Văn hóa Phật giáo ở Việt Nam đã được nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm và không ít các học giả đã bàn luận. Tuy nhiên, xét ở góc độ kiến trúc, ngôn ngữ, di sản và pháp phục thì văn hóa Phật giáo Việt Nam lại chưa đa dạng và chưa thực sự tạo ra những đặc trưng mang đậm bản sắc người Việt?
Văn hóa Phật giáo là vấn đề hết sức sâu rộng, thông qua bốn lĩnh vực, đó là: Ngôn ngữ Phật giáo, pháp phục Phật giáo, kiến trúc Phật giáo, di sản Phật giáo là những lĩnh vực có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.
Đối với Phật giáo Việt Nam, bên cạnh bề dày về lịch sử hình thành và phát triển hơn hai ngàn năm qua, trước bối cảnh toàn cầu hóa, đa dạng hóa về nhiều lĩnh vực, Phật giáo Việt Nam đang đứng trước một số vấn đề về văn hóa cần được quan tâm để văn hóa Phật giáo thực sự duy trì những nét riêng mang đậm những giá trị tinh thần trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Tại Hội thảo: “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng” do Ban Văn hóa - Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức vào ngày 28/05/Bính Thân (02/07/2016) tại chùa Yên Phú (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội), Ts.Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nêu ra 3 vấn đề đáng được quan tâm, đó là về pháp phục, kiến trúc và ngôn ngữ của Phật giáo Việt Nam hiện nay, nội dung chỉ rõ:
Pháp phục: nếu chỉ ở trong nước không mấy người để ý về pháp phục của tu sĩ xuất gia Phật giáo (Bắc tông), nhưng vì sự giao lưu ngày càng rộng với Phật giáo quốc tế, khi đi ra nước ngoài, pháp phục Phật giáo Việt Nam dễ nhầm với pháp phục Phật giáo Trung Quốc. Một số vị xuất gia hiện nay, đã mặc y áo, đi giày vải giống các vị sư Đài Loan, Trung Quốc, càng làm cho vẻ bề ngoài sư Việt Nam giống sư Trung Quốc hơn. Đành rằng Phật giáo không chấp về hình tướng nhưng hình thức cũng phản ánh một phần nội dung.
Kiến trúc: ngày xưa, do điều kiện phương tiện có hạn chế, chùa Việt thường được xây dựng trong bố cục không gian vừa phải phù hợp với không gian làng quê. Kiến trúc, tượng pháp, đồ tế khí, câu đối... tùy thời, vừa kế thừa, vừa phát triển đã tạo nên những nét đặc trưng riêng khá điển hình như kiến trúc ở thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn,... Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, việc xây dựng chùa được quan tâm của nhiều người nhưng chùa được xây dựng theo cách riêng của mỗi nơi không có mẫu riêng của kiến trúc, tượng pháp cũng ít theo khuôn mẫu cụ thể. Sự đa dạng đang phong phú nhưng phong phú theo tính tự phát, không định hướng sẽ dẫn tới việc không tạo nên văn hóa Phật giáo đặc trưng Việt trong kiến trúc của một giai đoạn lịch sử. Một số chùa làm theo lối kiến trúc chùa nước ngoài như ở chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Bái Đính (Ninh Bình); tượng pháp nhiều chùa cũng thỉnh từ nước ngoài hoặc làm theo nguyên mẫu tượng ở nước ngoài..., nhiều chùa xây mới nhưng không viết tên chùa bằng tiếng Việt,... “Cái đẹp” đó đang làm cho chuẩn mực kiến trúc, điêu khắc, hội nhập Phật giáo Việt hiện nay đi theo hướng hòa nhập với văn hóa ngoại lai.
Ngôn ngữ: kinh điển giáo lý Phật giáo đã được Việt hóa khá nhiều nhưng hiện tại còn không ít vấn đề trong ngôn ngữ Phật giáo hiện nay. Phần nhiều kinh sách chữ Việt nhưng âm Hán, làm cho số đông người đọc, người tu ít hiểu, vì chưa được chuyển nghĩa cho dễ hiểu, hiểu đúng. Một số chùa xây mới nhưng sử dụng câu đối chữ Hán cho ra vẻ cổ kính. Văn sớ lại được viết bằng chữa Hán cho linh nghiệm,... Đành rằng, hội nhập là cơ hội tốt để học và vận dụng cái hay của quốc tế. Tuy nhiên, một số việc làm đã nêu do chưa hiểu tác hại, vô tình cổ súy cho hội nhập văn hóa, cái mà hàng ngàn năm trước cha ông ta đã biết để tránh xa sự đồng hóa thì nay một số người lại xiển dương xem đó như là một sự “hiểu biết”.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà tu hành cũng thấy đây là vấn đề cần phải khắc phục để văn hóa Phật giáo đúng với giá trị văn hóa hàng nghìn năm qua của dân tộc. Tuy nhiên, những tồn tại ấy cần có thời gian, sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, Giáo hội Phật giáo các cấp và đông đảo tăng ni, phật tử. Thông qua những việc làm cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể phát động xu hướng Việt hóa kinh điển, nội dung triết lý Phật giáo, làm sao càng dễ đọc, dễ hiểu, phổ biến được nhiều người càng tốt. Đưa ra các quy định mới về việc trùng tu, xây mới chùa thì ngôn ngữ thể hiện như tên chùa, câu đối... nên dùng tiếng Việt để mọi người cùng đọc được và hiểu nội dung khi đến thăm chùa, lễ Phật. Hay đối với kiến trúc, gần đây nhiều nơi phấn đấu để đạt kỷ lục chùa to nhất, tượng Phật lớn nhất... nhưng xét thấy điều đó là không cần thiết. Thay vì thế, chúng ta có thể đưa ra những quy định, quy phạm, thống nhất về các kiểu dáng, khuôn mẫu điển hình cho các hệ phái, qua đó sử dụng họa tiết, hoa văn đặc trưng cho văn hóa vùng miền, thời kỳ lịch sử... để chùa là nơi lưu giữ hồn dân tộc. Nhiều người cho rằng, pháp phục của nhà tu hành khi chúng ta lầm tưởng với các quốc gia lân cận, đó cũng chỉ là thói quen trong sinh hoạt hàng ngày nên cần thiết có thể tham khảo ý kiến xã hội, tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu cho phù hợp với người Việt, văn hóa và phong tục tập quán nhiều đời nay của chúng ta.
Có thể nói, loại hình di sản và việc nhận diện đặc trưng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đóng vai trò, giá trị trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và đời sống văn hóa xã hội nên việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo là đặc biệt cần thiết.
Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, thông qua những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo tăng, ni, phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng, Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng và trưởng thành cùng dân tộc. Với những ý nghĩa đó, việc nhìn nhận đúng giá trị di sản văn hóa Phật giáo, cũng như văn hóa Phật giáo nói chung là điều rất cần thiết. Đó cũng là cơ sở đánh giá giá trị, để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, mang đậm bản sắc của văn hóa Phật giáo hiện nay.
Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 17.376 cơ sở tự viện, trong đó có 99 cơ sở tự viện đại trùng tu từ khi thống nhất Phật giáo năm 1981 đến nay, 399 cơ sở được công nhận là di sản Văn hóa cấp quốc gia và hàng trăm cơ sở là di tích Văn hóa cấp tỉnh, thành. Do đó, vấn đề phân cấp quản lý cần thực hiện có khoa học, tránh tình trạng chồng chéo, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm trong quá trình tu bổ, tài chính ngân sách chi phí cho công trình, đến hoang phế.
Trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã nhận định với vai trò là một hình thái ý thức xã hội, Phật giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống và góp phần hình thành đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một thành tố quan trọng trong chỉnh thể văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Cũng tại Hội thảo: “Văn hóa Phật giáo Việt Nam, thống nhất trong đa dạng” được tổ chức gần đây, Tiến sĩ Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu lên định hướng phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó, nhấn mạnh từ pháp phục, ngôn ngữ đến kiến trúc, di sản của Phật giáo Việt Nam cần lấy yếu tố con người làm trung tâm. Do đó, muốn bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo rất cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản mà trước hết là cho tăng ni, phật tử. Những người thực hành đạo Phật chẳng những cần nắm vững giáo lý đạo Phật, biết cách hướng dẫn tu tập cho phật tử mà còn phải được đào tạo đủ năng lực làm lành mạnh hóa các sinh hoạt Phật giáo.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã giao thoa và dung hòa với các tập tục địa phương, với các thần linh bản địa có trước, làm cho Phật giáo Việt Nam mang nhiều sắc thái, có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực. Nên việc phân biệt rõ ràng rồi lựa chọn để bảo vệ những giá trị văn hóa Phật giáo đích thực và các yếu tố tích cực đã tồn tại là điều rất cần thiết. Như chúng ta đã biết, việc cúng dường, công đức của phật tử lên Tam bảo là việc làm thiện tâm hữu ích, là hỗ trợ cho tăng ni có điều kiện sinh hoạt để làm các công tác phật sự, hoằng dương Phật pháp, hướng dẫn phật tử tu tập theo đúng giáo lý của Phật, qua đó có lối sống lành mạnh, ngoài ra những công đức ấy còn được dùng để tu tạo ngôi chùa, góp phần bảo vệ và phát triển văn hóa Phật giáo. Cũng theo TS. Hòa thượng Thích Gia Quang, phát triển văn hóa Phật giáo đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó tăng, ni phải là tấm gương đạo đức về sự tu tập nghiêm túc cho phật tử noi theo. Từ chỗ tin vào sự hướng dẫn đúng đắn của tăng ni, phật tử sẽ gắn bó với ngôi chùa, một lòng hướng theo Phật pháp, thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong tu tập cũng như trong đời sống.
Chặng đường 35 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, làm cho đạo Phật hiện hữu trong lòng dân tộc. Thành công đó là sự kết tinh của tinh thần đoàn kết, hòa hợp, sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức Hệ phái Phật giáo trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của tăng, ni, phật tử... Sự đoàn kết đồng lòng đó cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào hiện tại và tương lai sự thống nhất, giá trị di sản được bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc và thời đại, để lại dấu ấn trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Văn Thủy Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2016
Bình luận (0)