Tác giả: Thánh Nghiêm Thạc sĩ Khóa II, Học viện PGVN tại Huế
Xã hội ngày càng phát triển, điều kiện về vật chất và tinh thần trong đời sống được nâng cao, con người càng có nhiều cơ hội để phát triển tri thức và nâng cao trình độ nhận thức đối với mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội; xu hướng tranh quyền đoạt lợi, lối sống hưởng thụ, chạy theo đồng tiền không từ thủ đoạn… gây ra không ít hệ luỵ cho xã hội đương thời. Trước tình hình đó, giới luật Phật giáo đặc biệt là ngũ giới đóng vai trò quan trọng góp phần ổn định và phát triển xã hội.
Giới (Sīla) thường được hiểu là giới hạnh, điều luật, đạo đức. Giới có nghĩa là phòng phi chỉ ác, tức là đề phòng những điều sai trái và chấm dứt các việc ác; cũng có nghĩa là chỉ ác tác thiện, tức là dừng lại các việc xấu và thực hành các việc thiện. Sīla nguyên nghĩa là sự tự nhiên, là thói quen. Giới vốn là thực tại với những quy luật tự nhiên và không mang một ý nghĩa đạo đức nào cả. Song nếu chúng ta vượt ra ngoài giới hạn của các quy luật tự nhiên ấy, vượt ra khỏi sự vận hành tất yếu của xã hội thì chúng ta sẽ gặp trở ngại. Như nói vật của ai thì người đó giữ, đó là lẽ hiển nhiên. Nếu ta cướp giật của cải của người khác thì sẽ bị pháp luật nhà nước trừng trị, trở ngại cuộc sống của ta, ta không nên làm việc ấy. Để khỏi bị trở ngại, những điều nên làm và không nên làm được đặt ra và ý nghĩa tư tưởng đạo đức của giới luật bắt đầu hình thành.[1]
Trong xã hội, một bộ phận không nhỏ người dân là tín đồ phật tử. Và để trở thành một người phật tử chân chính, người ấy phải quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới. Nói đến vai trò của ngũ giới đối với xã hội, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về năm giới điều mà đức Phật đã dạy cho con người, đặc biệt là hàng phật tử tại gia. Để rồi thông qua đó, chúng ta mở rộng góc nhìn về những gì mà Phật giáo đã đóng góp cho xã hội.
Giới thứ nhất là không được sát sinh. Tôn trọng sự sống không chỉ đối với con người mà còn đối với những loài sinh vật là biểu hiện của lòng từ bi và bình đẳng trong đạo Phật. Đức Phật dạy không được hại người giết vật, không được bảo người làm cũng không được thấy người khác làm mà khởi niệm tùy hỷ. Làm các việc ấy sẽ tạo thành nghiệp sát, gây quả báo không lường. Chúng sinh ai cũng ham sống sợ chết, chính bản thân mình cũng không muốn bị tổn hại sao có thể gây tổn hại cho người khác.
Tôn trọng sinh mạng người khác cũng là tôn trọng chính mình; đối với muôn loài cũng vậy, chớ giết, chớ đánh. Thay vào đó phải biết yêu thương và bảo vệ sự sống. Nếu mọi người đều giữ gìn giới luật thì thế giới không còn chiến tranh, không còn khủng bố, không còn những cuộc thảm sát đau thương… Con người được sống trong hòa bình, không còn nghe tiếng đạn bom dày xéo, không phải chứng kiến cảnh tang thương do hậu quả của chiến tranh để lại. Những loài động vật, đặc biệt là những loài động vật quý hiếm được bảo vệ, được sống trong môi trường tự nhiên, hệ sinh thái sẽ ngày càng đa dạng và phong phú với nhiều chủng loại.
Giới thứ hai là không trộm cướp. Vật của người nào thì người ấy giữ, đó là lẽ thường tình. Trong thời đại kinh tế thị trường, giá thành leo thang, vật chất là nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Con người vất vả ngược xuôi, tài sản có được phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Tự mình bất cẩn làm rơi tiền còn thấy thương tiếc, huống hồ bị người khác cố tình trộm mất. Chính mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác. Cho nên, đức Phật dạy không được lấy của người khác khi không có sự đồng ý của họ, cho dù chỉ là lá rau, cây kim, cọng cỏ. Trộm cướp là một tệ nạn đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Lòng tham vô đáy, trộm được lần thứ nhất sẽ có lần thứ hai, lấy vật nhỏ dần đến vật lớn; nếu bị cuốn vào vòng xoáy ấy thì cuộc sống con người chỉ toàn là lo sợ, bất an. Người thì lo giữ của, kẻ lo sợ bị người khác phát hiện hành vi bất chính. Nhiều người nguỵ biện hoàn cảnh khó khăn, không đủ để lo cho con, rơi vào đường cùng mới phải trộm cắp. Nhưng thử nghĩ, nếu bị bắt, phải rơi vào cảnh tù tội thì con cái mình sẽ sống ra sao trước những dị nghị của thiên hạ, sẽ sống tốt hay trở thành những kẻ liêu lỏng, thang lang đầu đường xó chợ, gây rối trật tự xã hội? Không kể đến một số trường hợp nghiêm trọng còn tước đi mạng sống của những người vô tội. Đạo Phật giáo dục con người phải biết thiểu dục tri túc, biết bằng lòng với những gì mình đang có, biết chia sẻ cho những người khó khăn hơn mình. Cuộc sống như thế sẽ bình an và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Giới thứ ba là không được tà dâm. Đức Phật dạy người xuất gia phải hoàn toàn chấm dứt dâm dục, nhưng đối với hàng tại gia thì Ngài chỉ dạy không được tà hạnh. Nền tảng để xây dựng một gia đình hạnh phúc là sự chung thủy. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ban hành luật về hôn nhân gia đình, quy định rõ ràng hôn nhân hợp pháp phải đến từ sự tự nguyện, một vợ một chồng. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày một nâng cao, nhiều người có xu hướng hưởng thụ dục lạc, nhất là giới trẻ thường chạy theo những thú vui tiêu cực, yêu đương mù quáng với lối sống tình dục bừa bãi. Dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn, làm cha mẹ ở độ tuổi cắp sách đến trường; nghiêm trọng hơn là vấn nạn nạo phá thai đang ở mức báo động về sự tha hóa đạo đức trong xã hội.
Thế giới đang phải đối mặt với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS mà cho đến nay vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị. Những đứa trẻ vô tội vừa sinh ra đã mang trong mình mầm bệnh quái ác do cha mẹ bị nhiễm HIV. Chúng phải lớn lên trong sự kỳ thị, xa lánh của mọi người và trở thành gánh nặng của xã hội. Bên cạnh đó, sự phản bội, ngoại tình làm cho đời sống gia đình bị xáo trộn, hôn nhân tan vỡ, con cái chia lìa. Trước tình hình đó mới thấy giới luật nhà Phật thực sự có ý nghĩa và cần được thực hành trong cuộc sống. Không được tà dâm chính là giữ gìn tiết hạnh, chung thủy, không quan hệ tình dục bất chính để gia đình được hạnh phúc, con cái được lớn lên trong tình yêu thương của cả cha và mẹ.
Giới thứ tư là không được nói sai sự thật. Tất cả những lời nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều và nói lời hung ác đều là phạm trù của nói sai sự thật. Đầu mối của mọi mâu thuẫn, xung đột, tranh cãi, nghi ngờ… đều do những lời nói không chân thật gây ra. Người xưa có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Chỉ một lời nói dối có thể làm đánh mất sự tin tưởng mà người khác dành cho mình. Lòng tin một khi đã mất đi thì rất khó để lấy lại được. Con người sống với nhau mà không có sự tin tưởng lẫn nhau thì liệu cuộc sống như thế có hạnh phúc hay không? Câu trả lời là không thể, bởi vì họ phải sống trong sự nghi ngờ, không biết lúc nào là thật lòng, lúc nào là dối gạt nên luôn có sự đề phòng nhau. Một tổ chức mà không ai tin tưởng ai, không ai thật lòng với ai, dối gạt nhau để tranh giành quyền lợi thì tổ chức ấy cho dù có thành công đi nữa sớm muộn gì cũng sẽ lụi tàn, không thể phát triển lâu dài. Đạo đức Phật giáo dục con người không được nói sai sự thật, không nói lời gây ly gián, gây đau khổ cho người khác, bởi lẽ họa từ nơi miệng mà sinh ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu xuất phát bởi lòng từ bi vì lợi ích cho mọi người, mọi loài thì có thể nói dối như là một cách thức thiện xảo chứ không phải là mục đích nói dối để mưu cầu tư lợi, lừa đảo.
Ví như trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa các nước mà buộc phải nói dối để giữ mối hòa hảo, tránh chiến tranh đổ máu cho nhân dân thì không phạm giới. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp đặc thù chỉ có trong xã hội loài người. Nói sai sự thật có thể gây ra khổ đau cho con người. Nhưng lời nói chân thật giúp con người xích lại gần hơn thông qua sự sẻ chia, thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau. Cho nên, đức Phật dạy không được nói sai sự thật mà phải dùng những lời nói chân thành, hòa nhã đối đãi với nhau. Một lời khuyên chân thành có thể thức tỉnh con người bỏ ác làm lành. Một lời an ủi, động viên từ tận đáy lòng có thể giúp người khác vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Giới thứ năm là không được uống rượu và các chất kích thích làm mê mờ tâm trí con người. Tự mình không được uống mà cũng không được khuyến khích, ép nài người khác uống rượu. Về bản chất, rượu không phải là tội lỗi. Trong một số trường hợp, rượu còn là phương thuốc chữa bệnh cứu người. Rượu thành tội khi con người sử dụng sai mục đích, làm nhân cho sự phát sinh mọi tội lỗi trên thế gian này. Người uống rượu không đủ tỉnh táo lại điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn, gây thương tích cho mình, cho người, thậm chí là thiệt mạng. Người hay la cà quán xá, rượu chè say xỉn, chén tạc chén thù, gây rối trật tự xã hội. Một hiện tượng cần phải lên án đó là tình trạng xâm hại tình dục diễn ra ngày càng nhiều. Phần lớn nguyên nhân là do men rượu chi phối làm cho dục tính phát sinh, không làm chủ được mình mà làm điều bất chính. Cho nên, để ngăn ngừa phát sinh tội lỗi, một giọt rượu cũng không được thấm vào môi. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế thị trường như hiện nay, đa số các hợp đồng thương mại không phải ký kết trong công ty mà được ký trên bàn rượu. Để duy trì các mối quan hệ với đối tác làm ăn, những buổi tiệc tùng là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tiết chế, biết dừng đúng lúc, có đủ lý trí làm chủ được mình để tránh gây tạo lỗi lầm.
Ngũ giới là nền tảng của đạo đức gia đình và đạo đức xã hội. Hòa thượng Thích Chơn Thiện nhận định rằng: “Giới không chỉ dành riêng cho hàng xuất gia hay chỉ dành riêng cho hàng Phật tử tại gia, cũng không phải chỉ dành riêng cho người lớn tuổi mà chung cho tất cả mọi người trong mọi lứa tuổi, cho những ai muốn sống đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người trong hiện tại và cả tương lai”[2]. Những gì được trình bày trong năm giới không có gì xa lạ, cao siêu mà lại rất gần gũi với đời sống sinh hoạt bình thường của mọi người.
Thực hành ngũ giới không chỉ đem lại quả báo tốt đẹp cho đời sau mà còn đưa đến cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại ngay trong hiện tại này. Năm giới không phải là bài học dành riêng cho hàng đệ tử của đức Thích Tôn, mà nó còn là những hiểu biết căn bản cho tất cả mọi người khi tham gia vào xã hội. Bài học quý giá ấy được Thế Tôn dạy từ xa xưa, theo thời gian ăn sâu vào tâm khảm mỗi người, hình thành lối sống lành mạnh và bảo vệ những giá trị đạo đức xã hội. Một số điều lệ pháp luật thế gian liên quan đến năm giới như giết người, cướp tài sản, xâm hại tình dục, phỉ báng danh dự và nhân phẩm người khác, uống rượu khi tham gia giao thông… được nhà nước ban hành tùy theo mức độ nặng nhẹ để đưa ra hình phạt tương ứng. Đã là một công dân, dù muốn dù không vẫn phải chấp hành những điều luật ấy. Vì nếu không làm theo cũng đồng nghĩa với việc làm trái với những gì pháp luật quy định. Trong quá trình ấy, vô hình chung cũng là đang hành trì ngũ giới vậy. Cho nên, dù bạn là ai trong cuộc đời này cũng nên áp dụng năm giới vào đời sống. Đừng nghĩ rằng người theo Phật có thọ giới thì mới trì giới; hãy nhìn vào những ảnh hưởng tích cực của nó đối với xã hội, đối với con người để có cái nhìn khách quan nhất. Thay vì thực hiện trong trạng thái bắt buộc, gượng ép, hãy làm chúng bằng tinh thần tự nguyện, bởi điều gì xuất phát từ sự tự giác sẽ khiến cho cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn nhiều.
Ngũ giới không chỉ là nguyên tắc đạo đức thiết thực cho người Phật tử, mà còn là chuẩn mực đạo đức của hết thảy mọi người trong xã hội. Mỗi cá nhân là một thành viên của gia đình trong xã hội. Cá nhân tốt sẽ cộng hưởng tạo ra một gia đình hạnh phúc và một xã hội an hòa. Nhà nước ban hành pháp luật để thiết lập và ổn định trật tự xã hội. Đức Phật chế định giới luật nhằm xây dựng đời sống phạm hạnh Tăng già nói riêng và đạo đức cho con người nói chung. Pháp luật mang tính cưỡng chế, giới luật theo tinh thần tự nguyện, hai yếu tố này vô cùng quan trọng. Ví như hai cánh giúp con chim giữ thăng bằng và bay lên cao; cũng vậy, pháp luật nhà nước và giới luật Phật giáo khiến xã hội được ổn định và ngày càng phát triển.
Giới luật Phật giáo quan trọng bao nhiêu thì trách nhiệm của hàng tu sĩ Phật giáo càng lớn bấy nhiêu. Bởi lẽ, chính pháp có thể lan tỏa bao lâu và bao xa là nhờ công của những người thừa hành Như Lai sự. Ngoài việc trau dồi kiến thức Phật học lẫn thế học, đệ tử Phật phải xây dựng cho mình lối sống tích cực, lành mạnh, khép mình trong khuôn khổ của Giới để có được Định và Tuệ, hướng đến đời sống phạm hạnh, ngõ hầu xứng đáng với chí nguyện của một bậc xuất trần thượng sĩ. Đức Thế Tôn từng dạy rằng:
“Hương các loại hoa thơm Không ngược bay chiều gió, Nhưng hương người đức hạnh Ngược gió khắp tung bay. Chỉ có bậc chân nhân Tỏa khắp mọi phương trời.” ( Pháp Cú kệ 54 )
Chính tác phong và đạo hạnh của hàng Tăng sĩ là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, tạo niềm tin vững chắc cho những thiện nam, tín nữ phật tử đối với Tăng bảo, đồng thời khơi gợi niềm tin cho những ai chưa hiểu về đạo Phật phát tâm tu tập theo chính pháp.
Tác giả: Thánh Nghiêm Thạc sĩ Khóa II, Học viện PGVN tại Huế ***[1] Thích Chơn Thiện (2019), Tăng Già Thời Đức Phật, tr. 120-121. [2] Thích Chơn Thiện, 17 lời đáng suy gẫm, https://chuavanduc.vn/phat-hoc/17-loi-dang-suy-gam-cua-ht-thich-chon-thien, truy cập ngày 05/7/2021.
Bình luận (0)