Đắc pháp là nền tảng căn bản tiến đến giải thoát. Trong quá trình đạt đích, trải qua nhiều cấp độ tâm thức. Từ khi bắt đầu hành trì đến giải thoát, còn vô số chướng ngại dễ lạc dẫn hành giả vào đường bế tắc, lệch hướng do nội ma ngoại chướng dẫn dụ.
Tác giả: Minh Mẫn Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
Trong cuộc hành trình đi tìm pháp hành, cầu pháp do tâm nhiệt thành tầm cầu giải thoát, Thiền sinh không tránh khỏi nhiều chướng duyên, thậm chí bị lạc dẫn vào con đường tà giáo, bàng môn tả đạo, đến một lúc hiểu ra đó không phải là pháp cần tu, lại buông bỏ, tiếp cuộc hành trình đánh đổi thời gian khi tuổi đời chồng chất. Bài viết đề cập đến các hành giả Bắc Tông, vì Nam Tông ngoài Vipassana, Tứ niệm xứ, sổ tức quán…không có nhiều lối thiền chỉ quán như Bắc truyền.
Do duyên phước sâu dày, hành giả gặp được minh sư, nếu thiếu phước duyên, tà sư dễ tiếp cận. Ở đây ta chỉ đề cập đến việc tu tập đúng chính pháp.
Thuở xưa, khi Phật giáo Ấn truyền về phương Bắc, trải qua các quốc độ như Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc…nơi đó đã có những huyền pháp của các chủng tộc, nặng về chú thuật. Bất cứ bộ lạc, chủng tộc nào cũng có một phép thuật để đương đầu với muông thú, thiên tai và các bộ tộc xâm lăng. Trình độ chủng tộc càng sơ khai, pháp thuật càng bí hiểm.
Khi Phật giáo truyền đến các nước, để dung thông với văn hóa, tập quán bản địa, chư tăng biết vận dụng tùy duyên hòa hợp văn hóa tập quán bản địa để phát triển, mục đích dẫn quần chúng vào đạo, phải đem giáo lý nhân thừa cho hợp với căn cơ xã hội hầu Phật giáo hóa xã hội chứ không phải xã hội hóa Phật giáo. Từ đó, Phật giáo Bắc tông có pha nhiễm một số pháp thuật mà nguyên sơ không có trong Phật giáo.
Đó là phương diện nhập thế trong một bộ phận Phật giáo, ứng sinh có nghi lễ, ma chay, đám cúng, đàn chẩn và hình thức nghi lễ rườm rà của một tôn giáo.
Song song đó, thuộc tầng lớp thượng căn, chư Tổ có cuộc sống biệt lập, tách hẳn những ràng buộc xã hội, chuyên tu nơi am thất, non cao núi thẳm để đạt mục đích giải thoát. Những hành giả truy cầu chân đạo, thường nương vào một bậc chứng đắc để cầu pháp.
Bắc tông sản sinh ra nhiều pháp hành tùy theo căn cơ của hành giả, vì thế, Thiền sinh khi cầu pháp một vị nào, dù là cao tăng hay minh sư, hành trì lâu dài không thấy tiến bộ, phải xin thầy ra đi để cầu pháp một vị khác do không thích hợp với pháp đó.
Pháp hành ví như thuốc trị bệnh, thuốc Tây uống một tuần, thuốc Bắc uống một tháng mà không có triệu chứng thuyên giảm, phải đổi thuốc. Đừng thấy người khác theo số đông, hoặc vị thầy có danh tiếng mà cứ bám vào mất thời giờ uổng phí. Không phải thuốc dở nhưng do không hợp cơ địa, cũng vậy, pháp hành không tương ứng căn cơ với hành giả, nên phải tha phương cầu pháp.
Thế nào là đắc pháp? Đắc là được, được pháp không có nghĩa được thầy truyền cho pháp hành dù có hợp với căn cơ hay không! Trong thời gian hành trì một pháp, tâm tính thay đổi, cơ địa nhẹ nhàng; càng ngày càng nếm được “pháp vị” làm cho hành giả đam mê, rơi vào trạng thái tỉnh giác, lặng lẽ, không mê mờ, không loạn tưởng. Ít ngủ, ít ăn, thậm chí không ăn không ngủ vẫn thư thái nhẹ nhàng. Bấy giờ nuôi sống cơ thể không tùy thuộc về “năng lượng sinh học”, tâm thức loại trừ mọi vọng tưởng, không còn tiêu hao năng lượng, thân an định không mất nhiệt lượng; các huyệt đạo (luân xa –chakra) trong thân không còn bị trược thức che ám, tiếp thu năng lượng vũ trụ nuôi cơ thể, tâm thức dần dần nhẹ thanh, tạo một “năng lượng sinh thức” hỗ trợ cho hành giả tiến tu Đạo nghiệp. Được như thế gọi là “Đắc pháp”.
Đắc pháp là nền tảng căn bản tiến đến giải thoát. Trong quá trình đạt đích, trải qua nhiều cấp độ tâm thức. Từ khi bắt đầu hành trì đến giải thoát, còn vô số chướng ngại dễ lạc dẫn hành giả vào đường bế tắc, lệch hướng do nội ma ngoại chướng dẫn dụ. Có lúc như bị “treo máy”, không tiến không lùi, như chơi vơi, không biết mình đang ở đâu, thậm chí không cảm nhận được thân thể, hoặc đứng trước ngã ba đường…
Đến một mức độ nhất định của định lực, tâm thức có triển hiện quyền năng, lúc này vi tế ngã trỗi dậy, cảm nhận mình là chúa tể, là bá chủ vạn vật, triển hiện thần thông…thế là lạc sang tà đạo. Nhưng, hành giả có căn bản giáo lý nhà Phật, sẽ tránh được những tập khí như “tam độc”, “thập kiết sử”… Nằm lòng 37 phẩm trợ đạo và hiểu rõ hiện tướng của vọng tưởng, sẽ tránh những hầm hố để tiến thẳng đến giải thoát.
Gian nan nhất là từ tiềm thức khởi hiện các tập khí, hoặc tán tâm loạn tưởng xen lẫn trong lúc Thiền định. Chỉ và Quán cũng là cách giúp cho tâm không rơi vào thói quen nhàm chán.
ĐẮC ĐẠO là gì? Khác nhau giữa Đắc pháp và Đắc Đạo chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc do tập khí nhiều đời được hóa giải hay không. Người Đắc pháp có thể phát sinh tuệ tri, có huệ nhãn, thậm chí có Thiên nhãn, có tha tâm thông, nhưng vi tế ngã vẫn còn, cho dù đạt đại định. Vi tế ngã phát triển khi định lực phát triển dễ biến thành Thiên ma ngoại đạo mà bản thân hành giả không biết; cái biết của hành giả như cặp mắt con ngựa bị che chắn chỉ thấy một hướng nhất định.
Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi chứng quả Toàn Giác, cũng từng bị ngũ ấm ma xuất hiện cám dỗ, đe dọa, nghĩa là tính chất thất tình lục dục sâu dày ẩn tàng trong tâm thức, trỗi dậy như các loại bệnh trong cơ địa xuất ra trước khi lành bệnh, cũng thế, từ sơ thiền đến tứ thiền, đức Phật đã thẩm định nhiều lần tới lui cho nghiệp thức tẩy sạch như tẩy sạch một tấm vải chiếu sáng trước ánh quang minh. Đức Phật đã hoát nhiên đại ngộ trước ánh bình minh.
Những hành giả đạt được tuệ tri mà chưa dọn sạch tập khí chỉ là Đắc pháp, nghĩa là có định và có huệ ở tầng thấp như hàng dự lưu chưa sạch thập kiết sử, cần phải tiếp tục ngũ hạ phần kiết sử để tiến lên ngũ thượng phần kiết sử mới thoát khỏi Tam giới gọi là bậc Đại giác, tức Đắc đạo hoàn toàn.
Tác giả: Minh Mẫn Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
Bình luận (0)