Trang chủ Bài viết nổi bật Yên Tử, thanh thản bước chân leo dốc

Yên Tử, thanh thản bước chân leo dốc

Yên Tử, nơi Đất Trời giao hòa, gió mây vấn vương như rồng chầu hổ phục. Hàng trăm năm qua, bầu nguyên khí dưới cánh rừng Yên Tử vẫn tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng hơi thở

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Yên Tử, nơi Đất Trời giao hòa, gió mây vấn vương như rồng chầu hổ phục. Hàng trăm năm qua, bầu nguyên khí dưới cánh rừng Yên Tử vẫn tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng hơi thở

Tác giả: Đinh Thành Trung
Nhà B4, số 261 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Sáng sớm, trời còn vương chút sương mù nhưng chân núi đã đầy những đoàn người hành hương lên đỉnh núi Yên Tử. Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng bằng một bữa sáng đầy đủ, nhưng sự cố đã xảy ra với tôi khi mới leo được khoảng trăm bậc thang.

Cái bụng đầy những thức ăn của tôi đúng là một sai lầm ngớ ngẩn. Bụng đau quặn nhưng tôi vẫn cố leo để bắt kịp đoàn người phía trước. Leo được thêm trăm bậc nữa thì tôi dừng lại hẳn. Mồ hôi vã ra như tắm, tôi dừng lại nghỉ ở một quán nước ven đường. Chủ quán – một chị trung tuổi vồn vã lấy ghế mời tôi ngồi.

– Chú cứ cố đi, lên được tới đỉnh là bao mệt mỏi tan biến hết à. Cảm giác sẽ tuyệt lắm.

Được lời động viên của chị chủ quán, tôi lấy lại tinh thần. Bụng đã đỡ đau, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình dang dở của mình. Tôi cắm đầu leo rất nhanh, chẳng buồn ngắm cảnh. Bất chợt tôi dừng lại. Một bà cụ tóc bạc phơ, dáng người nhỏ nhắn nhưng trông rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn đang đứng ngắm cảnh. Tôi lại gần chào bà. Bà nói đã mười năm bà tự leo núi, có cáp treo nhưng bà muốn từ từ thưởng ngoạn. Bà khuyên tôi nên leo chậm lại, vì leo nhanh vừa tốn sức, vừa không cảm nhận được khí thiêng nơi đây.

Nghe lời bà cụ, tôi leo chậm lại. Những tốp người vượt lên trước, tôi mặc kệ, vừa leo tôi vừa phóng tầm mắt ra xa ngắm cảnh. Đúng là phong cảnh tuyệt mĩ. Những vạt rừng thông, trúc uốn lượn, những cây Đại, cây Tùng sừng sững, những bậc thang đá gập ghềnh như hòa quện vào tâm trí.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Yen Tu thanh than buoc chan 3

Tôi mải mê ngắm những kiến trúc chùa, tháp, am, bia… xen lẫn những rừng trúc xanh, những tiếng róc rách của những con suối nhỏ, trên bầu trời xa là những đám mây trắng mờ ảo, khiến tôi cảm thấy bị cuốn hút, say mê, thảnh thơi hít thở bầu không khí trong lành quên hẳn đi những mệt nhọc khó khăn của chặng đường dài và cái bụng đau âm ỉ.

Càng lên cao, đường đi càng thu hẹp và số người hành hương cũng giảm đi. Một số người không chịu nổi mệt mói nên đã bỏ cuộc. Dù hai chân tê cứng, tôi vẫn cố leo từng bước chậm chạp. Bỗng dung tôi bị chuột rút, phải ngồi bệt xuống đất. Tôi đang cố bóp chân để thoát khỏi cơn co rút thì một cô gái bước đến. Bằng một động tác nắn và bấm huyệt nhanh gọn, cô gái đã làm cho chân tôi trở lại bình thường. Tôi rất ngạc nhiên vì cô gái còn khá trẻ.

Cô gái mỉm cười, vẫy tay chào tôi rồi tiếp tục leo nhanh lên đỉnh núi. Trong tôi tràn ngập niềm vui. Ở nơi đây, mọi người dù không quen biết vẫn giúp nhau một cách vô tư, không như ở thành phố, con người vẫn chỉ sống bàng quan với người khác.Tôi cứ leo mãi, có lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đã cất công đến tận đây, gần đến nơi rồi chẳng lẽ lại quay về nên tôi tiếp tục tiến lên.

Đường đi nhỏ lắm rồi, đến mức không còn có thể gọi là đường được nữa. Bất chợt một ngôi chùa nhỏ hiện ra và rất đông người đứng ở đó. Nhiều người thành kính chắp tay hành lễ. Một cảm giác khó tả bừng lên. Bao nhiêu mệt mỏi và cả cơn đau bụng bỗng tan biến. Mây mù lan tỏa xen lẫn những làn khói làm tôi có cảm giác mình như đang lạc vào một cõi tiên nào đó giữa đất trời bao la.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Yen Tu thanh than buoc chan 2

Tôi dâng lễ, thắp nén nhang cầu khấn rồi ngắm chùa Đồng và cảnh sắc xung quanh để ghi lại những giây phút quý giá chốn linh thiêng Yên Tử, nơi hội tụ khí thiêng đất trời. Hòa trong thiên nhiên của đất Phật, tôi ngẫu hứng làm mấy câu thơ:

Gót mệt chạm đỉnh sơn son,
Mây đen tan biến, chỉ còn khói sương
Bao nhiêu buồn thảm vấn vương,
Trôi theo gió thoảng, phai hương hoa trầm…

Vẫn là ngôi chùa nhỏ đó thôi, vẫn là mây khói đó thôi nhưng sao trong tôi giờ đây có cảm giác thật đặc biệt.

Đó là sự tĩnh tâm của tâm hồn, sự thanh tịnh của thân thể dù đã leo cả buồi sáng để lên đến đỉnh núi. Đó là hơi thở đẫm sương khói, đó là thứ tôi luôn ước ao khi còn đắm chìm trong cuộc sống xô bồ nơi thành thị. Cuộc sống đó suốt ngày chìm đắm trong khói xe và bụi đường, trong những ganh đua, đố kị.

Vậy ra đây chính là một trong những trung tâm Phật giáo của nước nhà, là nơi có lễ hội lớn, nơi những người hành hương mộ đạo hằng năm đều đến đây để một lòng thành tâm hướng đến đức Phật.

– Xin kính chào cư sĩ, chúc mừng cư sĩ đã lê được cái thân ục ịch đó đến đỉnh núi này.

Đó là tiếng bông đùa của cô bé trong đoàn du lịch chúng tôi. Đó là một học sinh lớp 10 của trường chuyên nổi tiếng. Nhìn cặp kính dầy cộp đó cũng đủ biết hằng ngày cháu phải học hành vất vả đến thế nào. Tôi chột dạ, nhìn lại mình, đúng là gần Tết phải ăn uống tiếp khách nhiều nên quả có tăng cân thật, may sao có chuyến đi này cũng là cơ hội tốt để luyện tập.

Tiếng cười đùa của các thành viên trong đoàn như giúp nhau xua tan hết mệt mỏi, cái mệt của cuộc sống thường nhật và đau nhức của những người không thường xuyên vận động. Vậy mà tất cả hơn ba mươi con người già trẻ trai gái đã leo lên được đến đỉnh núi. Thật là một thành tích không ai nghĩ đến nếu như vẫn trong cuộc sống thường ngày ở thành phố. Tôi nhìn xuống núi, thấy mờ ảo mây khói, xa xa thấp thoáng bóng cây và từng đoàn người vẫn miệt mài leo lên đỉnh núi.

Chợt nhớ câu nói xưa về Yên Tử: “Yên Tử, nơi Đất Trời giao hòa, gió mây vấn vương như rồng chầu hổ phục. Hàng trăm năm qua, bầu nguyên khí dưới cánh rừng Yên Tử vẫn tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng hơi thở, từng bước chân của du khách. Mái chùa, phiến đá tĩnh tại kể chuyện về một vị Vua hóa Phật …”

Quả thật, ngẫm lại hành trình của mình, tin rằng ai cũng có cảm nhận giống tôi khi nghĩ về vùng đất linh thiêng này. Phong cảnh hùng vĩ như muốn nói với tôi rằng, nếu thường ngày chúng ta sống với tham sân si, không một phút giây nhìn lại chính mình, nhìn lại những người xung quanh mình, chúng ta sẽ không hiểu được những chân lý bình dị mà ý nghĩa.

Đó chính là sự thoát tục của người tu hành, tránh xa những thị phi, tránh xa công danh lợi lộc. Nét hấp dẫn, ý nghĩa của Yên Tử không chỉ là cảnh đẹp hữu tình mà chính là nơi để thể hiện tinh thần của những con người thành tâm hướng Phật.

Tapchinghiencuuphathoc.vn Yen Tu thanh than buoc chan 1

Tôi lại nhớ đến những câu hát nổi tiếng trong bài hát “Trên đỉnh Phù Vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương:

Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử
Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự
Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si
Nước mắt tràn mi tìm người trong mộng.

Những lời trong bài hát như nói hộ nỗi lòng của không ít người đã và đang leo đến đỉnh núi này để thắp hương niệm Phật. Trong đoàn chúng tôi có nhiều người đang mang nỗi buồn trong cuộc sống. Người làm ăn thất bại, người thì không hạnh phúc trong tình yêu, người thì mất người thân.

Tuy nhiên, một khi đã bỏ công sức lên đến đỉnh núi, ai cũng cảm thấy thanh thản lạ thường. Buồn thì có buồn, nhưng những lúc tĩnh tâm như thế này quả là thời khắc không thể nào quên trong cuộc sống. Và ai cũng như ai, đều bảo nhau dùng tấm lòng thành kính hướng Phật, để giác ngộ lý tưởng của đức Phật.

Có thể những người bình thường như chúng tôi không hiểu sâu sắc về phật pháp, nhưng có lẽ cũng tự ngộ được một chút để thấy rằng mình đã có thay đổi, và sẽ có thể sống tĩnh tâm hơn. Có lẽ chính tấm gương đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, con người và cuộc đời Ngài vẫn còn phản chiếu cho mỗi con người thời hiện đại này.

Tác giả: Đinh Thành Trung
Nhà B4, số 261 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường