Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Ý nghĩa kinh Kalama (A.III.95), liên hệ với kinh Canki (M.II,95) để thấy rõ tầm quan trọng của thực nghiệm

Ý nghĩa kinh Kalama (A.III.95), liên hệ với kinh Canki (M.II,95) để thấy rõ tầm quan trọng của thực nghiệm

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Giác Nhu
Học viện Phật giáo Việt Nam Cơ sở 1, số 750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, Tp.HCM

Như chúng ta  ai cũng biết đức Phật có dạy: “Niềm tin là căn bản của sự thành công, và là nguồn gốc của muôn hạnh lành”. Nhưng lòng tin ở đây không có phải là lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, không suy xét. Một đức tin đưa con người đến chỗ thành công quyết không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của cá nhân, của gia đình, dân tộc và xã hội.

Tín ngưỡng sai lầm có thể làm hại tinh thần quần chúng. Tín ngưỡng mù quáng không căn cứ trên lý trí, xét đoán đã đào luyện và sẽ đào luyện lên những trí óc lười biếng, ỷ lại, nô lệ cho hoàn cảnh, nô lệ cho dục vọng. Một đức tin hỗn tạp, thiếu căn cứ, thường hay đi với sự nương nhờ vào một thế lực phỉnh phờ. Hai thứ ấy nương nhau, có ảnh hưởng lẫn nhau rất mạnh. Hai thứ ấy cũng đều tạo nên những bộ óc yếu đuối, ỷ lại, thiếu tinh thần tự lập.

Do tin tưởng sai lầm, tinh thần càng ngày càng bị u tối, và sau bức màn thành kiến, con người làm sao trỗi dậy, cường tráng và tự lập cho được?

Đạo Phật luôn dạy con người phải có một niềm tin chân chính, phải đi theo với một lý trí xét đoán. Phải hiểu rồi mới tin và không những có niềm tin là phải thực hành con đường thực nghiệm tâm linh để khám phá thực tại, là tôn giáo bao quát cả mọi phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên. Pháp mà đức Phật nói ra mục đích giúp mọi người tự thực hành để nhận ra chân lý, dứt bỏ tà kiến, giải thoát an lạc.

Đức Phật luôn khích lệ hàng đệ tử phải phát huy trí tuệ và năng lực giác ngộ tự thân, không nên có niềm tin mù quáng, phải suy niệm và thẩm định kỹ càng trước mọi vấn đề. Theo Phật giáo, sự giác ngộ nằm ngay nơi con người chứ không phải ở bất kì ai, bất kì nơi đâu.  Như vậy thời đức Phật tại thế, có ba khuynh hướng nhận thức luận được ghi lại trong kinh tạng Pali: Truyền thống luận, Lý luận (takki vimamsi) và Thực nghiệm luận. Trong đó, phương pháp nhận thức thực nghiệm (thực nghiệm luận) được đức Phật dạy rất rõ ràng và chi tiết qua hai bài kinh Canki (M.II.95) và kinh Kalama (A.III.65).

Truyền thống luận: Sự hiểu biết cao nhất có được từ thánh điển Veda mà chỉ có giai cấp Bà La Môn được thẩm quyền giải thích thánh điểm không thể nghi ngờ này.

Lý luận (takki vimamsi): Sự hiểu biết dựa vào bàn luận, lý luận không dựa vào sự hiểu biết thông thường.

Thực nghiệm luận: Sự hiểu biết bằng trực nhận từ kinh nghiệm, trực tiếp không qua suy luận.

Sự chứng đắc của đức Phật chính là sự nỗ lực cá nhân, không nghe theo bất kì một học thuyết hay một vị đạo sư nào. Ngài đã tự thân đi trên con đường thiền định để hướng đến giác ngộ hoàn toàn.

Ngài xem truyền thống luận như “chuỗi người mù nối đuôi nhau” (kinh canki M.95) và các nhà lý luận thì trườn uốn như con lươn (trường hợp thứ hai, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn D.1)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Kinh Kalama Va Kinh Candi Tam Quan Trong 1

Bước đầu trên con đường học Phật đó là niềm tin, khi chưa chứng ngộ chân lí thì niềm tin chỉ đơn thuần là niềm tin nên không thể hoàn toàn khẳng định niềm tin của mình là đúng và mọi thứ khác với niềm tin của mình đều sai. Đây chính là ý nghĩa của “hộ trì chân lí” trong kinh Canki “đây là lòng tin của tôi, nhưng không đi đến kết luận một chiều rằng chỉ có đây là đúng, ngoài ra là hư vọng. Như vậy gọi là hộ trì chân lí.

Trên tinh thần hộ trì chân lí đã đánh tan chủ trương tin vào truyền thống luận theo truyền thống của Bà la môn giáo. Đức Phật chủ trương thực nghiệm tuy nhiên Ngài đã không hoàn toàn bác bỏ các học thuyết khác, Ngài không tự cho những lời Ngài giảng là siêu việt mà Ngài khuyên các đệ tử hãy tự thân chứng nghiệm giá trị chân lí “Qua cuộc nói chuyện giữa các người Kalama và đức Phật đã cho ta thấy rõ niềm tin và thực nghiệm: “Bạch đức Thế Tôn, các thầy Bà-la-môn ngoại đạo đến thăm chúng tôi, người nào cũng bảo rằng chỉ có lời của họ mới đúng chân lý mà thôi. Bạch Ngài, chúng tôi thật lấy làm phân vân không biết trong những Tôn giả Sa môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?”[1]

Trả lời câu hỏi ấy, đức Phật không bảo rằng Ngài là chúa tể vạn vật, chỉ có đạo Ngài mới nên theo; ngài không bảo rằng các vị giáo chủ và các đạo khác đều là hư ngụy, là sai lầm. Lời dạy của Ngài rất rộng rãi. Ngài bảo: “Này Kalama chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ có tin vì lý luận suy diễn, chớ có tin vì diễn giải tương tự, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình. Phải tự mình biết rõ:  Các pháp là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị các người có trí chỉ trích. Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau. Hãy từ bỏ chúng.”[2]

Đoạn kinh này, đức Phật dạy cho chúng ta thấy hai vấn đề: Thứ nhất đạo Phật không bao giờ bắt buộc người ta tin theo một cách mù quáng, thứ hai đức Phật không phải chúa tể có quyền ban phép lạ, có thể đem tín đồ mình đặt ở thiên đường hay ở địa ngục tùy theo ý thích của mình. Ở đây đức Phật dạy những người Kalama không nên tin những điều mù quáng như vậy, nếu tin mà không hiểu đó là một sự sai lầm. Nên không hiểu Phật mà theo Phật chúng ta sẽ làm cho mình không có lợi mà làm cho mình có hại.

Đức Phật dạy: “Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta vậy”, ngày nay do có nhiều người không hiểu về đạo Phật cho rằng Ngài có thể ban phước cho nên tới chùa cầu xin này cái kia cho thỏa mãn tham vọng của mình mà không hiểu về giáo lý ngài dạy sâu xa, việc thắp hương lễ lạy nó chỉ là kẻ biết ơn. Chúng ta thấy tất cả niềm tin mù quáng không suy xét, lập luận suông, không cơ sở đều bị Phật phê phán do, thứ nhất không dựa trên thực nghiệm, thứ hai là do không hành trì với trí tuệ. Đức Phật không phủ nhận tất cả mọi lập luận. Sau khi thực hành, có an lạc rồi mới chấp nhận. Điều đó nói lên thực nghiệm vô cùng quan trọng. Cho nên muốn có một lòng tin chân chính thì mình cần phải tự mình biết rõ và phải có lý trí xét đoán thực tập để biết đâu là pháp thiện đâu là pháp ác để nên theo hay không nên. Nếu chúng ta tin mà không hiểu gì hết sẽ lạc đường, và đạo Phật chủ trương mọi người có quyền thẩm sát tất cả, và tin hay không là tùy ở mình.  Khi có niềm tin sẽ bước tới thực hành, thực hành giúp chúng ta có được tri kiến do kinh nghiệm mà có được, đồng thời lấy thực nghiệm để thẩm tra lại lý thuyết và nội dung người dạy có đúng hay không.

Đức Phật dạy khi  nào quý vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú”. Đoạn kinh này đề cập tới vấn đề hạnh phúc, hạnh phúc ở đây không phải là hạnh phúc gia đình hay niềm vui của thế gian, mà nó là hạnh phúc của kết quả hành trì pháp.  Cho nên Niềm tin ở đây được hiểu như là lòng tin có lý trí, tự tin vào chính bản thân mình, là động lực không thể thiếu để đi đến chứng ngộ chân lí. “Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sinh lòng tin đối với vị ấy, với lòng tin sinh, người này đến gần, khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sinh, khi ước muốn sinh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý”[3]

Tiếp đó Đức Phật trình bày các điều bất thiện đều bắt nguồn từ tham, sân, si còn điều thiện là do lòng không tham, không sân, không si dẫn tới. Để kết thúc bài thuyết pháp, đức Phật khuyên tất cả các bậc đệ tử cao cả đã dứt bỏ được tham, sân, si hãy phát triển bốn đức tính vô lượng từ, bi, hỉ, xả gọi là bốn vô lượng tâm mà vị đệ tử cao cả có thể mãi mãi sống an lạc và hạnh phúc, ở ngay kiếp sống này cũng như các kiếp sống về sau.

Như vậy bản kinh Kalama đã dạy cho chúng ta về nhận thức luận Phật giáo về chính kiến, hay tinh thần giác ngộ của đạo Phật, muốn giác ngộ phải nhận thức đúng và cần phải có trí tuệ cùng thực nghiệm. Mà trí tuệ là thành quả của nghe, suy nghĩ, thực nghiệm, vì thế con người chúng ta phải sống đúng với thực tại không mê tín, không cuồng tín, không giáo điều cần sáng suốt. Bản kinh đề cao việc chấp nhận và thực hiện những điều mang đến hạnh phúc an vui cho mình, cho người dựa trên trí tuệ, từ bi, nhận thức đúng và lập trường đúng đắn. Phật khuyến thuyết mỗi người hãy nên tinh tấn thực hành từ bi hỷ xả, dứt trừ tham sân si, để được hạnh phúc, bình an.

Các chủ trương và học thuyết của Bà La Môn giáo không dựa trên căn bản của sự thấy và biết nên nội dung chỉ là trống rỗng, lý thuyết suông không đủ sức thuyết phục.

Trong kinh Canki, đức Phật dạy: “Này Bharadvaja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? Tín, tùy hỷ, tùy văn, cân nhắc suy tư các lý do và chấp nhận quan điểm”. Có những điều lúc đầu ta tin tưởng hoàn toàn mà về sau thành trống rỗng hư vọng, ngược lại có những điều lúc đầu ta không tin nhưng về sau lại là sự thật. Do đó người trí tôn trọng sự thật không nên đi đến kết luận: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm”.

Sau khi tin tưởng phải tự mình sống và tu tập, khi tự thân chứng nghiệm pháp đó đưa đến an lạc cho mình, cho người, ở hiện tại và vị lai thì pháp ấy nên được “đạt đến và an trú”.

Sự chứng ngộ chân lý được hiểu như bậc “Dự Lưu” đã thấy được con đường phía trước, tuy nhiên việc thấy được con đường chưa thể đưa đến giải thoát thực sự. Khi đã thấy được con đường cần dũng mãnh tiến bước đó chính là chứng đạt chân lý. “Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý[4].”

Sự thực hành đi đến chứng ngộ chân lý cần được tu tập nhiều lần thì sẽ chứng đạt chân lý. Đây là hai điểm cơ bản nói lên sự khác biệt giữa Phật giáo và các con đường tu tập không phải Phật giáo. Bởi vì các học thuyết khác không được thiết lập từ trí tuệ giác ngộ nên không thể mang đến kết quả giải thoát giác ngộ. Sự khác biệt ấy được đức Phật khẳng định: “Ở đây, này bharadvaja, các vị sa môn bà la môn ấy đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn các pháp ấy, tự nhận rằng về can bản phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, Ta là một trong những vị ấy. ông cần hiểu theo nghĩa như vậy”[5].

Như vậy, nhận thức thực nghiệm của Phật giáo được nói rõ trong rất nhiều bản kinh. Qua đó, đức Phật muốn cho chúng sinh thấy được giáo pháp của Ngài không phải là một học thuyết để lý luận, mà là một chân lý thực nghiệm, phản ánh về sự thật của cuộc đời là “khổ và con đường diệt khổ”. Chân lý này nằm ngay nơi lòng người chứ không phải ở đâu xa. Ý nghĩa của nó nằm ngay nơi sự sống của con người đang diễn ra bây giờ và tại đây. Cho nên, nhận thức thực nghiệm Phật giáo luôn được mọi thời đại tiếp cận và ứng dụng thực hành. Qua các bản kinh, nhất là Kinh Kalama, vấn đề nhận thức niềm tin dựa trên trí tuệ được đặt lên hàng đầu. Vì Phật giáo là nền luân lý giáo dục có sự soi sáng của trí tuệ, không bao giờ chấp nhận tính quy chiếu của tập quán hoặc quyền lực áp đặt bắt phải tin theo mà không cần thẩm định.

Phật dạy chúng ta không nên chấp nhận một thuyết, quan điểm trên cơ sở lập luận đơn thuần. Nhận thức đúng đắn là nhận thức dẫn tới hành động thành công, có hiệu quả. Lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất thực tế và khế hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời đại, không phụ thuộc vào không gian, thời gian.

Tác giả: Thích Giác Nhu
Học viện Phật giáo Việt Nam Cơ sở 1, số 750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, Tp.HCM

***

Chú thích:
[1] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ  I, Chương III Pháp VII. Phẩm Lớn,     NXB Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM. 1996. Trang 338.
[2]  HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ  I, Chương III Pháp VII. Phẩm Lớn, NXB Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. HCM. 1996. Trang 338
[3] HT. Thích Minh Châu, M.II. 95, NXB Tôn Giáo, Năm 2016, tr. 211
[4] Sđd, tr. 212
[5] HT. Thích Minh Châu, M.II. 100, NXB Tôn Giáo, Năm 2016, tr. 267

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường