Tác giả: Nguyễn Gia Long
Địa chỉ: Số 58/24 đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM
Còn nhớ, lúc tôi còn nhỏ khi ông bà nội già rồi mất đi, hàng năm nhằm ngày ông bà mất gia đình tôi thường làm tiệc cỗ để thắp hương cúng ông bà, mà người quê quen gọi là làm đám giỗ!
Ông bà nội tôi sinh được bốn người con, trong đó bố tôi là con trai trưởng, kế đến là Chú hai, tiếp đến là hai người con gái mà tôi phải gọi bằng cô. Khoảng hơn chục năm, từ khi ông bà nội tôi mất đi, chú và hai cô thường mang lễ lạt, tiền bạc tới đóng góp với bố mẹ tôi để tổ chức làm đám giỗ, bởi theo truyền thống thời xưa, việc phải góp giỗ bố mẹ là trách nhiệm của những người con, trừ khi thế hệ kế tiếp mất đi rồi thì lúc đó mới tới phần của các cháu, chắt...

Đám giỗ ông bà nội nội tôi năm nào cũng được tổ chức tươm tất, chu toàn, bởi bố mẹ tôi coi ngày giỗ của bậc sinh thành là dịp anh chị em, con cháu trong đại gia đình, thậm chí là năm nào làm to thì cả anh em trong họ tộc gặp gỡ hàn huyên ăn uống với nhau. Những năm cỗ sái, nghĩa là chỉ tổ chức giản đơn với vài bàn tiệc được dâng cúng, sau con cháu trong gia đình ăn uống, thì thường bố mẹ tôi cũng dự định khoảng bốn mâm, còn những năm có ý tổ chức rộng rãi để mời cả các cô, dì, chú, bác, anh em thì có khi tiệc cỗ lên tới hơn chục mâm.
Đám giỗ ông bà nội tôi năm nào cũng vui vẻ, khi anh chị em, con cháu trong đại gia đình không xảy ra bất kỳ mâu thuẫn hay điều tiếng gì! Thế nhưng, khoảng mấy năm trở lại đây, ngày giỗ ông bà nội tôi đã không còn vui, không còn đoàn tụ như xưa, mà trở nên buồn bã, bởi tới ngày thắp hương cúng giỗ chỉ có bố mẹ tôi và cô út họp mặt làm đám giỗ, còn chú hai và người cô đứng thứ ba trong tổng số bốn người con của ông bà thì lại tự tổ chức làm đám giỗ riêng.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng cô chú tôi cúng giỗ riêng chỉ đơn giản… từ chuyện mảnh đất mà ông bà tôi di chúc để lại.
Mảnh đất của gia đình tôi nằm trong vùng quy hoạch đô thị, bỗng dưng có giá vài chục triệu đồng một mét vuông, nếu bán đi thì kiểu gì cũng được mấy tỷ đồng, vì vậy dẫu chú đã có đất ở, nhưng khi nhìn thấy mảnh đất ông bà để lại cho bố tôi có giá như vậy, nên chú tôi đã “tối mắt” quay về tranh chấp đòi chia chác! Cô ba tôi cũng xúi vào, là hai anh em cô chú tôi về một phe để… đòi đất! Bố tôi không tham lam, vui vẻ đồng ý cắt bớt vài trăm mét chia cho chú hai, nhưng chú vẫn không chịu mà đòi phải được một nửa mảnh đất.
Mâu thuẫn bùng phát khi bố tôi quyết định không đáp ứng sự đòi hỏi quá đáng của chú, bởi bố tôi nói chú đã có một mảnh đất giãn dân rồi, giờ lại đòi một nửa là vô lý và thế là chú và cô ba đã đâm đơn ra tòa thưa kiện. Nhiều năm nay đất đai vẫn còn kiện tụng, việc tòa giải quyết vẫn chưa xong do còn có một số vấn đề khúc mắc liên quan, thế nhưng bố mẹ tôi và chú hai cô ba đã từ mặt nhau, vì thế ngày giỗ ông bà mới bị... chia làm hai nơi cúng! Tôi nghĩ chẳng riêng gì người sống là bố mẹ tôi, cô, chú tôi, con cháu trong đại gia đình buồn bã vì tình cảm bị chia cắt, lạnh nhạt như người dưng nước lã, mà có lẽ vong hồn ông bà tôi cũng rất buồn, bởi chỉ vì tiền bạc, sự hơn thua mà các con, các cháu tan đàn sẻ nghé, chia cắt và coi nhau không ra gì...!
Từ góc nhìn Phật giáo, sự chia rẽ trong gia đình vì tranh chấp tài sản là một biểu hiện rõ ràng của tham ái và vô minh, hai trong ba gốc rễ bất thiện (tam độc: tham, sân, si). Đức Phật dạy rằng mọi sự tranh giành, hơn thua đều xuất phát từ lòng tham, mà lòng tham thì không có điểm dừng. Như trong Kinh Pháp Cú có câu:
“Người vì tiền tài mà tranh chấp,
Họ hàng vì của cải mà xa nhau.
Chỉ khi buông bỏ lòng tham ái,
Mới mong tìm lại sự an vui”.
Chuyện như vậy nên mỗi lần từ thành phố trở về quê dự đám giỗ của ông bà nội tôi thấy lòng trĩu nặng vì buồn, tôi ao ước sự đoàn tụ, vui vẻ sum vầy như không khí của những đám giỗ ông bà lúc tôi còn nhỏ. Dẫu ước ao là vậy, nhưng tôi biết là không thể, vì một khi tình cảm đã bị chia cắt, bị mất đi thì không dễ gì hàng gắn lại được, giống như t bát nước đã đổ đi rồi thì làm sao có thể lấy lại được nữa...

Tôi vẫn tin vào những sự nỗ lực của mọi người, bởi đức Phật dạy rằng, mọi sự oán hận trên đời đều có thể hóa giải, chỉ là con người có chịu buông bỏ và mở lòng hay không. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Ngài đã nhấn mạnh về chữ hiếu:
“Này các Tỳ-kheo, có hai hạng người khó tìm ở đời:
- Một là người biết ơn.
- Hai là người báo ơn”.
Làm giỗ tổ tiên không chỉ là nghi thức, mà quan trọng là giữ được tinh thần biết ơn và báo ơn. Nếu người còn sống chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi cốt lõi của đạo hiếu, thì việc cúng giỗ dù lớn đến đâu cũng mất đi ý nghĩa thực sự.
Ngẫm chuyện gia đình nhà mình, rồi nhìn sang gia cảnh của rất nhiều những nhà hàng xóm ở làng quê, tôi cũng được “an ủi” phần nào, bởi lẽ chuyện sứt mẻ tình cảm, chia rẽ anh chị em ruột thịt trong các gia đình để rồi dẫn tới mỗi người, mỗi phe nhóm cúng giỗ cha mẹ riêng rẽ những năm gần đây đã, đang trở thành trào lưu. Cúng giống như gia đình tôi, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng quá nhiều các đám giỗ cúng riêng cũng chỉ vì đất đai, tiền bạc. Nhiều lần chuyện trò với mẹ về vấn đề này, mẹ cũng ngao ngán, thở dài bảo: “Chuyện các con cháu cúng giỗ ông bà, cha mẹ riêng giờ không chỉ ở làng mình, xã mình đâu con ạ, mà rất nhiều làng xã khác, nhất là các vùng quê đô thị hóa, khi đất đai đắt đỏ và chỉ vì tranh giành đất, chia chác không công bằng... nên dẫn tới tình trạng mất đoàn kết, mất tình cảm máu mủ ruột rà!”.
Rồi mẹ cũng kể về trường hợp bên ngoại của mẹ, chỉ vì tranh giành đất đai nên hai người cậu tôi cũng không nhìn mặt nhau, để rồi đám giỗ ông bà ngoại “mỗi đường mỗi ngả”. Mẹ đi lấy chồng, theo truyền thống mẹ phải theo giỗ cậu trưởng và mẹ cũng không đứng về cậu nào, bởi mẹ biết đứng về phía nào cũng sẽ mất lòng một bên, vì thế mẹ chọn cách đứng ngoài cuộc, lặng yên vậy. Từ đó, không chỉ mẹ mà nhiều khi sang bên ngoại dự đám giỗ ông bà ngoại, tôi cũng thấy buồn...
Vài câu chuyện trong thực trạng cúng giỗ riêng ở thời nay để thấy rằng sức mạnh ghê gớm của đất đai, tiền bạc đã, đang làm cho giá trị tình cảm, thậm chí là tình máu mủ ruột thịt anh em, họ hàng bị sói mòn một cách đáng buồn và đáng lo ngại.
Đạo Phật nhấn mạnh đến luật Nhân - Quả: những gì ta gieo hôm nay sẽ gặt trong tương lai. Nếu chỉ vì tranh chấp mà gây tổn thương, tạo nghiệp xấu, thì chẳng khác nào tự đẩy mình vào vòng luân hồi đau khổ.
Nhìn lại những gì đang diễn ra, có lẽ điều quan trọng nhất không phải là ai đúng ai sai, mà là làm thế nào để hóa giải hiềm khích, để những thế hệ sau không phải lặp lại bi kịch này. Nếu mỗi người trong gia đình biết đặt chữ “nhân” lên trên chữ “tài”, lấy nghĩa tình làm trọng, thì dù vật chất có hao mòn, tình thân vẫn sẽ còn mãi với thời gian.
Con người với con người sống là để thương yêu lẫn nhau, huống hồ là tình anh em ruột thịt, ai nỡ nào lại chia lìa, bởi tình cảm là quý giá, có cả núi tiền bạc thì khi chết có ai mang được gì theo đâu... Rồi trong tôi, mỗi dịp giỗ lễ thì cũng sẽ qua nhưng nỗi buồn nhân thế thì ở lại...
Tác giả: Nguyễn Gia Long Địa chỉ: Số 58/24 đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM
Bình luận (0)