Trang chủ Bài viết nổi bật Công chúa Thiệu Ninh triều Trần với chùa Từ Ân

Công chúa Thiệu Ninh triều Trần với chùa Từ Ân

Công chúa Thiệu Ninh đời Trần xây dựng chùa này ở đất Tây Quan; trong chùa có nhà hương hỏa thờ bà sinh mẫu là Ưu Bà Di Thiên Huệ. Bắt đầu khởi công từ tháng 11 năm Tân Dậu. Đến tháng 12 năm Nhâm Tuất hoàn thành. Thái tử thiêm sự tước Trung Tĩnh thượng hầu, đặt tên chùa là Từ Ân, để tỏ lòng không quên gốc vậy

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Công chúa Thiệu Ninh đời Trần xây dựng chùa này ở đất Tây Quan; trong chùa có nhà hương hỏa thờ bà sinh mẫu là Ưu Bà Di Thiên Huệ. Bắt đầu khởi công từ tháng 11 năm Tân Dậu. Đến tháng 12 năm Nhâm Tuất hoàn thành. Thái tử thiêm sự tước Trung Tĩnh thượng hầu, đặt tên chùa là Từ Ân, để tỏ lòng không quên gốc vậy

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Số 120 đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội

Công chúa Thiệu Ninh là con gái của vua Trần Nghệ Tông triều Trần, thân mẫu họ Vũ có duệ hiệu Ưu Bà Di Thiên Huệ, người hương Cổ Lũ, huyện Tây Quan (nay thuộc thôn Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Cổ Lũ còn gọi Cả Lũ, một vùng đất ven sông gần biển, xưa kia hoang hóa, dân cư thưa thớt.

Công chúa Thiệu Ninh đã cùng Trung Tĩnh thượng hầu (cũng là con trai của vua Trần Nghệ Tông) đã về vùng đất này khai hoang lập ấp, mở trang Đông Hải. Đây chính là quê hương của thân mẫu công chúa.

Theo truyền thuyết và văn bia thì công chúa và Trung Tĩnh thượng hầu đã về đây tổ chức khai hóa vùng ven sông Diêm Hộ, có tới hàng mấy trăm mẫu ruộng. Diện tích khai khẩn ra sát bờ sông Diêm Hộ cùng với nhiều mảnh giáp sông Trà Lý.

Điều đặc biệt là khi khai khẩn xong, công chúa giao cho các trang ấp canh tác, chỉ phải nộp địa tô cho nhà nước, khiến dân chúng cảm nhận sâu sắc ân nghĩa nặng tình của công chúa Thiệu Ninh.

Vào thời kỳ đó, ruộng hoang hóa, bãi lầy có nhiều, nhưng muốn khai khẩn phải nhọc công tốn kém, vì vậy nên người dân thường khó có điều kiện để khai khẩn. Do đó khi công chúa cấp tiền vốn, lương thực cho dân mở mang ruộng cấy thì đây là điều vô cùng hiếm có, nhưng bởi đây là miền quê của thân mẫu công chúa nên người muốn lưu lại một ân tình mãi mãi về sau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Cong chua Thieu Ninh chua Tu An 2

Tượng Công chúa Thiệu Ninh ở chùa Từ Ân. Nguồn: Báo Công an Nhân dân

Cảm kích trước nghĩa cử thương dân của công chúa và thượng hầu nên sau này người dân địa phương đã lập đền thờ và xây dựng lăng mộ của Ưu Bà Di Thiên Huệ, công chúa Thiệu Ninh và Trung Tĩnh thượng hầu để bốn mùa hương khói.

Đặc biệt, công chúa Thiệu Ninh và Trung Tĩnh thượng hầu còn cho xây dựng chùa Từ  Ân ở đây. Văn bia ở đây còn ghi rõ:

Công chúa Thiệu Ninh đời Trần xây dựng chùa này ở đất Tây Quan; trong chùa có nhà hương hỏa thờ bà sinh mẫu là Ưu Bà Di Thiên Huệ. Bắt đầu khởi công từ tháng 11 năm Tân Dậu. Đến tháng 12 năm Nhâm Tuất hoàn thành. Thái tử thiêm sự tước Trung Tĩnh thượng hầu, đặt tên chùa là Từ Ân, để tỏ lòng không quên gốc vậy”.

Chùa Từ Ân ngày nay còn lưu giữ được một số di vật từ thời Trần và đặc biệt còn bài vị thờ “Trần triều Thiệu Ninh công chúa”, “Trần triều Trung Tĩnh thượng hầu”. Theo truyền thuyết thì không chỉ riêng ở đây, các làng chịu ân huệ của công chúa Thiệu Ninh như làng Giàng (Đông Á), làng Tẩm, làng Phần (Đông Hoàng), làng Hội Châu, làng Tể Tướng (Đông Huy) cũng có đền thờ bà Ưu Bà Di Thiên Huệ cùng công chúa và thượng hầu.

Đáng chú ý là chùa Từ Ân mặc dù đã qua nhiều thời kỳ tu sửa, lần sửa chữa gần đây vào năm Tự Đức nguyên niên (1847) mà thượng lương còn ghi đã làm biến dạng công trình, nhưng với dáng dấp vẫn mang phong cách cổ truyền của dân tộc. Toàn bộ hai tòa bái đường và tam bảo làm theo kiểu chữ “đinh” điêu khắc không nhiều, nhưng trên kết cấu vẫn thể hiện đường nét tinh tế.

Tượng pháp được tạc tạo công phu, tỉ lệ thích hợp. Một số đồ thờ khác chạm khắc tinh vi mang dấu ấn thời Hậu Lê. Điều đó minh chứng cho lòng ngưỡng mộ của người dân đối với chùa Từ Ân.

Đặc biệt, chùa Từ Ân còn lưu giữ được bia đá có niên hiệu Xương Phù thứ 6 năm Nhâm Tuất (1382), có bài minh văn do Vinh lộc đại phu chức Trung thư lệnh, kiêm Hàn lâm học sĩ Hồ Tông Thốc soạn, chữ khắc trên bia còn rõ. Tuy nhiên, minh văn này đã bị khắc lại vào thời Nguyễn, nhưng qua tra cứu của các nhà nghiên cứu thì không có sự sai sót gì lớn.

Bia có kích thước cao 1,26m, rộng 0,63m (không kể chân bia). Trán bia cong, rộng 0,45m. Trên trán bia và diềm bia được chạm nổi với các hình trang trí như rồng chầu mặt nguyệt vân mây xoắn, vân sóng nước… Rồng mập, thân ngắn uốn lượn nhịp nhàng. Bờm dày, râu dài, mắt lồi, cánh mũi to như đang phập phồng trông rất khỏe khoắn, lanh lợi nhưng không dữ tợn như rồng thời Lê Sơ. Mặt nguyệt to tròn, có viền mây lửa xen kẽ những vân mây xoắn tựa những áng mây trôi.

Vân sóng nước được trang trí ở đường diềm phía dưới với những lớp sóng xô và sóng lừng nối tiếp nhau. Loại hoa văn này gặp nhiều trên bia thời Trần và còn tồn tại trên một số bia thời Lê Sơ ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Toàn bộ bài văn bia được khắc ở mặt trước.

Văn bia nói việc công chúa Thiệu Ninh dựng chùa để đền ơn thân mẫu ngay trên quê hương thân mẫu (như trên đã dẫn). Bài văn bia còn tả quang cảnh hương Cổ Lũ thuộc huyện Tây Quan, phía Đông có dòng sông lớn chảy qua cửa Trần. Dòng sông êm đềm quanh co đưa nước vào đồng ruộng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Cong chua Thieu Ninh chua Tu An 1

Chùa Từ Ân, thôn Tây Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Nguồn: Báo Thái Bình

Lại có khe Phí, khe Chủy lưu thông, tuần hoàn khi đầy khi vơi  tạo vẻ đẹp cho đất Tây Quan và đây liệu còn do trời xếp đặt đợi người có đức hậu ấn định địa điểm xây dựng chùa để ghi nhận ân nghĩa sâu nặng của thân mẫu? Minh văn còn ghi công chúa thuộc dòng dõi tôn thất quyền quý mà không quên nguồn gốc. Văn bia viết:

“Công chúa tuy là dòng dõi cao quý của nhà vua, nhưng vẫn không quên chốn gốc. Hàng năm mỗi khi động lòng tưởng nhớ, thì hình ảnh đất Tây Quan vẫn ngời ngời trong lòng; trở đi trở lại nhiều lần. Kịp đến khi nhìn thấy đường vũ thâm nghiêm, ngắm những cây tùng cây giá tươi tốt.

Thấy bâng khuâng lo lắng, cảm xúc sinh ra. Bèn xây dựng chùa, để làm chỗ cho bốn phương trông vào. Này hương này khói, này chuông này trống. Từ lòng nhân từ của đức Phật mà nghĩ đến lòng nhân từ của người sinh ra mình. Từ nguồn ân huệ của đức Phật mà nghĩ đến ân huệ của người sinh ra mình. Lòng thành tâm đến như thế ru!

Biết đâu dân đất Tây Quan tai nghe âm thanh của chuông trống, mắt nhìn thấy sự tốt đẹp của nền đạo đức mà lại không hoá theo, để trở về với sự trung hậu chăng? Cho nên, hiểu được tên của chùa như thế là cũng góp phần bổ ích cho giáo hóa ở đời, chứ đâu phải chỉ tán dương Phật pháp mà thôi!”.

Cuối bia còn có bài minh văn, được dịch như sau:

“Minh rằng:
Tây Quan có chùa,
Gọi chùa Từ Ân.
Tên do người đặt,
Lòng hiếu dựng chùa.
Công chúa hiền thay,
Đạo hiếu rất thành.
Dựng chùa ở đây,
Báo ơn người sinh.
Người sinh theo Phật,
Chẳng kém anh linh.
Nghe chiêng nghe trống,
Xin về chứng minh.
Đức của công chúa,
Ngàn năm thơm danh.
Dân được cảm hoá,
Quyết không nhẹ tình,
Chúc vua dài lâu,
Phật thường anh minh.
Ôi người đời sau,
Hãy coi bài minh”.

(Đỗ Hảo, Trần Duy Tôn dịch)

Nội dung bài minh văn thật sâu sắc, không chỉ ôn lại sự việc công chúa Thiệu Ninh dựng chùa để đền ơn, mà còn như tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắn nhủ người đời sống nhân hậu, tạo phúc lành cho hiện tại và tương lai.

Chùa Từ Ân còn có một tấm bia khác làm vào mùa thu năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816). Văn bia ca ngợi cảnh quan chùa Từ Ân là danh lam cổ tích rất đáng tự hào.

Chùa còn một cây hương đá cao 1,50 mét làm vào mùa hạ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) ghi sự tiến cúng của thập phương, chứng tỏ ảnh hưởng của chùa rộng rãi, đồng thời phản ảnh sự tồn tại lâu dài cũng như các thời đại kế tiếp luôn trân trọng sửa sang.

Sau khi công chúa Thiệu Ninh mất, các làng Tây Quan, Thượng Tầm, Hạ Tầm… đều lập đền thờ bà.. Các đời sau đều phong bà là Thượng đẳng thần. Chùa Từ Ân với những ý nghĩa lịch sử khẩn hoang, những biểu tượng về đạo lý cùng với những di sản văn hóa quý giá thực sự là di sản vật thể cũng như phi vật thể có giá trị cao, có tác dụng không nhỏ đối với việc giáo dục truyền thống dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tác giả: Đặng Việt Thủy
Số 120 đường Hoàng Hoa Thám, P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường