Hàng năm đến mùa Phật Đản, phật tử ở trong và ngoài nước đều hân hoan đón mừng ngày Đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa - người được dự báo là vua của trời người, là người Chuyển Pháp Luân sẽ giảng dạy cho chúng sinh những chân lý cuộc đời, sống đạo đức nhân bản nhân quả, sống không làm khổ mình không làm khổ người, đó chính là đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni - bậc thầy tôn kính của chúng ta.
Đức Phật tuyên thuyết rằng, ta ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên: “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Nghĩa là chỉ dạy chúng sinh hiểu và thâm nhập vào sự hiểu biết của đức Phật. Chính vì vậy, Phật Đản là dịp để người phật tử kỷ niệm ơn đức Phật Thích Ca Mâu Ni “hóa độ” chúng sinh, giúp chúng sinh hiểu được nhân quả, luân hồi, hiểu được nguồn gốc của “khổ” qua bốn chân lý cao thượng - Tứ Diệu Đế, chính pháp của đức Phật đưa con người đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn. Sau hơn 2562 năm đức Phật nhập Niết bàn, chân lý đó vẫn còn nguyên giá trị và còn có giá trị mãi về sau, chừng nào còn một chúng sinh hiện hữu trên cuộc đời thì giáo Pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ là ngọn đèn soi đường chỉ lối giúp chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ niềm đau.
Mùa Phật Đản khắp nơi treo cờ Phật giáo, các chùa tổ chức lễ tắm tượng Phật, diễu hành xe hoa rước tượng Phật và nhiều nghi lễ Phật giáo khác cũng được tổ chức vào dịp này nhưng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa chân thật của ngày Phật Đản? Và không ít người sẽ đặt câu hỏi, đối với ngày Phật Đản, người phật tử tổ chức như thế nào cho đúng ý nghĩa của đạo Phật?
Một bậc Trưởng lão đã trả lời như sau: “Đối với ngày Phật Đản, người cư sĩ nên tổ chức ngày Thọ Bát Quan Trai, giữ gìn Giới hạnh nghiêm túc và tu tập các loại thiền định. Người tu sĩ ngày đó ngồi thiền nhập định, thân tâm bất động để làm gương giải thoát cho mọi người. Tất cả chùa đều tổ chức như vậy thì hôm đó là ngày trang nghiêm thanh tịnh, thậm chí người nghe trong chùa không có tiếng động dù là tiếng hơi thở.
Ngày xưa nơi đức Phật ở đã làm cho các nhà vua rất ngạc nhiên với một số Tỳ kheo đông đảo (1.250 Tỳ kheo) thế mà cảnh nơi đó im phăng phắc, không một tiếng động, không một lời nói thì thầm nào cả, toàn cảnh vắng lặng. Nếu nhớ ngày Đản sinh để tỏ lòng tôn kính thì không có gì bằng là tạo cảnh quan vắng lặng là đúng ý nghĩa của đạo Phật.”
Lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến hôm nay vẫn còn đó, đức Phật dạy chúng ta sống đạo đức nhân bản nhân quả, sống không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh. Trước lúc nhập vào cõi Đại bát Niết bàn, đức Phật vì lòng thương xót chúng sinh mà ân cần dạy bảo lời pháp vàng ngọc.
“Này! Các ngươi phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các ngươi hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các ngươi!…”.
“Này! Các ngươi đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Chỉ có chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!”.
Vậy phật tử chúng ta cứ theo lời dạy này mà tu tập. Khi chúng ta tu tập đúng chính pháp, gieo hạt giống thanh tịnh thì Phật Đản không chỉ một mùa mà cả bốn mùa trong năm, con người sống đạo đức nhân bản nhân quả thì nền đạo đức đó là từ trường thiện bao trùm khắp nhân gian, đấy là chúng ta đang được sống trong cõi Niết bàn thanh tịnh ở ngay đây, lúc này.
Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.
Hôm nay chúng ta cùng ôn lại những công hạnh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng cách tu theo “pháp Phật” để kỷ niệm mùa Phật Đản đúng tinh thần của đạo Phật. Ngày ra đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni có ý nghĩa trọng đại và sâu xa đối với mỗi người con Phật có đầy đủ phước duyên gặp được Chính pháp.
Tác giả: Hoài An Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2018
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Phật học phổ thông, Nxb Tôn giáo - Hòa thượng Thích Thiện Hoa 2. Phật giáo Nguyên thủy
Bình luận (0)