầm)](https://media.tapchinghiencuuphathoc.vn/uploads/2025/02/10/tap-chi-ncph-chua-phung-son-3-1739169555.jpg)
2.3.Những cổ vật trong chùa
Điện Phật bài trí tôn nghiêm, hệ thống tượng thờ đều là tượng cổ, mang tính nghệ thuật và nhiều phong cách, chất liệu bằng gỗ, bằng đồng, bằng gốm… đều được thiếp vàng chạm trổ mỹ thuật. Hiện tại chùa có tổng cộng khoảng 40 pho tượng thờ. Nhiều tượng thờ do nhóm thợ từ Sa Đéc, do Hòa thượng Huệ Minh mời đến chùa để chế tác vào những năm đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, những pho tượng nơi đây đa số đều quý và mang giá trị lịch sử văn hóa như bộ “Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện” [5]. Chính điện tôn trí tượng bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở nơi cao nhất, tiếp đến là bộ tượng Ngũ Hiền thượng kỳ thú, tượng Phật đản sinh nhỏ và một số tượng khác.
Ở đây, cũng đã tìm thấy một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Thái Lan. Tương truyền, tượng Phật do Thái Lan tạo là tượng mà chùa Khmer khi dời đi đã rơi xuống bàu sen bên hông chùa khi con voi trắng bị sụp chân. Tượng bằng đồng, với hình dáng một tượng Phật nữ, đứng thon thả, hai tay không chắp trước ngực cũng không phải đang thiền như các tượng Phật sau này. Trang phục là chiếc váy bó sát thân, hơi rộng và xòe ra ở phần tà. Các hoa văn trên y phục giống hoa văn ở cung đình Thái Lan. Chân và tay của tượng Phật rất thanh, không hề thể hiện sự gò bó. Tượng cao khoảng trên 1 mét, đây là một tượng Phật cổ quý hiếm.
Những kết quả này cho thấy cách đây gần 15 thế kỷ, chùa Phụng Sơn chính là địa điểm của một ngôi đền thờ Bà La Môn giáo của người Phù Nam, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Bộ tượng Ngũ Hiền thượng kỳ thú tại ban thờ giữa chính điện.
Tượng Phật Thích Ca tạc theo phong cách Nhật Bản, nghệ thuật ghép từng mảnh gỗ tạo thành tượng ruột bộng, với những đường nét chạm trổ rất tinh tế, ngoài ra chính điện còn có một số ban thờ khác như: Linh Sơn Thánh Mẫu, Quan Thánh, Long Vương, năm thầy trò Đường Tam Tạng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân... và đặc biệt là bàn thờ Tiêu Diện - Hộ Pháp đối diện ban thờ Tam bảo với tượng Tiêu Diện Đại Sĩ được tạo bằng gốm sứ đã góp phần giới thiệu một phong cách nghệ thuật và kỹ nghệ chế tác tượng gốm Nam bộ vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nhà hậu Tổ được tôn trí sau lưng chính điện, nổi bật với tượng Bồ Đề Đạt Ma cũng được làm bằng gốm Nam bộ đầu thể kỷ XX.
Có hai pho tượng cổ chưa rõ tên được phụng thờ tại nhà tổ, ngoài ra còn có một số tượng, bài vị các đời trụ trì chùa Phụng Sơn.
![Nhà hậu tổ (nơi thờ bài vị, tượng, của chư vị tổ sư) - Nhà hậu tổ (nơi thờ bài vị, tượng, của chư vị tổ sư) -](https://media.tapchinghiencuuphathoc.vn/uploads/2025/02/10/tap-chi-ncph-chua-phung-son-4-1739169622.jpg)
![Chính điện chùa Phụng Sơn. (Ảnh: sưu tầm)
Chính điện chùa Phụng Sơn. (Ảnh: sưu tầm)](https://media.tapchinghiencuuphathoc.vn/uploads/2025/02/10/tap-chi-ncph-chua-phung-son-5-1739169660.jpg)
3.Giá trị văn hóa chùa Phụng Sơn
“Di tích lịch sử văn hóa là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và các tác phẩm có giá trị lịch sử khoa học, nghệ thuật, cũng như có các giá trị khác, hoặc liên quang đến các sự kiện lịch sử khác, quá trình phát triển văn hóa xã hội” [1, tr.16].
3.1. Giá trị văn hóa
Chùa Phụng Sơn là một trong những cổ tự còn đậm nét tín ngưỡng dân gian, thể hiện qua việc thờ Linh Sơn Thánh Mẫu - một trong những vị thần được tôn kính và thợ tự phổ biến ở miền Nam; không chỉ dừng ở đó, việc thờ Quan Thánh cũng là một nét văn hóa tín ngưỡng của người Hoa. Qua đây, cho thấy rõ tinh thần Phật hóa, tùy duyên bất biến, nhập thế độ sinh của nhà Phật, luôn thích ứng mọi hoàn cảnh cũng như vùng miền.
Điều này làm chúng ta khơi lại ký ức về sự du nhập của đạo Phật vào đất nước ta từ những năm đầu công nguyên và hòa nhập văn hóa tín ngưỡng bản địa thông qua sự xuất hiện của Phật mẫu Man Nương, Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ… là cách lồng ghép giáo lý nhà Phật vào tín ngưỡng dân gian như một thông điệp khuyến khích mọi người hành thiện nhằm tích phúc và cách lồng ghép ấy đã được quần chúng nhân dân đón nhận và thực hành theo giáo lý Phật Đà.
Vào những năm đầu thế kỷ XIX, khi ngôi chùa Gò được hình thành, tinh thần tùy duyên bất biến của nhà Phật một lần nữa được áp dụng trên mảnh đất của vương quốc Phù Nam này, tiếp tục tôn trọng cũng như hòa nhập cùng văn hóa tín ngưỡng bản địa của người dân Nam bộ. Điều đặc sắc ở Phật giáo, không bài trừ các cách thức thờ cúng cũng như nghi lễ tín ngưỡng dân gian này, mà còn tiếp nhận và biến đổi có chọn lọc, phù hợp với đời sống xã hội hiện tại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tâm linh nhưng không xa rời chân lý nhà Phật.
Một bằng chứng khác là dấu vết của quá trình sinh sống và cộng cư của nhiều dân tộc tại vùng đất này thể hiện qua hình ảnh ngôi miếu nhỏ thờ Ông Tà (Neak Tà) vẫn còn được giữ gìn trong khuôn viên chùa, bên những ngôi tháp Tổ; đây là tín ngưỡng, là nét văn hóa phổ biến của cư dân Khmer nhưng khi thành lập ngôi chùa, các vị trụ trì không hề phá bỏ mà ngược lại còn giữ gìn, trùng tu và tiếp tục thờ cúng như tôn trọng một nét đẹp của văn hóa truyền thống vương quốc cổ. Bên cạnh đó, chùa Phụng Sơn còn lưu giữ rất nhiều pho tượng cổ với niên đại hàng trăm năm.
Nếu chùa cổ Trường Thọ (quận Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh) mang nét văn hóa giữa người Việt và người Hoa thông qua bộ tượng Thập Bát La Hán bằng gốm Sài Gòn do người Hoa tạo tác, thì chùa Phụng Sơn không chỉ mang nét văn hóa của người Việt và người Hoa, mà còn hội tụ các nét văn hóa của vương quốc Phù Nam, Nhật Bản, người Khmer... bằng chứng là tượng Phật đồng mang phong cách Thái Lan của văn hóa vương quốc Phù Nam, miếu ông Tà - văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, thờ Quan Thánh theo tín ngưỡng người Hoa, thờ Linh Sơn Thánh Mẫu theo tín ngưỡng người dân Nam bộ, tượng Phật do Nhật Bản tạc theo phong cách nghệ thuật ghép từng mảnh gỗ tạo thành tượng ruột bộng, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ và Bồ Đề Đạt Ma cùng nhiều tượng khác được làm từ gốm sứ Nam bộ... ngoài ra còn dung hòa giữa phong cách tôn trí chính điện cũng như cấu trúc chùa theo Phật giáo miền Bắc kết hợp Phật giáo miền Nam và văn hóa tín ngưỡng bản địa.
Có thể thấy, chùa Phụng Sơn là nơi hội tụ đa màu sắc văn hóa từ nhiều vùng miền trong và ngoài nước, hài hòa truyền thống và hiện đại nhưng vẫn không xa rời giáo pháp nhà Phật. Ngôi cổ tự mang trong mình giá trị cao quý về mặt tâm linh cũng như góp phần vào các lĩnh vực nghiên cứu khoa học thông qua việc lưu lại những sử liệu kiến trúc, nghệ thuật tạc tượng, cách bày trí và thờ cúng… góp phần mang lại giá trị văn hóa - nghệ thuật phong phú, đa dạng trong dòng phát triển của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam bộ nói riêng.
3.2. Giá trị lịch sử
Chùa Phụng Sơn có mặt đến nay hơn hai thế kỷ và tồn tại lâu đời cùng với Sài Gòn Gia Định xưa, nơi đây từng lưu dấu nhiều phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, khởi nghĩa Nam kỳ, tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Đây cũng là vùng đất đã sản sinh ra nhiều tấm gương yêu nước trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Do vậy mà chùa chính là di tích lịch sử, đã chứng kiến và trải qua những giai đoạn, sự kiện biến chuyển lịch sử của đất nước. Với niên đại lâu đời, chùa Phụng Sơn càng có giá trị về lịch sử, bởi sự tồn tại đã là một minh chứng của thời gian, là niềm tự hào của dân tộc.
B. Kết luận
Phật giáo là cái nôi tâm linh để con người nương tựa trau dồi, hoàn thiện nhân cách, cũng là chỗ dựa tinh thần cho dân tộc dưới hình thức mái chùa được thể hiện qua câu nói của Hòa thượng Mãn Giác: “Mái chùa che chở hồn dân tộc; Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
Thật vậy, cho đến ngày nay, chùa vẫn là một biểu tượng thiêng liêng, thấm sâu vào lòng dân tộc Việt từ ngàn xưa, dù trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử thì hình ảnh ngôi chùa vẫn mãi hiện hữu trong lòng mỗi người. Ngoài việc đáp ứng những nhu cầu về tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái… thì chùa cũng là nơi mang nhiều những dấu tích lịch sử có giá trị nghiên cứu về mặt tư tưởng, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật của dân tộc. Đồng thời, còn lưu dấu nền văn hóa của vương quốc Phù Nam cổ xưa.
Chắc chắn rất hiếm để tìm được một ngôi cổ tự nào gắn liền với văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa như thế và việc chùa Phụng Sơn được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988 đã nói lên điều đó. Nội dung bài viết phần nào chứng minh rõ câu nói: những di tích, di vật của các cổ tự Phật giáo không chỉ hàm chứa riêng lịch sử đạo Phật mà còn cung cấp sử liệu về lịch sử văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa của chùa Phụng Sơn không chỉ nói lên một dân tộc, một vùng đất nhiều màu sắc tín ngưỡng, mà trọng yếu là đã thể hiện được tinh thần tùy duyên bất biến và nhập thế độ sinh trong giáo lý Phật Đà từ hơn 2.000 năm nay trên cả thế giới nói chung, ở tại Việt Nam nói riêng và điển hình chính là Phụng Sơn cổ tự tại mảnh đất miền Nam này. Từ đó, góp phần minh chứng rằng: Bình minh của dân tộc cũng chính là bình minh của Phật giáo, văn hóa Phật giáo chưa hề tách hỏi văn hóa dân tộc và ngược lại.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Trang (Thích nữ Huệ Khánh) - Học viên Cao học K.IV, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đăng Duy- Trinh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử- văn hóa, Nxb BBộ văn hóa thông tin.
2. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định Thành thông chí, Nxb giáo dục Hà Nội
3. Đặng Hoàng Lan (2021), Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Nxb Khoa học xã hội.
4. Thích Phước Quang (1969), Lược sử Phụng Sơn Tự, Nxb Sài Gòn
5. Ban Biên tập Báo Hoa Đàm, Chùa Phụng Sơn, https://dacsanhoadam.com/chua-phung-son/; Truy cập ngày11/10/202
Bình luận (0)