Chân lý- con đường chính đạo là chiếc bè cứu sinh đưa ta vượt trên sông mê biển khổ để qua bờ bến bên kia, nơi chỉ có an lạc và thảnh thơi. Thế nhưng, có bao nhiêu người thực sự tu tập thực hành được rốt ráo.
Tác giả: Kim Thị Thu Địa chỉ: Trường Tiểu học Kim Hòa B - Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh
Đức Phật, vị ân sư của ba cõi, từ một vị thái tử chốn cung son lầu bạc, có hàng vạn người cung kính trước sau, vốn dĩ Người có cuộc sống nhàn nhã tôn quý, nhưng, vì đại nguyện vì tâm lành muốn cứu chúng sinh khỏi bể khổ trần lao, Người đã đi tìm con đường thoát khổ.
Trải qua bao phen tự mình tu chứng cuối cùng vào một đêm trăng, khoảng canh ba dưới cội cây bồ đề khi sao mai nhấp nhái giữa trời, Ngài đã hoát nhiên đại ngộ tu thành Chính Giác. Bao nhiêu tấm màn vô minh che lấp lâu nay tan ra từng mảnh, đất trời rung chuyển không thôi. Ngài đã đạt đạo Chân lý tối thượng.
Tương truyền rằng ngay sau khi Phật thành Đạo rồi, Người đã có phần do dự có nên đi truyền bá chân lý Người vừa tìm được cho người trong thiên hạ biết chăng ? Chân lý ấy là chân lý Vô Ngã mà Người đã nhọc công tự tu tự ngộ, với mong muốn giải thoát khổ đau cho nhân loại. Nhưng vì nó quá cao siêu, vì nó trái với lòng mong ước của người đời nên ban đầu Ngài đã có phần đắn đo.
Như chúng ta biết thế gian có kẻ hay người dở, hay nói đúng hơn là kẻ có tư chất sinh ra đã thông minh, học một biết mười và người ngu muội thì chỉ biết trong vòng tạp nhạp những điều hạn chế của bản thân. Vì vậy sự lo lắng ban đầu của đức Phật thật rất đúng chẳng sai.
Kẻ phàm phu thế gian chúng ta với những mối nghiệp nặng nhẹ đã vay lấy trên thân mình nó làm che mất đi sự sáng suốt của thân tâm, nên cứ u hoài lẩn quẩn giữa biển cả khổ đau. Chân lý- con đường chính đạo là chiếc bè cứu sinh đưa ta vượt trên sông mê biển khổ để qua bờ bến bên kia, nơi chỉ có an lạc và thảnh thơi. Thế nhưng, có bao nhiêu người thực sự tu tập thực hành được rốt ráo.
Như “lá trong lòng bàn tay”. Cần biết và hiểu rằng, tuyệt nhiên không vì ta chưa chứng, chưa ngộ mà không tin. Những điều càng khó nắm bắt thì càng không nên bỡn cợt, suốt mấy ngàn năm chiều dài sử đạo đã luôn luôn song hành với những biến cố cuộc đời chúng sinh đã ngày càng khẳng định sự cao siêu mầu nhiệm của triết lý đạo Phật. Một chân lý, nếu như đã có thể giải quyết và đả phá được những mối hoài nghi làm sáng tỏ chân tâm của mỗi người thì chắc chắn nó không phải là tà thuyết.
Hơn bốn ngàn năm trước, đức Phật là người đã tìm thấy chân lý cao siêu – con đường đưa đến sự an lạc và hạnh phúc, dìu dắt chúng sinh ra khỏi vòng luân hồi của nhân quả nghiệp báo. Chân lý ấy được ví như kim cương, là tuyệt đối giữa cõi trần chiếu sáng tận cùng nơi sâu kín nhất, là ngọn đèn rọi thẳng vào chốn u mê của cõi lòng là cánh cửa cứu cánh mở ra chân trời tuyệt diệu và tràn đầy hy vọng.
Chân lý chỉ có một, con đường đưa đến chân lý thì có muôn phương vạn nẻo. Và mọi ngả đường ấy đã có trong tất cả tấm bản đồ hay còn gọi là pháp môn tu tập để tránh cho chúng sinh những bước đi lỡ hướng sai đường mà đức Phật đã vấp phải trước khi tìm được con đường đến với đạo pháp chân chính. Thế thì chúng ta chỉ mỗi việc học tập và làm theo thì nhất định con đường tu đạo một ngày không xa sẽ đạt thành như nguyện.
Thiết nghĩ, chúng ta sống giữa cuộc đời chỉ mỗi việc thương yêu những người thân thiết mà đã có lúc giận lúc hờn, còn đức Phật chỉ một lòng thương yêu chúng sinh, Ngài thương cho sự tăm tối của kiếp người cứ rong ruổi qua ngày đoạn tháng mà không hề ý thức được nhân duyên giả hợp tạo thành, muôn ngàn số kiếp trôi qua bị tấm màn vô minh che lấp. Trên chiếc thuyền đạo pháp, Ngài đã gặp biết bao chướng duyên ngăn ngại nhưng với hạnh đại từ bi hỉ xả của một bậc Chân Như đã giúp Ngài viên thành công đức vô lượng.
Chân lý đã sẵn có đã được sự chứng ngộ của đức Phật và chúng ta, những kẻ đến sau mấy ngàn năm chỉ cần làm tốt việc tu học và thực hành đúng theo sự chỉ bài. Cầm tấm bản đồ sinh mệnh trên tay, việc cần làm là hãy đi theo nó và chỉ cần tránh những sự lạc bước không hay ho của mình là quá đủ. Con đường chân lý đã có bậc Chân Như dò dẫm sẵn rồi. Cánh cửa đại từ đại bi, năng hỉ xả có bao giờ khép lại với ai, lại càng không hề kén chọn kẻ sang người hèn.
Là vì sao, là vì nguyện lực cứu khổ chúng sinh của đức Thích Ca, bởi lòng xót thương nhân loại đang hụp lặn giữa bể khổ trần lao. Ngài không vì người quyền quý cao sang mà nói nhiều và cũng không vì kẻ nghèo hèn bạc phúc mà nói ít. Chân lý của Ngài là dành cho tất cả chúng sinh trên cõi ta bà, là để cứu vớt những đứa con hoang quên mất lối về. Dù nghèo dù sang mỗi một con người chúng ta đều cần phải chăn giữ con trâu của mình, cẩn thận chăn dắt tránh không để nó đi vào đám ruộng người khác.
Chẳng phải Phật đã khẳng định: “Phật là chúng sinh đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, tức là Ngài bảo rằng Phật và chúng sinh là một và có thể đạt được những thành tựu như nhau. Đức Phật, một con người bằng xương bằng thịt như bao con người, trãi qua bao gian nan khó nhọc, vượt lên trên tất cả mọi vô minh ảo ảnh của thế gian với một đại nguyện trước sau như một, Người đã đạt thành chính quả. Đó là vì ở Ngài luôn luôn có một ý chí sắt đá quyết tâm hơn người, bậc: ĐẠI HÙNG - ĐẠI LỰC - ĐẠI TỪ BI.
Con đường tu Đạo không dễ dàng như ta tưởng, có câu: Phật pháp khó nghe. Nghe được đã khó và làm theo được lại càng khó hơn. Khó chứ không phải không làm được, cuộc sống vốn dĩ là “phải đổ mồ hôi mới có được miếng ăn”. Với triết lý đạo pháp cao thâm thì tất nhiên phải đòi hỏi sự bền tâm vững chí và một nghị lực phi thường thì mới có thể gọi là có lòng thành cầu đạo.
Và như thế, mâm cơm đã được dọn sẵn trước mặt mọi người, chỉ còn việc dùng bữa nữa thôi, phải xem chúng ta có biết cách ăn hay không. Cũng như, “chân lý mở rộng cửa cho tất cả mọi người, ai có tai để nghe thì nghe!"
Tác giả: Kim Thị Thu Trường Tiểu học Kim Hòa B - Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh
Tài liệu tham khảo:
Phật Học Tinh Hoa, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, NXB Trẻ, tái bản lần thứ 4.
Bình luận (0)