Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) không những là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, mà đã trở thành ngày lễ hội..........
Đại lễ Phật đản LHQ (Vesak) không những là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, trở thành ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của toàn cầu.
Lịch sử
Lễ Phật đản hay còn gọi là Vesak được tổ chức hàng năm, từ ngày 8 tháng 4 đến hết ngày Rằm tháng Tư, để kỷ niệm ngày đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày Rằm tháng Tư Âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 Âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 Âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ ngày 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước thành viên đã thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư Âm lịch hàng năm.
Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 Âm lịch đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Ngày lễ này ngày càng được Phật giáo Việt Nam tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của đức Phật và các hoạt động từ thiện khác. Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc - Vesak đã được tổ chức tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014, 2019.
Trước đây, ở Việt Nam thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8 tháng 4 Âm lịch, nhưng những năm gần đây, theo văn bản của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lễ được tổ chức từ ngày 8 đến 15 tháng 4 Âm lịch, lễ chính vào ngày 15 tháng 4 Âm lịch.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại lễ Phật đản
Sự kiện đức Phật đản sinh là để xóa tan cái tối tăm của vô minh, hướng dẫn con người thoát khỏi khổ đau. Con người muốn được hòa bình, hạnh phúc an lạc thì trước hết phải học những cách thức dẫn đến giập tắt sân hận, tham lam và si mê, vì đó là gốc rễ của năng lực tội lỗi.
Giáo lý của đức Phật giúp cho xã hội có thể tiến bộ về văn hóa, văn minh, cho con người sống trong hòa bình và hòa hợp, soi sáng cho nhân loại vượt qua một thế giới tối tăm, hận thù và đau khổ, tiến tới một thế giới ánh sáng, tình thương và hạnh phúc.
Như vậy, đức Phật ra đời mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không những Ngài đã thiết lập một xã hội bình đẳng, đem lại hòa bình cho nhân loại, mà còn hướng con người thoát khỏi khổ đau trầm luân trong sinh tử. Có lẽ từ những đóng góp có giá trị cho xã hội loài người như vậy mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận ngày Phật đản là ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này rất có ý nghĩa, không những phổ biến giá trị của Phật giáo sâu rộng vào quần chúng nhân dân, mà còn thể hiện tình hữu nghị giữa các nước trên thế giới.
Đề cao tinh thần đại hùng – đại lực – đại từ bi
Đó là sức mạnh vĩ đại, sức mạnh phi thường của tinh thần vô ngã và sự chiến thắng tự thân. Thế gian kim cổ chỉ khuất phục người bằng uy quyền và vũ lực, chứ có mấy ai khuất phục nổi cái dục tình trong lòng của mình. Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ mái tóc xanh, gửi lại vương bào, chẳng ham châu báu, từ chối quyền uy, sống đời thoát tục với tấm cà sa và chiếc bình bát trải qua sáu năm khổ hạnh, không tiếc thân mạng, chỉ mong chứng được đạo vàng.
Sự từ bỏ đó cũng nói lên nguyện lực vô biên mà Thế Tôn đã tự chiến thắng, tự điều phục chính mình giúp tinh sạch nội tâm. Tất cả nội chướng ngoại ma đều tan tành như mây khói trước sức mạnh đại định của Ngài. Trong thì Ngài dứt sạch hết ma nội tâm, dục vọng và tham sân si; ngoài thì Ngài chiến thắng tất cả ma vương, ma nữ, ác thú cũng như những trận cuồng phong.
Đại lực là sức mạnh nội tâm, có nghị lực chịu đựng, có đức nhẫn nhục khắc phục mọi hoàn cảnh, cảm hóa chẳng những cho chính mình mà còn cảm hóa được tha nhân. Vào thời Đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa và chàng Vô Não đã bao phen tìm cách hại Ngài, thế mà Phật vẫn thản nhiên, chẳng buồn phiền mà còn phát tâm thương xót cảm hóa họ.
Đức Thế Tôn đã gặp không biết bao nhiêu là chướng duyên và nghịch cảnh, thế mà tất cả đều tiêu tan bất thành trước trí tuệ và định lực của Ngài. Chính Ngài đã nói rằng nhẫn nhục khiêm tốn không có nghĩa là khiếp nhược, mà trái lại chúng là đạo quân trung thành đưa ta đến thanh tịnh và rốt ráo, ai có nghị lực sẽ thản nhiên trước những chửi mắng thiếu đạo đức của người khác, sẽ bình tâm trước những thị phi đố kỵ.
Con người luôn mong sống trong hòa bình nhưng tâm tính thì bất hòa; mong đạt được nhiều thành công nhưng cuộc sống lại làm nhiều việc xấu; mong luôn được yêu thương nhưng lòng lại chất chứa hận thù, ôm lòng hiểm độc. Do vậy, Đại từ bi là tình thương bao la rộng lớn với tâm bình đẳng vô phân biệt đến với mọi người, mọi loài, là lòng vị tha vô bờ bến.
Lòng từ bi của Đức Phật như ánh trăng rằm rải khắp vạn vật, bình đẳng, không phân biệt, không điều kiện. Ngài lúc nào cũng thương chúng sinh hơn tự thương mình khi chính Ngài đã nói: “Nếu Ta không vào địa ngục thay thế và cứu chúng sinh thì ai thay Ta vào”.
Tóm lại, với đại hùng, đại lực và đại từ bi, Đức Phật chẳng những tự mình giải thoát, mà Ngài còn để lại cho nhân loại và chúng sinh một triết lý và tôn giáo vĩ đại. Bất cứ ai, nếu có đủ ba phẩm chất ấy thì nội tâm sẽ thanh tịnh và tự tại trước chướng duyên, nghịch cảnh.
Đối với dân gian, những phật tử
Ngày lễ Phật Đản là ngày lễ trọng đại và được tổ chức rất trang trọng. Vào ngày lễ, phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng, và thực hành ăn chay và giữ ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả).
Thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng. Kỷ niệm Phật Đản cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt hơn bình thường để tri ân, mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.
Vào ngày Phật Đản, các phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp hơn những ngày bình thường. Các phật tử đến chùa nhiều hơn để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh và sửa đổi bản thân tốt hơn.
Ngoài ra, trước và trong dịp đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, phật tử có uy tín, có công lao với đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Đại lễ Phật đản không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn chứa đựng ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa xã hội. Đại lễ Phật đản không chỉ chuyển tải những giá trị đạo đức nhân bản của đạo Phật, mà còn khơi dậy những giá trị nhân văn đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Qua đại lễ, phật tử thành tâm thể hiện sự tôn kính của mình trước đức Phật, những vị anh hùng có công với dân với nước đồng thời cũng là dịp phật tử nhìn lại mình để hiểu về các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp mà đạo Phật đã đem lại cho con người.
Lễ tắm Phật trong Đại lễ Phật đản
Lễ tắm Phật là nghi thức truyền thống trong ngày lễ Phật đản. Lễ tắm Phật bắt nguồn từ câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh. Trong kinh Đại Bổn (thuộc Trung Bộ kinh - Đại Tạng kinh Việt Nam) có ghi lại rằng: Khi Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử, bỗng nhiên trên hư không xuất hiện hai dòng nước, một nóng và một lạnh của chư Thiên tưới xuống để tắm cho Thái tử và Hoàng hậu. Còn trong kinh Phổ Diệu nói rằng: Trên hư không lúc ấy có chín con rồng phun nước tắm cho Thái tử.
Lễ tắm Phật là nghi thức thiêng liêng, long trọng trong ngày lễ Phật đản đối với hàng triệu tín đồ Phật giáo. Nghi lễ tắm Phật mang lại nhiều công đức phước báu to lớn: Một là thể hiện lòng cung kính, vui mừng khi một bậc Đại nhân ra đời; hai là tắm rửa, gột rửa chính tâm hồn mình làm sao cho tâm hồn mình được trong sạch, để đức Phật sơ sinh ở trong tâm mình được xuất hiện.
Kết luận
Có thể thấy rằng, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) không những là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, mà đã trở thành ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của toàn cầu, mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Đặc biệt quan trọng hơn là khẳng định được vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hiệp quốc, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.
Tác giả: Linh AnhNguồn tham khảo
https://www.buddhanet.net/vesak.htm
https://giacngo.vn/y-nghia-phat-dan-phat-lich-2567-duong-lich-2023-duc-the-ton-bac-dai-hung-dai-luc-dai-tu-bi-post67001.html
https://chuabavang.com/nguon-goc-va-y-nghia-le-tam-phat-d1176.html
Dưới triều nhà Hồ, Phật giáo tiếp tục suy vi. Tăng lữ lười biếng, không chịu tu học, số sư sãi và tín đồ Phật giáo lại chiếm một tỷ lệ quá cao trong dân chúng.
Nếu chúng sinh nào tin rõ Phật pháp, cho đến tự quán chiếu trí tuệ, đoạn trừ nghi hoặc, gieo các thiện căn làm các công đức, chí tâm hồi hướng, sẽ được thân tướng quang minh, công đức trí huệ thành tựu viên mãn như các bậc đại Bồ tát.
Ngày nay, khi Indonesia đang khám phá bối cảnh tôn giáo đa dạng của mình, Phật giáo vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những cá nhân tìm kiếm sự bình yên, chính niệm và sự phát triển tâm linh.
Trong thất bại, bà không tìm cách đổ lỗi hay biện minh, mà thẳng thắn thừa nhận sự vượt trội của đối thủ. Đây là hình ảnh của người có trí tuệ, hiểu rằng chiến thắng thật sự không nằm ở kết quả, mà ở cách hành xử.
Hình ảnh rồng trong thời Lý không chỉ phong phú về hình dáng và truyền thuyết, mà còn thể hiện sự kết nối chặt chẽ với những giá trị tâm linh và văn hóa.
Huế đã xây dựng một số lượng đền, chùa đáng kể. Điều này lý giải vì sao người Huế từ khi sinh ra đã gắn bó sắc sâu với câu kinh tiếng kệ, tiếng chuông chùa và hình ảnh áo nâu sòng, coi các ngôi chùa như “một thực thể” gắn liền với đời sống tinh thần từng người dân miền đất cố đô...
Nếu như có người muốn thấu rõ tất cả chư Phật mười phương ba đời, thì hãy quán sát tính pháp giới. Pháp giới là chân như thật quán, chỉ tâm thức quán. Tất cả hết thảy cảnh giới đều do tâm tạo ra.
Bài thơ Tự thuật của Trần Thánh Tông hiện lên như một kiệt tác không chỉ đơn thuần của nghệ thuật thi ca, mà còn mang trong mình một triết lý sống sâu sắc, được đan xen một cách tinh tế qua từng câu chữ.
Bình luận (0)