Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo: Hội nhập và phát triển

Văn hóa Phật giáo: Hội nhập và phát triển

Đăng bởi: Tâm Đạt
ISSN: 2734-9195

van hoa phat giao hoi nhap va phat trien 1

Tiếp nối truyền thống nhập thế, Phật giáo Việt Nam ngày nay đã và đang hội nhập vào dòng sống của dân tộc, trở thành một nhân tố của cuộc sống, có tác động mạnh mẽ trên mọi bình diện của đời sống xã hội, trong đó có thể kể đến vai trò của văn hóa Phật giáo trong nền văn hóa Việt Nam.

Văn hóa Phật giáo là một phạm trù rộng lớn, bao quát trên nhiều lĩnh vực: pháp phục, ngôn ngữ, di sản, kiến trúc… đồng thời văn hóa Phật giáo luôn gắn liền với tiến trình phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Vì thế, để nền văn hóa Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững thì yếu tố then chốt chính là phải nâng cao tri thức văn hóa, đồng thời đào tạo đội ngũ tăng tài cho đất nước. Bởi lẽ, thời kỳ nào Phật giáo hưng thịnh, có những vị tu hành chân chính thì thời đó văn hóa Phật giáo cũng để lại những dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử. Như Phật giáo thời Lý – Trần chẳng hạn, “Thời đại này đã hình hành nền văn hóa Thăng Long rực rỡ, đã làm nên một cột mốc, một dấu ấn quan trọng khó lòng gặp lại trong lịch sử văn hóa – tư tưởng Việt Nam, mà nền văn hóa ấy gắn liền với Phật giáo. Hào khí của thời đại Lý – Trần có được cũng hình thành từ nền văn hóa Thăng Long này.”1 Đây là những thế kỷ phục hưng của nền văn hóa Việt cổ bản địa, vị thế độc lập về chính trị – dẫn đến ý thức độc lập về văn hóa, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tìm về cội nguồn đã thấm đậm trong môi trường văn hóa thời Lý – Trần.

Thời đại này Phật giáo là quốc giáo… Từ trong kinh thành cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người ta cứ theo, không hẹn mà người ta cứ tin, hễ nơi nào có nhà ở là ắt có chùa chiền… Dân chúng quá nửa nước là sư… Nhà vua đều là những phật tử tôn sùng đạo Phật, nỗ lực trong việc dịch kinh, xây dựng chùa tháp, tô tượng đúc chuông… Và cứ như thế, với mỗi bước chuyển mình của lịch sử thì Phật giáo lại có những thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới, trong đó, văn hóa Phật giáo đã góp phần xây dựng nên nền tảng đạo đức xã hội, triết lý nhân sinh, là nguồn cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật, là chất keo gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc và trở thành hệ tư tưởng của văn hóa Việt Nam, không thể lẫn lộn với đặc trưng văn hóa Phật giáo của các nước khác, những nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam có thể kể đến:

Hệ thống tự viện

“Hiện nay GHPGVN có 17.376 cơ sở tự viện, trong đó có 99 cơ sở tự viện đại trùng tu từ khi thống nhất Phật giáo năm 1981 đến nay, 399 cơ sở được công nhận là di sản Văn hóa cấp quốc gia và hàng trăm cơ sở là di sản Văn hóa cấp tỉnh thành… Điều lịch sử chứng minh là, dù công nhận hay không công nhận là di tích văn hóa cấp nào thì bản chất thiêng liêng của nó, tự viện luôn là cơ sở sinh hoạt giáo dục, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam hơn 20 thế kỷ nay.”2 Như vậy rõ ràng, cùng với sự hưng thịnh của Phật giáo thì các tự viện ngày càng được tạo dựng nhiều hơn. Trong đó nhiều ngôi tự viện đã trở thành những công trình kiến trúc mang dấu ấn độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của dân tộc và trở thành di sản văn hóa vật thể vô giá của Việt Nam như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Tây phương… Không gian văn hóa của ngôi tự viện mang tính hệ thống và tổng hợp giữa kiến trúc, điêu khắc, hội họa và cảnh quan thiên nhiên, là biểu tượng cho các thành tựu của văn hóa Phật giáo Việt nam, đó là những tài sản quý báu của quốc gia và là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa vật thể của dân tộc.

van hoa phat giao hoi nhap va phat trien 2

Về ngôn ngữ

Như chúng ta đã biết, giữa ngôn ngữ và tôn giáo luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tôn giáo giúp cho ngôn ngữ phát triển và có sức lan tỏa, ngược lại ngôn ngữ là công cụ truyền đạo, giúp con người hiểu đạo. Ở Việt Nam chúng ta, Phật giáo được phổ biến sâu rộng đến quần chúng ở khắp mọi miền đất nước chính là nhờ tiếng Việt. Chính tiếng Việt đã góp phần làm nên bản sắc Phật giáo Việt Nam. Ngược lại Phật giáo cũng góp phần làm cho tiếng Việt thêm phong phú và giàu có. Ngôn ngữ Phật giáo ở Việt Nam vốn đa dạng với nhiều biến thể khác nhau, trước hết, các văn bản Phật giáo được lưu trữ trong tiếng Ấn ở các dạng như: classical Sanskrit, Buddhist Hybrid Sanskrit… các văn bản này có thể trực tiếp du nhập vào Việt Nam, có thể qua con đường trung gian là tiếng Hán, có thể qua các con đường khác như tiếng Khmer… nói chung số đông Phật tử cũng như người Việt không thể đọc được… Vì thế, để đạo Phật có thể phổ độ đến các phật tử Việt Nam, để Phật giáo Việt Nam có bản sắc Việt trong bản sắc chung Phật giáo, đồng thời có thể song hành cùng đất nước trong tiến trình xây dựng, phát triển và hội nhập thì việc định hướng cho ngôn ngữ Phật giáo là vấn đề cần được đặt ra.3 Lập những cơ sở để bảo tồn, phát huy ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam là việc làm hết sức quan trọng, cấp bách, mang tính lý luận và thực tiễn của Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, việc xây dựng cơ sở khoa học về ngôn ngữ Phật giáo đã có Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hội đồng Phiên dịch Đại tạng Kinh Việt Nam. Trong đó có Ban Tự vựng và thuật ngữ Phật học… Phiên dịch, liễn đôi từ chữ Hán sang chữ Việt, được lưu trữ, bảo tồn tại Bảo tàng Phật giáo ba miền. Tập hợp các bản dịch đã có của Giáo sư Lý Kim Hoa, Nguyên Huệ, Đào Nguyên, Giới Hương, Không Nhiên, Lý Việt Dũng. Ngoài ra hiện nay còn có trung tâm phiên dịch những kinh sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt để những nguồn kinh sách quý hiếm được người phật tử nói riêng và nói chung là người dân Việt Nam có thể tiếp cận một cách dễ dàng nhằm hỗ trợ cho con đường tu học ngõ hầu chuyển hóa thân tâm để đi đến sự giác ngộ giải thoát.

Về pháp phục

Khi đề cập đến văn hóa Phật giáo thì pháp phục Phật giáo là nét đặc trưng không thể không nói đến. Pháp phục Phật giáo ở nước ta rất phong phú và đa dạng, có sự khác nhau từ hình dáng đến màu sắc giữa các hệ phái (Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ…) Và điều dễ nhận thấy hình ảnh những chiếc áo màu nâu, màu vàng hay màu lam đều gợi lên những hình ảnh về một đời sống đơn giản, bình dị của người xuất gia. Những màu sắc đó là màu của đất, của khói hương, của cây lá, rất gần gũi với đời thường. Và đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa như hiện nay thì màu sắc này còn giúp cho con người cảm nhận sự yên bình và thanh thản nơi chốn thiền môn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Phật giáo Việt Nam sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm biến động của lịch sử, Giáo hội cũng đã thống nhất về mặt tổ chức, ý chí và hành động… trong cùng một Hiến chương, nội quy nhưng trên thực tế việc sử dụng pháp phục vẫn còn tự do với nhiều loại, kiểu dáng… Vì thế việc định hướng đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp thiết. Vì thế Phật giáo cũng cần phải đồng tâm thống nhất để có một pháp phục đồng nhất từ chất liệu, màu sắc đến kiểu dáng bên cạnh sự đa dạng và sắc màu riêng trong y phục của từng hệ phái. Sự đồng bộ về pháp phục, y phục thường nhật trong giao tiếp, ứng xử, trong chấp tác chắc chắn sẽ tạo ra một nét riêng cho tu sĩ Phật giáo Việt Nam, tạo hình ảnh tăng sĩ Việt mang bản sắc Việt trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu.

Về di sản văn hóa

van hoa phat giao hoi nhap va phat trien 3

– Di sản văn hóa vật thể

“Mái chùa che chở hồn dân tộc” có lẽ là câu nói rất quen thuộc đối với người dân Việt, bởi Phật giáo gần gũi có vai trò quan trọng đối với người dân Việt. Song hành với lịch sử truyền thống của dân tộc, những ngôi chùa ở Việt Nam không chỉ là không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà chúng còn là nơi thể hiện và lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống tiêu biểu của người dân Việt. Nhìn từ góc độ kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, ta thấy nhiều ngôi chùa xứng đáng được tôn vinh với tư cách là các di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và những bảo tàng nghệ thuật điêu khắc sống động, đó là những tài sản quý báu của quốc gia và là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa vật thể của dân tộc. Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2012, có 788 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia trên tổng số 3.374 di tích của cả nước. Một trong những di sản văn hóa Phật giáo của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương là những mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) với khoảng 3050 mộc bản. Đây xứng đáng là bảo vật của dân tộc, đồng thời chúng cũng là biểu tượng cho các thành tựu của văn hóa Phật giáo Việt Nam.4 Tại phiên họp UNESCO ở Doha, thủ đô Qatar vào lúc 11h57 (tức 15h57 phút giờ Việt Nam) ngày 23/6, danh thắng Tràng An (Ninh Bình) chính thức được công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Quần thể này bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính và cố đô Hoa Lư.5 Các di sản văn hóa vật thể còn được kể đến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như: chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Bảo Sinh (thôn Thịnh Cầu, Phố Mới, Quế Võ), chùa Tiêu – Trung tâm Phật giáo xưa của Việt Nam, nơi thụ thai và nuôi dưỡng Lý Thái Tổ đến năm 15 tuổi, Chùa Tổ – Huyền tích của một vùng từ Pháp…

– Di sản văn hóa phi vật thể

Bàn về di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo, trước hết phải đề cập giá trị văn hóa, đạo đức. Đạo đức Phật giáo nhằm đưa con người đến một đời sống an lạc, giải thoát. Nguyên tắc đạo đức mà Đức Phật giảng dạy cho con người là phải tự lực phấn đấu, đề cao lòng từ bi, vô ngã, vị tha, nói chung là được gói gọn trong câu kệ:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo 6

van hoa phat giao hoi nhap va phat trien 4

Phải đồng ý rằng, Phật giáo đã có tác động mạnh mẽ đến cảm hứng sáng tác của nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó phải kể đến dòng nhạc chuyên sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, tất cả các loại hình nghệ thuật đó đều mang đậm tinh thần nhân quả, nhân văn của Phật giáo. Bên cạnh đó, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm cũng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. ; Kinh lá buông (Phật giáo Nam tông) cũng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia7. Ngoài ra, các nghi thức cầu an, cầu siêu, lễ Phật đản, lễ Vu lan… nếp sống hiền thiện theo giáo lý Phật giáo, những công tác từ thiện, đi chùa, nghe kinh… của Phật tử đã thấm đẫm vào văn hóa dân tộc… Tam tạng kinh điển, những thi phẩm Thiền, những văn bia ở các chùa… cũng đều là những di sản văn hóa Phật giáo phi vật thể nằm trong kho báu vô giá của dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, Phật giáo với tính năng “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” nên dù có trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử nhân loại thì Phật giáo vẫn là một tôn giáo với nền minh triết có thể áp dụng vào mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Và đặc biệt là giúp con người phát triển sự thức tỉnh nội tại cùng sự trực nhận và phát triển những tiềm năng kỳ diệu trong mỗi con người để họ có được một đời sống an vui và giải thoát.

Thích Nữ Hạnh Lý, Nghiên cứu sinh Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 9/2019


CHÚ THÍCH:
1. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Tp.HCM, Nxb Hồng Đức, 2013, Tr. 9.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành & phát triển, Tp.HCM, Nxb Hồng Đức, Tr. 411
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm thành lập & phát triển, Tp.HCM, Nxb Hồng Đức, Tr. 463.
4. Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 253 (15/7/2016), Thích Gia Quang, Tổng quan văn hóa Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam, Tp.HCM, Tr. 34.
5. https://news.zing,vn/toan-canh-di-san-the-gioi-trang-an-bai-dinh-post429386.html.27/12/2017
6. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Kệ 183.
7. http://phatgiao.org.vn/chua-Vinh-Nghiem-nhan-bang-di-san-Van-hoa-Phi-vat-the-Quoc-gia.
8. https://baotintuc.vn/dan-toc-mien-nui/kinh-la-buong-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc gia.21/2/2017.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường