Chùa Phổ Đà được Hòa thượng Thích Tôn Thắng “xây dựng vào năm Bính Thìn 1915, trên một vùng đất hoang vu thuộc xã Bình Thuận, nay là số 340 đường Phan Châu Trinh, phường Bình Thuận, quận Hải Châu”. Ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ để Hòa thượng công phu tu tập hằng ngày.
Thích Ân Truyền Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Trú xứ tại chùa Thọ Quang, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM
Tóm tắt: Chùa Phổ Đà được thành lập vào năm 1915, ban đầu chùa với tên Phổ Thiên, sau đổi thành chùa Phổ Đà. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, các Hội đã ra đời với mục đích khôi phục Phật giáo. Hưởng ứng các phong trào ở khắp ba miền lúc bấy giờ, tại Đà Nẵng vào năm 1935 đã ra đời hội Phật học Đà Thành, trụ sở đặt tại chùa Phổ Đà. Mục đích của Hội là đào tạo Tăng tài cho giáo hội, thống nhất Phật giáo khắp cả nước thành một mối duy nhất. Tạp chí Tam Bảo là cơ quan ngôn luận chính của Hội, do Hòa thượng Trí Hải ở Bình Định làm chủ bút. Đến năm 1938 Hội đã sáp nhập vào An Nam Phật học hội. Tuy Hội chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng đã tạo được tiếng vang nhất định. Chùa Phổ Đà đã mang một dấu ấn lịch sử đối với Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, dù không còn là trụ sở của Hội nhưng chùa đã tạo được uy tín và là nơi tổ chức những sự kiện quan trọng đối với Phật giáo Đà Nẵng như: Đại giới đàn, An cư kiết hạ, Bố tát, Tự tứ, và đây cũng là trụ sở của Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng.
I. DẪN NHẬP
Phật giáo du nhập vào Việt Nam khá sớm, khoảng thế kỷ II TCN. Trải qua các triều đại trong lịch sử nước nhà, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi thử thách khó khăn. Có những triều đại, Phật giáo được xem trọng, ủng hộ, tạo mọi điều kiện để phát triển; cũng có những triều đại các vua chúa đề cao Nho giáo, lúc này Phật giáo chỉ tồn tại ở quần chúng nhân dân. Đến thế kỷ XIX, Phật giáo có nhiều biểu hiện suy vi nội tại, chư Tăng không thực hành theo lời Phật dạy, lúc này những tôn giáo bản địa cũng bắt đầu xuất hiện, cạnh tranh sự truyền bá như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo. Bên cạnh đó, thực dân Pháp xâm chiếm và đô hộ Việt Nam đã tạo điều kiện cho Công giáo phát triển, đồng thời có những chính sách hạn chế sự hoạt động của đạo Phật, vì những nguyên nhân trên đã làm cho Phật giáo bắt đầu đi vào khủng hoảng, suy yếu. Với mục đích hưng khởi đạo Phật, tôn giáo lâu đời của dân tộc, đầu những năm 1920 đã có những hoạt động kêu gọi cần phải chấn hưng Phật giáo, bắt đầu từ miền Nam với sự ra đời của hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, hội Lưỡng Xuyên Phật học, tại miền Trung có hội An Nam Phật học, và ở miền Bắc có hội Phật giáo Bắc kỳ. Đây là những hội tiêu biểu của phong trào chấn hưng tại ba miền lúc bấy giờ. Hưởng ứng các hoạt động trên khắp cả nước, tại Đà Nẵng đã thành lập hội Phật học Đà Thành, đặt trụ sở chính tại chùa Phổ Đà, qua đó góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ và có những ảnh hưởng nhất định đối với Phật giáo tại miền Trung Việt Nam. Vì lý do đó, người viết xin chọn đề tài: “Chùa Phổ Đà trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Trung (1935-1938)” để tham dự hội thảo.
II. NỘI DUNG
2.1. Quá trình hình thành chùa Phổ Đà
Chùa Phổ Đà được Hòa thượng Thích Tôn Thắng “xây dựng vào năm Bính Thìn 1915, trên một vùng đất hoang vu thuộc xã Bình Thuận, nay là số 340 đường Phan Châu Trinh, phường Bình Thuận, quận Hải Châu”1. Ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ để Hòa thượng công phu tu tập hằng ngày. Tín đồ đạo Phật tại địa phương đến sinh hoạt ngày càng đông, nhu cầu đối với quần chúng càng nhiều, để đáp ứng những nhu cầu đó, cần phải xây dựng một ngôi phạm vũ để truyền bá những lời dạy của đức Phật. Vào năm 1927 “Hòa thượng cùng với một số đạo hữu nhiệt tâm xây dựng ngôi chùa tranh đơn sơ, đặt tên Phổ Thiên tự”2. Từ đây chùa là nơi sinh hoạt của Tăng chúng và tín đồ Phật tử tại địa phương.
Từ khi chùa được thành lập, Hòa thượng Thích Tôn Thắng đã hoạt động rất tích cực trong việc tiếp tăng độ chúng, hoằng truyền chánh pháp, giúp đỡ nhân sinh và xã hội ở địa phương, những việc làm đó đã tạo được tiếng vang lớn đối với quần chúng nhân dân và triều đình nhà Nguyễn. Vào năm 1936 “chùa Phổ Thiên được triều đình đưa vào ngạch sắc tứ. Năm Bảo Đại thứ 11, vua ban biển “Sắc tứ Phổ Thiên tự” và ngài được ban chức tăng cang”3.
Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam diễn ra sôi nổi trên khắp ba miền, với sự ra đời của các hội, tại Đà Nẵng cũng thành lập Hội Phật học Đà Thành đặt trụ sở tại chùa Phổ Đà.
2.2. Chùa Phổ Đà trụ sở của hội Phật học Đà Thành
Hưởng ứng các hoạt động của phong trào phục hưng Phật giáo, với sự ra đời của các hội ở miền Nam - Trung - Bắc, chư tôn túc Phật giáo Đà Nẵng lúc bấy giờ đã chung tay kêu gọi thành lập hội để hoạt động cho việc chấn hưng. Vào “ngày 14-5-1935, Khâm sứ Trung kỳ là F. Graffeuil đã phê chuẩn Nghị định số 1057 cho phép hội Phật học Đà Thành được thành lập. Trụ sở của Hội đóng tại chùa Phổ Thiên, đường Marc Pourpe”4 (nay là chùa Phổ Đà, 340 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng). Cơ quan ngôn luận của Hội là tạp chí Tam Bảo, do Hòa thượng Trí Hải ở Bình Định làm chủ bút, Phó chủ bút là Giác Chánh Thiền sư, chùa Giác Phong, Quảng Trị, còn Chủ nhiệm là ông Trần Văn Uyển.
Ngày 15-01-1937, tạp chí ra số đầu tiên, tổng số mà tạp chí Tam Bảo xuất bản được là 8 số, từ số 1-3 tạp chí xuất bản mỗi tháng một kỳ, số 4, 5 hai tháng ra một kỳ, từ số thứ 6 thì 3 tháng ra một kỳ, và số thứ 8 vào đầu năm 1938, lúc này tạp chí Tam Bảo đình bản, vì lý do là không đủ kinh phí hoạt động và thiếu người cộng tác5.
Sự ra đời của Hội là cộc mốc đáng nhớ trong lịch sử, từ đây chùa Phổ Đà là nơi hoạt động đào tạo Tăng tài cho giáo hội, hướng dẫn đồng bào Phật tử tu học, với mục đích khôi phục Phật giáo như trong tạp chí Tam Bảo đã đề cập: “Mở trường Phật học đào tạo nhân tài, ra báo chí lưu thông Phật giáo, không để tăng giới suy sụp, quyết định phò khởi Bắc - Nam lên đoàn để bảo tồn Tăng bảo... Chỉnh đốn quy củ trong các sơn môn, kẻ tuổi lớn thì lo giữ tu hành, tuổi trẻ thời cố gắng học hỏi, chung nhau một lòng, một sức xuất gia”6.
Với tâm nguyện phục hưng Phật giáo, các vị Hòa thượng lúc bấy giờ như: Huệ Giác, Tâm Khoan, Huệ Minh, Huệ Đường, Giác Viên, Minh Lung, Trần Văn Hoán, Mặc Túc, Viên Hải, Chí Bảo, Viên Minh, Chí Thạnh, Chánh Nhơn, Chí Mẫn, Cao Minh, Pháp Ngữ, Thiện Quang, Phước Huệ, Huệ Đạo, Hoằng Thạc, Diệu Quang, v.v... đã đứng ra để làm ban Chứng minh của Hội.
Về ban Hộ niệm thì có các vị Hòa thượng ở khắp miền Trung: Thanh Tuyền, Thanh Vinh, Trần Thanh Duyện, Phạm Thanh Tư, Thanh Liên, Tứ Thông, Tứ Ý, Tứ Trí, Nhật Chấn, Giác Phổ, Từ Nhơn, Phổ Tịnh, Đắc Quang, Hưng Nghĩa, Giác Hải, Hưng Chánh, Quảng Tu, Trí Hưng, Diệu Nguyên, Huệ Hải, Hoằng Thông, Huệ Chiếu, Nguyên Quế, Từ Pháp, Tín Thành, Chơn Nguyên, Quảng Đức, Bảo Liên, Phổ Hiện, Bảo Hiền, Trí Thắng, Phước Quang, Phước Nhân7. Ngoài ra còn có sự tham gia của các vị cư sĩ có tâm huyết đối với Phật giáo, điển hình có “đạo hữu Thanh Chương, đạo hữu Nguyễn Văn Ba”8. Với sự ủng hộ của chư tôn đức và những vị cư sĩ đã góp phần phát triển phong trào và tạo uy tín đối với xã hội lúc bấy giờ, chùa Phổ Đà đã có uy tín đối với xã hội từ khi hội Phật học Đà Thành được thành lập.
Sau những năm tháng hoạt động tích cực cho phong trào, Hội đã đạt được thành tựu: “Phật học đường của Đà Thành Phật học hội gồm có hai cấp tiểu học và trung học cũng được khai giảng đầu năm 1937”9. Với những hoạt động của Hội cho thấy được chùa lúc bấy giờ đủ điều kiện phục vụ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Hội Phật học Đà Thành được thành lập đã đạt được những thành tựu lớn lao, như việc đào tạo nhân tài, xuất bản tạp chí, cùng với đó là chí nguyện hợp nhất các tổ chức Phật giáo về một mối đã tạo được tiếng vang đến đông đảo quần chúng Tăng Ni, Phật tử. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khác nhau nên Hội không thể hoạt động riêng lẻ như ban đầu mới thành lập, vào năm 1938 “thông qua kỳ Đại hội đồng toàn miền Trung (Huế), các thành viên là nòng cốt của Hội Phật học Đà Thành đã chủ trương sáp nhập vào Hội An Nam Phật học nhằm nhất thể hóa đường lối cũng như phương thức hoạt động trong phong trào”10. Sự sáp nhập này là bước đệm để cho các hội sau này đi đến thống nhất các tổ chức, hệ phái thành một tổ chức duy nhất mang tên Phật giáo Việt Nam.
Dù chùa Phổ Đà không còn là trụ sở của Hội nữa, nhưng chùa vẫn là nơi tiếp tăng độ chúng, hằng tháng vẫn mở lớp giáo lý dành cho các vị cư sĩ Phật tử và hàng tuần đều có sinh hoạt của đạo tràng trì tụng Kinh Pháp hoa. Về sau chùa còn là nơi diễn ra những hoạt động lớn của giáo hội Phật giáo Đà Nẵng như: tổ chức Đại giới đàn, Bố tát, An cư kiết hạ của tăng chúng tại địa phương, cũng là trụ sở của trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng hiện nay.
III. KẾT LUẬN
Từ khi chùa Phổ Đà thành lập cho đến giai đoạn chấn hưng, chùa đã đóng góp vô cùng lớn lao cho Phật giáo miền Trung nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Chính những đóng góp đó đã giúp sản sinh ra những nhân tài cho giáo hội, góp phần khôi phục Phật giáo nước nhà, vượt qua cơn khủng hoảng suy vi. Những việc làm giáo dục và hoạt động cho giáo hội của chùa Phổ Đà mang đậm dấu ấn lịch sử và sự phát triển Phật giáo. Nếu tìm hiểu về Phật giáo và những hành trạng của các bậc cao tăng thạc đức Đà Nẵng thì không thể không nhắc đến chùa Phổ Đà. Trải qua các thời kì chùa vẫn là điểm tựa tinh thần cho những vị xuất gia và cư sĩ Phật tử về tu học. Cho đến ngày hôm nay chùa vẫn là ngôi tự viện tổ chức những buổi lễ quan trọng của Phật giáo thành phố Đà Nẵng.
Thích Ân Truyền Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Trú xứ tại chùa Thọ Quang, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM
***CHÚ THÍCH
1 Cổng thông tin điện tử Tp. Đà Nẵng, “https://danang.gov.vn/gioi-thieu/chi-ti- et?id=1756&_c=164”. Ngày truy cập: 24/-7-2021. [Năm 1915 phải là năm Ất Mão mới đúng]. 2 Thích Đức Trí (2013), Lược khảo Phật giáo Đà Nẵng, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, tr. 115. 3 Thích Đức Trí, sđd, tr. 116. 4 Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, tr. 117. 5 Thích Không Hạnh (2015), Lời giới thiệu Tam Bảo Chí, tr. 8-9. 6 Hội Phật học Đà Thành (1937), “Bổn ý và sự hành động”, Tam Bảo tạp chí, số 1, tr. 7. 7 Dương Thanh Mừng, sđd, tr. 118. 8 Thích Đức Trí, sđd, tr. 116. 9 Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Hà Nội, Nxb Phương Đông, tr. 641. 10 Dương Thanh Mừng, sđd, tr. 125.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cổng thông tin điện tử TP. Đà Nẵng, “https://danang.gov.vn/gioi- thieu/chi-tiet?id=1756&_c=164”. Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. Hội Phật học Đà Thành (1937), “Bổn ý và sự hành động”, Tam Bảo tạp chí, số 1. Nguyễn Lang(2012), Việt Nam Phậtgiáosửluận, tập 3, Nxb Phương Đông, Hà Nội. Thích Đức Trí (2013), Lược khảo Phật giáo Đà Nẵng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Thích Không Hạnh (2015), Lời giới thiệu Tam Bảo chí, tr. 8-9.
Bình luận (0)