Trang chủ Đời sống Ý nghĩa chân thật của hạnh an lạc đối với con người

Ý nghĩa chân thật của hạnh an lạc đối với con người

Bốn hạnh an lạc trong kinh Pháp Hoa cũng là phương pháp lưu truyền kinh trong đời ác. Khi thành tựu bốn hạnh này thì mỗi hành giả là một Như Lai không cái gì có thể xoay chuyển, não hại mà trụ vững trong an lạc để đi đến bảo sở của chư Phật, giảng giải kinh không chút sợ hãi.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Bốn hạnh an lạc trong kinh Pháp Hoa cũng là phương pháp lưu truyền kinh trong đời ác. Khi thành tựu bốn hạnh này thì mỗi hành giả là một Như Lai không cái gì có thể xoay chuyển, não hại mà trụ vững trong an lạc để đi đến bảo sở của chư Phật, giảng giải kinh không chút sợ hãi.

Tác giả: Thích Đàm Uyên
Học viên thạc sĩ Phật học khóa 3 – Học viện PGVN tại Hà Nội

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu về bốn pháp an lạc trong Phẩm 14, Kinh Pháp Hoa và giúp hành giả hiểu thế nào là hạnh an lạc. Qua đó, giúp hành giả biết được ý nghĩa khi thực hành bốn pháp này đối với cuộc sống chân thật của con người và tu tập, truyền lưu Kinh Pháp Hoa.

Từ khóa: an lạc, an lạc hạnh, ý nghĩa an lạc hạnh, kinh Pháp Hoa.

1. Khái niệm An Lạc Hạnh

An là tâm không lay động khi đối cảnh, không tích chứa cảm thọ trong tâm nghĩa là lạc và khi hành giả làm lợi ích cho chính bản thân và mọi người đó là hạnh[1]. (T no 1926, 46.700 a 11 – 12). Trong Pháp Hoa Huyền Luận do Cát Tạng soạn: “An lạc có nghĩa là an trụ trong bốn hạnh, thân tâm sẽ được lạc.

Hoặc là nếu có người tu tập bốn hạnh này, thân trở nên an, và tâm trở nên lạc. Hoặc khi có người không lay động vì ngoại cảnh, người ấy được an, nội tâm vui, đây là lạc. Cũng vậy, an có nghĩa là lìa khổ, lạc có nghĩa là được vui. Hơn nữa, khi thân và tâm an, thân và tâm được lạc.

Chúng ta lấy giải thích đầu tiên trong những giải thích này làm nghĩa căn bản.”[2] (T no. 1720, 34.430c29 – 431a4) và “Nếu có người an trụ trong bốn hạnh, cả thân và tâm được lạc nên gọi là an lạc hạnh.”[3] (T no.1720, 34.362a5-6). Cho nên phải an trụ nơi bốn pháp như thế thì luôn được an ổn để diễn nói, truyền trì kinh Pháp Hoa tức luôn sống trong ánh sáng tri kiến Phật.

Trong Pháp Hoa Văn Cú do Thiên Thai Trí Khải và Quán Đảnh viết “Xa lìa nguy hiểm và sợ hãi thì gọi là an. Về thân có giới luật (của thân). Về luật có giới luật của khẩu. Về ý, hành giả cố ý không luồn cúi cũng không cao ngạo. Với lòng từ hành giả luôn ở trong vĩnh hằng. Đây gọi là hạnh.”[4] (T no.1718, 34.819a23-25).

Vậy an lạc hạnh chính là sống không bị tác động xấu bởi ngoại cảnh, giữ gìn giới luật giúp ba nghiệp thanh tịnh, chính trực, sống với lòng từ bi, phát thệ nguyện rộng lớn, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Trong Phẩm An Lạc Hạnh của Kinh Pháp Hoa có chỉ ra bốn pháp An lạc:

– An lạc về thân (an trụ trong hành xứ và thân cận xứ)

– An lạc về khẩu

– An lạc về ý

– An lạc khi phát đại thệ nguyện (phát đại bi tâm)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Y nghia chan that cua hanh an lac doi con nguoi 4

2. Ý nghĩa chân thật của hạnh an lạc đối với con người

2.1 Thân an lạc (an trụ trong hành xứ và thân cận xứ)

Kinh Pháp Hoa đề cập: “Nếu vị đại Bồ tát an trụ trong nhẫn nhục hòa dịu, khéo thuận mà không vụt chạc, lòng không sợ sệt, lại ở nơi pháp không phân biệt mà quán tưởng như thật của các pháp cũng chẳng vin theo, chẳng phân biệt, đó gọi là chỗ hành xứ”[5]; điều này tương ưng tam nhẫn “Tên gọi tất cả các pháp chỉ cho tam độc, tứ đại, ngũ uẩn, thập nhị nhập, thập bát giới, thập nhị nhân duyên.

Đó là cái chúng ta gọi là nhất thiết pháp. Vị Bồ tát, khi đứng giữa tất cả các pháp khác nhau thì dựa vào tam nhẫn”[6] (T no 1926, 46.700b 17 – 20). Kinh Pháp Hoa có kệ:

“Thường tu hành nhẫn nhục

Thương xót tất cả chúng

Mới có thể diễn nói

Kinh của Phật khen ngợi”.[7]

Như vậy thân cận nơi hành xứ tức hạnh nhẫn nhục trong mọi lúc. Khi có hạnh nhẫn nhục, yêu thương chúng sinh thì mới có đủ khả năng thuyết kinh Pháp Hoa. An trụ bất động được sẽ nhẫn được với những cảm thọ bất thiện sinh khởi bởi vô minh.

Ví như hành vi đánh, nhục mạ, hay khen ngợi, hàng Bồ tát nhìn thấy người làm ác, nhận chịu khổ đau giống như mộng huyễn tức là người tạo tác và người thụ nhận đều hư vọng…

Hàng Bồ tát quán tâm hư dối thấy rõ không có tâm, không có ngã, không có nhân tướng nam, nữ hay oán ghét, yêu thương, thân cận, lạnh nhạt, lục căn trên thân thể đều không thật có giống như cái bóng trên không gian tức Ngài chứng tâm vô sinh diệt và giáo hóa chúng sinh khởi nguồn bằng sinh tử, kết thúc là Bồ đề bởi tánh của vạn Pháp như như bất động, tính của lục căn là không, vô ngã.

Như vậy, “Vì Bồ tát chứng được sự kiện này và mang ra dạy người, nên nói là ‘an’. Người ấy diệt được ba sự cảm thọ khiến không sinh khởi. Rốt ráo không tịch, cũng không thấy ba hình tướng cảm thọ này, bất cứ hình thái cảm thọ nào đều không sinh khởi. Đây gọi là ‘lạc’. Khi đứng giữa vạn pháp, tâm bồ tát tự tại. Xa hơn, Bồ tát dạy người rằng tâm vốn tự tại giữa vạn pháp.

Vì Bồ tát tu định, theo đúng giáo lý Pháp Hoa, nên gọi là ‘hạnh’.[8] (T no 1926, 46.700C26 – 29). Như vậy, khi chúng ta an trụ hạnh phúc làm lợi mình lợi người mang ý nghĩa tư tưởng nền tảng an nhiên tự tại giữa các pháp với nghĩa tự giác, giác tha, tránh được sự khổ đau. Vì “Nếu có người an trụ trong bốn pháp, thân sẽ an, tâm sẽ định. Nếu thân và tâm an định thì không còn phiền não. Đây là ý nghĩa của an lạc”.[9] (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Sớ, Đạo Sinh, ZZ2B23-4, 408b13-15).

Hay như “Quả Bồ Đề được chỉ rõ trong an lạc. Tu hành là để chứng Bồ đề, nên gọi là An Lạc Hạnh. Nhưng cũng có lối giải thích khác. Ngài Văn Thù Sư Lợi đưa ra bốn hạnh đại biểu cho chư Bồ tát thực hành các pháp thấp. Nếu các vị trang nghiêm với bốn hạnh này thì có thể gánh chịu được những sự khó khăn gặp phải trên con đường hoằng pháp trong đời ác trược.

Vì vậy nên gọi là an lạc. Cũng có thể giải thích rằng, khi có người tu tập bốn hạnh, người ấy sẽ không ảnh hưởng bởi những tác động xấu ác từ bên ngoài mà sẽ được hỷ lạc, đây gọi là an lạc hạnh.”[10] (Pháp Hoa Nghĩa Ký (508), Đôn Hoàng, T no. 2748, 85.176c19-22).

Như vậy, nếu thân tướng chúng ta không gặp nguy hiểm, đói khát, bất trắc tất được an; nếu tâm không đau khổ, phiền não thì chính mỗi hành giả sẽ được vui. Khi tu tập mà thân an ổn, tâm vui vẻ, không phiền não thì vị ấy càng tinh tiến trên con đường tu học.

Như các phẩm kinh khác trong kinh Pháp Hoa cũng dụ cho người có pháp thân an ổn tức “mặc áo Như Lai”[11], một khi “vào nhà Như Lai”[12] thì tâm ta giải thoát an vui, còn khi “ngồi tòa Như Lai”[13] tức hành giả thấu triệt lý bát nhã, đạt tuệ giải thoát “lại nơi pháp không phân biệt mà quán tướng như thật của các pháp”; lấy đó làm kim chỉ nam tu tập và tinh tiến nhận diện khổ, diệt khổ, đạt an vui, giải thoát. Cho nên khi ta an trụ trong nhẫn nhục, tâm không dao động mà được an lạc, từ đây quán thực tánh vạn pháp để tu tập tinh tiến hơn.

Hơn thế nữa, chúng ta phải “vô nhẫn” thì mới thật sự nhẫn tức là khi ta nhẫn nhưng không có cảm giác nhẫn nếu không sẽ kẹt vào chấp, còn kẹt vào khái niệm có, nếu ta không thì trong tâm không tồn tại khái niệm đang nhẫn thì sẽ không bị dính mắc. Ngoài ra, an lạc hạnh còn có nghĩa là không phiền não bởi sinh tử, luân hồi hay giải thoát, niết bàn. Do không chìm đắm mà bản thân tự tại, an nhiên, phiền não không có cơ hội phát khởi dẫn đến tâm thanh tịnh, an trụ không loạn động với mọi ngoại cảnh.

Ví dụ như khi mình muốn được hạng nhất nhưng không được vì thua bạn 0.25 điểm thì thấy buồn, người được giải nhất lại kiêu hãnh và lần kế thứ hạng lại thay đổi vì nhiều duyên, cảm thọ lúc này lại biến chuyển. Cho nên khi có nhận sẽ có khổ và ngược lại, vì vậy chúng ta tu hành không nhận mình là phàm cũng không phải thánh, không ép xác cũng không hưởng thụ mà tùy thuận nhân duyên khởi tạo nên sinh hạnh mà vào trung đạo.

Đây là sự tỉnh thức bởi tuệ. Thực tế, chúng ta có thể hiểu khi con người có đầy đủ tiện nghi hợp pháp, không dư không thiếu mà vừa đủ thì thân sẽ an lạc, sau đó mới lo cho người khác; cũng vậy, khi bản thân hoàn thành mọi nghĩa vụ của công dân, đủ ăn, đủ mặc thì mới hoan hỷ giúp người, lúc mọi người sống hòa hợp thì sẽ an lạc, còn như chia rẽ, gom hết về mình sẽ luôn bất an, lo sợ.

Tu Bồ tát đạo, tuyên thuyết Pháp Hoa cần tạo sự hòa hợp thì đạo nghiệp giải thoát, truyền lưu Pháp bảo mới thành tựu. Hành xứ ở đây tương ưng giữ tướng chân thật của các pháp, không đắm nhiễm theo thế gian, không phân biệt, an trụ trong hạnh nhẫn, hành xử hòa dịu tức là hành xứ của Bồ tát muốn tuyên lưu kinh này. Không chỉ vậy, bất kể ai cũng nên tu tập hạnh này vì nếu nóng giận sẽ khiến người khác nhìn vào mất tín tâm, con người tạo nghiệp ác.

Đối với hành giả tu tập nên chọn những trú xứ yên tĩnh, nương nơi bậc thầy có đức hạnh, môi trường thiện lành sẽ giúp cho đạo tâm có cơ hội được trưởng dưỡng mỗi ngày. Đối với bổn phận gia đình, mỗi người báo hiếu cha mẹ bằng cách nỗ lực tu tập, chuyển hóa thân tâm để có nhiều công đức hồi hướng cho cha mẹ, khuyến khích cha mẹ làm lành, lánh dữ, biết quy y Tam Bảo…

Nếu là người xuất gia cần thực hành hạnh thiểu dục tri túc với một bát ba y, thọ nhận từ tín thí đàn na để tu học, không sống xa hoa, tham cầu dục lạc.

Thân cận xứ

Nếu mỗi người sống trong môi trường có những đối tượng bất thiện mà tâm mình chưa vững rất dễ bị lôi kéo theo hành vi xấu và ngược lại.

Trong phẩm 14 kinh Pháp Hoa khuyên hành giả không nên “thân cận quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng, ngoại đạo, hay những người chơi trò hung hiểm, đâm nhau, đánh nhau, phù thủy, bùa chú” bởi vì nếu về mặt hành chính thì vua quan, các bậc lãnh đạo là người đáng trọng, với quyền lực, địa vị họ giúp xã hội ổn định, phát triển v.v…

Còn người đánh đập, chửi bới sẽ dễ kéo ta rơi vào chấp ngã, tạo nhiều ác nghiệp, rơi vào sinh tử nhưng nếu các vị ấy đến với chúng ta vì đạo pháp thì các vị ấy phải quên địa vị, quyền thế v.v.. của họ và đứng trên lập trường người cầu đạo mà tôn trọng người mình muốn học giáo lý.

Khi làm được như vậy, sự tranh chấp, mâu thuẫn giữa các quan niệm tôn giáo, thành phần, giới tính, độ tuổi mà tiến tới sống gần gũi, khác ngôn từ nhưng đồng ý nghĩa để yêu thương nhau hơn. Khi nào chúng ta tu vững, có lập trường đạo đức thì bấy giờ sẽ không bị phụ thuộc vào ngoại cảnh xung quanh.

Như vậy, thân cận xứ chính là môi trường chúng ta sống. Cho nên, ta cần chọn môi trường vừa tiện cho tu học lại vừa giữ được uy nghi tế hạnh. Chúng ta cần sống với người tốt, môi trường thiện lành, khi nào thật vững chãi thì mới sống trong môi trường bất thiện mà không bị lây nhiễm, lại có thể chuyển hóa họ trở nên thiện lương.

Vì thế, ta nên gần gũi người mà thấy tâm được an, sáng suốt, bớt khổ đau, thấy bản thân gần với Phật và ngược lại không gần nơi tranh giành, có quyền lợi ta không để tâm, không tới gần tất sẽ được an.

Mỗi hành giả “Thường thích ngồi thiền”[14], nghĩa là luôn hết lòng tu tập định lực, đây là chỗ Bồ tát nên tu hành. Vậy phải chúng ta ngồi thiền ở đâu? Đến các cinema, vừa xem phim vừa ngồi thiền được không? Một hành giả biết ngồi thiền, tâm thanh tịnh vững chãi thì đến chỗ nào, đi, đứng, nói năng yên lặng, động tĩnh hay ngồi thì cũng đều an nhiên thiền được cả[15]; còn như không biết thì không thể được; bởi “Trong mộng rành rành có sáu nẻo; tỉnh ra rỗng lặng chẳng ba nghìn”[16].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Y nghia chan that cua hanh an lac doi con nguoi 5

Nếu như hành giả đã giác ngộ, giải thoát, thì ba nghìn đại thiên thế giới đều không hiện hữu? Khi bản thân nằm mộng mới thấy có sáu nẻo luân hồi, sinh tử; không buông bỏ được cái nào: “Ồ! Đây là chồng tôi!”, “kia là vợ tôi!”, “nọ là cha, mẹ tôi!”, đó là thầy tôi v.v… Thứ nữa, nếu hành giả chưa có định lực, nên ngồi thiền ở nơi thanh vắng. Nghe thế, mọi người nghĩ rằng đó là không cần phải làm việc, từ sáng đến tối nhàn nhã, thảnh thơi, như vậy rất hợp với bản chất của tôi! Tôi vốn không thích làm việc, thế thì tôi sẽ đi ngồi thiền!.

Suy nghĩ này hoàn toàn lệch lạc với người tu học. “Nhàn” ở đây có nghĩa là nơi không ồn náo, tức là nơi thanh vắng, không huyên náo. “Tu nhiếp tâm mình”[17]: tu là tu hành, nhiếp là giống như dùng đá nam châm hít lấy tất cả các thỏi sắt. Vậy chúng ta phải nhiếp cái gì? Nhiếp tâm, nghĩa là quý vị không để cho tâm mình chạy lăng xăng như vượn.

Vậy “Tâm tôi cũng biết chạy sao?” Nó không những chạy mà còn chạy xa và vô định. Sáng thì niệm trước chạy đến Mỹ, niệm sau chạy đến Úc, niệm tiếp sau nữa chạy đến tận Canada rồi lại về Việt Nam. Như vậy, không cần mua vé mà ta có thể dạo chơi khắp các nước trong sát na.

Nếu mỗi người cho rằng chi phí này là quá rẻ, nhưng sự thật chúng ta đã sử dụng rất nhiều năng lượng tự tánh của mình. Chúng ta đều biết khi nguyên liệu để chạy, đốt, vận hành nhưng hết thì tất cả đều bị dừng lại. Như vậy, mỗi người biết nhẫn nhục hòa dịu, tiết kiệm năng lượng, gần nơi môi trường tốt, bạn tốt v.v… thì tâm sẽ luôn sáng suốt, định tĩnh, an lạc và không đọa lạc. Vì thế, hành giả cần nhiếp tâm tránh vọng tưởng thì ngay đó chính là chỗ thân cận đầu tiên.

Ở hạnh này, tất cả chúng ta thực hành được sẽ cùng nhau khuyên nhủ mọi người xung quanh cùng nhau sống đạo đức. Một người phật tử chân chính cần cân nhắc, chúng ta tu học phật pháp là vì mong giải thoát, phục vụ chúng sinh, không phục vụ tư lợi cho riêng cá nhân nào.

Chúng ta trước nhất cần từ bỏ phiền não, nhận diện vô thường, vô ngã tất cả khổ đau do tham ái, dục vọng, vô minh kiến tạo nhưng thật chất vạn pháp vốn tự có, tất cả là không mà tùy duyên biến hiện; cho nên cần nhận diện và thân cận. Tuy nhiên, đây mới là an trụ trong pháp sơ đẳng để nói kinh Pháp Hoa.

Chỗ sống an lạc của người tu tập, ở nơi pháp không phân biệt, quán chiếu tướng chân thật của các pháp. Thấy nghịch, thuận, nam, nữ… đều như thật, vượt trên cả các pháp vô thường, như huyễn mà tất cả đều hiện tiền như thật, không có sự phân biệt phải trái, cái nghe đang rõ ràng, sự thật hiện bày luôn hiển lộ nơi lục căn.

Do chân thật mà ta thấy rõ ràng mọi cái hiện ra như vậy mà không có sự chuẩn bị trước. Khi ta không muốn sống như thật mà đem tâm phân biệt làm ta mê mờ không thấy sự thật. Thuận hay nghịch, tướng hay vô tướng, âm thanh đều là chân, trong mỗi thời mỗi lúc chúng ta như như bất động tức thân cận nơi hành xứ.

Nếu ta ngộ chưa sâu, chưa thấu triệt mà chạm cuộc sống ngay thì dễ bị nhiễm; thân cận trong tri kiến Phật của chính mình mới là thân cận chứ không phải gần gũi nhiều là thân cận. Lực chưa đủ thì nên tránh duyên. Sống chung nhà mà tư tưởng không đồng là đã rối, đã sóng gió. Khi tu tập muốn luôn an trú trong tri kiến Phật tức trong giai đoạn công phu ta quyết lòng công phu tránh người có tư tưởng bất đồng, phải thấy lực của mình, nên gần ai và nương tựa cái gì nếu không sẽ có chướng duyên làm trở ngại công phu tu hành.

Nếu ai làm trở ngại chúng ta phải tránh né vì lực tu còn kém, nên gần người giúp ta tăng trưởng đạo lực. Không tiếp xúc riêng với người khác giới, dù thân cỡ nào cũng có khoảng cách, không nói sa đà. Tâm chúng sinh dễ nhiễm, phải cách ly khi còn yếu. Người ban đầu mà không có môi trường tốt thì dễ hư, dễ bị lôi cuốn, động tâm. Phật tử đi chùa cần biết cách giao tiếp, bảo hộ quý thầy, gìn giữ quý thầy tu tập tránh phóng tâm.

Tóm lại, người tu tốt luôn tìm ra sự an lạc cho chính mình, khi đủ nội lực mới đem ra giúp đời và thấy các pháp là không, tướng chân thật của nó, không vướng mắc. Rời tri kiến Phật để sống, để nói kinh thì sẽ bị vướng mắc, không vững vàng để nói cũng không trọn vẹn trong chính pháp; ngược lại sẽ có sự an lạc.

2.2 Khẩu an lạc

Kinh Pháp Hoa có dạy: “Sau khi đức Như Lai diệt độ, ở trong đời mạt pháp muốn nói Kinh này, phải trụ nơi hạnh an lạc, hoặc miệng tuyên nói, hoặc lúc đọc Kinh đều chẳng ưa nói lỗi của người và của Kinh điển; cũng chẳng khinh mạn các Pháp sư khác, chẳng nói việc hay dở, tốt xấu của người khác.

Ở nơi hàng Thanh-văn cũng chẳng kêu tên nói lỗi quấy của người đó, cũng chẳng kêu tên khen ngợi điều tốt của người đó. Lại cũng chẳng sinh lòng oán hiềm, vì khéo tu, lòng an lạc như thế, nên những người nghe pháp không trái ý. Có chỗ gạn hỏi, chẳng dùng pháp Tiểu thừa đáp, chỉ dùng pháp Đại thừa mà vì đó giải nói làm cho đặng bậc “Nhất thiết chủng trí’.”[18]

Nói pháp muốn trụ trong an lạc thì không được nói lỗi người nếu không sẽ gây phiền não, xáo trộn tư tưởng của người khác. Dẫn đến có sự chống phá. Người giảng pháp không được nói lỗi của pháp sư khác, hay là ca tụng mà chỉ thuần nói chuyện chính pháp sẽ có nhân quả tốt đẹp, người nghe không trái ý mà nghe theo pháp tu tập sẽ không phạm sai lầm phỉ báng nhau.

Không dùng pháp đối đãi để đáp mà làm sao giúp người nghe nhận được nhất thiết chủng trí, nghe pháp vượt qua đối đãi, không còn nhận biết hai bên, giúp người tu tập đạt nhất thiết trí. Chớ vạch tìm hay dở, vì thuận pháp, chẳng nói ít, chẳng nói nhiều. Khi hiểu kinh điển đại thừa thì không được có tâm khinh thường, chê trách người đang tu bậc thấp hơn, không có lời mắng nhiếc, chỉ là họ chưa đủ duyên để học đạo cao hơn nên đang học sơ đẳng.

Không được khinh thường chú tiểu mới vào chùa, không khinh thường một giọt nước, không được khinh thường con rắn nhỏ; chỉ là họ chưa khai mở chứ không phải không có Phật tánh. Nếu ta còn tâm khinh thường thì tu sẽ chưa tới. Ta tôn trọng mọi người bình đẳng để khi đủ duyên họ cũng thành Phật và thấy sự bình đẳng các pháp.

Chúng ta không nói pháp, bàn bạc đạo lý để não loạn người mà giúp người được hiểu, nếu tranh luận với tâm hơn thua, bài xích thì sẽ không còn là Phật pháp nữa. Bởi vì nhìn cuộc đời bằng tâm tùy hỷ, tâm từ bi nên không có phân biệt, không như cái thấy bằng tâm ác ban đầu trước khi thành tựu định; cho nên lời nói lúc này của hành giả phát xuất bởi lòng từ, trở nên chân thật, không ai có thể tranh cãi.

Chúng ta nói, hay hành động với vai trò xây dựng, không để lòng bực tức v.v… tất sẽ không sinh lời thô ác, không nói dối, vọng ngữ, không tranh chấp, cãi vã hơn thua khi ấy hành giả Pháp Hoa hay chính bản thân mỗi người tự an lạc, vô hình giữ được giới về khẩu, về thân.

Đồng thời, ai nhìn thấy chúng sinh nghèo thiếu, bạn bè hung hiểm, môi trường xung quanh và chính mình tệ ác thì họ không thể sống an vui, không hiểu và đồng cảm chấp nhận các pháp chân thật là hiển nhiên. Quán sát thấy như vậy, cái phiền não bao vây nên hành giả dễ dàng khởi từ tâm, từ đây nói pháp bằng tình thương không phải lời hoa mỹ thế gian để có danh thơm tiếng tốt.

Qua đó, hành giả mang lại sự an lạc, từ tâm rộng lớn khiến người nghe quên cả phiền não thù hằn, thấy sự chân thật và tinh tiến tu tập trong xã hội nhiều tranh chấp hận thù như ngày nay.

Tóm lại, khi hành giả tu thuần thục pháp này sẽ không khởi tâm thương, ghét, ganh tỵ mà tùy hỷ với điều thiện của người khác, họ luôn giúp đỡ người tu hành và tâm niệm họ sẽ thành Phật.

2.3 Ý an lạc

Để ý an lạc thì phải giữ tâm mình cho trong sạch, bằng cách luôn đọc tụng kinh điển và suy nghĩ sâu xa nghĩa lý của kinh, chắc chắn được an lạc. Mọi người thấy mình an trú trong công phu tu tập như vậy, họ không nói được. Bình thường, khi nhìn cảnh bên ngoài chúng ta hay suy nghĩ, tưởng ở trong tâm, có khi không chê ra mặt, ra lời nói hành động nhưng bên trong vẫn hiện hữu sự chê bai, đây là bệnh của nhiều người.

Đôi khi chúng ta không có ý xấu nhưng người ta còn hại huống gì có ý xấu. Cho nên hành giả không nên khởi ý tốt, xấu mà luôn ở mức trung đạo, ung dung để hành xử trong thời đại nhiều hơn thua này. Khi ý an lạc, không bực bội, dù sống nơi thanh vắng vẫn an vui, bên ngoài thay đổi nhưng tâm hành giả vẫn như như bất động, không rơi vào niệm phải, niệm trái, luôn giữ chính định để làm nền tảng khởi tâm đại bi.

Vì lúc đó, đại bi tâm mới thực sự tương ưng tâm Phật, bấy giờ mới truyền bá kinh pháp được. Do chính định, ý vững chắc mà hành giả xa rời nếp sống thế gian, tất cả vũ trụ đều hòa cùng tâm chúng ta; như thế mọi việc làm đều hòa hợp, nhiều pháp nhưng tựu chung một. Do tâm Bồ tát rộng mở mà cảm nhận khổ đau và dung chứa muôn vật, từ tâm mong muốn của chúng sinh mà kiến thiết thế giới thanh tịnh.

Để thực hạnh an lạc nơi ý tuy khó nhưng khi làm được mang lại ý nghĩa to lớn, giúp ta hiểu được nếu không cứu chúng sinh xấu ác thì bản thân cũng chết; vì vậy phải tùy thuận cứu độ chúng sinh cũng là cứu mình. Với mọi người chúng ta cần khởi tâm đại bi, gánh bớt khổ, cảm thông với gian khó, khích lệ họ tinh tiến tu tập.

2.4 Phát Đại Bi Tâm

Thệ nguyện phát đại bi tâm là sự kết hợp giữa tu tập ý chí với hành động. Khi ý thanh tịnh, không bị tác động bởi ngoại cảnh, không mong lợi lạc giúp con người có cái nhìn đúng như thật, không chấp kẹt trong phiền não, nhiễm ô. Kinh Pháp Hoa có đề cập:

“Kinh của Phật khen ngợi.

Ðời mạt thế về sau

Người thọ trì Kinh này

Với tại gia, xuất gia

Và chẳng phải Bồ-tát,

Nên sinh lòng từ bi

Những người đó chẳng nghe

Chẳng tin Kinh pháp này

Thời là mất lợi lớn

Khi Ta chứng Phật đạo

Dùng các sức phương tiện

Vì nói Kinh pháp này

Làm cho trụ trong đó.”[19]

Như vậy, khi thành Phật phải độ tất cả người ghét ta để họ trở về bản tính Phật, phải phát lòng đại bi lớn và tùy nghi phương tiện thuyết pháp. Tình thương của họ lớn thì đức lớn. Còn nhỏ chỉ lo đi học, khi lớn có gia đình thì lo cho con, cháu v.v… thì đức càng lớn tình thương lớn. Khi tu tập, nhận được tri kiến Phật, tất cả đến với nhau bằng tình thương thì tất cả đều là thân bằng quyến thuộc.

Ba hạnh đầu đức Phật chỉ phương tiện để hành giả thanh tịnh ba nghiệp đạt an lạc để khai mở tri kiến; đến đây Phật chỉ cho cái thấy đi vào tuệ, thấy sự hoằng đạo và cứu vớt chúng sinh mà không có gì não hại được; qua đó, tất cả đều đạt thanh tịnh. Vì phát đại bi tâm để độ tất cả chúng mà vào đời được mọi người chào đón “Nếu người muốn mắng nhiếc, miệng thời liền ngậm bít, dao đi không sợ sệt”[20] và người tới nghe pháp cũng không trái ý.

Ai nghe pháp rồi ghi nhớ trong tâm, luôn suy tư và đem truyền cho người khác. Lần lần tạo thế giới kỳ diệu, tất cả mọi người đều thương yêu nhau.

Khi ý chí hướng về cõi nước trang nghiêm, tu tập vững chãi, làm các việc như chư Phật, Bồ tát đã làm và phát đại thệ nguyện mà được chư Phật gia hộ để tu trì đến khi thành tựu, phá ma ngũ ấm, phiền não, đầy đủ công hạnh; lúc giảng thuyết sẽ khiến người nghe phát tâm bồ đề; như thế chúng ta không rời thế gian mà bỏ tâm phàm tục, tránh mọi tranh chấp hơn thua – nguyên nhân gây chướng ngại Thánh đạo.

Tóm lại, Bốn hạnh an lạc trong kinh Pháp Hoa cũng là phương pháp lưu truyền kinh trong đời ác. Khi thành tựu bốn hạnh này thì mỗi hành giả là một Như Lai không cái gì có thể xoay chuyển, não hại mà trụ vững trong an lạc để đi đến bảo sở của chư Phật, giảng giải kinh không chút sợ hãi.

Tác giả: Thích Đàm Uyên
Học viên thạc sĩ Phật học khóa 3 – Học viện PGVN tại Hà Nội

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Y nghia chan that cua hanh an lac doi con nguoi 1 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Y nghia chan that cua hanh an lac doi con nguoi 2 Tap chi Nghien cuu Phat hoc Y nghia chan that cua hanh an lac doi con nguoi 3

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường