1. Tổng quan
Từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên (CN), hệ thống Phật học Việt Nam liên tục xuất hiện nhiều bản kinh mang triết lý đại thừa, nhiều tăng sĩ, nhiều nhà sư truyền giáo đến Việt Nam ngày một đông hơn. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trước đó với tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử ở thế kỷ thứ II. Tiếp đến là một loạt tác phẩm được dịch, chú sớ, đề tựa của nhiều nhà Phật học đều là những bộ kinh thuộc hệ thống Thiền học Đại thừa như An Ban Thủ Ý kinh bàn về phép Thiền quán sổ tức (phép đếm hơi thở) do Khương Tăng Hội dịch và chú sớ; Pháp Hoa Tam Muội kinh do Cương Lương Lâu Chí và Đạo Thanh dịch, học giả Nguyễn Công Lý nhận xét rằng: “Thời kỳ đầu Phật giáo truyền vào nước ta chủ yếu là Phật giáo Đại thừa với khuynh hướng Thiền học và kinh điển chủ yếu là kinh văn hệ Bát nhã xuất hiện ở Nam Ấn”(1). Có thể thấy, thời điểm này những Thiền sư liên tục du nhập đến Việt Nam với tư cách người truyền đạo, mang phong thái Thiền gia cùng với hệ tư tưởng phương pháp hành Thiền, thành lập Thiền phái cũng như hậu truyền thừa Thiền học tại Việt Nam điển hình như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế kỷ VI), Thiền phái Vô Ngôn Thông (thế kỷ IX), Thiền phái Thảo Đường (thế kỷ XI) và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (thế kỷ XIII).
Từ khóa: Phật giáo Đại thừa, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử,…
Những Thiền phái nêu trên, đều mang trong mình nhiều khuynh hướng Thiền học đa sắc màu, tạo dựng nét đặc thù riêng trải dài từng giai đoạn lịch sử Thiền tông Việt Nam. Từ quy trình, tính chất phong thái Thiền quán xiển dương một cách mạnh mẽ, song cạnh áp dụng triết lý Tịnh Độ vào công cuộc hành Thiền, hoằng Thiền cũng như truyền thừa, tiêu biểu thời kỳ đầu chủ trương của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi trên hệ quy trình hình thành được đánh giá một trong số Thiền phái có được nền tảng thành lập, truyền thừa rõ ràng cũng như ảnh hưởng sâu rộng đầu tiên trong hệ thống Thiền học Việt Nam đối với dân tộc Đại Việt. Không ngạc nhiên gì, khi yếu tố Tịnh Độ hàng nghìn năm qua cho đến hiện nay vẫn đứng vững trong nền tảng tâm thức dân Việt, dân Việt tiếp thu hệ tư tưởng này như nền tảng tâm linh tối thượng hướng đến đời sống tín ngưỡng Phật giáo thuần túy. Nhìn chung, triết lý Tịnh Độ này trải qua từng giai đoạn biến thiên, thăng trầm nhưng đều xuất hiện trong hệ tư tưởng Phật học với tư cách bão hòa, dung hợp, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng không ngoại trừ. Một lần nữa, yếu tố Tịnh Độ đó xuất hiện trong nền tư tưởng Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi trong việc áp dụng hệ triết lý Tịnh Độ vào đời sống Thiền mà hơn một thế kỷ trước đó được Đàm Hoằng(2) người Trung Hoa sang Việt Nam xiển dương mạnh mẽ tại Giao Chỉ bấy giờ.
2. Sơ lược hành trạng Tổ Sư
Cứ theo tài liệu Thiền Uyển Tập Anh(3) ghi lại thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinìtaruci; ?-594), chùa Pháp Vân, làng Cổ Châu, Long Biên. Người nước Nam Thiên Trúc, dòng Bà La Môn. Từ nhỏ mang chí xuất tục, đi khắp Tây Trúc, cầu tâm ấn Phật, nhưng nhân duyên với đạo chưa gặp, bèn cầm gậy sang Đông Nam vào năm Triều Trần đại kiến thứ 6 (574), năm Giáp Ngọ, lúc mới đến Trường An gặp lúc Chu Võ Đế phá diệt Phật pháp, sư muốn sang đất Nghiệp. Bấy giờ đệ tam Tăng Xán vì tị nạn, nên mang y bát ở ẩn trong núi Tư Không, từ những nhân duyên huyền cơ được đắc pháp, ấn chứng nơi tổ, tổ dạy: “Ngươi nên mau qua phương Nam tiếp xúc học hỏi không nên ở đây lâu”. Sư từ biệt ra đi, đến Quảng Châu ở tại chùa Chế Chỉ, gần được 6 năm, dịch được các kinh Tượng Đầu Tinh Xá và Báo Nghiệp Sai Biệt(4). Đến tháng 3 năm Canh Tý đời Chu Đại Tường thứ 2 (580), Sư đến nước ta tại chùa Pháp Vân, lại dịch ra Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì.
Ngược dòng lịch sử Thiền tông, không ngạc nhiên Thiền tông Việt Nam trong sự biến thiên hai ngàn năm qua mang phạm trù quan trọng trong việc cấu tạo hình thành nên Phật giáo Việt Nam. Hệ thống Thiền học trải qua từng triều đại luôn được đề cao, giữ vững vị trí đỉnh điểm nhất định trong lòng dân tộc, không những nhận chân trên đời sống tinh thần - tín ngưỡng tâm linh, song cạnh đó còn đóng góp vai trò quan trọng vào đời sống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, đơn cử như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Đặc biệt hơn, sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hình thành trên cương lĩnh vận động theo thể chế dân tộc và tôn giáo với những gương mặt đại diện tối cao Hoàng Đế - Thiền sư thấm nhuần nền tảng Phật học. Để phát huy được giá trị hiện thực, những Thiền phái trong tiến trình thành lập, song cạnh việc tu tập Thiền định còn áp dụng tiến trình dung hòa, hợp nhất, áp dụng song song những triết lý, học thuyết vào đời sống Thiền, gầy dựng nên những nguyên lý vô phân biệt. Mặt khác, trong công cuộc gầy dựng, quảng bá, xiển dương Thiền phái thịnh hành, phát triển đòi hỏi tự thân Thiền phái cần phải đáp ứng mọi nguyên tắc yêu cầu về hệ tư tưởng sao cho phù hợp nhất định. Sự xuất hiện Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi gần một thập kỷ đã đương nhiệm vai trò này trong công cuộc thiết lập cũng như truyền thừa Thiền học tại Việt Nam. Như đã đề cập, trên đường hướng thực hành Sơ tổ cùng Thiền phái áp dụng nội dung tư tưởng chủ đạo trong kinh Tượng Đầu Tinh Xá, Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì cốt yếu để kiến thiết tạo dựng nên đường hướng, tông chỉ Thiền học trong việc truyền bá cũng như hậu truyền thừa. Nhìn chung những thông tin, chứng cứ lịch sử về Thiền phái cũng như triết lý Tịnh Độ này tuy có phần sơ sài, hạn hẹp, bó buộc nhưng chung quy hệ thống tư tưởng Thiền phái được rút ra từ hai bộ kinh chính này.
3. Triết lý Tịnh Độ
Có thể thấy trên tiến trình hoằng hóa lợi sinh đức Thế Tôn đã kiến giải, chế định vô lượng pháp môn tu nhưng điểm chung quy cuối cùng đều hướng chúng sinh đến sự giải thoát nhất định, trong kinh Tăng Chi Bộ III, đức Phật khẳng định rằng: “Nước của bốn biển chỉ có một vị duy nhất, đó là vị mặn của muối. Giáo pháp của Như Lai cũng thế, chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”(5) nhằm hướng chúng sinh đến tầm nhận thức khổ đau, kiến tạo nên đời sống an lạc, giải thoát. Vì như thế trong tiến trình thành lập, hoằng truyền tông chỉ Thiền học, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi áp dụng đan xen quy trình, phối hợp Thiền - Tịnh song tu nhằm cộng hưởng, bổ túc, yểm trợ cho nhau trên tiến trình hành thiền, hoằng hóa. Về quan điểm này Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh trong tác phẩm Thiền Tịnh Song Tu đã hoạch định, đưa ra những kiến giải những điểm tương đồng giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông như sau: “Thiền và Tịnh đều cột tâm vào một chỗ. Định của Thiền và Tịnh đưa đến trí tuệ, ngộ nhập Phật tri kiến.
Thiền tông và Tịnh Độ tông đều là pháp môn đại thừa. Thiền và Tịnh đều cần tam vô lậu học- Giới, Định, Tuệ. Trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền”(6). Nhìn chung, sự hoạch định đã hoàn toàn giải đáp được vai trò, sự lợi ích khi kết hợp triết lý Thiền - Tịnh vào đời sống tu Thiền mà những Thiền phái xuất hiện tại Việt Nam hai ngàn năm qua đều ảnh hưởng, chủ trương.
Thông thường khi bàn về pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam, chúng ta luôn mặc định, hướng đến, hay đề cao sự xuất hiện nhà sư Đàm Hoằng có nguồn gốc từ Trung Hoa sang Việt Nam và tu hành, xiển dương Tịnh Độ một cách mạnh mẽ hồi thế kỷ thứ V tại chùa Tiên Sơn. Nhưng vô tình đã không nhắc đến, hoặc chăng chỉ điểm qua sơ lược sự hiện hữu của triết lý Tịnh Độ trong hệ thống tư tưởng Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi với tư cách dung hòa trong Thiền phái từ hệ quy trình đan xen Thiền - Tịnh song tu, vô hình trung triết lý Tịnh Độ nơi Thiền phái xiển dương mang tầm ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng, tạo tiền đề, bước ngoặt về sau cho hệ thống tu Thiền tại Thiền tông Việt Nam.
Như trên đề cập, Thiền phái Tỳ Ni Đa Ưu Chi trong vấn đề hình thành hệ tư tưởng, truyền thừa đã y cứ những bản kinh từ Tổ Sư dịch mà kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì đã hàm ý chứng minh sự xuất hiện, hiện hữu hình ảnh đức Phật A Di Đà: “Này A Dật Đa, ông nay nên biết, Tỳ kheo Tịnh Mạng của thời quá khứ há người nào khác? chớ có cái nhìn sai khác ấy. Vị ấy nay là Phật A Di Đà vậy. Này A Dật Đa, ông nay nên biết Tỳ kheo Đạt Mạ của thời quá khứ há là người khác sao? Chớ có cái nhìn khác vậy. Nay chính là thân ta vậy. Do ta trong thời quá khứ ngu si vô trí, hủy báng người kia nên chịu khổ báo như vậy. Ta vì nhân duyên nghiệp đó mà thành đẳng chính giác ở trong đời ngũ trược”(7). Từ bản dịch của Tổ Sư một phần kiến tạo nên nhãn quan, nhận thức mới cho giới Phật học đương thời về sự tái hiện, xuất xứ Phật A Di Đà thời quá khứ do chính đức Phật Thích Ca nói ra được đề cập trong kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, Tỳ kheo Đạt Mạ trong thuở quá khứ do lòng cố chấp, hủy báng chính pháp nên thân hoại mạng chung đọa lạc địa ngục là tiền thân của đức Phật Thích Ca, Tỳ kheo Tịnh Mạng kiếp trước hàm chỉ tiền thân đức Phật A Di Đà mà về sau truyền thống tín ngưỡng Tịnh Độ tại Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, đều xiển dương tu hành phát nguyện trong kiếp sống hiện tại trì danh hiệu, quán tưởng đến nhất tâm bất loạn sau khi chết sẽ sinh về thế giới Cực Lạc do đức Phật A Di Đà làm giáo chủ. Như vậy, một lần nữa sự xuất hiện tôn thân đức Phật A Di Đà trong bản kinh Phương Quảng Tổng Trì đã giới thiệu về pháp tu Tịnh Độ tại Việt Nam trong giai đoạn khởi nguyên thành lập Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà tiêu biểu trong hệ tư tưởng Thiền phái đã cân nhắc, bày rõ quan điểm qua hình ảnh tôn thân đức Phật A Di Đà mô tiếp hình thành nên chủ trương tương đối kiện toàn về sau.
Hơn nữa, thiền sư Pháp Hiền với vai trò Nhị Tổ trên cương vị người kế thừa chấp chưởng tông môn, mạng mạch Thiền phái đã tiếp tục duy trì, không ngừng phát triển sau khi Sơ Tổ viên tịch được Thiền Uyển Tập Anh chép lại với sự kiện sau khi Sơ Tổ tịch, Nhị Tổ đã đến vùng núi Tiên Du kiến dựng nên trung tâm Thiền Chúng Thiện, mà tác giả Thiền Uyển Tập Anh mô tả khá sâu sắc, đề cao việc hành Thiền, chứng đạo nơi ngài: “Hình như cây khô, vật, ngã đều quên, chim bay đến chầu, dã thú vây quanh”(8) khiến người kéo đến học không thể đếm xiết. Với quan điểm này, trên thực tế trước khi Nhị Tổ đến để xiển dương tư tưởng Thiền học do Sơ Tổ chủ trương và được phát triển thì tại vùng núi Tiên Du này với chùa Tiên Sơn đã xuất hiện Trung tâm Tịnh Độ giáo lớn do Đàm Hoằng xiển dương và hướng dẫn đồ chúng tụng kinh Vô Lượng Thọ và quán Vô Lượng Thọ kinh. Trên quan điểm này theo ý kiến nhà sử học Lê Mạnh Thát trong công trình nghiên cứu Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam với những minh chứng, dữ liệu đưa ra nhận định xác đáng rằng: “Tư tưởng Tịnh Độ tại trung tâm Tiên Sơn như thế đã ít nhiều mang tính chất thiền. Do thế ta không ngạc nhiên sau năm 594, Pháp Hiền đã có thể mở ra một trung tâm Thiền lớn tại chùa Chúng Thiện”. Như vậy, có thể thấy rằng nhằm xiển dương tư tưởng Thiền mới mẽ do Sơ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đề xướng Nhị Tổ đã tiếp tục quảng bá, bên cạnh đó còn tiếp thu, học hỏi về nền tảng Tịnh Độ với kinh Vô Lượng Thọ yếu chỉ về tiền thân của đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện của ngài và quán kinh Vô Lượng Thọ chỉ cho phép quán về thập lục quán, ghi lại 16 phép quán về đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, với những lập luận, chứng cứ xác đáng Lê Mạnh Thát tiếp tục khẳng định rằng “đây có thể nói là một lối thiền quán theo hướng Tịnh Độ giáo”.(10) Điểm chung quy nhất định với lối kết hợp này là nhằm hướng tâm đến sự an định, bất loạn.
Không đơn thuần chỉ dừng lại từ sự xuất hiện hình ảnh đức Phật A Di Đà trong quá trình tu chứng thuở quá khứ đã giới thiệu trong bản kinh, cũng như Nhị Tổ Pháp Hiền tiếp thu thâu nhận hệ tư tưởng Tịnh Độ tại vùng núi Tiên Du, chùa Tiên Sơn. Hơn nữa, điều này có thể thấy rõ ràng nhất thông qua chứng cứ trong hệ thống tu học Thiền phái, đã đề cao phương pháp thực hành sám hối, luôn được duy trì và tinh cần nhằm tháo gỡ, sám hối các trọng tội, nghiệp lực với nhân tố trực tiếp gây nên là thân, khẩu, ý, khoáy động trực tiếp. Nhằm hướng hành giả đến sự giác ngộ, điều cốt lõi phải sám hối sáu căn sao cho thanh tịnh, đồng thời, ngăn ngừa “lục căn” khi tiếp xúc “lục trần” không sinh dính mắc, không dính mắc là vô trụ, không sinh các trọng tội, từ đó tâm được thanh tịnh. Cho nên, hệ thống thực hành sám hối được chủ trương trong kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì đề cập: “Ta trong bảy năm trước, ngày đêm sáu thời, sám hối các trọng tội do nghiệp thân, miệng và ý tạo ra. Từ đó về sau mới được thanh tịnh, trải mười kiếp rồi mới được pháp nhẫn”.(11) Rõ ràng từ bản kinh thấy được đức Phật khẳng định, thực hành ngày đêm sáu thời sám hối trọng nghiệp từ sáu căn phát khởi, nâng cao ý thức, trách nhiệm tự thân để đạt được thanh tịnh, đây là pháp thực hành do Đức Phật đã thực hiện, mà hầu hết Phật giáo Nguyên Thủy hay Đại Thừa cũng đều chủ trương, thực tập.
Tiếp nối phương pháp hành trì sám hối Sơ Tổ chủ trương, thế kỷ X tác phẩm Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn do Thiền sư Pháp Thuận (925-990) hậu nhân kế tục đời thứ 10 Thiền phái trước tác thành văn nhưng hiện tại không may đã thất lạc. Nhưng tiêu biểu hơn vào thời Trần phương pháp sám hối này một lần nữa được tái hiện, nâng tầm nhận thức, xiển dương, được chú trọng đặc biệt trong việc hành Thiền, Lê Mạnh Thát trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, quyển 2 đưa ra ý kiến rằng: “Phương pháp sám hối sáu thì này mà vua Trần Thái Tông viết thành một quy trình chi tiết cụ thể rõ ràng là xuất phát từ truyền thống thiền của Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Pháp Hiền. Cụ thể là từ Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì”.(12) Như vậy, nhằm hướng thiền Trúc Lâm đến sự kiện toàn nhất định ngay thuở đầu Hoàng Đế - Thiền sư Trần Thái Tông đã tiếp thu hết lòng chuyên tâm xây dựng một hệ thống tập luyện mới, lấy sám hối làm phương tiện thực hành tẩy rửa uế trược, nhiễm ô trong tâm, hệ thống tập luyện đặc sắc này thành văn mang tựa Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi nhằm gầy đựng nên một hệ thống, đường hướng kiện toàn cho tông môn Trúc Lâm về sau. Để rồi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời với sự lãnh đạo tối cao nơi Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông trên phương diện tu thiền, hành thiền, hoằng truyền tông chỉ Thiền đã xiển dương phương pháp này như yếu tố nội tại với mục đích “Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được”, hoặc chăng điều phương pháp này thể hiện thông qua chủ trương hội thứ tư trong Cư Trần Lạc Đạo phú: “斷六根年除六賊 / Đoạn lục căn nên trừ lục tặc”. (13) Truyền thống tu tập đó được tiếp nối với sự kế nhiệm của Nhị Tổ Pháp Loa trong Khuyến Xuất Gia Tiến Đạo Môn đã trình bày với quan điểm: “若 親近善有,勸令懺悔,滅罪前愆, 勤求知識,修道精進也 / Gần gũi bạn tốt, khuyên bảo sám hối, diệt trừ tội căn, chăm điều học hỏi, tu việc đạo ngày đêm tinh tiến”.(14) Từ một đường hướng nhất định với phương pháp sám hối, có thể thấy rằng sự kế thừa tiếp thu hệ thống sám hối từ Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, cùng với sự chuyên cần tu tập từ Trần Thái Tông thuở hàn vi đã kiện toàn đường hướng cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thực hành dưới thời Tam Tổ Trúc Lâm.
Sự ra đời tác phẩm Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi này một phần đã thể hiện sự sáng tạo độc đáo góp phần vào kho tàng Thiền học ở chổ mang tính chất trang trọng, gần gũi, giản dị. Đề cao sự lợi ích thực hành sáu thời sám hối, nhằm cảnh tỉnh, phản quan, quán chiếu sáu căn nhằm sám hối, ngăn ngừa trọng tội gây ra. Có thể thấy, yếu chỉ thực hành sáu thời sám hối trong kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì đã mang tiền đề, bước ngoặc quan trọng đối với Thiền tông tại Việt Nam tiêu biểu như Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử mãi cho đến hiện đại này tại cơ sở thiền viện, tòng lâm, đặc biệt hơn Thiền Sư Thích Thanh Từ người được xem là nhân vật phục hưng Thiền phái Trúc Lâm hiện đại luôn đề cao, hướng dẫn đồ chúng luân phiên sáu thời lễ sám, sám hối trọng tội do lục căn tạo ra. Rõ ràng, yếu tố sám hối lục căn vào sáu thời được Thiền phái chủ trương đã hoàn toàn mô phỏng triết lý Tịnh Độ của Thiền phái được xiển dương khá mạnh mẽ và thịnh hành gần một thập kỷ. Hơn thế nữa, chứng cứ khảo cổ lịch sử còn ghi nhận thế hệ thứ 12 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi từ sự xuất hiện Thiền sư Trì Bát (1049 - 1117) thọ cụ túc giới với Thiền sư Sùng Phạm, theo nghiên cứu Thiền Uyển Tập Anh của học giả Lê Mạnh Thát xác định: “Bệ đá thờ Phật Di Đà được tìm thấy tại chùa Hoàng Kim của xã Hoàng Ngô tỉnh Quốc Oai đã có ghi tên Trì Bát, ghi nhận Trì Bát đã dựng tượng đức A Di Đà vào năm 1099”.(15) Vậy rõ ràng, chủ trưởng nơi Sơ Tổ cũng như Thiền phái đã duy trì và xiển dương, lan tỏa yếu tố Tịnh Độ vào đời sống Thiền.
Từ sự kế thừa ý kiến những nhà nghiên cứu tiền nhân đi trước với những cơ sở lập luận quan điểm này, có thể thấy rằng nhằm xiển dương tư tưởng mới Nhị Tổ đã tiếp tục duy trì không ngừng phát triển tiếp thu tư tưởng Tịnh Độ có sẵn, cộng vào đó áp dụng tư tưởng mới của thiền phái xiển dương nhằm để cũng cố, hoàn thiện hệ thống tư tưởng hướng dẫn giới đương thời theo trình tự của Thiền phái đề ra, nhờ vậy nên thiền phái đã phát huy được những giá trị cốt lõi mà thiền học phương Nam hưng thịnh dưới sự hướng dẫn của Pháp Hiền mà Thiền Uyển Tập Anh có nhắc đến trong truyện Quốc Sư Thông Biện (?- 1134) thuộc thế hệ thứ tám của Thiền phái Vô Ngôn Thông. Theo đó, vào ngày Rằm tháng hai, mùa xuân, năm Hội Phong thứ 5 (1016 dl.), Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu có đến dự trai tăng ở chùa Phổ Ninh, nơi ngài Thông Biện trụ trì. Nhân đó Hoàng thái hậu có hỏi thăm về giáo lý và nguyên lai việc truyền đạo Phật vào nước ta. Trong phần trả lời, ngài Thông Biện có đề cập việc Tùy Cao tổ bảo với Pháp sư Đàm Thiên, nên chọn người có danh có đức đưa sang giáo hóa xứ Giao Châu sao cho dân ở nơi ấy cũng được biết đến giáo pháp của Đức Phật. Ngài Thông Biện cho biết Đàm Thiên đã trả lời Tùy Cao tổ như sau: “Một phương Giao châu, đường thông Thiên trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn 20 ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu Đà La, Ma La Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền tông phái của Tam tổ, là người trong hàng Bồ tát, đang ở chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người, cùng với Trung quốc không khác. Bệ hạ là cha lành của thiên hạ, muốn bố thí một cách bình đẳng thì chỉ riêng khiến sứ đưa xá lợi đến, vì nơi ấy đã có người, không cần đến dạy dỗ”. Vậy thì, Pháp Hiền Nhị Tổ kế tục thầy mình, với đường lối tư tưởng thiền mới do Sơ Tổ đề xướng cộng chung với tín ngưỡng Tịnh Độ có sẵn nơi chùa Tiên Sơn đã kết hợp hài hòa, phối lẫn vào nhau tạo nên tư trào mới đáp ứng nhu cầu Phật học bấy giờ.
Nhìn chung, Thiền phái cổ xúy áp dụng Thiền - Tịnh song tu hướng đến sự nhất quán trong tiến trình tu hành nhằm bổ trợ, xác nhập hướng đến tâm định tĩnh khi hành thiền; Cho nên, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi với một trào lưu thời đại mới bắt buộc thiền phái cần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thời đại nên với phương pháp thiền kết hợp Tịnh Độ đã tạo dựng nên nét đặc sắc đa màu, trào lưu hệ tư tưởng nhằm kiến dựng nên hệ thống thiền học thịnh hành, phát triển dưới thời Sơ Tổ, nhị tổ cũng như xuyên suốt chuỗi dài truyền thừa.
4. Tạm kết
Từ những quan điểm như đã đề cập với yếu chỉ triết lý Tịnh Độ đan xen yếu tố Thiền, có thể thấy rõ ràng truyền thống từ thời Tổ Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã phối hợp nhuần nhuyễn, đan xen hài hòa giữa Thiền và Tịnh Độ phối hợp với nhau trên tiến trình tu chứng của Sơ tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Nhị tổ Pháp Hiền nói riêng hay Thiền học Việt Nam nói chung. Có thể thấy sự kiện này bắt nguồn, khởi nguyên từ Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một minh chứng sống động, rõ ràng trong nội dung kinh Tượng Đầu Tinh Xá, Đại Thừa
Phương Quảng Tổng Trì đã xiển xương, giới thiệu, quảng bá hồi thế kỷ thứ VI liên tục được đề cập với phong cách tu Thiền - Tịnh phối hợp. Để rồi, từ sự mô tiếp kết hợp đó cấu kết nên sự dung hợp về sau dưới quy luật kết tinh tối cao của sự dung hòa xuất hiện trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà đứng đầu Tam Tổ Trúc
Lâm lãnh đạo. Vậy cho nên, yếu tộ triết lý Tịnh độ tại Việt Nam không chỉ xuất hiện, phát khởi mạnh mẽ dưới thời Đàm Hoằng, mà bên cạnh đó yếu tố này còn ảnh hưởng, lan tỏa, hài hòa, đan xen mạnh trong hệ tư tưởng Thiền học của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Pháp Hiền nhị Tổ cũng như những thế hệ kế tục về sau.
Thích Minh Hiển - Học viên Cao học khóa II Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021 -----------------------CHÚ THÍCH: (1) PGS.TS. Nguyễn Công Lý, Phật Giáo Việt Nam Trong Mối Giao Lưu - Tiếp Biến Với Phật Giáo Ấn Độ, Phật Giáo Trung Quốc Và Tín Ngưỡng Dân Gian Bản Địa, VNH3.TB4.580 (2) Vị Tăng ở đời Lưu Tống thuộc Nam Triều, người Hoàng Long. Sư xuất gia từ nhỏ, chuyên tinh giới luật. Trong năm Vĩnh Sơ (420 - 422), Sư đến Quảng Đông, dừng chân ở đài tự. Sau đó Sư đến chùa Tiên Sơn đất Giao Chỉ, thường tụng kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, phát nguyện vãng sinh Tây Phương. Năm Hiếu Kiến thứ 2 (455) Sư Vào núi tự thiêu rồi tịch. Mọi người trong thôn đều thấy toàn thân Sư sáng chói, ngồi trên lưng con nai bằng vàng đi về phương Tây. Thâm cảm sự lạ lùng ấy, mọi người thu nhặt tro xương của Sư, dựng tháp cúng dường… Sa Môn Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại Từ Điển, Tập 2, Nxb. Phương Đông, Tr. 1794 (3) Lê Mạnh Thát (2005), Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Phương Đông. (4) Thiền Uyển Tập Anh ghi nhầm là Báo Nghiệp Sai Biệt, trên thực tế các kinh lục Trung Quốc và bản in đại tạng kinh Trung Quốc ngày nay thì không có Báo Nghiệp Sai Biệt mà chỉ có Nghiệp Báo Sai Biệt, hay gọi đủ là Phật Thuyết Thủ Trương Giả Nghiệp Báo Sai Biệt kinh mang số ĐTK 80 và được vào bộ A Hàm.Theo Thích Thị Thông Giám nói năm 582, Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào ở tại đất Tùy để dịch kinh “Tùy Văn Đế vào năm Nhâm Dần (582) triệu Pháp Trí (người Ấn, tên phạn ngữ là Dharmajnàna) đến kinh đô dịch kinh. Lúc đó lại có Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tên hán tự là Diệt Hỷ, mới qua; vua cũng triệu vào dịch kinh. Tháng hai năm ấy, Diệt Hỷ dịch xong kinh Tượng Đầu, tháng ba, Pháp Trí dịch xong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt. Tháng bảy Diệt Hỷ lại dịch xong kinh Tổng Trì”. Theo ý kiến nguồn sử liệu Thích Thị Thông Giám có thể thấy kinh Nghiệp Báo Sai Biệt là do ngài Pháp Trí dịch chứ không phải ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đọc thêm: Lê Mạnh Thát (2001), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 2, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tr. 51 Và Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-II-III, Nxb. Phương Đông, Tr. 85-86 (5) Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII, Tám Pháp II, Phẩm Lớn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. (6) Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (2001), Thiền Tịnh Song Tu, Nxb. Tôn Giáo-Việt Nam, Tr. 11-14 (7) Bản dịch trong: Lê Mạnh Thát (2001), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 2, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tr. 756 (8) Lê Mạnh Thát (2005), Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Phương Đông, Tr. 281 (9) Lê Mạnh Thát (2001), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 2, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tr.87 (10) Lê Mạnh Thát (2001), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 2, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tr.91 (11) Lê Mạnh Thát (2001), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 2, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tr.769 (12) Lê Mạnh Thát(2001), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Quyển 2, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tr.82-83 (13) Viện Văn Học(1989), Thơ Văn Lý Trần, Tập II, Quyển thượng, Nxb. Khoa Học Xã Hội-Hà Nội Tr.506 (14) Viện Văn Học(1989), Thơ Văn Lý Trần, Tập II, Quyển thượng, Nxb. Khoa Học Xã Hội-Hà Nội Tr.650-652 (15) Dẫn theo: Lê Mạnh Thát(2005), Nghiên Cứu Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Phương Đông, Tr. 624
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Nxb. Tôn Giáo - Hà Nội. 2. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-II-III, Nxb. Phương Đông. 3. Lê Mạnh Thát (2005), Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Phương Đông. 4. Lê Mạnh Thát (2001), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. 5. Viện Văn Học (1989), Thơ Văn Lý Trần, Tập II, Quyển thượng, Nxb. Khoa Học Xã Hội - Hà Nội. 6. Sa Môn Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại Từ Điển, Tập 2, Nxb. Phương Đông. 7. Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (2001), Thiền Tịnh Song Tu, Nxb. Tôn Giáo-Việt Nam. 8. PGS.TS. Nguyễn Công Lý, Phật Giáo Việt Nam Trong Mối Giao Lưu - Tiếp Biến Với Phật Giáo Ấn Độ, Phật Giáo Trung Quốc Và Tín Ngưỡng Dân Gian Bản Địa, VNH3.TB4.580 9. HT. Thích Như Điển biên soạn (2012), Tư Tưởng Tịnh Độ Tông, Nxb. Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc và quý Phật tử Âu Châu, Úc Châu và Mỹ Châu ấn hành.
Bình luận (0)