Trang chủ Nguyên thủy Chơn Như Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 4)

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 4)

“Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Lời dạy này cho chúng ta thấy pháp Phật rất thực tế và cụ thể. Bởi vì pháp tu tập có kết quả ngay liền như đức Phật đã dạy: “Tâm có tham, biết tâm có tham… ” Nếu biết tâm mình có tham thì biết đó là ác pháp, biết đó là ác pháp thì nên mau mau dừng lòng tham đó liền là quý bạn sẽ được giải thoát ngay. Phải không quý phật tử?

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ

Giới thứ tư: CẤM VỌNG NGỮ

Không vọng ngữ là một “GIỚI ĐỨC CHÂN THẬT”. Người tại gia cần phải học hiểu và sống với đức hạnh này, để đem lại lợi ích cho mình, cho người và cho cả hai.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 4)

Giới đức không vọng ngữ là một Đức Hạnh Chân Thật. Người không nói dối là một con người thật là người, còn người phàm phu thì không thể tránh khỏi nói dối, mặc dù nói dối không hại ai, hoặc nói dối đùa chơi thì vẫn là nói dối, vẫn là làm mất uy tín của mình. Không nói dối là một việc làm rất khó, cho nên phàm làm người ai ai cũng có nói dối, nói dối ít hay nói dối nhiều, nói dối có hại hay nói dối không hại người.

Vọng ngữ thuộc về khẩu nghiệp, nên chỉ loài người mới mắc tội vọng ngữ, còn thú vật thì không mắc tội này, vì thú vật không nói được.

Người không vọng ngữ là người tạo cho mình một uy tín đối với mọi người, một sự kính trọng tuyệt vời, một lòng tin yêu quý và tôn trọng sâu sắc.

Vọng ngữ chia làm bốn phần:

1- Nói dối

2- Nói lời hung ác

3- Nói lưỡi hai chiều

4- Nói lật lọng

Nói dối có nhiều cách:

1) Ca ngợi, khen tặng một người nào mà người đó chưa làm được như vậy, thì đó là nói dối. Cách nói dối đó là nịnh bợ lấy lòng người trên. Ca ngợi việc làm của người khác không đúng đạo đức mà nói đúng đạo đức là nói dối.

2) Quý Hòa Thượng chết trong bệnh đau, khổ sở, mà bảo rằng thu thần nhập diệt, đó là nói dối, vì các vị Hòa thượng có biết cách nào thu thần nhập diệt đâu?

(3) Khi nói sai một điều gì là có nói dối. Như trong kinh Kim Cang dạy: “Bồ tát độ hết chúng sanh thì thành Phật”, có nghĩa là một người tu tập hết vọng tưởng thì thành Phật. Lời dạy trong kinh này là nói dối, vì khi hết vọng tưởng thì tâm sẽ rơi vào trong “không”, chứ không thành Phật. Phật chính là chỗ TÂM BẤT ĐỘNG trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải tâm không niệm, tâm vô phân biệt, tâm vô trụ, v.v…

4) Trong Tâm Kinh Bát Nhã dạy: “Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Lời dạy như vậy là nói dối, vì chưa thấy ai quán chiếu ngũ uẩn giai không được. Tổ Sư Tử chết oan vì lời nói dối này. Trong các chùa ngày đêm bốn thời công phu khuya sớm đều tụng Tâm Kinh Bát Nhã mà chưa có thấy vị thầy nào thoát khổ, như vậy kinh này nói dối.

5) Không thấy, không nghe mà nói thấy, nghe là nói dối.

6) Thấy, nghe mà nói không thấy, không nghe là nói dối.

7) Thêu dệt, bịa đặt ra để nói xấu người khác là nói dối.

8) Nghi ngờ, nói ra không đúng sự thật là nói dối.

9) Ca ngợi, khen tặng không đúng là nói dối. (86)

10) Thêm bớt, phao tin đồn ra nhiều, để cho mọi người cười chê một người nào đó. Đó là nói dối.

11) Ca ngợi người khác không đúng cách là nói dối.

12) Một người giới luật không nghiêm chỉnh mà mang hình dáng tu sĩ, để nói mình tu sĩ là nói dối.

13) Với người này nói xấu người kia, với người kia nói xấu người này là nói dối.

14) Trước mặt người nói tốt, sau lưng người nói xấu là nói dối.

15) Chê người khác không đúng cách, có nghĩa là chưa biết trình độ người ta ở mức độ nào, mà chê là nói vọng ngữ.

16) Chê giới luật Phật lỗi thời là nói dối.

17) Chưa biết người chứng quả A La Hán ra sao mà chê A La Hán còn tạp khí, còn tranh chấp, chê như vậy là nói dối.

18) Đặt ra nhiều quả vị A La Hán như trong kinh sách Đại thừa: 1- A La Hán Toàn Giác, 2- A La Hán Độc Giác, 3- A La Hán Thinh Văn, v.v… Đó là nói dối, vì quả vị A La Hán là vô lậu; người nào tu tập tâm vô lậu là người chứng quả A La Hán. Quả A La Hán không có cao thấp; phân chia quả vị A La Hán cao thấp là tư tưởng phàm phu, tư tưởng người thế gian. Người chưa chứng quả A La Hán mà phân chia quả A La Hán là nói dối. Cho nên khen hay chê, phân chia không đúng sự thật đều có nói dối.

19) Nói một việc mà người khác không hiểu bằng trí, mà phải hiểu bằng tưởng là có nói dối. Như nói có linh hồn người chết, nói có Phật tánh, có thế giới siêu hình là nói dối, vì đó là cảnh giới tưởng, cảnh giới không có thật.

20) Nói con người có ngã, có thần thức là nói dối. Xưa đức Phật dạy: “Ta nói một điều gì mà mọi người hiểu được, biết được bằng ý thức thì ta không có nói dối. Còn ta nói một điều mà mọi người phải hiểu bằng tưởng là có nói dối trong ta”.

21) Nói Phật tánh là tánh biết ngoài ý thức, tưởng thức và tâm thức là có nói dối, vì ngoài ba thức của thân ra, làm sao có tánh biết nào khác nữa.

22) Nói có cõi siêu hình thật sự, nghĩa là nói có linh hồn người chết là nói dối, chứ họ đâu biết rằng linh hồn người chết là do trạng thái của tưởng uẩn của người còn sống tạo ra.

23) Nói có cõi trời, cõi Cực Lạc là có nói dối, vì đâu có cõi trời, cõi Cực Lạc. Cõi trời, cõi Cực Lạc là cõi tưởng của con người tạo ra.

24) Nói cõi người là cõi có thật thì cũng nói dối, vì cõi người là cõi duyên hợp, nên các duyên có hợp thì lại có tan, cho nên sinh tử là duyên hợp tan. Duyên hợp tan thì có cái gì là thật đâu, mà nói nó có thật thì đó là nói dối. Tại sao vậy? Tại vì cõi người là cõi duyên hợp chứ không có thật ngã. Nói cõi người có thật là nói trong tưởng, tưởng như kinh sách của tà giáo ngoại đạo.

25) Nói con người từ cõi trời Quang Âm Thiên tái sanh đến cõi người là nói láo, vì nói như vậy con người sẽ tưởng ra, chứ ý thức không thể hiểu được.

Cho nên đức Phật dạy: “Ta nói những gì mà ý thức con người hiểu được là không nói dối, ngược lại là có nói dối trong ta”. Nói ra một điều gì mà mọi người không hiểu, hay hiểu một cách lờ mờ, không cụ thể, rõ ràng là ta đã nói dối.

Một người tu sĩ Phật giáo chân chánh không bao giờ nói những lời trườn uốn như con lươn: “vừa có vừa không” (sắc tức thị không, không tức thị sắc), nói như vậy là nói dối, nói lừa đảo, nói lường gạt người. Chúng tôi xin nhắc lại lời nói ở trên. Bát Nhã Tâm Kinh có câu: “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, câu nói này là câu nói dối. Vì bao đời, từ khi có câu kinh này, trong các chùa người ta đã nhật tụng hằng ngày, mà ngũ uẩn của quý thầy có “không” chưa?

– Nếu ngũ uẩn giai không, sao quý thầy còn thấy đau bệnh khổ sở như vậy?

– Nếu ngũ uẩn giai không, sao lại có chùa to Phật lớn như vậy?

– Nếu ngũ uẩn giai không, sao quý thầy còn tham, sân, si như vậy? Rõ ràng là câu kinh lừa đảo, nói dối lừa người.

Như kinh Pháp Hoa dạy: “Dù cho tạo tội như núi cả, Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng”. Lời dạy này là nói dối. Có bao giờ đi trộm cướp giết người, bị tù tội, bị án tử hình mà tụng kinh Pháp Hoa lại ra tù, khỏi tử hình chưa?

Giới đức không nói vọng ngữ là một đức hạnh về khẩu nghiệp, nên khi nói ra một điều gì, hay giảng kinh thuyết pháp một loại kinh sách nào, thì phải nói nghĩa lý có kinh nghiệm tu hành chứng đắc của mình rõ ràng và cụ thể, là không nói dối; còn giảng nói mà mình chưa làm được, chưa tu được mà dạy cho mọi người là nói dối.

Giảng nói mà người ta thực hành có kết quả giải thoát thật sự là nói thật, giảng nói mà người ta thực hành không có kết quả là nói dối. Đức Phật đã xác định: “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Đó là đức Phật đã xác định lời Phật dạy là không nói dối.

Vì thế, sự giải thoát phải đi đôi với sự thực hành pháp, pháp như vậy mới gọi là pháp không nói dối. Cho nên pháp tu thiền định của đạo Phật dạy rất rõ ràng: “ngăn ác, diệt ác pháp”, là pháp giải thoát rõ ràng. Vì ngăn ác, diệt ác pháp là có giải thoát nơi tâm mình cụ thể, rõ ràng.

Người đã biết ác pháp mà không biết ngăn, diệt nó là người không tự cứu khổ mình. Còn người biết ngăn, diệt ác pháp thì người đó sẽ hết khổ. Đó là pháp dạy chân thật không nói dối, vì pháp dạy tu tập ở đâu thì ở đó có kết quả ngay liền. Pháp dạy tu tập như vậy là pháp dạy chúng ta trở thành những con người không nói vọng ngữ. Người giảng kinh thuyết pháp như vậy là những bậc giữ gìn Giới Đức Chân Thật.

Người tu chứng quả A La Hán đi thuyết giảng, làm giảng sư dạy người tu tập là không nói dối.

Người tu hành chưa chứng quả A La Hán đi thuyết giảng, làm giảng sư dạy người tu tập là nói dối, mặc dù dạy rất đúng nghĩa trong kinh sách, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên dạy người tu tập không kết quả giải thoát, do đó thành ra nói dối.

Xưa đức Phật còn tại thế, Người không cho những người tu chưa chứng đi thuyết giảng, vì tu chưa chứng đi thuyết giảng, dạy người tu sẽ giết người hơn là độ người. Bằng chứng hiện giờ như quý vị đã thấy, người tu theo Phật giáo rất đông, nhưng có mấy ai đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết? Mà mọi người phải tốn hao xây cất chùa, đúc tượng Phật hàng tỷ tỷ bạc, và còn mất công sức tu tập mà kết quả được những gì?

Ông A Nan tu hành chưa chứng đạt chân lý, nên mỗi khi được Phật sai đi thuyết giảng, Ngài dặn A Nan trước khi thuyết giảng phải nói cho mọi người biết: “Tôi nghe đức Phật dạy như vậy”, “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc”. Hiện giờ kinh sách Đại thừa đều lấy câu này vào đầu mỗi cuốn kinh.

“Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Lời dạy này cho chúng ta thấy pháp Phật rất thực tế và cụ thể. Bởi vì pháp tu tập có kết quả ngay liền như đức Phật đã dạy: “Tâm có tham, biết tâm có tham… ” Nếu biết tâm mình có tham thì biết đó là ác pháp, biết đó là ác pháp thì nên mau mau dừng lòng tham đó liền là quý bạn sẽ được giải thoát ngay. Phải không quý phật tử?

Nếu biết tâm mình có sân thì phật tử dừng ngay lòng sân đó liền thì phật tử sẽ được giải thoát, còn ngược lại, phật tử không dừng tâm sân đó thì phật tử phải khổ đau. Có đúng như vậy không quý phật tử?

Pháp của Phật dạy tu tập như vậy có thực tế không quý phật tử? Nhưng ngày nay có nhiều người dạy pháp Phật không thực tế như vầy: Ngồi ức chế tâm cho không vọng tưởng; niệm Phật nhất tâm, tụng kinh cầu khẩn, v.v… Tu tập kiểu này có hết tham, sân, si không?

Có cụ thể thực tế như pháp ở trên không? Như vậy, ngồi thiền ức chế tâm không vọng tưởng, niệm Phật nhất tâm cầu vãng sanh, tụng kinh cầu khẩn chư Phật gia bị tai qua nạn khỏi, v.v… là pháp nói dối, là pháp không chân thật, chỉ lừa dối người, làm cho hao tiền tốn của, phí sức vô ích.

Giới Đức Chân Thật đã xác định những người giảng kinh, thuyết pháp thời nay phần nhiều là nói dối. Họ nói dối vì họ nói ra mà chính họ không làm được (chưa chứng). Kinh sách Đại thừa dạy: “Y giáo bất y nhân”. Câu kinh này là câu kinh che đậy sự nói dối của các ông giảng sư. Bảo người khác giữ giới mà mình không giữ giới là mình có nói dối. Dạy người khác tu chứng quả Thánh mà mình tu chưa chứng quả Thánh là nói dối. Vì có biết kinh nghiệm đâu mà tu chứng!

Tóm lại, khi tu tập chưa xong, thì nên im lặng như Thánh; tu tập chưa xong, mà dạy người tu là nói dối, cần phải cảnh giác những loại Thánh giả này. Đó là những hạng Bồ tát “dỏm”, Bồ tát chuyên vọng ngữ.

Giới đức không nói vọng ngữ là để xác định cho những người giới luật tinh nghiêm. Họ là những bậc Thánh tăng, Thánh ni và Thánh cư sĩ, là đệ tử chân chánh của đức Phật. Ngược lại, những người phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, thường vọng ngữ là Ma Ba Tuần, đội lốt Phật giáo lừa đảo mọi người, khiến cho Phật giáo mất gốc.

Giới thứ năm: CẤM UỐNG RƯỢU

Không uống rượu là một “GIỚI ĐỨC MINH MẪN”. Người phật tử cần phải học hiểu và sống đúng giới luật đức hạnh này, để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 4)

Một người được gọi là có Đức Hạnh Minh Mẫn Sáng Suốt thì không nên để thân tâm đắm nhiễm các ác pháp thế gian như: thuốc lá, cà phê, chè (trà), cần sa, thuốc phiện và bất cứ những loại rượu nào khiến cho người ta say mê, nghiện ngập, gây tác hại cho thân bệnh tật và thần kinh căng thẳng, rối loạn, làm cho con người như ngây, như dại, v.v… ; làm cho con người nghiện ngập bỏ không được.

Trong cuộc sống của con người có rất nhiều pháp ác thế gian, khiến thân tâm chúng ta dễ đắm nhiễm và say mê.

Rượu là một chất nước độc, uống vào kích thích cơ thể, khiến cho có những hành động giống như những người điên, cơ thể đi đứng xiêu vẹo, ngã tới, ngã lui, đụng đâu nằm đó chẳng biết dơ sạch, miệng nói ự ẹ! Lặp đi lặp lại một câu nhiều lần, khiến cho mọi người không ai kính trọng.

Người uống rượu không phải là người khôn ngoan, mà là người ngu si đệ nhất.

– Thứ nhất là họ mất tiền phải mua rượu.

– Thứ hai là họ đem độc dược vào thân mà không biết, khiến cho thân sinh ra nhiều bệnh tật khó trị, khiến cho trí óc ngu đần, không còn sáng suốt.

– Thứ ba, biến họ trở thành con người chỉ còn biết tham ăn, tham nhậu, ưa đánh lộn, thích chửi mắng vợ con và xóm làng.

– Thứ tư, một người say rượu có thể làm náo loạn cả thôn xóm, mất trật tự an ninh trong thôn xóm.

Một con người bình thường uống rượu say mà còn mất giá trị, huống là một người phật tử, uống rượu say thì còn gì giá trị đệ tử của Phật nữa. Phải không quý phật tử?

Khi uống rượu vào, bị kích thích thần kinh, người say rượu xem trời đất chẳng ra gì, chỉ có mình là trên hết, nên dùng những lời nói phách lối, cống cao, ngã mạn, chửi mắng thiên hạ, la lối om sòm, dùng những lời lẽ kém văn hóa, thiếu đạo đức, mất lịch sự, rất thô tục: thằng, mày, nó, chửi thề thô tục, v.v…

Một người phật tử mà tay cầm ly rượu hay lon bia uống, thì còn nghĩa lý gì là một đệ tử của Phật nữa?

Người đời cầm ly rượu uống người ta còn thấy người ấy là người không minh mẫn, không sáng suốt, ngu si, là người thiếu đạo đức với mình. Uống độc dược vào thân để tự làm khổ mình mà không biết, hành động như vậy là hành động của người điên, người mất trí.

Người ta bảo rằng: mấy ông Tiên hay uống rượu (Tiên tửu). Lời nói này có đúng không?

Lời nói này là theo sự tưởng nghĩ của con người, cho rằng người nào hưởng đầy đủ dục lạc thế gian, mà không phải đổ mồ hôi nước mắt làm ra vật chất là sướng như Tiên. Cho nên Tiên là sự tưởng nghĩ, chứ thực sự những người bỏ đời vào núi tu hành thì rượu có ở đâu trong núi mà uống? Ai làm ra rượu cho các ông Tiên uống? Tiên chỉ là một sự tưởng tượng của con người!

Giới Đức Minh Mẫn xác định cho chúng ta thấy Thánh, Tiên, Phật là những người sáng suốt minh mẫn. Những người sáng suốt minh mẫn mà lại uống rượu thì có còn sáng suốt minh mẫn nữa không?

Tiên mà còn uống rượu thì đâu còn nghĩa là Tiên, mà là kẻ phàm phu tục tử tham ăn, tham uống. Tiên là những người thân tâm phải thanh tịnh, thông minh và sáng suốt, nên có ngu gì mà uống rượu.

Tiên mà còn đắm chìm trong men rượu thì không thể gọi là Tiên nữa, mà gọi là những người ngu. Người ngu mới nghiện ngập, mới làm cho thân mình khổ sở. Người uống rượu đâu có sung sướng gì. Phải không quý phật tử? Chỉ làm khổ cho thân mình, cho vợ con, cho cha mẹ. Rượu đắng và cay, gây ra nhiều thứ bệnh tật khổ đau, v.v…

Người đời không biết, cho Lý Bạch là Tiên. Sự thật Lý Bạch chỉ là một nhà thơ rượu. Có uống rượu thì làm thơ, không uống rượu thì không làm thơ được.

Trong kinh Phật đã dạy: có năm tiêu chuẩn làm người, mà uống rượu là một tiêu chuẩn để không xứng đáng làm người. Người uống rượu là người chưa xứng đáng làm người. Người ta so sánh thú vật, người, Thánh, Tiên, Phật là ở chỗ đức hạnh. Tiêu chuẩn đức hạnh mới xác định được cụ thể ai là thú vật, ai là người, ai là Thánh, ai là Tiên và ai là Phật. Giới Đức Minh Mẫn đã xác định được điều này.

Cho nên đạo Phật đã biết lấy giới luật mà xác định và phân loại: làm Người như thế nào mới thật sự làm Người, làm Tiên như thế nào mới thật sự là Tiên, làm Thánh như thế nào mới thật sự là Thánh, và làm Phật như thế nào mới thật sự là Phật. Người làm thú vật thì dễ, nhưng làm người không phải dễ, nên Khổng Tử nói: “Vi nhân nan, vi nhân nan”, nghĩa là làm người khó, làm người khó. Làm Thánh, Tiên, Phật thì còn khó gấp trăm ngàn lần.

Tiêu chuẩn ấy đạo Phật đã xác định qua hành động sống hằng ngày, ai làm khác tiêu chuẩn này mà gọi họ là người, là Thánh, là Tiên, hay là Phật là lừa đảo người.

Cho nên, đứng trong tiêu chuẩn của Phật giáo mà xác định, thì kẻ nào mạo nhận mình là người, Thánh, Tiên, hay Phật, chúng ta đều biết thứ giả, thứ thật. Không ai lừa dối chúng ta được. Phải không quý phật tử?

Năm giới đức của người cư sĩ xác định cho chúng ta biết rất rõ những người phật tử giả, và những người phật tử thật trong Phật giáo.

Người tu sĩ Phật giáo mà chỉ vi phạm một giới trong năm Giới Đức Cư Sĩ này thì người ấy không phải là phật tử.

Thầy xin nhắc lại, một vị phật tử còn bưng ly rượu hay lon bia uống, thì còn gì thể thống của một vị Thánh cư sĩ, cũng như một vị phật tử cầm một điếu thuốc lá hút thì còn nghĩa lý gì Thánh cư sĩ, là đệ tử của đức Phật. Phải không quý phật tử?

Giới cấm uống rượu, vì rượu là một thứ nghiện ngập khiến cho mọi người dễ đắm mê. Ngoài rượu ra, chúng ta phải hiểu có những thứ nghiện ngập khác như: thuốc lá, chè (trà), cà phê, thuốc phiện, v.v… tuy Phật không cấm, nhưng chúng ta nên biết, đó cũng là những thứ độc dược gây ra bệnh tật cho cơ thể, mang đến sự khổ đau cho chúng ta.

Cho nên, một vị cư sĩ Phật giáo mà cầm điếu thuốc lá hút, phà khói mịt mù thì còn có giá trị gì là một cư sĩ Phật giáo. Phải không quý phật tử?

Một vị phật tử không thể còn đắm nhiễm những thứ độc dược này, vì đắm nhiễm những thứ này thì oai nghi tế hạnh của một cư sĩ Phật giáo không còn nữa.

Một vị phật tử là đại diện cho đạo đức sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh. Đại diện cho đạo đức sao có thể hút thuốc lá, uống rượu?

Đã không làm cư sĩ nam, cư sĩ nữ thì thôi, một khi đã làm cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đã quy y Phật, Pháp, Tăng, thì phải giữ cho đúng tư cách của một vị phật tử, đừng làm sai phạm, khiến người ta phỉ báng Phật pháp, chê cười Phật giáo thì tội ấy về ai?

Cho nên phật tử hiện giờ phạm giới thì phải chịu tội đọa địa ngục. Trước giờ chết họ phải thọ lấy những cơn bạo bệnh, những bệnh ngặt nghèo, đau đớn không cùng. Đừng bảo rằng trả nghiệp, dồn nghiệp. Phật tử là những bậc Thánh cư sĩ thì phải “chuyển nghiệp”, chuyển nghiệp làm sao có thọ khổ như vậy? Lời nói “trả nghiệp, dồn nghiệp” chỉ là lời nói lừa đảo, để che đậy tội lỗi của mình với những người khác.

Người cư sĩ giữ gìn trọn vẹn năm giới, đến khi chết người ta còn biết ngày, giờ ra đi, bệnh đau sơ sơ, nhẹ nhàng, chết trong êm thấm không có nhiều khổ đau. Còn ngược lại, cư sĩ sống phá giới, phạm giới, đánh mất hết oai nghi Thánh hạnh, làm cho Phật pháp suy đồi, do đó khi chết phải trả quả khổ đau tận cùng.

Gương cư sĩ đi trước phạm giới bị quả báo để răn nhắc cho những cư sĩ đi sau phải cố tránh, đừng để xe lăn vào vết xe đổ.

Rượu, thuốc lá, v.v… có mập béo gì mà lại đắm nhiễm? Rượu, thuốc lá, thuốc phiện, v.v… là những thứ độc dược mà mọi người cần phải tránh xa. Còn thích rượu, thuốc lá, v.v… thì đừng nên thọ Tam Quy Ngũ Giới.

Phật tử là những bậc Thánh cư sĩ đệ tử của Phật thì rượu, thuốc lá và các thứ đắm nhiễm khác phải từ bỏ, xa lìa. Không làm đệ tử của Phật thì thôi, còn đã làm đệ tử của Phật thì phải từ bỏ các thứ dục lạc dễ đắm nhiễm đó.

Kính thưa nam, nữ cư sĩ phật tử! Những Giới Đức Hạnh của đức Phật đã dạy thì chúng ta phải tôn trọng, không được xem thường, luôn luôn phải chấp hành nghiêm chỉnh, không được vi phạm, phải chấp hành triệt để không được uống rượu, hút thuốc lá, v.v…

Chúng ta cần phải thông minh, sáng suốt giữ gìn Giới Đức Minh Mẫn của một vị Thánh cư sĩ đệ tử của đức Phật, không đắm nhiễm tệ uống rượu, hút thuốc.

Trí tuệ thông minh của đạo Phật không chỉ là tri kiến hiểu biết nhiều sự việc mênh mông, mà còn là tri thức hiểu biết không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.

Người không uống rượu là người có sự hiểu biết không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai, đó là người minh mẫn, là người sáng suốt.

Giới Đức Minh Mẫn giúp cho mọi người không còn ngu si, đắm mê hút thuốc lá và uống rượu nữa.

Đệ tử của Phật là đệ tử của Trí Tuệ, của sự thông minh, sáng suốt. Cho nên Giới Đức Minh Mẫn là sự thông minh, sáng suốt đó.

Quý phật tử đã học được sáu đức ở trong năm giới này. Vì vậy, những đức hạnh này nó mang đến sự lợi ích lớn cho đời sống của quý phật tử. Quý phật tử cứ suy ngẫm thử xem, trong sáu đức này nó sẽ mang đến sự lợi ích cho bản thân của mình, có lợi ích rất lớn như trên đã nói. Có đúng vậy không? Nếu đúng thì quý phật tử hãy chắp tay lên xin nguyện rằng: “Từ đây về sau, con xin hứa sẽ cố gắng giữ gìn năm giới này, để thực hiện sáu đức hạnh làm người; để xứng đáng làm người, làm đệ tử của Phật”.

Quý phật tử nguyện như vậy rồi lễ Phật để thọ nhận năm giới đức này… Đến đây, Thầy xin tuyên bố chấm dứt buổi lễ thọ Tam Quy, Ngũ Giới.

Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ (Phần 4)

LỜI KHUYÊN

Kính thưa quý phật tử! Sau khi thọ Tam Quy, Ngũ Giới xong, từ đây mỗi tháng, quý vị hãy về Tu Viện để tu học giới luật đức hạnh làm người một ngày. Đó là trách nhiệm bổn phận của người phật tử thọ Tam Quy, Ngũ Giới.

Vì có học giới luật đức hạnh làm người, thì quý vị mới trở thành những người có đức hạnh, nếu không học giới luật đức hạnh, thì quý vị không thể trở thành những người có đạo đức. Những người không có đạo đức, thì làm sao trở thành những người phật tử được. Phải không quý phật tử?

Dù quý vị có thọ Tam Quy, Ngũ Giới 10 năm hoặc 20 năm, mà không sống đúng năm giới đức hạnh của đạo Phật, thì quý vị vẫn chưa phải là đệ tử Phật. Bởi vì phật tử là con Phật. Con Phật là phải sống có đạo đức, chứ con Phật sao lại sống không có đạo đức; con Phật sao lại sống như những người bình thường thế gian, thì làm sao gọi là phật tử; làm sao gọi là người thọ Tam Quy, Ngũ Giới được. Phải không quý vị?

Đệ tử Phật là phải sống như Phật, muốn sống như Phật mà không chịu học và sống đức hạnh như Phật, thì làm sao sống như Phật được. Không sống như Phật mà tự xưng mình là phật tử, là đệ tử Phật thì xấu hổ lắm quý vị ạ!

Người phật tử mới bước chân vào đạo Phật đều phải thọ năm giới, tức là phải chấp nhận năm giới đức hạnh này. Năm giới đức hạnh này đem lại lợi ích rất lớn cho đời sống của những ai đi theo bước chân của đức Phật. Vì thế, quý phật tử cần phải học và tập luyện trau dồi năm giới đức hạnh này. Nếu không học và trau dồi năm đức hạnh này, thì chẳng bao giờ xứng đáng làm người phật tử, và cũng không bao giờ thành người phật tử được.

Kính thưa quý phật tử! Khi thọ Ngũ Giới xong, có nghĩa là quý phật tử đã chấp nhận năm giới. Khi đã chấp nhận năm giới, tức là chấp nhận năm đức hạnh làm người, thì quý vị đừng xem thường và đừng bỏ qua những giới đức hạnh này. Bỏ qua những giới đức hạnh này là bỏ qua những vật vô cùng quý giá, mà trên thế gian này không có vật gì đánh đổi được; bỏ qua những giới đức hạnh này, là quý vị sẽ bị thiệt thòi rất lớn trong cuộc sống, và đời đời kiếp kiếp quý vị sẽ chịu nhiều khổ đau không bao giờ dứt.

Vì có giữ gìn năm giới đức hạnh này, thì quý vị mới thoát ra bản chất của loài cầm thú, mới xứng đáng là những con người trong Phật giáo, mới chuyển hóa những nghiệp ác nhiều đời, nhiều kiếp của quý vị. Vì thế bản thân và gia đình quý vị mới được bình an và hạnh phúc.

Năm giới này không phải là nhiều giới; năm giới này không phải là những giới luật khó khăn, rắc rối, cao siêu ngoài sức con người, ngoài tầm tay của quý vị. Nhưng tại sao quý phật tử không giữ được? Nó là năm tiêu chuẩn để trở thành con người thật sự là người, nếu năm tiêu chuẩn này chưa đạt được, thì con người còn mang bản chất hung ác của động vật. Quý phật tử có nhận ra điều này không?

Thọ Tam Quy, Ngũ Giới là tập sống trong thiện pháp. Sống trong thiện pháp là phải được chuyển nghiệp khổ đau của bản thân và gia đình. Cho nên người thọ Tam Quy, Ngũ Giới thì bản thân và gia đình đều được bình an, mạnh khoẻ. Còn đã thọ Tam Quy, Ngũ Giới lâu rồi mà bản thân và gia đình nay đau, mai ốm, tai nạn thường xảy ra khiến cho cuộc sống buồn phiền, bất an, khổ đau chồng chất… thì đó là thọ Tam Quy, Ngũ Giới cho có thọ Tam Quy, Ngũ Giới; thọ cho có hình thức; thọ cho có danh là phật tử… Đó là nương tựa theo Phật giáo mà không làm đúng theo Phật giáo.

Quý phật tử hãy cố gắng siêng năng học tập, trau dồi bản thân và sống đúng những giới luật đức hạnh này, để không phụ ơn Phật, ơn Thầy dạy bảo; để đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho muôn loài vật sống trên hành tinh này; để biến đổi cõi thế gian trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.

(còn tiếp)

Tác giả: Trưởng Lão Thich Thông Lạc  

Trích sách: Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ Nhà xuất bản Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường