Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Thông qua hai vấn đề trong Hộ Pháp Luận nghĩ về trách nhiệm Hộ Pháp của tăng, ni thời hiện đại

Thông qua hai vấn đề trong Hộ Pháp Luận nghĩ về trách nhiệm Hộ Pháp của tăng, ni thời hiện đại

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

A-Dẫn nhập

Xưa cũng như nay Phật giáo luôn là một đề tài bất hữu của các tôn giáo khác để bài xích chê bai và chống phá. Đại đa số là vì muốn bảo vệ tôn giáo của mình nên tìm mọi cách để chống phá dù ngấm ngầm hay bùng nổ, dù hạn cục hay tỏa rộng, dù tinh vi hay thô lậu… bởi nó được dẫn khởi từ hoàn cảnh, điều kiện, tâm lý, quan điểm của một cá nhân hay cộng đồng. Đến như Phật là bậc nhất thiết chủng trí, định tuệ viên dung nhưng khi còn tại thế vẫn không tránh khỏi sự chê bai kỳ thị của những người ngoại đạo, huống gì ngày nay cách Phật rất xa, đệ tử của Phật chưa đạt được như Ngài thì đạo Phật bị bài xích cũng là điều tất yếu.

Phật giáo khi mới truyền vào Trung Quốc cũng vậy, gặp rất nhiều sự chống đối của giới Nho sĩ, một tôn giáo lâu đời của Trung quốc, nhất là các vị có địa vị và kiến thức. Trong số đó có Thừa tướng triều Tống Trương Thương Anh, một vị quan cao cấp của triều đình, theo Nho bài xích Phật giáo. Lúc đầu ông muốn làm một bài luận để bày tỏ quan điểm không thích đạo Phật của ông, nhưng sau đó, nhờ đọc Kinh Duy Ma Cật mà được giác ngộ rồi trở thành một vị đại hộ pháp của Phật giáo thời bấy giờ. Sau khi giác ngộ Phật pháp, ông ra sức trùng hưng và bảo vệ Phật pháp như xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, giúp đỡ tăng, ni tu tập… mà điển hình nhất là ông đã làm một bài luận để trả lời lại những quan điểm sai lầm của Nho sĩ hiểu lầm về đạo Phật với tựa đề là “Hộ Pháp Luận”.

Như tên gọi của nó, Hộ Pháp Luận là một bản luận mang nội dung, mục đích “phá tà hiển chính”. Phá tà ở đây chính là dùng những lập luận chuẩn xác, những dẫn chứng cụ thể thực tế nhằm bác bỏ những kiến chấp, những quan điểm sai lầm, những ngộ nhận về Phật giáo do chưa nghiên cứu thấu đáo, hay cố tình xuyên tạc với mục đích phá hoại. Hiển chính để minh định lại thật nghĩa của chính pháp, trả lại nguyên vị và mở bày cho thấy giá trị cao quí của Phật pháp.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Trach nhiem ho phap cua tang ni thoi hien dai 3

Ảnh St

Có thể nói Hộ Pháp Luận, cư sĩ Vô Tận, hiệu của Thừa tướng Trương Thương Anh, đã xoáy sâu vào 12 vấn đề trọng tâm:

1. Đạo Phật không thực tế.
2. Đạo Phật là tai họa lớn cho Trung Quốc.
3. Đạo Phật là giáo pháp của người man rợ, người theo đạo Phật giảm tuổi thọ.
4. Khi chưa có đạo Phật, thì Kinh Thi, Kinh Thư, Thiên Nhã, Thiên Tụng cũng mang lại hạnh phúc cho mọi người.
5. Đệ tử của Phật không cày bừa mà có ăn.
6. Đạo Phật trốn tránh cuộc đời, hủy hoại thân hình.
7. Vua Lương Võ Đế do thờ Phật mà bị mất nước.
8. Đệ tử Phật dùng điều tội phước, thần quái dọa người với mục đích vụ lợi.
9. Đạo Phật không làm gì được cho đời nên tự xưng là xuất thế.
10. Phật giáo có thuyết bảy hạt cơm biến khắp mười phương là không hợp lý.
11. Thiên đường chỉ là giả tạo, và địa ngục cũng chẳng thật.
12. Theo Bắc truyền, đức Phật khuyên mọi người không ăn thịt là không hợp lý.

Xoay quanh 12 vấn đề trọng tâm này, cư sĩ Vô Tận bản thân là một mệnh quan triều đình với trình độ tiến sĩ Nho học, lại ngộ Phật, thông Lão, bằng phương pháp so sánh, phân tích, giảng giải, chứng minh với những viện dẫn, trích dẫn chương cú, điển tích, điển cố của cả Thích, Nho và Lão, một cách xác đáng; có khi tác giả dùng lời lẽ cứng rắn mạnh mẽ, có khi lại nhu hòa thâm trầm, đặc biệt ngữ khí phản vấn thường được sử dụng như viện đạn được chế tạo hai ngòi nổ thêm sức công phá xuyên thấu tâm cang người đọc.

Trong nội dung hạn hẹp của bài viết, người viết xin trích luận hai vấn đề nhỏ trong 12 vấn đề mà tác giả đã đề cập đến, đó là:

1. Những người đệ tử Phật không cày bừa ruộng đất mà lại có ăn.
2. Các vị tăng là người trốn lánh cuộc đời, hủy hoại thân hình.

Nội dung thảo luận sẽ trích dẫn những quan điểm của tác giả trong bộ luận này cộng với sự hiểu biết hạn hẹp của người viết để làm rõ hai vấn đề trên. Có thật là đệ tử Phật không cày bừa mà lại có cơm ăn? Rồi, các vị tăng, ni có thật là người trốn lánh cuộc đời, hủy hoại thân hình hay không? Sau đó, nêu lên quan điểm của người viết về trách nhiệm của tăng, ni trong vấn đề hộ pháp trong thời hiện đại. Đó là ba vấn đề chính cần làm rõ trong bài viết này.

B-Nội dung

1. Những người Đệ tử Phật không cày bừa ruộng đất mà lại có ăn:

Nguyên văn tác phẩm ghi rằng: 議者深嫉其徒不耕而食 (Phiên âm: Nghị giả thâm tật kỳ đồ bất canh nhi thực, tạm dịch: “Người chê lại ghen ghét sâu cay rằng đệ tử Phật không làm mà lại có ăn”). Đây là một luận điểm then chốt mà bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không thích Phật giáo đều dựa vào để chống phá Phật giáo. Bởi lẻ, họ nhìn vào đời sống sinh hoạt của tăng, ni, thấy rằng chư tăng, ni chẳng làm gì ngoài việc tu và học trong nội viện mà chẳng thấy làm gì có ích cho đời. Ngược lại, còn là những kẻ ăn bám của xã hội. Đối với họ, người xuất gia theo Phật chẳng khác gì những kẻ chán đời, chối bỏ trách nhiệm, và vô tích sự. Ngày qua ngày, không thấy cày cấy, hay làm gì mà vẫn cơm ngày ba bữa, sống nơi tòng lâm nguy nga tráng lệ.

Để trả lời lại với luận điểm này, tác giả bảo rằng “người chê có kiến thức thật nông cạn, biết một mà không biết mười”. Sau đó, tác giả đã đưa ra năm dẫn chứng, lý lẽ để chứng minh không chỉ có tăng, ni mà người thế gian đâu phải ai cũng làm ruộng mà vẫn có ăn.

Dẫn chứng thứ nhất, tác giả đã bảo rằng không phải ai cũng làm ruộng mới có ăn. Thí như kẻ trộm cướp, kẻ ca hát, đóng kịch, làm thuê, buôn lậu, đồng cô bóng cậu, thầy cúng… những thành phần này có làm ruộng cày cấy đâu mà sao họ vẫn có ăn? Tùy theo nghề nghiệp khác nhau mà có việc làm khác nhau. Nhưng chung quy lại cũng chỉ phục vụ cho ba vấn đề cơ bản của con người, đó là: ăn, mặc và ở. Tuy không trực tiếp sản xuất ra lúa gạo, nhưng những người này vẫn đóng góp cho xã hội trên những khía cạnh khác nhau. Xã hội quy ước dùng đồng tiền để thực hiện trao đổi mua bán công bằng. Vì thế, không phải chỉ có người tu, mà có rất nhiều thành phần khác trong xã hội không cày cấy mà vẫn có cơm ăn.

Dẫn chứng thứ hai, tác giả đã đưa ra được dẫn chứng cụ thể rằng, trong thiền môn quy cũ, tăng, ni không chỉ biết việc tu tâm dưỡng tính mà công việc đồng áng cũng không phải không biết. Cụ thể Thiền sư Địa Tạng, Tổ Bách Trượng, Tổ Quy Sơn, Thiền sư Đoạn Tế, Thiền sư Động Sơn Thông… đều có chung tông chỉ [“一日不作,一日不食: nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”(một ngày không làm, một ngày không ăn)].

Dẫn chứng thứ ba, lại nữa, theo quy cũ thiền môn, người xuất gia đối với ba việc ăn, mặc và ở cực kỳ đơn giản. Mỗi ngày một bữa cháo, một bữa cơm; mặc áo chấp vá cho ngăn ngừa lạnh rét và trú nơi tòng lâm chỉ để nương mà tu học. Hơn thế nữa, tăng, ni là những người đệ tử của đức Phật, thường phải giữ gìn giới luật, thường tu định tuệ, có khả năng bỏ những cái mà người đời khó bỏ, làm những việc mà người đời khó làm, không ham muốn giàu sang như mây trôi nổi; coi sắc đẹp và danh vị như âm vang; cầu đạo chỉ mong đại ngộ và thường làm việc cứu người.

Dẫn chứng thứ tư, tác giả nêu lên sự thật rằng, không phải ai cày ruộng cũng có thóc gạo để ăn. Thí như gặp những lúc hạn hán hay ngập lục, mà năm nào cũng có, thì lúa gạo thất thu. Tệ hơn nữa, không gặp thiên tai nhưng lúa không trúng mùa, trong mười phần thì mất hết hai ba phần lép, có khi phân nữa. Nông dân làm việc cực khổ trên ruộng đồng, nhưng gặp những lúc như thế thì dù có cày cấy nhưng vẫn thiếu lương thực để ăn. Lão tử nói: “tôi thực hành đạo vô vi mà nhân dân tự giàu có”. Vô vi chính là khái niệm đạo đức của Lão Tử về sống hòa với thiên nhiên và với con người, từ đó tạo ra thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chính cái đạo đức này mà mọi việc đều theo ý người.

Cuối cùng, tác giả nêu lên lý tưởng tu tập của người xuất gia theo Phật và chính nhờ đó mà người tu hành trả được tứ trọng ân: ân tam bảo, ân quốc gia, ân cha mẹ và ân chúng sinh vạn loại. Ở đây, các tăng, ni là người giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm, chăm chỉ tu giới luật, tâm niệm ở định tuệ, có khả năng bỏ được những cái mà người đời khó bỏ, có khả năng làm những việc mà người đời không thể làm, coi giàu sang phú quý như mây nổi, sắc đẹp và danh vọng như âm vang, cầu đạo chỉ mong đại ngộ mà thôi và luôn nghĩ tới việc cứu giúp mọi người. tự mình thực hành năm điều đạo đức và hiếu nghĩa; dạy mọi người thực hành như vậy. Bởi theo lời Phật dạy, tất cả chúng sinh đã từng là cha mẹ, người thân, họ hàng với nhau, vì thế phải lấy tâm bình đẳng mà đối xử và mong sao tất cả đều được an vui, hạnh phúc.

Trong năm dẫn chứng nêu trên, tác giả đã làm rõ được sứ mệnh của người xuất gia là tự độ và độ tha. Chính bản thân phải giác ngộ và cố gắng tu hành; sau đó đem Phật pháp khuyên dạy mọi người dừng ác hành thiện. Với sứ mệnh giữ rường mối đạo đức cao cả đó, người xuất gia xứng đáng thọ nhận sự cúng dường và kính trọng của mọi người. Trong Kinh Cày Ruộng một Bà La Môn chất vấn đức Phật rằng, ông và đệ tử của ông không cày mà vẫn có ăn. Đức phật dạy rằng chính bản thân Ngài và các đệ tử của Ngài đều có cày cấy và xứng đáng được cúng dường như sau:

Lòng tin là hạt giống/Khổ hạnh là mưa móc/Trí tuệ đối với Ta/Là cày và ách mang/Tàm quý là cán cày/Ý căn là dây cột/Chính niệm đối với Ta/Là lưỡi cày, gậy đâm.Thân hành được hộ trì/Khẩu hành được hộ trì/Đối với các món ăn/Bụng Ta dùng vừa phải/Ta nhổ lên tà vạy/Với chơn lý sự thật/Hoan hỷ trong Niết-bàn/Là giải thoát của Ta/Tinh tấn đối với Ta/Là khả năng mang ách/Đưa Ta tiến dần đến/An ổn khỏi ách nạn/Đi đến, không trở lui/Chỗ Ta đi, không sầu/Như vậy, cày ruộng này/Đưa đến quả bất tử/Sau khi cày cày này/Mọi đau khổ được thoát. [1]

Thông qua lời dạy này, ta thấy tăng, ni là những người đang thực hành hạnh cao đẹp bằng đời sống thiểu dục tri túc với mục đích giải thoát và giác ngộ. Ngày đêm tinh tấn tu hành, kiểm thúc thân tâm, giữ thân khẩu ý thanh tịnh, trau dồi giới định tuệ, ngõ hầu giác ngộ cho mình và cho người. Với lý tưởng cao đẹp như thế mà bị trách là không làm gì thì không hợp lẽ.

Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, tốt và xấu luôn tồn tại song hành. Dù có cố gắng cách mấy thì vẫn còn những đều thiếu sót. Vì thế, bên cạnh đó vẫn có những “con sâu làm sầu nồi canh”, đó là những tăng, ni chưa thật sự tốt. Vì lý tưởng xuất gia không chân chính, nên việc làm kéo theo không đúng với lý tưởng giải thoát. Vẫn còn giãi đãi lười biếng, oai nghi thô tháo. Hằng ngày không lo tu tập, chỉ để thời giờ trôi qua vô ích. Nhưng không thể chỉ nhìn một vài trường hợp đó lại bỏ quên đi những vị tu hành rất tốt, và cuối cùng đánh giá tất cả người xuất gia tu hành đều xấu thì không phải chút nào.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Trach nhiem ho phap cua tang ni thoi hien dai 2

Ảnh St

2. Các vị tăng là người trốn lánh cuộc đời, hủy hoại thân hình.

Nguyên văn văn bản như sau: “或謂余曰。僧者毀形遁世之人。而子助之何多哉。” [Phiên âm: Hoặc vị dư viết: tăng giả hủy hình động thế chi nhân. Nhi tử trợ chi hà đa tai? Tạm dịch: có người bảo tôi rằng: Tăng sĩ Phật giáo là người trốn tránh cuộc đời, hủy hoại thân hình. Mà tại sao ông (thừa tướng Trương Thương Anh) lại giúp đỡ họ nhiều thế?]

Trong Hiếu Kinh, đức Khổng Tử nói rằng[2]: “子曰:夫孝,德之本也,教之所由生也。復坐,吾語汝。身體髮膚,受之父母,不敢毀傷,孝之始也;立身行道,揚名於后世,以顯父母,孝之終也。夫孝,始於事親,中於事君,終於立身。” (Phiên âm: Tử viết: “Phu hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sinh dã. Phục tọa, ngô ngữ nhữ.Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã; lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã. Phu hiếu, thủy ư sự thân, trung ư sự quân, chung ư lập thân”. Tạm dịch: Đức Khổng Tử dạy: “Hiếu là căn bản của Đức, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau rốt là lập thân.”).

Theo đức Khổng tử, thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu tiên của chữ hiếu. Còn người xuất gia theo Phật thì phải “‘cạo bỏ râu tóc’ để ‘hủy hình thủ chí tiết, cắt ái từ sở thân’”, dựa trên hình thức này mà Nho giáo đã ra sức công kích, người tu theo Phật là đại bất hiếu. Vậy theo như lời công kích ở trên, cho rằng người xuất gia không làm tròn bổn phận của một người Nho giáo, đó là tam cang và ngũ thường, mà lại trốn lánh cuộc đời, hủy hoại thân thể, đều đó đi ngược lại hoàn toàn với giáo lý của Nho gia. Vậy tại sao ông Thừa Tướng đương triều vì cớ gì lại ủng hộ tăng, ni tu hành đến thế?

Với sự công kích đó, Vô Tận cư sĩ đã dùng lời lẽ rất nhẹ nhàng để đáp trả. Ngài nói rằng, nếu nói rằng phụng dưỡng cha mẹ mới là có hiếu thì mấy ai trên cuộc đời này làm tròn? Nhưng thực tế, có rất nhiều Nho gia phong lưu tao nhã, ngày ngày chơi cờ đánh bạc, rượu chè say sưa, đam mê sắc đẹp… không nghĩ đến việc làm ăn, làm cho cha mẹ lo buồn khổ sở, thì đó là hiếu đó sao?

Thật ra, Thừa Tướng chỉ muốn duy trì cái đạo phong của Phật, Tổ; chớ đâu phải giúp đỡ tăng, ni. Nhưng tăng, ni là hình ảnh của Tam bảo, đại diện cho đức Phật hoằng dương Phật pháp, nếu không giúp đỡ tăng, ni tu hành thì sao có thể giữ cho mạng mạch đạo pháp được trường tồn?

Thứ nữa, con người có thể tin là thần linh có thật, thì tại sao lại hoài nghi về đức Phật? Đức Phật đã tu hành khổ hạnh, thành bậc đại giác, là đáng chí tôn trong tất cả hàng Thánh, lời Ngài dạy là chân lý, là bản thể sáng ngời đầy khắp trong thiên hạ, mà người ta lại bảo rằng là không có được chăng? Trong Kinh Đại Tập có chép: “khi Phật còn tại thế, có sự cúng dường thì Thế Tôn là người nhận, người cúng được phước. Vậy khi Thế Tôn nhập diệt, người ta cúng dường hình tượng thì ai là người nhận? Phật đáp rằng: ‘Pháp thân của Như Lai là người nhận, vì bản thể vĩnh hằng của chư Phật phổ biến khắp cả không gian và thời gian. Vì thế dù trước hay sau Phật Niết bàn thì đều được phước không khác’”.

Lại nữa, trong Kinh Hoa Nghiêm cũng chép: “chư Phật lập ra đạo lý, đó là pháp môn phương tiện đề dìu dắt mọi người và chúng sinh”. Thì nếu cho rằng không có Phật thì sẽ rơi vào không kiến và đoạn kiến của ngoại đạo, tự dối mình dối người, thật là đáng thương.

Vì muốn cho Phật giáo được hưng thịnh, thì phải có các vị hiền thánh đầy đủ thần thông và tài đức. Vì muốn cho người ta tin theo Phật, thì cũng cần có các bậc hiền triết thuộc tầm cỡ lớn. Vì thế, ngài Đồng An Sát có nói: “Bậc tam hiền, thập thánh, kể cả bích chi La hán còn chưa hiểu được tôn ý của chư Phật”. Huống hồ gì chúng ta là bậc hạ căn hạ trí thì làm sao có thể hiểu được? Nhưng khi đã gieo trồng hạt giống lành trong Phật pháp, thì dù chưa hiểu rõ, nhưng có thể làm tăng thêm phước báu ở cõi trời người. Nhưng tiếc thay cho người mê say trong ngũ dục lục trần, chạy theo công danh phù phiếm và không biết rằng thời gian hữu hạn, già chết nguy cấp thì cho dù có hối hận cũng không kịp. Trên thế giới này, Phật giáo là đạo lý cao cả, sâu xa mà không tìm hiểu rõ ràng thì thật hổ thẹn với các bậc hiền thánh ngày xưa. Cho nên, trôi lăn sinh tử sáu đường, rơi vào các đường ác thì không thể đổ lỗi cho ai mà tự mình làm mình phải gánh chịu. Huống hồ có người coi đức Phật như kẻ thù, Tăng Ni như rắn độc, thì không thể làm gì khác được. Bởi lẽ đối với người vô duyên Phật còn không thể giáo hóa và dìu dắt.

Xuyên qua những lời lẽ của Trương Thừa Tướng, chúng ta thấy được ý nghĩa của ông muốn nói rằng, kính Phật thì phải trọng Tăng. Còn những người Nho gia có tin Phật đâu mà bảo họ kính trọng chư tăng, ni. Với những lý lẽ đó, ngài đã làm rõ được sự thật hiện hữu của đức Phật tại Ấn Độ và nêu lên được công đức cao dày của đức Phật đối với chúng sinh mê muội. Chư tăng, ni là người theo gót chân Phật, thực hành giáo pháp, đem Phật Pháp dạy lại mọi người, đề có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Thì sao gọi là trốn đời, hủy hoại thân thể? Với mục địch hoằng pháp lợi sinh, mang lại nhiều lợi ích cho chúng sinh như thế thì không thể dùng cái tri kiến hạn hẹp để đánh giá thì thật không xác đáng.

Tóm lại, qua những luận điểm nêu trên, Vô Tận cư sĩ đã thể hiện được tinh thần của một vị đại hộ pháp. Hết lòng vì Phật pháp, ra sức bảo vệ tăng, ni trước sự công kích của những người chưa hiểu hết về đạo Phật. Nói như Ngài, nếu muốn công kích thì hãy tìm hiểu cho tận tường rồi hãy bài xích cũng chưa muộn. Chưa hiểu rõ mà đã ra sức phản bát thì không đúng với tinh thần của một Nho gia.

3. Trách nhiệm hộ pháp của tăng, ni trong thời hiện đại.

Khi nói về vấn đề hộ pháp chúng ta cần hiểu rằng, hộ trì bảo vệ Phật pháp tức là ra sức bảo vệ và hoằng dương lời Phật dạy. Làm cho ngày một phát triển rộng rãi, không làm cho biến mất. Vậy thì trách nhiệm hộ pháp này thuộc về ai? Đó chính là những người đệ tử của đức Phật, chính là quý tăng, ni xuất gia và quý nam nữ phật tử, những người đã nguyện suốt đời nương tựa nơi ba ngôi quý báu: Phật, Pháp và Tăng. Đã là đệ tử của đức Phật thì phải có trách nhiệm bảo vệ lời dạy của Ngài, đều đó mới nói lên tinh thần tri ân và báo ơn của người con Phật.

Lại nữa, khi nói về bảo vệ Phật Pháp, đồng nghĩa rằng đạo Phật đang bị ai chống phá, cần được bảo vệ. Đó cũng là trường hợp của bộ luận hộ pháp này ra đời. Thứ hai, không bị chống phá, nhưng chúng ta cũng phải ra sức làm cho phát triển, thì đó cũng là bảo vệ, tức là giữ gìn và phát triển. Vì thế, người viết xin được trình bày hai ý này với yêu cầu là trách nhiệm của tăng, ni trong vấn đề bảo vệ Phật Pháp thời hiện đại.

Trong thời hiện đại này, tuy rằng Phật giáo là một tôn giáo lớn của thế giới nói chung, và là tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam hơn 2000 năm lịch sử, trãi qua các cuộc thịnh suy, nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục đồng hành cùng dân tộc. Tuy nó là một tôn giáo lớn, một tôn giáo hơn 2500 năm lịch sử, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người đều quy hướng theo. Đâu đó vẫn có những thế lực chống phá, để làm cho nó suy yếu và mất dần đi sự ảnh hưởng trong xã hội.

Trong giai đoạn đầu, khi Phật giáo mới bắt đầu nhen nhúm được truyền vào Việt Nam và trong suốt quá trình truyền bá, đều bị những tôn giáo bản địa tìm mọi cách chống phá và bài xích. Tiêu biểu là tác phẩm “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử ở thế kỷ thứ II, đã nêu lên những tư tưởng bài xích của Nho gia đối với Phật giáo, tương tợ giống như trong tác phẩm “Hộ Pháp Luận” của Thừa tướng Trương Thương Anh. Thời nào cũng vậy, cũng có người đồng tình và cũng có kẻ chống đối. Nhưng chư vị Tổ sư đã uyển chuyển, tùy duyên từng bước đem đạo Phật đi vào trong đời sống của nhân dân mà không có một sự chống đối nào. Ví dụ như, trong giai đoạn đầu, niềm tin tôn giáo của dân bản xứ Giao Châu (Việt Nam ngày nay) là các vị Thần nông nghiệp. Từ đó, các vị Tổ sư đã lập ra hệ thống Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là bốn vị thần nông nghiệp, đó cũng là bốn vị Phật đầu tiên của Việt Nam. Thế là từng bước từng bước, Phật giáo được cắm rễ và đồng hành cùng dân tộc suốt 2000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Ở đây, chúng ta thấy được sự khéo léo của chư vị Tổ sư trong việc ứng dụng Phật giáo Đại thừa vào trong đời sống. Phật giáo phải uyển chuyển để phù hợp với sự văn hóa, xã hội của đất nước, thì một chút ít thay đổi nhưng không thay đổi nội hàm truyền tải, vẫn được chấp nhận. Như câu chuyện về Tứ Pháp ở miền Bắc, hay hệ thống thờ Mẫu ở miền Nam, cũng đã nói lên sự tùy duyên nhưng bất biến đó.

Ngày nay, tăng, ni không gặp phải sự chống phá của các thế lực một cách công khai. Bởi lẽ, chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, kỷ nguyên của tự do tín ngưỡng tôn giáo toàn cầu. Phật giáo lại là một trong những tôn giáo lớn mạnh của thế giới. Tuy nhiên, thời nào cũng thế, cũng có những thế lực muốn kiềm hãm sự ảnh hưởng của Phật giáo tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đều dùng nhiều cách khác nhau đạt được mục đích đó. Đối tượng mà họ muốn nhắm đến chính là chư tăng, ni, đệ tử xuất gia của Phật. Bởi vì, tăng, ni là hình ảnh của Phật pháp, là người đại diện cho Phật hoằng truyền Phật pháp. Vì thế, nếu tăng, ni tu hành tốt, hình ảnh của Phật giáo sẽ phát triển. Còn ngược lại, sẽ bị chỉ trích và lưu mờ dần. Điển hình như Phật giáo miền Nam Việt Nam giai đoạn 1900 – 1945, thời kỳ chiến tranh loạn lạc, tăng, ni không lo tu tập, không thực hiện đúng chức năng của mình, chỉ lo ứng phó đạo tràng, không đáp ứng được nhu cầu của quần chúng, oai nghi không có. Từ đó, Phật giáo ngày một suy yếu dần. Sau đó, nhờ phong trào chấn hưng Phật giáo mà Phật giáo dần dần mới có được khởi sắc. Vì thế, hình ảnh tăng, ni rất là quan trọng. Cho nên muốn bảo vệ Phật pháp, trước phải lưu tâm đến sự tu hành của tăng, ni, mà điển hình là oai nghi, tế hạnh, kiến thức và sự tu tập của mỗi cá nhân từng vị như thế nào, sẽ đánh giá được Phật giáo đang phát triển hay đang trên đà tuộc dốc!

Trong thời kỳ của bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, với sự ra đời của các trang mạng xã hội, thì vấn đề này càng ngày càng nóng hơn. Các thế lực thù địch lại có dịp dùng nhiều phương pháp khác nhau đề chống phá Phật giáo nhiều hơn. Điển hình như những hình ảnh, video thiếu oai nghi của tăng, ni trẻ, làm cho niềm tin của người phật tử giảm dần. Vậy nội hàm của việc đó không phải là từ bên ngoài mà chính là nội hàm bên trong, tức là sự tu tập của từng tăng, ni, của từng ngôi chùa trong đất nước Việt Nam này. Nếu như các thế lực họ có muốn chống phá nhưng không có đủ chứng cứ, thì cũng không làm được. Cho nên, theo người viết, tăng, ni phải thể hiện tinh thần hộ pháp của mình bằng chính sự tu tập của từng cá nhân. Phải cố gắng trau giồi giới đức, thúc liễm thân tâm, tiến tu tam vô lậu học, luôn nhắc nhở về chí nguyện tu hành. Có như thế, Phật giáo sẽ ngày một phát triển và bền vững.

Thứ nữa, tuy ngày nay chúng ta không bị sự bài xích chống phá một cách quá công khai. Tăng, ni lại có môi trường tu học và hành đạo rất là tốt. Mọi phật sự luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền và phật tử. Theo như sự nhìn nhận chủ quan của người viết, trừ thời kỳ Lý – Trần ra, thì không có giai đoạn nào mà sự hoằng pháp lại dễ dàng như thời kỳ này. Vậy thì trách nhiệm của tăng, ni thời hiện đại này là gì? Đó chính là ra sức tu tập thật tốt, luôn sống trong tinh thần lục hòa cộng trụ, đoàn kết từ ý chí đến hành động, rồi cố gắng hoằng truyền Phật pháp thông qua các hoạt động Phật sự như tổ chức các khóa tu theo từng lứa tuổi, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội, đem Phật giáo gần hơn với quần chúng phật tử thông qua các hoạt động thiết thực… Có như thế, Phật giáo mới có cơ hội được phát triển trên tầm cao mới. Nếu không thì chúng ta chưa bị các thế lực thù địch chống phá, mà tự chúng ta đã tự giết mình.

Tóm lại, trách nhiệm hộ pháp là chính nhiệm hàng đầu của tăng, ni và phật tử. Nếu cần thì có thể “vì đạo quên thân” như Bồ tát Thích Quảng Đức và chư vị Thánh tử đạo. Tiền nhân đã ra sức bảo vệ và phát triển, thì trách nhiệm của tăng, ni và phật tử hiện tại cũng phải ra sức bảo vệ vào phát triển làm cho Phật giáo ngày một lưu truyền rộng rãi khắp mọi nơi của đất nước Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Chớ không dừng lại ở một ngôi chùa, một cộng đồng hay một đất nước. Muốn làm được đều đó, tự thân của mỗi tăng, ni và phật tử phải nâng cao kiến thức nội ngoại điển, nâng cao nội lực tu hành thông qua sự thực tập trong mỗi nát sa của cuộc sống. Có như vậy mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật và không mai một đi chí nguyện tu hành, mà trong ngày đầu tiên xuống tóc chúng ta đã phát nguyện:

Thiện tai đại trượng phu/Năng liễu thế vô thường/Khí tục thú Nê hoàn/Công đức nan tư nghì/Hủy hình thủ chí tiết/Cắt ái từ sở thân/Xuất gia hoằng thánh đạo/Thệ độ nhất thiết nhân. (Tạm dịch: “Lành thay bậc trượng phu/Hiểu được đời vô thường/Bỏ tục hướng Niết-bàn/Công đức khó nghĩ nghì/Cát ái từ người thân/Xuất gia hoằng Phật đạo/Thề độ hết chúng sinh”)[3].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Trach nhiem ho phap cua tang ni thoi hien dai 1

Ảnh St

C-KẾT LUẬN:

Thông qua những câu hỏi bài xích của Nho gia, chúng ta, những tăng, ni trẻ thời hiện đại có cơ hội được biết được những khó khăn mà chư vị Tổ sư đã dày công bảo vệ và giữ gìn. Những câu hỏi bài xích đó không chỉ xuất hiện ở thời xưa hay chỉ có trong nho giáo, mà ngày này những câu hỏi đó vẫn cứ tiếp tục xuất hiện hầu hết trong tất cả các tôn giáo khác và trong các thành phần chống đối hoặc không có cảm tình với đạo Phật. Vì thế, trách nhiệm hộ pháp của tăng, ni trong thời hiện đại này cũng không thua kém gì ngày xưa. Hơn thế nữa, những thủ đoạn lại càng tinh vi hơn, đòi hỏi người hoằng pháp phải luôn trong tư thế sẵn sàng để chiến đấu vì Phật pháp, vì dân tộc.

Cũng nhờ có bài luận này, người viết lại càng kính phục hơn nữa đối với chư vị Tổ sư truyền thừa, cũng như chư vị phật tử hộ pháp đã sử dụng tài trí của mình để giữ gìn và bảo vệ Phật pháp đến cùng. Chẳng những thế, còn làm cho đạo pháp ngày một hưng thịnh và rực rỡ.

Đối với tăng, ni trẻ của thời đại ngày nay, chúng ta đang có rất nhiều thuận duyên trên con đường học, tu và hành đạo. Nếu chúng ta không làm cho đạo pháp ngày càng được truyền bá rộng rãi và rực rỡ hơn thì không xứng đáng là đệ tử của Phật, không xứng đáng là là bậc thầy mô phạm cho mọi người noi theo. Để làm được đều đó, tự thân mỗi tăng, ni trẻ phải ý thức được việc tu và học của mình. Nhất là phải cố gắng trau dồi giới đức, tiến tu tam vô lậu học, để có nội lực vững chãi. Sau đó, thực hiện chí nguyện độ đời không mệt mỏi. Như trong Quy Sơn Cảnh Sách có dạy:

Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu. (Tạm dịch: xét về người xuất gia, tức phải là người cất chân liền bước được đến phương trời siêu việt, tâm ý và thân hình phải khác với người thế tục, phải nối tiếp việc làm hưng thịnh của dòng giống Như Lai, làm cho quân ma hoảng sợ, đền đáp bốn ơn sâu nặng, cứu giúp chúng sinh trong ba cõi).[4]

Chí nguyện là như thế, nhưng không phải dễ dàng mà làm được. Vì thế, để thực hiện được chí nguyện tự độ và độ tha như thế, đòi hỏi chúng ta phải luôn nuôi dưỡng Tâm Bồ Đề cho kiên cố, vận dụng hết khả năng của mình vượt qua mọi chông gai thử thách trên đường tu tập. Có như thế, chúng ta mới báo được phần nào ơn đức của đức Phật, chư vị Tổ sư và gần nhất là Bổn sư của mình đã dày công dạy dỗ chúng ta nên người.

Tỳ kheo, Thạc sĩ Thích Đồng Hạnh
Chùa Đức Quang, Quận 4, Tp.HCM

——————

CHÚ THÍCH:

[1] Hòa Thượng Thích Minh Châu, ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần cày ruộng, VNCPHVN, 1993, trang 377.
[2] http://www.cohanvan.com/Tu-hoc/nang-cao/5—hieu-kinh/01
[3] Thích-Thiện-Siêu (2002), Cương Yếu Giới Luật, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, Tr. 102.
[4] Tỳ kheo Phước Nghĩa (Việt dịch) (2014), Quy Sơn Cảnh Sách, NXB Hồng Đức, Hà Nội, Tr. 154.

Tài Liệu Tham Khảo

1. Thích Đức Nghiệp (2007), Luận hộ pháp và Phật giáo với khoa học, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
2. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch (1993), ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần cày ruộng, VNCPHVN.
3. http://www.cohanvan.com/Tu-hoc/nang-cao/5—hieu-kinh/01
4. Thích-Thiện-Siêu (2002), Cương Yếu Giới Luật, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
5. Tỳ kheo Phước Nghĩa (Việt dịch) (2014), Quy Sơn Cảnh Sách, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường