Trang chủ Lịch sử - Triết học Cuộc đời vua A Dục qua khảo cứu các bia ký Phật giáo

Cuộc đời vua A Dục qua khảo cứu các bia ký Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Trung Tâm
NCS Thạc sĩ Phật học khóa IV Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Phật giáo đã trở thành quốc giáo tại quê hương của mình vào những năm sau khi đức Phật nhập diệt khoảng hơn 200 năm. Đó chính là triều đại trị vì của vua Asoka (A Dục), vị vua đã trở thành phật tử hộ trì Phật pháp, đem chính pháp truyền bá khắp xứ Ấn lúc bấy giờ và còn phái các đoàn truyền giáo đến các quốc gia lân cận. Dấu ấn chứng minh thời kỳ Phật giáo huy hoàng, rực rỡ này chính là những bia ký, trụ đá được các nhà khảo cổ khai quật. Từ đó, những thông tin về Vua A Dục được chia hai phần, một là thư tịch, tư liệu ghi về cuộc đời vua, hai là bia ký, đích thân vua ra lệnh dựng lập. Phần lớn thư tịch được biên tập sau thời đại của vua nên nhiều vấn đề chưa đúng sự thật, không đồng nhất, dẫn đến nhiều tranh luận về ông. Trụ đá, bia ký là chứng cứ chính xác nhất, hơn cả thư tịch về sự kiện lịch sử. Khảo cổ giúp nhân loại tìm lại những giá trị chính xác hơn, trung thực hơn so với những điều ghi trong thư tịch.

Nội dung

A Dục Vương là Hoàng đế Ấn Độ, trị vì Đế quốc Khổng Tước (孔雀, Maurya, nghĩa là “con công”) từ năm 273 đến 232 trước CN. Vua Chandragupta Maurya (trị vì từ 321 đến 298 TTL) mở đầu triều đại Maurya, kế đến là vua Bindusàra Maurya (trị vì từ 298 – 273 TTL). Đến đời hoàng đế Asoka Maurya (trị vì từ 269 TTL đến 232 TTL), vị vua thứ ba của triều đại Maurya, ông kế tiếp chính sách bá quyền và thâu tóm gần hết tiểu lục địa Ấn.[1] Ông được xem là một trong những hoàng đế Ấn Độ kiệt xuất, vĩ đại nhất của Ấn, chiến thắng trong hàng loạt các cuộc chinh phạt. Ông còn là vị quân vương đầu tiên của nước Ấn Độ cổ (bhāratavarṣa) đã thống nhất được một lãnh thổ vĩ đại, lớn hơn cả Ấn Độ ngày này.

“A Dục Vương (阿育王, Pàli: aśoka, Sanskrit: asoka), tên gọi theo cách phiên âm Phạn-Hán là A-du-ca (zh.阿輸迦), A-du-già (阿輸伽), A-thứ-già (阿恕伽), A-thú-khả (阿戍笴), A-thúc (阿儵), hoặc dịch ý là Vô Ưu (無憂), hoặc như ông tự khắc trên những cột trụ nổi danh được lưu đến ngày nay là Thiên Ái Hỉ Kiến (zh.天愛喜見, devānaṃpriya priyadarśi)”, nghĩa là người được chư thiên thương, người nhìn sự vật với tấm lòng hoan hỷ”[2].

Sự kiện lên ngôi của ông theo theo thư tịch Tích Lan như Mahabodhivamsa cho rằng A Dục đã giết chết 99 anh em trai “nhưng thông tin các bia ký cho hay không chỉ một mà nhiều anh em trai của Asoka vẫn còn sống…”[3]. Cũng có bia ký ghi lại vua gửi tiền thuế cho vị quản gia lâu năm của anh trai tôi[4], cho thấy vua chỉ giết những vị chống đối việc ông lên ngôi. Về sau, vua A Dục thể hiện một quân vương ủng hộ Phật giáo. Các sử gia thường thường đem so sánh về sự nghiệp của A Dục Vương đối với Phật giáo còn hơn cả về sự nghiệp của đại đế Constantine của La Mã bảo hộ Thiên Chúa giáo. Điều này được khẳng định hơn qua những bia ký, trụ đá do ông khắc tạo, tên ông còn gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo trong và ngoài nước. Các sắc lệnh được khắc trên đá là những cống hiến sử liệu quý báu cho các sử gia, các nhà học giả khảo cổ, từ đó người đời sau hiểu được sức ảnh hưởng của Phật giáo, biết được phạm vi và thế lực của vua lúc đương thời. “Ông đã để lại cho hậu thế một chứng liệu miên viễn bằng đá, dưới dạng những pháp dụ…”[5]. Ngài Huyền Trang đã ghi chép lại không dưới năm trăm ngôi tháp do vua xây dựng, nhưng những tháp được tìm thấy rất ít, điển hình như Tang khư (Sànchi), tháp Bà-nhĩ-hô-đặc (Bharhut). Đồng thời, những trụ đá bia đá mà A Dục vương xây dựng, Huyền Trang thấy 19 chỗ nay còn 9 cái[6]. “Công lao của A Dục vương đối với Phật giáo cực lớn, cống hiến đối với Ấn Độ rất to nên đã có cái tên “A Dục vương chính pháp” (Dharina-As’oka). Nhưng những chùa chiền vĩ đại mà A Dục vương xây dựng đến nay không còn sót lại ngôi nào”[7].

Có một số thư tịch tài liệu ghi lại thông tin về vua A Dục như tác phẩm tiếng Phạn A Dục vương truyện (aśokāvadāna) do nhà sư Ấn Độ viết và hai bộ sử của Tích Lan là Biên niên sử của Đảo quốc (島史, dīpavaṃsa) và Đại biên niên sử (大史, mahāvaṃsa), dạng sử thi, ngôn ngữ Pali, nhưng trong những thư tịch này còn nhiều niên đại, sự kiện chưa đồng nhất về vua, còn mang đậm tính huyền sử, thiếu sự thuyết phục cao. Các nhà khảo cổ đã tìm được các bản khắc văn do “ông cho khắc các huấn chỉ của mình lên vách núi và trụ đá với hy vọng quần chúng sau khi nghe được sẽ theo đuổi và sẽ đạt được tiến bộ và lợi ích trong Chính pháp. Đó là lý do ra đời của các bia ký và trụ đá Asoka”[8]. Từ đó, những bia ký này cho biết chính xác hơn về cuộc đời của ông, cũng là những minh chứng hùng hồn đánh đổ những lập luận không căn cứ hoặc nghi ngờ trước đó về ông như cho rằng A Dục đã đối xử với các tôn giáo trên lãnh thổ rộng lớn bằng những chính sách ôn hòa… Vua đã khắc rất nhiều bia ký, nhưng không phải bia ký nào cũng đề cập đến Phật giáo. Hầu hết các bia ký của vua được tìm thấy ở trên đất Ấn Độ ngày nay ngoài ra còn tìm được ở Pakistan, Afghanistan vì lúc trước những nơi này thuộc vương quốc Ấn Độ, thậm chí ở Xêlia có ba bia ký.  Điều lưu ý, tất cả các trụ đá vua A Dục bất cứ ở đâu đều cùng làm một loại đá sa thạch màu đỏ chỉ có ở vùng trung Ấn Độ, nghĩa là ông làm một chỗ đó rồi chở đi các nơi. Cao tăng Pháp Hiển, nhà chiêm bái nổi tiếng ở Trung Hoa, đã du hành đến Ấn Độ vào năm 399 TL và để lại tác phẩm Phật Quốc Ký, đóng góp rất nhiều cho lịch sử Phật giáo, trong đó có xác chứng Hoàng đế A Dục và sáu trụ đá của vua[9]. “Vua A Dục là một vị vua Ấn Độ rất sùng đạo Phật sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên”[10], một số bia ký tiêu biểu về cuộc đời vua thể hiện rõ điều này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tru da A So Ka 1

Trụ đá Ashoka tại Sarnath

1. Bia ký ở Girnar

Một tập hợp 14 chỉ sắc lệnh nổi tiếng của vua A Dục được tìm thấy khoảng một dậm về phía đông Junāgaṛh, thủ phủ bang Junāgaṛh trong bán đảo Kāṭhiāvāṛ tại lối vào của một hẻm núi dẫn đến thung lũng bao quanh ngọn núi thiêng liêng, hùng vĩ Girnaṛ. Thiếu tá James Tod đến viếng Girnaṛ vào tháng 12 năm 1822,  tìm thấy bia ký hình như còn nguyên vẹn.

Mở đầu bia ký, Vua Thiện Kiến, đứa con yêu của các vị thiên thần, (Thiên Ái) chinh phục xứ Kalingas tám năm sau khi đăng quang. Hình tượng vua A Dục theo bia ký sẽ khác trong thư tịch như trong Mahavamsa ghi bốn năm sau khi lên ngôi, vua A Dục theo Phật giáo nhưng thực tế theo bia ký, tám năm sau khi lên ngôi, ông mới chinh phục xứ Kalinga sau đó mới quy y Phật. Những sử cứ trong bia ký hùng hồn, mạnh hơn vì bia ký vốn do chính Vua A Dục ra lệnh làm. Chắc chắn sách vở, thư tịch biên tập sau thời vua A Dục nên có những thông tin không chính xác bằng bia ký.

Chính bia ký này ghi rõ ông đã tự hối hận sâu xa, mạnh dạng công khai bài tỏ sai lầm sau khi chinh phục xứ Kalinga đã gây ra những hệ lụy sau cuộc chiến. “Sau khi Kalinga bị chinh phục, đức vua cảm giác hướng về chính pháp, sự kính trọng chính pháp và muốn được huấn thị trong chính pháp”, đây là lý do chính khiến đức vua hướng về Phật giáo. Động lực thúc đẩy khiến vua tìm đến Phật: “Những điều bất hạnh nầy xảy đến với tất cả mọi người vì hậu quả của cuộc chiến và đức vua đau nỗi đau này”. Có những học giả cũng nhận định: “Động cơ thúc đẩy Asoka quy về Phật pháp chính là do tính thiện trỗi dậy mạnh mẽ nơi con người ông, khiến ông đau khổ, ăn năn sau khi đã gây ra bao thảm cảnh cho dân chúng”[11]. Sau khi tìm về đạo Phật, vua thể hiện sự thâm nhập Giáo pháp qua đức tính bao dung, vị tha rộng lớn, “đức vua nghĩ rằng ngay cả những người làm việc sai quấy có thể tha thứ khi sự tha thứ có thể thực hiện được”. Đức vua mong muốn tất cả thần dân được yên bình, tự kềm chế và công bằng, ngay cả những nơi mà điều sai trái đã xảy ra. Một đấng quân vương cai trị quốc gia rộng lớn nên còn những giới hạn dù đã cố gắng hết sức, có những việc sai quấy sẽ không tha thứ nếu không thể thực hiện được. Những người trốn trong rừng làm việc xấu có thể được tha thứ và trở về đời sống bình thường nếu biết ăn năn hối lỗi, còn ngược lại ngoan cố sẽ bị vua chinh phạt. Qua bia ký này còn cho thấy, vua không những theo, ủng hộ Phật giáo mà chính vua còn gửi các phái đoàn truyền bá Phật giáo đi nhiều nơi như Hy Lạp, bốn vị vua ở vùng Trung Đông như Syria, đi tới miền nam Ấn Độ đi qua Tamraparni (là tên xưa của Sri Lanka). Sau khi hiểu rõ những giá trị, lợi ích của giáo pháp vượt xa dục lạc tầm thường, vua đã nỗ lực truyền bá Chính pháp trong nước và cả ngoài biên giới, đặc biệt đồng ý để con trai và con gái xuất gia, sau đó truyền đạo đến Tích Lan. Điểm nổi bật trong thời kì này là những đóng góp vĩ đại của vua A Dục đối với Phật giáo, đặc biệt trong thời kì truyền bá chính pháp và khảo cổ – lịch sử. “Nhờ có việc cử những đoàn sứ giả truyền giáo đi đến các nước xa xôi, trong đó có thể có nước ta, mà Phật giáo có điều kiện sớm trở thành một tôn giáo, tư tưởng lớn của nhân loại”.[12] Sau đó, vua còn dặn dò con cháu ở đời sau mình: “Pháp vụ này đã được ban hành để các con và các cháu không tiến hành các chinh phục mới nữa, hoặc nếu các cuộc chinh phạt của quân đội được tổ chức thì các cuộc chinh phục ấy thực hiện với sự nhẫn nại và sự trừng phạt nhẹ nhàng. Như là di ngôn của vua dể lại cho con cháu, các thế hệ muôn đời sau và hết thảy thần dân phải sống hòa bình đạo đức nên thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái. Cuối cùng, ông kết luận chiến thắng của pháp mới đem lại niềm vui hoàn toàn, hỷ lạc có giá trị đời này và đời sau qua câu nói “…sự chiến thắng của Chính pháp là chiến thắng thật sự, và niềm hỉ lạc trong Chính pháp là niềm hỷ lạc hoàn toàn vì niềm hỷ lạc nầy có giá trị trong đời nầy và đời sau”. Vua còn khẳng định: Ngày nay, sự chinh phục (chiến thắng) của Chính pháp, đức vua cho rằng là sự chiến thắng tối thượng. Cho thấy, ông thuần tín luật nhân quả và thấm sâu lời Phật dạy. Dưới thời vua A Dục, “Phật giáo đã trở thành tôn giáo mang tính quốc tế. Vua A Dục chủ tâm dùng giáo lý của Đức Phật để giáo hóa khắp vùng châu Á, châu Phi và giáp biên giới châu Âu. Đây được coi như Vua A Dục đảm nhiệm sứ mệnh mang lại hòa bình thế giới”[13]. Khẳng định rằng, Ông chính là Thánh quân, không có vị thứ hai trong lịch sử nhân loại để so sánh. Dharma mà vua A Dục dùng trong sắc lệnh là pháp của đức Phật, dù không nhắc đến thuật ngữ Phật giáo nhưng những nguyên lý đạo đức căn bản lấy từ Phật pháp. Vua đã thay đổi bản thân theo lời Phật “như trong sắc dụ 8 trên đã cho biết: “Trong quá khứ, các vua ra đi để du hí, ngoạn cảnh hay săn bắn, nay sau 10 năm lên ngôi, trẫm ra đi để tìm cầu giác ngộ và để giảng dạy Phật pháp. Trong các chuyến đi này, trẫm thăm viếng và tặng quà cho các tăng lữ và các sa môn, thăm và tặng vàng cho các người già cả, các người dân ở thôn quê, giảng dạy và bàn luận với họ về Phật pháp khi thích hợp”[14]. Vua còn cất trạm dưỡng lão, bảo hộ người già, nghèo và cả động vật: “In one edict, for instance, he orders fruit and shade trees to be planted and wells to be dug along the roads for the benefit of travelers. In others, he establishes medical facilities for humans and animals; he commissions officers to help the poor and the elderl”[15]. Vua còn thể hiện tấm lòng thương dân, sự quan tâm, chăm lo người dân trong nước qua bằng chứng sống động đó là thường xuyên tổ chức các cuộc du hành. Vua có những chính sách mềm dẻo đối với các tôn giáo khác nhưng cấm giết sinh vật để tế lễ. Đích thân vua ra lệnh khắc chỉ dụ về đạo đức không một chúng sinh, sự sống nào phải bị giết để hiến tế như sắc dụ “Trong vương quốc của trẫm, không một sinh vật nào bị giết để hiến cúng…[16]”. Tư tưởng từ bi, tôn trọng sự sống và bất bạo động của vua thể hiện rõ qua các bia ký III, IV, IX, XIII; trụ đá V, VII[17]

Bản thân nhà vua và triều đình thực hành đạo đức Phật giáo rất chân thành, sốt sắng tin tưởng mạnh mẽ vào lời Phật dạy, không đi du hý, săn bắn như trước mà tìm cầu giác ngộ, giảm ăn thịt, tiến tới ăn chay như bia ký ghi rằng “Trước đây, trong nhà trù của Hoàng gia, hàng trăm ngàn sinh vật bị giết mỗi ngày cho mục đích ẩm thực. Nhưng nay khi đạo dụ này được ban ra, chỉ có ba sinh vật bị giết thịt, hai con công và một con nai, nhưng nai thì không thường xuyên. Ngay cả ba sinh vật này về sau sẽ không còn bị giết thịt nữa”[18]. Với tình thương, vua chỉ khuyến khích, kêu gọi giảm từ từ nên trong hoàng cung vẫn còn một số người ăn thịt và sau này sẽ giảm hẳn. Vua không đưa ra năm giới cấm của Phật hay những quả báo của việc sát sinh mà chỉ đưa ra nhận định của vua về sự không tốt đẹp trong việc lấy sự đau khổ, giết chóc của sinh vật khác để tế lễ cầu bình an cho mình. Khi chưa quy y Phật giáo, ông tạo những cuộc chiến tranh xâm lược, giết người chống đối, không thấy sự xấu ác ấy, nhưng bây giờ, ông đã nhìn thấy được sự đau thương của chiến tranh và việc giết chóc, tàn hại sinh linh trong lễ hội hiến tế. Nhưng mà có một vài lễ hội được đức vua xem là có công đức. Điều hay ở đây ông không cấm hết các lễ hội mà vẫn tổ chức nếu trong đó không có hiến tế sinh vật mà cúng bằng đèn, bông, trái cây. Asoka còn đề cao nếp sống “…hiếu kính cha mẹ và các bậc trưởng thượng, tôn trọng thầy cô giáo, cung kính cúng dường các Sa môn, Bà la môn, xử sự tốt đối với thân bằng quyến thuộc, chia sẻ với bạn bè, đối đãi nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc, giúp đỡ người già, người nghèo khó, kẻ khổ đau. Ngoài ra bia ký Asoka còn nhấn mạnh các đức tính như thiện tâm, bố thí, thành thật, trong sạch, lịch thiệp, thánh thiện…[19]”. Công đức của vua A Dục cực kỳ to lớn trong việc truyền bá Phật giáo khiến sau này Chính pháp suy yếu và dần lụi tàn ở Ấn Độ, lại tiếp tục phát triển ở những nơi Vua đã truyền đến và hưng thịnh ở đó. Từ đó, dòng chảy Chính pháp không bị ngưng lại mà tiếp tục lan xa, phát triển ra khỏi quê hương của mình. Đối với lịch sử Phật giáo, với những cống hiến vô cùng vĩ đại, ông được xưng tụng Chính Pháp A Dục Vương (Dharma Asoka)

2. Bia ký ở Bairat

Năm 1840, đội trưởng Burt phát hiện bia ký này khắc trên một khối đá gra-nít xám cứng, ở ngọn đồi kề bên thị trấn Bairat. Bairat được xác định là Virāṭa, thủ đô của quốc gia Matsya xa xưa. Ngày nay, Bairat cách thành phố Jaipur, thành phố chính của bang Rajasthan, Ấn Độ, khoảng 42 dặm về phía đông bắc. Bia ký này gồm 8 hàng với ngôn ngữ được dùng là Prakit và chữ viết là chữ Brahmi. Dòng đầu là lời thăm hỏi của vua với Tăng già. Câu hai, vua thưa rằng: “Như các vị đã biết, thưa các tôn giả, lòng tin bất thối và lòng kính trọng của trẩm đối với Phật, đối với Pháp và đối với Tăng”. Ông tuyên bố lòng tin bất động của ông đối với Tam Bảo, chỉ có người Phật tử mới nói như vậy, đồng nghĩa với việc Vua đã tự xác nhận mình là đệ tử Đức Phật. Hàng thứ ba vua tán thán tất cả lời Phật tuyên thuyết đều là thiện thuyết. Điều này càng chứng minh thêm lòng tôn kính, tin tưởng của ông với Phật pháp. Với cương vị quân vương cai trị quốc gia rộng lớn, đồng thời là Phật tử, vua đã nói lên nguyện vọng của mình: “trẩm tin tưởng sẽ đóng góp vào việc trưởng tồn của Chính pháp”. Dòng năm, vua đưa ra bảy tên kinh được trích từ pháp mà tăng ni, cư sĩ cần trùng tụng, lắng nghe, thực hành. 1. Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta), số 31, Trường Bộ (Dìgha Nikàya). Nội dung bài kinh nói lên tầm quan trọng của giới luật và lợi ích của sự bố thí. 2. Kinh Thánh Cư (Ariyavàsà), Tăng Chi Bộ kinh, tập V, chương Mười pháp, số 20. Bài kinh này đức Phật dạy về nếp sống phạm hạnh cao cả của bậc Thánh. 3. Kinh Các sợ hãi về tương lai (Anàgata – bhàyàni), Tăng Chi Bộ kinh, tập III, chương năm pháp, kinh số 78. Nội dung đức Phật dạy chư tăng nên điều phục các lo lắng về tương lai. 4. Kinh Ẩn Sĩ ( Munisutta), số 12, phẩm Rắn, kinh tập (Sutta Nipàta). Đức Phật giảng các bài kệ về đời sống ẩn sĩ. 5. Kinh Nàlaka (Nàlakasutta), số 11, Đại phẩm, kinh tập (Sutta Nipàta). Kinh đề cập đến sự vắng lặng, tịch tĩnh của các vị tỳ kheo. 6. Kinh Sàriputta (Sàriputtasutta), số 16, Phẩm Tám, kinh tập (Sutta Nipàta). Nội dung về những lời giáo huấn của Đức Phật với ngài Xá Lợi Phất. 7. Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am Bà La (Ambalatthikà Ràhulovàdasutta), số 61, Trung Bộ (Majjhima Nikàya)[20]. Đức Phật dạy La hầu la không nên nói dối.

Cho thấy, vua muốn dùng Chính pháp cai trị nhân dân, dựa vào sắc lệnh của mình để tăng ni và thần dân học tập theo kinh Phật. Thay vì khắc nguyên văn bản kinh lên trên trụ đá, ông chỉ nhắc những phần, đoạn nào cần phải đọc. Đủ biết thời của ông, dân trong nước biết nhiều về kinh Phật và nếu họ chưa biết bài kinh nào sẽ tự tìm hiểu vì theo lệnh vua ban. Nội dung bảy phần này, thay vì ông viết ra đại ý để dân đọc mà ông muốn dùng lời Phật dạy để dân chúng tiếp nhận. Bản thân ông phải hiểu rõ đoạn luật, kinh trên và hưởng được vị ngọt chính pháp nên ông chỉ nhắc lại tên kinh. Chắc chắn nơi bia ký này là một tu viện lớn, đông tăng chúng tu tập nên đức vua đến đây đảnh lễ tăng già và nói lên lòng tin bất thối của mình đối với Tam bảo. Cũng chắc chắn đông người thường lui tới nên bia ký được đặt ở đây để truyền nhau những thông tin về lệnh vua qua bia ký vì ngày xưa chưa có nhiều phương tiện thông tin. “Asoka tự nhận là đệ tử Phật nhưng không hề bắt ép ai theo tín ngưỡng của mình. Ông hết lòng ca ngợi giáo lý của Đức Phật và thật sự đã vận dụng giáo lý ấy vào sự nghiệp trị quốc nhưng trong các chỉ dụ của ông, Asoka không hề nhân danh đức Phật hay giáo pháp của Ngài”[21]. Ông dùng giáo pháp để cai trị quốc gia và ban sắc lệnh nhưng chưa bao giờ ông đưa ra những thuật từ chuyên môn Phật giáo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Tam pháp ấn… Nhưng những căn bản, giá trị triết lý, đạo đức trong Phật giáo được vua đem ra dạy dân. Điều này thể hiện sự khéo léo, tinh tế của Vua đối với tín đồ khác dễ chấp nhận và tin theo. Từ đó, Chính pháp được lưu truyền trong khắp đất nước. Đồng thời, đây là chuẩn mực đạo đức mà nhân dân cần có để sống đúng chính pháp, đúng luật lệ nhà nước và sẽ đạt an lạc, hạnh phúc trong đời sống. Bia ký này, một minh chứng hùng hồn khẳng định ông là vị Phật tử nên ông tự nhận bổn phận phải bảo tồn Chính pháp. Từ đó, thông điệp quan trọng nhất mà bia ký này mang lại chính là đã lên tiếng chấm dứt mọi tranh luận, nghi ngờ về tôn giáo mà vua A Dục quy y và hộ trì. Chứng tích lịch sử thứ hai từ bia ký là kinh điển Phật giáo được kết tập và phổ biến trong quần chúng trong thời điểm này.

3. Bia ký trên trụ đá tại Rummindei

Khi trở thành Phật tử, vua hành hương chiêm bái các Thánh tích Phật giáo và đã tới đây. Rummindei là tên ngày nay của Lumnini (Lâm Tỳ Ni), khu vườn nổi tiếng vị là nơi Thái tử Tất-đạt-đa (Siddharta) đản sinh. Lâm Tỳ Ni là một trong bốn nơi hành hương nổi tiếng của đạo Phật tại quận Rupandehi thuộc Cộng hòa dân chủ Nepal nằm cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36km. Vị trí này trùng khớp với những thông tin mô tả trong Đại Đường Tây Vức Ký của Huyền Trang. Lâm Tỳ Ni có một số ngôi chùa và đền thờ, trong đó có đền thờ Hoàng hậu Maya, còn có ao Puskarini hoặc Holy, nơi Hoàng hậu Maya làm lễ khi sinh Thái tử. Ngoài ra nơi đây còn phần còn lại của cung điện Ca Tỳ La Vệ và trụ đá, bia ký do vua A Dục tạo dựng. Vào “tháng 12 năm 1896, tiến sĩ A. A. Führer tìm thấy một trụ đá và bia ký trên được khắc trên trụ đá nầy. Trụ đá nằm dưới lòng đất các mặt đất 3 feet”.“Ngôn ngữ của bia ký là tiếng Magadhi vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Chữ viết là chữ Aśoka Brāhmī”. Mặc dù chỉ ba hàng nhưng bia ký cho biết chính xác vua A Dục có thực hiện chuyến hành hương và đến đảnh lễ nơi đức Phật sinh ra: “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, vua Thiên Ái Thiện Kiến đích thân đến và đảnh lễ nơi nầy bởi vì Đức Phật Thích Ca đã đản sinh tại đây”. Bia ký cũng đã đánh dấu chính xác nơi Đức Phật sinh ra: “Ngài hạ chỉ tạo dựng một tượng con thú (con ngựa) bằng đá và một trụ đá được đặt ở đây để chỉ nơi Đức Phật đã đản sinh”. Nhờ vào những trụ đá do nhà vua xây dựng tại các thánh địa đã giúp rất nhiều trong việc xác định niên đại của Đức Phật lịch sử. Bia ký như bản khai sinh của Đức Phật, khẳng định Ngài vốn là nhân vật lịch sử không phải trong huyền thoại. Ngoài ra, bia ký cho biết đức vua đã đặt biệt hạ chỉ giảm thuế cho dân ở nơi này: “Ngài hạ chỉ giảm các thuế cho làng Lâm Tỳ Ni và chỉ đóng một phần tám sản lượng”. Trong các bia ký của vua, chỉ duy nhất bia ký này vua đề cập đến việc giảm thuế, đủ thấy vua A Dục rất tôn kính Đức Phật và dân làng ở đây được hưởng phước, ân đức từ Phật. Cho thấy, thời vua đã có chính sách thuế, vua tính thuế rất kỹ và sử dụng tiền này phục vụ lại cộng đồng. Các nhà khảo cổ còn tìm thêm được hai trụ đá đánh dấu nơi sinh của hai vị Phật Câu Lưu Tôn và Câu Na Hàm Mâu Ni. Như vậy, có thể bảy vị Phật đều sinh ra ở Nepal như trong Phật sử có ghi lại.

4. Bia ký Sarnath thể hiện vai trò của vua là người phật tử bảo vệ chính pháp, cũng là quân vương bảo vệ sự yên ổn trong xã hội.

Mùa đông năm 1904, cuộc khai quật tai Sarnath được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Ông F.O. Oertel. Bia ký này có mười một hàng, ba hàng đầu đã bị phá hỏng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ba bia ký ở Sarnath, Kausambi và Sānchi có cùng nội dung phần sau nên biết được nội dung của ba hàng đầu bị mất ở Sarnath. “Isipatana, hiện là Sarnath, nơi mà đức Bản sư vận chuyển Bánh Xe Pháp Bảo”[22]. “Sarnath, nằm về hướng Bắc cách Vàrànasi năm dặm Anh là nơi chôn nhau cắt rún của Giáo Pháp, những gì Đức Phật dạy, và Tăng già, những người được dạy. Bởi vì chính tại nơi đây Ngài gởi sáu mươi vị đệ tử đầu tiên tuôn ra khắp nơi”[23]. Sarnath còn gọi là Isipatana (chư thiên đọa xứ) trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn. Varanasi là thánh địa của ba tôn giáo lớn như Phật giáo, Bà la môn, Kỳ na giáo và khúc sông Hằng ở Vàrànasi được xem là khúc sông thiêng. “Varanasi, một địa danh được xem là kinh đô tôn giáo và văn hóa của Ấn Độ, mà Sarnath là một phần của vùng địa linh này”[24]. Dựa vào nền còn lại cho thấy Sarnath ngày xưa là tu viện lớn, có thể có nhiều tu viện trong khu vực đó. Sử sách ghi lại, khi người Hồi giáo tấn công nơi đây phải dùng 400 cổ xe bò chở trong một tháng mới hết của cải ở tu viện Sarnath.“Những sắc lệnh của vua Asoka từ Kausàmbì, Sānchi và Sàrnàth mạnh mẽ cảnh báo sự phân giáo trong tăng đoàn, nói rằng các Tăng sĩ gây ra sự phân giáo phải bị trục xuất khỏi Tăng già. (Sự việc những sắc lệnh được khắc lên đá cho thấy rằng mối bất hòa có thể đã xảy ra một thời gian dài)”[25]. Cho thấy, khi là Phật tử, vua không những hành hương các Thánh tích như Lumbini, Sarnath, thăm viếng Tăng già mà còn là vị Hộ pháp, ủng hộ Phật giáo và nghiêm cấm vấn đề ly gián Tăng đoàn thông qua nhiều sắc lệnh ở các nơi khác nhau nhưng đều nhắc đến cùng nội dung này. H.G. Wells viết ca ngợi về vua A Dục như sau trong lịch sử của thế giới có hàng ngàn vị vua và hoàng đế tự xưng là ‘ngôi cao’, ‘hoàng đế’, ‘quốc vương’,… Họ chỉ sáng bừng trong chốc lát rồi tàn lụi nhanh chóng. Nhưng A Dục vương tỏa sáng và vẫn tỏa sáng như một ngôi sao sáng, cho đến tận ngày hôm nay.

Kết luận

Dù có công lao mở mang bờ cõi và định hình bản đồ Ấn Độ như ngày nay nhưng khi đứng trước sự vô lý và tàn khốc của chiến tranh, nhất là sau cuộc chinh phạt cuối cùng ở Kalinga, vua A Dục đã đặt ra cho mình muôn ngàn câu hỏi khi chứng kiến biết bao bi kịch do hậu quả cuộc chiến. Để từ một bạo chúa hiếu chiếu, ông thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả trong Phật giáo, trở thành đấng quân vương được cả người dân Ấn Độ và những người biết đến Phật giáo trên khắp thế giới ca tụng. Thời gian đầu lên ngôi, vua A Dục từ bạo chúa ác vương Ấn Độ, mở ra thời kỳ đẫm máu, liên tục tổ chức chiến dịch chinh phạt hùng cường bao nhiêu thì sau này khi trở thành người sùng đạo, bảo trợ Phật giáo, quyết định sám hối, quay đầu về Phật pháp mạnh mẽ bấy nhiêu. Vua thường ban bố những sắc lệnh quan trọng để chấn hưng, phát triển Phật giáo. Nội dung được khắc lên những bia đá, hang núi trụ đá rải rác các nơi khắp sứ Ấn. Ông tuyên bố từ bỏ chiến tranh xâm lăng, công khai bày tỏ sám hối lỗi lầm khắc lên trụ đá nghĩa là đã chiến thắng chính mình, chiến thắng các ham muốn bản thân, tỏ bày lòng thành ăn năn hối hận. Vua A Dục chính là phật tử, rất nhiệt thành bảo vệ chính pháp. Ông dùng giáo pháp đức Phật để cai trị quốc dân. Điều khôn khéo là ông không bao giờ nhắc đến thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo. Đạo đức của ông và nhân dân trong nước thay đổi rất nhiều theo tinh thần giáo lý đức Phật. Phật giáo dần trở thành Quốc giáo thời bấy giờ. Nhưng trải qua thời gian, Phật giáo Ấn Độ đã rơi vào quên lãng từ thế kỷ XIII, mãi đến nhiều thế kỷ về sau, các nhà khảo cổ phương Tây đã dần phát hiện các trụ đá bia ký. Từ đó cuộc đời và sự nghiệp của vua A Dục được tái dựng lại một cách chân thật, không chứa đựng những yếu tố huyền thoại như trong thư tịch. Phật tử khắp thế giới đều chịu ơn vua vì nhờ những chính sách phát triển Phật giáo của vua đã đưa Giáo pháp lan rộng toàn cõi Ấn Độ và ảnh hưởng tới ngày nay, đồng thời truyền bá giáo pháp ra khỏi lục địa Ấn nhờ vậy Phật Pháp mới tồn tại, phát triển. Tinh thần phụng sự đạo pháp của Vua A Dục khiến nhiều người thán phục và là tấm gương cho phật tử đời sau noi theo.

Tác giả: Thích Nữ Trung Tâm
NCS Thạc sĩ Phật học khóa IV Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

[1] Trần Trúc Lâm, Những Hộ pháp vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn Độ, tr. 6.
[2] Tài liệu của Giáo thọ bộ môn.
[3] Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, tr. 47.
[5] Trần Trúc Lâm, Những Hộ pháp vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn Độ, tr. 7.
[6] Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo Thế giới, tr 79.
[7] Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo Thế giới, tr 79.
[8] Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, tr. 212.
[9] HT.Thích Minh Châu, Thích Nữ Trí Hải dịch, Fa-hsien the Unassuming Pilgrim, Pháp Hiển nhà chiêm bái, tr. 192.
[10] Thích Minh Châu, Minh Chi, Từ điển Phật học Việt Nam, tr. 9.
[11] Lê Tự Hỷ, Đại đế Asoka từ huyền thoại đến sự thật, tr. 132.
[12] Thích Tâm Hải, Phật học cơ bản chương trình Phật học hàm thụ, Sơ lược lịch sử Phật giáo Ấn Độ sau thời Đức Phật, tập 2, tr. 135.
[13] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tr. 149.
[14] Lê Tự Hỷ, Đại đế Asoka từ huyền thoại đến sự thật, tr. 143.
[15] Robert E. Buswell, Jr., Editor in Chief, Encyclopedia Of Buddhism Volume one, p.34.
[16] Lê Tự Hỷ, Đại đế Asoka từ huyền thoại đến sự thật, tr. 143.
[17] Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, tr.229.
[18] Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, tr. 304.
[19] Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, tr. 215.
[20] Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, tr. 337 ~ 386.
[21] Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, tr. 211.
[22] Piyadassi, Phạm Kim Khánh dịch, Phật giáo nhìn toàn diện, tr. 566.
[23] Piyadassi, Phạm Kim Khánh dịch, Phật giáo nhìn toàn diện, tr. 568.
[24] Thích Nguyên Hiệp, Những di tích Phật giáo ở Ấn Độ, tr.48.
[25] Hirakawa Akira, Thích Nguyên Hiệp dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, tr. 144.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. HT. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017.
2. Pháp sư Thánh Nghiêm, Pháp sư Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo Thế giới, Nxb.Khoa học Xã hội, 2008.
3. HT. Thích Minh Châu, Thích Nữ Trí Hải dịch, Fa-hsien the Unassuming Pilgrim, Pháp Hiển nhà chiêm bái, Nxb. Tp. HCM, 1997.
4. Thích Minh Châu, Minh Chi, Từ điển Phật học Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Tp. Hà Nội 1931.
5. Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka) cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004.
6. Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, 2013.
7. Lê Tự Hỷ, Đại đế Asoka từ huyền thoại đến sự thật, Nxb. Đà Nẳng, Tp. Đà Nẳng, 2018.
8. Piyadassi, Phạm Kim Khánh dịch, Phật giáo nhìn toàn diện, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, 2009.
9. Trần Trúc Lâm, Những Hộ pháp vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, 2007.
10. Thích Nguyên Hiệp, Những di tích Phật giáo ở Ấn Độ, Nxb. Văn hóa văn nghệ, Tp. HCM, 2018.
11. Hirakawa Akira, Thích Nguyên Hiệp dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, Nxb. Văn hóa – văn nghệ, Tp. HCM, 2018.
12. Thích Tâm Hải, Phật học cơ bản chương trình Phật học hàm thụ, Sơ lược lịch sử Phật giáo Ấn Độ sau thời Đức Phật, tập 2, Nxb. Hồng Đức, Tp. Hà Nội, 2014.
13. Robert E. Buswell, Jr., Editor in Chief, Encyclopedia Of Buddhism Volume one, printed in the United States of America, New York, 2003.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường