Trang chủ Đời sống Vấn đề tài sản của người tại gia theo quan điểm của đạo Phật

Vấn đề tài sản của người tại gia theo quan điểm của đạo Phật

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Quảng Hiền

Khi sinh ra chúng ta không có gì, khi trở về có lại hóa hư không. Đến và đi chúng ta không mang được gì ngoài nghiệp, nhưng khoảng giữa chúng ta lại có nhiều thứ. Đó là tài sản trong một kiếp người. Tài sản ấy có khi là hiện vật thực tế, cũng có khi là tài sản tinh thần quý giá. Tài sản đối với người thế gian mang một ý nghĩa rất quan trọng. Cái mà họ hãnh diện nhất đó chính là tài sản.

Vậy tài sản theo quan điểm của đức Phật là gì? Phương cách nào để cho tài sản thành tựu và hưng thịnh? Làm sao để bảo vệ được tài sản? Cách nào sử dụng tài sản lợi ích nhất? Đối trước định luật vô thường, sinh diệt của sự thật cuộc đời, người tại gia có tâm thế như thế nào với sự được và mất của tài sản? Chúng ta nên để lại gì cho con cháu? Đây là những vấn đề người thế gian quan tâm và muốn tìm hiểu. Bản thân chúng con khi nghiên cứu về vấn đề này đã rất hạnh phúc và vỡ òa trong cảm xúc. Qua đây chúng con gửi gắm những lời Phật dạy về vấn đề tài sản để người cư sĩ lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Từ đấy sử dụng tài sản một cách hữu ích giúp cuộc sống này trở nên an lạc hơn.

1. Định nghĩa về “tài sản”

Tài sản theo bộ luật dân sự năm 2015 xác định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản.” Vật bao gồm tiền, những loại giấy tờ có giá trị, động thực vật (vất thực tế hiện hữu và lợi nhuận sinh ra). Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, như là quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất.

Trong kinh đề cập về Bà-la-môn chủ trương có bốn loại tài sản gồm: Tài sản của Bà-la-môn là khất thực, tài sản của Khattiya là cung và tên, tài sản của Vessa là canh nông và nuôi bò, tài sản của Sudda là lưỡi liềm và đòn gánh.[1] Tài sản của sa-môn là nhẫn nhục nhu hòa.[2] Tài sản là sức mạnh của người đàn bà.[3] Tài sản có quyền năng to lớn trong xã hội. Câu nói “có tiền mua tiên cũng được” để chỉ cho năng lực của người có tài sản.

Theo Abhidhamma, tài sản thuộc pháp tục đế, chịu quy luật vô thường, bị chi phối bởi: lửa, nước, vua chúa, kẻ ăn trộm, các kẻ thừa tự, người thù địch. Có bảy thứ tài sản không bị làm tổn hại, gồm: tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài.[4] Đức Phật cũng khẳng định “lòng tin” là tài sản tối thượng.[5] “Saddhā bījaṃ”[6]. Nhưng niềm tin ấy phải dựa trên thực nghiệm và trí tuệ, không nên tin chỉ vì nghe truyền thuyết, truyền thống.[7]

Tài sản có hai loại là tài sản phi pháp và tài sản đúng pháp[8]. Tài sản đúng pháp có được do sự chân chính  thâu hoạch từ sự nỗ lực tinh tấn, mồ hôi, công sức. Ngược lại với tài sản đúng pháp chính là tài sản phi pháp.

2. Mục đích làm ra tài sản

Năm lý do để tạo tài sản[9]: cho mình, người thân, người làm công được an lạc; cho bạn bè thân hữu an lạc; giữ tài sản được an toàn khỏi các tai họa từ lửa, nước,…; làm hiến cúng cho: bà con, khách, hương linh, vua, chư Thiên; cúng dường đến các Sa-môn, Bà-la-môn phạm hạnh.

Gầy dựng tài sản để trước nhất là tự làm cho bản thân mình, tự lo được cho bản thân để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội, tròn chữ hiếu với cha mẹ, làm tròn trách nhiệm người chồng, làm chỗ dựa cho người làm công. Thứ nữa là cho bạn bè. Bạn bè là thiện hữu tri thức. Tài sản chúng ta có cũng nhờ các mối liên hệ và hợp tác với bạn bè. Ta làm ra tài sản để thể hiện lòng tri ân không phụ với giúp đỡ ấy, cũng để bạn bè không phải lo cho ta. Tài sản ta làm ra hãy chia sẻ cho những người bạn khó khăn hơn để cùng nhau đi lên.

Làm ra tài sản để đề phòng những tai họa từ lửa, nước, vua chúa, kẻ trộm, kẻ thù hay người thừa tự không đức hạnh. Nếu không tích cóp và không năng nổ làm tài sản thì sẽ không có đủ kinh tế nuôi gia đình. Mục đích làm ra tài sản là để bù trừ vào những gì đã mất. Tạo tài sản cũng để có cơ hội làm các việc thiện giúp người. Điều này thể hiện sự tri ân và báo ân đối với các nhân duyên trong đời, giúp lòng bố thí và tâm từ, bi, hỷ, xả tăng trưởng. Cao quý hơn là nỗ lực tạo tài sản là để cúng dường tối thượng đến với các Sa-môn phạm hạnh, tạo thiện duyên để đời sau sinh về cảnh lành.

Như vậy ngoài việc tạo của cải vì để phục vụ nhu cầu sinh hoạt bản thân, người thân, bạn bè, hay để duy trì tài sản. Thì tạo tài sản còn để làm an sinh xã hội, gieo duyên, quan trọng là góp nhặt tư lương cho kiếp vị lai.

3. Sự nguy hại khi có nhiều tài sản

“Thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, bị lôi cuốn, chìm đắm, say mê trong các dục và có hành vi không tốt đẹp đối với các người khác.”[10] Lúc nghèo khó con người sống đạm bạc, chăm làm ăn. Có chút tài sản, thế nhân lại thích tụ tập ăn chơi, lười biếng, chìm đắm dục lạc. Mấy ai giàu sang mà vẫn giữ nét thuần túy và đạm bạc như xưa?

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tai San Nguoi Tai Gia 1

Tài sản ẩn chứa mối nguy hiểm tiềm tàng. Thấy được mối nguy hại của tài sản, ngài Raṭṭhapāla đã cảm thán “Tôi nhìn thấy ở thế gian những người có tài sản, sau khi thâu vào của cải thì không cho ra bởi si mê. Những kẻ tham lam thực hiện việc tích lũy tài sản rồi mong mỏi các dục nhiều thêm hơn nữa.”[11] Bởi si mê nên họ không chia sẻ tài sản với ai, lo hưởng thụ nên đi vào sa ngã.

“Loài người bị đắm say

Trong tài sản trong dục

….

Về sau họ khổ đau

Chịu quả báo ác nghiệp”[12]

4. Giá trị của tài sản

“Lành thay sự bố thí

Với tài sản hợp pháp.”[13]

Tài sản có giá trị vô cùng to lớn, nó không những giúp bản thân, gia đình có đời sống ấm no mà còn là phương tiện thuận lợi để làm phước thiện, tạo phước đức cho kiếp sau. Khi tài sản làm ra đúng pháp sẽ luôn được khả lạc, khả hỷ, khả ý, tiếng tốt về bản thân được vang xa và người thân được thơm lây. Vị ấy sẽ được sống lâu, thọ mạng kéo dài, sau khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi thiện.[14] Có bốn loại an lạc mà người tại gia thọ hưởng khi tài sản làm ra đúng pháp[15] là: Vị ấy được giữ nó, đây gọi là lạc sở hữu. Gia chủ thọ hưởng và làm việc phước hoan hỷ đây gọi là lạc thọ dụng tài sản. Không mắc nợ ai nên gọi là lạc không mắc nợ. Tài sản làm ra đúng pháp nên vị ấy được lạc không sợ phạm tội.

Nhưng tài sản thế gian không có giá trị cho lộ trình giải thoát. Nó chỉ là phương tiện trợ duyên cho hành giả tu tập. Đức Phật dạy rằng ít có giá trị là mất mất tài sản nhưng tổn thất khôn cùng giữa các mất mát là mất mát trí tuệ. Tăng trưởng tài sản là tăng trưởng ít có giá trị mà tăng trưởng trí huệ là tăng trưởng tối thắng.[16] “Chính mạng là biết đủ đối với tài sản Hiền thánh, xả bỏ tài sản thế tục, nhẹ nhàng thân thể tức là khinh an giác chi.”[17] Người có trí tuệ cũng vẫn sinh tồn cho dầu có sự khánh tận về tài sản, nhưng với việc không đạt được trí tuệ, người có tài sản cũng không sinh tồn.[18] Đức Phật xác quyết rằng không do nhân thành tựu tài sản mà loài hữu tình sau khi chết được lên cõi trời, cõi đời. Do nhân thành tựu giới, thành tựu tri kiến mà được sinh thiện giới.[19]

Đức Phật đề cao và tán thán hội chúng tôn trọng diệu pháp và phê phán hội chúng tôn trọng tài vật.[20] Chúng đệ tử nên thực hành sự cầu pháp, đừng thực hành cầu ẩm thực.[21]“Khổ lụy, này các Tỳ-kheo, là các lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.”[22] Vì vậy, hàng phật tử phát tâm cầu học Phật thì nên giảm bớt sự thọ dụng, sống thiểu dục tri túc và phòng hộ căn môn.

5. Phương pháp dùng tài sản có lợi ích

Đức Phật gọi người có hai mắt là người biết làm ra tài sản đúng pháp, sau đó lại tăng trưởng đúng pháp: Bố thí, ý tốt đẹp, không ngập ngừng nên được sinh nơi thiên giới cõi đời này. [23] Kẻ có tài sản mà biết sử dụng tài sản đúng mục đích thì tài sản ấy càng nhân lên gấp bội và tạo phước đức cho các kiếp sau. Đây là phương pháp sử dụng tài sản có lợi ích nhất.

Đức Phật tán thán và ngợi khen hạng người tìm cầu của cải hợp pháp, phải lẽ, tự nuôi thân đầy đủ cùng nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc, cũng cúng dường sa-môn, phạm chí, khi có của cải thì không đắm nhiễm, không hệ lụy, thấy được tai họa, biết sự xuất yếu khi tiêu dùng[24]. “Thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, biết tài sản xuất, sinh sống một cách thăng bằng điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn.”[25] Nếu biết chi tiêu hài hòa, không quá nghiêng về một bên nào thì đó là một người biết cách để sử dụng tài sản khôn khéo. Nếu không biết chi tiêu đúng mực như tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi, hoang phí sẽ dẫn đến sạt nghiệp. Ngược lại có tiền mà bỏn xẻn, ky bo, không dám chi tiêu thì cũng không nên. Tài sản nên sử dụng để đem an lạc cho mình, người thân, thiết trí cúng dường đến bậc hướng thượng. Đây chính là cách sử dụng tài sản đem lại giá trị, lợi mình và lợi người. Các tài sản được thọ dụng chân chính thì vua chúa, lửa đốt,… không thể cướp đoạt được.[26]

“Tài sản không chắc thật, tìm cầu nơi chắc thật” [27]. Tài sản có đó rồi mất đó, nó không tồn tại lâu dài, khi ta chết cũng không mang theo được, chỉ có nghiệp theo ta như bóng không rời hình. Người thế gian nên hành bố thí, cúng dường đúng theo nhu cầu. Từ đó có được thiện nghiệp tích lũy cho tương lai. Đây mới là tài sản chắc thật, hữu ích.

6. Phương pháp bảo vệ tài sản

Bốn pháp giúp gia đình giữ được tài sản tồn tại lâu dài là: Tìm những gì đã mất, sửa những gì đã già yếu, ăn uống không quá độ, đặt nữ nhân nam nhân có giới trong địa vị tối thắng.[28] Tìm những gì đã mất tức là không bỏ cuộc khi gặp khó khăn, phải tìm cho ra bằng được nguyên nhân tài sản đã mất, bị hư hao. Sửa những gì đã già yếu là nên thay đổi và thích nghi theo đúng thời đại, cách quản lý cũ,… nên thay thế cho hợp với xu hướng phát triển. Những người nam và người nữ có đạo đức và giới hạnh thì đề cao, nâng đỡ và trọng dụng.

Tài sản làm ra đã khó, việc gìn giữ, phòng hộ và bảo vệ càng khó hơn. Tài sản sẽ không bị vua lấy đi trong trường hợp vị ấy làm việc hợp pháp và trong nhà đã có người nối dõi. Trộm cướp không thể vào, nếu ta có phương pháp bảo vệ hợp lý. Các nạn nước cuốn, lửa thiêu ta có thể phòng hộ, ngăn ngừa. Đối với việc người thừa kế, ngay từ đầu nên giáo dục con cái sống đạo đức, tuân thủ năm giới, dạy chúng sống tự lập, quý trọng những gì đang có và trân trọng công sức người làm ra. Khi mới học nghề phải biết tằng tiện gom nhặt, có tài vật thì nên chia làm bốn phần để: nuôi thân, cho công việc, để dành và làm phước. Dùng trí tuệ để tính toán và xây dựng thì của cái theo đó sinh như các dòng về biển, của cải ngày càng tăng thịnh thêm.[29]

“Khi nào các tỳ-kheo, các người giữ giới đi đến gia đình, các người tùy theo khả năng, tùy theo năng lực, san sẻ vật bố thí. Này các tỳ-kheo, như vậy đưa đến tài sản lớn và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.”[30] Đây là tích lũy cao thượng, nó không những bảo vệ được tài sản hiện tại mà còn vun bồi tài sản phước đức tương lai.

7. Những điều kiện giúp cho tài sản hưng thịnh

Có tám đầy đủ sau sẽ giúp cho tài sản hưng thịnh[31]: Tháo vác, phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa, lòng tin, giới, bố thí và trí tuệ. Bên cạnh đó còn phải làm việc khéo thích hợp, gánh vác các trách nhiệm, hoạt động hăng say, như vậy là sẽ được tài sản.[32] Một người buôn bán tăng trưởng tài sản là do buổi sáng, trưa và chiều vị ấy đều nhiệt tâm vào công việc.[33] Người giữ giới đầy đủ giới sẽ thâu được tài sản lớn.[34]

Gia chủ thành tựu: có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản thì sẽ đạt được tài sản lớn mạnh. Có mắt tức là biết nhìn nhận và đánh giá các thương phẩm. Khéo phấn đấu: là khéo léo mua bán. Xây dựng căn bản: là được nhiều người trao hàng hóa để nhân rộng. Bên cạnh đó phải có trú xứ thích hợp, thân cận chân nhân, tự nguyện chân chính và trước đã làm phước thì vị ấy sẽ tăng thịnh tài sản[35]. Đức Phật dạy con đường đưa đến tài sản nhỏ là bố thí. Con đường đưa đến tài sản lớn, cao quý là cúng dường người đáng cúng dường.[36]

Những điều kiện trên như cẩm nang cho những ai mong muốn tìm chìa khóa để mở ra kho báu tài sản. Thế nhân không nên mơ làm giàu mà bỏ những điều cơ bản nhất. Chỉ có chăm chỉ và nỗ lực tự thân mới có tài sản chân chính.

8. Nguyên nhân khiến tài sản tàn lụi

Có tám nhân, tám duyên tổn hại tài sản: Do quốc vương, do trộm cướp, do lửa, nước, do tìm không được tiền của dấu cất, do biếng nhác, do trong gia đình có kẻ phá hoại và do vô thường.[37] Đức Phật cũng dạy thêm những gia đình nào có tài sản lớn mạnh mà không tồn tại lâu dài đều do bốn sự kiện: không tìm những gì đã mất, không sửa lại những gì đã già yếu, ăn và uống quá độ, đặt ác giới nữ và nam trong địa vị tối thắng.[38] Kẻ ác giới làm tổn thất tài sản lớn.[39] Cả ba thời: sáng, trưa, và chiều đều không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc.[40]

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tai San Nguoi Tai Gia 2

9. Tâm thái của một người học Phật khi tìm kiếm tài sản

Khi gia chủ gầy dựng tài sản với năm lý do đã trình bày ở trên, thì dù tài sản có đi đến hoại diệt, vị ấy cũng không có hối hận. Tài sản có đi đến tăng trưởng, vị ấy cũng không hối hận.[41] Những công việc thất bại không thành họ vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than, ảo não, không cuồng si.[42] Bởi vì vị ấy biết rõ “Những tài vật sở hữu thảy đều vô thường.”[43]

Cuộc sống có muôn vàn biến chuyển nếu chúng ta không bình tâm và chấp nhận thành công và thất bại thì khó mà chịu được với cuộc sống khắc nhiệt này. Biết bao người bị điên khùng vì không thể chấp nhận kết quả thất bại, tự vẫn do phá sản. Nhân thế nên nhìn lại công việc mình làm, mục đích mà mình có ý chí làm ra tài sản và hưởng thụ ra sao để không làm việc phạm pháp, tranh đấu đến mất mạng, lường gạt người. Sự bình tâm chấp nhận yếu kém để rút ra bài học cho những lần sau là tiền đề để gây dựng tài vật và phước vật lớn mạnh.

10. Tài sản để lại cho con cái

Đức Phật dạy rằng tài sản được truyền lại cho kẻ thừa tự, người mất đi chỉ có nghiệp đi theo.[44] Tất cả chỉ là những nhân duyên vậy nên chúng ta làm gì để tạo được đời sống đầy đủ và vun bồi cho mảnh đất tâm linh, mở con đường tái sinh an lạc cho bản thân là điều quan trọng. Tài sản để lại cho con cháu là tài sản thế gian, có đó rồi mất đó. Chỉ có phước đức để lại thì mãi mãi còn.

“Keo kiết không sinh thiên

Kẻ ngu ghét bố thí

Người trí thích bố thí

Đời sau được hưởng lạc.”[45]

Giàu có mà làm ba nghiệp thiện sẽ được sinh cõi trời hưởng phước, vị này được gọi là vị sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng.[46] Vị này không những tạo gia tài phước đức cho bản thân mà còn để lại cho con cháu chữ Đức. Con cháu được người đời yêu quý và sẵn sàng giúp đỡ khi cần.

La-hầu-la khi còn nhỏ chạy theo đức Phật để xin gia tài[47]. Đức Phật quyết định đem Thánh sản truyền lại cho La-hầu-la. Thánh sản ấy không những có công năng đoạn trừ mọi khổ đau, đem đến an lạc hạnh phúc trong hiện tại mà nó còn đưa La-hầu-la thoát ly ra khỏi tam giới chứng đạt Niết-bàn. Bên cạnh đó thánh sản này còn đem đến lợi lạc và sự báo hiếu tối thượng của La-hầu-la đến với mẹ và cả gia tộc Sākya.

Qua hai loại gia tài trên ta thấy rõ gia tài nào lợi lạc nhất. Tài sản thế gian chỉ là nhân duyên cho chúng ta sinh hoạt trong đời sống này, nhờ nó mà chúng ta có cơ hội để làm những việc khác. Tài sản không có giá trị lâu dài bền chắc.

Như vậy, mục đích của việc làm ra tài sản không phải chỉ cho riêng mình, chỉ cho cha mẹ, vợ con mà là để ban trải lòng từ, bi, hỷ và xả. Thông qua nhiều hình thức và việc làm khác nhau chúng ta chia sẻ thành công mà ta có được đến với mọi người. Tài sản ta làm ra không phải nhờ công sức của chỉ riêng mình ta, mà nó là do duyên nhiều yếu tố. Mỗi người hãy sống trong tinh thần giúp đỡ, biết ơn để cuộc sống thêm hạnh phúc an lạc.

Tài sản là phần nhỏ bé của kiếp người, là phương tiện để cuộc sống được đầy đủ, thoải mái hơn. Đáng vun bồi và tích cóp chính là công đức và phước đức. Chỉ có kho báu ấy mới là hành trang theo chúng ta trên con đường tái sinh và thoát khỏi biển luân hồi. Hãy sống làm sao để lại phước đức cho con cháu thọ hưởng, mang theo nghiệp thiện để được về thiện giới. Đó mới đúng nghĩa là tài sản ta mang đi và để lại cho hậu nhân kế thừa.

Tác giả: Thích nữ Quảng Hiền

***

Tài liệu tham khảo:
1. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, VNCPHVN, 2013.
2. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, VNCPHVN, 2012.
3. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ, VNCPHVN, 2013.
4. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb. Tôn giáo, 2013.
5. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, VNCPHVN, 2015.
6. ĐTKVN, Tuệ Sĩ dịch, Trung A-Hàm, Nxb. Phương Đông, 2002.

7. ĐTKVN, Thích Đức Thắng dịch, Tạp A-Hàm, Nxb. Hồng Đức, 2019.
8. ĐTKVN, Thích Đức Thắng dịch, Tăng Nhất A-Hàm, VNCPHVN, 1997.
9. Tạng Luật, Tỳ-kheo Indacanda dịch, Bộ Hợp Phần, Đại Phẩm, Nxb. Tôn giáo, 2021.
10. ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, 2014.

Chú thích:
[1] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ, kinh Esukārī, VNCPHVN, 2012, tr219-220.
[2] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi, VNCPHVN, 2013, tr556-557.
[3] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ, Nữ Nhân, VNCPHVN, 2013, tr303.
[4] Kinh Tăng Chi, sdd, tr607.
[5] Kinh Tương Ưng Bộ, Tương ưng Dạ-xoa, sdd, tr330.
[6] S. I. 172.
[7] Kinh Tăng Chi, tập 2, Sđd, tr 185.
[8] Kinh Tăng Chi, 4 pháp, phẩm Nghiệp Công Đức, sdd, tr237.
[9] Kinh Tăng Chi, sdd, tr385.
[10] Tương Ưng Bộ, Tương ưng 1, sdd, tr170-171.
[11] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, VNCPHVN, 2015, tr182.
[12] Tương Ưng Bộ, Tương ưng Kosala, sdd, tr142.
[13] Tương Ưng Bộ, Tương ưng Chư Thiên, sdd, tr61.
[14] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr236-237.
[15] Kinh Tăng Chi, tập 1, sđd, tr239.
[16] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr12.
[17] ĐTKVN, Thích Đức Thắng dịch, Tăng Nhất A-hàm, VNCPHVN, 1997, tr.2486.
[18] Kinh Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, sdd, tr215.
[19] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr441.
[20] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr 140-141.
[21] Kinh Trung A-Hàm 2, Kinh Cầu Pháp, sdd, tr155.
[22] Tương Ưng Bộ, tập 2, tr389-425.
[23] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr75.
[24] Trung A-hàm 2, Kinh Hành Dục, sdd, tr362-365.
[25] Kinh Tăng Chi, tập 4, sdd, tr23~26.
[26] Tương Ưng Bộ, Tương ưng Kosala, sdd, tr159.
[27] Kinh Tăng Nhất A-hàm, sdd, tr757.
[28] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr356.
[29] ĐTKVN, Thích Đức Thắng dịch, Kinh Tạp A-hàm, kinh 1283, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr5082.
[30] Kinh Tăng Chi, phẩm Bà-la-môn, sdd, tr494.
[31] Kinh Tăng Chi, tập 4, sdd, tr23-26.
[32] Tương Ưng Bộ, Tương ưng Dạ-xoa, sdd, tr331.
[33] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr67.
[34] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr499.
[35] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr210.
[36] Trung Bộ Kinh, Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, sdd, tr542.
[37] Tương Ưng Bộ, tập 4, sdd, tr509.
[38] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr356.
[39] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr499.
[40] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr67.
[41] Kinh Tăng Chi, tập 1, sdd, tr385.
[42] Kinh Trung A-Hàm 3, Kinh Văn Đức, sdd, tr51-52.
[43] Kinh Tăng Chi, tập1, tr 676-677.
[44] Tiểu Bộ Kinh, Trưởng lão kệ, sdd, tr183.
[45] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú, pháp cú 177, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr43.
[46] Kinh Tăng chi, tập 1, sdd, tr251.
[47] Tạng Luật, Tỳ-kheo Indacanda dịch, Bộ Hợp Phần, Đại Phẩm, tập I, Nxb. Tôn giáo, 2021, tr160.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường