Chuyển mình theo nhịp sống thành phố đã nhiều năm, nhưng trong tâm khảm tôi vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ về quê hương, nơi chợ quê mẹ tôi đã từng gánh vác gia đình bằng sạp hàng xén nhỏ. Đó không chỉ là góc chợ giản dị mà còn là chứng nhân cho những ngày tháng mẹ tảo tần, chắt chiu từng đồng để nuôi nấng chúng tôi trưởng thành.
Quê tôi cũng như bao làng quê Việt Nam khác, có lũy tre xanh rì rào, có những mái nhà đơn sơ nhưng đầy ắp tình người. Nhưng có lẽ, hình ảnh đọng lại sâu sắc nhất trong tôi chính là khu chợ làng nhộn nhịp, nơi mẹ đã miệt mài lao động cả cuộc đời.
Nhà tôi có mấy sào ruộng nên công việc đồng áng cũng chiếm khá nhiều thời gian, công sức của các thành viên trong gia đình. Mấy anh chị em chúng tôi sau nửa buổi cắp sách tới trường vẫn tranh thủ giúp cha mẹ mọi việc, anh cả tôi đảm nhiệm công việc chăn trâu; chị gái thường ra đồng cắt cỏ; còn tôi bé út nhất nhà được chiều chuộng nên chỉ phải quét nhà, đun nước uống giúp cha. Mẹ tôi luôn là người vất vả nhất trong gia đình, ngoài việc phải chăm lo quán xuyến tất tật những công việc đồng áng, việc nhà, mẹ còn thuê một ki ốt ngoài chợ để bán buôn kiếm thêm đồng rau đồng muối cho mức sinh hoạt của gia đình thêm phần tươm tất.
Cứ tới phiên chợ là mẹ lại dậy thật sớm, cỡ khoảng gà gáy canh 2 là mẹ đã phải trở giấc để lo sắp xếp hàng hóa lên chiếc xe đẩy. Vì nhà tôi bán hàng xén, nên có tới hàng trăm loại mặt hàng lỉnh kỉnh, vì vậy mà mẹ phải tỉ mẩn mất trong khoảng nửa tiếng đồng hồ mới xếp hết hàng lên xe đẩy. Khi công việc xếp hàng lên xe hoàn tất, mẹ lại tất tưởi đẩy xe ra chợ để bày hàng lên kệ. Nói chung, mẹ thường làm công việc dọn hàng và bày hàng ngoài chợ một mình, chỉ thi thoảng lắm mới có sự phụ giúp của cha, vì cha tôi cũng phải lo chạy chợ bằng công việc giao hàng cho các mối ở huyện bên.
Những hôm chợ phiên rơi vào ngày mấy anh chị em chúng tôi được nghỉ học thì mẹ còn đỡ vất vả một chút, chúng tôi luôn dậy sớm để sắp hàng lên xe đẩy giúp mẹ, rồi cùng mẹ đẩy xe ra chợ bày hàng, bán hàng. Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, chăm chỉ, hay lam hay làm, vì vậy mà dù công việc đồng áng cũng như bán buôn ở chợ phiên có cực nhọc vất vả đến thế nào thì chẳng bao giờ tôi thấy mẹ than nửa lời. Ngay cả những hôm anh chị tôi, nhiều khi cả tôi nữa, khi ra chợ giúp mẹ dọn, bán hàng hóa gặp cảnh chợ đông người mua, mẹ luôn động viên chúng tôi gắng làm để gia đình đỡ nghèo túng vất vả. Thế nhưng, dẫu có khuyến khích chúng tôi lao động, hay phụ giúp công việc bán buôn ngoài chợ của mẹ thì không bao giờ mẹ quên căn dặn chúng tôi phải chú tâm nhiều hơn cả vào việc học hành, bởi mẹ bảo muốn tiến thân, muốn thoát li khỏi cuộc sống nhà nông khổ cực, vất vả thì chỉ có học và học giỏi.
Mẹ tôi là người tằn tiện, làm nhiều việc như vậy mà sau mỗi phiên chợ mẹ không dám mua cho mình một chiếc bánh rán, bát bánh đúc, hay đĩa bún đậu để ăn lót dạ, dẫu sáng ra mẹ chẳng bao giờ ăn sáng. Ngay cả áo quần của mẹ thì cũng luôn là những bộ đồ cũ mà chẳng mấy khi mẹ chịu mua cho mình chút đồ mới, kể cả khi đó là ngày tết nhất. Ấy vậy mà, mẹ luôn mua đồ ăn ngon cho gia đình. Quần áo của chồng của con cái thì mẹ cũng luôn chu đáo, khi thông thường cứ sau khoảng vài, ba tháng là mẹ lại mua một bộ đồ mới cho anh chị em chúng tôi. Cha tôi thì ít hơn, khoảng 1 năm thì mẹ lại tự tay ra tiệm đặt may cho cha một bộ đồ mới để cha diện trong những bữa đi ăn cỗ trong làng. Trong tâm trí tôi, mẹ như một vị Bồ tát giữa đời thường luôn hi sinh thầm lặng, không mong cầu đền đáp, chỉ một lòng vun đắp cho gia đình.
Những lần theo mẹ ra chợ, tôi thấm thía sâu sắc quy luật nhân quả trong Phật giáo: mọi sự cần cù, nhẫn nại của mẹ không chỉ giúp gia đình thoát khỏi khó khăn mà còn gieo những hạt giống thiện lành, giúp con cái có cuộc sống tốt hơn. Nhờ phước báu mẹ gieo trồng bằng mồ hôi và nước mắt, anh chị em chúng tôi mới có thể học hành, có công ăn việc làm ổn định nơi thành phố. Mẹ không chỉ nuôi dưỡng chúng tôi về vật chất mà còn trao cho chúng tôi cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Tôi còn nhận ra ân chúng sinh (Tứ trọng ân) trong vòng duyên khởi của cuộc sống. Khu chợ làng không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi những người mẹ như mẹ tôi nương tựa vào nhau, cùng tạo nên một cộng đồng bền vững chịu thương, chịu khó vì gia đình. Mẹ tôi có những người bạn hàng, họ không chỉ là đối tác mà còn là những người chị, người em san sẻ với nhau từng mối hàng, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.
Trong không khí lao động nhọc nhằn ấy, tôi nhận ra một sự kết nối vô hình, một mạng lưới duyên sinh mà ai cũng là một mắt xích nhỏ trong đó.

Giờ đây, khi sống giữa thành phố đông đúc, tôi càng thấm thía giá trị của hiếu hạnh. Mẹ đã khuất, nhưng mỗi lần nhớ về mẹ, tôi lại thấy lòng mình nghẹn lại. Tôi hiểu rằng lòng hiếu thảo không chỉ là những hành động khi cha mẹ còn sống, mà còn là sự biết ơn, trân trọng và tiếp tục những giá trị tốt đẹp mà cha mẹ đã truyền lại.
Tôi cũng dần hiểu được bài học về vô thường. Ngày xưa, tôi cứ ngỡ mẹ sẽ mãi bên cạnh mình, những phiên chợ quê sẽ mãi nhộn nhịp như thế, nhưng cuộc đời là một dòng chảy không ngừng. Đời người như một phiên chợ, có lúc họp rồi cũng có lúc tan. Mẹ đã rời xa cõi tạm, chợ quê cũng dần đổi thay theo năm tháng. Nhưng có một điều không bao giờ mất đi đó là tình yêu thương và những bài học mẹ để lại. Mẹ đã sống trọn vẹn với hạnh buông xả, chính là không giữ lại gì cho riêng mình, hết lòng vì con cái.
Giữa phố thị ồn ào, tôi càng thấm thía hơn lời Phật dạy: “Những gì thuộc về thế gian đều vô thường, nhưng công đức và lòng từ bi là những điều còn mãi.” Và có lẽ, bằng cách sống tốt, biết ơn và hành thiện, tôi mới thực sự đền đáp được công ơn sinh thành của mẹ, cha.
Tác giả: Nguyễn Thuý Uyên - Trường ĐH Thủ Đô
Địa chỉ: Đội 5 Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.
Bình luận (0)