Trang chủ Chuyên đề Con đường hạnh phúc

Con đường hạnh phúc

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Không có Đạo Đức, “người lãnh đạo” sẽ không đủ khả năng để duy trì phẩm chất trí tuệ của mình. Thực tiễn lịch sử đã chứng thực cho hai định luật nói trên:

Một là: Kinh tế quyết định (mức sống của loài người), và Hai là: Đạo Đức quyết định (sự thịnh suy) của kinh tế.

Xem như thế, chúng ta có thể kết luận: kinh tế, có vai tuồng rất quan trọng trong việc trợ duyên cho cuộc sống, vẫn không hề là một vị thượng đế toàn năng tự tung tự tác. Có thể trong chúng ta, chưa ai được diện kiến Thượng Đế bao giờ, song chắc ai nấy đều hình dung Ngài, nếu có, phải là Đấng tuyệt đối, toàn năng, tự tại. Mà đã là tuyệt đối thì chắc chắn không thể là tương đối, đã toàn năng thì không thể bị hạn chế điều kiện, đã tự tại thì không thể “bị” “tại”. Nhưng kinh tế, mặc dù khả năng khá quyết định lại “bị” lại “tại” rất nhiều…

Tự thân của kinh tế đã vốn không có sẵn một tự ngã bất biến, bất tử.

Thứ nhất là kinh tế chỉ có nghĩa là kinh tế (nghĩa là chỉ hiện hữu) đối với những ai đang sống hoặc “triết học” hơn, những ai đang có nhu cầu. Một ví dụ: vàng – hoàng kim, và cả bạch kim nữa – là vật tượng trưng tiêu biểu nhất của kinh tế. Nhưng với người chết hoặc một người ở một mình trên hoang đảo, hoặc với một người điên, hoặc với một bậc chân tu (nếu có bậc chân tu đó) vàng là không hiện hữu. Vậy, kinh tế – vàng – đối với mấy người này, là không có, không hiện hữu.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 1.2020 Con duong hanh phuc 1

Thứ hai là kinh tế, như trên đã nói – hoàn toàn bị lệ thuộc bởi con người.

Dù rằng ở một số phương diện kinh tế có quyết định (con người) thực, nhưng xét về mặt uyên nguyên tổng thể, thì chính con người, với khả năng vĩ đại của nó, mới đóng vai trò quyết định (kinh tế) vậy.

Cổ đức từng ví của cải như một con rắn độc. Những đồng tiền do làm điều ác mà có, nó lạ lùng lắm, cứ như là chuyện thần bí vậy, nó luôn luôn “ma đưa lối quỷ đưa đường”, người sở hữu nó cứ “tìm những lối đoạn trường” mà đi. Đây không phải là chuyện ngụ ngôn của tôn giáo, mà là câu chuyện hàng ngày.

Tại sao chuyện thực ở đời mà cứ như chuyện ngụ ngôn. Thì ra: đó là định luật. Cổ văn nói bóng bẩy: thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. Cái lưới trời nó lồng lộng thế, mà một mảng tơ cũng không lọt ra ngoài. Làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác. Thỉnh thoảng “kinh điển” và “thực tiễn” mới có dịp mặt giáp mặt, tay cầm tay. Hy hữu lạ lùng! Hào hứng lạ lùng!

Trở lại vấn đề kinh tế và hạnh phúc. Tựu trung, chúng ta không hề phủ nhận vai tuồng của kinh tế trong cứu cánh của hạnh phúc. Không có bát sữa của cô chăn bò (mục nữ) chắc gì bậc Toàn Giác đã lấy lại được sức để nhập vào Đại Định, chứng được bản lai diện mục. Có thực mới vực được đạo. Tuy chỉ là phương tiện, nhưng thiếu vắng phương tiện, lấy gì đạt cứu cánh đây?!

Trở lại đề tài chính (con đường hạnh phúc) của tập nghị luận này.

Chúng ta đã kinh qua khá nhiều sự khấu trừ ước lược, để thấy rằng hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm đã không phải là cái này, không phải là cái kia. Nó không phải là cơm áo (hay nói đúng hơn, nó không chỉ là cơm áo). Nó không phải là nhục dục, nó không phải là danh vọng… Tóm lại, nó không phải là những gì thuộc ngũ lạc: tài, sắc, danh, thực, thùy… lại cũng không phải là những gì thuộc tứ khoái: tửu, sắc, tài, phiến… Tắt một lời nó không phải (chỉ) là những gì làm cho ta sướng.

Vì sao như thế? Suy cho cùng, ấy bởi là vì mọi cái đều thuộc ngũ lạc, thuộc tứ khoái dẫu có đem lại cái sướng cho người sử dụng nó thực, nhưng cái sướng đó, nếu có, cũng chỉ là cái sướng thuần “sinh vật lý”, chỉ có thể đem đến cho “người trong cuộc” một thỏa mãn nhất thời trong phạm vi cảm giác, chứ không đáp ứng được nỗi niềm khát khao về cái gọi là hạnh phúc của con người được.

Cho nên cổ đức thường căn dặn chúng ta nên thanh tâm thiểu dục. Là vì thanh tâm thiểu dục thì ít bị bén mùi, ít bị bén mùi thì ít sa vào tình trạng nô lệ, thì được tự do. Mà tự do, nó chính là yếu tính thiêng liêng bất khả ly của cái gọi là hạnh phúc, cái này là con đường hạnh phúc. Chúng ta có thể chưa hiểu rốt ráo ý nghĩa của hai chữ hạnh phúc. Nhưng chúng ta có thể mạnh dạn khẳng định rằng trong hạnh phúc chắc chắn phải nội hàm yếu tính tự do.

Không có gì thì chưa biết là có thể có hạnh phúc hay không, nhưng không có tự do thì chắc chắn là không thể có hạnh phúc vậy.

Đến đây cái bản lai diện mục của hạnh phúc dường như được lộ diện phần nào.

Điều kỳ diệu là dường như có ba cái từ nó rất đi đôi với nhau – có thể nói ví von là như trầu, cau, và vôi đi với nhau vậy. Ba từ đó là: độc lập, tự do, hạnh phúc không phải chúng ta đón nhận ba từ này theo cái quan điểm chính trị đâu.

Bao quát hơn thế, chúng ta đón nhận nó theo một quan điểm triết học, đạo học. Về mặt chính trị, một quốc gia, một dân tộc không thể nào sở hữu hạnh phúc mà không có tiền đề độc lập tự do đi đằng trước và bên cạnh. Điều này thì quá đúng rồi, một dân tộc không tranh thủ được quyền độc lập tự do thì lấy gì mà sở hữu quyền hạnh phúc.

Nhưng dù sao, trên mặt triết học, đạo học, mệnh đề độc lập tự do hạnh phúc lại càng thổ lộ tính thâm thúy, tính hoàn hảo bội phần.

Một người không đứng – vững – một – mình nên phải dựa vào người khác: Một người không có khả năng nhìn cuộc sống bằng chính đôi mắt của mình, nghe bằng chính đôi tai của mình, tư duy bằng chính bộ óc của mình. Một người thấy theo cái thấy của người khác, nghe theo cái nghe của người khác, nghĩ theo cái nghĩ của người khác: người ấy là không độc lập, không đứng vững một mình mà đã thế làm gì có hạnh phúc. Vì hạnh phúc trước tiên hết, là được trải nghiệm cuộc đời bằng chính mình. Một con nộm nó có hạnh phúc bao giờ? Lại, con người chỉ có hạnh phúc khi có tự do. Tự do cảm, tự do nghĩ, tự do đi đứng nằm ngồi. Nếu nhất cử nhất động của ta đều bị ràng buộc, trói buộc, hỏi còn hạnh phúc nỗi gì?

Mối tương ứng, xướng họa giữa ba vế độc lập, tự do, hạnh phúc thực là sâu xa, khăng khít, kỳ diệu, tròn đầy. Có thể nói theo kiểu nói của Bát Nhã Tâm Kinh, bản kinh Lòng, kinh Ruột của nhà Phật: Độc lập tự do bất dị hạnh phúc, hạnh phúc bất dị độc lập tự do. Và độc lập tự do tức thị hạnh phúc. Hạnh phúc tức thị độc lập tự do…

Trên đây là chúng ta nói trại đi câu giới thuyết của Tâm Kinh Bát Nhã. Tâm Kinh Bát Nhã thì nói: sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc.

Mà Tâm Kinh là tóm tắt cái bản thể của vũ trụ. Vũ trụ, pháp giới, vạn hữu hình thành dựa trên cái nguyên lý Tức thị và Bất dị ấy. Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc. Nguyên lý tức thị và bất dị nói trên có vẻ rất gần với chân lý hoặc rất có thể nó chính là chân lý.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ ta có hiểu được rốt ráo ý nghĩa của câu giới thuyết đó, đặc biệt là hiểu rốt ráo ý nghĩa của hai từ sắc và không hay không.

Nhưng, trước hết, tại sao lại có vấn đề chúng ta đưa hai từ sắc, không ra bàn ở đây vậy; trong cái đề tài con đường hạnh phúc này?

Xin thưa: là bởi vì, với Phật giáo hai từ sắc, không để một cách tóm tắt nhất, gói trọn kiến giải của mình, về vấn đề thực tưởng của pháp giới, vũ trụ – trong đó bao hàm cả cái gọi là con đường hạnh phúc mà chúng ta đang đề cập.

Như vậy, một khi tìm hiểu được ý nghĩa của hai từ sắc không, chúng ta có thể thấu hiểu được quan điểm của Phật giáo về cái gọi là con đường hạnh phúc.

Bát Nhã Tâm Kinh đã cho biết, giữa Sắc và Không là không có gì sai biệt – ít ra là trên mặt bản chất, nhưng nếu Sắc và Không đã “tức thị” đã “bất dị”, tại sao lại phải dùng đến hai từ để gọi, tại sao không thống nhất thành một từ, có phải hợp lý hơn không? Thuận tiện hơn không?

Việc trước tiên chúng ta cần làm, là định nghĩa.

Sắc, Không đều là hai từ chữ Hán, Sắc có nhiều nghĩa:

Nghĩa thứ nhất là màu – năm màu ngũ sắc; Nghĩa thứ hai là nét, vẽ;

Nghĩa thứ ba là vẻ đẹp (của phụ nữ);

Nghĩa thứ tư là cảnh tượng, phong cảnh, hình ảnh (hiện ra trước mắt);

Nghĩa thứ năm là nghĩa của nhà Phật chỉ mọi vật có hình dạng.

Nói theo nghĩa rộng, Sắc là từ gọi chung tất cả vật chất tồn tại, còn nói theo nghĩa hẹp thì Sắc là chỉ những cảnh mà nhãn căn duyên theo.

Sắc lại thể hiện theo ba dạng sau đây:

1/ Hình sắc: dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, ngay thẳng và không ngay thẳng.
2/ Hiển sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, mây khói, bụi, sương mù, bóng, ánh sáng, bóng tối…
3/ Biểu sắc: đi, đứng, ngồi, nằm, lấy, bỏ, co, duỗi…

Các loại sắc trên đặc biệt thuộc đối cảnh của nhãn căn duyên theo vậy

Bây giờ đến từ Không.

Từ Không không có nghĩa là không vô, không hư, không tịch, phi hữu. Và đối lại với không, tức là hữu.

Diễn nghĩa ra thì tất cả vật tồn tại đều không có tự thể, thực thể, thực ngã… Tư tưởng ấy gọi là không. Nói cách khác, “không” là sự hư huyễn không thực của sự vật, hoặc là sự rỗng lặng trong sáng của lý thể.

Khi Bát Nhã Tâm Kinh tuyên bố: Sắc tức thị Không… rõ ràng là đã đưa hai từ này vào thế đối nghĩa. Nghĩa là sắc thì, trên nguyên tắc, là hữu, là những gì mà chúng ta, chúng sinh nhận là hữu. “Bằng con mắt phàm” bằng “cái trí phàm”, chúng ta nhận thức Sắc là Hữu, nhưng thực ra qua một quá trình suy gẫm, chúng ta lại thấy cái tính phi tự thể, phi thực thể, phi thực ngã… của nó, cho nên rốt cuộc, sắc trở thành tức thị không, bất dị không.

Có nhiều cách để “ngộ” ra rằng sắc chẳng khác không, sắc cũng chính là không, cách đơn giản là nhìn qua lăng kính thời gian. Một bông hoa – nhất là hoa phù dung, sớm nở – là sắc, tối tàn – là không.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 1.2020 Con duong hanh phuc 2Có những vật thọ mạng có thể dài hơn. Nhưng qua cái biến dịch gọi là thời gian, chúng cũng sẽ mai một như thường, sắc cuối cùng cũng trở thành không vậy.
Ngoài cách nhìn qua lăng kính thời gian, chúng ta còn có thể nhìn qua lăng kính của sự phân tích – sự chia nhỏ. Nhà Phật nhận thức như thế này: Một hạt vi trần (tương đương hạt nguyên tử) chẻ ra làm bảy, ta có bảy hạt cực vi trần, lại một hạt cực vi trần chẻ ra làm bảy, ta có bảy hạt lân hư trần. Mà mỗi hạt lân hư trần thì đồng nghĩa với hư không.

Hạt vi trần là sắc, khi chẻ (ra làm bảy) để có hạt cực vi trần – thì vẫn là sắc. Nhưng chẻ cực vi trần ra làm bảy nữa, bấy giờ chỉ còn “bảy” hạt lân hư trần là đồng nghĩa với hư không!

Đến đây, ta không thể dừng được để thốt lên một tiếng ôi. Ôi! Kỳ thú thay! Kỳ diệu thay! Tinh nghịch thay! Dí dỏm thay! Mầu nhiệm thay! Biết bao tính từ để nói lên cái tính tuyệt vời của sự ngộ ra cái “là một” cái “không hai” của Hữu và của Không, một sự ngộ mở đường cho “con đường hạnh phúc”!

Qua lăng kính của sự phân tích – chia chẻ nhỏ, chúng ta cũng có thể bắt gặp được cái tính “là một”, cái tính “không hai” giữa Sắc và Không vậy.

Như ở một đoạn trên đã nói, sở dĩ chúng ta đề cập đến vấn đề Sắc Không của nhà Phật ấy là bởi vì, theo Phật giáo, Sắc – Không chính là một nguyên lý của pháp giới vũ trụ, và, qua nguyên lý ấy, chúng ta có thể tìm ra con đường hạnh phúc cho chính mình.

Theo Phật giáo thì cõi đời này chính là “bể khổ”, khổ đế, khổ hải, nhà Phật gọi như vậy. Tứ niệm sứ của nhà Phật chỉ ra rằng: tâm vô thường, pháp vô ngã, thân bất tịnh, thọ thị khổ.

Thọ thị khổ: tiết thọ, thọ nhân – hiểu rộng ra có nghĩa là sống, ắt là có đau khổ. Cho nên đoạn tuyệt sự sống của phàm kiếp này, phàm thân này, có nghĩa là đoạn tuyệt với đau khổ. Mà điều kiện để đoạn tuyệt sự sống – tịch diệt – viên tịch – là ngộ được cái không trong cái sắc, thấy được tính vô thường của cái tâm, thấy được tính vô ngã của cái pháp vậy.

Mà quả thực, cái tâm của con người ta quả là vô thường thực. Ái, ố, hĩ, nộ loạn xà ngầu. Sớm còn thương, chiều đã ghét, mới vui đó, lại buồn ngay. Tóm lại là chẳng có gì nghiêm trang vĩnh cửu.

Còn pháp thì vô ngã quá đi chứ còn gì. Một vật được mệnh danh bằng một cái tên nào đó. Nhưng thử tách ra từng bộ phận mà xem, nó đâu còn phải là cái ban đầu. Ví dụ: một cỗ xe ngựa chẳng hạn. Nếu ta lấy một cái càng xe, hỏi đó có phải cổ xe ngựa chăng? Tách lấy bộ phận nào, thảy đầu không phải cỗ xe. Nhưng gom lại thì nó thành ra – tạo thành ấn tượng, thành tên gọi – một cỗ xe.

Một đóa hoa sớm nở tối tàn. Một cỗ xe ngựa tách rời thành ba mươi sáu bộ phận chi tiết nào có gì là tự ngã đâu?

Sắc, theo cách nhìn này, theo cách nhìn kia dễ hóa thành không lắm. Mà sắc là đầu mối của phiền não của đau khổ. Hóa kiếp nó thành không, ắt phiền não, khổ đau không còn nữa. Logic quá đi chứ còn gì.

Chuyện tích nhà Phật kể: khi đức Phật đang ngồi thiền, Ma Vương đã cho ái nữ xinh đẹp hiện thân quấy nhiễu; và đức Phật đã dùng pháp nhãn nhìn thẳng vào ái nữ Ma Vương hiện thân của sắc tướng xinh đẹp tuyệt vời ấy: Thế rồi sự mầu nhiệm hiện ra: nhan sắc bỗng trong giây lát hóa thành bộ xương khô cằn cỗi, phá sản hoàn toàn mọi hấp lực.

Ấy cái kiểu nó là như thế! Người ta, hành giả Phật giáo, vô hiệu hóa hấp dẫn lực – ma lực – của nhan sắc (tức là của sắc) bằng cách quán chiếu tính vô thường sớm nở tối tàn của nó, tiên kiến quá trình giả hợp “Thành – Trụ – Hoại – Không” của nó. Từ một nhan sắc Mười Tám, Hai Mươi tròn đầy tuyệt phẩm chuyển ngay sang một nỗi Hoa Tàn Nhụy Rữa…

Giản dị quá, cái cách diệt trừ lòng ham muốn sắc – sắc dục.

Nhưng, sự thật có giản dị như thế không? Đức Phật đã từng nhận định: không có gì mạnh bằng lòng ái dục của chúng sinh. Nếu chỉ dùng mỗi cách quán tưởng thành trụ hoại không như thế… mà con người ta – được mệnh danh là Nòi Tình – có thể vượt qua diệt tuyệt được lòng ái dục, thì có vẻ quá dễ dàng, có phải không?
Vả lại, cái gọi là lòng ái dục, nó lại không hiện hữu một mình. Thực tế đã chứng minh như vậy. Lòng ái dục, tình trạng khát khao nhục dục trong tâm lý của một con người luôn luôn song hành với một tình trạng phát dục trong sinh lý của người ấy. Một cơ thể sẽ có một tiến trình phát dục theo trình tự: từ manh nha bắt đầu cho đến lúc dậy thì mãnh liệt, cứ từ từ tăng lên cho đến tuyệt đỉnh: Xong, lại từ từ mà giảm dần cho đến khi tắt hẳn. Mà, lịch trình phát dục và mãn dục ấy của một cơ thể lại như trên đã nói, song hành khắn khít với tâm trạng khát dục của người mang cái cơ thể ấy.

Đối trước hiện tượng trên, có hai kiến giải. Với nhà duy vật, hiển nhiên cơ thể với lịch trình phát dục của nó, là nhân, và tâm trạng khát khao tình dục chỉ là quả. Còn với nhà duy tâm, thì ngược lại.

Nhà duy tâm cho rằng tại vì cái tâm của chúng ta, nó sở hữu tình dục nên tác động vào cơ thể, khiến cơ thể khát khao, đòi hỏi.

Hai quan điểm này, cái nào đúng, cái nào sai, hẳn để hạ hồi phân giải.

Chỉ biết một điều chắc chắn, trong cơ thể con người, hai yếu tố tâm lý và sinh lý luôn luôn tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau, “quyết định” lẫn nhau. Khi tâm trí tận hưởng về một điều gì đó không phải là dục lạc, nó sẽ khiến cho cơ thể quên đi, vơi bớt đi những đòi hỏi, những nhu cầu sinh lý. Lại một cơ thể được sinh hoạt trong những điều kiện tiết chế, lành mạnh, hẳn sẽ tác động lên phần tinh thần, khiến cho tình trạng tinh thần được chuyển hóa thanh cao, đi tới cõi thanh tâm thiểu dục.

Như vậy, giữa tinh thần và thể chất hẵng chưa kết luận vội rằng cái nào là hình cái nào là bóng. Cái nào là gốc, cái nào là ngọn. Cái nào là nhân cái nào là duyên. Chỉ ghi nhận rằng dù sao, trên đường sinh hóa chúng cũng luôn song hành, tương tác, có những ảnh hưởng quyết định đối với nhau.

Nay, một lần nữa trở lại với vấn đề hai từ Sắc và Không. Tại sao? Là bởi vì trong hai từ Sắc và Không này nó vốn bao hàm cái gọi là sống, là đường đi nước bước của con người (trên con đường hạnh phúc) vậy.

Như phần trên đã từng đề cập về sắc và không, chúng ta có hai vấn đề: thứ nhất là vấn đề định nghĩa, thì từ sắc có nhiều nghĩa ví dụ như sắc màu, dáng vẻ, sắc đẹp…

Và, quan trọng hơn hết, cốt lỗi hơn hết, là ý nghĩa gọi chung tất cả vật chất tồn tại. Còn từ không thì, để nói một cách tóm gọn, là đối nghĩa với từ sắc, nghĩa là tất cả những gì “phi sắc” thì gọi là không.

Vấn đề thứ hai là sự chuyển hóa từ sắc qua không – cũng như từ không qua sắc.

Trước hãy nói về trường hợp từ sắc qua không.

Như trên đã từng nói, sở dĩ loài người chúng ta dễ chấp nhận cái nhận thức sắc tức thị không là do cái sự nhìn qua lăng kính thời gian, thấy những gì nay tuy còn mai đã mất. Qua thời gian dù sớm dù muộn chẳng gì tồn tại. “Thiên trường địa cửu hữu thời tận”, Bạch Cư Dị đã thốt lên một lời thơ tuyệt tác, thống thiết như thế.

Tuy nhiên, qua ví dụ đơn cử trên ta cũng cần lưu ý rằng cái sự sắc tức thị không (sắc chuyển hóa thành không) này không hề mang ý nghĩa tuyệt đối.

Thiên trường địa cửu, trời dài đất rộng, hữu thời tận, có ngày tận, nói ở đây không phải là biểu thị cái sắc mang nghĩa vật chất tồn tại mà chỉ mang nghĩa sắc tướng, nghĩa là những hình ảnh mà chúng ta chỉ nhìn thấy bằng mắt thôi.

Những hình ảnh của “thiên trường địa cửu” có thể theo luật biến dịch của tự nhiên biến thái đi, thành – trụ – hoại – không trên phương diện sắc tướng, còn bản chất đích thực của sắc – cái mà nhà Phật mệnh danh là hạt lân hư trần kia, thì tất nhiên vẫn còn đó vĩnh tại, tự hữu, hiện hữu như tự bao giờ. Bởi vậy tâm kinh mới nói: bất tăng bất giảm là như vậy.

Tóm lại, là tiến trình từ sắc chuyển qua không, xét về mặt hiện tượng nó là như thế.

Tiếp theo kỳ 5 số 159
Tác giả: Huỳnh Uy Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường