Trang chủ Quốc tế Văn hóa kiến trúc Phật giáo ở Myanmar

Văn hóa kiến trúc Phật giáo ở Myanmar

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Quảng Nhựt
Thạc sĩ khóa 2 Học viên Phật giáo Việt Nam tại Huế

A. DẪN NHẬP

Nhắc đến Myanmar là có thể nghỉ ngay đến đất nước xứ “Chùa” bởi Myanmar nổi tiếng khắp thế giới với hàng nghìn ngôi chùa cổ kính, kiến trúc độc đáo vì đằng sau đó là những công trình kiến trúc kỳ vĩ.

Cùng với ảnh hưởng của nền kiến trúc Ấn Độ, Khmer và một số quốc gia khác thì kiến trúc đền chùa của Myanmar đã được phát triển thành những nét phong cách riêng khá độc đáo với những ngôi chùa nhiều mái, những đền đài có tháp cao vút đặc sắc. Kiến trúc đền chùa Myanmar có sự kết hợp hài hòa đươc hai trường phái hoàn toàn đối lập nhau, một bên có màu sắc sặc sỡ, một bên có sắc thái dịu dàng, trầm mặc, phong cách kiến trúc này đã phản ánh toàn diện vẻ đẹp tâm hồn của người Miến.

Hầu hết các công trình kiến trúc Phật Giáo Myanmar đều được xây dựng bằng gạch đá, và chúng ta cùng tìm hiểu một số kiến trúc của một số ngôi đền, chùa tại Myanmar.

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI MYANMAR

1.1. Khái quát về đất nước Myanmar.

Vị trí địa lý:

Myanmar nằm ở lục địa Đông Nam Á trong phạm vi  9,32 – 28,31 vĩ Bắc và 92,10 đến 101,11 kinh Đông. Trên bản đồ thế giới, đất nước Myanmar  trong giống hình con Sam biển đuôi dài.

Phía Bắc tiếp giáp khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Phía Đông tiếp giáp với Lào và Thái Lan. Phía Nam giáp biển Andaman và vịnh Bengal. Phía Tây tiếp giáp đường biên giới với Ấn Độ và Bănglađét. Myanmar có vị trí – chiến lược rất quan trọng, nối Đông Nam Á với Tây Á và gần những tuyến đường hàng hải lớn qua Ấn Độ Dương.

Thủ đô của Myanmar:

Căn cứ vào sử sách Myanmar, Thủ đô của Myanmar được di chuyển rất nhiều nơi. Đó cũng là lý do khiến Myanmar là một trong số ít nước trên thế giới có nhiều “cố đô” nhất. Cụ thể là:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Van Hoa Kien Truc Phat Giao O Myanmar 1

Nguồn: Mianma (Burma) – Lonely Planet, tháng 5-2009, tr.41.

1.2. Đôi nét về con người Myanmar.

Dân số

Ngày 01-4-2020, Chính phủ Myanmar chính thức công bố dân số cả nước là 54,58 triệu người[1], trong đó, nam khoảng 26,15 triệu người, chiếm 47,9%; nữ khoảng 28,43 triệu người, chiếm 52,1%. Dân số thành thì chiếm 30%, dân số nông thôn chiếm 70%. Mật độ dân số là 80,7 người/km2.

Dân tộc

Myanmar là quốc gia đa dân tộc, với 135 tộc người khác nhau.Trong đó, chủ yếu là người Miến (Bamar), chiếm 68% số dân Myanmar. Tiếp theo là các dân tộc: Shan (9%), Karen (8%), Kachin (7%), Rakhine (4%). Những dân tộc còn lại chiếm khoảng 4%. Phần lớn các dân tộc ở Myanmar đều di cư từ nơi khác đến. Cuộc di cư đầu tiên đến Myanmar sinh sống là nhóm người Mon và Khmer. Nhóm di cư thứ hai là những người Tạng – Miến và nhóm di cư thứ ba là người Thái – Hán. Sự đa dạng về dân tộc định cư ở Myanmar đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chính trị, lịch sử và nhân khẩu học của quốc gia này.

Tôn Giáo:

Myanmar có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó người theo đạo Phật chiếm 89,3% số dân: Thiên chúa giáo: 5,6%; đạo Hồi: 3,8%; đạo Hindu: 0,596; các tôn giáo khác như Do thái giáo, Đa thần giáo, Vật linh giáo,…. chiếm khoảng 0,8% số dân[2]. Mọi công dân Myanmar được tự do tín ngưỡng, tuy theo các tôn giáo khác nhau nhưng dân chúng vẫn chung sống hòa bình, bằng chứng là những kiến trúc của các tôn giáo khác nhau cùng được xây dựng và được tôn trọng tại những thành phố lớn.

Phật giáo:

Người dân Myanmar sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo.

Trong các tín đồ Phật giáo ở Mianma có 99% là người Miến, Shan và Karen. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo nguyên thủy – tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, phái Nam Tông. Dưới thời Thủ tướng U Nu, Phật giáo tại Myanmar từng được đưa vào Hiến pháp là quốc đạo, nhưng các chính quyền quân sự Myanmar tiếp theo đã xóa bỏ điều khoản này để bảo đảm công bằng về tôn giáo.

Thiên chúa giáo:

Thiên chúa giáo lần đầu tiên du nhập Myanmar khoảng đầu thế kỷ XVII, hiện có số lượng tín đồ chiếm khoảng 5,6% số dân Myanmar. Phần lớn tín đồ Thiên chúa giáo là người Karen, Chin, Kachin và người Miến theo Thiên chúa giáo dòng Baptist. Những thừa sai Thiên chúa giáo hoạt động rất tích cực từ thời thuộc địa cho đến giữa những năm 1960, họ thành lập các trường học, bệnh viện và các trung tâm cứu trợ xã hội. Sau năm 1962, những cơ sở này bị chính quyền Mianma quốc hữu hóa.

Hồi giáo:

Tín đồ đạo Hồi tại Myanmar chiếm 3,8% số dân và chủ yếu tập trung ở bang Rakhine, phía tây Myanmar. Người Hồi giáo dòng Rohingya sống chủ yếu ở các quận Maungdau, Buthidaung và Rathedaung – bang Rakhine. Từ nhiều năm nay, những khu vực này vẫn thường xảy ra xung đột quyết liệt giữa các giáo phái với nhau, đặc biệt là tín đồ Hồi giáo dòng Rohingya với tín đồ Thiên chúa giáo và Phật giáo.

Qua đó ta thấy được đất nước Myanmar do chịu nhiều sự ảnh hưởng vị trí địa lý nên đưa đất nước này trở nên một đất nước đa Tôn giáo nhưng với tỷ lệ tín đồ sùng bái đạo Phật đông nhất đã tạo nên sự khác biệt và dấu ấn riêng của một đất nước mang đậm màu sắc Phật giáo tại Myanmar này.

Shwedagon Pagoda Of Myanmar

Chùa Vàng ở Yangon. Ảnh: St

CHƯƠNG 2: PHẬT GIÁO DU NHẬP – CÁC DẤU ẤN QUAN TRỌNG ĐỂ TRỞ THÀNH TÔN GIÁO CHÍNH TẠI MYANMAR

Lịch sử Phật giáo ở Myanmar đã tồn tại hơn 2.000 năm với rất nhiều Phật tích hiện hữu trên khắp quốc gia này. Cho đến nay, Phật giáo Theravada (dòng Tiểu thừa) đã phát triển rộng khắp ở Myanmar, nhưng Phật giáo du nhập Myanmar từ khi nào, ai là những người đã đưa Phật giáo đến Myanmar vẫn đang là những câu hỏi cần đi tìm lời giải đáp. Rất nhiều truyền thuyết, lịch sử truyền miệng cũng như văn bản được ghi lại như chữ khắc trên đá, lá cọ, văn bản trên giấy gấp và các biên niên sử đã trả lời cho những vấn đề này. Tất cả tài liệu đều cho rằng Phật giáo đã đến Myanmar không phải một lần mà nhiều lần; Phật giáo không phát triển mạnh cùng một lúc ở Myanmar mà phát triển dần qua nhiều giai đoạn thăng trầm; chỉ sau khi Myanmar nhận được các văn bản Tipitaka (Tam Tạng) thì sự phát triển của Phật giáo mới trở nên liên tục.

2.1. Sự xuất hiện đầu tiên của Phật pháp (Buddha Sasana):

Sự xuất hiện đầu tiên của Phật pháp đã được gắn liền với truyền thuyết về chùa Shwedagon.Theo truyền thuyết này, Phật pháp đã được truyền tới Myanmar trong thời gian đức Phật tại thế.Trong năm Maha Sakarit thứ 103, vào ngày trăng rằm của tháng Kason (tháng 5), Đức Phật đạt giác ngộ. Trong khi đức Phật hành thiền phalasammapatti ở dưới gốc cây Bồ đề (Rajayatana Lin Lun) trong rừng Uruvela, gần sông Nerajara, hai anh em thương gia Taphussa và Bhallika từ làng Ukkalapa của Ramannadesa đã đến để cúng Phật. Hai anh em cúng dường đức Phật các loại bánh mật ong và đức Phật đã thuyết giảng Phật pháp cho họ. Theo yêu cầu của họ, đức Phật đã cho họ tám sợi tóc thiêng trên đầu mình để thờ phụng.

Về đến quê nhà, họ đã thờ phụng tám sợi tóc Phật trong một ngôi chùa nhỏ xây dựng trên ngọn đồi, sau gọi là chùa Tampaguta.Ngôi chùa này chính là chùa Shwedagon (chùa Vàng) tại Yangon ngày nay.Truyền thuyết này được ghi trong các bản khắc trên đá ở chùa Shwedagon, được xây dựng bởi vua Dhammazedi (1472-1492) của thời vương quốc Hanthawaddy.Các Phật tử Myanmar tin rằng chùa Shwedagon và các câu khắc trên đá của vua Dhammazedi là những bằng chứng lịch sử về sự xuất hiện đầu tiên của Phật giáo ở Myanmar khi đức Phật tại thế.

2.2. Sự xuất hiện thứ hai của Phật pháp:

Các bằng chứng về sự xuất hiện thứ hai của Phật pháp ở Myanmar được tổng hợp từ các bản ghi của vua Dhammazedi thời Môn, các bản ghi của chùa Shwedagon, các bản ghi của Kelasa Taung tại Taung Zun ở quận Thaton và trong Sasana Lankara Sadan (Treatise) và Vamsadipani (Treatise). Những bản ghi và các luận án cung cấp các dữ liệu sau:

Trong năm Maha Sakarit thứ 111 và trong mùa Vasa thứ 8 của đức Phật, A La Hán Maha Thera Shin Gavampati đã khẩn nài đức Phật đến thăm Thaton (Sudhammapura) tại vương quốc Ramannadesa. Khi đức Phật cùng các môn đệ đến nơi đã được mọi người chào đón tín đồ Phật giáo. Cứ mỗi nhóm sáu tín đồ đều được đức Phật ban cho một sợi tóc trên đầu mình để thờ phụng. Ba mươi bảy năm sau ngày đó, đức Phật nhập Niết bàn Mahaparinibanna (Demise) và khi di hài của ngài được hỏa táng, 33 xá lợi răng của đức Phật đã được Maha Thera Shin Gavampati đưa tới Thaton và trao lại cho Vua Thin Nathawka. Nhà vua cất giữ lần lượt 33 xá lợi răng trong 33 ngôi chùa mà ông đã xây dựng lên.

2.3. Sự xuất hiện thứ ba của Phật pháp:

Trong năm Maha Sakarit thứ 123, mùa Vasa thứ 20 của đức Phật, trong khi đức Phật trú ở Jetavana Vihara tại vương quốc Savatthi, một Maha Thera tên là Maha Punna đã đến và thỉnh cầu đức Phật đến thăm Sunaparanta Vaniccagama. Đức Phật cùng 500 đệ tử của Ngài đã đến nơi đó. Một tu viện xây dựng bằng gỗ đàn hương được dâng đức Phật cư trú. Namanta Naga và đạo hữu của mình đã đến lễ đức Phật và thỉnh cầu Ngài để lại một số chứng tích cho họ thờ phụng. Đức Phật đã để lại hai dấu chân của mình, một ở chân đồi và một ở trên đồi Minbu. Hai dấu chân của đức Phật được các phật tử cung kính thờ phụng. Những điều này cũng được biết đến rộng rãi dưới cái tên Shwe Set Taw. Bên cạnh tu viện gỗ đàn hương nơi đức Phật lưu trú, một ngôi chùa tưởng niệm đã được xây dựng, đó là chùa Kyaung Taw Ya. Khi đức Phật và các đệ tử của Ngài rời đi, Maha Punna vẫn ở lại Sunaparanta Vaniccagama để truyền bá Phật pháp.

Biên niên sử cổ Rakhine cũng khẳng định về chuyến thăm Rakhine của đức Phật trong mùa Vassa thứ 20. Với 500 đệ tử tháp tùng, đức Phật đã đến thăm vương quốc Dannyawaddi. Vua Chandasuriya S khi nghe những lời dạy của đức Phật đã trở thành một Phật tử và toàn thể nhân dân trong vương quốc đều tuân theo Phật pháp. Nhà vua đã khẩn cầu đức Phật để lại chứng tích của Ngài để tôn phụng. Một bức tượng hợp kim theo hình ảnh của đức Phật đã được đúc thành và biết tới rộng rãi với tên gọi Maha Muni. Trong triều đại của Vua Bodawpaya (1782-1819), bức tượng Maha Muni được mang đến Thủ đô Amarapura. Bức tượng đã được đặt và thờ phụng trong một ngôi đền lộng lẫy tại Mandalay. Đó là chứng tích thiêng liêng được Phật tử trên toàn thế giới thờ phụng.Tài liệu tham khảo cho cuộc hành trình của đức Phật đến Sunaparanta Vaniccagama được tìm thấy trong Uparipannsa Athakatha và Punnavada Sutta.

Các di vật khảo cổ, bia chữ khắc và văn bản cùng các bằng chứng khác đã ghi lại những lần xuất hiện của Phật pháp tới Myanmar. Những bằng chứng này luôn để mở cho các công trình nghiên cứu lịch sử và các nhà khoa học tìm hiểu.

2.4. Sự xuất hiện thứ tư của Phật pháp

Thượng Hội Phật giáo lần thứ ba được tổ chức với sự bảo trợ của Hoàng đế Asoka ở vương quốc Pataliputra, trong năm Phật lịch 235. Các vị A La Hán do Moggaliputta Tissa Ashin dẫn đầu đã tới tham dự. Nắm bắt được rằng Phật pháp sẽ được lan rộng và phát triển mạnh đến những nơi xa xôi, các nhà truyền giáo Phật pháp đã được phái đến chín quốc gia và chín địa phương.

Hoàng đế Asoka đã gửi con trai là tu sĩ Ashin Maha Thera Mahinda đến Sri Lanka để truyền bá Phật pháp. Năm Phật lịch 235, Maha Theras Sona và Uttara đã đi cùng Maha Thera Anuruddha, Maha Thera Tissagupta và Maha Thera Soneyya đến Suvannabhumi (Thaton) thuộc Ramannadesa để thực hiện công việc truyền giáo. Ba vị đã đến khu vực đó trong thời gian đức Phật còn tại thế đến khi đức Phật nhập Niết bàn.

Người dân Suvannabhumi sau khi nghe Phật pháp từ Maha Theras Sona và Uttara đã biết rằng họ là những đệ tử của đức Phật. Maha Theras Sona đã hướng dẫn người dân về giới luật đạo đức để tuân thủ và thực hành theo. Sau khi nghe giáo pháp từ Maha Theras Sona, 60.000 người đã trở thành A La Hán, 300.000 người khác và 1.500 phụ nữ đã theo tu tập.

2.5. Sự xuất hiện thứ năm của Phật pháp

Năm Phật lịch 930 hoặc (khoảng) năm 386 sau Công nguyên, trong thời trị vì của vua Mahanama ở Sri Lanka, cùng thời với vua Thilygyaung ở Bagan của Myanmar, Maha Thera Buddhaghosa là người quê ở làng Ghosa tại vương quốc Rajagaha đã đến Sri Lanka theo lời mời của người thầy của mình là Maha Thera Revata. Maha Thera Buddhaghosa cư trú tại Maha Vihara và tiến hành dịch Phật pháp sang tiếng Magadha, ngôn ngữ Tipitaka của Sri Lanka. Ông trình vua Dhammapala Thaton tại Ramannadesa tác phẩm đã mang dịch của mình. Đó là sự xuất hiện thứ năm của Phật pháp ở Myanmar dưới hình thức văn bản Tipitaka.

2.6. Thượng Hội Phật giáo lần thứ năm và lần thứ sáu tại Myanmar

Kể từ khi đức Phật nhập Niết-bàn Mahaparinibanna (Demise) cho đến nay, đã có sáu Thượng Hội Phật giáo được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới. Myanmar là quốc gia được vinh dự tổ chức Thượng Hội Phật giáo hai lần liên tiếp: lần thứ năm ở Mandalay và lần thứ sáu ở Yangon.

Thượng Hội Phật giáo lần thứ năm được tổ chức tại Mandalay vào năm 1871 hay năm Phật lịch 2414 dưới thời Vua Mindon (1853-1878). Hòa thượng Jàgara chủ tọa buổi kiết tập với sự tham gia của 2.400 tăng sĩ trí thức. Sau khi tụng đọc Tam Tạng, toàn bộ Tam Tạng được ghi chép ra mẫu tự Pàli rồi được khắc trên 729 phiến đá cẩm thạch trong năm tháng dưới sự chỉ đạo rất thận trọng của những vị Hòa thượng học giả Myanmar. Mỗi phiến đá Tam Tạng được tôn trí trong một tháp v à được bảo vệ cẩn thận tại chân đồi Mandalay (Mandalay Hills). Công trình này trở thành một tuyệt tác, được xem như một thư viện Phật giáo thiên nhiên to nhất thế giới và nếu ráp lại toàn bộ, những phiến đá này sẽ trở thành quyển sách lớn nhất thế giới.

Thượng Hội Phật giáo lần thứ sáu diễn ra ở Yangon vào năm 1954 tại khu hang động nhân tạo có tên là Maha Pasana Grotto, dưới sự chủ tọa của Thượng tọa Revata với sự tham dự của 2.500 chư tăng và quan chức các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Nêpan, Campuchia, Thái Lan, Lào, Pakixtan, Tây Tạng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản,…

Hiện nay, 729 tấm đá cẩm thạch lớn khắc kinh Tam Tạng ở chùa Maha Marasein tại Mandalay cùng với hang động Maha Pasana Grotto ở Yangon vẫn còn tồn tại, trở thành di tích lịch sử của hai Thượng Hội Phật giáo cuối cùng được tổ chức tại Myanmar. Với sự thành công của hai kỳ kết tập V và VI đã đem những thành tựu to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Myanmar nói riêng và của khu vực Đông Nam Á nói chung.

Qua trên ta thấy rõ được dấu ấn với sự xuất hiện 5 lần của Phật pháp tại đất nước Miến Điện này vô cùng ý nghĩa và đặt biệt hơn hết sự góp mặt của hai kỳ kết tập kinh điển lần thứ V và thứ VI. Phật giáo đã bám rễ sâu trong lòng người dân nơi đây và song hành với lịch sử tạo nên một đất nước mang đậm nét Phật giáo, và từ đó đã len lỏi trong đời sống văn hóa cũng như tinh thần đều có sự hiện diện của Phật giáo.

CHƯƠNG 3: PHẬT GIÁO ẢNH HƯỞNG KIẾN TRÚC VĂN HÓA NGƯỜI MYANMAR

Phật giáo đã du nhập rất sớm đã hòa lòng vào đời sống dân tộc tạo nên một bản chất văn hóa riêng của Myanmar và nét đặc thù riêng trong văn hóa, chính trị, giáo dục, các lễ hội bản sắc dân tộc đặc biệt là các kiến trúc chùa chiền..

.3.1. Kiến trúc chung của Myanmar

Kiến trúc của Myanmar (trước đây gọi là Miến Điện), bao gồm các phong cách kiến ​​trúc phản ánh ảnh hưởng của các quốc gia láng giềng và phương Tây và hiện đại hóa. Các công trình kiến ​​trúc nổi bật nhất của đất nước bao gồm chùa Phật giáo, bảo tháp và đền thờ, các tòa nhà thuộc địa Anh, và các công trình kiến ​​trúc và cải tạo hiện đại. Kiến trúc truyền thống của Myanmar chủ yếu được sử dụng để thờ cúng, hành hương, lưu giữ các thánh tích Phật giáo, hoạt động chính trị và du lịch.

Phần lớn kiến ​​trúc của Myanmar gắn liền với văn hóa Ấn Độ cổ đại, và có thể bắt nguồn từ những cư dân được biết đến sớm nhất của đất nước. Trong thời kỳ Pyu, các bảo tháp hình trụ với bốn cổng vòm thường có Hti[3] (ô) trên đỉnh đã được xây dựng. Người Môn và người Pyu là hai nhóm có ảnh hưởng đầu tiên di cư đến Myanmar, và là những tín đồ Ấn-Trung đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy. Beikthano, một trong những trung tâm Pyu đầu tiên, có các nền móng theo kiểu urbanesque bao gồm một tu viện và bảo tháp-như cấu trúc. Những bảo tháp Pyu này, nền móng đầu tiên của người Ấn Độ ở Myanmar, được xây dựng từ năm 200 trước Công nguyên đến năm 100 sau Công nguyên và đôi khi được sử dụng để chôn cất. Các bảo tháp, đền và chùa ban đầu được đặt trên cùng với các hình chóp và hình chóp hoặc ngọn tháp tượng trưng cho sự siêu việt của Phật giáo Nguyên thủy.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Van Hoa Kien Truc Phat Giao O Myanmar 3

Bangan, Myanmar. Ảnh: St

3.2. Một số đặc điểm về kiến trúc chùa tiêu biểu của đất nước Myanmar

– Đến thế kỷ thứ 9, người Bamar đã thành lập một vương quốc tập trung tại Bagan.Trong thế kỷ 11, Vua Anawrahta đã thống nhất vùng Thung lũng Irrawaddy và thành lập Đế chế Pagan. Bagan, với hơn 10.000 bảo tháp và chùa bằng gạch đỏ của Myanmar, đã trở thành trung tâm kiến ​​trúc Phật giáo vào giữa thế kỷ 12. Trong thời kỳ này, các bảo tháp kiểu Pyu đã được chuyển đổi thành các di tích gợi nhớ đến những chiếc bát khất thực hoặc mái vòm hình quả bầu, gạch không nung, mái thon và tăng, hốc Phật, vòm nhiều tầng và những ô cửa trang trí chịu ảnh hưởng của Đế chế Pala của Ấn Độ và các di tích của nó. Vừa được sử dụng rộng rãi ở Bagan, đặc biệt là bởi người Môn. Đặc điểm nữa của các cấu trúc Bagan bao gồm vòng hoa, ngọn lửa hoặc tia nắng mặt trời, lông đuôi công và các sinh vật thần thoại.

– Chùa Dhammayazika có quy hoạch tương tự như bảo tháp Tantric Paharpur ở Ấn Độ. Nó không có đế vuông như nhiều bảo tháp ở Bagan; thay vào đó, nó có một cơ sở hình ngũ giác với các sảnh hướng tâm và chân váy thấp.

– Đền Ananda (hoàn thành vào năm 1090), một trong những ngôi đền đầu tiên được dựng lên ở Bagan, chịu ảnh hưởng của kiến ​​trúc Ấn Độ. Ngôi chùa có mái vòm đại diện cho nhánh Phật giáo Nguyên thủy, tôn giáo chính thức của Bagan khi nó được xây dựng. Đặc điểm kiến ​​trúc của ngôi chùa bao gồm sảnh hình vòm bằng gạch, tượng Phật, mái thon và không có sân thượng. Ngôi đền có một trong những cách sử dụng đầu tiên của pyatthat, hoặc mái xếp tầng, biểu thị sự hiện diện của ngai vàng bên trong.Với cả tính biểu tượng của hoàng gia và tôn giáo, nhiều hình ảnh của ngôi đền mô tả đức Phật ngồi trước một số lẻ các tầng pyatthat.

3.3. Điểm qua vài ngôi chùa nổi tiếng bật nhất thế giới của đất nước Myanmar

Đền tháp là nét kiến trúc Phật giáo nổi bật ở Myanmar, là một phần văn hóa đặc sắc của đất nước này. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn đối với người dân Myanmar, cuộc sống của họ được gắn liền với các nghi lễ Phật giáo. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo nguyên thủy “tức dòng Phật giáo Tiểu thừa” giáo phái Nam Tông. Sự tu hành của các sư cũng không có gì khác so với phật giáo ở Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia, các sư không ở chùa mà ở thiền viện.

Người dân Myanmar sùng đạo Phật, có thể thấy những ngôi chùa và tu viện Phật giáo ở bất cứ đâu, con số lên đến hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp đất nước.Myanmar còn được gọi là đất nước chùa tháp. Chùa tháp tập trung nhiều nhất ở thành phố cổ Bagan.

Bagan là một thành phố nằm ở miền Trung Myanmar. Bagan vốn là kinh đô của vương quốc Bagan- thủ đô của Vương quốc Anawrata thống nhất đầu tiên, tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII ở khu vực này. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII – thời kỳ hoàng kim của Vương quốc Bagan, đã có tới hơn 4.000 ngôi chùa, đền và tu viện được xây dựng. Dấu vết của các di tích này vẫn còn lại cho đến ngày nay với 2.200 ngôi đền còn tồn tại.

Nhiều công ty kiến trúc nổi tiếng trên thế giới được thuê đến đây nghiên cứu các dự án xây dựng và để hài hòa với các công trình đã có, họ phải dày công nghiên cứu kiến trúc cổ. Họ đã phải lặn lội để chiêm nghiệm và tìm hiểu về các kiến trúc đền, chùa tại Myanmar. Sau cùng, họ đã phải thốt lên, rằng những kiến trúc Phật giáo tại đây là một tuyệt phẩm mà không nơi nào trên thế giới sánh được với hàng ngàn hàng vạn ngôi chùa nổi tiếng gắn liền với lịch sử, nền văn minh của mình.

 3.3.1.Đền Ananda

Trong hàng nghìn di tích kiến trúc, đến Bagan ấn tượng nhất với những ngôi đền tháp quy mô, tiêu biểu, có giá trị lịch sử và nghệ thuật, trong đó tiêu biểu là đền Ananda. Đền Ananda do Kyansittha xây năm 1091 là ngôi đền đẹp và tôn nghiêm nhất Myanmar. Đền này biểu trưng cho sự uyên thâm vô bờ bến của đức Phật. Ban đầu nó có tên Ananta sau thay đổi thành tên Ananda. Toàn bộ dinh thự là điện thờ linh thiêng vừa là một bảo tàng đồ sộ được trang hoàng bởi tượng thạch cao, đá, chạm khắc gỗ, kim loại, đất nung… Tổng số bức tượng bên trong ngôi đền lên đến 1424 bức. Tại các hốc tường ở hành lang hiện hữu những bức tượng minh họa đức Phật từ lúc sinh ra đến Thời đại khai sáng. Trên tầng cao hơn tô điểm thêm 891 tấm bản tráng men miêu tả những câu chuyện Jataka.

Ngoài khu thánh địa Bagan, các địa phương khác đều có những ngôi chùa, đền thờ nổi tiếng, là biểu tượng văn hóa của vùng.

3.3.2. Chùa Shwedagon (chùa Vàng)

Chùa Shwedagon hay còn gọi là chùa Vàng – ngôi chùa lớn, đẹp và linh thiêng nhất Myanmar. Đó là ngôi chùa với toà tháp xa xỉ nhất thế giới làm từ vàng và kim cương. Người Myanmar rất coi trọng tín ngưỡng, chùa chiền với họ là nơi linh thiêng và luôn được chăm chút cẩn thận. Các nhà sư, gia đình và tín đồ đạo Phật coi việc hành hương tới chùa Shwedagon cũng giống như người theo đạo Hồi phải tới thánh địa Mecca một lần trong đời.

Nơi đây được xem là nguyên mẫu cho tất cả các ngôi chùa về sau này ở Myanmar với 4 cổng quay về 4 hướng khác nhau, có các dãy hành lang dài. Ở các cổng đều có hai thụy thú màu trắng rất lớn án ngữ phía trước. Ngôi chùa được cho là đang chứa xá lợi xương cổ và xương trước của đức Phật cũng như những bức tượng Phật rất lớn. Có đến hàng chục ngôi chùa nhỏ bao quanh ngọn tháp chính.

Chùa Shwedagon có hơn 2.500 năm lịch sử. Các nhà khảo cổ ước tính công trình bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ VI. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa hiện có 4 tòa tháp chính ở trung tâm và 64 tòa tháp nhỏ bao quanh, tất cả đều được dát vàng. Ước tính đã sử dụng 72 tấn vàng để xây dựng kiệt tác này.

Chùa Shwedagon ở Yangon được xây dựng trên ngọn đồi thiêng Singuttara, diện tích gần 50.000m2.Từ xa người ta có thể nhìn thấy ngọn tháp cao đến 99m. Đây là công trình Phật giáo linh thiêng bậc nhất ở Myanmar mà cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Chùa Shwedagon mở cửa miễn phí quanh năm cho người dân nhưng bán vé cho khách tham quan. Nơi đây có khuôn viên rất rộng mà bất cứ ai có cơ duyên đặt chân tới đều phải thốt lên sự ngưỡng mộ về sự tỉ mỉ trong kiến trúc.

Tầng cao nhất được khảm hơn 1.100 viên kim cương, 1.383 viên đá quý. Phần đỉnh tháp được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat.

Nội thất và các bức tượng trong chùa cũng được dát vàng lá. Ngôi chùa nghìn năm tuổi này đang lưu giữ bốn báu vật của Phật giáo là: Cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn; Dụng cụ lọc nước của Phật Câu Na Hàm; Mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Chùa Shwedagon cũng là nơi diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo quan trọng. Một trong số đó là lễ xuất gia – là nghi lễ quan trọng nhất trong đời người Myanmar.

Chùa Shwedagon xứng đáng là niềm tự hào, là trái tim của Yangon.

3.3.3. Chùa Hsinbyume

Ngôi chùa Hsinbyume vốn là một điểm đến tâm linh nổi tiếng và quan trọng đối với người dân Myanmar và những tín đồ Phật giáo.Một vẻ đẹp hoàn toàn khác biệt, không lẫn đi đâu được, khiến cho ngôi chùa Hsinbyume trở nên nổi bật hơn hẳn so với những ngôi chùa đồ sộ khác ở Myanmar.

Kiến trúc của ngôi chùa Hsinbyume được mô phỏng theo hình dáng của ngọn núi thiêng Meru. Trước đây, sau một trận động đất lớn ở đây vào những năm 1836 thì ngôi chùa đã bị tàn phá hư hại nặng nề. Sau đó đến năm 1874 thì nhà vua Mindon đã cho phục dựng lại và bảo toàn y nguyên như lối kiến trúc ban đầu của ngôi chùa. Kể từ đó, trải qua dòng chảy thời gian cùng bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử thì ngôi chùa vẫn đứng đó sừng sững và bề thế cho đến tận ngày hôm nay. Qua năm tháng thì những bức tường trắng đã phủ nhiều rêu phong, tạo nên cảnh tượng càng cổ kính và linh thiêng hơn nữa.

Ngôi chùa Hsinbyume không chỉ gây ấn tượng bởi sắc trắng muốt, tinh khôi mà còn khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ, ngỡ ngàng trước lối kiến trúc độc đáo, đẹp mắt. Nhìn từ trên cao, toàn bộ ngôi chùa hiện lên như một ngọn núi màu trắng nhỏ xinh. Phần chính của ngôi chùa là hình tháp ở điểm cao nhất. Xung quanh đỉnh tháp này được bao phủ bởi hàng ngàn những đường lượn sóng theo bậc thang từ cao đến thấp… Những đường lượn sóng này như những hàng rào bảo vệ chắc chắn cho ngôi chùa thiêng ở phía trên. Những đường lượn sóng ấy mềm mại, uốn lượn như những con sóng trắng xóa ngoài biển khơi.

Bước đến trước cổng chùa, sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo ở cánh cổng được dựng theo hình vòm xếp theo hình bậc thang từ thấp đến cao. Đi hết những cánh cổng thẳng hàng đó thì sẽ tới được khu trung tâm của ngôi chùa. Phải một lần tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa Hsinbyume thì mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của lối kiến trúc đặc biệt này. Nét đẹp ở từng đường đi, từng mái vòm… Tất cả chi tiết đều được tạo dựng tỉ mỉ và sắc sảo đến từng milimet.Chính sự hoàn hảo đó đã làm cho toàn bộ khung cảnh nơi đây đẹp tựa như một miền cổ tích huyền diệu và nên thơ.

3.3.4. Mahamuni Buddha

Chùa Mahamuni Buddha là một thánh tích Phật giáo nổi tiếng khác ở Miến Điện; Và đây cũng là địa điểm hành hương quan trọng nhất của người Phật tử xứ này. Ngôi chùa này tọa lạc về hướng Tây nam của thành phố Mandalay, một thành phố được xem là trung tâm văn hóa của Miến Điện.

Chùa Mahamuni Buddha do vua Bodawpaya thuộc triều đại Konbaung xây dựng vào năm 1785 để thờ phụng một bức tượng Phật mà người Phật tử Miến Điện rất mực kính ngưỡng, bởi vì bức tượng này được cho là tạc vào thời đức Phật còn tại thế (ảnh). Một số người tin rằng, có năm bức tượng được tạc vào thời đức Phật, trong đó có hai bức ở tại Ấn Độ, hai bức ở tại thiên giới, và bức thứ năm là bức tượng tại chùa Mahamuni Buddha. Theo truyền thuyết, đức Phật được cho là đã viếng thăm thành phố Dhanyawadi của xứ Arakan (ngày nay là bang Rakhine, Miến Điện) vào năm 554 trước TL. Nhân khi đức Phật đến nơi này, vua Sanda Thuriya đã cho đúc một bức tượng Phật bằng kim loại để phụng thờ. Sau khi bức tượng được đúc xong, đức Phật đã thổi hơi thở vào nó, và bức tượng đã trở nên giống hệt như đức Phật.

Chính vì những huyền thoại này, bức tượng Phật tại chùa Mahamuni Buddha được tôn kính hết mực. Người Phật tử mỗi khi lễ bái tôn tượng, họ cảm nhận như đức Phật đang hiện diện ở đó.Và cũng vì tỏ lòng tôn kính tôn tượng, những Phật tử khi đến chiêm bái thường mua vàng lá dát lên bức tượng này. Người ta cho rằng độ dày vàng lá được dát lên tượng lên đến 15cm. Bên cạnh việc lễ bái tôn tượng, cũng có những nghi lễ khác dành cho bức tượng này mỗi ngày, chẳng hạn như nghi lễ đánh răng cho bức tượng bằng bàn chải được làm bằng cây Neem và lau mặt bằng nước thơm vào lúc sáng sớm (bốn giờ sáng). Chính điều này đã làm cho khuôn mặt tượng luôn bóng loáng.

Ngôi chùa này cũng trải qua những lần hỏa hoạn và chịu hư hại nặng nề. Và nó cũng từng bị khoan lỗ, mà điều này được cho do những tên trộm đã thực hiện nhằm lấy châu báu mà chúng tin là được đặt ở bên trong pho tượng.

Có một lễ hội lớn được tổ chức tại chùa Mahamuni Buddha vào đầu tháng Giêng hàng năm để kỷ niệm lịch sử hình thành và phát triển ngôi chùa. Vào dịp này chư Tăng sẽ tụng kinh trong nhiều ngày liền; bên cạnh cũng có những hoạt động văn hóa, giải trí và những sự kiện xã hội khác được tổ chức tại đây. Chiêm bái Mahamuni Buddha vào dịp này là cơ hội cho du khách có thể chứng kiến những sinh hoạt văn hóa và tâm linh của người Miến Điện.

Ngày nay chùa Mahamuni Buddha là một địa chỉ chiêm bái và hành hương quan trọng của người Phật tử Miến Điện; Và nó cũng là một nơi cần đến thăm và chiêm bái đối với người nước ngoài khi đến đất nước này. Ngoài việc chiêm bái ngôi chùa chính, ta cũng có thể tham quan một vài nơi khác ở trong quần thể chùa. Có một Viện bảo tàng về cuộc đời đức Phật tại đây, và gần đó có nhiều quầy hàng bán hương, hoa, đèn nến… phục vụ khách chiêm bái. Ở Mahamuni Buddha cũng có một khu chợ mà ở đó người ta bán những con rối đẹp nhất của Miến Điện.

Như vậy, có thể thấy Phật giáo du nhập vào Myanmar từ rất sớm, và đã mang theo tư tưởng cũng như các văn hóa của Ấn Độ đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nơi đây. Họ đã tiếp hóa các tinh hoa chọn lọc phù hợp với người dân nơi đây đặc biệt là kiến trúc. Kiến trúc chùa chiềng của Miến Điện tuy đã thay đổi khá nhiều nhưng song thì Phật giáo ảnh hưởng rất sâu đậm nên kiến trúc chùa chiềng nơi đây đã mang hơi thở của kiến trúc Phật giáo Ấn Độ.

KẾT LUẬN

Đối với Myanmar, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến các việc làm quý báu, đẹp đẽ của chư tăng. Ở đây, Đạo Phật có ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống người dân, ngay cả Vua chúa, các giới quan quyền đều có lòng hộ trì Phật giáo. Chùa tháp được xây dựng nhiều, chùa chiền không chỉ mang yếu tố tâm linh mà nó còn là nơi khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức độc lập quốc gia trong quần chúng nhân dân, và đã có không ít các vị tăng sĩ, quốc sư có công giúp chính sự cho nhà vua. Bởi lẽ như vậy nên kiến trúc độc đáo của Myanmar phần lớn điều mang trong mình nét đẹp của kiến trúc Phật giáo tại Ấn Độ.

Mặc dù cùng với sự phát triển cũng như thâm nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng lối kiến trúc Phật giáo Myanmar thì không hề thay đổi, có chăng là sự thêm thắt, những chi tiết phức tạp khác trên nguyên bản kiến trúc làm nổi bật hơn mà thôi, ngay cả những ngôi chùa được xây mới vào cuối thế kỷ 20 vẫn còn bảo tồn, được nét nghệ thuật cổ điển độc đáo của mình, tạo nên một phong cách kiến trúc phật giáo vô cùng độc đáo.

Tác giả: Quảng Nhựt
Thạc sĩ khóa 2 Học viên Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

[1] Theo Báo Global New Light of Myanmar, ngày 02-4-2020.
[2]Ministry of Commerce: Explore Mianma 2010-2011, Mianma, 2010, tr.7.
[3]Một từ trong tiếng Miến Điện có nghĩa là cái ô, là tên của vật trang trí lâu đời trên hầu hết các ngôi chùa ở Miến Điện.Chiếc ô là biểu tượng tốt lành trong Phật giáo và Ấn Độ giáo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội hữu nghị Việt Nam – Mianma, Mianma Lịch sử và Hiện tại, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2021.
2. PGS.TS. Dương Văn Huy – TS. Ngô Hải Ninh, Giáo trình Văn hóa các nước Đông Nam Á, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2021.
3. Trần Quang Thuận, Phật giáo Miến Điện, NXB Tôn Giáo, 2008.
4. Aki Akira, Myanmar – Hãy bắt đầu hành trình, NXB Hà Nội, 2019.
5. https://giacngo.vn/chua-mahamuni-buddha-post27018.html

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường