Đến tận bây giờ, cho dù thời gian đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng các cụ già ở làng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn tự hào kể cho con cháu nghe về tấm gương hiếu thảo của một người con vợ hai, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, đã chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cả ốm yếu như mẹ đẻ của mình cho đến ngày đầu bạc răng long. Người đó là anh Phan Trọng Hòa.

Cha của anh Hòa là ông Phan Tuấn Ngạc, dạy học ở trường Tiểu học Đông Thái, kết duyên cùng bà Trần Thị Tư là gái Yên Hồ. “Trai Đông Thái - gái Yên Hồ” theo quan niệm xưa là mối tình lí tưởng.

Nhưng sau 12 năm vợ chồng má ấp vai kề, bà Tư vẫn không có con, và chính người mẹ ruột của bà đã đứng ra hỏi bà Chín - cô gái làng bên sống bằng nghề dệt lụa thuê, làm vợ hai cho ông giáo Ngạc. Bà Chín là một phụ nữ đôn hậu, nết na, xinh đẹp vào loại hoa khôi của đất Tùng Ảnh hồi bấy giờ. Mười năm nâng khăn sửa gối cho ông Ngạc, bà Chín sinh hạ được bốn người con, hai gái, hai trai. Anh Hòa là con trai thứ ba. Vào những năm trước cải cách ruộng đất, khi chị cả của anh Hòa lên chín và em trai út lên ba thì bà Chín lâm bệnh nặng và qua đời. Ông giáo Ngạc cũng đổ bệnh và mất một năm sau đó. Gia đình đang êm ấm bỗng đâu tai họa dồn dập ập đến trở thành tan nát. Trong tay bà Tư cùng một lúc bốn đứa con thơ dại của chồng. Dẫu là người tốt bụng nhưng bà Tư vốn tính vụng về, hơn nữa, bà lại không có nghề nghiệp gì cả nên khi cha mẹ đều mất, bốn chị em anh Hòa phải phiêu bạt mỗi đứa một nơi, làm con nuôi cho thiên hạ để sống qua ngày.

Có điều, là con nhà giáo nên dù ở đâu và cuộc sống cơ cực đến mức nào thì anh Hòa vẫn quyết chí theo học. Anh tự động viên, an ủi mình: Phải ráng học để sau này “trả thù” cho tuổi thơ lận đận, cơ hàn!

Khi anh lên tuổi mười lăm thì bà Tư bị bệnh phong không làm gì được nữa. Anh phải về nhà làm thuê cuốc mướn, chăn trâu cắt cỏ để có bữa rau bữa cháo vừa nuôi mình ăn học vừa nuôi dưỡng mẹ già. Và cũng từ đây, anh trở thành chỗ dựa duy nhất của cuộc đời bà Tư.

Năm 1968, anh tốt nghiệp phổ thông và gia nhập quân đội. Sau những năm tháng dài lăn lộn trên chiến trường khốc liệt, anh trở về trường đại học Tổng hợp Hà Nội trong tình trạng một thương binh nặng: mất một chân, hai tai thính lực giảm trên dưới bảy mươi phần trăm. Thế nhưng, suốt bốn năm sống cuộc đời nghèo hèn của sinh viên, hàng tháng anh vẫn chắt chiu từng đồng trợ cấp ít ỏi của mình đều đặn gửi về mua thuốc men, quần áo, lương thực để bà Tư đủ sống.

Cuối năm 1979, tốt nghiệp đại học, anh lập gia đình rồi về sống và làm việc ở Huế. Ở đâu anh cũng không quên trách nhiệm của mình đối với mẹ cả. Tuy sức khỏe yếu, lại cách xa quê trên ba trăm cây số nhưng mỗi năm anh vẫn tranh thủ về thăm bà thường xuyên để tròn bổn phận như một đứa con trai.

Trong chiến tranh, quê anh là “túi đựng bom” của giặc Mỹ. Cả làng không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Nhìn túp lều của bà Tư những ngày mưa phùn gió bấc, trong nhà cũng ướt át, lầy lội như ngoài trời, lòng anh xót xa, day dứt. Nhất là khi trái gió trở trời, bà vò võ một mình, sống không ai biết, chết chẳng ai hay. Những sự thật bi đát đó thôi thúc anh đi đến quyết định đưa bà vào Huế.

Thời bao cấp, công chức cả nước đều khổ, nhưng khổ nhất có lẽ là công chức Huế, vì ở đây họ sống quá thanh bạch. Ngoài đồng lương ba cọc ba đồng của nhà nước, hàng tháng gần như họ không có một khoản thu nhập thêm nào. Bởi thế, đất nước giải phóng đã hơn mười năm mà đa phần cán bộ công nhân viên (ngoại trừ những “vua con” làm việc ở các ngành lương thực, thực phẩm) cơm độn bo bo, khoai, sắn vẫn chưa đủ no. Thông thường, bữa ăn của gia đình anh chỉ có một trong hai món chính là rau muống luộc hoặc cây chuối hột (vốn là thức ăn của heo) làm nộm, vừa là thức ăn vừa là thức độn, thêm vào cho đỡ đói. Nói như thế để biết rằng việc anh Hòa nuôi bà Tư gian nan, khốn khó đến mức nào.

Thật vậy, với gia đình anh, sự có mặt của bà là một thách thức lớn. Bằng đồng lương khiêm tốn hiện có của một cặp vợ chồng trẻ mới ra trường, ba miệng ăn chưa đủ huống nữa là thêm một người thứ tư. Một số người, trong đó có cả người ruột thịt, muốn giảm bớt gánh nặng cho vợ chồng anh, bàn anh đưa bà vào trại dưỡng lão. Anh nói với họ, phận bà bây giờ như con giun con dế, đưa đi đâu thì đi, bảo ở đâu thì ở. Bà không kêu ca, đòi hỏi và cũng không có quyền đòi hỏi một ai. Tôi còn sống mà để bà bơ vơ trong trại dưỡng lão, lòng không đặng. Cứ để bà ở đây, ở đây mãi mãi, bà cháu, mẹ con no đói có nhau.

Dù cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề nhưng từ ngày vào Huế, chăn màn, quần áo, giường chiếu của bà bao giờ cũng sạch sẽ, thơm tho. Bà không phải bận tâm đến chuyện nắng, mưa, chuyện nấu nướng, cơm nước, tắm giặt. Mệt thì nằm nghỉ, khỏe thì ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Sức khỏe của bà có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Mỗi bận đi làm về, chứng kiến cảnh tượng đó, anh cảm thấy lòng mình thanh thản.

Bốn chị em ruột của anh Hòa thì ba người kia mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một lí do, mỗi người một quan niệm nên rốt cuộc không ai chia sẻ được gì cho bà cả. Sự đời là vậy. Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn. Vì ít nhiều từng trải nên anh Hòa hiểu điều đó và coi đây là lẽ thường tình. Anh không trách cứ họ mà âm thầm sống theo cách của mình. Anh sống khác bởi vì anh có cách nghĩ khác: Bà không đẻ ra anh nhưng bà là vợ cả của cha.

Hồi cha mẹ còn sống, vì quá nhỏ nên anh không phụng sự các cụ được ngày nào. Bây giờ, những tình cảm đó dành lại cho bà. Vả lại, có đặt mình vào hoàn cảnh của bà mới biết bà là người hết sức bất hạnh. Nếu không có anh, bà là một phụ nữ không chồng, không con, không nơi nương tựa.

Mấy chục năm qua, chính anh là người đã khỏa lấp khoảng trống chua xót đó ở cuộc đời bà. Đặc biệt, trong những năm tháng cuối đời, bà mắc bệnh phù thũng phải ăn nơi nằm chỗ, mọi sinh hoạt đều trên giường. Trong khi vợ anh tối mặt tối mũi vì công việc cơ quan, và chăm sóc con nhỏ thì ngày qua ngày, anh là người trực tiếp lo lắng thuốc men, cơm cháo, giặt giũ, tắm rửa cho bà. Nếu cha anh biết được điều này, chắc hẳn ông sẽ ngậm cười nơi chín suối.

Những năm cuối thập kỉ tám mươi, ở ta, ông già bà lão nào sống được bảy mươi tuổi có thể coi là thọ. Vậy mà bà đã sum vầy với con cháu đến tuổi bảy chín. Cho đến phút cuối cùng trước lúc nhắm mắt xuôi tay bà vẫn sống trong sự đùm bọc, chở che của “con trai”, người suốt đời tận trung, tận hiếu với bà.

Sau khi bà mất, nhiều người trong cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp và bà con khu phố mới biết rằng, hóa ra người mẹ già nua, ốm yếu mà lâu nay vợ chồng anh tảo tần nuôi nấng, chăm bẵm không phải là mẹ đẻ mà là mẹ cả, mẹ nuôi. Sự thật đó làm cho họ vô cùng cảm kích và khâm phục hiếu đạo cao quí của vợ chồng anh. Họ chuyền tai nhau rằng, anh Hòa đã làm tròn một đại hiếu mà trên đời này, ngay cả những người con ruột giàu có, lành lặn, mạnh khỏe cũng khó lòng làm được.

Huế, 12/6/2016

Tác giả: Trường An Địa chỉ: số 20/10 Ngô Gia Tự, phường Vĩnh Ninh, Tp.Huế. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2016