Trang chủ Chuyên đề Ảnh hưởng tốt đẹp từ tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo

Ảnh hưởng tốt đẹp từ tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Chu tich Ho Chi Minh voi Phat giao 1

Trong hệ thống di sản tư tưởng phong phú, vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có những luận điểm khi tham chiếu qua lăng kính giáo lý Phật giáo chúng ta
thấy sự tương đồng như một thể thống nhất giá trị nhân văn, nhân bản đến kỳ lạ.

Trong đó, giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh, thế giới quan, đặt con người là trung tâm với những giá trị cao cả về “chân – thiện – mỹ”, “từ bi, hỷ xả”, “vô ngã, vị tha”, “cứu khổ, cứu nạn”… để xây dựng xã hội an lạc, hạnh phúc cho mọi người là mục tiêu hướng tới của Đảng và Nhà nước ta, cũng như được thể hiện khá cụ thể trong tư tưởng vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thật vậy, những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối để Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về tôn giáo.

1. Điểm tương đồng giữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giáo lý Phật giáo

Với tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hạt nhân của trung tâm đoàn kết xã hội, hun đúc truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật, đồng bào các tôn giáo, toàn dân đồng lòng xây dựng đất nước.

Trong giáo lý Phật giáo, “từ bi” là tinh thần mãnh liệt để giải thoát khỏi đau khổ, “bác ái” là lòng thương yêu mọi người, “vị tha” là sống vì người khác”, “kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi Ta bà thành cõi Tịnh độ”.

Khi phân tích những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ thấy những giá trị: Tư tưởng bình đẳng, bác ái (Từ bi bình đẳng của Phật giáo); Tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do (An lạc giải thoát của Phật giáo); Tư tưởng mình vì mọi người (Vô ngã vị tha của Phật giáo); Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc (Lục hòa cộng trụ của Phật giáo).

Chúng tôi xin phân tích vài luận điểm về triết lý nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lăng kính và sự tương đồng trong giáo lý các tôn giáo nói chung và giáo lý Phật giáo nói riêng.

Thứ nhất, triết lý nhân sinh thể hiện ở sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người. Nhà sử học Xanhtơni (người không cùng quan điểm với Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã khẳng định: “Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi có các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu tôn giáo đối với bất kỳ tôn giáo nào ”.(1)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Chu tich Ho Chi Minh voi Phat giao 2

Thứ hai, Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Người đã thể hiện sự hài hòa, chung sống, cùng tồn tại. Người viết: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”(2). Tư tưởng nhân đạo của Giêsu, tư tưởng từ bi, hỉ xả, bình đẳng của Phật Thích Ca, tư tưởng “hòa mục xã hội” của Khổng Tử đã gặp gỡ với mục tiêu lý tưởng của Chủ nghĩa Xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao sự tương đồng về mục đích giữa tôn giáo và Chủ nghĩa Xã hội. Người nói: “Mục đích Chính phủ ta đeo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người thì cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi theo con đường cứu khổ loài người”(3).

Thứ ba, ứng xử khoan dung, độ lượng với những người vi phạm chính sách tôn giáo và với những lầm lỗi của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có lòng tin ở con người, bởi lòng tin đó có cơ sở vững chắc từ triết lý nhân sinh thấm đượm tính nhân văn sâu sắc của Người. Vì thế, Người khẳng định: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài… Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta… Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”(4).

2. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo

Tiếp thu tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã khẳng định: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân… Mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nghị quyết 24-NQ/ TW của Bộ Chính trị năm 1990, lần đầu tiên Đảng ta thừa nhận “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đến Chỉ thị 37-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1998, công nhận: “Những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”. Còn trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Chu tich Ho Chi Minh voi Phat giao 3

Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc”. Cũng chính những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị sâu sắc trên mọi phương diện cả về lý luận và thực tiễn mà Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm hiện thực hóa và giáo huấn con người hướng đến giá trị cao đẹp, mà mỗi con người khi sinh ra cũng đã có là “tính thiện”.

Nhìn nhận giáo lý Phật giáo qua lăng kính Hồ Chí Minh, đó là sự gặp gỡ giữa thấu kính hội tụ, giữa Dân tộc và Phật giáo, giữa Đời với Đạo, trong sự liên kết những giá trị nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như Hòa thượng Thích Đức Nghiệp nhận xét: “Hồ Chí Minh đã làm đúng như những lời Kinh Pháp cú, là người lãnh đạo thế gian, biết làm việc chân chính, không thiên vị; biết tu dưỡng tâm hồn, thắng vượt mọi điều xấu đó là vị Pháp vương; thấy ai làm đúng, thường giúp đỡ; làm lợi ích cho mọi người bằng nhân ái; có quyền lợi thì chia đều, do đó quần chúng đều kính mến” (5).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Chu tich Ho Chi Minh voi Phat giao 4

Nghị quyết số 24 (1990) của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” lần đầu tiên khẳng định các quan điểm mới về tôn giáo, tín ngưỡng: i) tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; ii) tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; iii) đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Từ đây, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng được định hướng: i) vừa quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa kịp thời đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo; ii) nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng và iii) công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.

Trong các chỉ thị, nghị quyết tiếp theo, tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện: Chỉ thị 37 (1998) của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (1998) khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện… trong tôn giáo. Đặc biệt, Nghị quyết số 25 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa IX của Đảng (2003) đã tổng kết và phát triển tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thực tiễn cho thấy, sự đổi mới tư duy của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng đã tạo nền tảng cho việc tạo lập các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào có đạo và tính hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Các luật, nghị định về tín ngưỡng tôn giáo được ban hành trong năm 2016, 2017, đặc biệt Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành 01/01/2018, toàn văn luật gồm 9 chương và 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.

3. Ảnh hưởng tốt đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tôn giáo

Các tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc; tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, như: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Chu tich Ho Chi Minh voi Phat giao 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất:“Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác”. Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Từ quan điểm đó, người luôn ý thức rằng làm thế nào cho mọi người được có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Với tấm lòng bao dung, độ lượng và luôn hướng đến điều thiện, dạy con người hướng đến giá trị tốt đẹp, Hồ Chí Minh nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác”.

Qua lăng kính giáo lý của Phật giáo, cho chúng ta thấy, những ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về tư tưởng giáo lý nhà Phật rất rõ nét. Người đã gạn lọc, kế thừa,
cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, chống điều ác. Người đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật đồng lòng xây dựng đất nước. Đó là lòng yêu thương con người, quên mình vì mọi người, mình vì người khác… Trong giáo lý nhà Phật, “từ bi” là tinh thần mãnh liệt để giải thoát con người thoát khỏi đau khổ. “Bác ái” là lòng thương yêu mọi người. “Vị tha”, sống vì người khác”,“kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi sa bà này thành cõi Tịnh độ và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống cực lạc”. Từ triết lý, giáo lý của nhà Phật, Hồ Chí Minh đã tích lũy và hình thành cho mình tư tưởng mang giá trị triết lý nhân văn sâu sắc và chính Người luôn luôn hướng đến và thấu hiểu đời sống của cộng đồng phật tử nói riêng và tín đồ các tôn giáo nói chung.

Hòa thượng Ts Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2020

——————–

TRÍCH DẪN:
(1) Dẫn theo Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.73.
(2) Về Tôn giáo, Nxb KHXH, Hà Nội 1994, Tập 1, Trang 6-7.
(3) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng(Xuất bản lần thứ hai, có bổ sung), Nxb Khoa học Xã hội, 1998, tr.185, 79.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.315, 280.
(5) Thượng tọa Thích Đức Nghiệp: Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, SĐD, tr.276.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.287. GS Song Thành: Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng (Xuất bản lần thứ hai, có bổ sung), Nxb Khoa học Xã hội, (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

 

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường