Thích Giác Hợp Học viên Cao học khóa IV, Học viện PGVN tại Hà Nội
Tóm tắt: Kinh Duy Ma Cật là một bộ kinh quan trọng trong hệ thống kinh điển Đại thừa Phật giáo. Nội dung của bộ kinh này, ngoài việc bàn về tư tưởng Bát Nhã học nhằm mục đích giúp hàng Thanh Văn bỏ đi những kiến chấp sai lầm vào phương pháp tu tập, bước lên con đường lớn Đại thừa Bồ tát, tìm được chân giải thoát ngay trong hiện tại. Nhưng với tư cách là một bộ kinh mang đậm tính triết học, ẩn sau những tư tưởng Bát Nhã là những luận bàn về sự tồn tại của thế giới và về sự tồn tại của con người (bản thể luận). Bài viết này đã trình bày được vấn đề bản thể luận trong triết học Phật giáo để từ đó đưa ra nội dung của bản thể luận trong kinh Duy Ma Cật thông qua hai vấn đề: chân dung đích thực của bản thể và tính chất của bản thể.
1. Đặt vấn đề
Từ khi ra đời cho đến nay, triết học luôn đồng hành cùng với sự phát triển của nhân loại và đặt ra những vấn đề cơ bản mang ý nghĩa nền tảng, là điểm khởi đầu để giải quyết các vấn đề còn lại. Vấn đề cơ bản của triết học đó là mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại và tư duy. Hay nói cách khác, vấn đề cơ bản của triết học bao gồm hai mặt: bản thể luận và nhận thức luận. Lịch sử hình thành và phát triển của triết học đã chứng minh hai mặt bản thể luận và nhận thức luận có mối quan hệ thống nhất hữu cơ với nhau không thể tách rời trong nội dung vấn đề cơ bản của triết học. Triết học Phật giáo là một bộ phận quan trọng của triết học, cho nên nó cũng góp phần giải quyết những vấn đề mà triết học đặt ra để giúp con người nhận thức khách quan về thế giới. Phật giáo hình thành và phát triển qua bao nhiêu thời kỳ thì triết học Phật giáo cũng phát triển trải qua bấy nhiêu thời kỳ ấy và giữa chúng có những đặc điểm riêng biệt. Kinh Duy Ma Cật thuộc thời kỳ triết học Phật giáo Đại thừa nên nó mang trong mình đầy đủ những tư tưởng và đặc điểm của Đại thừa Phật giáo. Mặc dù nội dung chủ yếu của kinh Duy Ma Cật là bàn về tư tưởng Bát Nhã học nhằm mục đích giúp hàng Thanh Văn bỏ đi những kiến chấp sai lầm vào phương pháp tu tập, bước lên con đường lớn Đại thừa Bồ tát, tìm được chân giải thoát ngay trong hiện tại. Nhưng với tư cách là một bộ kinh mang đậm tính triết học, ẩn sau những tư tưởng Bát Nhã là những luận bàn về sự tồn tại của thế giới và về sự tồn tại của con người (bản thể luận). Do vậy, nghiên cứu vấn đề bản thể luận trong kinh Duy Ma Cật là một việc làm cần thiết để góp phần làm rõ tính triết học từ những tư tưởng Phật giáo thông qua những quan niệm của đạo Phật về tồn tại của thế giới (vạn pháp), về tồn tại của con người.
2. Nội dung
2.1. Bản thể luận trong triết học Phật giáo
Thuật ngữ “bản thể luận” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại; nó là sự kết hợp của hai từ: “on” - cái thực tồn, cái đang tồn tại và “logos” - lời lẽ, học thuyết, tạo thành “học thuyết về tồn tại”. Bản thể luận là một học thuyết về tồn tại. Hay nó được hiểu là sự lý luận về bản thể, nguồn gốc và về tồn tại. Nói một cách dễ hiểu, bản thể luận là luận bàn về tất cả những gì đang tồn tại trong thế giới khách quan xung quanh chúng ta, ở ngay bản thân của sự vật hiện tượng và nó tồn tại theo tính riêng, quy luật riêng của nó. Hay như Phật giáo nhận định: “nhậm trì tự tính, quỹ sinh vật giải”. Nghĩa là: bất cứ một tồn tại nào đều có tự tính riêng biệt, không giống nhau. Nhờ nó giữ gìn khuôn khổ, quỹ đạo nhất định, nên khi tiếp xúc ta biết đó là vật gì.
Bản thể luận là một chi phần quan trong nhất của triết học (đặc biệt là siêu hình học). Từ thời cổ đại, đã có rất nhiều tư tưởng, quan niệm, ý kiến khác nhau của các nhà triết học, nhưng tựu trung lại thì đều bàn đến học thuyết về tồn tại, nguồn gốc, bản thể của mọi sự vật hiện tượng.
Trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa, bản thể luận là vấn đề được chú trọng và bàn luận về bản chất của tất cả sự vật hiện tượng, bản chất của chúng sinh,…Tiến trình hình thành và phát triển của Phật giáo trải qua nhiều giai đoạn, do vậy mà bản thể luận cũng phát triển song hành cùng với sự phát triển của Phật giáo. Theo Tiến sĩ Đinh Quang Hổ (HT.Thích Quảng Tùng)[1] có đưa ra những vấn đề mà Phật giáo bàn đến bản thể luận như: thuyết bản thể “thực hữu”, thuyết bản thể “tính Không”, thuyết bản thể “tâm thức”, thuyết bản thể “duy thức”.
Thứ nhất, về thuyết bản thể “thực hữu”. Thuyết này trong triết học thời kỳ bộ phái có phái “nhất thiết hữu bộ” đã luận bàn và giải thích rõ về quan điểm này. Thuyết bản thể “thực hữu” bàn luận và giải thích sự tồn tại chân thực của bản thể với tư cách là bản nguyên của các pháp (sự vật, hiện tượng trong thế giới) và chúng được biểu hiện ra bên ngoài qua tính sinh động của mọi hiện tượng. Sự tồn tại này thông suốt ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng tồn tại có sự sai biệt khác nhau về tướng trạng nhưng đều cùng chung một bản thể thường hằng bất biến.
Thứ hai, về thuyết bản thể “tính Không”. Trung Quán tông là một trong những trường phái triết học của Phật giáo nói đến tư tưởng tinh Không. Trung Quán tông cho rằng tất cả sự vật đều dựa vào nhau mà thành lập, tức là duyên khởi, cho nên không tồn tại độc lập, không có tự ngã, không có tự tính. Thuyết bản thê “tính Không” được coi là bản nguyên, sự tồn tại đích thực của vạn pháp. “Không” là khởi nguồn của mọi tồn tại, là nguyên nhân đầu tiên sinh ra vạn pháp. Về hiện tượng thì vạn pháp có sinh có diệt, nhưng bản chất thì đều là tính Không.
Thứ ba, về thuyết bản thể “tâm thức”. Duy Thức tông là tông phái nghiên cứu luận giải các hoạt động của tâm thức và coi tâm thức là bản nguyên của vũ trụ vạn vật trong đó có chúng sinh. Vì chủ trương của phái này là “vạn pháp duy thức” - muôn pháp tồn tại không tách rời ý thức (tâm thức). Do vậy, theo cách nhìn của triết học thì “tâm thức” chính là bản thể luận trong tư duy trừu tượng. Và điều này cũng cho thấy, bản thể luận của Phật giáo chủ yếu đề cập đến khái niệm “Tâm”.
Thứ tư, về thuyết bản thể “duy thức”. Thuyết này được phái Du Già hành phát triển từ thuyết bản thể “tâm thức”. Phái này cho rằng bất kể là pháp hữu vi hay vô vi đều không tách rời “thức” và được chứng minh qua hai thuyết: thuyết phân hóa thức và thuyết chủng tử sinh hiện hành.
Cuối cùng, về một số quan niệm về bản thể luận của Phật giáo Việt Nam. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi quan niệm bản thể chính là “tâm ấn” - một biểu hiện của Phật tính, chân tâm được thầy truyền cho đệ tử sau khi đã giác ngộ. Thiền phái Vô Ngôn Thông lại quan niệm bản thể liên quan đến pháp thân. Pháp thân ấy vốn không có hình tướng nhưng ứng hóa thành Phật và có mặt ở tất cả mọi nơi, thoát khỏi ràng buộc của phiền não. Khi đó chân như Phật tính và pháp thân đồng một thể. Trần Thái Tông quan niệm bản thể là “Không” với hàng loạt các định nghĩa, khái niệm khác về Không trên tinh thần bản thể như: tính, pháp tính, chân tính, Phật, chân tâm, bản lai diện mục,…Tuệ Trung Thượng Sĩ quan niệm bản thể là chất ban đầu, gốc rễ của sự vật đó chính là “Không tịnh” - Không vẳng lặng. Đối với Phật giáo Trúc Lâm quan niệm Phật, giác tính là bản tính (bản thể).
Tóm lại, dựa vào tiến trình hình thành và phát triển của bản thể luận trong triết học phương Đông , phương Tây và triết học Phật giáo, có thể định nghĩa vắn tắt bản thể luận như sau:
“Bản thể luận là học thuyết về tồn tại, mà hạt nhân của nó là những nguyên lý, những nguyên tắc chung nhất của một dạng tồn tại đặc biệt - tồn tại người”[2].
2.2. Bản thể luận trong kinh Duy Ma Cật
2.2.1. Chân dung đích thực của bản thểKinh Duy Ma Cật là một bộ kinh thuộc văn hệ Bát nhã của Phật giáo thời kỳ Đại thừa. Phật giáo Đại thừa chia làm ba giai đoạn: Sơ kỳ Đại thừa, trung kỳ Đại thừa và hậu kỳ Đại thừa. Kinh Duy Cật ra đời vào khoảng từ đầu thế kỷ I đến thế kỷ II SCN, do vậy thuộc sơ kỳ Đại thừa (50 - 400 SCN). Các kinh điển tiêu biểu ở thời kỳ này như: kinh Bát Nhã, kinh Duy Ma, Tam luận,…nội dung của các kinh này đều đề cập đến tính Không là thực tướng của các pháp. Bởi thế, tính Không là tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ kinh Duy Ma Cật. Và tính Không có thể coi là chân dung đích thực của bản thể, bản nguyên của các pháp. Muôn pháp đều từ đây mà lưu xuất và điểm cuối cùng của vạn pháp đều quay trở về với bản nguyên ban đầu của nó là tính Không. Tính Không là cơ sở ban đầu đề hình thành nên hệ thống tư tưởng trong kinh Duy Ma Cật như: tịnh độ, vô phân biệt, bất nhị, vô sở đắc,…Chính vì vậy, tính Không trong kinh Duy Ma Cật thuộc thuyết bản thể “tính Không”.
Tính Không này chính là phật tính mà tất cả chúng sinh ai ai cũng có. Đại thừa gọi đó là tính Không vì cái Chân tính ấy vốn không có hình tướng nào, không có một danh từ nào, tịch tĩnh vắng lặng, không sinh, không diệt, không đến, không đi… nhưng trong chân không vi diệu ấy nó vẫn chứa đầy đủ muôn pháp, các pháp cũng từ nơi chân không ấy mà thường lưu xuất ra và được gọi là Diệu hữu của Chân Không.
Tính Không trong kinh còn tên gọi là Như (chân như) vì các pháp vốn là pháp Như , bởi vì pháp không có tướng chúng sinh, xa lìa sinh tử ưu bi, pháp không có tướng, nhân vì thời gian trước, thời gian sau không phải một, pháp thường vắng lặng vì dứt bặt các tướng. Pháp ly tất cả tướng, vì nó không phải đối tượng sở duyên, pháp không có tên không có lời để gọi, vì ngoài sự nghĩ ngợi nói năng, vì nó ly các giác quán, pháp không có hình tướng vì nó như hư không, vì nó hoàn toàn rỗng lặng, pháp không phải ngã sở vì nó ngoài ngã sở, pháp không phải phân biệt vì nó ngoài sự nhận thức đánh giá, pháp không thể so sánh vì nó không ở trong vòng đối đãi. Pháp không lệ thuộc vào nhân vì pháp tồn tại ở duyên. Pháp hòa đồng pháp tính vì nó dung nhập pháp tính. Pháp tùy thuận pháp như vì nó không chỗ tùy. Tính Không là mẫu số chung của vạn pháp. Vạn pháp được tạo thành do duyên khởi cho nên tự tính (bản chất) là Không, còn hiện tượng là Có.
2.2.2. Tính chất của bản thể
Tư tưởng tính Không có thể nói là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ bản kinh. Tính Không tức là bản thể của vạn pháp, vì “đương thể tức Không” - thực thể đang tồn tại bây giờ nhưng tính của nó đã là Không rồi. Tính ấy vốn không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Nó không có khởi điểm, không có tận cùng, tức là cái bản thể vô tướng không bị chi phối bởi không gian và thời gian. Giác quan và ý thức phân biệt của con người không thể nào cảm nhận được, chỉ có những bậc hiền giả vận công phu tu tập đến nơi thật tướng rốt ráo mới thâm hiểu được mật ý của Tính Không. Trong kinh Duy Ma Cật, để thấy được chức năng của bản thể (tính Không) thì chúng ta có thể nhìn nhận tính Không với vai trò là bản thể cấu thành nên duyên khởi. Tính Không và duyên khởi nằm trong mối quan hệ giữa bản thể và các pháp. Duyên khởi là yếu tố để cấu thành các pháp. Khi nói duyên khởi thì chính là giả hữu và các pháp cũng là giả hữu, vì chúng luôn nằm trong vòng đối đãi, sinh diệt. Bởi vậy, duyên khởi chính là pháp và pháp cũng chính là duyên khởi. Chúng tôi có thể xác định tính chất của “tính Không” trong kinh Duy Ma Cật như sau:
Tính Không trong kinh Duy Ma Cật tồn tại biện chứng với Duyên khởi, dùng để chỉ bản chất của các pháp.
Thứ nhất, tính Không trong kinh Duy Ma Cật tồn tại biện chứng với Duyên khởi. Duyên khởi biểu trưng cho mặt hiện tượng của các pháp. Theo triết học, “hiện tượng” là phạm trù triết học dùng để chỉ những biểu hiện của các mặt, mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định ở bên ngoài, là mặt dễ biến đổi hơn và là hình thức thể hiện của bản chất đối tượng[3]. Tính Không nếu không được biểu hiện qua hình tướng của Duyên khởi thì nó sẽ trở thành hư vô, khó hình dung và thậm chí là không hiểu được. Tính Không và Duyên khởi có tác động biện chứng, nương vào nhau để cùng tồn tại. Nó biểu hiện đầy đủ hai mặt của một vấn đề, liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong Duyên khởi có tính Không và ngược lại trong tính Không có Duyên khởi, chúng bao hàm nhau trong một chỉnh thể thống nhất không tách rời.
“Ông Duy Ma Cật biết Bồ Tát Văn Thù và đại chúng sắp đến. Ông cho dẹp hết các vật sở hữu chỉ để tịnh thất trống. Không có thị giả và độc nhất có một cái giường, bệnh nhân là Ông Duy Ma Cật nằm choán hết.
- Bồ Tát Văn Thù vào thất thấy sự kiện có vẻ lạ thường chưa hỏi han được gì, trưởng giả Duy Ma Cật cất tiếng:
- Quý hóa thay! Ngài Văn Thù Sư Lợi đến mà không có tướng đến. Thấy mà không có tướng thấy.
Bồ Tát Văn Thù đáp: Đúng vậy, thưa cư sĩ. Nếu đến thì lại chẳng đến. Nếu đi thì lại chẳng đi. Bởi vì đến không chỗ "Từ". Đi không chỗ "Tới". Gọi là "Thấy" kỳ thật chẳng thấy gì”[4].
Ngài Duy Ma Cật dùng “Thần lực” để dọn dẹp hết đồ đạc trong tịnh thất khiến cho tịnh thất trống không chỉ để lại một cái giường, đây là dụng ý biểu trưng cho dùng cách nhận thức tính Không, đó là sức nhận thức của trí tuệ, nhận thức không bị chi phối bởi hai phía, bởi đối đãi. Nhà “không” chỉ cho quốc độ của Phật cũng “không”. Trong nhà không có gì, thị giả cũng không, đây là biểu hiện của chúng sinh “không”. Như vậy, Ngài Duy Ma Cật muốn biểu thị tính Không trong cuộc đàm thoại với Bồ tát Văn Thù cho đại chúng thấy được thông qua hình ảnh “tịnh thất trống không”. Qua hình ảnh biểu trưng ấy mà tính Không được mọi người có thể hình dung một cách tường minh hơn - từ hiện tượng mà nhận thức được bản chất. “Bất lai tướng nhi lai, bất kiến tướng nhi kiến” - không có tướng đến mà đến, không có tướng thấy mà thấy; “bất lai tướng” là thực tướng tức tính Không, tức vô tướng, nó bất sinh bất diệt; “nhi lai” chỉ cho giả tướng, huyễn hữu, duyên khởi. Nghĩa là không chấp vào giả tướng nhưng vẫn thấy giả tướng chứ không bỏ giả tướng. Về hiện tượng vẫn phải đến nhưng không chấp trước tướng đến, thấy vạn tướng nhưng không bị các tướng thấy chi phối, trói buộc. Đến hay đi đều vô tự tính. Đến nhưng không bị tướng đến chi phối. Tướng thấy cũng tương tự như vậy. “Nếu đến thì lại chẳng đến, nếu đi thì lại chẳng đi” vì hành động đến và đi đã hoàn thành rồi. Do vậy, qua một loạt những hình ảnh, ngôn ngữ để biểu đạt tính Không như: tịnh thất, tướng đến, tướng đi, tướng thấy,…đã cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của tính Không với Duyên khởi. Bản chất không nằm ngoài hiện tượng và hiện tượng cũng không nằm ngoài bản chất.
“Bồ Tát Văn Thù hỏi: Vì sao thất của Ngài trống không và không có thị giả?
Trưởng giả Duy Ma Cật đáp:
- Cõi nước của chư Phật cũng không như vậy.
- Do đâu mà biết không?
- Do trống không cho nên biết không.
- Dùng không để không cái gì?
- Dùng không để không phân biệt.
- Đã không thì phân biệt được gì?
- Phân biệt cũng không.
- Tìm cái không ở đâu, dựa vào đâu để nhận biết?
- Dựa vào 62 kiến chấp của ngoại đạo.
- 62 kiến chấp phải tìm ở đâu?
- Tìm trong đức giải thoát của chư Phật.
- Đức giải thoát của chư Phật tìm ở đâu?
- Tìm nơi tâm tính của tất cả chúng sinh”[5].
“Thất không, thị giả không” chỉ “quốc độ không”, chúng sinh không. Cõi nước chư Phật cho tới vạn pháp đều bản chất là tính Không. Vậy lấy gì làm Không? Lấy Không làm Không. Tư tưởng này tương đương “Không diệc phục Không” trong Trung Quán luận. “Không Không” là một trong mười tám nghĩa không của triết học Bát Nhã. “Không” thứ nhất là “trí không” hay “tuệ không” chỉ cho nhận thức thực tướng, tính Không đây là năng nhận thức (ngã không). “Không” thứ hai chỉ cho “lý không”, đó là thực tướng vạn pháp giai không, đây là sở nhận thức (pháp không). Năng - sở đều “không” nhưng vẫn phải dùng ngôn từ diễn đạt. Về hiện tượng thì có ngã và pháp nhưng “ngã không, pháp diệc không”. Bản chất thì “không” rồi thì cần gì dùng cái “không” này đuổi cái “không” kia.
Đã Không rồi thì sao còn cần dùng Không để nói? Chư pháp bản tính vốn tự Không rồi thì cần gì dùng Không nữa? “Không hà dụng Không”, “không” thứ nhất cả lí không, trí không, “không” thứ hai là khái niệm chung. Phân biệt là sự nhận thức vô phân biệt là lí không và trí không. Phân biệt cũng là một công cụ để nói có, không. Hữu phân biệt là có còn vô phân biệt là không. “Dĩ vô phân biệt không cố không” - Dùng cái Không của vô phân biệt cho nên nó là Không. Phân biệt hay vô phân biệt thì bản chất cũng đều tính Không. Lấy kết quả của vô phân biệt là không để làm Không. Nghĩa là năng - sở Không và quả cũng Không. “Không không” là sự thống nhất giữa lý và trí, giữa nhận thức thực tướng với đối tượng của nhận thức. Không thể phân biệt được Không, phân biệt cũng Không, phân biệt về Không.
Tìm Không ở đâu? Không nằm ngay trong cái có, nằm trong 62 kiến chấp của chúng sinh. 62 kiến chấp này tìm ở đâu? Tìm ở trong các Phật giải thoát, tức tìm trong Phật pháp tức tính không. Kiến chấp chỉ cho phiền não còn giải thoát chính là Bồ đề. Tìm giả tướng, chúng sinh tướng, phiền não tướng trong thực tướng, trong Phật tướng, trong giải thoát tướng. Giải thoát từ trong phiền não, cũng như có trói buộc thì mới cần người đi cởi cho nên bản chất đều là một “vô tự tính tức tính Không”. Cho nên phần trước có nói tới “bội xả” cũng là nghĩa này. “Bội” là đối lập với giải thoát. Chúng sinh có phiền não cho nên mới lấy giải thoát để đối trị, nhưng trị rồi thì cái đó cũng phải bỏ đi không được chấp mắc. Cũng vậy nhận thức được vấn đề nhưng nhận thức xong cũng phải bỏ cái nhận thức đó, nếu còn giữ tức là còn bị chấp mắc trong tâm thì không thể giải thoát được.
Thấy tất cả mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời này đều Không, là pháp không thật có, không bền chắc. Nhưng đừng bỏ hạnh Bồ tát, đừng bỏ chúng sinh. Bởi vì Bồ tát phải dựa trên công hạnh của chúng sinh để tu tập. Thấy vạn pháp giai Không để chúng ta không tham đắm thế gian. Tất cả vọng tưởng ham muốn thế gian dần bị biến mất trong lòng chúng ta. Nhưng nhờ chữ Không sinh ra cái Có nên Bồ tát đừng bỏ Bồ tát hạnh. Nhận chân được nghĩa Không để hành giả từ bỏ tâm chấp trước, vọng tưởng điên đảo. Từ bỏ được tâm này, tâm chân như mới hiện ra. Trong cái Không vẫn hiện hữu cái Có mới thực sự là Không. Không là không có quải ngại, không có khổ ách, tâm hoàn toàn giải thoát, ta vẫn là ta ở dạng chân ngã. Thấy Không để không ham, chỉ làm cho người hưởng, ở trong địa vị, hoàn cảnh nào cũng đem hết khả năng phục vụ chúng sinh, dân tộc. Tuy biết thân là vô thường, là khổ, là vô ngã nhưng không nhàm chán thân để làm phương tiện đạt đến cứu kính, dùng thân làm bè để qua sông. Chính cái xác thân này sẽ đưa người tu hành đến pháp thân thường trụ. Đã biết thân vô thường thì phải tinh tiến tu hành, không giải đãi, lười biếng, không nhàm chán thân mà phải biết bản chất của thân ấy chính là tự tính Niết Bàn. Do đó, phải dùng thân này làm phương tiện tùy duyên hóa độ chúng sinh, quên mình giúp người. Biết thân Không tịch lặng, là rốt ráo, là Không nhưng vẫn tích cực hoạt động làm lợi ích cho người khác, chẳng chủ trương tịch diệt mà trái lại nương xác thân để đạt chân diện mục pháp thân hay chân Không diệu hữu.
Riêng về hàng Đại thừa Bồ tát, dùng trí tuệ rộng lớn thấu suốt thân tâm cảnh giới đều không ngoài bản thể Chân Không. Do đó, Bồ tát tùy duyên độ sinh, không bị vướng mắc trong hoàn cảnh thuận nghịch. Đây là Bồ tát giác ngộ đến chỗ “thể sắc tức không” vì bậc Đại Bồ tát tỏ ngộ câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, ngoài sắc chẳng có không, ngoài không chẳng có sắc, cho nên trong sắc có ẩn không, trong không có ẩn sắc cũng như sóng và nước không hai, không khác. Tính Không là nguồn gốc của vật chất và tinh thần.
Bởi thế, tất cả những gì do vật chất và tinh thần phối hợp mà thành hình đều là Không. Nếu cái “Có” đã từ cái “Không” mà ra, thì “Không” là nguồn gốc (bản nguyên), là căn bản của cái “Có” vậy, cái “Có” mà con người có thể dùng giác quan để nhận xét cảm nhận được là cái giả tướng, vì nó biến đổi từng phút giây để rồi cuối cùng tiêu tan và hồi quy về bản thể Chân Không. Ở đây khi có đủ duyên nó lại hiện ra và tiếp tục theo chu trình: sinh - trụ - dị - diệt hay thành - trụ - hoại - không.
Bản thể Chân Không, là những hình ảnh tượng trưng muôn vật trong vũ trụ. Thế nên Tính Không là căn bản của cái có và luôn luôn nương nơi Tính Không mà ảnh hiện. Vì nói đến chân thường chân ngã, hành giả phải thông suốt cả bản thể và hiện tượng, tức là hành giả phải tự mình thể nhập lý “Nhất tướng Vô tướng”. Thật tướng của vũ trụ không thể chia làm hai, bỏ bản thể thì không có hiện tượng, bỏ hiện tượng thì không có bản thể, cũng như bỏ “sắc” thì không có “không”, bỏ “không” thì không có “sắc”. Cho nên nói lý Chân thường, Chân ngã phải dung hợp cả tính và tướng, cả sự và lý, không còn những danh từ tương đối phân biệt, chính vì vậy nên gọi là “Nhất tướng Vô tướng”. Trong vũ trụ bao la này, vạn pháp trùng trùng vô tận, dung nhiếp lẫn nhau, không có sự vật nào chia rẽ mà sống được. Cái Không vốn chân thường, chân ngã còn cái Có thì vô ngã, vô thường. Chúng ta có thể nói trong vũ trụ bao la này, chẳng hề có một vật gì mới tạo ra, cũng chẳng có vật cũ bị tiêu diệt hẳn.
Vì thế, tính Không trong kinh Duy Ma Cật là một phạm trù triết học Phật giáo, dùng để chỉ bản chất của các pháp, tồn tại biện chứng với Duyên khởi. Tính Không đóng vai trò là “thể nền” kết hợp với Duyên khởi để thiết lập nên các pháp. Tất cả sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều hình thành nên từ nền tảng tính Không, bởi vì:
“Dĩ hữu Không nghĩa cố,
Nhất thiết pháp đắc thành.
Nhược vô Không nghĩa giả,
Nhất thiết tắc bất thành”
(Do có nghĩa Không,
Nên các pháp được thành.
Nếu không có nghĩa Không,
Thì các pháp không thành)[6].
Do vậy, theo tinh thần của kinh Duy Ma Cật thì vạn pháp được sinh ra từ tính Không và cuối cùng lại trở về với tính Không. Tính Không là điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc của muôn pháp. Nhưng tính Không luôn tồn tại trong mặt giả hữu, thông qua hiện tượng thì mới thể hiện được hết diệu dụng của nó. Tính Không bao trùm khắp cả không gian và thời gian. Đây cũng chính là triết lý nổi bật của Phật giáo, để thấy được tính Không thì phải cần đến sự thể nghiệm.
Thứ hai, tính Không trong kinh Duy Ma Cật là bản chất các pháp. Theo triết học, “bản chất” là phạm trù triết học dùng để chỉ tổng thể các mối liên hệ khách quan, tất nhiên, tương đối ổn định bên trong, quy định sự vận động, phát triển của đối tượng và thể hiện mình qua các hiện tượng tương ứng của đối tượng[7]. Trong kinh Duy Ma Cật thì “bản chất” dùng để chỉ thực tướng của các pháp là tính Không. Tính Không không có nghĩa là không có gì mà nó vẫn tồn tại thông qua giả hữu (hiện tượng), hay gọi đó là “chân Không diệu hữu” - tính Không tồn tại trong cái Có.
“Phàm nói pháp phải nói pháp "NHƯ" của pháp. Bởi vì pháp không có tướng chúng sinh, xa lìa sự cấu nhiễm về chúng sinh. Pháp không có tướng thọ mệnh, xa lìa sinh tử ưu bi. Pháp không có tướng nhân, vì thời gian trước và thời gian sau không phải là một. Pháp thường vắng lặng, vì dứt bặt các tướng. Pháp ly tất cả tướng, vì nó không phải đối tượng sở duyên. Pháp không có tên, không có lời để gọi, vì ngoài sự nghỉ ngơi nói năng. Pháp không có gì để nói, vì nó ly các giác quán. Pháp không hình tướng, vì nó như hư không. Pháp không như trò giởn, vì nó hoàn toàn rỗng lặng. Pháp không phải là ngã sở, vì nó rời ngoài ngã sở. Pháp không thể phân biệt, vì nó vượt ngoài sự nhận thức đánh giá. Pháp không có thể so sánh, vì nó không ở trong vòng đối đãi. Pháp không lệ thuộc vào nhân, vì pháp tồn tại ở duyên. Pháp hoà đồng pháp tính, vì nó dung nhập với pháp tính. Pháp tùy thuận với pháp "Như", vì nó không chỗ tùy. Pháp trụ nơi thật tế, vì pháp bất đồng với bên hữu bên vô, bên đoạn bên thường. Pháp không có giao động, vì nó không tương can với lục trần. Pháp không có đến đi, vì pháp vốn là bất trụ. Pháp thuận với không, tùy vô tướng, hợp với vô tác. Pháp rời tốt xấu. Pháp không tăng nhiều, không giảm thiểu. Pháp không có chỗ qui thú, nó vượt qua nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân tâm. Pháp không có cao thấp, pháp thường trú bất động. Pháp xa lìa tất cả sự nghĩ ngợi và thi thố”[8].
Các pháp vốn do nhân duyên (duyên khởi) tạo thành nên xét trên bình diện hiện tượng thì các pháp vẫn tồn tại có hình tướng to nhỏ, cao thấp, lớn bé,…vẫn còn đối đãi giữa chủ thể và khách thể. Nhưng trên mặt bản chất thì các pháp là “vô tự tính” - không có tính riêng, lìa mọi sự đối đãi. “Phàm nói pháp phải nói pháp Như” - người thuyết pháp phải nói đúng như thực tướng các pháp mà nói. Thực tướng của các pháp chính là không chấp trước các pháp, là lìa sinh tử và không bị thế gian chi phối. Ngài Mục Kiền Liên đang bị mắc kẹt bởi những hữu tướng thuyết pháp, hữu vi thuyết pháp, chưa bộc lộ tính mà còn phân biệt bởi tướng thuyết pháp. Đó là cách thuyết pháp của Phật giáo trước đó. Còn theo Ngài Duy Ma Cật thì thuyết pháp vẫn phải có phân biệt nhưng không mắc kẹt bởi phân biệt, có lưỡng biên nhưng không bị lưỡng biên chi phối. Đây chính là quan điểm của Phật giáo phát triển. Bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả đều không có chủ thể. Thực tướng các pháp vẳng lặng, không bị chi phối, không phân biệt thì không có sinh diệt, các tướng đã tịch diệt rồi thì cần gì diệt nữa. Thực tướng các pháp là tính Không, lìa mọi tướng. Ở trong tướng nhưng không bị tướng chi phối. Bản chất vắng lặng rồi thì không duyên vào cái gì… Bản chất “nhân” cũng tính Không, “duyên” cũng tính Không cho nên tất cả đều vô tự tính, không có tính riêng. Vạn pháp trùng trùng duyên khởi nhưng lại không bị chi phối bởi bất cứ nhân duyên gì. Thấy có chi phối là bởi vì trong thức còn phân biệt. Pháp là tính Không thì không có tùy, pháp trụ thực tế. Thực tướng của các pháp trong thực tế lý địa (tính Không) nên các bên bất động, lưỡng biên không phân biệt. Về hiện tượng thì pháp có khứ lai còn bản chất thì không có khứ lai. Vô tướng, vô tác là tính Không, là thực tướng pháp. “Pháp ly nhất thiết quán hành”: quán hành đều là tạo tác, quán là biểu hiện của tâm, đó là tư duy còn hành là biểu hiện của thân. Thực tướng của các pháp lìa mọi đối đãi nên “quán hành” lìa mọi nhận thức thông thường. Ở trong thế đế hay đệ nhất nghĩa đế đều bình đẳng không phân biệt, không bị chi phối bởi các khái niệm. Tự tính của pháp vượt lên nhận thức của nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý. Thực tướng các pháp lìa mọi ngôn ngữ danh tự, lìa mọi hiện tượng, dứt đường ngôn ngữ. Nếu còn nói thì đó còn là hiện tượng pháp, hữu vi pháp, không phải bản chất pháp. Bản chất pháp vốn không có phân biệt, lìa mọi nhận thức.
“Bấy giờ Ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng: Thưa Ngài Ưu Ba Ly! Ngài đừng làm tăng tội cho hai vị Tỳ Kheo kia. Hãy dừng ngay cách phán xử luật nghi của Ngài đi! Thưa Ngài Ưu Ba Ly! Tính của tội không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Đức Phật đã từng dạy: Tâm cấu cho nên chúng sinh cấu. Tâm tịnh thì chúng sinh tịnh. Tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Tâm vốn đã NHƯ, tội cấu cũng NHƯ và các pháp cũng NHƯ. Tất cả không vượt ngoài tính NHƯ”[9].
Hai khái niệm quan trọng của giới luật là đứng trên phương diện triết học “Không tông” nói là tịnh và nhiễm. Bát Nhã học nhìn vạn pháp như như, như pháp, nhất như. Nếu dùng tội tướng để giải thích cho hai vị Tỷ khiêu kia thì chẳng khác gì thêm tội cho họ. Vì người vô tình phạm, phạm rồi biết rồi thì có một tội phạm, nhưng nếu Ưu Ba Ly giải thích những nghi hối thêm cho họ thì thêm một tội tướng nữa. Như vậy giải tội thì càng thêm tội tướng, trở thành không những không giải được mà lại càng thêm bó buộc. Tướng có tội nhưng tính thì “không”. Tội tính không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở khoảng giữa bởi tội tính cũng tính Không “tội tướng bản không, nhược năng quán không, tức thị vô tội”, nhận thức được nghĩa “không” này tức không có tội. Tâm không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở khoảng giữa, bởi trong hay ngoài đều là hai khái niệm đối đãi còn có ở giữa thì là chính bị hai bên chi phối. Nếu tâm có phân biệt đối đãi thì chúng sinh sẽ phân biệt đối đãi vào các tướng: từ bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả cho tới bỉ thử, giác ngộ hay phiền não, ma hay Phật,… Tâm cấu là tâm còn phân biệt, tâm tịnh thì không còn phân biệt. Đứng trên bình diện hình tướng thì tồn tại các thứ “tâm”, còn nói về nhận thức tính Không thì không có gì hết.
Tóm lại, mối quan hệ giữa tính Không và duyên khởi, hay mối quan hệ giữa bản thể và các pháp trong kinh Duy Ma Cật tồn tại trong mối quan hệ biện chứng, trong đó duyên khởi tồn tại thông qua tính Không và duyên khởi là sự thể hiện của tính Không. Chúng luôn tồn tại trong mối tương quan thống nhất với nhau, đóng vai trò là cơ sở bản thể luận để cấu thành nên tư tưởng nhận thức luận trong kinh. Hai cặp phạm trù tính Không và duyên khởi không những là tư tưởng nền tảng của triết lý Phật giáo nói chung mà còn là tư tưởng đại diện cho hệ thống bản thể luận trong triết học Phật giáo nói riêng. Tư tưởng Bất Nhị bắt nguồn từ đây. Và có thể nói, tính Không và duyên khởi là cơ sở bản thể luận nền tảng để cho tư tưởng nhận thức luận Phật giáo (tiêu biểu là tư tưởng Bất Nhị) hình thành và phát triển.
3. Kết luận
Như vậy, những quan niệm về bản thể luận của Phật giáo trong kinh Duy Ma Cật đã nói lên được nguồn gốc của thế giới (vạn pháp) là tính Không. Vạn pháp được hình thành, phát triển từ tính Không và cuối cùng lại trở về với tính Không. Bộ kinh lấy tư tưởng Bát Nhã làm bối cảnh nên thông suốt từ đầu đến cuối bản kinh đều đề cập đến tính Không. Nhờ có tính Không nên vạn pháp mới tồn tại được - chân Không diệu hữu. Tính Không (bản thể) trong kinh Duy Ma Cật dường như là một cuộc hành trình để tìm được chính mình, bởi lẽ, chúng ta đi ra từ tính Không (tục đế) và cuối cùng lại trở về với tính Không (chân đế). Với việc khái quát chân dung đích thực của bản thể và tính chất của bản thể trong kinh Duy Ma Cật đã phần nào làm rõ được vấn đề bản thể luận trong triết học Phật giáo nói chung và kinh Duy Ma Cật nói riêng một cách khách quan nhất.
Thích Giác Hợp Học viên Cao học khóa IV, Học viện PGVN tại Hà Nội ***[1] Tiến sĩ Triết học [2] Nguyễn Chí Hiếu (2010), Vấn đề bản thể luận trong triết học duy tâm cổ điển Đức cuối thế kỷ XVII-nửa đầu thế kỷ XIX, Luận án tiến sĩ, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, tr.38. [3] Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, Trang 204. [4] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Chương Thứ Năm - Văn Thù Bồ Tát Thăm Bệnh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Trang 122. [5] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Chương Thứ Năm - Văn Thù Bồ Tát Thăm Bệnh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Trang 124. [6] Thích Thiện Siêu (2001), Trung Luận, Phẩm Quán Tứ Đế, Kệ 14, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Trang 375. [7] Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, Trang 204. [8] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Chương Thứ Ba - Thanh Văn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Trang 48. [9] Thích Từ Thông (2011), Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Chương Thứ Ba - Thanh Văn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, Trang 76.
Bình luận (0)