Trang chủ Bài viết nổi bật Chất Thiền của Nguyễn Trãi trong Quốc Âm Thi Tập

Chất Thiền của Nguyễn Trãi trong Quốc Âm Thi Tập

Nguyễn Trãi đã chạm đến được cái bản chất của ngôn ngữ, của cả lịch sử. Bản chất của ngôn ngữ và của lịch sử là bản chất của một bông bụt chiều mai nở, chiều hôm rụng. Bản chất đó là cái vô sinh, cái vĩnh cửu, ông không cần lịch sử minh oan cho cái chết của mình

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nguyễn Trãi đã chạm đến được cái bản chất của ngôn ngữ, của cả lịch sử. Bản chất của ngôn ngữ và của lịch sử là bản chất của một bông bụt chiều mai nở, chiều hôm rụng. Bản chất đó là cái vô sinh, cái vĩnh cửu, ông không cần lịch sử minh oan cho cái chết của mình

SC.Thích nữ Huệ Niệm
Học viên Cao học khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tóm tắt: Nguyễn Trãi không chỉ được biết đến là một nhà ngoại giao kiệt xuất, một nhà chính trị quân sự lỗi lạc của Việt Nam cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, một nhà thơ, nhà văn, một tác gia lớn của nền văn học cổ điển Việt Nam, mà ông còn được thế giới công nhận là một danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1980. Tuy xuất thân là một nhà Nho nhưng hiển hiện trong thơ của Ức Trai không chỉ có tư tưởng Nho gia mà còn có cả tư tưởng Thiền Phật giáo. Bài viết này khảo sát tinh thần thiền của ông qua tác phẩm Quốc Âm Thi Tập.

1. Dẫn nhập

Trong văn học Phật giáo Việt Nam, nhất là thơ cổ điển, không chỉ có thi kệ, ngữ lục của các vị thiền sư, mà các nho sĩ cũng viết về thiền Phật rất nhiều. Bởi họ không chỉ được đào tạo, học tập tư tưởng và học thuyết Nho gia, mà họ còn được đọc kinh sách của Phật giáo và Đạo giáo. Chính vì thế mà tư tưởng của họ được tiếp thu từ nhiều nguồn và học thuyết khác nhau. Đó là nguyên nhân hình thành nên quan điểm Phật học trong thơ văn của các Nho sĩ, góp phần làm cho nội dung tư tưởng của bộ phận văn học thêm phong phú, nhiều màu sắc, trong đó có thơ của Nguyễn Trãi. Trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi tập trung nghiên cứu về tinh thần thiền trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Quoc Am Thi Tap Nguyen Trai 2

Hình ảnh Nguyễn Trãi. Ảnh: St

2. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380–442), hiệu là Ức Trai, tổ tiên ông vốn quê ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau mới dời đến làng Nhị Khê. Cha là Nguyễn Ứng Long sau đổi thành Nguyễn Phi Khanh sinh năm 1345. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm 1374 dưới đời vua Trần Nghệ Tông nhưng không được bổ nhiệm ra làm quan. Mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của quan tư đồ Trần Nguyên Đán.

Nguyễn Trãi là con trưởng của Nguyễn Phi Khanh bản chất thông minh, mới 20 tuổi mà ông đã được học hết các thư sử. Năm 1400 thi đỗ Thái học sinh và cùng cha ra làm quan dưới triều Hồ. Cha ông giữ chức Đại lý tự khanh kiêm thị lang tòa Trung thư Học sĩ viện Hàn lâm, và chức Tư nghiệp ở trường Quốc tử giám còn Nguyễn Trãi thụ chức Chính chưởng đài Ngự sử. Như vậy hai cha con ông đều làm quan cho một triều đình, cùng một thời đại với thái độ là những người chân chính yêu nước, thương dân và một lòng muốn đưa xã hội Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển hơn.

Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự đô hộ, bảo vệ đất nước. Ông trở thành nhà quân sự tài ba của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, ngày 19 tháng 9 năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.

Những sáng tác của Nguyễn Trãi rất đa dạng và phong phú có cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Về chữ Hán, tác phẩm đầu tiên cần phải kể đến là Ức trai thi tập, bao gồm hơn 105 bài thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn. Tiếp đến các tác phẩm khác như Bình ngô đại cáo (1427), Lam Sơn Vĩnh Lăng bi ký (1433), Băng Hồ di sự lục (Băng Hồ là hiệu của ông ngoại Nguyễn Trãi tức Trần Nguyên Đán), Chí Linh sơn phú, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí và Quân trung từ mệnh tập. Tác phẩm Hán văn này phần lớn đều do Trần Khắc Kiệm sưu tầm thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), bao gồm các thư gửi cho tướng nhà Minh và các tướng sĩ của ta. Đó là một tài liệu quan trọng về mặt ngoại giao, chính trị, quân sự đời Hậu Lê.

Về sáng tác chữ Nôm, tác phẩm tiêu biểu nhất là Quốc âm thi tập, nó được xem là tập thơ chữ Nôm phong phú nhất, gồm 254 bài thơ và được đánh giá là những áng văn chương mẫu mực, có giá trị khai mở và đặt nền móng cho nền văn học Nôm Việt Nam. Các tác phẩm của Nguyễn Trãi được viết rất nhiều, nhưng sau vụ án thảm án nhiều tác phẩm của ông đã bị thiêu hủy. Nay còn lại những tác phẩm tiêu biểu sau:

1) Băng Hồ di sự lục (1428)

2) Bình Ngô đại cáo (1428)

3) Văn bia Vĩnh Lăng (1433)

4) Dư địa chí (1435) là tác phẩm địa lí xưa nhất Việt Nam, có 54 đoạn văn ngắn gọn, súc tích, Nguyễn Trãi đã tổng kết khái quát về địa lí… là cơ sở cho kế hoạch xây dựng đất nước thời Lê.

5) Thạch khánh đồ và bài biểu (1437)

6) Biểu tạ ơn (1440 – 1441)

7) Ức Trai thi tập (1441 – 1442)

Ngoài ra còn có một số bài phú: Chí Linh sơn phú, một số bức thư gửi Nguyễn Thị Lộ… Đánh giá chung về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi, chúng ta không thể phủ nhận rằng: “Văn chương của tiên sinh tinh vi, thâm thúy, rộng rãi, chính đáng, cứng rắn, là tự tiên sinh rèn luyện và phát huy được. Tiên sinh vốn không có ý đúc chuốt văn chương, nhưng một khi lời nói thổ lộ đều sáng sủa, đẹp đẽ, mạnh mẽ, dồi dào không có cái gì có thể che lấp được”[1]. Một nhà chính trị, một nhà chiến lược thiên tài, một nhà ngoại giao lão luyện, và đồng thời cũng là một học giả uyên bác một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc với đời sống giản dị, minh bạch nhưng lại có một số phận quá bi thương. Mặc dù là vậy nhưng sự nghiệp và tên tuổi của ông luôn sống mãi, vang dội trong lịch sử nước nhà, trong tâm hồn biết ơn của mọi thế hệ ngày sau.

3. Tác phẩm Quốc Âm Thi Tập

Lịch sử Việt Nam cho biết bắt đầu từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15 của thời Trần, Hàn Thuyên là người đầu tiên làm thơ Tiếng Việt theo luật Đường, tiếp theo là sự xuất hiện của Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An đều có tập thơ Quốc âm, nhưng tiếc rằng các tập thơ này đều không còn nữa do giặc Minh hủy diệt nền văn hóa nước ta. Ngoài những bài thơ đáp nhau của Nguyễn Biểu và Trần Quý Khoáng cuối đời trần. Vì thế Quốc âm thi tập được xem là tập thơ tiếng Việt xưa nhất, chính xác nhất còn lại trong lịch sử văn học Việt Nam. Tập thơ hiện nay gồm 254 bài thơ có công sưu tập của Trần Khắc Kiệm vào những năm 60-70 của thế kỷ XV và của Dương Bá Cung và Nguyễn Năng Tĩnh ở thế kỷ XIX, tập hợp trong Ức Trai di tập in năm 1868. Quốc âm thi tập được chia thành 4 mục: 1- Vô đề (192 bài), 2- Thời lệnh môn (Thời tiết, 21 bài), 3- Hoa mộc môn (Cỏ cây, 34 bài), 4- Cầm thú môn (Thú vật, 7 bài). Trong “Vô đề” lại chia ra: Thủ vĩ ngâm 1 bài, Ngôn chí 21 bài, Mạn thuật 14 bài, Trần tình 9 bài, Thuật hứng 25 bài, Tự thán 41 bài, Tự thuật 11 bài, Tức sự 4 bài, Tự giới 1 bài, Bảo kính cảnh giới (Gương báu để răn đe) 61 bài, Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác 1 bài, Giới sắc 1 bài, Giới nộ 1 bài, Huấn nam tử 1 bài. Như vậy, có thể thấy rằng tác phẩm này có rất nhiều đề tài phong phú, ý tứ dồi dào. Hơn thế nữa, Quốc âm thi tập còn có ý nghĩa là sự phá cách, cách tân, khắc phục khuynh hướng quy phạm, mở rộng cảm quan sáng tạo thi ca, đặc biệt trong cách diễn tả thế giới thiên nhiên và nội tâm con người bằng ngôn ngữ và giọng điệu tâm hồn dân tộc [2].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Quoc Am Thi Tap Nguyen Trai 1

Về nội dung, Quốc âm thi tập không chỉ thể hiện cảm hứng dân tộc, mà còn mang đậm cảm hứng Phật giáo, tư tưởng thiền tông, triết lý nhân sinh, cảm xúc trữ tình, lòng thương yêu con người, vạn vật, thiên nhiên một cách tha thiết. Với tập thơ này, Nguyễn Trãi được xem là nhà thơ lớn đầu tiên viết thơ chữ Nôm, đồng thời cũng là người sáng tác thơ Nôm có số lượng nhiều bậc nhất trong nền thơ cổ điển dân tộc. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ được Nguyễn Trãi sáng tác trong thời gian ông lui về ở ẩn ở Côn Sơn. Mặc dù có một số bài thơ được sáng tác khi thi nhân rơi vào tâm trạng buồn, buồn cho thế thái nhân tình, cho kiếp người nhưng vẫn không làm cho nội dung của tập thơ bị chùng xuống, bị mất đi ý nghĩa ngôn từ mà Nguyễn Trãi gửi gắm đến cho hậu thế. Ngược lại, nó lại điểm nhấn làm cho đọc giả thấy rõ hơn nội dung toàn bộ tập thơ là những suy tư về thời cuộc của một con người nặng lòng với đất nước, chân dung của một nhà Nho chân chính, thâu nhận tất cả các dư âm của cuộc đời khi lánh đời, tìm về với thiên nhiên, với Phật giáo, với tư tưởng vô vi của Đạo gia. Tập thơ cũng là bức tranh sống động về phong cảnh thiên nhiên chùa chiền với những điển tích, thuật ngữ Phật học sinh động hiện thực trong đời sống thực tại của danh nhân.

Xem xét cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi có thể khẳng định ông đã trở thành hiện thân cho bước chuyển giao thời đại từ Phật giáo Lý – Trần sang Nho giáo, người đặt nền móng tư tưởng văn học nghệ thuật cho thời đại Nho giáo thịnh trị, đặc biệt trong buổi ban đầu còn rực sáng ánh hào quang của tinh thần phục hưng dân tộc và ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả. Đánh giá những đóng góp xuất sắc, đa dạng của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự phát triển những giá trị nhân văn nhân loại, vào năm 1980, Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận ông là “Danh nhân văn hóa tiêu biểu, anh hùng dân tộc”. Theo quyết định của Hội đồng thành phố Quebec – Canada, bức tượng bán thân Nguyễn Trãi bằng đồng, trên bệ đá hoa cương đã được đặt tại công viên trong trung tâm thành phố Quebec [3]. Thế giới hôm nay gọi Ức Trai là một nhà văn hóa, một nhân cách lớn của một thời đại, còn đối với Thích Chơn Thiện có một cái nhìn bao quát hơn, rộng lớn hơn, vi mô hơn về cuộc đời của danh nhân: “nhìn toàn bộ cuộc đời của Người như một tòa kiến trúc Việt Nam đẹp đẽ, hùng vĩ, và hân hoan chiêm ngưỡng từng góc cạnh. Càng chiêm ngưỡng càng cảm xúc, nghe như từ lâu đài ấy có cung đàn Việt Nam vang vọng khôn nguôi” [4].

4. Thiền của Nguyễn Trãi

Ức Trai Nguyễn Trãi thường gắn bó với mảnh đất Côn Sơn quê ngoại, nơi ông từng sống, từng ẩn dật. Đó là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời cũng là nơi tổ tam tổ Huyền Quang trụ trì và viên tịch “Xưa vào triều Trần Minh Tông hoàng đế nước Nam Việt, người học đạo tu thành đắc quả nối dõi tông phái của Tổ có tổ thứ ba là Huyền Quang nối đời tu trì tại danh lam Tư Phúc Côn Sơn” [5]. Trong khoảng thời gian đó chắc Nguyễn Trãi nghiên cứu sâu hơn về thiền Phật giáo nên đã đến Tào Khê trung tâm thiền của Lục Tổ Huệ Năng “Vạn lý Nam lai sơn thủy viễn, nhất sinh năng kỷ quá Tào Khê” (Muôn dặm từ Nam non nước thẳm, Một đời mấy bận tới Tào Khê) [6]. Nơi mà Lục Tổ Huệ Năng đã chỉ rõ cái tự tính thanh tịnh, cái bản lai diện mục. Là nơi để lại biết bao câu chuyện ly kỳ trên ngọn núi này, nơi đào tạo ra nhiều tăng tài đắc đạo làm rường cột cho Phật giáo Thiền tông. Suối Tào Khê mầu nhiệm ấy đã chảy rạt rào về giữa lòng thi nhân và đã tẩy sạch hết mọi phiền não của phàm phu tục tử:

漕溪𣳮𠦳尋𤂬 Tào Khê rửa, ngàn tầm suối,
瀝庒群蔑㤕凡 Sạch chẳng còn một chút phàm [7].

Hình ảnh này còn được Nguyễn Trãi đề cập đến trong thơ chữ Hán bài Nam Hoa Du tự

“Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy
Tẩy tận nhân dân kiếp kiếp trần” [8].

(Trước cửa một dòng Tào Khê chảy; Rửa hết bụi bặm bao nhiêu kiếp nhân gian). Tại sao, một nhà Nho như Nguyễn Trãi lại nghĩ chỉ có triết lý Phật giáo mới có thể giúp con người vượt ra khỏi lầm mê, tẩy sạch phiền não? Phải chăng giáo lý Phật giáo như một vị thuốc thanh tâm giải nhiệt, chữa lành những vết thương lòng, mang lại sự thanh tịnh, giải thoát cho con người:

瀉𢚸清味耨渃 Rửa lòng thanh, vị núc nác, [9].

Việc nghiên cứu giáo lý nhà Phật dường như đã ăn sâu vào tiềm thức Nguyễn Trãi, thêm vào đó là cuộc sống an nhàn nơi Côn Sơn, sự tĩnh lặng của tâm hồn đã gợi lên trong tâm trí của Ức Trai điển tích về Thánh địa Tòng lâm, về thiền xuất hiện một cách mộc mạc, giản dị mà sâu lắng:

暎𨴦𦝄梅㙮匕 Ánh cửa trăng mai đớp đớp,
掑窓𫗃竹南南 Kề song gió trúc nàm nàm.
頭𡽫少室顛朋墨 Đầu non Thiếu Thất đen bằng mực,
𣳔渃濂溪綠女藍 Dòng nước Liêm Khê lục nữa chàm.
瀟洒氽𢚸它模特 Tiêu sái mấy lòng đà mạc được,
保庒肯模蔑𢚸𦹳 Bảo chăng khứng mạc một lòng thơm [10].

Chùa Thiếu Lâm ở phía Bắc chân núi Thiếu Thất, là một thánh địa của Phật giáo Trung Hoa, Sơ tổ Bồ-đề Ðạt-ma đã từng ở đây quay mặt vào núi 9 năm. Cái đẹp tự nhiên của ánh trăng chiếu trên ngọn cây mai rọi bóng vào cửa sổ, gió thổi làm cho cành trúc đong đưa như gài vào song cửa sổ, dưới ao lấp lánh ánh trăng soi, chỉ có thể cảm nhận bằng trực cảm tâm linh khi lòng thật tĩnh lặng, không bị ngoại duyên chi phối. Lúc đó, dù là một tiếng chim, một tiếng chuông chùa vang lên cũng làm rúng động lòng thi nhân

月木頭𡽫鯨唯㗂 Nguyệt mọc đầu non kình dõi tiếng [11].

“Kình” là chỉ cho tiếng chuông chùa. Theo huyền thoại Trung Hoa ven biển có con “Bồ lao” loài thú này rất sợ cá kình hễ thấy bóng cá kình là bồ lao rống to lên. Do đó, người xưa đúc chuông có núm hình bồ lao và làm chày đẽo hình cá kình. Sau này, văn học cổ dùng hình tượng bồ lao, cá kình để chỉ tiếng chuông chùa. Trong bài thơ Vịnh ni cô của Phó nguyên soái Thân Nhân Trung hình tượng cá kình cũng được nhắc đến như sau:

“Chày kình một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẩn sự đời” [12].

Còn Nguyễn Tông Quai tác giả nổi tiếng của thời Lê Trung Hưng với tác phẩm Sứ trình tân truyện ông cũng đã ghi lại hình ảnh con “Bồ lao” với tiếng kêu vang trời:

“Bồ lao om núi kêu ran,
Sơ sương một tiếng rã tan mọi niềm” [13].

Như trên đã nói đến việc Nguyễn Trãi nghiên tầm giáo điển, chu du đến các miền đất Phật thì việc ảnh hưởng bởi nghi lễ hình thức của triết lý thiền tông là điều khó tránh khỏi. Uống trà cũng là một trong những hình thức của thiền. Các vị Tăng sĩ Trung Hoa trước đây đã thực hành nghi thức uống trà trước tượng của tổ Bồ-đề Đạt-ma theo những cung cách trang trọng, biểu lộ trạng thái an bình, rỗng lặng nhưng linh động của tâm uyên nguyên, tâm ban đầu nơi mỗi chúng ta vốn luôn luôn tinh sạch và tỏa chiếu sự thấy biết chân thật. Trong thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi hình ảnh đó đã được thi nhân thực nghiệm bằng chính cái tâm thanh tịnh, vắng lặng không vướng bận sự đời chẳng khác nào cái tâm thanh tịnh của nhà sư đã bỏ đi mọi cái tục của cuộc đời:

檜俗茶常坡渃雪 Cởi tục trà thường pha nước tuyết,
尋清中日羡茶梅 Tìm thanh trong vắt tạn chà mai [14].

Sự hòa hợp giữa tâm và vật, không gian và thời gian, vũ trụ bao la và chén trà nhỏ bé, thời gian vô tận và thoáng chốc trôi nhanh, giữa tĩnh và động đã đưa thi nhân trở về với “suối nguồn diệu giác”, trở về với chân như Phật tính.

Cảnh già lam được tạo dựng giữa một không gian thiên nhiên yên tĩnh, có khi ở nơi núi sâu vắng vẻ, tất cả được tác giả tái hiện để tạo nên một vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc. Khi tâm cảnh nhất như lắng đọng trong chốn an bình tĩnh lặng. Các giác quan cũng trở nên nhạy bén trong sự thoải mái và nhận biết rõ ràng những dáng dấp, màu sắc, âm thanh, mùi vị và xúc chạm. Năm giác quan hợp nhất trong tâm rỗng lặng bao la, tiếng suối reo nhẹ như tiếng gió rì rào qua kẽ lá, bình hoa đơn sơ hiện dần nét đẹp diệu kỳ, khói trầm thơm phảng phất cái mơ hồ. Đó cũng là khoảnh khắc ngôi chùa được tái hiện lại lên trong tâm thức của Nguyễn Trãi, ông dùng ngòi bút thần kỳ khắc họa lên thành dòng chữ

景似厨纏𢚸似柴 Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy [15].

Trước Nguyễn Trãi là nhà Nho Chu Văn An khi lui về quê nhà cũng đã viết những vần thơ thiên nhiên, bộc lộ tâm tình tiêu dao, phóng khoáng tự tại mang cốt cách của Thiền sư:

Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình,
Phật giới thanh u trần giới viễn,
Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.

(Thân nhàn tựa áng mây trôi,
Gió thanh nửa gối việc đời nhẹ tênh,
Cõi trần xa, cõi Phật thanh,
Sân hoa máu đỏ, chim oanh líu lường) [16].

Qua đó có thể thấy rằng Nguyễn Trãi rất am hiểu về các khái niệm, thuật ngữ của nhà Phật và ông đã sử dụng một cách linh hoạt, giàu hình ảnh biểu cảm, thể hiện được đời sống tâm linh và con đường tu tập của nhà Phật. Ông đã ngộ được yếu chỉ của Thiền khi tiếp xúc với các thiền sư, nhìn thấy cái vô biên trong một hạt cát và giũ bỏ tất cả những hoặc nghiệp trong tâm hồn đạt đến cảnh vô tâm:

𢷀包饒蓓匕淋 Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm,
捈𪮏襖旦叢林 Giơ tay áo đến tùng lâm.

踈帶俗嫌勾帶俗 Thơ đới tục hiềm câu đới tục,
主無心倚客無心 Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm [17].

Hình ảnh vô tâm nó là cả một quá trình thiền hành miên mật của thiền sư. Vô tâm không có nghĩa là không có tâm mà đó là sự nhậm vận không qua trung gian khởi tác ý nào của con người. Nó tự tại giống như mặt trời mọc từ phương Đông, lặn về phương Tây, không ai có thể làm cho nó dừng lại được. Ở đây cả chủ lẫn khách đều vô tâm thì quả là việc hy hữu.

Việc chuyên tâm thiền tập nơi thâm sơn cùng cốc của các nhà sư đã khó và ít người làm được, thì việc thiền tập của người cư sĩ lại không đơn giản tí nào. Vậy mà, Nguyễn Trãi thực tập với một tinh thần

醝歇𡬷𢚸鴻鵠 Say hết tấc lòng hồng hộc [18].

Nguyễn Trãi cho rằng khi tâm cảnh “nhất như” thì không còn tiểu ẩn hay đại ẩn nữa, ông sống giữa thành thị cũng như ở trong núi rừng, đang ngao du trong rừng sâu cũng như đang rong chơi nơi phố thị. Ông tìm về với thiên nhiên chỉ có chim muông và cây cỏ, bên dòng suối trong lành với những luồng gió vi vu, lòng thi nhân ngập tràn niềm hạnh phúc vô biên trong thiền định

站自然蔑草庵 Chụm tự nhiên một thảo am,
油𢚸𪠞北免𧗱南 Dầu lòng đi Bắc lẫn về Nam.
棖禪定𤞻𦣰直 Giường thiền định, hùm nằm chực,
𣡚𪰛斎猿辱冘 Trái thì trai, vượn nhọc đam.
𡶀廊盈𪀄部伴 Núi láng giềng, chim bậu bạn,
𩄲客次月英三 Mây khách khứa, nguyệt anh tam [19].

Trong rừng thiền, người tu hành đắc đạo nắm được lẽ màu, có thể cảm hóa được muông thú. Như trong Tục cao tăng truyện có nói đến câu chuyện của ngài Đàm Tuân trụ chùa Bách Tiêm ở Hoài Châu đã cảm hóa được hai con hổ khi chúng giao đấu với nhau nhiều ngày. Hay câu chuyện của ngài:

“Đạt Ma Đa La (Dharmatrata), một A La Hán thần thông tự tại, thường du hóa trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả đã ba lần thu phục được con hổ dữ đem nó về núi cho tu đi đâu thì dẫn theo, nên được xưng danh là La Hán Phục Hổ, cùng với La Hán Hàng Long là hai vị được đưa thêm vào danh sách Thập Lục La Hán để trở thành biểu tượng của sự cảm hóa bằng trí tuệ và đạo pháp”.[20].

Rõ ràng là nếu ai đó có một đời sống như trên thì đâu có khác nào là đời sống của một thiền sư ẩn cư mà ta thường thấy trong đạo Phật, hùm beo nằm canh cho sư ngồi thiền “Giường thiền định, hùm ngồi chực”, khi đói thì có vượn dâng trái cây “Trái thì trai, vượn nhọc đam”. Ở đó, ẩn sĩ đã coi núi rừng là láng giềng, chim là bầu bạn, mây là khách, và trăng là anh em. Và đặc biệt chính phương pháp hành thiền đốn ngộ của Lục Tổ đã giúp nhà thơ rửa sạch lòng phàm, thoát mùi tục lụy.

Ở thời Trần, Trần Thái Tông với quan niệm “Trong núi không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài” [21]. Tuệ Trung Thượng Sĩ “Tâm tức Phật, Phật tức tâm, diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim” [22]. Và đặc biệt là Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông với chủ thuyết Cư trần lạc đạo phú: “Chỉn Bụt là lòng, sá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ; Vong tài đối sắc ắt tìm cho phải thói Bàng Công” [23]. Thì trong thơ Nôm Nguyễn Trãi người đọc có thể thấy rõ Nguyễn Trãi đã kế thừa và phát triển tư tưởng ấy với quan niệm Bụt là lòng, Bụt ở trong lòng:

身它歇累身𢧚珥 Thân đà hết luỵ thân nên nhẹ,
孛意羅𢚸孛呵求 Bụt ấy là lòng Bụt há cầu [24].

Và trong bài Mộc cận Nguyễn Trãi viết “Vện nhơ chẳng bén Bụt là lòng”, quay về với chân tâm và an trú trong đó thì không cần tìm Phật ở đâu nữa. Nếu vua Trần Nhân Tông cho rằng “Mình ngồi thành thị; Nết dụng sơn lâm” thì Ức Trai cũng cùng cách nghĩ và phong thái ấy

隱奇路之城市女 Ẩn cả lọ chi thành thị nữa,
芾兠羅拯坦茹官 Nào đâu là chẳng đất nhà quan [25].

Đọc thơ Nôm Quốc âm của Nguyễn Trãi có thể thấy được hình ảnh của một thiền gia đắm mình trong thiên nhiên, đón nhận bốn mùa xoay chuyển, mọi vật đến rồi đi bằng cái tâm thanh tĩnh, biết vượt lên trên mọi hư ảo, phù hoa thế sự. Vì thế, hình ảnh thiên nhiên hiện thực với vẻ đẹp sinh động tươi mát, kỳ thú, hấp dẫn mà Ức Trai đã bày tỏ cảm xúc và phản ánh thông qua cảm quan Thiền của một thi sĩ. Hình ảnh “Chim kêu hoa nở, chè mai, đêm nguyệt, quét trúc, thưởng mai, kho thu phong nguyệt, thuyền chở yên hà”... xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Trãi như những người bạn tri âm, tri kỷ của hồn thơ ung dung, tự tại. Điều này cho thấy, chủ trương nhập thế trong lòng tiên sinh không ngăn nổi những phút xao lòng của người trí thức, khát vọng tự do vẫn không tránh khỏi ước muốn “an bần lạc đạo”, quay trở về cố hương để dưỡng thân nhàn bằng cuộc sống “ăn cơm rau, uống nước suối, gối đầu lên đá mà ngủ” của nền kinh tế tự cung tự cấp

㘭𣴓越䕯𦔙夢 Ao cạn vớt bèo cấy muống,
池清𤼵𦹯秧蓮 Đìa thanh phát cỏ ương sen [26].
渃淘汫𩚵𦓿𪽞 Nước đào giếng cơm cày ruộng [27].

Sau một thời gian dài Nguyễn Trãi đã thấy rõ chân lý của cuộc đời là không, lợi danh là mây nổi, thế quyền tựa phù du. Ông đã đạt đến cảnh giới siêu thoát, vượt lên những cái tầm thường nhỏ bé, từ bỏ những vọng động si mê, chân tâm ông hốt nhiên đại ngộ. Lúc này ngòi bút Nguyễn Trãi dường như dồn hết tất cả cho Phật – Thiền. Ông như một thiền gia sống tự tại trong cõi trần ai này, ngộ ra lẽ “sắc”, “không” qua bài thơ Hoa mộc cận:

暎渃花印蔑朶紅 Ánh nước hoa in một đóa hồng,
援洳拯变孛羅𢚸 Vện nhơ chẳng bén Bụt là lòng.
朝埋𦬑朝歆𠘃 Chiều mai nở chiều hôm rụng,
事邏朱咍絕色空 Sự lạ cho hay tuyệt sắc không [28].

Đề tài là vịnh hoa dâm bụt soi bóng dưới nước, mà nhà thơ đã nhìn thấy hết đạo lý sắc không ở trong đó. Nhìn cánh hoa bình thường không hương, sớm nở tối tàn, mà nhà thơ nhận chân được sự vô thường trong cuộc đời “sự lạ cho hay tuyệt sắc không”. Đây chỉ có thể là cái nhìn của một thiền gia ngộ đạo, tư tưởng giữa cái có và cái không này được thiền sư Đạo Hạnh thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thể hiện sâu sắc trong bài Hữu không (Có và không):

Có thì có tự mảy may
Không thì cả vũ trụ này cũng không
Vừng trăng vằng vặc in sông
Chắc cho có có, không không mơ màng [29].

Đến đây hình ảnh của một đại túc Nho không xuất hiện nữa mà thay vào đó là hình ảnh của một thiền sĩ. Phải chăng câu thơ thể hiện vẻ đẹp tư tưởng của một nhà văn hóa lớn hay thể hiện sự trải nghiệm sâu sắc của một kẻ sĩ trong cuộc dâu bể chính trị đương thời. Bông bụt trong con mắt thanh tịnh của Nguyễn Trãi, là hoa Pháp, là hoa Phật. Đã là Pháp, Phật thì không thể nghĩ bàn, vì vượt khỏi sự tới lui của ngôn ngữ và sự khởi lên của tư tưởng:

Pháp đó trụ ngôi pháp
Tướng thế gian thường còn [30].

Nguyễn Trãi đã chạm đến được cái bản chất của ngôn ngữ, của cả lịch sử. Bản chất của ngôn ngữ và của lịch sử là bản chất của một bông bụt chiều mai nở, chiều hôm rụng. Bản chất đó là cái vô sinh, cái vĩnh cửu, ông không cần lịch sử minh oan cho cái chết của mình như vua Lê Thánh Tông đã làm thấu hiểu được vậy là nhà thơ Ức Trai đã thấy được thực tại vô ngã của nhân sinh, thực tướng vô tướng của vạn hữu, nên mỉm cười niêm hoa vi tiếu, một nụ cười vô sự giữa dòng đời luân lưu cuộn trào vô quái ngại:

吟咍事世珥朋𣭜 Ngẫm hay sự thế nhẹ bằng lông,
咹㕵拯奈俸𧗱公 Ăn uống chăng nài bổng Vệ Công [31].

Bài thơ Mộc cận gợi ta nhớ đến triết lý Sắc – Không trong bài thơ Thị đệ tử của thiền sư Vạn Hạnh thời Lý:

Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận, thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Thân người như bóng chớp, có rồi lại không
Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo
Mặc cho vận đời thịnh hay suy đừng sợ hãi
Vì sự thịnh suy (cũng mong manh) như giọt sương đầu ngọn cỏ.) [32]

Sau J.Cocteau, người ta thường nói rằng thơ là một ngôn ngữ, và sau R.Jakobson, người ta nói rằng có một ngữ pháp của thơ. Ở Việt Nam cách đây hơn 643 năm, Nguyễn Trãi nhà thơ đầu tiên của dân tộc đã thực hiện được một sự hòa hợp kỳ diệu giữa hình thức và nội dung trong thơ của ông, và qua sự hòa hợp ấy, đã tô điểm thuyết sắc – không của nhà Phật với những lời thơ và âm điệu huyền ảo hiếm có. Sau Nguyễn Trãi, Việt thi có thể não nùng hơn thơ Cung oán của Nguyễn Gia Thiều, có thể đài các hơn thơ Kiều, có thể bi thống hơn thơ Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, có thể réo rắt hơn thơ Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, có thể bay bướm hơn thơ của Nguyễn Công Trứ, có thể nhẹ nhàng hơn thơ của Nguyễn Khuyến, có thể xúc động hơn thơ của Phan Bội Châu. Nhưng thực khó mà đạt đến được sự cao cả, sự chân thành, sự sáng sủa và sự thanh nhã của Nguyễn Trãi trong tâm tư, trong thi tứ và trong ngôn từ của thơ [33].

5. Lời kết

Từ xưa đến nay, kinh điển, tư tưởng triết lý Phật giáo luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, có khả năng năng làm thức tỉnh lương tri con người ở mọi thời đại. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, vốn là nhà bác học đa tài quán thông kim cổ, cho nên những gì tinh hoa của nhân loại, di sản của tiền nhân ông đều học hỏi, nghiền ngẫm. Cho nên văn hóa tư tưởng Phật giáo nói chung, tư tưởng thiền học, Phật học Lý Trần được ông tiếp thu và thể hiện trong sáng tác của ông là điều dễ hiểu. Cho nên việc nghiên cứu, tìm hiểu về thiền, về quan điểm Phật học trong sáng tác của Nguyễn Trãi nói chung, Quốc âm thi tập nói riêng, không những không ảnh hưởng đến sự vĩ đại của ông, mà còn góp phần làm cho ông càng lớn hơn, càng vĩ đại hơn trong lòng dân tộc Việt Nam ta.

SC.Thích nữ Huệ Niệm
Học viên Cao học khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích và tài liệu tham khảo
[1]. Đỗ Văn Khang, Cơ sở lý luận Văn học, Nxb. Thông tin truyền thông, 2013, tr.5.
[2]. Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm (Tuyển chọn và giới thiệu), Nxb. Giáo dục, 2003, tr.7.
[3]. Vũ Dương Huân, Các nhà ngoại giao trong lịch sử dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2018, tr.80.
[4]. Thích Chơn Thiện, “Tư tưởng Việt Nam nhân bản thực tại luận”, Sông Hương tạp chí sáng tác phê bình Nghiên cứu văn học nghệ thuật – Văn hóa số 334, 2016, tr.43.
[5]. Lê Duy Mạnh, “Trúc Lâm tam Tổ là ai”, tạp chí Xưa nay số 287, 2007, tr.20.
[6].http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-2745/Phat-kinh-trong-tho-van-Nguyen-Trai-va-Nguyen-Du.html. (Truy cập ngày 16/4/2023)
[7]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập Thuật hứng 19, Nxb.Văn học, 2014, tr.222.
[8]. Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập in lần 2, Nxb. Khoa học Xã hội., 1976, tr.384.
[9]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập Ngôn chí 9, Nxb.Văn học, 2014, tr.87.
[10]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.297.
[11]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.108.
[12]. Hoàng Ngọc Phách – Kiều Thu Hoạch (Sưu tầm biên soạn), Giai thoại Văn học Việt Nam (in lần thứ tư, có sửa chữa), Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.57.
[13]. Bùi Duy Tân (2007), Nguyễn Tông Quai (1693-1767) đường đi sứ đường thơ (Người khai sáng dòng ca Nôm sứ trình) http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1365&Catid=608 (Truy cập ngày 17/08/2023)
[14]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.62.
[15]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd 10, Nxb.Văn học, 2014, tr.90.
[16]. https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9357 (Truy cập ngày 20/4/2023).
[17]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.72.
[18]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.237.
[19]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.222.
[20]. Trần Trọng Dương, Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển, Nxb. Văn học, 2018, tr.165.
[21]. Viện văn học, Thơ văn Lý –Trần tập 2, Quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội, 1988, tr.28.
[22]. Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, 1999, tr.110.
[23]. Thích Hạnh Tuệ, Văn học Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb. Khoa học Xã hội, 2019, tr.217.
[24]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.131.
[25]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.104.
[26]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.234.
[27]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.377.
[28]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.585.
[29]. Viện văn học, Thơ văn Lý – Trần tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.345.
[30]. Thích Trí Tịnh, Kinh Pháp Hoa phẩm Phương tiện, Nxb. Tôn giáo, 2022, tr.101.
[31]. Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, Nxb.Văn học, 2014, tr.605.
[32]. Viện văn học, Thơ văn Lý – Trần tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.218.
[33]. Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Trãi, huyễn thực và sắc không, Bách khoa giai phẩm, In tại nhà in Trí Đăng 21, Nguyễn Thiện Thuật – Sài Gòn, 1973, tr.83.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường