Trang chủ Đời sống Vấn nạn sản xuất hàng giả và cách thức làm giàu theo góc nhìn Phật giáo

Vấn nạn sản xuất hàng giả và cách thức làm giàu theo góc nhìn Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Nhẫn Hòa
Học viên Cao Học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Khi kinh tế phát triển, nhiều nhu cầu được thỏa mãn, giá trị thặng dư tăng đã giúp thúc đẩy phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, mặt tiêu cực cũng nổi lên.

Trong kinh tế học khi kinh doanh, nếu quá nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích cá nhân. Vì đặt lợi nhuận là mục đích kinh doanh hàng đầu không phải sản phẩm chất lượng, sức khoẻ người tiêu dùng nên hiện nay vấn nạn sản xuất hàng giả, kém chất lượng với giá bán như hàng thật là vấn nạn của thế giới đương đại. Phật giáo giải quyết các vấn nạn xã hội dựa trên nền tảng đạo đức, do đó các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh như thế nào cho chính đáng và bền vững, tránh nạn làm hàng giả thu lợi nhuận cao, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

B. NỘI DUNG

Làm giàu theo quan điểm Phật giáo và vấn nạn sản xuất hàng giả

Giáo lý đức Phật chỉ dạy với mục đích cuối cùng là giải thoát khỏi thế giới sinh tử, khỏi vòng luân hồi, vô thường, khổ đau. Tuy nhiên, những khía cạnh của cuộc sống, Ngài không phủ nhận và tách rời chúng khỏi con người. Con người sinh ra trên cõi đời này đều mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc được đo trên thước đo đầy đủ, giàu có tiền tài vật chất, một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Trong nhiều kinh điển, đức Thế Tôn chỉ ra rằng: “vì hạnh phúc nhiều người hãy gây dựng tài sản”[1], mặc dù Ngài viễn ly tài sản và tiền bạc, thế nhưng đức Phật vẫn cho phép hàng đệ tử tại gia sống chung với các dục theo những chuẩn mực nhân bản và nhân văn. Nếu ham muốn an lạc, hạnh phúc dẫn lối cho hoạt động kinh doanh, những hành vi kinh tế tự khắc trở nên đạo đức. Sống phải có phương tiện, biết tạo ra phương tiện hợp pháp cũng như quản lý và sử dụng tốt phương tiện [2] chứng tỏ một cư sĩ chuẩn mực và trưởng thành.

Mặc dù thuật ngữ “kinh tế học Phật giáo” không do trực tiếp đức Phật thuyết giảng, nhưng toàn bộ hệ thống giáo lý của Ngài hướng đến đời sống con người đạo đức bởi lẽ: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiều”[3]. Khai thác giá trị đạo đức trong triết lý Phật giáo, EF Schumacher đặt ra thuật ngữ “Kinh tế Phật giáo” vào năm 1955 và được sử dụng cho đến ngày nay[4]. Theo quan điểm những người đề xướng kinh tế học Phật giáo: “Nếu làm việc trong những mô thức mà phẩm giá và tự do được tôn trọng, người sản xuất và sản phẩm đều đáng được trân trọng”[5]. Kinh tế học Phật giáo khuyến khích, xoá tan sự nhầm lẫn về điều gì có hại và có lợi trong phạm vi hoạt động của con người liên quan đến sản xuất và tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ, cuối cùng là cố gắng làm cho con người trưởng thành về mặt đạo đức.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Hang That Hang Gia 1

Để giàu có một cách chân chính và bền vững, doanh nhân, doanh nghiệp phải giúp chính mình đứng trên nền tảng vững chắc nghĩa là phát triển các giá trị tinh thần trong sáng trong kinh doanh. Theo Bát chính đạo, doanh nhân khi tham gia vào nền kinh tế thị trường hiện nay, đầu tiên phải nhận thức, chính tư duy cho đúng về phương thức sản xuất, phân phối thị trường, giá trị cung cầu, lợi nhuận có được trên cơ sở thực hiện hành vi đạo đức trong kinh doanh là chính, điều đó mới đem lại sự giàu có, thịnh vượng, phát triển lâu bền cho doanh nghiêp, cho xã hội và gia đình. Theo quan điểm Phật giáo, con người là chủ nhân của nghiệp: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[6]. Như vậy, doanh nhân là yếu tố chủ chốt quyết định sự phát triển kinh tế theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Con người phải lãnh trách nhiệm cho chính hành vi của mình khi thực hiện hoạt động kinh tế. Phát triển kinh tế hay làm giàu cho tự thân doanh nghiệp cũng chỉ là đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt và đảm bảo đời sống an vui của con người. Khi làm lợi ích cho cộng đồng cũng chính làm lợi ích cho chính bản thân doanh nhân hoặc doanh nghiệp. Nếu hiểu nguyên tắc trên thì con người sẽ sống trong sự yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng giải quyết khổ đau, tạo dựng một cuộc sống đầy tình người.

Theo đức Phật, kinh doanh là một ngành nghề nhanh chóng đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng lớn[7]. Do đó, ngày nay sản xuất hàng hóa và dịch vụ làm phong phú cuộc sống của con người, là sứ mệnh cao cả của các tập đoàn, thương gia, doanh nghiệp, doanh nhân cho nên không nên sản xuất hàng giả ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Mục tiêu cuối cùng của sản xuất và dịch vụ là xoá bỏ đói nghèo tạo ra sự giàu có thịnh vượng. Xóa bỏ đói nghèo là nhiệm vụ thiêng liêng là mục đích cao cả nhất của cuộc sống. Để đạt được điều này, phải chăm chỉ làm việc và tạo ra một lượng phong phú hàng hóa dịch vụ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt để sử dụng hàng ngày. Doanh nhân phải biết kiểm soát hành vi thực hiện kinh tế khi tham ái nổi lên, giảm đi sự đố kị, giận hờn đấu tranh trong quá trình kinh doanh để tìm kiếm của cải và phát triển tài sản chân chính.

Kinh tế học Phật giáo chủ trương Ahimsa[8] tức bất bạo động nghĩa là ngăn cản việc làm bất cứ điều gì trực tiếp gây ra đau khổ cho bản thân hoặc người khác. Ahimsa đòi hỏi tái cấu trúc các cấu hình thống trị của kinh doanh hiện đại, không nhấn mạnh tối đa hóa lợi nhuận như động cơ cuối cùng mà các doanh nhân và doanh nghiệp nên áp dụng. Do đó, để thành công trong kinh doanh, doanh nhân phải xác định được mục tiêu, mục đích của doanh nghiệp không phải lợi nhuận đặt trên hàng đầu bỡi lẽ vận hành doanh nghiệp: “cũng giống như một cơ thể sống, tăng trưởng với mục đích rõ ràng, bắt nguồn từ những nguyên lý và giá trị gốc rễ, được nuôi dưỡng và vận hành vì hạnh phúc của con người và cộng đồng xung quanh”[9]. Xây dựng một bản kế hoạch chi tiết cho mục đích kinh doanh dựa trên giá trị gốc rễ, giá trị đạo đức như thỏa mãn những giấc mơ của khách hàng, giải quyết nỗi thất vọng của khách hàng, mang lại niềm vui lớn cho khách hàng, mang lại giá trị mười lần hơn cho khách hàng, trở thành bậc thầy trong việc làm của mình, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và gia đình, phục vụ nhân loại và trường tồn trong sự phát triển bền vững.

Phật giáo định hướng doanh nhân biết tạo ra tài sản hợp pháp, không dùng bạo lực tạo ra tài sản, tạo ra tài sản một cách trung thực nghĩa là không sản xuất hàng giả, tạo ra tài sản không hại người khác. Theo kinh “Tăng chi”, muốn thành công trong kinh doanh, doanh nhân phải hội đủ ba điều kiện cơ bản: có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản[10]. Doanh nhân phải có tri thức sự hiểu biết về lĩnh vực cần kinh doanh và cao hơn nữa có trí tuệ tức có chính kiến, chính tư duy trong ngành nghề kinh doanh. Doanh nhân phải biết rõ thương phẩm của mình. Mỗi thương phẩm có những đặc tính khác nhau, nội hàm giá trị khác nhau, cách thức tạo ra sản phẩm, cách thức bảo quản, vận chuyển, thị hiếu thị trường và giá cả khác nhau. Mua thương phẩm, nguyên liệu ở đâu, giá cả ra sao, cách thức bán hàng để đem lại lợi nhuận tốt nhất v.v… là những yêu cầu bắt buộc của doanh nhân. Nhận thức rõ đặc tính thị trường, nắm giữ cán cân cung cầu sản phẩm, có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh v.v… Bên cạnh đó, doanh nhân biết kiểm soát và đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cao, tạo ra văn hóa riêng công ty. Phần lớn doanh nghiệp được xây dựng bởi một cá nhân trước khi phát triển mở rộng, xác nhập công ty đều phản ảnh nhân cách và triết lý kinh doanh của chủ doanh nghiệp. Doanh nhân biết tuyển chọn nhân tài có đạo đức, hiểu rõ điểm mạnh của mình trong tư cách là một doanh nghiệp và phát huy toàn diện những điểm mạnh đó, rũ bỏ những cảm giác tiêu cực, giúp khách hàng nhận thức rõ sản phẩm và dịch vụ, tạo ra ý thức sở hữu cho khách hàng họ sẽ tiếp nhận sản phẩm. Tất cả những hành vi quán sát, thẩm định thị trường, kỹ năng mềm và kỹ năng cứng thực hiện kinh doanh đều dựa trên trí tuệ hay con mắt biết nhìn mọi sự vật giúp doanh nhân tạo ra của cải một cách chính đáng và thành công.

Tuy nhiên, thương trường như chiến trường, nhằm tối đa hoá lợi nhuận mà nhiều doanh nhân đã cạnh tranh không lành mạnh, bỏ qua sức khoẻ người tiêu dùng, thêm các chất độc hại, gây nghiện khi dùng sản phẩm điều này là trái với quan điểm kinh tế học Phật giáo. Bỡi lẽ như “Kinh Tăng chi” chỉ dạy, người tạo dựng tài sản phải biết khéo phấn đấu nghĩa là làm cho tài sản tăng trưởng một cách có trí tuệ, tức lợi ích cho người và mình nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu thỏa mãn nhu cầu giàu có tài sản của cá nhân, bỏ qua lợi ích cộng đồng thì hoạt động kinh doanh trở nên vô nghĩa, mất sức sống thậm chí dẫn vào con đường bại vong như kinh Tiểu bộ khẳng định: “Người giàu có tài sản, Có vàng bạc thực vật, Hương vị ngọt một mình, Chính cửa vào bại vong”[11]. Doanh nhân phải biết triết lý sâu sắc nhất của Phật giáo đó là tự lợi và lợi tha, trong kinh doanh cần hợp tác với các đối tác kinh doanh và khách hàng nghĩa là có giá cả, chất lượng hợp lý để có lợi đôi bên, làm ăn sẽ bền vững cùng sinh lợi nhuận.

Theo “Kinh Tăng chi”, điều kiện thứ ba để thành công trong kinh doanh là phải xây dựng được cơ bản. Bảo chứng và niềm tin là hai yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh. “Bảo chứng là sự khẳng định tiềm lực tự thân và niềm tin thì do tha nhân đem lại”[12]. Không có vốn để bảo chứng thì không thể làm ăn và không có niềm tin ở tha nhân thì hoạt động kinh doanh sẽ trở nên đình trệ và nợ nần. Nếu như kinh doanh không có vốn, phải mang nợ, sa ngã vào những phương cách mưu sinh bất chính: “như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời, mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời”[13]. Do đó, kinh doanh phải chân chính, dựa trên nền tảng vốn sẵn có và trí tuệ, trao dồi nhân cách ngày được hoàn thiện sẽ tạo ra xung lực từ trường thu hút điều may mắn, thịnh vượng.

Nếu doanh nhân biết được thiền định của Phật giáo, có thể thực hành hàng ngày và hướng dẫn, giới thiệu nhân viên công ty cùng nhau thực hành thiền định. Hành Thiền không những có được sức khỏe, một hiệu năng công tác, một trạng thái hài hoà bình thản nội tâm mà: “Thiền có kết quả là nếp sống đạo đức, xa lìa những dục vọng thấp hèn và các pháp bất thiện”[14]. Nhờ vào thiền định đoạn trừ được tham, sân si, các pháp bất thiện như sản xuất hàng giả để mong được nhiều lợi nhuận mau giàu có. Sống đạo đức và hành thiền là lối sống lý tưởng dẫn đến an lạc và thành công trong các lĩnh vực đặc biệt đưa đến giải thoát khổ đau.

Bên cạnh đó, để thành công trong kinh doanh, doanh nhân cần nắm các thủ pháp trong phương thức giao tiếp theo Phật giáo. Các phương thức giao tiếp được đức Phật nêu rõ trong “kinh Sa môn quả”, “kinh Ví dụ cái cưa”, “Tiểu dụ dấu chân voi” và “kinh Lời nói” đều đề cập năm phương thức giao tiếp căn bản của con người nói chung có thể áp dụng cho doanh nhân làm giàu trong xã hội hiện nay.

Doanh nhân biết áp dụng “bảy tài sản của bậc thánh” vào hoạt động kinh doanh như tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài để tạo ra của cải vật chất sung mãn. “Bảy tài sản này, này Ugga không bị lửa nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối”[15]. Uy tín, thực hiện kinh doanh đạo đức (giới tài), biết san sẻ tài sản cho người khốn khó, thực hiện an sinh xã hội (thí tài), ba tài sản này đứng hàng đầu trong thương phẩm, để tạo dựng công ty bền vững, để có thể duy trì và phát triển lợi nhuận thông qua chất lượng sản phẩm và đưa đến tay người tiêu dùng hết số lượng hàng thì tầng lớp doanh nhân có những bài học nỗ lực hết sức vì cộng đồng được tất cả mọi người có quan hệ với chúng ta tin cậy, tán thán. Để lợi nhuận phát sinh cần có tuệ tài, biết xấu hổ, tàm quý với người, biết lắng nghe điều lợi ích (huệ tài), các yếu tố này bổ trợ và cần thiết cho doanh nhân. Bất cứ ai hội đủ bảy thứ tài sản này, sẽ là bậc phú hào đúng nghĩa trên thế gian không ai sánh bằng.

Như vậy, để đạt được sự thịnh vượng, giàu có lâu dài, doanh nhân phải biết áp dụng triết lý đạo Phật vào trong hoạt động kinh tế như có tinh thần tự lơi, lợi tha trong kinh doanh, tự tạo tài sản bằng cách tạo của cải của bậc thánh tức thất thánh tài, thực hành Bát thánh đạo, điều chỉnh tư tưởng và thái độ để đáp ứng những điều kiện ngày càng đổi thay, hòa hợp với con người và thiên nhiên để đảm bảo phát triển và thành công bền vững.

Thích Nữ Nhẫn Hòa
Học viên Cao Học Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích:
[1] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 2, chương 5 pháp, phẩm Vua Munda, Kinh Bậc chân nhân, VNCPHVN, 1996, tr.378.
[2] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 1, chương 4 pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ, VNCPHVN, 1996, tr.682. Trích nguyên văn: “Lạc sỡ hữu và lạc thọ dụng”
[3] HT.Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 5, Thiên Đại Phẩm, VNCPHVN, 1991, tr.502.
[4] Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, NXB Văn hoá-Văn nghệ, 2012, tr.9-38.
[5] Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, NXB Văn hoá-Văn nghệ, 2012, tr.43.
[6] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi, 1988, tr.77
[7] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 1, chương 3 pháp, phẩm Người đóng xe, kinh Người buôn bán, VNCPHVN, 1996, tr.208.
[8] E.F.Schumacher, Buddhist Economics, https://centerforneweconomics.org/publications/buddhist-economics/ ngày truy cập 20/12/22
[9] Dinna Louise C.Dayao, Trí tuệ kinh doanh châu Á, Nhóm Đặng Tài An Trang, Nxb.Lao động, tr.56 (bảng điện tử truy cập ngày 20/12/22).
[10] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 1, chương 3 pháp, phẩm Người đóng xe, kinh Người buôn bán, VNCPHVN, 1996, tr.208.
[11] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 4, chương 10 pháp, phẩm Lớn, kinh Những câu hỏi lớn, VNCPHVN, 1996, tr.307.
[12] Thích Chúc Phú, Vài Vấn đề về Phật giáo và Nhân sinh, Nxb Hồng đức, 2013, tr.180.
[13] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 3, chương 6 pháp, phẩm Dhammika, kinh Những câu hỏi lớn, VNCPHVN, 1996, tr.307.
[14] Viện NCPHVN, Đạo đức học Phật giáo, 1995, tr.36
[15] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 3, chương 6 pháp, phẩm Dhammika, kinh Những câu hỏi lớn, VNCPHVN, 1996, tr.119.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, tập 1,2,3, 4, VNCPHVN, 1996
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 1, 5, VNCPHVN, 1991.
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi, 1988.
Viện NCPHVN, Đạo đức học Phật giáo, 1995.
Thích Chúc Phú, Vài Vấn đề về Phật giáo và Nhân sinh, Nxb Hồng đức, 2013.
Quán Như Phạm Văn Minh, Kinh tế Phật giáo, NXB Văn hoá-Văn nghệ, 2012.
Dinna Louise C.Dayao, Trí tuệ kinh doanh châu Á, Nhóm Đặng Tài An Trang, Nxb.Lao động.
E.F.Schumacher, Buddhist Economics, https://centerforneweconomics.org/publications/buddhist-economics/ ngày truy cập 20/12/22

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường