Theo quan niệm của người Việt Nam mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, vạn vật, cỏ cây, hoa lá đều tươi tốt. Nhưng do điều kiện khí hậu mỗi nơi trên thế giới khác nhau không phải nơi nào cũng có mùa xuân. Chỉ riêng ở Việt Nam thời tiết ba miền khác nhau: miền Bắc đủ bốn mùa. Miền Trung có thời tiết ở khoảng giữa của hai miền. Ở miền Nam chỉ có mùa nóng và mùa mưa. Thời tiết trong một nước Ấn Độ còn cách xa nhau hơn nữa. Đối với người Ấn mùa lạnh là mùa đẹp nhất trong năm, trời trong xanh, đất khô ráo. Thời tiết thuộc về thời gian do ngoại giới tạo ra, bốn mùa tiếp nối theo nhịp lưu chuyển của địa cầu. Nhưng địa cầu cũng chịu ảnh hưởng của những yếu tố như mặt trời, mặt trăng, gió bão, động đất. Khi địa cầu không hoạt động điều hòa thì các mùa trong năm sẽ đảo lộn, không tìm thấy hoa đào trước ngõ nữa. Có mùa xuân nào vượt ngoài thời gian, không có những cánh hoa bay theo gió và những cuộc hội ngộ trong chia ly chăng? Những hệ thống triết học và nhiều tôn giáo cổ kim đã nói đến mùa xuân này. Qua lời dạy của đức Phật vấn đề trên được giải thích như thế nào? Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa:

Ảnh S/t
Ảnh S/t

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Bài thơ diễn tả cảnh mùa xuân thật đẹp, nhưng biểu hiện vô thường thấy rõ. Ngày xuân không còn bao lâu nữa, dù có phô dáng xuân phơi phới cũng không dấu được thực trạng sắp phân ly.

Bốn mùa xuân lại thu qua,

Đời người thấm thoát như là con thoi.

(Đời người thấm thoát - Cao Bá Quát)

Vua Trần Thái Tông ví bốn tướng của đời người như bốn mùa: Tướng sinh như mùa xuân hoa thắm liễu xanh. Tướng lão như mùa hạ hoa tàn liễu úa. Tướng bệnh như mùa thu cỏ cây đều héo. Tướng tử như mùa đông mây sầu ảm đạm. Bốn tướng này vua Trần Thái Tông gọi là bốn núi. Đức Phật cũng nhắc nhở vua Pasenadi bằng ví dụ bốn ngọn núi ở bốn hướng đang di chuyển và đè bẹp tất cả loại hữu tình và hỏi vua:

"Như vậy, thưa Đại vương, một khủng bố lớn khởi lên cho Đại vương, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sinh làm người thật khó khăn, thời Đại vương có thể làm được những gì?”

Vua Pasenadi trả lời:

“Bạch Thế Tôn, như vậy con có thể làm được những gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chân chính, làm các hạnh lành, làm các công đức” Thưa Đại vương, Ta nói cho Đại vương! Ta cáo cho Đại vương hay, già và chết đang tiến đến chinh phục Đại vương. Khi Đại vương bị già chết chinh phục, Đại vương có thể làm được gì? Bạch Thế Tôn, khi con bị già và chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chân chính, làm các hạnh lành, làm các công đức.

(Tương Ưng Bộ Kinh I, P.111-114)

Học giả Lương Khải Siêu trong bài Duy Tâm viết: “Sự vui buồn không phải do cảnh bên ngoài mà do nội tâm.” Cùng là cảnh đẹp mùa xuân nhưng người có tâm trạng buồn không cũng không vui được. Đúng như lời diễn tả trong bài Đường thi:

Khứ niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ?

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

(Thôi Hộ)

Năm ngoái, ngày này ở cửa trong,

Mặt ai ửng thắm với đào hồng.

Mặt ai chẳng biết giờ đâu mất?

Như cũ, hoa đào cợt gió đông.

(Nguyễn Khuê dịch)

Cũng là mùa xuân, cũng là hoa đào nhưng năm nay nhìn cảnh chỉ gợi thêm sầu ly biệt. Do đó bầu trời trong xanh, cỏ hoa tươi thắm chưa đủ đem lại niềm vui nếu ta gặp một bất hạnh nào đó trong đời sống.Dịch bệnh và thiên tai làm cho mọi người đón xuân đượm vẻ bất an. Chúng ta còn tiếp tục hưởng một mùa xuân toàn vẹn trong tương lai chăng? Điều đó tùy thuộc ở con người và thiên nhiên. Địa cầu di chuyển quanh mặt trời, tiếp nhận ánh sáng mặt trời và tạo ra các mùa trong năm. Khi khí hậu thay đổi sẽ gây ra nhiều tai họa. Hiện nay nhiệt độ địa cầu càng lúc càng nóng hơn. Lớp ozone ở thượng tầng khí quyển có tác dụng ngăn những tia bức xạ nguy hại của mặt trời đã bị phá hủy dần dần do những chất thải từ các nhà máy và xe cộ. Trước mắt những tảng băng ở Nam, Bắc cực và trên đỉnh tuyết sơn bắt đầu tan chảy tạo ra những trận lụt lớn. Sau đó khi thiên nhiên không còn duy trì các băng sơn như cũ thì nạn thiếu nước sẽ xảy ra và thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng lớn. Chữ xuân định nghĩa theo danh từ là một mùa đầu tiên trong năm. Khi dùng trong nghĩa văn chương nó là một năm. Theo tính từ xuân là trẻ đẹp như “tuổi xuân hoa mộng”. Nhưng tất cả tuổi trẻ đều tương đối, không ai tránh khỏi tuổi già. Trong cái trẻ đã có cái già, trong sắc đẹp đã có mầm mống tàn phai như đóa phù dung.

Ảnh s/t
Ảnh s/t

 

Vương xa dầu mỹ diệu,

Rồi cũng phải hư hoại,

Thân thể này cũng vậy,

Rồi cũng phải già yếu.

Chỉ thiện pháp không già.

Bậc thiện nhân nói vậy.

(Tương Ưng Bộ kinh I, chương 3, p.79)

Khái niệm về trạng thái không sinh không già trở thành một đầu đề triết học được giới trí thức thời đức Phật tranh cãi sôi nổi. Phái thường kiến (sassataditthi) chủ trương tự ngã là bất diệt; phái đoạn kiến (ucchedaditthi) chủ trương tự ngã là hoại diệt. Do thường kiến nên nhóm này tìm an lạc vĩnh cửu trong luân hồi. Do đoạn kiến nên nhóm này tìm an lạc thoáng qua trong dục lạc hiện tại. Tuy nhiên cả hai an lạc đều xuất phát từ thân kiến (sakkāyaditthi), cho rằng năm thủ uẩn là tự ngã. Đối thoại với hai quan điểm trên, đức Phật nói lên tiếng nói của Đấng giác ngộ:

“Này các Tỳ kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu (ariyapariyesanā) và phi thánh cầu (anariyapariyesanā). Chư Tỳ kheo, thế nào là phi thánh cầu? Ở đây có người bị sinh lại tầm cầu cái bị sinh, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm…” “Và này các Tỳ kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sinh, tầm cầu cái vô sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tầm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tầm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tầm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tầm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tầm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn…”

- (Kinh Thánh cầu, Majjhimanikāya I)

Ảnh s/t
Ảnh s/t

 

Một mùa xuân dù hội đủ điều kiện thiên nhiên thuận lợi và con người thành đạt cũng có hợp tan, vui buồn. Bởi vì tất cả pháp hữu vi đều là vô thường. Đứng về phương diện xuất thế gian, Niết bàn không lệ thuộc sinh diệt, không do duyên sinh, vô vi pháp. Tuy nhiên tìm hiểu về Niết bàn không phải đơn giản, nếu không cẩn thận sẽ rơi vào biên kiến. Chấp nhận lý thuyết vị A La Hán tồn tại sau khi chết hoặc chấp nhận lý thuyết vị A La Hán không tồn tại sau khi chết, hoặc phủ nhận cả hai đều là biểu hiện của tư tưởng thường đoạn. Dù lý thuyết đó có cực kỳ tinh vi cũng xuất phát từ thân kiến. Lớp vỏ luận lý bên ngoài không che dấu được một tâm trí còn nhiều ràng buộc, chưa giải thoát. Người phật tử chân chính khi gặp những trường hợp như vậy không nên vội vã nghiêng về một lý thuyết nào. Hãy hướng kẻ đối thoại đến định lý duyên khởi để hiểu thế nào là khổ và diệt khổ. Đó mới là cách nhìn trực diện vào đời sống và chấm dứt mọi ô nhiễm. Đức Phật xác nhận về Niết bàn trong tập Udāna như vầy:

“Này các Tỳ kheo, có sự không sinh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỳ kheo, nếu không có cái không sinh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sinh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỳ kheo, có cái không sinh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi nên có trình bày sự xuất ly khỏi sinh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.”

- (U. Chương 8, III)

Khác với những kẻ kiến chấp dựng lên hình ảnh Niết bàn như con kiến bò quanh miệng chén, đức Phật trình bày con đường đến Niết bàn do tự thấy biết, đã thể nhập vào bất tử. Con đường này không phải là sự thành đạt có tụ tán, phân ly trong đời sống. Khi nào đối với năm thủ uẩn không còn mảy may chấp thủ nào thì cứu cánh Niết bàn được chứng ngộ. Đây là sự thành đạt tối thượng, chấm dứt mọi tướng sinh diệt của hữu vi pháp như sinh, lão, bệnh, tử. Sự thực chứng này đem lại an lạc khác xa với mọi an lạc do duyên sinh và được diễn tả qua bài kệ:

Các hành là vô thường,

Có sinh phải có diệt.

Đã sinh, chúng phải diệt,

Nhiếp chúng là an lạc.

(Mahāparinibbānasuttanta - Kinh Đại bát Niết bàn).

Tác giả: Tỳ kheo Giác Lộc