Trang chủ Chuyên đề Bhimrao Ambedkar – tấm gương cư sĩ hộ pháp hết mình vì sự hưng thịnh của Phật giáo

Bhimrao Ambedkar – tấm gương cư sĩ hộ pháp hết mình vì sự hưng thịnh của Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Sự xuất hiện của Bhimrao Ambedkar đã mang lại cho Phật giáo một trang sử mới, một diện mạo mới và một vị thế mới. Không chỉ đối với đạo Phật, mà còn người dân bị áp bức bóc lột cũng có chỗ nương tựa về phương tinh thần cũng như vật chất.

Thích Ân Truyền
NCS Phật học, tu học tại chùa Thọ Quang, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, Tp.Đà Nẵng

Tóm tắt:

Đạo Phật ra đời, phát triển và suy tàn ngay tại đất nước Ấn Độ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, sau một thời gian dài Phật giáo bị quên lãng, vào cuối thế kỉ XIX đã có những hoạt động cho việc chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ do những người cư sĩ khởi xướng, trong đó nổi bậc nhất là cư sĩ Phật tử Bhimrao Ambedkar, với những hoạt động tích cực ông đã làm cho Phật giáo được hưng khởi và có chỗ đứng tại Ấn Độ sau một thời gian dài vắng bóng, ông còn giúp cho người dân thuộc giai cấp thấp có được tiếng nói và quyền lợi của mình. Sự kiện ông cùng hơn 500.000 người quy y theo đạo Phật đã làm chấn động trên khắp thế giới. Những việc làm của ông cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, cộng đồng Phật giáo tại Ấn Độ và người dân tại đây còn khắc ghi những công lao to lớn của ông đã làm.

A. DẪN NHẬP

Đạo Phật ra đời, phát triển và suy tàn ngay tại đất nước Ấn Độ. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, Phật giáo Ấn Độ đã kinh qua những thăng trầm, vào thời huy hoàng, đạo Phật được các vị vua chúa ủng hộ, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, tiêu biểu như Asoka đại đế, nhưng cũng có thời kì Phật giáo không được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, những giai đoạn khó khăn, Phật giáo bị hạn chế phát triển, nhưng cũng không làm đạo Phật đánh mất chính mình vì những chính sách bất công trong cách quản lí của giới cầm quyền, đạo Phật vẫn tồn tại trên xứ sở quê hương. Vào thế kỉ (Tk) VII – IX trong nước đã có những cuộc nổi loạn, các tiểu vương nội chiến tranh giành quyền lực, nhân dân rơi vào cơn khổ đau vì các cuộc chiến phi nghĩa, lúc này những lời dạy của đức Phật kêu gọi hòa bình và bất bạo động không có tác dụng, dẫn đến Phật giáo dần mất uy tín trong đất nước. Từ Tk IX – XIII, là những cuộc xâm lăng của các dân tộc ngoại bang cùng với sự xâm lược của người Hồi giáo đã làm cho Phật giáo bị suy tàn khoảng VI Tk, vào thời điểm này trên đất nước Ấn Độ không còn một ngôi chùa hay hình bóng của một vị tu sĩ Phật giáo xuất hiện tại đất nước đã sản sinh ra đạo Phật. Tiếp theo là thực dân Anh đô hộ Ấn Độ mấy trăm năm, họ đã đem theo tôn giáo của họ là đạo Tin Lành để truyền đạo và nâng đỡ cho tôn giáo này phát triển, chính điều đó đã làm cho đạo Phật càng thêm bế tắc.

Với mong muốn khôi phục tôn giáo lâu đời của dân tộc phát triển trở lại, vào cuối Tk XIX đầu Tk XX, phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ được xuất hiện bởi những người cư sĩ Phật tử, một trong các nhà chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ thì nổi bật nhất là nhân vật Bhimrao Ambedkar, người này đã làm cho đạo Phật tại Ấn Độ được khôi phục và phát triển trở lại, ông đã dành cả đời mình cho hoạt động nhân sinh và chấn hưng Phật giáo, những đóng góp của ông cho Phật giáo vô cùng to lớn cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Thấy được tầm quan trọng đó người viết xin chọn đề tài: “Bhimrao Ambedkar – tấm gương cư sĩ hộ pháp hết mình vì sự hưng thịnh của Phật giáo” để nghiên cứu.

B. NỘI DUNG

1. Xã hội Ấn Độ thời Bhimrao Ambedkar

Thực dân Anh bắt đầu xâm lược và đô hộ đất nước Ấn Độ vào đầu Tk XVIII, giai đoạn này người dân xứ Ấn phải cam chịu sự bóc lột và áp bức của ngoại xâm, không có chủ quyền dân tộc, mọi quy định phải theo sự quản thúc của giới cầm quyền, cho nên đời sống người dân vô cùng cực khổ, dẫn đến nạn đói, dịch bệnh cũng như những tệ nạn xã hội xảy ra ngày càng nhiều. Về phương diện tín ngưỡng, chính quyền thực dân Anh có sự nới lỏng về tín ngưỡng tôn giáo tại địa phương, so với những nhà cầm quyền khác, tạo điều kiện tự do phát triển tôn giáo.

Phong trào đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập cho tổ quốc được diễn ra trên toàn lãnh thổ Ấn Độ, trải qua một thời gian dài chống lại sự đô hộ, bóc lột của thực dân Anh. Vào tháng 8 năm 1947 thực dân Anh chính thức trao lại nền tự chủ cho xứ Ấn. Từ đây mở ra một nền tự do dân tộc để phát triển về mọi phương diện: kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội…, các tôn giáo trong thời gian này cũng được khôi phục và ngày càng phát triển. Có một điều rằng, dù đất nước Ấn Độ đã hoàn toàn độc lập tự chủ, nhưng vấn đề về phân chia giai cấp thì không bao giờ bị xóa bỏ, cho nên giai cấp yếu thế luôn bị bóc lột và chịu nhiều sự bất công trong đời sống hằng ngày, điều này làm cho những người dân thuộc giai cấp hạ tiện không có cơ hội để phát triển và hưởng những ưu đãi như các tầng lớp khác.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua cu si Ambedkar cho su hoi sinh PG An Do 1

2. Tiểu sử về Bhimrao Ambedkar

Ông xuất thân từ một gia đình hạ cấp của xã hội Ấn Độ, gia đình ông có 5 anh em, 3 người con trai và 2 người con gái, cha ông đi lính và phục vụ quân đội, lớn lên ông học ở trường Thiếu Sinh Quân được chính phủ chu cấp. Hai anh em đi học (ông và anh trai) nhưng rất cơ cực, thiếu thốn rất nhiều, hai anh em ngồi ở góc phòng thầy giáo không chú ý tới, hỏi tới bao giờ, vì nghĩ là hạ cấp.

Năm lên 7 tuổi thì mẹ mất, gia đình ông chuyển nhà đến một nơi khác, chị gái và người anh phải nghỉ học, để cho ông được đến trường, theo đuổi niềm đam mê học tập với hy vọng sau này có thể thay đổi cuộc đời. Ông vô cùng thông minh và học rất giỏi, thi đỗ được học bổng của tỉnh, trước khi lên tỉnh học ông được một vị Bà-la-môn tiến bộ tên Mahadev Ambedkar rất thương nhận ông làm con nuôi, tạo điều kiện giúp đỡ cho ông được đến trường, từ đây ông mới đổi họ sang Ambedkar. Họ thực của ông là Ambevedakar.

Ông thi đậu được học bổng một ngôi trường bên Anh quốc, trước khi đi du học, theo phong tục của Ấn Độ là phải cưới vợ, để có người ở nhà chăm sóc cho người cha đang bệnh, lúc này ông 17 tuổi cưới cô bé chỉ có 9 tuổi. Ông học rất giỏi và “đỗ tiến sĩ về kinh tế ở Đại học Columbia và sau đó sang Anh quốc tiếp tục học ở trường London School o conomies”[1].

Sau khi du học trở về, ông làm việc tại một ngôi trường nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Vì xuất thân của ông từ giai cấp hạ tiện nên không được xem trọng. Từ đó ông có ý định sẽ thành lập những tổ chức để bảo vệ người giai cấp thấp và đòi quyền bình đẳng cho người dân trên toàn đất nước Ấn Độ. Vào “năm 1927 ông thành lập phong trào bảo vệ những con người nghèo cùng khốn khổ lập hội Samaj Samata Sangh với mục đích tuyên truyền sự bình đẳng xã hội giữa tiện dân và giai cấp Hindu. Như là quyền được sử dụng nước và được phép vào đền thờ Kalaram tại Nasik”[2].  Phong trào được đón nhận một cách hào hứng và gây chấn động sâu xa trong mọi giới, những người đang gặp phải vấn đề phân biệt giai cấp, họ ủng hộ và tham gia vào những hoạt động của ông.

Năm 1947, đất nước Ấn Độ được độc lập, ông được mời tham gia vào ban soạn thảo Hiến pháp cho nhà nước còn non trẻ và ông được cho là cha đẻ của Hiến chương Ấn Độ. Vì lợi ích của tất cả người dân trên toàn đất nước Ấn Độ có một đời sống ấm no hạnh phúc và bình đẳng trước pháp luật, chính vì vậy, thông qua việc soạn thảo Hiến pháp, ông đã đề xuất những chính sách ưu đãi cho giai cấp thấp, các đề xuất của ông vấp phải những phản ứng gay gắt từ giới cầm quyền vì những lãnh đạo này có thiêng hướng về tư tưởng của Ấn Độ giáo. Những nhà lãnh đạo đã lên án và phê phán những đề xuất của ông, nhưng không vì vậy mà ông từ bỏ những hoàn cảnh đang gặp khó khăn, ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho sự bình đẳng giai cấp thông qua nhiều hoạt động, trong đó có việc cải đạo để tìm đến một tôn giáo mới mà trong đó mọi người đều được sự tôn trọng và bình đẳng như nhau, chính vì vậy ông bắt đầu tìm đến Phật giáo.

3. Cơ duyên Bhimrao Ambedkar đến với đạo Phật

Ambedkar cho rằng: “Khổ là do áp bức xã hội. Khổ là do bất bình đẳng giữa người với người”. Trên con đường chính trị ông rất thành công, nhưng ông vẫn không bỏ quên những số phận đang mất quyền tự do và bình đẳng, cần phải đấu tranh để có sự bình đẳng cho giai cấp thấp đang bị bóc lột. Vì vậy, ông đã nỗ lực hoạt động đòi quyền lợi cho người dân, kêu gọi mọi người cùng nhau đấu tranh bất bạo động để được đối xử công bằng, lúc này đảng Lao Động và nhiều hội khác được thành lập với mục đích giúp người dân giai cấp thấp tìm được chỗ đứng và tiếng nói của mình.

Theo ông, đạo Bà-la-môn không thể làm cho con người được quyền bình đẳng và tự do, cho nên ông đã tuyên bố từ bỏ đạo Bà-la-môn và tìm cần một tôn giáo mới phù hợp với tư tưởng cũng như mang lại bình đẳng cho mọi tầng lớp xã hội. Khi nghe tin ông bỏ Ấn Độ giáo để theo một đạo khác, có rất nhiều tôn giáo tại đất địa phương và trên thế giới đều muốn ông trở thành tín đồ của tôn giáo họ như: Cơ Đốc giáo, đạo Hồi, đạo La-mã, đạo Sikh…, những vị lãnh đạo của các tôn giáo này đã gửi lời mời cùng những ưu đãi hậu hĩnh nếu ông gia nhập tôn giáo của họ nhưng ông đã từ chối tất cả, vì những tôn giáo này không làm cho ông thỏa mãn được những nhu cầu mà ông đang tìm kiếm, những giai cấp thấp cũng không nhận được sự tự do về mặt tư tưởng và được sự tôn trọng nhất định. Vào “ngày 13-10-1935, tại hội nghị cho những Tiện dân ở Yeola do ông tổ chức, ông đã tuyên bố rằng: dù sinh ra là một người Ấn giáo, nhưng ông sẽ không chết mà vẫn là một người Ấn giáo. Mọi người từ nhiều tôn giáo và giai cấp đã tiếp xúc với ông. Nhiều hội nghị được tổ chức để thảo luận vấn đề tôn giáo của Tiện dân, những lợi ích và khó khăn của việc cải đạo”[3]. Những tuyên bố của ông làm chấn động giới cầm quyền, và bị phản ứng gay gắt trên phương diện truyền thông tại xứ Ấn.

Sau một thời gian tìm hiểu và được hướng dẫn từ “vị sư Miến Điện tên Ven. U. Chandramani Mahasthavira”[4], ông quyết định chọn đạo Phật sẽ là tôn giáo của mình, có như vậy mới giúp ông và người dân được sự tôn trọng và bình đẳng trong xã hội. Theo ông cho rằng: “phải loại trừ tệ nạn phân biệt giai cấp, cần đi theo con đường nhà Phật, ứng dụng tinh thần Phật giáo vào thực tiễn xã hội, có thể bỏ đi sự phân biệt giai cấp, ông kêu gọi những người bị áp bức, giai cấp thấp trong xã hội quy y theo Phật giáo”[5]. Ngày 14/10/1956 ông chính thức quy y theo đạo Phật và có hơn 500.000 người đã cải đạo cùng quy y Tam bảo với ông. Sự kiện này đã làm chấn động đất nước Ấn Độ và trên toàn thế giới lúc bấy giờ, đây được xem là buổi lễ quy y đông nhất từ trước đến nay trên đất nước Ấn Độ.

Ông chọn đạo Phật là tôn giáo của mình không phải vì mê tín mà vì mục đích hoàn thành những mục tiêu của mình và những người giai cấp thấp được bình đẳng trong sự tín ngưỡng cũng như có thể tiếp cận được một nền minh triết của đức Phật để lại, giúp họ hiểu và hành trì giáo lí đạo Phật để từ đó hướng đến một đời sống an lạc và hạnh phúc. Ông đã dành hơn 20 năm để tìm hiểu giáo lí các tôn giáo và cuối cùng ông chọn Phật giáo. Theo ông: “biện pháp triệt để nhất là thực hiện một xã hội tứ tánh bình đẳng của Phật giáo, có vậy mới giải cứu được những thống khổ nghìn đời của giai cấp tiện dân. Vì thế, ông tự tuyên bố cải đạo theo Phật giáo”[6]. Ông khuyên những người theo mình phải suy nghĩ cho kỹ trước khi cải đạo, đừng vì ông theo đạo Phật mà chạy theo. Và ông kêu gọi mọi người muốn thay đổi số phận phải làm những điều sau đây:

“Nếu các bạn muốn được sự tôn trọng phải thay đổi tôn giáo của mình

Nếu các bạn muốn làm cho xã hội hợp tác, tương tác thì phải thay đổi tôn giáo

Nếu các bạn muốn có quyền thay đổi bản thân thì phải thay đổi tôn giáo

Nếu các bạn muốn quyền bình đẳng phải thay đổi tôn giáo

Nếu các bạn muốn quyền độc lập phải thay đổi tôn giáo

Nếu các bạn muốn làm gì cho thế giới này phải thay đổi tôn giáo”[7].

4. Những việc làm của Bhimrao Ambedkar cho Phật giáo

Từ khi theo đạo Phật, ông đã dành thời gian để chấn hưng và cải cách Phật giáo làm cho đạo Phật thích ứng và phù hợp với thời đại. Về phương diện truyền bá sinh pháp của đức Phật, Ambedkar rất quan tâm đến vai trò của những vị sứ giả Như Lai. Ông cho rằng, trách nhiệm của người Phật tử là phải đem những lời dạy của đức Phật truyền bá đến cho chúng sinh, giúp họ biết đến Phật pháp từ đó thực hành theo những lời của đức Phật đã dạy, qua đó làm cho cuộc sống thêm an lạc. Về công việc này chư Tăng là người đảm nhận trách nhiệm truyền bá sinh pháp. Ông cũng không đồng tình và lên án với một số vị tu sĩ lúc bấy giờ chỉ biết “an phận thủ thường”, không đề cao trách nhiệm và thờ ơ trong việc truyền bá giáo lí đức Phật. Theo ông, có 3 lí do một tôn giáo bị suy thoái: Thứ nhất là không vững vàng về nền tảng giáo lí; Thứ hai là các chướng duyên xảy ra không vượt qua được; Và cuối cùng là trong quần chúng không có gốc rễ. Những lời dạy của đức Phật vô cùng vi diệu tuy nhiên các tu sĩ không quan tâm về việc truyền trao giáo lí đến quần chúng, và có sự xa cách nhân dân làm cho họ không tiếp cận được những lời đức Phật đã dạy. Ông đề nghị chư Tăng phải thay đổi cách sống để phù hợp với thời đại, phải mạnh dạn, nỗ lực, tinh tấn trong việc truyền bá sinh pháp, với mục đích làm an lạc cho mọi người và làm cho đạo Phật ngày càng phát triển sau thời gian dài bị suy vong.

Với chí nguyện khôi phục đạo Phật tại quê hương, ông đã cho xây dựng những trung tâm Phật giáo để truyền bá sinh pháp và đào tạo tăng tài. Vào “năm 1950 tại Mumbai Ông thành lập học viện có tên Siddhartha College, cũng vào năm 1950 ông tiếp tục thành lập đại học Milind Maha Vidyalaya tại Áo-lan-ca Bột-đà, đây đều là những trường đại học Phật giáo. Nhờ vào sự nổ lực của ông, đã làm xuất hiện một tầng lớp tín đồ Phật giáo mới tại Ấn Độ, lấy Mumbai, Panta, Ngõa-nhĩ-đạt, Nã-cách-phố-nhĩ làm trung tâm”[8]. Ambedkar cho rằng tôn giáo phải đáp ứng được 4 tiêu chí và loại trừ 1 tiêu chí cố hỷ sau đây:

Tìm mọi phương tiện nâng mặt bằng xã hội lên,

Tương thích với khoa học,

Phật giáo phải đưa được, cung ứng được mức độ giải thoát tự do của người dân,

Phật giáo phải làm được, thiết lập được những tổ chức Phật giáo với người dân.

Loại trừ 1 tiêu chí: Phật giáo không được bần.

Theo ông, kinh điển của đức Phật rất nhiều và cao siêu, cho nên những người bình dân khó có thể thâm nhập và hiểu hết được những lời Phật dạy, cho nên ông đã dày công nghiên cứu để cho ra đời một tác phẩm làm cho người Phật tử dễ hiểu hơn về những lời dạy của đức Phật. Từ năm 1951 đến 1956 ông viết và hoàn thành quyển: “Đức Phật và Giáo lý của Ngài”. Ngoài tác phẩm này ông còn phát biểu và viết những tác phẩm có liên quan đến đạo Phật như sau: “Sự suy tàn và sụp đổ của Phật giáo; Đức Phật và tương lai của Phật giáo; Sự thịnh vượng và thoái hóa của Phụ nữ Hindu”. Những tác phẩm này đến ngày hôm nay vẫn còn giá trị, và góp phần truyền tải giáo lí của đức Phật đối với những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua cu si Ambedkar cho su hoi sinh PG An Do 2

Sau khi Ambedkar theo đạo Phật, ông đã phát 22 lời nguyện như sau:

“1.Tôi sẽ không có niềm tin vào thần Brahma (Đấng sáng thế), thần Vishnu (Đấng duy trì) và Siva (Đấng hủy diệt), cũng như không thờ phụng các thần linh này.

2. Tôi sẽ không có niềm tin vào thần Rama và thần Krishna, những vị thần được xem là hóa thân của Thượng Đế, cũng như không thờ phụng các thần linh này.

3. Tôi sẽ không tin vào thần Gauni, Ganapati và các vị nam thần, nữ thần của Ấn Độ giáo, cũng như không thờ phụng các vị thần linh này.

4. Tôi không tin vào hóa thân của Thượng Đế.

5. Tôi không và sẽ không tin rằng Đức Phật là hóa thân của thần Vishnu. Tôi tin rằng chủ trương đó chỉ là sự tuyên truyền sai lệch và điên dại.

6. Tôi sẽ không tin thực hiên các nghi thức của đạo Hindu và không dâng cúng trong các nghi thức tín ngưỡng đó.

7. Tôi sẽ không làm các hành động nào mà trái với lời dạy của đức Phật.

8. Tôi sẽ không nhờ các đạo sĩ Bà-la-môn thực hiện các nghi thức tôn giáo.

9. Tôi tin vào sự bình đẳng của con người.

10. Tôi sẽ tin vào nỗ lực thành lập sự bình đẳng.

11. Tôi sẽ thực hành theo Bát sinh đạo của đức Phật.

12. Tôi sẽ thực hành mười Ba-la-mật do đức Phật giảng dạy.

13. Tôi sẽ có tâm từ và tâm bi đối với chúng sinh và bảo vệ chúng sinh.

14. Tôi không trộm cắp.

15. Tôi không nói lời lừa dối.

16. Tôi không vi phạm các tội lỗi.

17. Tôi sẽ không sử dụng ma túy, rượu và các chất gây say.

18. Tôi cố gắng thực hành theo Bát sinh đạo và thực tập tâm từ bi trong cuộc sống hằng ngày.

19. Tôi từ bỏ Ấn Độ giáo, tôn giáo không tôn trọng con người, làm trở ngại sự tiến bộ và phát triển nhân loại, vì tôn giáo này dựa vào bất bình đẳng. Tôi chấp nhận đạo Phật là tôn giáo của tôi.

20. Tôi tin chắc rằng Sinh pháp của đức Phật là giáo pháp chân thật duy nhất.

21. Tôi cho rằng tôi được tái sinh lần nữa

22. Tôi trân trọng tuyên bố và xác thực rằng, từ nay trở đi, tôi sẽ dẫn dắt đời sống tôi theo chân lý của đức Phật”[9].

Vào năm 1955, Ambedkar đã cho thành lập Hội Phật tử Ấn Độ với mục đích:

“Truyền bá kiến thức về Phật giáo ở Ấn Độ.

Xây dựng các cơ sở Phật giáo ở càng nhiều nơi càng tốt để củng cố niềm tin của những người mới cải đạo.

Thành lập các trường học để truyền bá văn học và triết học Phật giáo.

Thành lập các trại mồ côi, bệnh viện và các công tác xã hôi khác.

Đào tạo các sứ giả Như Lai để mang thông điệp của đức Phật đến với tất cả các vùng miền của đất nước.

Khuyến khích nghiên cứu so sánh các tôn giáo để thúc đẩy việc nghiên cứu Phật giáo trong quan điểm đúng. Xuất bản các tài liệu để phổ biến Phật giáo, bao gồm các tờ rơi và tài liệu quảng cáo.

Thành lập giáo hội Phật giáo Ấn Độ.

Tổ chức các hội nghị Phật giáo để bàn về việc thống nhất các nghi lễ tôn giáo”[10].

Với sự đóng góp của ông dành cho người dân và Phật giáo tại Ấn Độ. Trong đôi mắt của những người công nhận về sự hy sinh của ông, đã dành cả đời mình cho giai cấp thấp và đóng góp lớn lao trong việc phục hưng Phật giáo Ấn Độ, những danh hiệu như sau đây được nói về ông:

Là một người chuyên nghiệp trẻ tuổi.

Là một người năng động.

Là một người được cho là vị cha tinh thần của những người trẻ tuổi và người già.

Là một nhà luật sư.

Là một nhà biên soạn luật.

Là một nhà diễn thuyết.

Là một người lãnh đạo giai cấp lao động.

Là một vị bộ trưởng.

Là một nhà giáo dục.

Là một người ban hành luật.

Là một vị Bồ tát đáng yêu[11].

Ngày 06/12/1956, B. Ambedkar qua đời sau ba ngày hoàn thành cuốn: “The Buddha and His Dhamma (Đức Phật và Giáo lý của Ngài). Ông Ambedkar đã dành phần lớn cuộc đời của mình cho sự nghiệp kêu gọi tự do, quyền bình đẳng, tình anh em giữa tất cả mọi giai cấp, mọi thành phần trong xã hội. Và uy tín chính trị và giáo dục của ông đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ”[12]. Sự ra đi của ông là mất mát vô cùng to lớn đối với đất nước Ấn Độ đặc biệt là những giai cấp thấp, một người lãnh đạo tinh thần giúp họ vượt qua mặc cảm của số phận và nỗ lực để phát triển bản thân, để từ đó vượt qua định kiến của xã hội.

C. KẾT LUẬN

Phật giáo Ấn Độ đã kinh qua những thăng trầm trong lịch sử, trải qua những thời kì phát triển và những giai đoạn diệt vong, giai đoạn suy tàn Phật giáo dường như đã mất gốc trên chính xứ sở quê hương. Chính lúc ấy, sự xuất hiện của Bhimrao Ambedkar đã mang lại cho Phật giáo một trang sử mới, một diện mạo mới và một vị thế mới. Không chỉ đối với đạo Phật, mà còn người dân bị áp bức bóc lột cũng có chỗ nương tựa về phương tinh thần cũng như vật chất. Mặc dù việc làm của ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục Phật giáo, ông phải đối đầu với những người lãnh đạo theo đạo Bà-la-môn lúc bấy giờ, cùng những chính sách bất lợi đến việc làm của ông. Không riêng về những người bên ngoài đạo Phật, có những vị tu sĩ không đồng tình với quan điểm cải cách Phật giáo do ông chủ trương, nhưng không vì thế mà ông từ bỏ thực hiện nguyện vọng của mình.

Những đóng góp của ông đã làm thay đổi về bộ mặt, tầm vóc của đạo Phật sau một thời gian yên ắng, lúc này đạo Phật tại Ấn Độ ngày càng được phát triển và có được niềm tin trong quần chúng xã hội, đều nhờ vào những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông. Và hơn thế nữa,  hoạt động chấn hưng Phật giáo Ấn Độ đã làm nền tảng và truyền cảm hứng cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên khắp thế giới như: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan…

Những công lao và đóng góp của ông dành cho Phật giáo sẽ mãi được khắc ghi không chỉ tại Ấn Độ mà còn được cộng đồng Phật giáo thế giới vinh danh vì những gì ông đã dành cho đạo Phật và những người thuộc giai cấp thấp rất biết ơn những gì ông đã làm cho họ. B. Ambedkar được xem là Sơ tổ của phong trào Phật giáo Nhập thế trên thế giới vì những hoạt động nhân đạo mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời của mình.

Thích Ân Truyền
NCS Phật học, tu học tại chùa Thọ Quang, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, Tp.Đà Nẵng

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Hạnh Bình, Phương Anh (dịch, 2017), Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
2. Thích Trung Hữu (2017), Sự phục hưng Phật giáo Ấn Độ và vai trò của tiến sĩ Ambedkar, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
3. Kim Kha (biên dịch, 2011), Hướng dẫn Hành hương về xứ Phật, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
4. Thích Tâm Trí (dịch, 2013), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương đông, TP. Hồ Chí Minh.
5. Thích Giác Minh Hữu, “Phật tử B.R. Ambedkar và sự cống hiến cho cuộc đời”. Nguồn:https://phatgiao.org.vn/phat-tu-br-ambedkar-va-su-cong-hien-cho-cuoc-doi-d35183.html#.
6. Nguyên Lộc, “Phật tử B. R. Ambedkar”. Nguồn:http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/xa-hoi/pg-td/26274-phat-tu-b-r-ambedkar.html.
7. Hoang Phong, “BHIMRAO RAMJI AMBEDKAR người đã giúp cho Phật giáo hồi sinh ở Ấn độ”. Nguồn:https://thuvienhoasen.org/images/file/qWJ7WZ1G0QgQAN5s/bhimrao-ramji-ambedkar-hoang-phong-dich.pdf.
8. “Bhimrao Ramji Amebedkar (1891-1956) – Người mang Phật giáo trở lại và thức tỉnh khát vọng tự do – bình đẳng cho tiện dân Ấn Độ”. Nguồn:http://www.phattuvietnam.net/bhimrao-ramji-amebedkar-1891-1956-nguoi-mang-phat-giao-tro-lai-va-thuc-tinh-khat-vong-tu-do-binh-dang-cho-tien-dan-an-do/amp/.

CHÚ THÍCH
[1] Hoang Phong, “BHIMRAO RAMJI AMBEDKAR người đã giúp cho Phật giáo hồi sinh ở Ấn độ”.
Nguồn: https://thuvienhoasen.org/images/file/qWJ7WZ1G0QgQAN5s/bhimrao-ramji-ambedkar-hoang-phong-dich.pdf.
Ngày truy cập: 22/02/2023.
[2] Thích Giác Minh Hữu, “Phật tử B.R. Ambedkar và sự cống hiến cho cuộc đời”. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/phat-tu-br-ambedkar-va-su-cong-hien-cho-cuoc-doi-d35183.html#. Ngày truy cập: 22/02/2023.
[3] “Bhimrao Ramji Amebedkar (1891-1956) – Người mang Phật giáo trở lại và thức tỉnh khát vọng tự do – bình đẳng cho tiện dân Ấn Độ”. Nguồn: http://www.phattuvietnam.net/bhimrao-ramji-amebedkar-1891-1956-nguoi-mang-phat-giao-tro-lai-va-thuc-tinh-khat-vong-tu-do-binh-dang-cho-tien-dan-an-do/amp/. Ngày truy cập: 22/02/2023.
[4] Thích Hạnh Bình, Phương Anh (dịch, 2017), Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 158.
[5] Sđd, tr. 158.
[6] Thích Tâm Trí (dịch, 2013), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 531-532.
[7] Bài giảng của Hòa Thượng Thích Minh Thành, dành cho học viên Thạc sĩ Phật học Khóa 3, Học viện PGVN tại Tp. HCM cơ sở 1.
[8] Thích Hạnh Bình, Phương Anh (dịch, 2017), Sđd, tr. 159.
[9] Thích Trung Hữu (2017), Sự phục hưng Phật giáo Ấn Độ và vai trò của tiến sĩ Ambedkar, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 133-135.
[10] Thích Trung Hữu (2017), Sđd, tr. 136-137.
[11] Bài giảng của Hòa Thượng Thích Minh Thành, dành cho học viên Thạc sĩ Phật học Khóa 3, Học viện PGVN tại Tp. HCM cơ sở 1.
[12] Nguyên Lộc, “Phật tử B. R. Ambedkar”. Nguồn: http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-nganh/xa-hoi/pg-td/26274-phat-tu-b-r-ambedkar.html. Ngày truy cập: 22/02/2023.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường