Trang chủ Bài viết nổi bật Bồ Tát Thường Bất Khinh, mẫu hình Thiện tri thức lý tưởng

Bồ Tát Thường Bất Khinh, mẫu hình Thiện tri thức lý tưởng

Hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh đã đảo ngược lại tâm thế chúng sinh khi luôn tìm kiếm Thiện tri thức trong hình mẫu lý tưởng, phi phàm. Thuận không xấu nhưng nghịch cũng có lý riêng, chung quy cũng chỉ mang tính tương đối. Qua đó cũng có thể hiểu hơn về điều mà đức Thế tôn muốn gửi gắm cho đệ tử đối với sự tu hành đừng chấp lấy hình tướng.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh đã đảo ngược lại tâm thế chúng sinh khi luôn tìm kiếm Thiện tri thức trong hình mẫu lý tưởng, phi phàm.

Tác giả: Thích nữ Bảo Giác

Danh từ Thiện tri thức trong kinh tạng từ nguyên thủy đến Phật giáo phát triển, mang hình tướng khác nhau. Dưới góc nhìn Kinh Pháp hoa, Bồ tát Thường Bất Khinh, một mẫu hình Thiện tri thức xuất hiện gần gũi, đa số trong cuộc sống mang ý nghĩa hoàn bị từ nhận thức đến biểu tượng.

Thiện tri thức trong ý niệm chúng sinh là bậc trí tuệ, đầy thông thái, hiểu biết hết thảy trên đời lại vì người mà dẫn dắt, đưa đường chỉ lối. Nhưng đến phẩm thứ 20 trong kinh Pháp Hoa lại chỉ bày công đức Bồ tát Thường Bất Khinh khi nhận ra tính Phật nơi mỗi con người, “không chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ chăm làm việc lễ bái”[1].

Dù có mặt ở chốn nào cứ thấy tứ chúng ở đằng xa đều cố lại gần lễ bái khen ngợi “tôi rất thâm kính các Ngài không dám khinh mạn. Sở dĩ vì sao? Vì các Ngài đều là người tu đạo Bồ tát sẽ được thành Phật”[2].

Trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc, đánh đuổi bằng gậy gộc, ngói đá, bằng tâm giận dữ bất tịnh mà không sinh lòng oán trách, chạy lánh, đứng xa vẫn xướng như cũ. Khác biệt của vị Bồ tát này chính là bị mắng là “vô trí Tỷ kheo”[3] không chuyên đọc tụng, trì niệm học hỏi như những vị Tỷ kheo bạn đạo. Sự trái ngược của Ngài so với số đông đã tạo rào cản trong mối quan hệ, không được ủng hộ dù đó là lời tán thưởng, xưng tụng chân thành xuất phát từ tâm thiện.

Vốn dĩ, tâm ý chúng sinh đối với người không giống mình đều ghét bỏ, xa lánh, chê bai, dù là chân thật. Trí thức thế gian đều được định nghĩa về thông thái, khôn ngoan, liễu đạt, học rộng, nghe nhiều. Đức Phật thông suốt được bản tính chúng sinh đầy ganh tỵ, so bì, tính toán, chọn hợp ý kết giao mà xa lìa pháp thiện, bất phân tốt xấu, lợi hại.

Không phân định Ấn hay Việt, giáo pháp của Phật vượt ngoài không gian, thời gian vì chúng sinh đâu chia Âu Á, chỉ lấy nghĩa giải thoát làm mục đích tối hậu: “Này Ananda, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi”[4]. Mọi căn cơ chúng sinh từ thấp, cao, trí ngu, kém tiện, cho tới nữ nhân đầy những nghiệp chướng nặng nề đến Đề-bà đạt-đa còn được nhiếp thủ trong đạo giải thoát thì Thường Bất Khinh vô học cũng có thể tu hành thành Phật.

Dường như, ý nghĩa về Đạo lần nữa được bày tỏ rộng hơn so với những kiến thức hữu hạn của thế gian, như trăm sông đều chảy về biển, chung vị mặn, chúng sinh nhờ Phật khai thị đều có thể ngộ nhập trong vị giải thoát. Như con chim đậu vào núi vàng mà hòa cùng màu núi, bất cứ chúng sinh nào gặp được giáo pháp chắc chắn sẽ đồng nhập tính Phật không sai, Đại Cương Kinh Pháp Hoa viết:

“Ngài Thường Bất Khinh chỉ làm mỗi một việc chấp tay cung kính xướng câu: Tôi không dám khinh ngài… vì ngài sẽ thành Phật. Tuy nhiên trong việc làm đơn giản đó, cần phải có một lòng tin mãnh liệt… nếu không có trí tuệ của Bồ-tát thì không thể có được, đó là Bát-nhã Ba la mật. Và Ngài làm việc ấy không phải một hai lần mà làm thường xuyên, không phải đối với một hai người mà đối với tất cả mọi người, đó là Tinh tấn Ba la mật”[5].

Tính giác bị phủ mờ bởi phiền não chướng và sở tri chướng nên chúng sinh khó có thể trực nhận. Sau khi đức Thế Gian Giải diệt độ, những chúng sinh căn lành cạn mỏng, được ít cho là đủ, tự không mong cầu đã tạo nên sự hữu hạn giác ngộ trong tiềm thức.

Do đó muốn chỉ rõ cho chúng sinh nhận được tính Phật là một việc làm vô cùng khó khăn. Vừa phải chịu đựng sự chửi mắng chê trách, vừa phải dũng mãnh, cao xướng chỉ cho chúng sinh đừng khinh khi bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu nơi chính mình, chỉ có thể là việc làm không quản ngại của Bồ tát: “Hành trì Bồ Tát hạnh, là thọ trì kinh Pháp hoa và viên dung “tự giác và giác tha”…

Đây là một “Đức tướng vi diệu” một sự kiện phi thường, một lối trì kinh đặc biệt”[6]. Không riêng gì hình ảnh Đề-bà đạt-đa hay Bồ tát Thường Bất Khinh mà cả bộ Kinh Pháp hoa đều mang ý nghĩa truyền tải nội dung vượt ngoài suy kiến của chúng sinh. Thuận tâm chúng sinh chính là luân hồi nên xuất gia không chỉ là ra ngoài nhà thế tục mà còn như lội ngược dòng, nghịch tam giới.

Trong truyền thống dân gian Trung Quốc, cá chép ngược dòng có thể thành rồng như một cách chỉ dụ cho những số phận không như ý vẫn có cơ hội đổi mình, chuyển dạng nhờ sự dung dưỡng trong bền bỉ. Người thực trí, tự biết sở đoản của mình mà cẩn mật không dám lạm bàn, khoa trương kiến giải, ví thân ngũ uẩn như khăn lau bụi, như hạt cát giữa bờ sông Hằng mà tinh tấn không gián đoạn.

Căn cứ ở hai từ vô – trí thì thật sai lầm khi nhận định về Bồ tát Thường Bất Khinh, bởi chỉ có thể sống với Phật tính đến độ thông tỏ mới làm được việc lễ bái dù bị đánh, ném, chửi đầy khinh khi, tủi nhục đau đớn. Duy chỉ có sức từ bi của Bồ tát mới bền lòng xưng tán tính sáng ở tứ chúng như vậy.

Trong phẩm này, Thiện tri thức đã được định nghĩa mang hướng hoàn toàn mới. Cắt nghĩa tri thức cùng chữ thiện đã khiến không ít nhà trí giả, học thức lầm lẫn về ý. Căn cứ từ chữ thiện trong Thiện thệ (một trong mười danh hiệu chỉ đức Phật) nghĩa là khéo, bậc trí tuệ khéo hộ trì, khéo đưa đường, chỉ lối cho người tìm được lộ trình cho riêng mình, lại chưa từng bỏ chúng sinh. Đến Kinh Pháp hoa, phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát, hình ảnh bậc Thiện tri thức dường như mang hướng đi mới, đập vỡ bức tường thành kiên cố trong định kiến của nhân gian.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Bo tat Thuong Bat Khinh thien tri thuc 1

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

Bồ tát Thường Bất Khinh dù không phải người hiểu biết như thế gian định nghĩa, nhưng mang ý tóm thâu về tính sáng suốt. Như vậy, vạn pháp, nghìn phương đều quy về thiện, đánh thức năng lực vô hạn của chúng sinh, chỉ ra Phật tính chính là thiện sư. Thầy cô giáo, thế gian kính ngưỡng, cúi đầu nhớ ơn là những người dạy dỗ, dung dưỡng nên nhân cách con người trên nền tảng đạo đức nhưng còn trong tam giới, luân hồi.

Chỉ có trí tuệ Thiện tri thức mới đủ sức đưa chúng sinh về với bản giác, tương lai sớm chứng đạo Bồ đề: “Chúng Sinh Hỷ Kiến nghĩa là mọi loài chúng sinh đều ưa thấy. Ngược lại, Thường Bất Khinh Bồ tát xuất hiện bằng thân nghiệp báo tu hành, nên là đối tượng của sự phỉ báng tội lỗi. Tu hành hết nghiệp, mới được mọi người tôn kính”[7].

Hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh đã đảo ngược lại tâm thế chúng sinh khi luôn tìm kiếm Thiện tri thức trong hình mẫu lý tưởng, phi phàm. Thuận không xấu nhưng nghịch cũng có lý riêng, chung quy cũng chỉ mang tính tương đối. Qua đó cũng có thể hiểu hơn về điều mà đức Thế tôn muốn gửi gắm cho đệ tử đối với sự tu hành đừng chấp lấy hình tướng. Vì chấp thì giống như chén nước đầy sao có thể tiếp nhận trà từ ấm rót vào. Còn bỏ thì rơi vào không, lấy gì làm căn cứ tu tập, trích Đại Thừa Nghĩa Chương viết:

“Đối với sáu nhập bên trong không chấp ngã, nhân, gọi là không tấp vào bờ bên này. Đối với sáu nhập bên ngoài không chấp ngã sở gọi là không tấp vào bên kia. Lìa tham sân si gọi  là không chìm giữa dòng. Không khởi cao mạn gọi là không mắc cạn. Không gần bốn chúng gọi là không bị người giữ. Không trì giới cầu về cõi trời gọi là không bị phi nhân giữ. Không bỏ giới luật trở về nhà gọi là không vào chỗ nước xoáy. Không phạm giới trọng gọi là không mục nát”[8].

Sở chấp, tư hữu của hành giả như hòn đá buộc chân, không thể về tới biển pháp. Đó là ý nghĩa Thiện tri thức mà Phật muốn khai thị qua bức thông điệp Bồ tát Thường Bất Khinh, mang tính biểu tượng hơn biểu ngữ. Mọi người chúng ta gặp trên đời, dù duyên sâu hay cạn đều là người cần gặp, những việc xảy ra ắt là cần đến, không phải để định ước về số mệnh an bài mà có tác dụng duy nhất đối với người trí xem thử tâm mình phản ứng ra sao, nhằm chuyển hóa khổ đau, cay đắng cho tới hạnh phúc, an vui.

Được mất, hơn thua, thành bại, đều mang lại nhiều lợi ích hơn sự mất đi, đem lại sự kiên cường, thấu cảm, yêu thương, thay chỗ cho đau khổ, mất mát, cuồng vọng, tham sân, điên đảo. Đúng sai không hoàn toàn chia rõ rạch ròi, không phân định theo ý kiến cá nhân, hay số đông. Cái đúng xuất phát từ nhận thức ra cái sai chứ không phải dập khuôn theo sự tồn tại ngàn năm hay được phần đa công nhận. Điểm này đã một phần giải thích được thâm ý về sự xuất hiện đức Phật để khai thị khiến chúng sinh xa lìa lầm lạc, vô minh:

“Tại sao đến giờ này thầy vẫn đem những nhân duyên vọng tưởng, những hí luận của thế gian để tự trói buộc mình? Thầy tuy nghe pháp được nhiều, nhưng giống như người chỉ giỏi nói tên các vị thuốc, khi có thuốc tốt ngay trước mặt thì lại không phân biệt được; đó là người thật đáng thương xót”[9].

Đủ bốn đức: niềm tin, chân thật, nhẫn nhục, hạnh xưng tán, Bồ tát Thường Bất Khinh là biểu pháp cho lối trì kinh vô cùng đặc biệt, vi diệu. Hoàn toàn ứng hợp với bản nguyện của chư Phật, một sự kiện phi thường về lòng thiết tha mãnh liệt khi trực nhận ra tự tính bình đẳng trong mỗi chúng sinh trong việc lễ lạy. Bằng lòng từ bi, chứng nhập vào tri kiến Phật, mong mỏi tất thảy đều được chung hưởng sở đắc mà không ngại đem thân trả quả.

Bồ tát chịu đánh mắng, khinh rẻ, dù có chạy lánh xa cũng vẫn tán dương tứ chúng sẽ thành Phật. Bồ tát là hiện thân của chất liệu từ bi, phẩm hạnh nhẫn nhục, trí giác nhiệm mầu như bức giáo sắc về niềm tin bất thoái và một tấm gương hoằng pháp cho thế hệ sau.

Phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát nói về việc trước đã từng làm, nhiếp căn giữ ý tinh chuyên, hướng về tính Phật của mình và người lễ bái. Biết rõ tâm chúng sinh đều ẩn giấu viên ngọc châu vô giá, gốc rễ vốn thanh tịnh, nên tâm hành bình đẳng, kính lễ tứ chúng, loại bỏ ngã mạn nơi mình, thêm phần phổ hỷ.

Thiện tri thức trong hình tướng Bồ tát Thường Bất Khinh không chấp trước nơi tướng hữu vi, không vì trì giới mà khinh hủy kẻ phạm, chẳng cậy trí tuệ mà cười người ngu si, đâu vì cao quý xem thường hạ tiện… cho đến các loài bò bay máy cựa, côn trùng nhỏ nhiệm lại càng bảo bọc thương xót. Hai chữ “Bất Khinh” là nghĩa: “Tôi không dám khinh các người, các người đều sẽ làm Phật…. Như vậy trải qua nhiều năm, dù bị khổ nhục cũng không sinh sân hận, nên các Tỷ-kheo tăng thượng mạn đều gọi vị Tỷ-kheo kia là Thường Bất Khinh”[10].

Vị Tỷ kheo ấy khi mạng chung được nghe giữa hư không, Phật Oai Âm Vương thuyết Kinh Pháp hoa, đủ các công đức, lục căn thanh tịnh, sau rộng nói Kinh Pháp hoa cho mọi người đều nghe như mình đã nghe vậy “Tất cả đều có Phật tánh”, “Hết thảy đều làm Phật-đà”. Đó là lời dạy “Vô tiền khoán hậu”, chỉ có đạo Phật mới thừa nhận và thuyết minh cái giá trị vô thượng ấy của muôn loài”[11].

Ngoài thân ngũ uẩn, còn có những người nhìn ra điểm tốt mà khen ngợi tán thán động viên, nhưng tự nội tâm chính mình lại lơ là, khinh bỏ, không chịu tiến bước. Ngoài ẩn nghĩa tính đồng đẳng chúng sinh về sự giải thoát thì sự khinh suất chính bản thân cũng là sai lầm. Bởi sáu căn vốn như sáu cửa nẻo canh gác, nhìn sáu trần giả hợp, tụ duyên mà thành, dùng thức phân biệt để chấp nhận vần xoay, điên đảo đưa về lầm mê.

Không nhận ra tâm thể xưa nay đồng như Phật, lại cố thủ, nhận u mê không tỏ mà chịu làm khách trọ, trong Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận có dẫn “người tu muốn đường tắt để thành Phật, thì hạnh Thường Bất Khinh của Pháp Hoa Tam-muội và pháp môn Ban châu của niệm Phật Tam-muội đều là vô thượng thâm diệu thiền”[12].

Cương lĩnh chính yếu của toàn kinh đều vì “đem tri kiến Phật chỉ cho chúng sinh…bảo cho chúng sinh tỏ ngộ …cho chúng sinh chứng nhập vào tri kiến Phật”[13], tất thảy những chú sớ sau này đều nương đây làm chỉ thú nòng cốt giải thích nghĩa kinh. Dù ba xe, chín dụ đều dẫn quyền về thật nhằm khai thị bản lai diện mục. Đức Thích ca cả đời cũng như mười phương chư Phật đều vì nối tiếp đèn tuệ:

“Vì bất cứ một đức Phật nào tu hành đạo Bồ tát để thành Phật đều phải học và tu theo kinh này…là kinh Pháp Hoa vô văn tự của chư Phật…tạo thành một dòng lịch sử Phật giáo siêu việt, nuôi dưỡng tuệ giác cho những người con Phật hơn hai ngàn năm vẫn còn sống động. Như vậy, lịch sử kinh Pháp Hoa không phải là lịch sử tri thức con người, lịch sử của gạch vụn và xác khô, mà là lịch sử của những người đang sống với bản tâm, không bị thân ngũ ấm ngăn che”[14].

Khơi dậy tính chân, ngủ ngầm trong mỗi chúng sinh là điều mà chỉ Phật mới rõ biết, tùy hành phương tiện ví như hóa thành không dám xưng bảo sở. Sơ tâm hành đạo vừa tụng đọc ngàn cuốn, lễ Phật vạn lạy, vào đàn đăng giới, đắp ba tấm y, vội chấp chỗ thấy biết thô kệch, sở đoản của mình để đo dài rộng của núi sâu, biển cả. Chư vị Tổ đức, một đời hành đạo, khiêm tốn, hạ mình, mỗi mống niệm đều cẩn trọng, suy xét, nhiếp niệm không phút buông lung. Nên thường lấy nhân tu làm chính hạnh, tự soi mình trong bóng:

“Nhìn tượng Phật, phải tưởng ra Phật, là thấy Phật bằng tâm; nhìn hư không cũng thấy Phật, nhìn núi non biển cả cũng thấy Phật, nghĩa là tâm đã thanh tịnh, nghiệp không khởi nữa và cuối cùng nhìn người nào cũng thấy Phật, tức thấy Phật tâm của họ, thấy họ sẽ thành Phật trong tương lai. Ý này thể hiện sâu sắc qua công hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh”[15].

Mỗi mỗi chúng sinh đều có chủ quyền, vốn là ông chủ, nhưng cam chịu kiếp khách trần, cả đời thu gom phiền não, nhận giặc làm con, cứ mải miết tìm lấy đau khổ, không biết rắn độc trong nhà luôn rình rập. Thứ xoa dịu bản ngã đều từ dục vọng, trái ý nổi sân, nên nhận ra tham vô cùng vi tế, sai sử để sân có cơ hội nổi lên, nhưng kẻ đứng đầu lại là vô minh, như người mù lòa hai mắt, lần dò từng bước trong rừng xương chất chồng bao kiếp. Pháp hoa đề cương, thiền sư Minh Chánh có chép:

“Đọc kinh tìm lý chớ lôi đồng

(hạng người chỉ đâu đánh đó, mất chủ quyền hay hành giả không đạt lý chân, mặc giặc sai sử)

Xét kỹ mới hay hợp chính tông

Tin chắc chúng sinh có Phật tánh

Chớ khi tự thoái, giữ ngu mông

Bồ tát Bất Khinh cơ dụng lớn

Tỳ khưu thượng mạn mịt mờ đồng

Không như nhóm ấy lạc ngoan không”[16].

Chỉ với phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát, nhưng tính diệu lý huyền cơ như phần nào mở ngộ. Hình ảnh biểu trưng sự tu hành nhẫn nhục, trước chúng sinh cang cường cứ một lòng xướng ngôn các ông sẽ là Phật đã phần nào chứng giải về pháp môn niệm Phật:

“Nếu tâm mình hợp với tâm của Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, thì niệm Phật Tam-muội, quyết định sớm muộn cũng chắc chắn thành tựu…Niệm Phật và Pháp hoa đồng là trí tuệ của Phật. Phật Tuệ mỗi khi đã đồng, chưa từng có dị biệt”[17].

Sự lễ bái, xưng tán của Bồ tát Thường Bất Khinh với hàng tứ chúng chính là biểu sự hiển lý, lấy thân bày tâm, làm gương sáng cho hậu nhân. Giáo pháp tối thượng không phải cứ trao là tới, không phải cứ cho là nhận mà cần nhân duyên đủ đầy, trọn vẹn. “Do thành đạo quả, nên độ thoát chúng sinh không tính kể, thảy đều khỏi được sinh, lão, bệnh, tử. Do phương tiện này, nên biết bậc Thiện tri thức là người Phạm hạnh trọn vẹn”[18].

Thế giới quan Phật giáo bao gồm những quan niệm chung nhất xoay quanh con người, lấy con người làm trung tâm. Chính cái nhìn nhân bản này đã được thể hiện bàng bạc trong kinh điển Nikaya, đầy thiết thực. Thiện tri thức trong mạch nối giữa những giai đoạn lịch sử, đặc biệt trong Kinh Pháp hoa, cũng đưa đến những nhận định thống nhất tư tưởng Phật giáo dựa trên những lược trích và chứng minh trên.

Phân tách rời ý nghĩa hai chữ tri thức để thấy sự quy tụ nằm ở Thiện, không chỉ xét ở nơi khách thể mà ngay chính nơi chủ thể cũng cần nhận rõ bản tính lành sáng. Quy luật tất yếu dần được hình thành, mang tính nhất quán giữa những khái niệm, ý thức hệ, không còn phân tầng, chia hai, cũng chính là mục đích cần được hướng về trong Phật giáo.

Người hành đạo hoằng pháp sau này cũng nhân đây mà sáng suốt trên con đường giáo hóa, nên đặt tâm mình trong tâm thính chúng mà giải nói phù hợp. Căn cơ chúng sinh nếu không thể tiếp nhận thì giáo pháp sẽ trở nên tầm thường, vô nghĩa, hay gây nhiễu tư tưởng, khiến lầm chấp khinh rẻ, tạo cơ hội cho ngoại đạo chống phá, chia rẽ.

Thông qua nhân vật Thường Bất Khinh cho thấy, người đời khen ngợi tôn trọng tri thức, trí tuệ kèm với hình thức bề ngoài. Nhưng nhìn sâu hơn sẽ nhận ra: tôn trọng, khiêm hạ với mọi người bởi bản thân người đó có tu dưỡng, sống thuận với quỹ đạo, luân thường nên tự nhiên khế hợp về đạo.

Hai phần khai và thị tri kiến qua sự lễ lạy của Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp hoa, đã mở lối cho cả một nhận thức mới,  trong thời đại lập trình tiên tiến. Duy chỉ đạo Phật nhận ra tính chân như, nơi mỗi chúng sinh, cũng chính là mở đường giải thoát cho chúng sinh đạt đến vị trí ngang Phật. Với ý hướng trên, đã phổ cập dung hóa tư tưởng này rộng rãi, mặc nhiên cho con người thấy được vô vàn mặt tích cực, nhập thế bằng giáo pháp chân thường.

Giải thoát tâm tư khỏi trói buộc của thực tại thế giới gần như cần được những người con Phật khắp năm châu nhận thức đúng nghĩa, hòa cùng tri kiến Phật, được Thiện tri thức trao cho viên ngọc kết tinh của giải thoát, phá chấp, khai mê, làm chủ số mạng. Rốt ráo cuối cùng này, vốn dĩ luôn là điều mà khoa học không thể mang lại, là hướng đi của muôn thời đại.

Tác giả: Thích nữ Bảo Giác

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Tuệ Hải (dịch) (1993), thành hội Phật giáo Hồ Chí Minh.

2. Đại Tập 162, Bộ Chư Tông II, Số 1851 (Quyển 11- 20), Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc.

3. Đại Tập 6 – Bộ A-Hàm VI – Kinh Tạp A-Hàm Số 2, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc.

4. Minh Chánh (1999), Pháp Hoa đề cương, Nxb Hồ Chí Minh.

5. Thích Minh Châu (2003), Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, Nxb Tôn Giáo.

6. Thích Minh Châu (1998), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

7. Thích Minh Châu (1999), Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.

8. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật nhà đại giáo dục, Nxb Tôn giáo.

9. Thích Trí Quảng (1999), Lược giải kinh Pháp Hoa, Nxb Tp Hồ Chí Minh.

10. Thích Trí Quảng (2011), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển (Quyển III), Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

11. Thích Thiện Siêu (1999), Kinh Pháp Hoa giữa kinh điển đại thừa, Nxb Tp Hồ Chí Minh.

12. Thích Thiện Siêu (2003), Thức biến, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.

13. Thích Thanh Từ (dịch) (2005), Kinh Tăng Nhất A-Hàm, (3q, q3), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.

14. Thích Thiện Trí (2016), Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa – Giảng Nghĩa, Huyền Trang Tịnh Thất – Hồ Chí Minh.

CHÚ THÍCH:

[1] Tuệ Hải (dịch), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr. 465

[2] Sdd, tr. 465

[3] Sdd, tr. 466

[4] Thích Minh Châu, Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, tr. 128

[5] Thích Thiện Siêu, Kinh Pháp Hoa giữa kinh điển đại thừa, tr.12

[6] Thích Thiện Trí, Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa – Giảng Nghĩa, tr.163

[7] Thích Trí Quảng, Lược giải kinh Pháp Hoa, tr. 602

[8] Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 162, Bộ Chư Tông II, Số 1851 (Quyển 11- 20), tr. 214

[9] Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 6 – Bộ A-Hàm VI – Kinh Tạp A-Hàm Số 2, tr. 108

[10] Sđd, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr. 465-466

[11] Thích Thiện Siêu, Thức biến, tr. 217

[12] Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 171, Bộ Chư Tông XI, Số 1957- 1969, Số 1967, tr. 479

[13] Sđd, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr. 61

[14] Thích Trí Quảng, Lược giải kinh Pháp Hoa, tr. 10

[15] Thích Trí Quảng, Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển (Quyển III), tr. 227

[16] Minh Chánh, Pháp Hoa đề cương, tr. 67

[17] Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 171, Bộ Chư Tông XI, Số 1957- 1969, Số 1967, tr. 482

[18] Thích Thanh Từ (dịch), Kinh Tăng Nhất A-Hàm, (3q, q3), tr. 228

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường