Trang chủ Hệ phái Đạo Đức Làm Người – Tập 1 – Phần 1

Đạo Đức Làm Người – Tập 1 – Phần 1

Bộ sách Đạo Đức Làm Người sẽ xác định cho chúng ta biết hành động nào thiện và hành động nào ác để chúng ta không còn lầm lạc làm khổ mình, khổ người, để chúng ta chấm dứt những hành động tội ác.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Bộ sách Đạo Đức Làm Người sẽ xác định cho chúng ta biết hành động nào thiện và hành động nào ác để chúng ta không còn lầm lạc làm khổ mình, khổ người, để chúng ta chấm dứt những hành động tội ác.

ĐẠO ĐỨC LÀM NGƯỜI – TẬP 1

TIÊN HỌC LỄ

tapchinghiencuuphathoc phatgiaonguyenthuy daoduclamnguoi anh1

“Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”[1], đó là lời dạy của tổ tiên ta ngày xưa. Người có tài mà không đức hạnh thì thường làm khổ mình, khổ người. Người có đạo đức thường đem lại sự an vui, hạnh phúc cho mình, cho người. Người có tài mà không có đức hạnh thì cũng giống như con ác thú, hại mình, hại người và hại cả xã hội.

tapchinghiencuuphathoc phatgiaonguyenthuy daoduclamnguoi anh2

LỜI NÓI ĐẦU

Một con người thiếu đạo đức cũng giống như một con thú vật, nhưng con thú ấy lại mang lốt người. Con người ấy chẳng bao giờ có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Cuộc đời của họ chẳng có hạnh phúc, thường sống trong tâm trạng đau khổ, giận hờn, phiền muộn, lo âu, sợ hãi, bất an, bất toại nguyện, v.v…​

Một gia đình thiếu đạo đức là một gia đình đau khổ, phần đông mọi người sống trong gia đình đó chỉ còn biết chịu đựng với nhau, chịu đựng để mà sống, sống trong khổ đau, nên không bao giờ tìm được chân hạnh phúc, an vui chân thật. Sống trong gia đình đó cũng giống như sống trong địa ngục, địa ngục của trần gian.

Một xã hội thiếu đạo đức là một xã hội mà mọi người đều gian ác, xảo trá, lừa đảo, lường gạt bằng mọi cách. Luôn luôn họ phải bon chen, đấu tranh, chà đạp lên nhau để tìm miếng ăn, manh áo, để tìm vật chất và tiền bạc, châu báu, ngọc ngà cho nhiều, v.v…​ Vì thế, đó là một xã hội rất phức tạp, rất đen tối, không trật tự, thiếu an ninh…​

Đó cũng là vì cuộc sống cá nhân mà mọi người quên đi “đạo đức nhân bản – nhân quả”, xem cá nhân là quan trọng, là trên hết, nên không còn có con người sống liêm sỉ, chí công, vô tư. Họ không còn biết yêu thương nhau, chỉ biết có tiền và vật chất, vì thế mà đạo đức lần lần biến mất. Nhưng đạo đức dần dần biến mất thì xã hội sẽ không có trật tự, an ninh, thường xảy ra trộm cướp, giết người, khiến cho cuộc sống của con người đầy dẫy sự đau khổ và bất an…​

Để đạt được nhiều danh và lợi cho cá nhân của mình. Con người sử dụng mọi thủ đoạn gian xảo, điêu ngoa, lường lận, đo thiếu, cân non hoặc bằng mọi cách lường gạt khác nhau, để lừa đảo, xảo trá lẫn nhau. Họ không từ bỏ những hành động hung bạo có thể gây ra án mạng giết người.

Xã hội như vậy, muốn làm nên một việc gì thì phải có tiền, tiền là trên hết, “có tiền mua Tiên cũng được”. Vì thế mà đạo đức bị băng hoại, con người lương tri và lương năng cũng mất. Vì xã hội con người thiếu đạo đức như vậy, nên nhà nước đặt ra nhiều pháp luật để ngăn cấm và trị tội những kẻ phạm pháp, trộm cướp giết người, gây rối, làm mất trật tự an ninh chung cho xã hội, cho đất nước. Nhưng pháp luật là pháp luật, đối với những người vô đạo đức thì không thể trị họ hết được. Cho nên, có nhiều người phạm pháp được pháp luật cưỡng bức nhiều lần đi cải tạo từ trại giam này đến trại giam khác. Nhưng những người vô đạo đức thì họ chẳng bao giờ biết sợ pháp luật, biết sợ nhà giam, biết sợ trại cải tạo là gì. Khi được trả tự do về thì chứng nào tật nấy, nhất là những người đầu trộm đuôi cướp, du côn, du đãng, v.v…​

Một đất nước không đạo đức là một đất nước không phồn vinh, thịnh trị, mưa không thuận gió không hoà, thường xảy ra trộm cướp, giết người, bạo loạn; binh đao, chiến tranh xảy đến. Khiến cho đất nước đó không có thanh bình và an cư lạc nghiệp.

Vì thế, đạo đức rất quan trọng cho cuộc sống của loài người trên hành tinh này. Nhưng đạo đức là gì?

Từ xưa đến nay, người ta đã nói rất nhiều về đạo đức, bằng cách này hay bằng cách khác. Nhưng những đạo đức ấy chưa đủ, vì thế nó chưa mang đến sự bình an cho loài người.

Nói đến đạo đức là nói đến sự phát triển trí tuệ của con người, sự phát triển ấy nhằm mục đích để giữ gìn trật tự, an ninh xã hội và nâng cao phẩm cách con người, đối xử với nhau phải sống có tình, có nghĩa, có những hành động cao đẹp và cao thượng, v.v…​ Nhờ đó, con người mới có khác hơn loài cầm thú; nhờ đó, con người thoát ra khỏi bản năng hung dữ ác độc của loài động vật; nhờ đó, con người mới trở nên những bậc Hiền nhân, Thánh triết; nhờ đó, con người mới có những năng lực mầu nhiệm trở thành Siêu nhân.

Nói về đạo đức, chúng ta đã biết ở Việt Nam và Trung Hoa được truyền thừa nền đạo đức Khổng – Mạnh. Đạo đức Khổng – Mạnh gồm có: “Tam Cang, Ngũ Thường”.

Tam Cang gồm có: quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang.

Ngũ Thường gồm có: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, v.v…​

Đạo đức này đưa ra để dạy cho con người, nhằm mục đích bắt buộc phải tuân thủ theo trật tự tôn ti của giai cấp chế độ phong kiến, biến con người thành công cụ để phục vụ vua chúa: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”.

Ở đây, chúng tôi không muốn nói đến đạo đức phong kiến này, mà nói đến một thứ “đạo đức bình đẳng” mà mọi người rất cần thiết như cơm ăn, như nước uống, như áo mặc và như hơi thở. Vậy đạo đức này thuộc về đạo đức gì?

Kính thưa quý bạn! Chúng tôi muốn nói đến đạo đức này, chứ không phải nói đến đạo đức Tam Cang, Ngũ Thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, mà chúng tôi đã nói ở trên hay bất cứ một thứ đạo đức nào khác, như đạo đức tộc họ của gia đình, đạo đức phong tục tập quán của mỗi dân tộc, của một xứ sở quê hương, của một đất nước. Hay là những thứ đạo đức mơ hồ trừu tượng của các tôn giáo từ xưa đến nay. Mà chúng tôi nói đến đạo đức thường xuất phát nơi những hành động sống hằng ngày của quý bạn, mà quý bạn thường trực tiếp, tiếp xúc với mọi người, mọi việc làm, mọi đối tượng và mọi pháp, v.v…​

Đạo đức này xuất phát từ những hành động thân, miệng, ý của quý bạn. Hành động thân, miệng, ý của quý bạn khi xuất phát sẽ không làm khổ mình, khổ người. “Đó là đạo đức nhân bản – nhân quả”, mà trên đời này ai cũng cần phải học hỏi và hiểu biết, vì nó là chính hành động sống của quý bạn hằng ngày đem đến sự an vui cho quý bạn và mọi người, mọi vật chung quanh quý bạn.

Nếu các bạn không học, không hiểu đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, vô tình những hành động của các bạn, các bạn sẽ làm khổ cho mình, cho người, cho muôn loài vật khác. Và như vậy quý bạn là người thiếu đạo đức. Nói thiếu đạo đức là nói nhẹ nhàng đối với các bạn, nếu không nói vậy thì sẽ nói thẳng rằng quý bạn là người vô đạo đức, có nghĩa là vô đạo đức đối với mình, đối với mọi người và cũng như đối với tất cả mọi loài chúng sanh.

Đạo đức này không bắt buộc chúng ta phải phục vụ cho một giai cấp nào, cho một chế độ nào hay cho một hệ tư tưởng nào và cá nhân nào. Đạo đức này là một thứ đạo đức bình đẳng, luôn luôn phục vụ cho sự sống của muôn loài trên hành tinh này, không phân biệt màu da thứ tóc, không phân biệt chủng tộc, tổ quốc, quê hương hay đất nước riêng biệt nào cả. Đạo đức này dạy con người không những thương con người, mà còn biết thương yêu các loài động vật và ngay cả cỏ cây. Đạo đức này nó sẽ mang đến cho muôn loài một sự bình an. Thiếu đạo đức nhân bản làm người, quý bạn không bao giờ thoát ra khỏi bản chất của loài thú vật. Vì con người cũng là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác trên hành tinh này. Con người chỉ hơn các loài động vật khác là nhờ có trí tuệ thông minh, biết phân biệt phải, trái, trắng, đen, tốt, xấu…​ Biết xấu hổ, biết sửa đổi và biết triển khai trí tuệ ấy, để có những hành động không làm khổ mình, khổ người và làm khổ tất cả muôn loài có sự sống khác. Do đó con người mới vượt hơn muôn loài vật khác, vì biết ngăn chặn những thú tính trong tâm mình, biết tạo những hành động thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết chia xẻ ngọt bùi, cay đắng, v.v…​

Tại sao lại gọi là đạo đức nhân bản – nhân quả?

Vì mỗi hành động thân, miệng, ý của chúng ta khởi ra là nhân, thì tiếp ngay đó liền có sự thọ chịu khổ hay vui, là quả:

Ví dụ, khi chúng ta nói: “Thằng khốn nạn”, thì nói như vậy là “Nhân”. Người bị mắng như vậy sẽ tức giận là “Quả”, khi tức giận như vậy người ta sẽ chửi mắng lại hoặc đánh chúng ta là “nhân”, chúng ta bị chửi mắng lại hoặc bị đánh là “quả”, tức là thọ chịu sự đau khổ của sự mắng chửi hoặc bị đánh.

Còn nếu chúng ta không nói lời thô ác đó, thì nhân không có nên quả cũng không. 

Tại sao gọi là nhân bản?

Vì hành động thân, miệng, ý của con người tạo ra nên gọi là nhân bản, tức là những hành động gốc nơi thân người.

Đạo đức nhân bản – nhân quả là nói lên những hành động của con người không làm khổ mình, khổ người.

Hành động không làm khổ mình, khổ người là những hành động sống hằng ngày của con người đối xử với nhau, nó rộng rãi bao la và vô lượng vô biên không thể nghĩ lường được, không thể nói hết được…​ Tuỳ trường hợp, tuỳ hoàn cảnh xảy ra muôn vạn hình thái khác nhau, nhưng không ngoài thiện và ác. 

Bộ sách Đạo Đức Làm Người ra đời, là để đáp ứng kịp thời với thời đại khoa học hiện đại hoá đời sống con người, khi vật chất ngày càng nhiều để phục vụ đời sống con người đầy đủ tiện nghi. Khi đời sống con người đầy đủ tiện nghi thì tâm tham đắm càng nhiều, tâm tham đắm càng nhiều thì đạo đức làm người sẽ mất dần. Và vì thế mà con người phải chịu nhiều đau khổ hơn, vì ai cũng không còn nghĩ đến đạo đức, mà chỉ còn nghĩ đến danh và lợi.

Ở đời người ta nghĩ rằng, vật chất càng nhiều là đem đến nhiều hạnh phúc. Điều này không thể có được, vì vật chất càng nhiều thì người ta càng bon chen, đua đòi, sanh tâm hung ác và giết hại lẫn nhau. Vì danh và lợi thì lúc bấy giờ con người chỉ còn là một con thú vật hung dữ mà thôi, không hơn không kém.

Bộ sách Đạo Đức Làm Người ra đời là ngăn chặn những hành động ác làm khổ mình, khổ người; để quân bình vật chất và tinh thần, khiến cho mọi người được đầy đủ sự an vui hạnh phúc, không còn làm khổ cho nhau nữa.

Bộ sách Đạo Đức Làm Người sẽ chỉ dạy cho mọi người biết từng hành động sống hằng ngày. Hành động nào thiếu đạo đức sẽ đưa đến sự khổ đau cho nhau. Và những hành động nào có đạo đức sẽ mang đến sự an vui và hạnh phúc cho mình, cho người.

Bộ sách Đạo Đức Làm Người sẽ xác định cho chúng ta biết hành động nào thiện và hành động nào ác để chúng ta không còn lầm lạc làm khổ mình, khổ người, để chúng ta chấm dứt những hành động tội ác. Khi làm một điều gì thì phải biết điều đó rất rõ ràng và cụ thể, chứ không thể làm mà vô tình không biết thì không được. Làm mà không biết thiện hay ác, tội hay không tội, v.v…​ là tự mình làm khổ mình khổ người, làm hại mình hại người thì đó là thiếu đạo đức.

Bộ sách Đạo Đức Làm Người sẽ dạy chúng ta đạo đức vệ sinh, vệ sinh môi trường sống, vệ sinh đời sống đối với mình và với mọi người, vệ sinh cơ thể, vệ sinh tư tưởng, v.v…​ Nó còn dạy cho chúng ta đạo đức giao thông, đạo đức hiếu sinh, đạo đức buông xả (không tham lam trộm cướp), đạo đức thuỷ chung, đạo đức thành thật và uy tín, đạo đức khôn ngoan; đạo đức làm cha mẹ đối với con cái, đạo đức con cái đối với cha mẹ; đạo đức chồng đối với vợ, đạo đức vợ đối với chồng; đạo đức thầy đối với học trò, đạo đức học trò đối với thầy; đạo đức lời nói và cách thức xưng hô, nói chuyện với mọi người; đạo đức về mỗi hành động liếc, ngó, nhìn, cúi, v.v…​

Muốn chấm dứt những sự đau khổ của con người trên hành tinh này, thì không có phương cách nào tốt hơn là những hành động đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Những hành động ấy phải chính là những hành động của chính mình, thì mới có thể đem lại hạnh phúc chân thật cho mình, cho người.

Một người không có đạo đức nhân bản – nhân quả, thì họ phải chịu đầy dẫy sự khổ đau, dù họ là vua, chúa, quan to, chức lớn, hoặc những nhà tỷ phú giàu nhất trên thế giới, hoặc những nhà bác học, bác sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, thi sĩ, v.v…​ đều chịu chung số phận đau khổ, bất an, bất toại nguyện, v.v…​

Một người nghèo cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng nếu họ sống có đạo đức nhân bản – nhân quả thì họ cũng vẫn thấy an vui thanh thản, không bao giờ ai làm phiền lòng họ được, dù trước cảnh nghèo cực.

Do vậy, một người muốn đi tìm chân hạnh phúc, thì phải tìm ngay nơi mình một đạo đức nhân bản – nhân quả. Sống biết cách không làm khổ mình, khổ người thì ngay đó là chân hạnh phúc của cuộc đời.

Bởi vậy, đạo đức nhân bản – nhân quả rất quan trọng cho sự sống của con người trên hành tinh này. Nhưng biên soạn và viết đạo đức này ra thành sách là một việc làm đòi hỏi phải nhiều thời gian dài…​

Hiện tình con người trên hành tinh này, không riêng cho một đất nước nào, đạo đức đang xuống dốc. Vì thế, chiến tranh khủng bố giết người vô tội, là một tội ác cực lớn, là một việc làm phi đạo đức, là một loài ác quỷ, v.v…​ Thời gian quá cấp bách, chúng tôi cho ra đời bộ sách Đạo Đức Làm Người trong giai đoạn này để kịp thời ngăn chặn những hành động thiếu đạo đức, thiếu lòng yêu thương sự sống của muôn loài trên hành tinh này.

Vì thế, không thể nào tránh khỏi những sự thiếu sót, xin quý bạn và các bậc đức hạnh, cao minh chỉ giáo, để kỳ tái bản tới, chúng tôi hoàn thành bộ sách Đạo Đức Làm Người được hoàn chỉnh hơn.

tapchinghiencuuphathoc phatgiaonguyenthuy daoduclamnguoi anh3

Kính ghi

Thích Thông Lạc

(Ngày 27-9-2001)

Chú thích:

[1]: Lời dạy này của Đức Khổng Phu Tử, nhưng vì câu này đã được Việt hoá, ăn sâu vào tư tưởng và tinh thần của dân tộc Việt Nam, ngày nay nó đã trở thành lời dạy đạo đức của tổ tiên.

Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích sách: Đạo Đức Làm Người (Tập 1) – NXB Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường