Trang chủ Quốc tế Đại sư Kelsang Gyatso và quá trình hoằng hóa

Đại sư Kelsang Gyatso và quá trình hoằng hóa

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Việt dịch Thích Vân Phong
Nguồn The Guardian News

Đại sư Kelsang Gyatso (བཀལ་བཟང་རྒྱ་མཚོ, 1931- 2022) là một trong những bậc Đại sư Phật giáo nổi tiếng thế giới và cũng là Hành giả Phật giáo Kim Cương thừa, thiền sư, học giả và tác giả, trước tác gần 30 tác phẩm.

Đại sư là người sáng lập và nguyên Giám đốc tinh thần Truyền thống Kadampa hiện nay – Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Kadampa (New Kadampa Tradition – International Kadampa Buddhist Union; NKT-IKBU), một tổ chức Phật giáo hiện đại, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng đương đại, một tổ chức phi lợi nhuận đã đăng ký Dòng truyền thừa Gelugpa, Phật giáo Kim Cương thừa.

Tổ chức NKT-IKBU có đến 1.300 trung tâm trên khắp thế giới, bao gồm các cơ sở tự viện Phật giáo và trung tâm nhập thất tịnh tu, cung cấp “chìa khoá” tiếp cận trí tuệ cổ đại một cách dễ dàng. Ngài là một trong những vị cao tăng Phật giáo hành đạo và có ảnh hưởng ở phương Tây.

Đại Sư Kelsang Gyatso 1

Đại Sư Kelsang Gyatso

Sinh trưởng và giáo dục ở Tây Tạng

Đại sư Kelsang Gyatso tục danh Lobsang Chuponpa, sinh vào ngày 4 tháng 6 năm Tân Mùi (1931) theo lịch Tây Tạng, sinh quán tại Yangcho Tang, miền Tây Tây Tạng. Phụ thân của Ngài là cụ ông Norbu Chuyulpa, Hiền mẫu của Ngài là cụ bà Lhagchung. Ngài sinh trưởng trong gia tộc có truyền thống đạo Phật, nhiều đời kính tin Tam bảo. Trong gia đình Ngài còn có một người anh trai và hai người chị gái.

Vườn thiền vun quén thêm một mầm Bồ đề và Bát nhã khai hoa nở nhụy; năm lên 8 tuổi, Ngài đến Tu viện Ngamring Jampa Ling Monastery (དགོན་ལུང་བྱམས་པ་གླིང་, 佑宁寺), khu tự trị thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc ngày nay, cầu xin thế phát xuất gia và thụ giới Sa Di và được Hòa thượng Bổn sư ban pháp danh Kelsang Gyatso có nghĩa là “Ocean of Good Fortune”.

Ngài tiếp tục tu học tại Tu viện Sera (Sera Monastery), Tu viện này thuộc trường phái Gelug, chiếm ưu thế ở Tây Tạng, nổi tiếng với việc chứng kiến những cuộc tranh luận về Phật giáo giữa các tu sĩ đồng thời cũng là nơi đào tạo ra hàng trăm học giả nghiên cứu về vấn đề Phật giáo.

Ngài được đào tạo theo phương pháp truyền thống là nghiên cứu học thuật và nghệ thuật hùng biện cao cấp và học vị của Ngài đã đạt được văn bằng Geshe Lharampa (tương đương Tiến sĩ), một học vị cao nhất trong Tông phái Gelugba (Mũ Vàng) của Phật giáo Tây Tạng.

Rời xa quê hương Tây Tạng với cuộc sống lưu vong Ấn Độ

Năm 1959, sau cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc đối với phong trào khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng ở Lhasa, Ngài đã buộc phải trốn thoát để tỵ nạn. Ngài trốn sang Ấn Độ qua ngả Nepal trong cuộc di cư người Tây Tạng, Ngài lưu lại Trung tâm Nghiên cứu tu học (monastic study centre), Pháo đài Buxa, Tây Bengal, một bang khu vực đông bộ Ấn Độ. Lúc ấy, Ngài chỉ mang theo hai cuốn sách đạo Phật – “Nhập Bồ tát Hạnh luận” (the Bodhisattva’s Way of Life), một tác phẩm Phật giáo Đại thừa được sáng tác vào thế kỷ thứ 8 bằng Phạn ngữ của Bồ tát Tịch Thiên (Shantideva), vị Thánh tăng xuất thân từ Đại học Phật giáo Nālandā, Ấn Độ và cuốn sách của Đại Thành Tựu Giả Tôn Đức Tông Khách Ba (Mahasiddha Je Tsongkhapa).

Năm 1971, Chính phủ Ấn Độ hiến tặng những vùng đất rộng lớn ở Nam Ấn Độ cho cộng đồng lưu vong, nơi các cơ sở tự viện Phật giáo riêng biệt được thành lập. Lúc bấy giờ, Đại sư Kelsang Gyatso rời Trung tâm Nghiên cứu tu học (monastic study centre) ở Pháo đài Buxa và đến Mussoorie (một ngọn đồi ở bang Uttarakhand, Ấn Độ), nơi Ngài giảng dạy và 16 năm nhập thất chuyên sâu thiền định. Vào thời điểm đó, như Tiến sĩ David Kay bình phẩm rằng: “Về mọi mặt, Đại sư Kelsang Gyatso là một học giả, thiền giả rất được kính trọng” trong cộng đồng lưu vong Tây Tạng. Tại Ấn Độ, Ngài đã dành phần lón thời gian dài để nhập thất tham thiền ở chân đồi Hy Mã Lạp Sơn.

Hành trình Du hóa phương Tây

Năm 1976, được Ngài Lạt ma Thubten Yeshe (1935–1984) và ngài Thubten Zopa Rinpoche, theo lời đề nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chọn Đại sư Kelsang Gyatso sang phương Tây hoằng dương Phật giáo Kim Cương thừa, sau đó, Ngài trở thành vị Giáo thụ chính thức thường trú tại Tổ chức Bảo tồn truyền thống Phật Giáo Đại thừa (FPMT), Học viện Manjushri ở Ulverston, Cumbria, Vương quốc Anh.

Tháng 8 năm 2009, Ngài thành lập Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Kadampa (New Kadampa Tradition – International Kadampa Buddhist Union; NKT-IKBU), một tổ chức Phật giáo hiện đại, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng đương đại. Trong thời gian này, Ngài vẫn tiếp tục viết sách và tài liệu thực hành.

Theo lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma và sự quyết định của Lạt ma Yeshe mời Ngài làm giáo thụ thường trú tại Học viện Văn Thù Viện Văn Thù (Manjushri Institute) thuộc Teachers Resident at FPMT Centers, tọa lạc ở Vương quốc Anh, Ngài đến đây vào khoảng tháng 8 năm 1977 và bắt đầu giảng dạy “Bồ đề Đạo thứ Đệ Đại luận” (Lam Rim Chen Mo) vào ngày 10 tháng 9 cùng năm.

Dưới sự hướng dẫn tâm linh của Đại sư Kelsang Gyatso, Học viện Văn Thù (Manjushri Institute) “đã trở thành một trung tâm đào tạo Phật học ứng dụng thịnh hành.” Ngài giảng dạy chương trình tổng quát tại Học viện Văn Thù từ những năm 1977 đến 1987. Vào thời điểm đó, chương trình học Geshe (Tiến sĩ) được giảng dạy bởi Jampa Tekchok và Konchog Tsewang (1982–1990). (Vào năm 1990, Chương trình Nghiên cứu Geshe (Tiến sĩ) tại Học viện Văn Thù đã bị tạm dừng, vì nó đã từng xảy ra ở hầu hết các Trung tâm FPMT khác đã được thành lập.

Đại sư Kelsang Gyatso đã nhập quốc tịch Vương quốc Anh vào năm 1983.

Đại Sư Kelsang Gyatso 2

Thành lập các Trung tâm Phật học

Năm 1979, Đại sư Kelsang Gyatso thành lập một Trung tâm giảng dạy Phật học (Trung tâm Madhyamaka ở Yorkshire) dưới sự hướng dẫn tâm linh của vị Hòa thượng Bổn sư của Ngài là Tôn giả Dorjechang Trijang Rinpoche.(1901–1981).

Đại sư Kelsang Gyatso đã được phép cập nhật cách trình bày giáo pháp của đức Phật một cách rõ ràng và sinh viên phương Tây dễ dàng tiếp cận.

Năm 1985, Đại sư Kelsang Gyatso thành lập Nhà xuất bản Tharpa (Tharpa Publications), một nhà xuất bản Phật giáo độc quyền phi lợi nhuận, một phần của truyền thống Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Kadampa (NKT-IKBU) – nơi xuất bản các tác phẩm của Ngài, bậc Đại sư Phật giáo đương đại. Tharpa Publications là nhà xuất bản toàn cầu với 13 văn phòng trên khắp thế giới.

Nhà xuất bản Tharpa (Tharpa Publications) trụ sở tại Ulverston, Cumbria và phục vụ khách hàng trên khắp Vương quốc Anh, Ireland và lục địa Châu Âu. Ngoài ra còn có các Văn phòng và Trung tâm phân phối của Nhà xuất bản Tharpa ở nhiều quốc gia trên thế giới; bao gồm Mỹ, Úc, Brazil, Canada, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi và Hồng Kông.

Sách của Tharpa Publications và sê-ri CD hướng dẫn tu học Phật pháp và tu tập thiền định có sẵn từ tất cả các hiệu sách lớn trên Phố High Street và trực tuyến bao gồm Waterstones, WH Smith, Amazon và thông qua các nhà bán buôn ở Vương quốc Anh, Gardners Books LTD và Bertrams Books LTD.

Năm 1987, Đại sư Kelsang Gyatso nhập thất 3 năm tại Tharpaland International Retreat Centre tọa lạc tại Dumfries, Scotland. Trong thời gian nhập thất, Ngài đã viết năm cuốn sách và soạn thảo kế hoạch nền tảng Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Kadampa (New Kadampa Tradition – International Kadampa Buddhist Union; NKT-IKBU).

Sau khi hoàn tất việc nhập thấp vào những tháng đầu năm 1991, Ngài tuyên bố thành lập Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Kadampa (New Kadampa Tradition – International Kadampa Buddhist Union; NT-IKBU), một sự kiện đặc biệt được các môn đồ của Ngài ca tụng trên Tạp chí NKT-IKBU Full Moon là “một bước phát triển tuyệt vời trong lịch sử truyền bá Phật pháp.” Kể từ thời điểm đó, NKT-IKBU đã phát triển trên toàn thế giới bao gồm 1.300 trung tâm, chủ yếu là các trung tâm nghiên cứu Phật học và tu tập thiền định, một số trung tâm nhập thất chủ yếu và sau cơ sở tự viện Phật giáo theo phong cách truyền thống vì Hòa bình Thế giới.

Cách giảng thuyết của Đại sư Kelsang Gyatso nhấn mạnh thực tế vào các giáo lý dựa trên “Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận” (Lam Rim Chen Mo), Tu Tâm (Lojong) và “Mật pháp Đại Thủ ấn” (Mahamudra Tantra).

Đại Sư Kelsang Gyatso 3

Qua những lời giảng dạy, Đại sư Kelsang Gyatso đã nhấn mạnh “duy trì trải nghiệm đặc biệt về sự bình yên nội tâm”, thúc đẩy “hạnh phúc lâu dài”“chuyển hóa đời sống tiêu cực bằng trạng thái tích cực”. Sự tu tâm dưỡng tính này, bao gồm việc thực hiện hành động yêu thương những chúng sinh khác, nhận lấy đau khổ của họ và mong muốn họ được hạnh phúc. Ngài dạy rằng, mong muốn người khác được hạnh phúc sẽ giúp cho những người hiếu học ham tu “được sinh ra làm người hoặc trời, có một thân hình đẹp đẽ trong tương lai và được nhiều người yêu mến và tôn trọng.”

Kể từ tháng 10 năm 2013 về sau cho đến cuối đời, Ngài không xuất hiện trước công chúng, không trả lời trước các phóng viên báo chí truyền thông. Điều này cho thấy thời gian cuối đời gần 10 năm, Ngài đã dành thời gian nhập thất nghiêm ngặt và tập trung viết sách lưu lại cho hậu thế.

Nữ Cư sĩ Diana Waterhouse nhận xét rằng: “Đại sư Kelsang Gyatso giảng dạy Phật pháp bằng tiếng Anh với giọng Tây Tạng nặng. Khi nhìn vào, Ngài là một nhân vật uy nghiêm đức cao trọng vọng nhưng dễ gần gủi với dáng người mình hạc sương mai và đôi mắt thường ngó xuống, luôn nhìn xung quanh khi Ngài đi dạo trong núi rừng, đường phố hoặc tận tuy lo dạy dỗ những sinh viên học với Ngài.”

Trọng tâm của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Kadampa (New Kadampa Tradition – International Kadampa Buddhist Union; NKT-IKBU) là ba Chương trình Nghiên cứu: Chương trình Tổng quát, Chương trình Dự bị và Chương trình Đào tạo Giáo viên.

Theo NKT-IKBU, “không tìm cách cung cấp một hình thức Phật giáo Tây phương hóa, mà làm cho Dòng truyền thừa Gelugpa-Kagyu Mahamudra, Phật giáo Kim Cương thừa cho người phương Tây có thể tiếp cận một cách thuận tiện nhất.” Để đạt được điều này, Đại sư Kelsang Gyatso đã tự học Anh ngữ.

Tự biết huyễn thân tứ đại không thể giữ được nữa, Ngài họp môn đồ tứ chúng đệ tử và thông báo quan trọng.

Thời gian còn hai ngày nữa Ngài sẽ trút hơi thở, xả báo thân, vào ngày 17 tháng 9 năm 2022, Đại sư Geshe Kelsang Gyatso đã hướng dẫn cách thức nhập diệt tịch quang.

Ngài đã dặn dò môn đồ tứ chúng bổn đạo rằng: “Vào thời điểm này, tất cả các Trung tâm thuộc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Kadampa (NKT-IKBU) trên toàn thế giới đều tham gia một khóa nhập thất ngắn, với lời cầu nguyên đặc biệt của mỗi thành viên”.

Ta bà quả mãn, một đời xuất gia làm Sa môn Thích tử, suốt đời phụng sự phật pháp, hoằng pháp lợi sinh, hóa duyên ký tất, Ngài an nhiên trút hơi thở xả báo thân, thể nhập Pháp thân vào ngày 17 tháng 09 năm 2022 (22/08/Nhâm Dần), trụ thế 92 xuân, và ngày 27 tháng 09 năm 2022 (02/09/Nhâm Dần) chính thức cử hành nghi lễ di quan trà tỳ tại Nhà hỏa táng Barrow, Cumbria, một hạt phi đô thị ở Tây Bắc của Vương quốc Anh.

Những Tác Phẩm Của Đại Sư Kelsang Gyatso

Một đời Cống hiến

Kể từ năm 1977, khi nhận lời mời làm giáo thụ tại Học viện Văn Thù tọa lạc ở Vương quốc Anh, Ngài đã tuyên dương Diệu pháp Như Lai qua hàng nghìn bài giảng Phật pháp, biên soạn rất nhiều cuốn sách về Phật giáo và thiền định, được công chúng ngưỡng mộ hoan nghênh rộng rãi. Bên cạnh đó, Ngài còn thành lập hơn 1.300 tu học Phật pháp, đào tạo hàng trăm Giáo viên và Giảng viên trình độ cao, phát triển cách chương trình nghiên cứu thực tế Phật học và thiền định để thích ứng với nhu cầu của thế giới hiện đại. Trong suốt cuộc đời phi thường của mình, Đại sư Geshe Kelsang Gyatso đã làm rung động vô số trái tim của con người trên khắp thế giới.

Trí tuệ của Ngài luôn tỏa sáng và từ bi tâm là vô song trong thời điểm vô thường này.

Như chúng ta sẽ thấy những lời giảng dạy và các cuốn sách, di sản của Ngài vừa phi thường vừa có khả năng thay đổi thế giới.

Từ vô số lời vàng ngọc được lưu giữ trong các cuốn sách tuyệt vời của Ngài, các cơ sở tự viện, trung tâm tu học Phật pháp, chương trình nghiên cứu, giáo viên, giảng viên, Tăng đoàn và trên hết là cộng đồng quốc tế của những người tích cực cống hiến cho hòa bình thế giới, Ngài đã gieo rất nhiều hạt giống hòa bình và hy vọng vào thế giới này, thế giới đầy khó khăn đang đơm hoa kết trái và sẽ tiếp tục như thế trong nhiều thập kỷ tới.

Nói tóm lại, suốt cuộc đời của Ngài đã cống hiến và đặt nền móng truyền thống Tân Kadampa – Liên Minh Phật giáo Kadampa Thế giới (NKT-IKBU), một tổ chức Phật giáo toàn cầu, phát triển trên khắp thế giới trong thế hệ đương đại và các thế hệ tương lai.

Sách của Ngài đã được xuất bản và được giới thiệu tại: Geshe Kelsang Gyatso: Books – Amazon.com

Việt dịch Thích Vân Phong
Nguồn The Guardian News

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường