Bồ-tát Quảng Đức với hạnh nguyện kiến tạo các ngôi già-lam, trong 31 ngôi chùa mà ngài đã từng lưu dấu đều để lại không ít di sản từ văn chương đối liên, kinh tượng pháp khí, công trình kiến trúc đặc trưng cho đến những vật tùy thân như y áo mũ mạo… Cổ tự Sắc tứ Linh Sơn may thay cũng lưu lại một số ấn tích của ngài.

Tác giả: Đại đức Thích Nhật Tấn Học viên Cao học K.II, Học viện PGVN tại Huế

TÓM TẮT

Thời gian vô thường, sáu mươi năm kể từ ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức bừng ngọn đuốc trí tuệ, thức tỉnh bao nhân tâm đang còn chìm đấm trong vô minh thù hận. Nhân cách lớn lao mà chúng ta thấy ở ngài là cả một quá trình tu bồi đạo hạnh nơi tự thân và nhất là sự kế thừa dòng máu xả thân vị đạo của những trưởng bối dòng thiền Chúc Thánh Việt Nam.

Tổ đình Linh Sơn là ngôi cổ tự xưa nhất của vùng Vạn Ninh. Trãi qua nhiều thế hệ trú trì tiếp nối. Đặc biệt, Bồ-tát Thích Quảng Đức cũng có thời gian trú trì đời thứ 6 tại tổ đình (1940-1944). Với những thông tin đáng tin cậy ở bài viết này, chúng tôi hy vọng người đọc hiểu biết thêm về sự tồn tại của một ngôi chùa cổ mang tên Linh Sơn, một trong những nơi góp phần làm nên một nhân cách vĩ đại của Phật giáo thời cận đại, đồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những thông tin về nguồn gốc, phả hệ truyền thừa, cũng như những công trình xây dựng mà ngài đã kiến tạo tại tổ đình Linh Sơn trong giai đoạn ngài trú trì và làm Phật sự tại nơi đây.

Từ khóa: Tổ đình Linh Sơn Vạn Ninh, Bồ tát Quảng Đức chùa Linh Sơn…

Dẫn nhập

Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức hóa thân trong hỏa liên bất diệt vì đạo pháp, dân tộc. Thời gian thôi đưa, lớp hậu bối chúng ta, ai cũng đều biết về hành trạng, đạo nghiệp của ngài từ quê quán, nơi sinh cũng như các Phật sự của Ngài một cách chung chung mà Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã đưa ra sau ngày 11 tháng 6 năm 1963. Bên cạnh đó, ít ai biết đến một tu sĩ trẻ thế danh Nguyễn Văn Khiết đã trải qua giai đoạn tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết bên những vị thầy khả kính và đạo hạnh, những người đã huân bồi đời sống đạo đức cao quý của người con Phật, xả kỷ vong thân vì sự trường tồn của Phật pháp, vì lợi ích của dân tộc Việt Nam.

Vạn Ninh là vùng đất Phật giáo không mấy phát triển, mấy ai biết đến trước khi Bồ-tát hóa thân vị đạo. Tuy ít sử liệu công bố về Phật giáo Vạn Ninh trong các giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam, nhất là thời kỳ chấn hưng Phật giáo, nhưng thông qua những hoạt động phật sự của Bồ-tát tại bản huyện mà giáo sư Lê Mạnh Thát đã công bố trong tập sách Một số tư liệu mới về Bồ-tát Quảng Đức xuất bản năm 2005, chúng ta cũng có thể hình dung phần nào Phật sự của Bồ-tát cũng như những đóng góp của Tăng già Khánh Hòa .

Tổ đình Linh Sơn là một ngôi cổ tự xưa nhất của vùng Vạn Ninh, là một trong những ngôi chùa có mặt từ những ngày đầu mở đất vào vùng Thái Khang (Khánh Hòa xưa). Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều sự kiện của dân tộc với nhiều thế hệ trú trì tiếp nối. Đặc biệt, đây cũng là nơi dừng chân hoằng hóa của Bồ-tát Thích Quảng Đức trong giai đoạn đầu còn hoạt động phật sự tại Khánh Hòa (1940-1944).

Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng người đọc hiểu hơn về chốn tổ Sắc tứ Linh Sơn, một trong những nơi góp phần làm nên nhân cách vĩ đại của Phật giáo, đồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những thông tin về nguồn gốc, phả hệ truyền thừa cũng như những công trình xây dựng mà ngài đã kiến tạo tại tổ đình Linh Sơn trong giai đoạn đảm nhận trụ trì.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bo Tat Thich Quang Duc Va To Dinh Van Ninh 1
Chánh điện Bồ-tát xây dựng 1941 (ảnh chụp vào năm 2011)
1. Đôi nét về ngôi cổ tự Linh Sơn

Tổ đình Linh Sơn Vạn Ninh[1] được thành lập vào năm Tân Tỵ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 [1761] đời vua Hiển Tông nhà Hậu Lê[2]. Tổ khai sơn là Ngài Đại Bửu Kim Cang[3], đắc đạo dưới cây đại thụ[4]. Ban sơ, chùa có tên là Sa Long, đến năm Tự Đức thứ 21 [1867], chùa bị hỏa hoạn, sau khi xây cất lại đổi tên là chùa Linh Sơn.

Kế thừa sơ tổ Đại Bửu Kim Cang là đệ nhị tổ Ngộ Thuận Phước Minh, thuộc dòng Lâm Tế Vạn Phong Thời Ủy thế hệ thứ 39. Đáng tiếc là hiện sử liệu về chùa khá khiêm tốn, không biết vì lý do hỏa hoạn hay chiến tranh giặc giã mà những thông tin liên quan đến ngài, như thời điểm kế thừa trú trì, năm viên tịch đều không được rõ. Chỉ biết, ngài có pháp danh Ngộ Thuận hiệu Phước Minh, là vị đệ nhị trú trì tổ đình Linh Sơn, viên tịch vào ngày mùng 3 tháng Chạp, bảo tháp được an trí trong khuôn viên chùa cũ (hiện nay là chùa Pháp Hoa), cách tháp tổ khai sơn hơn 500 mét về hướng Tây. Ngày mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ [2002], môn phong tổ đình cung thỉnh xá-lợi của ngài về nhập bảo tháp được xây dựng mới trong vườn tháp của tổ đình hiện nay.

Sau khi ngài Ngộ Thuận viên tịch, nhân chuyến du hóa qua vùng Hiền Lương, Đại sư Ấn Chánh tự Tổ Tông hiệu Huệ Minh được hào lão cùng Phật tử địa phương cung thỉnh trác tích hoằng hóa tại chốn già lam Linh Sơn này. Ngài Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh nối pháp đời 39 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh. Ngài là một trong những vị cao tăng nổi tiếng của tỉnh Phú Yên vào những thập niên cuối thế kỷ XIX. Ngày 15 tháng 5 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 5 [1894], ngài ban Chánh pháp nhãn tạng phó chúc cho đệ tử Chơn Hương Thiên Quang Đại sư. Trước khi về lại chùa Bảo Sơn (Phú Yên), ngài truyền thừa cho đệ tử là ngài Chơn Hương Huyền Túc Thiên Quang làm trú trì chùa Linh Sơn. Ngài Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh là vị trú trì đời thứ 3 của tổ đình Linh Sơn[5], nhưng không ghi rõ năm nào. Chỉ biết ngài viên tịch vào ngày mồng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn [1904], tứ chúng đệ tử lập bảo tháp phụng thờ tại khuôn viên chùa Bảo Sơn (Phú Yên).

Tổ Chơn Hương Huyền Túc Thiên Quang, nối pháp đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 7 thiền pháp phái của Tổ Minh Hải Pháp Bảo, kế thừa trú trì đời thứ 4 tổ đình Linh Sơn vào năm Ất Mùi [1895]. Tổ Thiên Quang sinh giờ Dần, ngày 28 tháng 12 năm Nhâm Tuất [1863], thế danh là Phạm Huyền Túc, tại làng Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm Đinh Mùi, Duy Tân nguyên niên [1907], ngài đặt móng khai sơn chùa Báo Ân tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh. Năm Ất Mão [1915], ngài vào Nha Trang kiêm nhận trú trì chùa Hội Phước (chùa Cát). Tại đây, ngài tiếp tục trùng tu cổ tự, xây dựng cổng tam quan. Đến năm Đinh Tỵ [1917], ngài phó thác chùa lại cho Đại sư Thanh Chánh hiệu Phước Tường và trở về chùa Linh Sơn.

[caption id="attachment_16621" align="aligncenter" width="660"]Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bo Tat Thich Quang Duc Va To Dinh Van Ninh 3 Chuông cổ Cảnh Hưng 22 [1761][/caption]

Năm Đinh Sửu [1937], ngài mở Đại giới đàn tại tổ đình Linh Sơn và được chư tôn đức trong tỉnh cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng. Ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Đại 14 [1939], ngài thị tịch tại tổ đình Linh Sơn, trụ thế 77 năm. Nhục thân của ngài được cung thỉnh nhập bảo tháp do pháp tử Hoằng Nguyện cùng tăng chúng và bổn đạo đồng phụng lập. Đệ tử đắc pháp với ngài khá đông, như các ngài Hoằng Nguyện, Hoằng Thâm, Hoằng Chất, Hoằng Thọ, Hoằng Điển, Hoằng Đạo.

Sau khi Tổ Chơn Hương viên tịch, môn phong suy cử giám tự tổ đình Linh Sơn là ngài Chơn Công tự Đạo Mậu hiệu Viên Giác đảm nhiệm trú trì đời thứ 5. Nhưng do bệnh duyên, đến đầu năm Canh Thìn [1940], ngài thỉnh Hòa thượng Quảng Đức đảm nhận trú trì, rồi lui về đảm nhiệm giám tự của tổ đình. Đến ngày 28 tháng 5 năm Nhâm Thìn [1952] thì ngài viên tịch, thọ 44 tuổi. Hòa thượng Tịch Tràng cùng môn đồ lập tháp thờ trong khuôn viên của tổ đình.

Hòa thượng Quảng Đức húy Thị Thủy tự Hạnh Pháp nối pháp đời 42 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 9 thiền pháp phái của Tổ Minh Hải Pháp Bảo, đương vi trú trì đời thứ 6 Tổ đình Linh Sơn vào niên hiệu Bảo Đại thứ 15 [1940], tiếp nối từ Tổ Chơn Công Viên Giác. Cũng trong năm này, ngài xin ban Sắc tứ cho tổ đình. Năm 1941, nhân chuyến tham vấn Tổ Chơn Phổ tự Nhẫn Tế hiệu Minh Tịnh tại chùa Thiên Chơn ở chợ Búng, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhân duyên tái ngộ với Hòa thượng Tịch Tràng, dự biết là pháp khí của Phật giáo mai sau nên thỉnh Hòa thượng về Linh Sơn để tương lai kế nhiệm trú trì thay ngài. Năm Bảo Đại thứ 19 [1944], ngài truyền trao trú trì tổ đình Linh Sơn cho Hòa thượng Tịch Tràng. Đến năm 1948, ngài chính thức rời Khánh Hòa vào miền Nam và viên tịch (tự thiêu) vào ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão [ngày 11 tháng 6 năm 1963].

Sau khi Hòa thượng Tâm Thanh Tịch Tràng kế nhiệm trú trì đời thứ 7, năm 1954 ngài khởi công xây dựng ngôi chánh điện trên nền móng cũ mà Bồ-tát Quảng Đức để lại. Năm 1956, công trình xây dựng hoàn thành, ngài tiếp tục dựng thêm nhà Đông, nhà Tây. Công cuộc kiến tạo cơ sở xem như hoàn mãn, từ đó ngài tập trung vào vấn đề tu tập và tiếp tăng độ chúng.

Năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ra đời, ngài được cử làm Chánh Đại Diện quận Vạn Ninh và lưu nhiệm cho đến ngày viên tịch. Năm 1970, ngài được Hòa thượng Trí Thủ mời làm thỉnh giảng cho Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Năm 1972, ngài mở Tiểu giới đàn cho Sa-di, Bồ-tát giới và Thập Thiện giới dưới sự chứng minh Đường đầu của Hòa thượng Thích Trí Thủ. Năm 1973, ngài được cung thỉnh làm Đệ tam tôn chứng tại Đại giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại Phật Học viện Hải Đức Nha Trang. Ngài viên tịch ngày 24 tháng 5 năm Bính Thìn [1976], thọ 68 tuổi.

Tiếp hương nối lửa, từ năm 1976 trụ trì đời thứ 8 tổ đình Linh Sơn là Hòa thượng húy thượng Nguyên hạ Hoằng tự Thiện Dương hiệu Thanh Huy. Với tâm nguyện kiến tạo ngôi Tam bảo. Kể từ 1987, Hòa thượng đã tiến hành trùng tu, xây dựng nhiều công trình mới phục vụ trong sinh hoạt cũng như tu tập của tổ đình. Hòa thượng vẫn luôn tôn trọng, gìn giữ và bảo tồn những công trình xưa của chư tổ sư. Một mặt, lưu lại dấu ấn trác tích của các bậc tiền nhân, thứ là nhắc nhở đến các thế thệ tiếp theo mãi nhớ đến ơn đức của quý ngài mà nổ lực không ngừng làm cho đạo pháp ngày một hưng long, trường cửu.

Cảm được hạnh nguyện kiến tạo ngôi phạm vũ đã nhân viên quả mãn, tháng 6 năm 2022 hòa thượng lui về phương trượng, giao phó trách nhiệm trú trì đời thứ 9 tổ đình Linh Sơn cho thượng tọa thượng Nguyên hạ Vương, tự Minh Tuấn, hiệu Huy Quang. Nối bước hạnh nguyện của bổn sư, thượng tọa tiếp tục ra sức kiến tạo chốn tổ đình ngày một bề thế, xứng tầm với ngôi cổ tự xưa nhất tại vùng Vạn Ninh.

Mũ Hiệp chưởng, mũ Tỳ lư và mộc bản thư mời

2. Bồ-tát Thích Quảng Đức và tổ đình Linh Sơn

Tổ Thị Thủy Hạnh Pháp Quảng Đức nối pháp đời thứ 9 kệ phái Chúc Thánh, thế danh Lâm Văn Tuất[6], sinh năm Đinh Dậu [1897] tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Năm Giáp Thìn [1904] Thành Thái thứ 16, vừa lên 7 tuổi, ngài xuất gia với thiền sư húy Như Đạt, tự Giải Nghĩa, hiệu Hoằng Thâm[7] trú trì chùa Long Sơn. Ngài thọ Sa-di năm 15 tuổi, thọ Cụ túc năm 20 tuổi. Khi thọ giới xong (1917), ngài được đặc trách tri sự chùa Long Sơn để phụ giúp bổn sư lúc này đã tuổi cao.

Năm Tân Dậu [1921], thiền sư Như Đạt viên tịch, pháp huynh của ngài là hòa thượng Thị Thanh, tự Hành Thái, hiệu Vô Vi kế thế trú trì. Ngài về tổ đình Linh Sơn y chỉ hòa thượng ông Thiên Quang đương là trú trì đời thứ tư.

Năm Đinh Mão [1927], Ngài phát nguyện nhập thất tại núi Đất (Ninh Hòa) ba năm. Đến năm Quý Dậu [1932], ngài về trú trì chùa Thiên Ân, xã Phước Thuận, phủ Ninh Hòa. Qua năm, ngài xin về Sắc tứ cho chùa. Đến năm Bính Tý [1936], ngài được cung thỉnh giữ chức Chứng minh đạo sư Chị hội Phật học Ninh Hòa, sau được cư làm Kiểm tăng phật giáo tỉnh nhà.

Năm Mậu Dần [1938], Ngài vân du vào Nam hành đạo khắp các tỉnh Sài Gòn, Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Bà Rịa xuống đến Hà Tiên. Ngài cũng đã từng sang Cao Miên (Campuchia) để giáo hóa các Phật tử kiều bào, và học hỏi nghiên cứu kinh điển Pāli của Phật giáo Nam Tông. Tại Cao miên Ngài đã gặp hòa thượng Tịch Tràng trên đường tầm sư học đạo.

Năm Bảo Đại thứ 15 [1940], Ngài về đảm nhận trú trì tổ đình Linh Sơn xã Hiền Lương tổng Phước Tường nội huyện Vạn Ninh (nay thuộc thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Năm 1941, hay tin thiền sư Chơn Phổ Nhẫn Tế Minh Tịnh đi tham học ở Ấn Độ, Tây Tạng trở về và lập chùa Thiên Chơn, nên Ngài vào Chợ Búng, Thủ Dầu Một tại chùa Thiên Chơn thăm viếng và đàm đạo với Thiền sư Chơn Phổ Nhẫn Tế Minh Tịnh. Tại đây, Ngài lại gặp hòa thượng Tịch Tràng, biết là pháp khí có thể làm rường cột cho Phật Pháp mai sau, nên Ngài mời hòa thượng Tịch Tràng về tổ đình Linh Sơn tu học để tương lai có thể đảm nhận trọng trách trú trì ngôi tổ đình Linh Sơn.

Cuối năm 1944, Ngài chính thức truyền thừa trú trì tổ đình Linh Sơn cho hòa thượng Thích Tịch Tràng. Thời gian 5 năm đảm nhận trọng trách trú trì tổ đình Linh Sơn Ngài đã đóng góp nhiều Phật sự lớn lao, cũng như việc đón nhận Sắc tứ, xác nhận bằng khoán đất đai và trùng tu tái thiết ngôi Tổ đình, hiện còn lưu lại nhiều di tích rất đáng kể.

Y gấm đỏ 25 điều và liễn mừng Sắc tứ

3. Bồ-Tát Quảng Đức và dòng truyền thừa thiền phái Chúc Thánh tại Khánh Hòa

Thiền phái Chúc Thánh được xem là một pháp phái có sức ảnh hưởng lớn trong dòng thiền Lâm Tế tại Đàng Trong. Tuy khai sáng trước thiền phái Liễu Quán khá lâu nhưng tại Khánh Hòa mãi đến hậu bán thế kỷ XVIII mới có dấu chân hoằng hóa của chư Tổ thiền phái này. Vị Tổ sư đầu tiên đến hoằng pháp tại Khánh Hòa là thiền sư Pháp Thân hiệu Đạo Minh [1683-1802], nối pháp đời thứ 36 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 3 pháp phái Chúc Thánh. Ngài là đệ tử của Tổ Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm. Tương truyền, ngài theo đoàn di dân vào vùng Tân Định (Ninh Hòa) và khai sơn chùa Thiên Tứ vào năm 1744. Đến năm 1802, ngài viên tịch trong tư thế kiết-già, đồ chúng lập tháp cho ngài trên đồi núi Đất.

Tổ sư thứ hai được sử sách lưu lại là thiền sư húy Chương Chí tự Thiên Phước hiệu Bảo Tịnh. Ngài thế danh là Huỳnh Văn Dự, sinh năm Ất Hợi [1755], nguyên quán ở làng Phú Vinh, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất gia hành đạo tại quê nhà, sau vào phủ Tân Định đến xã Phước Thuận, tổng Phước Khiêm xây dựng chùa Thiên Ân trong khoảng những năm 1802 đến năm 1808. Ngài thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 38, hệ thứ 5 của thiền phái Chúc Thánh, là một trong những danh tăng ở Khánh Hòa được vua Minh Mạng mời về dự đại lễ siêu độ Thủy lục Đạo tràng tại Kinh đô Huế năm 1835, và khi trở về được sắc ban Giới đao độ điệp[8].

Vị Tổ sư thứ ba là thiền sư Chương Huấn tự Tông Giáo, nối pháp đời thứ 38 tông Lâm tế, thế hệ thứ 5 pháp phái Chúc Thánh. Sử liệu không ghi rõ ngài kế thừa trú trì chùa An Dưỡng (Nha Trang) khi nào, chỉ biết vào năm Minh Mạng thứ 13, ngày mùng 3 tháng 5 năm Nhâm Thìn [1832], ngài đứng ra khắc bộ Đại khoa Du-già.

Thiền phái Chúc Thánh tuy có mặt sớm tại Khánh Hòa nhưng mạch truyền thừa bị gián đoạn. Mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi thiền sư Như Cự tự Giải Thức hiệu Thiền Tâm đến trú trì tổ đình Hội Phước vào năm 1895 và thiền sư Chơn Hương hiệu Thiên Quang[9] từ Sơn Hòa (Phú Yên) vào trú trì tổ đình Linh Sơn (Vạn Ninh) năm 1894[10], thì thiền phái Chúc Thánh mới thật sự hưng thịnh trở lại.

Bồ-tát Thích Quảng Đức thuộc thế hệ thứ 9 dòng thiền Chúc Thánh theo nhánh truyền của tổ sư Chơn Hương Thiên Quang tại tổ đình Linh Sơn. Nguyên lưu của nhánh thiền này phát xuất từ tổ sư Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm tại tổ đình Phước Lâm (Hội An), sau đó được đệ tử của ngài là tổ sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm truyền đạo vùng Phú Yên tại tổ đình Từ Quang Đá Trắng. Từ đó, Chúc Thánh Phú Yên ngày càng phát triển và mở rộng như ngày nay. Từ ngài Pháp Chuyên trực hệ xuống các ngài Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên (chùa Từ Quang Phú Yên), Chương Như Tông Chí từ Ý (chùa Thiên Hưng),  Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh (chùa Bảo Sơn), tổ sư Chơn Hương Thiên Quang (chùa Linh Sơn-Vạn Ninh), Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm (chùa Long Sơ-Vạn Ninh), Thị Thủy Hạnh Pháp Quảng Đức (chùa Linh Sơn-Vạn Ninh).

Trong thời gian hoằng pháp tại Trung và Nam Việt, Bồ-tát Quảng Đức ngoài việc kiến tạo các ngôi chùa, ngài cũng không quên hóa độ đệ tử xuất gia cũng như tại gia. Đệ tử xuất gia rất nhiều nhưng chỉ được biết đến chư vị như hòa thượng Đồng Phước Thông Bửu Viên Khánh (chùa Quán Âm-Sài Gòn), hòa thượng Đồng Ứng Thông Quang Tịnh Pháp (chùa Đức Tân-Vạn Ninh), hòa thượng Đồng Trí Thông Thắng Từ Châu (chùa Bửu Quang-Ninh Hòa). Từ đây, phổ hệ truyền thừa dòng Chúc Thánh của Bồ-tát có thể trình bày lại như sau:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bo Tat Thich Quang Duc Va To Dinh Van Ninh 8

4. Di tích của Bồ-tát Quảng Đức tại tổ đình Linh Sơn

Bồ-tát Quảng Đức với hạnh nguyện kiến tạo các ngôi già-lam, trong 31 ngôi chùa mà ngài đã từng lưu dấu đều để lại không ít di sản từ văn chương đối liên, kinh tượng pháp khí, công trình kiến trúc đặc trưng cho đến những vật tùy thân như y áo mũ mạo… Cổ tự Sắc tứ Linh Sơn may thay cũng lưu lại một số ấn tích của ngài.

[caption id="attachment_16624" align="aligncenter" width="602"]Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Bo Tat Thich Quang Duc Va To Dinh Van Ninh 6 Bảng Sắc tứ Linh Sơn tự Bảo Đại thứ 15 [1940][/caption]

Ngôi Đại hùng Bảo điện (năm 1941)[11]

Có thể nói, ngôi chánh điện là một trong những công trình đầu tiên được kiến tạo từ lúc ngài được tông môn cung thỉnh về trú trì tổ đình Linh Sơn. Chánh điện có kiến trúc mái ngối âm dương đơn giản với vật liệu vôi và gạch thẻ, gồm 2 phần Chánh điện ba gian bên mặt phải và phòng phương trượng bên mặt trái. Đặc biệt,  mỗi gian đều có khoản hành lang hơn một mét. Văn bản xin xây dựng công trình hiện còn lưu tại tổ đình.

“Yết ma tông phái chùa sắc tứ cổ tích Linh Sơn xã Hiền Lương tổng Phước Tường nội huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa hiệu Quảng Đức viết lời báo cáo sự việc sau:

Trải trước đây, cố hòa thượng hiệu Thiên Quang xây dựng chánh điện Linh Sơn của bổn chùa. Lai lịch trải qua nhiều năm, đến nay cây gỗ ngói gạch phần lớn bị giộp hư phải nên sửa lại mới một phen. Vì thế, bần tăng vâng nhận tông phái này, trùng tu dựng lại, kính cáo chư sơn thiền đức và An nam Phật học hội cùng bổn đạo con Phật, thiện tín viện chủ các lớp người phát lòng từ tế lớn vui giúp của cải ít nhiều, xưng dương giúp nghĩ, mãi lưu ơn miên viễn, ghi bảng lưu truyền quí tính phương danh đều thấm nhuần quả phúc. Nay có lời kính cáo. Lại chúc hiện tiền phước thọ tăng long, ngày sau đều lên cảnh Phật.

Ngày 13 tháng Giêng năm Bảo Đại 16 (1941) Lý trưởng sở tại cửu phẩm Trần Ứng Long chứng ký Bổn xã đồng ký (có đóng dấu xã Hiền Lương) Chứng thực: Chánh tổng Phạm Minh ký (có đóng dấu tổng Phước Tường nội) Yết ma chùa sắc tứ cổ tích Linh Sơn hiệu Quảng Đức thủ ký…..” [2, tr35-41]

Mộc bản thiệp mời tham dự lễ đón nhận bằng Sắc Tứ (1942)

Thiệp mời mộc bản này do Bồ-tát trực tiếp cho khắc in nhân dịp chùa được vua Bảo Đại ban ân Sắc tứ. Mộc bản thiệp mời này cũng được Giáo sư Lê Mạnh Thát kí hiệu là Văn kiện ngày mồng 1 tháng 7 năm Nhâm Ngọ:

“Nam mô A Di Đà Phật

Phật lịch năm 2505

Mảng nghe Phật do tâm tạo, đạo dùng tăng hoằng. Nay có trú trì chùa cổ tích Linh Sơn xã Hiền Lương tổng Phước Tường nội huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa hiệu Quảng Đức và giám tự Viên Giác cùng bổn đạo của bổn xã được ơn hoàng thượng sắc tứ bổn chùa, chọn được buổi sáng ngày 16 tháng 7 để đánh chuông cung nghinh sắc tứ, lại đón nghinh Bà miếu, vốn đã xin phép thiết đại trai đàn nhằm từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 7, có đầy đủ thuyết pháp, chẩn tế, trai tăng, tụng kinh, lục cúng, trên để báo ơn Phật tổ, tiếp nữa là đáp lại ơn đức của giác linh cố hòa thượng. Kính mong các viên chức cùng quý quyến ngày đó quang lâm để nghe kinh lễ Phật. Trên đây là thiệp mời. (...) Quang lâm, lòng đạo tâm vui lành. (... ) mong vậy Ngày mồng 1 tháng 7 năm Nhâm Ngọ Yết ma Hòa thượng chùa Linh Sơn cùng môn đồ bổn đạo đồng kính thỉnh Bổn xã xã Hiền Lương đồng kính thỉnh.” [2, tr43-44]

Ngoài mộc thiệp mời đón nhận này, tổ đình Linh Sơn còn lưu lại bức liễn chúc mừng của Tăng cang Thích Tôn Thắng và trú trì chùa Phổ Thiên tại Đà Nẵng và hoành phi Sắc tứ.

Nội dung bức liễn như sau: “Linh Sơn Khánh Vạn, Phật tổ giáng đản nhị thiên ngũ bách linh ngũ niên thu thất nguyệt tăng tự tứ nhật cung hỷ, Linh Sơn Tự Mông, Sắc tứ biển ngạch chi khánh. Đà Thành Phật học hội, Sắc tứ Phổ Thiên tự Tăng cang Thích Tôn Thắng, trú trì Thích Bích Không hòa nam (Linh Sơn Khánh Vạn, Phật lịch 2505(1942), mùa thu tháng 7 ngày tăng tự tứ, chúc mừng ngày đón nhận bảng Sắc tứ. Hội Phật học Đà thành, chùa Sắc tứ Phổ Thiên Tăng cang Thích Tôn Thắng, trú trì Thích Bích Không cùng kính tặng)

Bức hoành Sắc tứ kích thước 107cm x 65cm với nội dung: “Sắc tứ Linh Sơn tự, Bảo Đại thập ngũ niên kiết nguyệt nhật tạo, Lễ Công Bộ đại thần Tôn Thất Quảng cung lục” (chùa Linh Sơn vua ban, ngày lành tháng tốt Bảo Đại năm thứ 15, Bộ Lễ Công đại thần Tôn Thất Quảng kính đề).

Nhà bảo tàng Bồ-tát Thích Quảng Đức-năm 2014

Tờ thuận nhượng đất công hoang làm nghĩa địa chùa (1944)

Tờ nhượng đất này do đích thần Bồ-tát yêu cầu Hội đồng hào mục làng Hiền Lương cho 2 mẫu đất gò Gia là nghĩa địa chôn cất cho bổn đạo cũng như dân làng có nhu cầu.

“Tờ thuận nhượng đất công hoang

Chúng tôi là ban Hội đồng Hào mục làng Hiền Lương, tổng Phước Tường nội, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Đồng ưng thuận nhượng đất công hoang như sau nầy: Cứ theo lời tường của ngài Lâm Văn Tuất, Yết ma Hòa thượng hiệu Quảng Đức, trụ trì chùa Sắc tứ Linh Sơn rằng:

Nguyên cảnh chùa Linh Sơn hiện nay nội cuộc chánh điện, nhà đông, nhà tây, Miếu bà, Tam quan và bảo tháp rộng chừng 2 mẫu, đã thành tụ nguy nga rồi, nay ngài lại tường xin thêm đất công hoang chung quanh cảnh chùa, ước hơn hai mẫu, tục danh là gò gia để làm nghĩa địa.

Đất ấy đông giáp đình làng, lại gần viên gia cửu phẩm Trần Ứng Long, viên gia Nguyễn Trực và viên gia Trùm Mạnh;

Tây giáp công điền Đồng Bé lại gần đường xe lửa;

Nam giáp viên gia Nguyễn Địch, lấy 2 cây trụ cửa ngõ chùa làm giới hạn;

Bắc giáp sông.

Ngài tường xin khai phá làm nghĩa địa để ngày sau mai táng những người thiện tín, Thích tử thiền môn khi lâm chung. Còn tất cả người trong làng, ai có từ trần thì được mai táng nơi vạt đất từ bảo tháp giọc đến Miếu bà, nhưng phải do chủ chùa chỉ định cho có trật tự, không được tự tiện.

Cứ lời tường như vậy, làng chúng tôi xét lại chỗ đất ấy quả là một khoảnh đất công hoang chứ không xâm phạm công tư điền thổ nào cả, nên làng chúng tôi cũng đồng ưng thuận nhượng khoảnh đất công hoang ấy lại cho chùa Sắc tứ Linh Sơn để làm nghĩa địa.

Nay thuận nhượng

Làm tại thôn Hiền Lương ngày 8 tháng 4 năm 1944” [2, tr51-52]

Một số di vật và công trình khác

Ngoài các ti tích kể trên, tại tổ đình Linh Sơn, Bồ-tát còn xây dựng thêm các công trình phụ khác sau khi kiến tạo chánh điện như quần thể tam quan và trụ biểu (1941), miếu Bà (1942). Về di vật, ngoài mộc bản thiệp mời dự lễ Sắc tứ, Bồ-tát còn lưu lại ở tổ đình y gấm đỏ 2 lớp 25 điều, mũ hiệp chưởng và mũ Tỳ lư.

Đôi lời kết luận

Hòa thượng Trí Siêu khi đến Linh Sơn, xúc cảm trước chốn Tổ linh thiêng đã tặng chùa câu đối: “Linh địa đãi linh nhân kỷ bách niên lai thiền tích do tạo, Sơn tằng lâm sơn thế sổ vạn trùng tiêu thọ mộc vĩnh thanh” (Đất linh đợi người linh mấy trăm năm dấu thiền vẫn tồn tại, Tầng núi vào thế núi vài muôn trùng vách cây mãi còn xanh- Hòa thượng Thích Quảng Hạnh dịch).

Sắc tứ Linh Sơn là ngôi cổ tự xưa nhất của vùng Vạn Ninh, là ngôi tổ đình của hầu hết các chùa trong bản huyện. Trải qua gần 300 năm trường tồn tuế nguyệt, ngày nay Linh Sơn vẫn là chốn tổ linh thiêng của các tín đồ mộ đạo, vẫn đóng vai trò quan trọng của Phật giáo huyện nhà. Và vinh dư khi nơi đây là một trong những nơi tô bồi đạo hạnh cho Bồ-tát Quảng Đức từ những ngày đầu tiên vào đạo cũng như hướng dẫn đồ chúng, bổn đạo Phật tử tu hành hướng thiện. Người đã ra đi vì đạo pháp hằng bao thập kỷ nhưng những giá trị ngài để lại cho tổ đình không thể nào đếm đong.

Tác giả: Đại đức Thích Nhật Tấn Học viên Cao học K.II, Học viện PGVN tại Huế ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Thiện Dương (chủ biên) (2013), Linh Sơn chốn tổ nguồn tâm, Nxb Văn Hóa-Nghệ Thuật, thành phố Hồ Chí Minh. 2. Lê Mạnh Thát (2005), Những tư liệu mới về bồ-tát Quảng Đức, Nxb Tổng Hợp Tp.Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh. 3. Lê Mạnh Thát (chủ biên) (2006), Bồ-tát Quảng Đức ngọn lửa và trái tim, Nxb Tổng Hợp Tp.Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh. 4. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh.

[1] Chùa tọa lạc tại thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. [2] Niên hiệu này được ghi trên chuông của chùa. Và lễ tất nhiên niên đại lập chùa sẽ sớm hơn nhiều với ngày đúc chuông. [3] Là đệ tử đắc pháp của thiền sư Tế Nhơn Hữu Phỉ trú trì chùa Thiền Tôn và Báo Quốc. [4] Cây Kén trên 300 năm tuổi hiện vẫn còn tồn tại trong khuôn viên chùa. [5] Trong tác phầm “Thích song tổ ấn tập”Hòa thượng Trừng Diệu Tịnh Hạnh cho rằng tổ Chơn Hương Thiên Quang mới là tổ thứ 3. Ghi chép này rất có sự thuyết phục cao vì tính từ năm tổ thứ 2 viên tịch (1884) đến thời gian tổ Thiên Quang nhận chánh pháp nhãn tạng chỉ có 10 năm. Thứ nữa là bảo tháp của tổ Huệ Minh không có ở tổ đình Linh Sơn. [6] Ngài còn có tên khác là Nguyễn Văn Khiết sau khi thiền sư Như Đạt (cũng là cậu ruột) nhận làm con nuôi. [7] Sư là đệ tử đắc pháp của thiền sư Chơn Hương Thiên Quang trú trì đời thứ 4 tổ đình Linh Sơn, cũng là cậu ruột của ngài. [8] Hiện chỉ còn độ điệp còn lưu tại tổ đình Thiên Bửu hạ. [9] Thiền sư Thiên Quang (1863-1939) thế danh là Phạm Huyền Túc,sinh tại làng Sơn Hoà tỉnh Phú Yên. Xuất gia với tổ Ấn Chánh Tổ Tông Huệ Minh. Ngài là huynh đệ đồng sư với ngài Chơn Kim Pháp Lâm (chùa Viên Thông-Huế), Chơn Tín Pháp Hỷ (chùa Linh Sơn), Chơn Thật Pháp Nghĩa (chùa Từ Quang), Chơn Thiện Pháp Ngôn (chùa Bảo Sơn), Chơn Tâm Pháp Thân (chùa Phước Huệ-Huế)… [10] Mốc này lấy từ chánh pháp nhãn tạng mà tổ Huệ Minh chứng pháp cho hòa thượng Thiên Quang, thời gian ngài vào trú trì tổ đình Linh Sơn chưa rõ năm nào. [11] Năm Nhâm Thìn [2012], công trình đã xuống cấp trầm trọng nên di tích này đã được triệt giải. Trước đó, năm 2008, hòa thượng trú trì đặt đá xây dựng nhà bảo tàng di tích Bồ-tát Thích Quảng Đức theo kiến trúc nhà rường gỗ kiểu Huế để tưởng nhớ đến ân đức ngài.