Trang chủ Đời sống Vận dụng tư tưởng “vô ngã của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” trong phòng, chống về ma túy ở Việt Nam

Vận dụng tư tưởng “vô ngã của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” trong phòng, chống về ma túy ở Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS Lê Thị Thu Dung
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hải Phòng

Tóm tắt

Hiện nay tình hình tội phạm về ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng phạm tội thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có sự cấu kết chặt chẽ với các tổ chức phạm tội ở nước ngoài. Các băng nhóm tội phạm manh động với thủ đoạn phạm tội tinh vi, khối lượng, quy mô phạm tội về ma túy lớn hơn trước đây rất nhiều. Thực tiễn đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những giải pháp kịp thời, quyết liệt và bền vững trong công tác đấu tranh phòng, chống tình hình tội phạm này. Bên cạnh đó, việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa tội phạm cũng hết sức quan trọng. Các giải pháp này phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình tội phạm một cách đầy đủ và xác định trọng tâm, từ đó mới phát huy được hiệu quả trong thực tế. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sử dụng lăng kính quán chiếu theo tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên tử để nhận diện, phản ánh thực trạng về tội phạm ma túy, về nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và đưa ra những giải pháp phòng ngừa.

(Từ khóa: Tội phạm ma túy; Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong đấu tranh phòng chống tội phạm; Ứng dụng tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên tử trong phòng ngừa tội phạm).

Summary

At present, the situation of drug-related crime has complicated developments, the offenders belong to many different social sectors, have close association with criminal organizations abroad. Violent criminal gangs with sophisticated criminal tricks, the volume and scale of drug crimes are much larger than before. Reality requires the authorities to have timely, drastic and sustainable solutions in the fight against this crime. Besides, the development of crime prevention measures is also very important. These solutions must be built on the basis of fully assessing the crime situation and determining the focus, from which they can be effective in practice. In the framework of this article, the author uses the lens of contemplation according to Truc Lam Yen Tu Buddhist thought to identify and reflect the reality of drug crimes, the causes that give rise to crimes, and give suggestions for preventive solutions.

Mở đầu

Tội phạm về ma túy đang là một thực trạng nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ma túy là “các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”. Ma túy được đưa vào cơ thể qua các đường: Hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích… gây ra trạng thái nhiễm độc, lú lẫn tâm trí, phản ứng loạn thần, tổn thương lên hệ thống thần kinh trung ương gây nên những trạng thái tâm lý không ổn định, làm mất đi một số chức năng cơ bản vốn có của cơ thể, tạo thành những ảo giác, cảm giác mới lạ hoặc làm giảm cơn đau. Nếu sử dụng lâu sẽ gây ra sự lệ thuộc hay còn gọi là “nghiện”. Chính sự cuốn hút chết người của ma túy và lợi ích khổng lồ của nó mang lại đã làm tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng tu dưỡng đạo đức gắn liền với tâm, toàn bộ hành động của con người đều xuất phát từ tâm. Đấu tranh với tình hình tội phạm này phải xuất phát từ việc rèn luyện tâm, để con người có đủ sức mạnh vượt qua cám dỗ của ma túy. Đặc điểm Phật giáo Trúc Lâm là sự hòa hợp dân tộc – Tam giáo tịnh hành, nên việc xây dựng các giải pháp phòng ngừa tội phạm trên cơ sở giáo lý này sẽ phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội, từ đó nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm.

1. Đặc điểm, tình hình tội phạm về ma túy ở Việt Nam hiện nay

Theo C.Mác “Muốn nghiên cứu một sự vật, một hiện tượng hay một quá trình phải bắt đầu từ nó và nghiên cứu chính nó”. Bởi vậy, để có sự đánh giá tổng thể về tội phạm về ma túy, ta phải nghiên cứu, xem xét tình hình tội phạm về ma túy với khái niệm, đặc điểm, các thông số phản ánh mặt chất và mặt lượng của tình hình tội này. Khi nghiên cứu các dấu hiệu, đặc điểm cơ bản của tình hình tội phạm, không thể không đồng tình với quan điểm cho rằng: “Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực, được thay đổi về mặt lịch sử, mang tính giai cấp, bao gồm tổng thể thống nhất (hệ thống) các tội phạm thực hiện trong một xã hội (quốc gia) nhất định và khoảng thời gian nhất định” [11,tr.60].

Tội phạm là kết quả của hành vi giao tiếp giữa con người với con người trong xã hội, hay nói trừu tượng hơn là kết quả của các quan hệ xã hội có giai cấp. Bởi là hiện tượng xã hội, nên tình hình tội phạm về ma túy là hiện tượng thay đổi về mặt thời gian, thể hiện ở sự thay đổi của các dấu hiệu, các hiện tượng cấu thành và ở số lượng tội phạm xảy ra trong thực tế trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Do vậy, tình hình tội phạm về ma túy có thể được hiểu theo quan niệm về tình hình tội phạm mà tội phạm học đã nêu ra, theo đó nó là “Hiện tượng tâm – sinh lý – xã hội tiêu cực vừa mang tính lịch sử và cụ thể, vừa mang tính pháp lý hình sự với hạt nhân là tính giai cấp, được thể hiện thông qua tổng thể các hành vi phạm tội  về ma túy cùng với các chủ thể thực hiện các hành vi trong một đơn vị thời gian nhất định.”

Về số liệu tội phạm, theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tội phạm ma túy, tổng số vụ án và bị can khởi tố trong 03 năm từ 01/12/2019 đến 30/11/2021 là 256.332 vụ án/386.854 bị can, cụ thể:

Từ 01/12/2019 đến 30/11/2020: số vụ án khởi tố là 84.862 vụ/124.845 bị can.

Từ 01/12/2020 đến 30/11/2021: số vụ án khởi tố là 84.714 vụ/128.839 bị can.

Từ 01/12/2021 đến 30/11/2022: số vụ án khởi tố là 86.756 vụ/133.170 bị can.

Qua số liệu trên ta thấy, tình hình tội phạm về trung bình cả nước xảy ra trên 80 nghìn vụ một năm với trên dưới 128 nghìn bị can bị khởi tố. Số lượng này rất là lớn, điều này cho thấy tình hình tội phạm ngày một diễn biến phức tạp. Tuổi bị can trẻ hóa, độ tuổi bị can từ 16 đến dưới 18: năm 2020 khởi tố 3.721 người; năm 2021 khởi tố 8.485 người; năm 2022 khởi tố 5.795 người. Điều này cho thấy, sự kiểm soát tội phạm về ma túy cũng như các biện pháp đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này chưa thực sự phát huy hết được hiệu quả trong thực tiễn.

Trước tình hình đó, cần có đánh giá thực trạng tội phạm về ma túy một cách đa chiều trên cơ sở bản chất của tình hình tội phạm. Việc phân tích thực trạng của tình hình tội phạm không chỉ dừng lại ở con số, mà phải đi tìm và lý giải nguyên nhân của tình trạng đó. Như vậy, các giải pháp phòng ngừa mới sát với thực tế và đem lại hiệu quả kiểm soát được tình hình tội phạm. Ở đây, lấy quan điểm của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử làm một phương pháp luận phân tích, với những khái niệm cơ bản nhất về bản chất của sự vật hiện tượng, nguồn gốc làm phát sinh tội phạm và giải pháp tìm được chân tâm, Phật tính. Đi từ ngã đến vô ngã, đi từ vật chất đến vô thường, và vì thế gian vô thường nên mọi vật đều vô tự tính, là sự vô ngã ở con người. Đó là một quá trình chuyển hóa, từ nhận thức đến hành động. Để soi chiếu về vấn đề này, trong khuôn khổ bài viết, học giả vận dụng tư tưởng vô ngã của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử làm phương pháp đánh giá tình hình tội phạm từ đó có nhìn nhận tình hình tội phạm về ma túy mang tính toàn diện, nhân văn và sâu sắc.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phong Chong Ma Tuy 1

2. Đánh giá thực trạng tình hình tội phạm về ma túy trên cơ sở tư tưởng “vô ngã của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”

2.1. “Vô ngã” theo tư tưởng của “Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đáp ứng ba vấn đề cốt yếu của Phật giáo là: niềm tin Phật giáo, thực hành Phật giáo và cộng đồng Phật giáo. Đặt trong mối tương quan giữa Phật giáo và lịch sử văn hóa dân tộc, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt, đó là vai trò của các Hoàng đế – Thiền sư – Anh hùng dân tộc.

Tu dưỡng đạo đức trong tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là gắn liền với tâm, toàn bộ hành động của con người đều xuất phát từ tâm. Tâm sáng thì hành động sáng, tâm tà thì làm điều ác. Con người trong quá trình sống, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức chưa đạt đến tâm sáng (minh tâm), là do những điều nảy sinh từ ý nghĩa giả dối, sai lầm.

Trong bài Bình đẳng lễ sám văn tự (Tựa bài văn bình đẳng lễ sám), Trần Thái Tông lý giải vấn đề đó: “Chung pháp tính như như, niệm lự không vương tơ tóc; nguồn chân trong suốt, xưa nay nào bợn bụi nhơ. Do một thoáng nổi vọng duyên nên hiện thành thể ảo. Tùy thời nghiệp thức, lãng quên một quả viên minh; mất sản nghiệp kia, buông sáu căn tham dục”[1].

Theo Trần Thái Tông mọi việc ác đều xuất phát từ tâm, trong bài Giới vọng văn ngài dạy: “Phàm tâm là gốc của thiện ác, miệng là cửa của họa phúc. Nghĩ một ý thì ảnh hưởng không lầm, buông một lời thì hệ quả chẳng lẫn. Quân tử trọng lời nói như biện luận, người xưa giữ mồm miệng kín như bình. Nói thì thẳng thắn công bằng, kể thì không cong khong vẹo”[2]. Theo quan niệm của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, tu dưỡng đạo đức không phải để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” như quan niệm của Nho giáo, mà tu dưỡng đạo đức để trở về với cái tâm (bản tâm) giữ cho được cái tâm trong sáng (minh tâm). Tu để tìm được Phật tính, do sự thật vô ngã tính và duyên khởi tính thường bị trói buộc bởi ngã tưởng với không gian, thời gian hữu hạn[3].

Trong phẩm kinh 16 Pháp Hoa về thọ mạng dài lâu của đức Phật: “Chư thiện nam tử, tất cả chư thiên nhân loại và tu la, ai cũng nói đời này đức Thích Ca Thế tôn rời khỏi hoàng cung họ Thích, cách thành Già da không xa, ngồi nơi bồ đề tràng mà được tuệ giác vô thượng. Nhưng, chư thiện nam tử, Như lai thật sự trở thành Phật đà thì đến nay đã cực nhiều con số trăm triệu thời kỳ…”[4]. Đó là Phật tính, khả thể tự tính Tuệ giác và thanh tịnh vốn có trong mỗi chúng sinh. Xét cho cùng, khái niệm phật tính có cùng với Pháp thân hay “thật tướng chư pháp”, bản chất thật tướng vô ngã của mọi sự vật hiện hữu. Đức Phật chỉ rõ Năm Uẩn không phải là Ngã (Atta), Năm Uẩn không thể được xem như là một thực thể trọn vẹn. Trong Kinh Vô ngã Tướng đức Phật nói Vật Chất không phải là Ngã (Atta). Đức Phật phân tích toàn thế giới thành ra Năm Uẩn, ngoài Năm Uẩn ra không có gì cả.

Như vậy, Khi đức Phật nói Năm Uẩn là vô ngã tức là đức Phật muốn nói rằng: chẳng có Ngã (Atta) nào trên thế gian này. Mặc dầu đức Phật nói rằng: không có Ngã (Atta). Nhưng khi Ngài nói Năm Uẩn không phải là Ngã (Atta) thì có nghĩa là không có Ngã (Atta). Có ba câu nói nổi tiếng trong Phật giáo: “Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Vô Thường. “Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Khổ. “Tất cả Các Pháp” đều Vô Ngã. Như vậy, hai câu đầu tiên đức Phật nói rằng: Tất cả Pháp Hữu Vi hay tất cả các Pháp có điều kiện hay Vật Chất và Tâm đều Vô Thường và Khổ. Nhưng câu thứ ba đức Phật không dùng “tất cả Pháp Hữu Vi” mà Ngài dùng ‘Tất cả các Pháp’ (Dhamma). Như vậy, theo câu thứ ba thì tất cả các pháp đều là Vô Ngã. ‘Tất cả các Pháp’ có nghĩa là cả Ngũ Uẩn (Vật Chất và Tâm) và Niết Bàn. Như vậy, chúng ta phải hiểu rằng: không những chỉ có Ngũ Uẩn (Vật Chất và Tâm) mới Vô Ngã mà Niết Bàn cũng Vô Ngã. Đôi lúc chúng ta có thể nghĩ rằng: bởi vì Niết Bàn là đối tượng của thế gian, nên Niết Bàn phải có ngã, nhưng ở đây đức Phật nói rằng: tất cả các pháp đều Vô Ngã. Mà các pháp ở đây bao gồm cả Niết Bàn.

Như vậy, khi nói đến Vô Ngã (Anatta) ta phải hiểu rằng: Tất cả Năm Uẩn lẫn Niết Bàn đều Vô Ngã. Bởi vậy, chúng ta phải hiểu câu thứ ba: “Tất cả các pháp đều Vô Ngã” một cách đúng nghĩa tùy theo bản kinh. Khi nói một cách tổng quát thì chúng ta phải hiểu tất cả Các pháp (Dhamma) ở đây là Năm Uẩn và Niết Bàn. Nhưng khi nói đến Vipassana[5] thì Các Pháp ở đây chỉ là Năm Uẩn mà thôi, bởi vì không thể lấy Niết Bàn làm đối tượng của Thiền Minh Sát. Trong bài kệ Thiền sư Huyền Quang[6] viết:

Người mà vì đạo chớ tìm đâu

Phật vốn tâm mình, tâm Phật sâu

Nhân chi vị đạo khởi tha tầm

Tâm tức Phật hề Phật tức tâm

Theo nguyên nghĩa Anatta (Vô Ngã) tức là không có Ngã, không có cốt lõi. Do đó, đức Phật nói Vật Chất là Vô Ngã, có nghĩa là Vật Chất không có cốt lõi. Chữ cốt lõi hay bản chất hoặc cốt tủy. Cốt lõi ở đây cũng là kẻ tạo tác, không thể làm chủ chính mình có nghĩa là không có cốt lõi. Như vậy, Vật Chất (Rūpa) không có cốt lõi, bởi vì là Vật Chất (Rūpa) không có những đặc tính trên. Vật Chất không phải là kẻ thực hành, Vật Chất cũng không phải là kẻ kinh nghiệm. Vật Chất (Rūpa) cũng không phải là kẻ làm chủ chính mình. Khi chúng ta hiểu Ngã (Atta) theo cách này thì chúng ta có thể biết được Vật Chất (Rūpa) là Vô Ngã.

Chúng ta thấy Vật Chất là Vô Thường, vậy nó là Khổ. Hai điều đó chúng ta đã hiểu, nếu Vật Chất là Vô Thường thì nó phải Khổ, Cái gì Vô Thường là Khổ, Cái gì Khổ là Vô Ngã. Vô Thường là biến mất sau khi khởi sinh. Bất kỳ cái gì khởi sinh và biến  mất là Vô Thường. Cái gì Vô Thường thì cái đó là ‘Dukkha’ hay đau khổ. Cái gì ‘Dukkha’ thì ‘Anatta’. Chúng ta đã biết Năm Uẩn tức Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức khởi sinh rồi hoại diệt (hay hoại diệt sau khi khởi sinh). Khi chính ta thấy chúng  khởi sinh  rồi hoại diệt, ta biết chúng Vô Thường. Khi chúng  ta biết chúng Vô Thường, thì chúng ta cũng biết chúng ‘Dukkha’. Chúng Dukkha hay Khổ không có nghĩa là Khổ bởi sự sinh diệt.

Vì nhầm lẫn và đôi khi chúng ta cho rằng vật chất và tâm chỉ là một, không thấy được sự tách rời hay sự riêng rẽ của “vật chất và tâm”. Nếu chúng ta không thể phá vỡ  ý đó chúng ta sẽ không thấy được bản chất của vô ngã (Anatta). Khi chúng ta chú tâm quán sát vào những gì đang xảy ra đối với chúng ta, những gì xảy ra trong thân chúng ta, hoặc những sự vật trong hiện tại thì chúng ta sẽ thấy tâm làm tất cả các nhiệm vụ thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Nhưng khi chúng ta quán sát kỹ càng tâm mình thì sẽ thấy và hiểu rõ rằng: Ta thấy với một cái tâm khác; ta nghe với một cái tâm khác; ta ngửi với một tâm khác, ta nếm với một cái tâm khác, ta suy nghĩ với một tâm khác… Chúng là những tâm riêng biệt, chúng là những yếu tố riêng biệt. Nhiều yếu tố kết hợp vào trong đó. Có bốn yếu tố chính là đất, nước, gió, lửa. Lúc đó, chúng ta hiểu rõ rằng: những cái mà chúng ta tưởng rằng: có cốt lõi, có bản chất thật ra chẳng có cốt lõi hay bản chất gì cả.

Như vậy, ta thấy được chúng là vô ngã . Khi ta thấy những yếu tố tách rời hẳn nhau, cái này khác cái kia, và khi chúng ta thấy rõ chúng khởi sinh rồi biến mất tùy thuộc vào những điều kiện thì chúng ta sẽ hiểu rõ rằng: Khi có một vật thấy, và khi vật ấy đi vào lộ trình của mắt thì sẽ có Thức thấy. Ta không thể nào ngăn trở hay kiểm soát Thức thấy khi có đủ điều kiện để thấy. Ta có mong muốn Thức thấy đừng khởi sinh, thì Thức thấy cũng sinh khởi bởi vì có những điều kiện để Thức thấy khởi sinh là một biểu hiện của sự Vô Ngã.

Bản chất vô ngã của sự vật cùng với bản chất vô thường và bản chất đau khổ. Có sự chấm dứt của đau khổ hay Niết Bàn nhưng không có người nào kinh nghiệm Niết Bàn. Chỉ có Vật Chất và Tâm mà không có ai cả. Có Bát Chính Đạo, hay có Đạo, nhưng không có ai đi trên Đạo này. Ngoài tám yếu tố của Đạo chẳng có cái gì gọi là Đạo cả. Như vậy, Đạo chỉ là tám tâm sở, bởi vì trong sự phân tích tuyệt đối (chân đế) chúng chỉ là Vật Chất và Tâm. Ngoài Vật Chất và Tâm chẳng có gì có thể gọi là người hay cá nhân nào cả. Bản chất vô ngã của Vật Chất và Tâm hay của Ngũ Uẩn.

Sự chứng ngộ Tứ Diệu Đế không thể có được nếu không có sự hiểu biết bản chất vô ngã. Thật ra, không phải chỉ bản chất vô ngã mà còn bản chất vô thường, bản chất khổ của Vật Chất và Tâm hay của Ngũ Uẩn. Như vậy, chúng ta phải thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của Vật Chất và Tâm để chúng ta có thể đi trên con đường Trung Đạo:

“Người mà vì đạo chớ tìm đâu

Phật vốn tâm mình, tâm Phật sâu…”

-Thiền sư Huyền Quang-

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với tông chỉ mang bản sắc của đất nước Đại Việt, và gắn liền với văn hóa Việt Nam, nên khi giảng giải về vô ngã, vô thường của cuộc đời, các tổ đã giải thích rất đơn giản ai cũng có thể hiểu và hành được “Trực chỉ nhân tâm – Kiến tính thành Phật”. Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nghĩa là người muốn an trụ tâm, được Vô thượng Chính đẳng Chính giác thì đừng dính mắc chỗ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đối với sáu trần không vướng mắc đó là an trụ tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Lục Tổ[7] thốt lên: Đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tâm mình bất sinh bất diệt.

Muốn cầu tâm, chớ tìm ngoài,
Bản thể như nhiên vốn không tịch.
Niết bàn sinh tử buộc ràng suông,
Phiền não Bồ đề hư giả nghịch.
Tâm tức Phật, Phật tức tâm,
Linh diệu chiếu cùng kim cổ thông.
…Bỏ vọng tâm, giữ chân tính,
… Chẳng biết vọng do từ chân hiện.
Vọng lên chẳng thực cũng chẳng hư,
Gương nhận không tà cũng không chính.

Vẫn không tội, vẫn không phúc,

… Tính vốn không hồng cũng không lục.
Cũng không được, cũng không mất,
Bốn mươi chín ấy là thất thất.
Sáu độ muôn hạnh: biển sóng trào,
Ba độc chín tình: giữa không nhật.
… Tâm của muôn loài tức Phật tâm.
Phật tâm bèn với tâm ta hiệp,
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Giữa lò lửa rực một cành sen.
Các hạnh vô thường thảy thảy không,
Linh cốt tiên sư tầm đâu tá!
Thức thức tỉnh! Tỉnh tỉnh thức!
Dẫm đất bốn bề chớ lệch nghiêng.
Ai có như lời tin được vậy,
Đạp đảnh Tỳ lô bước bước lên.

(Phật tâm ca – Tuệ Trung Thượng Sĩ

Dịch thơ: Thiền sư Thích Thanh Từ)

Ngu Uan Vo Nga

2.2. Đánh giá tình hình tội phạm về ma túy theo góc nhìn vô ngã và công tác quản lý xã hội

Như đã phân tích ở trên, ta thấy sở dĩ tình hình tội phạm nói chung và tình tình tội phạm về ma túy nói riêng có diễn biến phức tạp và chuyển hóa tình hình tội phạm còn chịu sự chi phối của xã hội. Tất cả những yếu tố này đều xuất phát từ tham vọng, từ bám chấp vào tham – sân – si, bị kẹt ở ngũ uẩn, chấp vào “Ngã (Atta)”.

Người nghiện khi đã bị phụ thuộc vào chất ma túy, thì toàn bộ hoạt động của cá thể lúc đó sẽ bị điều khiển bởi ham muốn. Sự thôi thúc đó giằng xé, vật vã sai khiến con người bằng mọi giá đáp ứng nhu cầu đưa chất ma túy vào cơ thể để thỏa mãn sự thèm khát. Sự nguy hiểm và tàn phá cơ thể là như vậy, nhưng hiện nay vì lợi ích mà không ít người dùng mọi thủ đoạn để buôn, bán cái chết đó, thậm chí họ còn nghiên cứu ra nhiều chất ma túy độc khác, có tác động mạnh đến dây thần kinh trung tâm và não bộ của con người tạo ảo giác, hưng phấn như các chất ma túy: MDMA, Ketamin, Methamphetamine, Amphetamine, nước vui (bao gồm các chất ma túy tổng hợp), các chất ma túy ở thể rắn, thể lỏng khác…

Đây là biểu hiện rõ nhất của sự lệ thuộc vào các ngũ uẩn. Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ lòng ham muốn, không hiểu sự vô thường của ngũ uẩn, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái “ta” thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát.

“… Muốn cầu tâm, chớ tìm ngoài,
Bản thể như nhiên vốn không tịch.
Niết bàn sinh tử buộc ràng suông,
Phiền não Bồ đề hư giả nghịch.
Tâm tức Phật, Phật tức tâm…”.

Để phân tích rõ hơn về vấn đề này, chúng ta nghiên cứu các khía cạnh về đặc điểm địa lý, tự nhiên, xã hội và nhân thân người phạm tội dưới góc độ vô ngã, vô thường và Phật tính của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, theo các nội dung sau:

* Yếu tố địa lý tác động đến tình hình tội phạm về ma túy ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Căm-pu-chia ở phía Tây; phía Đông giáp Biển Đông. Trên bản đồ, dải đất liền Việt Nam mang hình chữ S, kéo dài từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc, dài 1.650 km theo hướng Bắc Nam, phần rộng nhất trên đất liền khoảng 500 km; nơi hẹp nhất gần 50 km. Đồi núi Việt Nam tạo thành một cánh cung lớn hướng ra Biển Đông, chạy dài 1400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ.

Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, về giao thông có đầy đủ đường hàng không, đường biển, đường bộ để giao thương với các quốc gia trên thế giới. Lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước ta, cha ông ta đã nhấn mạnh đặc điểm địa hình này để xây dựng kế hoạch phòng thủ, bảo vệ tổ quốc. Với vị trí như vậy, nên việc giao thoa văn hóa, tôn giáo ở Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý như vậy, nên Việt Nam là điểm nhắm đến của tội phạm về ma túy. Đánh giá được tình hình và xu hướng của tội phạm về ma túy, việc đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy và các tội phạm về ma túy trong nhiều năm qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy và các tội phạm về ma túy ngày càng diễn ra phức tạp. Từ chỗ chủ yếu có từ các nguồn trong nước, những năm gần đây, ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam không chỉ là địa bàn tiêu thụ, mà đã biến thành nơi trung chuyển ma túy và hoạt động buôn lậu ma túy, đã xuất hiện tình trạng sản xuất và điều chế trái phép chất ma túy ở trong nước.

* Yếu tố đặc điểm cá nhân, xã hội tác động tình hình tội phạm về ma túy

Khi nghiên cứu con người, các nhà khoa học sử dụng các phương pháp phân loại, trong đó phổ biến là dựa vào các đặc điểm: xã hội – nhân khẩu học, mục đích, đạo đức, tâm lý, giới tính, độ tuổi,v.v. Nhân thân của con người chính là tổng hợp các đặc điểm, dấu hiệu phản ánh bản chất xã hội của con người trong từng giai đoạn cụ thể. Điều này phù hợp với quan điểm Mác xít khi nói về bản chất con người “Bản chất con người không phải là cái trừu tượng, cố hữu của từng cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm, những dấu hiệu, những đặc tính quan trọng thể hiện bản chất xã hội của con người vi phạm pháp luật hình sự, các đặc điểm ấy kết hợp với điều kiện và các yếu tố khác đã ảnh hưởng đến cách xử sự chống đối xã hội của người đó.

Khi nghiên cứu nhân thân người phạm tội về ma túy ta cần khai thác những đặc điểm, những yếu tố nhân thân người phạm tội với mục đích để trả lời câu hỏi tại sao con người đó lại phạm tội, đặc điểm nào, yếu tố nào đã dẫn dắt đến sự phạm tội của người đó, tức là tìm nguyên nhân của tội phạm về ma túy để phòng ngừa trong thực tiễn. Nhân thân người phạm tội về ma túy chính là “bộ mặt” tổng quan của tình hình tội phạm xét theo nhân thân người phạm tội. Nhân thân người phạm tội về ma túy được đánh giá ở mức độ tổng quan về một số loại chủ thể thực hiện hành vi phạm tội như: độ tuổi, giới tính, thành phần xã hội…v.v.

Trong tội phạm học, nhân thân người phạm tội là tổng hòa các yếu tố, các đặc điểm riêng biệt của người phạm tội ở một địa bàn hành chính – lãnh thổ nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định. Về mặt tâm – sinh lý – xã hội, nhân khẩu – nhân chủng học, dân tộc học và pháp lý, đó là những nội dung có giá trị thiết thực cho việc xác định nguyên nhân, điều kiện của tội phạm để có giải pháp phòng ngừa phù hợp. Những yếu tố này xét theo phương diện khoa học Phật giáo ta thấy con người chịu sự tác động của quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”. Bất kỳ sự vật nào cũng đều có một quá trình, từ hình thành cho đến phát triển thành thục, ổn định ở một trạng thái, tiến đến suy bại, cuối cùng bị hủy diệt. Cùng lúc với sự hủy diệt thì cũng đang thai nghén sự sinh thành cái mới của lần sau. Lớn đến toàn bộ thiên thể, tinh hệ, nhỏ đến tế bào của nhục thể, từ sinh mệnh cho đến vật chất, bao gồm cả sự thăng trầm của mỗi một đế quốc, thay triều đổi đại, thịnh suy của nền văn minh trong lịch sử nhân loại, đều là tuần hoàn lặp lại ở trong quy luật này. Nếu không hiểu được quá trình ấy chúng ta sẽ rơi vào bế tắc và khổ đau. Cho nên, việc tác động vào nhận thức làm thay đổi hành vi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cá nhân, đặc biệt trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật để phòng chống tình hình tội phạm về ma túy.

Khi phân tích đặc điểm về độ tuổi của người phạm tội cần đặt độ tuổi đó trong một tổng thể với các yếu tố, đặc điểm, điều kiện khác như: giới tính, tâm lý, đạo đức, nhu cầu, lợi ích và khả năng đáp ứng chúng. Chẳng hạn, với nhu cầu làm việc để có kinh tế chu cấp cho bản thân và gia đình, giảm sự phụ thuộc kinh tế, mong muốn làm giàu,.v.v. Tội phạm về ma túy chủ yếu bị xét xử là tội về tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng phạm tội ở nhiều độ tuổi khác nhau: dưới 18 tuổi chiếm 0,2 %; từ 18 đến 30 tuổi chiếm 20%; từ 31 đến 70 tuổi chiếm 75%; từ 71 tuổi trở lên chiếm 4,8%. Số liệu bị can bị khởi tố tuổi từ 14 đến dưới 16 là 387 bị can; từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 5.795 bị can; từ 18 tuổi đến 30 tuổi là 53.330 bị can; trên 70 tuổi là 570 bị can.[8]

Ở độ tuổi khác nhau, tâm sinh lý của con người cũng có sự thay đổi và tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi mà họ thực hiện. Độ tuổi từ từ 31 đến 70 chiếm tỷ lệ cao nhất, mức độ này duy trì đều trong nhiều năm; độ tuổi này con người đủ nhận thức và đã có sự ảnh hưởng nhất định trong cuộc sống, xã hội. Độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi ở mức độ trung bình, nhóm tuổi dưới 18 và trên 71 tuổi chiếm tỷ lệ thấp. Chính vì mỗi độ tuổi có nhận thức xã hội khác nhau nên cũng cần có sự tác động khác nhau trong giáo dục, tuyên truyền pháp luật. Giáo dục muốn hiệu quả, chúng ta cần vận dụng đạo đức Phật giáo làm nền tảng. Theo đó, Tôn giáo của Đức Phật là tôn giáo của đạo đức. Trong tác phẩm Đức Phật và tương lai Phật giáo của Bhimrao Ramji Ambedkar[9] (Dịch giả Hoàng Phong), Ambedkar viết: “…Đạo đức mới thật sự là cội rễ của tôn giáo và Phật giáo sẽ không thể nào tồn tại được nếu không có cái phần cội rễ ấy…. Thật vậy, người ta có thể khẳng định một cách chắc chắn đức Phật là vị Thầy đầu tiên của nhân loại đã đem đạo đức làm cốt tủy và nền móng để xây dựng một tôn giáo. Đấy là cả một cuộc cách mạng lớn lao mà tầm quan trọng chỉ có thể hình dung được khi tự đặt vào vị trí của thời điểm bấy giờ…”

“Muốn cầu tâm, chớ tìm ngoài,
Bản thể như nhiên vốn không tịch”.

Giáo dục đạo đức Phật giáo là giáo dục đi thẳng vào tâm, tâm này là tâm bất sinh bất diệt, tâm vô ngã – vô thường. Tâm không bị chấp kẹt bởi ngũ uẩn, nên giáo dục hướng con người tìm được bản thể của mình. Từ đó, xây dựng chính niệm chiến thắng được tham ái, dứt bỏ được khổ đau. Khi cá nhân đã được trang bị những kiến thức cơ bản về đạo đức Phật giáo, tự thân sẽ có sự kiểm soát về ý thức và hành vi đối với việc làm xấu, việc làm tổn hại đến bản thân và xã hội. Ở đây, giáo dục tác hại của ma túy hướng đến từng độ tuổi, khác nhau với phương pháp tiếp cận khác nhau nhưng cùng chung một đích. Bởi lẽ, đặc điểm về độ tuổi của những người phạm tội về ma túy trên đây cho biết về “mức độ tích cực phạm tội” và các đặc điểm về hành vi chống đối xã hội của những người thuộc lứa tuổi khác nhau. Việc nghiên cứu đặc điểm về độ tuổi, là một trong những đặc điểm nhân thân người phạm tội cho phép làm sáng tỏ phần nào nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy, để xây dựng các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả đối với từng nhóm tuổi cụ thể.

* Đặc điểm về giới tính, dân tộc

Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (từ 01/12/2021 đến 30/11/2022) về giới tính và dân tộc của bị can phạm tội về ma túy: người phạm tội là nữ là 11.989 bị can, dân tộc thiểu số là 14.164 bị can; người nước ngoài, người không quốc tịch là 170 bị can.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đặc điểm tâm sinh lý và đặc điểm xã hội quyết định. Nam giới có ưu thế về thể chất và thường là người lao động chính trong gia đình. Những tư tưởng quan niệm xã hội về nam giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nếp suy nghĩ, tư duy và hành động của “phái mạnh”. Ngoài ý nghĩa tích cực của “phái mạnh” cũng có tác động tiêu cực đến hành vi vi phạm pháp luật, phá vỡ các quy tắc và chuẩn mực xã hội. Từ những điều phân tích khái quát trên có thể cho thấy đặc điểm giới tính của nam giới là một trong những yếu tố cần xem xét khi nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy. Tất nhiên, phải đặt đặc điểm giới tính đó trong một tổng thể các yếu tố như các điều kiện giáo dục, với các đặc điểm về chuẩn mực hành vi và hoạt động sống, với tính chất của các quan hệ lao động, gia đình, lối sống và những mối quan hệ khác so với nữ giới.

Sự bình đẳng trong giáo lý của đức Phật là sự từ bi, bởi Người đã nhìn thấy thấu triệt sinh – tử, quy luật duyên khởi của con người và vạn vật. Vốn dĩ, trong mỗi một con người đều có bản thể bất sinh, bất diệt trong vạn pháp. Chẳng qua, do nghiệp báo, lửa tham, sân, si che mờ như những đứa trẻ ham chơi trong nhà lửa mà không thấy được, mà chìm đắm trong đau khổ, luân hồi. Rồi cũng từ sự vô minh mà con người tự đặt ra quy tắc, phân chia giai cấp, tự cho những người giai cấp bên trên được che chở bởi những đấng tối cao, còn những người ở tầng lớp dưới chịu nhiều áp bức, sống trong cảnh đời nghèo tủi, kiếp lầm than. Đức Phật đã đưa ra những lý giải rất giản đơn cho sự bình đẳng giữa con người với con người. Hiện nay, số người phạm tội về ma túy là nữ giới chiếm tỷ lệ lớn (11.989 bị can/tổng số 133.170 bị can)[10]. Khi xã hội có được sự bình đẳng giới và giới tính thì cơ hội tiếp cận sự giáo dục, và điều kiện khác của nữ giới sẽ cao hơn. Điều này cũng thể hiện sự vô ngã, khi không còn phân biệt trong xã hội tức là không còn chấp Có, chấp Không, thì giáo dục mới được toàn diện và công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mới thực sự đạt được hiệu quả trong thực tiễn.

Người phạm tội về ma túy bị phát hiện xử lý chủ yếu không có nghề nghiệp và lao động tự do, tái phạm và tái phạm nguy hiểm, là đối tượng nghiện chất ma túy. Sự phát triển về kinh tế xã hội cũng tác động đến thành phần xã hội của người phạm tội về ma túy, hiện nay đối tượng phạm tội mở rộng ra các thành phần xã hội khác nhau có nghề nghiệp ổn định. Việc buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mang lại lợi ích kinh tế rất cao, do vậy các đối tượng đã bất chấp hình phạt bị xử phạt nặng vẫn phạm tội với số lượng và quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, manh động và táo bạo hơn, có nhiều hình thức phạm tội hơn. Đặc điểm về nghề nghiệp, thành phần xã hội của những người phạm tội về ma túy cho ta thấy thái độ tiêu cực hoặc thiếu trách nhiệm của người phạm tội đối với việc thực hiện nghĩa vụ công dân, trong đó có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ tôn trọng trật tự an toàn xã hội, tôn trọng quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân… Thái độ tiêu cực đó là sản phẩm tích tụ của các yếu tố, điều kiện, hoản cảnh, nhân tố xã hội tiêu cực khác nhau, trong đó tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu thốn kinh tế do tính chất nghề nghiệp là cơ bản. Những điều này cần được cân nhắc khi xây dựng các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy trên phạm vi cả nước.

Con người khi thực hiện hành vi phải chịu sự điều tiết xã hội bao gồm hệ thống luật pháp, phong tục và các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa nhưng không phải ai cũng tôn trọng và làm theo các quy tắc của xã hội và đó là lý do tạo ra hiện tượng lệch chuẩn xã hội. Như vậy, hành vi lệch chuẩn khi thực hiện hành vi phạm tội về ma túy là hành vi đi chệch khỏi những quy tắc, chuẩn mực của xã hội. Khi phân tích về các yếu tố tiêu cực thuộc về chủ thể của tội phạm về ma túy cần lưu ý thêm rằng tình hình tội phạm nói trên có tính chất xã hội và bị quyết định về mặt xã hội. Tính quyết định xã hội đó được thực hiện thông qua con người (cá nhân) và những đặc điểm cá nhân cũng được hình thành dưới sự tác động của xã hội. Tính quyết định về mặt xã hội được “trung chuyển” đến cá nhân dựa trên cơ sở tác động của các đặc điểm tự nhiên, sinh học. Ở nghĩa này đặc điểm sinh học của cá nhân là điều kiện, chứ không phải là nguyên nhân của hành vi. Sự ảnh hưởng đó được biểu hiện chủ yếu về mặt thực tế của cơ chế hành vi phạm tội. Bởi tội phạm về ma túy được thực hiện do lỗi cố ý, nên các đặc điểm sinh học tạo ra cái nền và quyết định nội dung xã hội của cá nhân từ đó hình thành hành vi phạm tội. Hành vi lệch chuẩn của người phạm tội về ma túy có liên quan nhiều đến môi trường tiêu cực hoặc các hiện tượng, quá trình tiêu cực tồn tại khách quan.

Theo tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thì minh tâm là nhận rõ cái bản tâm hay bản tính chân thật. Nghĩa là phải biết rõ cái tâm nào chân thật và cái tâm nào giả dối. Kiến tính là ngầm nhận hay thấy rõ cái tính chân thật của chính mình. Hiện tại mình đang sống cuốn hút theo dòng vô minh vọng động, không phút giây nào tâm thức mình yên cả. Dù mình sẵn có cái bản tính chân thật đó, nhưng mình có nhận được đâu. Bởi do không nhận được nên mình cứ mãi bám theo vọng tưởng lăng xăng tạo nghiệp lành dữ để rồi mãi trôi lăn trong dòng sinh tử khổ đau. Phật muốn cho mình nhận được cái bản tính chân thật đó, nên Phật dạy bao nhiêu kinh điển cũng chỉ nhắm thẳng vào một mục đích chính duy nhất đó mà thôi. “Kiến tính Thành Phật” là liễu ngộ xưa nay không một vật. Nguồn linh rỗng lặng, trong sáng tròn đồng cả thái hư. Pháp tính bao trùm, nghiễm nhiên ánh sáng soi suốt nơi sát hải, rõ ràng lồ lộ ngay trước mắt. Bản tính Như Lai tự như mà ứng hiện trên trời dưới đất, nên hay tùy loại, tùy hình, hoặc cõi này phương khác thị hiện ra đời độ thoát quần sinh. Khai quyền thì phương tiện có muôn pháp, hiển thật thì hội ngộ về một tâm. Phật quả Bồ-đề vô tướng, vốn rỗng lặng tròn đồng thái hư.

Hành vi lệch chuẩn của cá nhân được tạo ra bởi các nguyên nhân bao gồm: sự trống rỗng và thiếu hụt về chuẩn mực giá trị, mức độ tác động thấp của các chuẩn mực xã hội lên cá nhân, tính không kiên định, sự tản mạn và mâu thuẫn giữa các chuẩn mực, sự suy giảm về chức năng giáo dục của các môi trường xã hội hóa, trạng thái dồn nén và căng kéo của xã hội công nghiệp – đô thị hóa, sự mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp, sự mâu thuẫn giữa nhu cầu đòi hỏi quá cao trong đời sống so với khả năng thỏa mãn có giới hạn trong thực tế, sự ràng buộc cộng đồng yếu… Việc bổ khuyết và điều chỉnh hành vi lệch chuẩn đó cần phương pháp tác động đến nhận thức và hành vi của mỗi cá thể trong cộng đồng. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đưa giáo lý vào cuộc sống rất đỗi thân thuộc, gần gũi. Hơn nữa, cái nhìn về đạo Phật của vua Trần Nhân Tông rất rõ ràng: Bụt không nên cầu ở ngoài mà chính phải tìm ngay ở chính mình, nếu biết “tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca”, làm theo 10 nghiệp lành, ai bảo đó không là Bồ Tát, không phải là Phật Thích Ca.

Trong Cư Trần Lạc Đạo phú, ngài viết: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm, muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính… Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thật Kim cương;  dứt hết tham sân, mới lảu lòng màu viên giác. Tịnh độ là lòng sạch, Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương…;  Vậy mới hay! Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa.  Nhân khấy bản (quên gốc) nên ta tìm Bụt,  Đến cốc hay chỉn (chính) Bụt là ta…”. Đối với vua Trần Nhân Tông, tịnh độ là lòng sạch não phiền, nghiệp chướng thì Tây phương Phật cảnh hiện tiền. Sống ngay nơi trần thế mà tìm ra cái vui của Bụt, tâm thể an nhàn, các nghiệp được thanh tịnh (muôn nghiệp lặng) ngay giữa cuộc đời rối ren này. Đây cũng là tư tưởng chủ chốt để thống nhất Thiền – Tịnh – Mật thành một, lãnh đạo Phật giáo đi cùng với đồng bào phật tử Việt Nam, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời cuộc và vẫn tồn tại cho tới ngày nay.

Một điểm rỗng rang thể vốn không,
Muôn điều tạo hóa ấy cơ đồng.
Bao la thế giới ngoài trời đất,
Lặng ánh hàn quang cõi cõi trong.
Ở Thánh chẳng thêm phàm chẳng bớt,
Vuông tròn tùy món mặc dung thông.
Ngàn sông nước lắng trăng in bóng,
Hoa nở khắp nơi rực sắc hồng.

Âm:

Nhất điểm hư vô thể bản không.
Vạn ban tạo hóa giá cơ đồng.
Bao la thế giới càn khôn ngoại,
Trạm tịch hàn quang sát hải trung.
Tại Thánh bất tăng phàm mạc giảm,
Phương viên tùy khí nhậm dung thông.
Thủy trừng nguyệt hiện thiên giang ấn,
Sắc ánh hoa khai đại địa hồng.

Chân Nguyên – Bản dịch HT Thanh Từ

Đại đạo rộng suốt nào có ràng buộc, bản tính lặng lẽ không thiện không ác. Bởi do chọn lựa chợt sinh nhiều lỗi, vừa khởi mảy may đã cách xa trời đất. Phàm thánh vốn đồng một mối, phải quấy đâu có hai đường. Cho nên biết, tội phước vốn không, cứu cánh nhân quả chẳng thật. Người người sẵn đủ, kẻ kẻ trọn thành. Phật tính Pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng tức chẳng ly. Lỗ mũi duỗi thẳng xuống, chân mày nằm ngang mặt, ở trên mắt mà không dễ gì nhìn thấy. Cần phải tìm xét, đâu chẳng nghe nói “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm” nên nói: Cửa giới cửa định cửa tuệ, ông không thiếu sót, cần phải phản quán nơi mình. Phàm những tiếng ho tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm, chân đi, ấy là tính gì? Biết được tánh này, ấy là tâm gì? Tâm tính rỗng sáng, cái nào phải, cái nào chẳng phải? Pháp tức là tính, Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tâm nào chẳng phải là Phật? Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp. Pháp vốn chẳng phải pháp, pháp tức là tâm. Tâm vốn chẳng phải tâm, tâm tức là Phật. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Các yếu tố về địa lý, nhân chủng học, về giới tính, độ tuổi có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành tội phạm. Trong đó, yếu tố con người là quyết định nhất. Vì là con người nên chấp có chấp không luôn tồn tại, chịu sự chi phối của các yếu tố tự nhiên và xã hội và luôn bị giằng xé bởi ngũ uẩn, bởi tham – sân – si. Tội phạm về ma túy là loại tội phạm mang tính đặc trưng của các yếu tố này. Do đó, khi đưa tư tưởng Vô Ngã để phân tích ta bóc tách nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, từ tác động bên ngoài khách quan đến diễn biến tội tại bên trong. Để thấy rằng vật chất hay các nhu cầu của bản thân tất cả đều là Ngã mà Ngã là nguyên nhân của khổ đau. Vì có Ngã tức là cá nhân bị chấp, dù tội phạm có dùng thủ đoạn nào để thực hiện hành vi phạm tội mục đích thu lợi ích vật chất như mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất trái phép chất ma túy thì lợi ích đó rồi cũng không thể tồn tại mãi được, bản thân không cũng không thể nắm giữ mãi được. Bởi lẽ, thân tứ đại còn vô thường nữa là vật chất, tiền tài, nhà lầu, xe hơi… Hay để thỏa mãn nhu cầu sử dụng ma túy, các đối tượng bất chấp thực hiện mọi hành vi phạm tội khác như cướp của, giết người, trộm cắp… thì cuối cùng cũng chỉ là thỏa mãn cảm giác nhất thời, thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn ngũ uẩn mà thôi. Hiểu và thực hành Phật giáo giúp con người thức tỉnh chân tâm, thực hành chính niệm để dứt bỏ khỏi sự ràng buộc, cám dỗ của ma túy. Hiểu được vô ngã, vô thường để tìm được con đường giác ngộ, giải thoát.

Dứt trừ nhân ngã, thời ra tướng báu Kim Cương

Dừng hết tham sân, mới lảu lòng màu Viên Giác

Trích Cư trần lạc đạo,

Phật Hoàng Trần Nhân Tông-

Kết luận

Tội phạm về ma túy là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm chế độ thống nhất quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy và các loại thuốc gây nghiện, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và tính mạng, sức khỏe con người và sự phát triển bình thường của nòi giống dân tộc.

Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đồng hành cùng dân tộc, trải qua quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông về Phật giáo nhập thế có giá trị lịch sử quan trọng. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tình hình tội phạm về ma túy như hiện nay thì việc vận dụng tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử để xây dựng hệ thống các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm là một việc làm rất cần thiết, mang ý nghĩa to lớn. Từ đạo đức Phật giáo xây dựng hệ thống giáo dục đạo đức xã hội và từ quan điểm về Vô ngã trong Phật giáo Trúc Lâm để hình thành cơ chế tự điều chỉnh hành vi của cá nhân cho phù hợp với các quy định và chuẩn mực pháp luật. Để hiện thực hóa, đưa lý luận Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử vào thực tiễn trong công tác nghiên cứu tội phạm học, phòng ngừa tội phạm là cả một quá trình, trong đó rất cần sự nghiên cứu đa ngành và liên ngành, trên cơ sở đó xây dựng nền tảng lý luận chung góp phần vào việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý xã hội, đem lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho nhân dân.

TS Lê Thị Thu Dung
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hải Phòng

***

Chú thích:
[1] Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Q. Thượng, sđd, tr.91-92.
[2] Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Q. Thượng, sđd, tr.100.
[3] Thích Chơn Thiện (2013), Tư tưởng Kinh Pháp Hoa, NXB Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 126.
[4] Kinh Pháp Hoa – Chính văn, tâp 2, tr. 820-821.
[5] Vipassanā (Pāli) hoặc vipaśyanā (tiếng Phạn) nghĩa đen là “cái thấy đặc biệt”,”đặc biệt (Vi), cái thấy (Passanā)”, là một thuật ngữ Phật giáo thường được dịch là “cái nhìn sâu sắc”.
[6] Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334), tổ thứ 3, phái Trúc Lâm.
[7] Huệ Năng (zh. huìnéng/ hui-neng 慧能, ja. enō) (638-713), hay Lục Tổ Huệ Năng, là một vị Thiền sư vĩ đại trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa. Sư kế tiếp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, trở thành vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Quốc.
[8] Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (từ 01/12/2021 đến 30/11/2022).
[9] Bhimrao Ramji Ambedkar (14 tháng 4 năm 1891 – 6 tháng 12 năm 1956), còn được gọi là Dr. Babasaheb Ambedkar, là một luật gia, nhà kinh tế, chính trị gia và nhà cải cách xã hội người Ấn Độ, người đã truyền cảm hứng cho phong trào Phật giáo Dalit và vận động chống lại sự phân biệt đối xử trong xã hội.
[10] Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (từ 01/12/2021 đến 30/11/2022).

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Ngọc Anh (2007), Hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát nhân dân Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội;
2. Đặng Nguyên Anh (2007), Xã hội học dân số, Nxb Khoa học xã hội;
3. Nguyễn Huệ Chi, Đào Phương Đỉnh, Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Đức Vân biên soạn (1977), Thơ Văn Lý – Trần (3 tập), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội;
4. Bộ Công an (2000), Một số vấn đề xây dựng thế trận phòng, chống TPVMT của lực lượng CAND, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội;
5. Bộ Công an (2005), Từ điển Bách khoa CAND Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội;
6. Phạm Văn Tỉnh (2014), Bài giảng tội phạm học, Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội;
7. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nhà xuất bản Văn Học, tập III;
8. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập I;
9. Thích Chơn Thiện, Kinh Kim Cương, Nhà xuất bản Tôn giáo;
10. Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nhà xuất bản Tôn giáo;
11. Võ Khánh Vinh (chủ biên) (2011), Giáo trình tội phạm học, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường