Trang chủ Chuyên đề “Cuộc thi Sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu” – đóa hoa tươi thắm mừng Đại lễ Vu Lan PL.2560 – DL.2016

“Cuộc thi Sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu” – đóa hoa tươi thắm mừng Đại lễ Vu Lan PL.2560 – DL.2016

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2016 Cuoc thi sang tac cac tac pham ve Dao hieu 1

Trời cao đất rộng bao nhiêu?
Con thương cha mẹ bấy nhiêu đất trời
Ý thơ ai viết tuyệt vời?
Con xin mượn để tỏ lời biết ơn!

Bắt đầu từ năm 2014, mỗi khi đến dịp lễ Vu Lan, Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN tổ chức chương trình kỷ niệm nhằm tôn vinh những tấm guơng hiếu đạo của mỗi người con đất Việt đối với quê hương đất nước và đối với đấng sinh thành.

Tiếp bước những năm trước, năm nay được sự cho phép của Ban Tôn giáo Chính phủ, HĐTS T.Ư GHPGVN, Ban Thông tin Truyền thông T.Ư đã quyết định tổ chức chương trình Vu Lan năm 2016 với chủ đề “Đạo hiếu và Dân tộc”.

Một trong những hoạt động nổi bật và đổi mới của chương trình Vu Lan năm nay là Cuộc thi Sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu và tôn vinh những tấm gương Hiếu thảo. Cuộc thi nhằm tìm ra và tôn vinh những tấm gương về đạo hiếu trong cuộc sống. Qua đó, Ban tổ chức sẽ tập hợp chân dung những tấm gương Hiếu thảo tiêu biểu trong cuộc thi Sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu để in thành quyển sách, mang tên “Những tấm gương hiếu thảo” để dành tặng cho các em học sinh.

Quyển sách sẽ tập hợp những bài viết có chất lượng nhằm xiển dương và tôn vinh những cá nhân hiếu đạo, để mỗi chúng ta cùng nhau học tập, phấn đấu, ngày càng sống có đạo hiếu và trách nhiệm hơn, góp phần vun xây xã hội Việt Nam hưng thịnh, vững bền.

Cuộc thi được phát động từ tháng 10/2015 đến tháng 7/2016, Ban tổ chức đã nhận được hơn 3000 bài dự thi của các thí sinh đến từ nhiều vùng, miền trên khắp cả nước. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến việc xiển dương giá trị đạo hiếu cao đẹp trong đời sống.

Ban TTTT T.Ư GHPGVN tổ chức cuộc thi không vì lợi ích nào khác ngoài việc đề cao, tôn vinh đạo hiếu trong đạo Phật và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ban tổ chức hy vọng tinh thần hiếu hạnh tỏa sáng không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của một cuộc thi, không chỉ dừng lại ở những tác phẩm được giải và những cá nhân được tôn vinh mà sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội để cho mỗi người con là tấm gương hiếu thảo, mỗi gia đình là một gia đình hiếu thảo, dân tộc ta là một dân tộc trân trọng và đề cao đạo hiếu.

Nói cách khác, mong muốn cao nhất của Ban tổ chức chương trình Vu Lan năm này đó là sự báo hiếu theo tinh thần tri ân, báo ân sẽ thấm nhuần vào trong cuộc sống, để hướng đến một xã hội nhân bản tốt đẹp hơn.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2016 Cuoc thi sang tac cac tac pham ve Dao hieu 2

Trong số hơn 3000 tác phẩm dự thi, có rất nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc và giàu cảm xúc, sắc thái thể hiện qua tấm gương của các nhân vật.

Bài dự thi “Gương hiếu hạnh của Chử Đồng Tử” đã đề cập đến một trong Tứ Bất Tử, biểu tượng cho đạo hiếu của dân tộc Việt Nam và là người phật tử đầu tiên ở nước ta, đó chính là Chử Đồng Tử. “Chử Đồng Tử” chính là một trong những câu chuyện dân gian đầu tiên mà qua đó phản ánh nguyện vọng, ước mơ tự do hôn nhân và đề cao đức tính hiếu thảo, qua hai nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung là hình tượng cao đẹp cho mẫu người đạo hiếu.” Qua tác phẩm này, chúng ta có thể nhận ra hiếu kính với cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được lưu giữ cho đến muôn đời sau.

Tác phẩm “Sự hiếu thảo của ba tôi”, tác giả đã viết về người ba của mình dù phải cắn răng chịu đựng đau đớn nhưng kiên quyết không cưa chiếc tay bị thương. Vì một lý do thực sự khiến cho chúng ta phải bất ngờ và lặng đi vì xúc động: “Trong một trận đánh, ba bị trúng đạn, bị thương nặng ở tay phải và đùi. Lúc đó cả ông bà đều ở xa, không thể gặp ba được. Bác sĩ nói tay của ba phải cưa nhưng ba quyết chịu đau để giữ lại: “Không còn tay thì tôi không thể chăm sóc ba má được”. Thật kỳ diệu là ba vẫn giữ được cánh tay đó nhưng nó đã bị mất một mảng, gần như không còn có thể hoạt động được nữa. Khi gặp bà, ba đã khóc rất nhiều, không phải vì đau mà vì nghĩ đến việc mình sẽ không báo hiếu được cho ông bà.”

Một người con dù trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”, ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết nhưng cả trái tim và tấm lòng vẫn hướng trọn về người mẹ thân yêu nơi quê nhà, đang ngày đêm mong ngóng người con trai của mình ở chiến trường trở về sau cuộc chiến… Báo hiếu đâu phải là những hành động to tát hay vĩ đại, lớn lao ở đâu xa. Đơn giản chỉ là mong muốn giữ được cánh tay này để có thể giặt cho ba mẹ bộ quần áo, có thể quạt mát cho ba mẹ trong những đêm hè oi nóng hay đơn thuần chỉ là ước mong cho cánh tay đủ khoẻ để dìu đỡ mẹ cha, là điểm tựa vững chắc để người bám vào khi tuổi đã xế chiều.
Báo hiếu cho cha mẹ ruột của mình đã là một điều khó, không phải ai cũng có thể làm tròn được bổn phận thiêng liêng và cao quý này. Ấy vậy mà người con trong tác phẩm “Người thương binh hiếu nghĩa” đã làm một việc khiến cho tất cả đều phải nể phục và thầm kính trọng người đàn ông ấy. Đó chính là anh Phan Trọng Hòa ở làng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) là con của người vợ hai, nhưng trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, anh vẫn chăm sóc và phụng dưỡng cho người mẹ cả ốm yếu như mẹ đẻ của mình, cho đến ngày bà “nhắm mắt xuôi tay”.

Thời bao cấp, gia đình anh cũng như đồng bào cả nước nghèo đói và khốn khó vô cùng. “Một số người, trong đó có cả người ruột thịt, muốn giảm bớt gánh nặng cho vợ chồng anh, bàn đưa bà vào trại dưỡng lão. Anh nói với họ, phận bà bây giờ như con giun con dế, đưa đi đâu thì đi, bảo ở đâu thì ở. Bà không kêu ca, đòi hỏi và cũng không có quyền đòi hỏi một ai. Tôi còn sống mà để bà bơ vơ trong trại dưỡng lão, lòng không đặng. Cứ để bà ở đây, ở đây mãi mãi, bà cháu, mẹ con no đói có nhau”…

Để rồi “cho đến phút cuối cùng trước lúc nhắm mắt xuôi tay bà vẫn sống trong sự đùm bọc, chở che của “con trai”, người suốt đời tận trung, tận hiếu với bà”. Bằng hành động của mình, anh Hòa đã làm tròn một đại hiếu (thật ra là một tiểu hiếu) mà trên đời này, ngay cả những người con ruột giàu có, lành lặn, mạnh khỏe như chúng ta cũng có khi khó lòng có được những cử chỉ, hành động hiếu đạo đẹp như vậy.

Và đây…những dòng tâm sự đầy ắp sự nuối tiếc, ân hận và dằn vặt của một người con có mẹ bị bệnh phong trong tác phẩm “Vu Lan nhớ mẹ ở trại phong” sẽ khiến người đọc phải ngậm ngùi và để lại sự khắc khoải khôn nguôi. Người con ấy đã từng mặc cảm khi có một người mẹ bị mang trong mình căn bệnh quái ác, bị người thân và dân làng hắt hủi, kỳ thị, người con ấy đã thờ ơ với chính người mẹ của mình.

Đáng thương thay… người mẹ tội nghiệp ấy đã ra đi một mình trong căn phòng rộng chỉ 10m² nơi trại phong hiu quạnh. “Những sai lầm mà tôi mắc phải, sự hối lỗi, ăn năn của tôi giờ đây là muộn màng khi người mẹ thân yêu đã xa rời tôi mãi mãi… Những tưởng, cha mẹ vẫn đủ sức đứng sau dõi theo và che chở cho mình. Nhưng hỡi ôi! Khi quay đầu nhìn lại thì cha mẹ không còn! Lúc đó hối hận đã muộn màng, dòng lệ có tuôn rơi cùng cơn mưa ngâu chiều tháng 7, nhạt nhòa trong màn mưa, thì tất cả cũng chỉ là những ký ức nhung nhớ về mẹ cha”.

“Ngày hiếu ân người ta nhắc chuyện hiếu đạo, còn tôi “Nhớ mẹ ở trại phong” với nỗi ân hận của người con “bất hiếu”! Câu kết của tác phẩm như một lời cảnh tỉnh đối với tất cả chúng ta. Hãy nhìn lại bản thân và cách đối xử đối với cha mẹ của mình. “Hiếu kính đâu chỉ có một ngày, hay một giờ, một phút mà đó là tình yêu thương trong từng khoảnh khắc của cuộc đời…” Đừng để thời gian vô tình trôi đi, rồi một ngày chợt nhận ra thì cha mẹ đã xa ta một lớp đất mất rồi… Đừng để cuộc đời mãi chỉ là những tiếng thở dài hay những câu “giá như” đầy khắc khoải của sự hối lỗi và ăn năn.

Có thể thấy các tác phẩm dự thi năm nay rất đa dạng và phong phú cả về chất lượng cũng như cách thức thể hiện như tự truyện, ghi chép,… đến cả những tác phẩm văn học mang đậm hơi thở cuộc sống. Những tác phẩm không chỉ tôn vinh những tấm gương hiếu đạo mà còn viết về những người con lỗi đạo, bất hiếu với đấng sinh thành của mình như một sự ăn năn, hối lỗi.

Nổi bật trong đó là tác phẩm “Người thổi kèn đám ma”. Từng lời tâm sự của người mẹ già luôn cô độc giữa không gian quạnh quẽ khiến ta buồn đến nao lòng. “Tao cũng buồn lắm. Thuở đời nay, bảy tám đứa con, nuôi tới lớn ăn học đề huề, ruộng đất bao nhiêu tao cũng bán sạch miễn tụi nó ăn học tới nơi, tới chốn. Giờ đứa làm giám đốc, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư. Vậy mà… Cụ im lặng với đôi mắt đỏ hoe”.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 7.2016 Cuoc thi sang tac cac tac pham ve Dao hieu 3

Cụ luôn mong muốn được ăn một bữa cơm có đầy đủ con cháu quây quần và sum họp ấm áp, ước mơ ngỡ giản dị mà sao lại khó thực hiện đến thế. Để rồi cái ngày mà cụ mong ngóng con cháu tập trung về đông đủ ấy lại chính là ngày mà cụ ra đi mãi mãi…

“Đêm nay nhạc tây, nhạc ta inh ỏi nối tiếp nhau sau các đợt tụng kinh siêu thoát. Xe du lịch của bạn bè lũ con đậu kín con đường to rộng nhất cù lao này. Đám tang làm heo, bò, gà vịt liên tục. Bàn nhậu này kéo theo bàn nhậu khác rôm rả. Chúng nó mướn cả đoàn ca nhạc và làm xiếc đến phục vụ suốt đêm. Nghe đâu cái quan tài để cụ nằm trị giá gần trăm triệu đồng. Chúng còn mua đất trong nghĩa trang tư nhân cao cấp để cụ an nghỉ chớ không chịu để cụ nằm trên đất nhà…

Tuyệt nhiên không thấy một giọt nước mắt nào tại đám tang. Có lẽ lũ con đã mãn nguyện với sự hiếu thảo của mình, hay có lẽ các con đã thấy lòng nhẹ nhõm vì từ nay không sợ người đời cho là bất hiếu nữa, từ nay khỏi phải điện thoại thăm nom, hay phải phóng xe hàng trăm cây số về thăm mẹ khi trái gió trở trời”.

Đó chỉ là một số ít tác phẩm tiêu biểu trong cuộc thi được trích ra để giới thiệu đến quý độc giả. Cuộc thi đã đi đến chặng đường cuối, Ban tổ chức đã tổng kết và chọn ra những tác phẩm đạt giải. Tuy nhiên, những cá nhân đạt giải hay những nhân vật trong tác phẩm đạt giải có thể chưa phải là tấm gương điển hình nhất của tinh thần hiếu hạnh. Vì cuộc sống hiếu hạnh là cuộc sống vượt lên các quy luật thông thường của tự nhiên như trong Kinh sách đã mô tả. Trong muôn loài hương thơm, dù thơm bao nhiêu, hương thơm ấy chỉ bay theo chiều gió. Duy chỉ có gương hiếu hạnh tỏa thơm trong lành và đi ngược cả chiều gió, ngược cả quy luật tự nhiên trở thành loài hương bất định khó có thể mô tả được bằng ngôn ngữ. Đó chính là Tâm Hương – Hương Hiếu hạnh.

Sẽ không còn những giọt nước mắt phải rơi vì sự tiếc nuối hay dằn vặt khi không làm tròn được đạo hiếu làm con. Đó sẽ là nụ cười hạnh phúc, ấm áp của tình thân gia đình, khi mùa Vu Lan năm nay mỗi người được cài trên ngực mình bông hồng tươi thắm, sáng ngời sự hiếu hạnh khi vẫn còn bóng hình mẹ cha.

“Vu Lan kinh gọi ngàn phương
Hiếu ân con trẻ vấn vương trong lòng
Áo con cài đoá hoa hồng
Thắm tình cha mẹ như đồng lúa”

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2016

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường