DẪN NHẬP

Phật giáo đã được du nhập vào đất nước Việt Nam rất sớm giai trước và đầu kỷ nguyên Tây lịch. Thời gian này đã có sự xuất hiện của trung tâm tôn giáo lớn là Luy Lâu, nơi giao thoa về mặt tri thức lẫn chính trị, quân sự, kinh tế của đất nước Đại Việt thời bấy giờ. Đạo Phật được tiếp nhận một cách dễ dàng dựa trên tinh thần tiếp biến của người dân Việt, điều này có thể nói do sự du nhập hòa bình dựa trên tinh thần từ bi – vô ngã – vị tha đã in sâu vào tâm thức của người dân. Tuy nhiên Phật giáo vẫn chưa có một đường lối tổ chức vững chắc, chính vì thế nên các thế lực của thực dân phương Bắc tìm cách tấn công đe dọa và xâm lược, tư tưởng của đạo Phật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ văn hóa chủ quyền dân tộc. Đến khi đất nước bình ổn, Phật giáo cũng hòa vào lòng dân tộc trong các giai đoạn Đinh – Tiền Lê, đạo Phật đã được sự bảo hộ cũng như trọng thị của triều đình, điều này khẳng định Phật giáo là một tôn giáo chính thống của nước Đại Việt.

Ngay từ những buổi đầu du nhập, Phật giáo đã có sự dung hòa với văn hóa của đất nước biểu hiện chính là sự du nhập và tiếp biến của tín ngưỡng Tứ Pháp, tuy nhiên đây mới chỉ là những bước đầu của sự hòa quyện một cách nhịp nhàng giữa tín ngưỡng Phật giáo và văn hóa dân tộc của đất nước Đại Việt. Mối quan hệ giữa hai phạm trù văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc cùng nhau phối hợp một cách nhuần nhuyễn và nhịp nhàng để tạo nên những ngôi sao lung linh lấp lánh đánh dấu cho bước ngoặc quan trọng đồng hành cùng dân tộc và để lại những giá trị quý giá cho nền văn hóa nước nhà đó chính là thời đại Lý.

Tag: nhà lý, Phật giáo, văn hóa Phật giáo, lịch sử dân tộc, Đại Việt, đạo Phật,...

1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ TRONG GIAI ĐOẠN (1010 – 1225)

Như GS.Trần Thuận đã nói “Đặc điểm tư duy – tư tưởng của một dân tộc được quy định bởi sự tồn tại xã hội của dân tộc đó” [1]. Do vậy, muốn tìm hiểu về những tư tưởng Phật giáo thời Lý Trần, và vai trò của Phật giáo trong việc vận dụng những tư tưởng ấy vào việc xây dựng quốc gia Đại Việt thời bấy giờ ra sao. Trước tiên, thiết nghĩ chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu một chút về bối cảnh xã hội thời Lý, cơ sở hình thành những đặc điểm về văn hóa đối với đất nước Đại Việt thời bấy giờ.

1.1. Về chính trị

Trước tiên để có được sự hình thành vương triều mới thì tính tất yếu đó chính là có một sự suy vong của vương triều trước đó chính là nhà Lê. Ở thời nhà Lê khi: “Lê Hoàn chiến thắng giặc Tống xâm lược vào 981 lên ngôi lấy hiệu là Lê Đại Hành. Nhà tiền tiền Lê tồn tại chưa đầy 20 năm (981 – 1009) điều kiện xây dựng đất nước chưa nhiều. Cuối đời nhà Lê, vì Lê Long Đĩnh tàn ác, bất nhân, hoang dâm vô độ nên quần thần và dân chúng oán giận”[2]. Với một ông vua tàn ác, bất nhân, hoang dâm, không lo việc triều chính, cuộc sống của dân khốn khó, đưa đến một triều đại thoái nát suy sụp. Phật giáo vào lúc này chịu ảnh hưởng của triều đại thoái nát, nên Phật giáo không phát triển, tiếp nói một triều đại mới đó là triều đại nhà Lý.

Từ đây cũng đã cho ra đời một bước ngoặc mới của Phật giáo đó chính là giai đoạn Phật giáo thời Lý ra đời. Theo GS.Trần Thuận, Lý Công Uẩn( Lý Thái Tổ) lên ngôi vua, triều đại này tồn tại 215 năm (1010 – 1225) với thời gian hơn 2 thế kỷ, chắc hẳn có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đất nước và phục hưng mọi giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đồng thời dưới sự tham mưu của thiền sư Vạn Hạnh ông đã dời đô về Thăng Long. Điều này đã khẳng định được sự tinh thông tài ba và bản lĩnh của một đấng minh quân để đưa ra quyết định sống còn cho một dân tộc, mang một giá trị về ý thức độc lập dân tộc to lớn và việc làm này mang lại những thành tựu đáng được trân trọng.

Vua Lý Thánh Tông. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Tương truyền vua thấy rồng bay lên nên gọi tên kinh đô mới là Thăng Long, đánh dấu sự cai trị dựa vào sức mạnh kinh tế và lòng dân hơn là sức mạnh quân sự để phòng thủ như các triều đại trước. Thứ hai, theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại năm 1054 (năm Giáp Ngọ), vua Lý Thánh Tông lên ngôi đã đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt - có từ thời nhà Đinh thành quốc hiệu là Đại Việt. Như vậy, Quốc hiệu Đại Việt chính thức có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), tồn tại trong 723 năm (đến tận năm 1804) và được dùng trong suốt thời kỳ nhà Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn và ba năm đầu nhà Nguyễn. Quốc hiệu Đại Việt chỉ bị gián đoạn trong 27 năm vào thời nhà Hô và thời thuộc Minh (1400-1427). Tên nước được đổi thành Việt Nam vào thời Nguyễn (1804), đổi lại thành Đại Nam (năm 1838) và sau năm 1945, quốc hiệu chính thức trở thành Việt Nam như ngày nay.

Lý Công Uẩn là con nuôi Sư Lý Khánh Văn, là học trò Sư Vạn Hạnh, nên ông là một phật tử thuần thành thấm nhuần giáo lý Phật. Lý Công Uẩn lên ngôi lập nên triều Lý chính nhờ Thiền sư Vạn Hạnh. Vì vậy không phụ sự tin tưởng của Thầy. Lý Công Uẩn đã vận dụng học thuật và tư tưởng Phật Giáo vận dụng vào việc cai trị đất nước một cách sáng tạo và linh hoạt để ổn định triều chính và đưa ra chính sách trị quốc an dân theo tinh thần khoan dung bình đẳng của Phật giáo. Vì vậy, Phật giáo vào thời này trở thành Quốc giáo.

Thiền sư Vạn Hạnh đã kết hợp ý thức phụng sự đất nước và tư tưởng của Phật giáo để có những chiến lược chuẩn xác nhất trong công cuộc xây dựng đất nước với tinh thần đạo Phật. Nhà văn Hoàng Quốc Hải tác giả bộ tiểu thuyết 8 vị vua nhà Lý đã nói: “Các vị thiền sư nuôi đệ tử là để đào tạo người kế tổ truyền đăng Thiền sư Vạn Hạnh nuôi Lý Công Uẩn thay vì đào tạo là một Thiền sư nhưng cho ông trở thành một chính khách. Nếu không có Thiền sư Vạn Hạnh thì không có vương triều Lý” từ đây có thể thấy được công lao to lớn của Ngài và Lý Nhân Tông đã ca ngợi với những vần thơ đầy thâm thúy:

“追贊萬行禪師

萬行融三際 真符古讖詩。 鄉關名古法, 拄錫鎮王畿。

Vạn Hạnh dung tam tế, Chân phù cổ sấm thi. Hương quan danh Cổ Pháp, Trụ tích trấn vương kỳ.”[3]

Tất cả Thiền sư thời Lý luôn luôn có tư tưởng thái độ rõ ràng, làm thì làm góp sức vì đất nước chứ không vì mục đích cá nhân, tuy trong xã hội có sự phân biệt điạ vị, đẳng cấp nhưng có sự tham gia Phật giáo đã tạo sự đoàn kết ổn định trong triều thu phục lòng dân. “Do lấy Phật giáo làm nền tảng đã xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền thân dân, mối quan hệ giữa vua – quan, giai cấp thống trị - bị trị rất thân thiện và gần gũi. Điều này có được là nhờ từ tâm của những vị Thiền sư biết lo giáo dục và thực hành hạnh từ bi trong dân chúng”.[4] Cho thấy Phật giáo của cộng đồng người Việt bao giờ cũng song hành với dân tộc, hòa nhập trọn vẹn trong đời sống của toàn dân, “Phật giáo thời này không chỉ ở trong khuôn viên nhà chùa, lo truyền đọa, chăm sóc phần hồn cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết đất nước”[5]

1.2. Về ngoại giao

Nước Đại Việt trong giai đoạn nhà Lý về ngoại giao đã có những nét chuyển mình đầy khả quan với sự uyển chuyển linh động khéo léo để thực hiện quá trình ngoại giao đối với các nước lân cận đôi lúc cũng cương nghị với những chính sách ngoại giao tiêu biểu đó chính là đất nước Chiêm Thành “buổi đầu thời nhà Lý, khi Lý Thái Tổ lên ngôi, Chiêm Thành vẫn cho sứ thần sang cống. Kể từ 1028, thái tử Phật Mã tức Lý Thái Tông lên làm vua, đã mười lăm năm Chiêm Thành không chịu thông sứ. Do đó năm 1044, vua Thái Tông đích thân ngự giá đi đánh Chiêm Thành”[6]

Bên cạnh đó, đối với đất nước Trung Hoa rộng lớn vua cũng có những chính sách giao hảo với nhà Tống để giữ được mối quan hệ hữu nghị tương giao giữa hai nước “Năm 1010, viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê Tài Nguyên được cử đi sứ Tống”[7]. Tuy nhiên giai đoạn giữa hai nước có sự căng thẳng do một số thế lực chống trái nhưng sau cuộc kháng chiến chống Tống thì mối quan hệ ngoại giao vẫn giữ đươc với tư thế là một nước độc lập.

1.3. Về kinh tế

Về kinh tế, nhà nước Đại Việt thời Lý đã quan tâm nhiều đến nông nghiệp. Những hành động nhà vua Lý, trực tiếp đi cày ruộng, xem gặt, kiểm tra đập nước, chỉ đạo dân đắp đê, giữ nước đều không nằm ngoài mục đích khuyến nông và chính sách “Ngụ binh ư nông” cũng được thực hiện dưới thời Lý. Trong giai đoạn này các chính sách về ruộng đất của công và tư cũng được thực thi và ruộng công luôn chiếm giữ ưu thế một cách chủ yếu với một số chính sách như: “Chế độ thực phong thực ấp, chế độ thác đao điền, quốc khố quan điền và tịch điền, ngoài ra còn đặt ra cấm địa sơn lăng để quy định việc giành những lô đất dùng để an táng vua và hoàng hậu”[8]. Chính vì nhờ nhà Lý có những chính sách như thế nên nền nông nghiệp có sự phát triển và đời sống nhân dân ngày một ổn định.

Về thủ công nghiệp, dưới thời Lý ngành nghề thủ công đã được phân chia thành hai loại hình thái đó là “thủ công nghiệp nhà nước và thủ công nghiệp dân gian”[9] rất đa dạng như dệt lụa, nung gạch ngói, làm đồ gốm, luyện kim, đúc chuông, đúc tiền, xưởng chế tạo vũ khí… Các nghề thủ công khác như nghề xây dựng, mộc, khắc chạm đá, thủ công mỹ nghệ, đúc kim loại, nghề khắc in gỗ... cũng rất phát triển. Điều này đã nhằm thấy rằng trình độ thẩm mĩ dưới thời Lý đã đạt được những thành công và trình độ cao. Ngoài ra có một chi tiết đáng chú ý được ghi lại đó chính là “Nghề in bản gỗ được du nhập từ Trung Quốc vào ta. Tất nhiên những ấn phẩm chủ yếu lúc này vẫn là kinh Phật”[10]. Từ đây mới có thể thấy được Phật giáo trong giai đoạn này đã và đang có sự phát triển một cách tốt nhất trong lòng dân chúng. Thương nghiệp dưới thời Lý cũng phát triển mạnh. Một số phường thủ công ở Thăng Long xuất hiện.

1.4. Về văn hóa giáo dục

Có thể nói một người tốt sẽ là nhân tố quan trọng để xây dựng một nền xã hội bền vững phát triển và ngược lại. Ngoài ra muốn biết được trình độ văn minh của một quốc gia cần phải thẩm định được thước đo của “dân trí tác phong, cách sống của từng cá nhân cũng như điều kiện sinh hoạt chung của xã hội”[11]. Nhà Lý là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam xác lập hệ thống giáo dục khoa cử có hệ thống. Do ảnh hưởng đậm nét của Phật giáo và một phần của Đạo giáo, Nho giáo chưa có vị trí độc tôn như sau này. Vua nhà Lý sùng bái đạo Phật, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo đã bắt đầu lớn dần, với việc mở các trường đại học đầu tiên là Văn miếu (1070) và Quốc tử giám (1076), và các khoa thi để chọn người hiền tài không có nguồn gốc xuất thân là quý tộc ra giúp nước. Khoa thi đầu tiên được mở vào năm 1075, chủ trương thi Nho giáo và Phật giáo Các trường lớp còn dạy nhiều kiến thức về Phật giáo và Đạo giáo[12]. Chữ viết chính thức trong giáo dục vẫn kế tục các đời trước là chữ Hán. Nhà Lý đã thiết lập đầy đủ nền văn hóa Đại Việt vừa tiếp biến vừa độc lập với nhà Tống.

Như thế dưới triều Lý không chỉ Phật giáo được tôn sùng mà bên cạnh đó còn có Nho giáo, Lão giáo cũng được triều đình quan tâm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi viết trong Việt Nam cổ Văn học Sử rằng: “Đạo Phật truyền bá trong dân gian đã rộng. Một vài đạo viện vừa là chỗ tu hành vừa là nơi học tập, đã sản xuất được số đông nhà thơ, nhà văn, trong số đó có nhiều nhân tài ra giúp việc nội chính cũng như ngoại giao cho triều đình”[13]. Qua đó có thể thấy được những thành tựu quan trọng đối với hệ thống giáo dục nhà Lý đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực bởi lẽ các thiền sư trong giai đoạn này luôn lấy sự nghiệp giáo dục làm nhiệm vụ hàng đầu quan trọng. Nhằm tạo nên những mẫu người sống có lợi ích cho tự thân và tha nhân ở đây chính là sống cho xã hội đất nước ngày một bền vững.

2. DIỆN MẠO PHẬT GIÁO THỜI LÝ

2.1. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc

Thời Lý đã có những thành tựu to lớn do có được sự ủng hộ của các vua chúa từ đây có một vị trí vô cùng quan trọng trong lòng của dân tộc và Phật giáo cũng có sức lan tỏa rộng rãi trên khắp đất nước. Chính vì lẽ đó, nên sau khi dời đô ra Thăng Long vào năm 1010 vua Lý Thái Tổ đã có những việc làm đặc biệt quan tâm đến Phật giáo, đã cho xây dựng hệ thống chùa chiềng tất cả mọi nơi xây 8 ngôi chùa ở Bắc Ninh, ngoài ra còn có nhiều chùa được trùng tu. Điều đáng nói hơn chính là việc làm của vua các chùa có mặt ở khắp mọi ngỏ ngách khó khăn hiểm trở hoặc các vùng dân tộc thiểu số được dẫn chứng “vào thời Lý đã có những ngôi chùa được xây dựng ở các vùng dân tộc thiểu số, chẳng hạn như chùa Bảo Ninh, Sùng Phúc, xây dựng khoảng 1107 ở châu Vị Long trong vùng của người Tày”[14] nhằm giúp cho đạo Phật có thể len lõi vào trong từng ngõ ngách tâm linh con người.

Chùa Một Cột. Ảnh: St

“Năm 1040, vua lại khánh thành một nghìn pho tượng Phật bằng gỗ, một nghìn bức tranh Phật và một vạn cờ phướng. Năm 1041, đúc tượng Phật Di Lặc bằng đồng nặng 7.560 cân đặt tại viện Thiên Phúc. Năm 1049, vua dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột”[15] có thể nói chùa đã đi vào lòng dân trên đất nước Việt Nam cũng như thế giới đồng thơi mang một biểu tượng của một quốc gia có nền văn hóa độc lập tự chủ. Theo sự nhận định của Đại đức Thích Tâm Kiên trụ trì chùa Một Cột cho rằng: “Theo phân tích nhà sử học nghiên cứu trụ đá hay gọi trụ kình thiên chính là sự chuyển giao khí từ trên trời chuyển xuống địa để âm dương giao hòa, nhất trụ nước Việt Nam ta là biểu trưng muốn hoàn toàn độc lập tự chủ không thuộc đế quốc phương Bắc”. Ngoài ra cũng có một sự nhận định của PGS.TS Tống Trung Tín ông đã cho rằng chùa Diên Hựu hay còn gọi là chùa Một Cột được truyền thông đã lan truyền khắp đất nước Việt Nam cũng như trên thế giới, bởi sự độc đáo của ngôi chùa mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt tuy nhiên không đợi đến vương triều Lý được thành lập mới có sự xuất hiện của ngôi chùa này mà ngay trong kinh đô Hoa Lư vào TK X đã có qua dấu tích của “bóng trụ” được các nhà khảo cổ học nghiên cứu từ đây có thể thấy được giá trị của ngôi chùa qua hàng nghìn năm lịch sử.

Năm 1055, Vua Lý Thánh Tông xây chùa Ðông Lâm và chùa Tĩnh Lự ở núi Ðông Cứu (Bắc Ninh). Năm 1056, vua khởi công xây chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 12.000 cân đồng để đúc chuông và tự tay thảo bài minh khắc trên chuông. Năm 1057, trước chùa này, một ngọn tháp tên Ðại Thắng Tư Thiên được xây lên, 12 tầng, cao 20 trượng. Cũng năm này xây hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ cùng đúc hai tượng Phạm Vương và Ðế Thích bằng vàng thờ ở hai chùa này. Năm 1057, vua san lang tướng là Quách Mãn tạc tượng A Di Ðà bằng đá ở huyện Tiên Du. Năm 1058, vua xây điện Linh Quang, Kiến Lễ và Sùng Nghi. Phía trước điện dựng lầu chuông một cột, sáu cánh, hình hoa sen. Cũng năm này tháp núi Ðồ Sơn (cao 42 mét) xây xong vua ban hiệu là tháp Trường Long. Năm 1070, dựng chùa Nhị Thiên Vương. Năm 1071, vua viết chữ "Phật" cao một trượng sáu thước khắc vào bia đá để tại chùa núi Tiên Du. Năm 1086, vua Lý Nhân Tông dựng chùa Lâm Sơn và xây tháp đá tại huyện Quế Dương. Năm 1091, vua dựng tháp Linh Tế. Năm 1105, vua dựng ba tháp đá tại chùa Lãm Sơn. năm 1108, dựng đài Ðộng Linh.

Năm 1114, dựng lầu Thiên Phật. Năm 1117, khánh thành tháp Vạn Phong Thành Thiện ở núi Chương Sơn. Năm 1118, khánh thành tháp Thất Bảo. Năm 1121, dựng chùa Quảng Giáo ở núi Tiên Du và khánh thành điện Trùng Minh ở chùa Báo Thiên. Năm 1122, khánh thành Sùng Thiện Diên Linh ỏ núi Ðội Sơn. Năm 1124, dựng chùa Hộ Thánh và xây đài Uất La. Năm 1127, khánh thành chùa Trùng Hưng Diên Thọ. Năm 1129, vua Lý Thần Tông khánh thành 84.000 bảo tháp bằng đất. Năm 1130, khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh. Năm 1133, dựng các chùa Thiên Minh và Thiên Thành. Năm 1134, khánh thành ba tượng tam tôn bằng vàng. riêng biệt Việt Nam của mỹ thuật đời Lý rất là rõ rệt. Tháp Báo Thiên ở chùa Sùng Khánh được xây năm 1057 (cái chóp bằng đồng phía trên là công trình Không Lộ) cao 20 trượng, 12 tầng, là một trong những công trình lớn đời Lý. Tháp này năm 1414 bị tướng nhà Minh là Vương Thông phá để lấy gạch đá chống cự vua Lê Lợi trong khi bị quân vua vây bọc. Nên tháp to bằng một khu chợ (có thời được dùng để họp chợ). Trong sách Tang Thương Ngẫu Lục, Tùng Niên nói: Năm giáp dần 1791, khi dỡ ra để lấy gạch đá xây thành người ta còn thấy 8 pho tượng Kim Cương, chia đứng trấn bốn cửa, những tượng người tiên, chim muông.[16]

Ngoài ra Nhà Lý cũng đã cho xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật mang một giá trị văn hóa dân tộc, mỗi công trình kiến trúc đều có sự ảnh hưởng của nghệ thuật Chiêm Thành và Trung Hoa tuy nhiên đã được khéo léo tiếp biến một cách nhuần nhuyễn nhất mang một nét đặc sắc của nền văn hóa dân tộc trên đất nước Đại Việt. Bằng sự khéo léo hài hòa chắc chắn và nghệ thuật, với những đường khắc chạm thanh thoát mềm mại, điêu khắc với hình tượng rồng thời Lý được xem là “tất cả khát vọng của cư dân nông nghiệp được kết tinh ở đây”[17]. Khi nói đến thời đại nhà Lý không thể nào không nhắc đến “An Nam Tứ Đại Khí” gồm “tháp Báo Thiên, còn chuông Quy Ðiền, vạc đồng chùa Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm” là những công trình kiến trúc nghệ thuật ghi đậm dấu dấn lịch sử. Vào thời kỳ này Phật giáo trở thành quốc giáo, đạo Phật phát triển mạnh mẽ rộng khắp trong đời sống nhân gian, đến nỗi sử gia Lê Văn Hưu đã phải thốt lên: “Trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền, nhân dân quá nửa là sư sãi”

Chùa Phổ Minh, Nam Định. Ảnh: St

2.2. Về mặt kinh điển

Có thể thấy rằng kinh điển đã xuất hiện từ triều đại trước như Đinh Lê tuy nhiên về sự lưu hành từ thời Bắc thuộc và đồng thời có từ thời Đường. Bên cạnh đó, thời gian này đã có sự xuất hiện của Đại Tạng Kinh do vua Lê Ngọa Triều đã sai em là Minh Xưởng cùng với Hoàng Thành Nha sang nhà Tống để thỉnh kinh vào năm 1007 và sau hai năm đến 1009 thì kinh mới được đem về nước. Từ đây nếu nhìn khách quan có thể thấy được vua Lê Ngọa Triều có lòng kính tin với Phật giáo vậy nên việc đánh giá về một vị vua “lấy mía để trên đầu sư mà róc” điều này cần phải có một sự nghiên cứu khách quan và chính xác nhằm đưa ra những luận điểm thuyết phục. Bộ Đại Tạng kinh chữ Hán có thể nói đó chính là bảo vật vô giá của Phật giáo và có giá trị văn hóa thế giới và được vua Tống Thái Tổ cho ấn bản vào năm 983. Đây có thể là tiền đề cho Phật giáo giai đoạn nhà Lý kế thừa phát triển.

Vì thế với kho tàng pháp bảo vô giá vua Lý Thái Tổ đã cho ra lệnh để xây dựng làm nơi lưu giữ kinh điển với “nhà chứa kinh Trấn Phúc”[18]. Sau đó đến năm 1018 vua đã cho Nguyễn Đạo Thanh[19] và Phạm Hạc sang Tống đi thỉnh Tam Tạng thời gian lần này cũng kéo dài hai năm đến 1020 kinh mới được đưa đến Quảng Châu và sau đó vua cho sai Tăng Thống Phí trì đi đón. Để bảo vệ kinh điển ông đã cho xây dựng nhà chứa kinh Bát Giác vào năm 1021. Không chỉ dừng lại ở việc thỉnh kinh mà còn sai người sao chép thêm hai bộ Tam Tạng vào năm 1023, 1027 và được cất giữ trong hai nhà chứa kinh Đại Hưng và Trùng Hưng được vua Thái Tông xây dựng. Với lòng tin kính và tôn sùng đạo Phật của mình nên được vua Tống tặng cho bộ Đại Tạng kinh sau đó được sao chép ra cất giữ, việc làm này rất có ý nghĩa đối với hàng tu sĩ lần cư sĩ vì giúp cho việc nghiên cứu kinh điển cũng như quá trình phổ biến rộng rãi đến quần chúng.

Theo Việt sử lược ghi lại sau này vua Lý Nhân Tông cũng đã sai sứ giả Lương Dụng Luật sang Tống vào năm 1081 và Nguyễn Văn Tín 1098 để xin Tam Tạng kinh bên cạnh đó cũng có nhiều bản viết tay khác nhau vào năm 1176 “Sùng Ninh Vạn Thọ Đại Tạng” được hoàn thành. Có thể nói thời điểm TK XI đã có nhiều bộ kinh Tam Tạng được thỉnh về Việt Nam và sao chép dưới nhiều hình thức khác nhau để lưu hành ngoài ra cũng có một số bộ kinh Phổ biến như Pháp Hoa, Viên Giác, Hoa Nghiêm, Dược Sư, Kim Cương…Trong thời gian này “con em tăng quan thi đọc kinh Bát Nhã”[20]. Song đó còn có các tác phẩm được trước tác của các Thiền sư như Tham đồ hiển quyết của TS. Viên Chiếu, Pháp ngự trai nghi của TS.Huệ Sinh…Ngoài ra còn nhiều tác phẩm có giá trị để đem lại cho kho tàng kinh điển phong phú và có giá trị với thời gian.

2.3. Sơn môn, tông phái

Vào thời Lý, hai phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông tiếp tục phát triển . Theo Thiền Uyển Tập Anh, Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là dòng dõi Bà La Môn, gốc ở Nam Thiên Trúc, vân du qua Trung Hoa, vào năm Nhâm ngọ (562). Khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi gặp tổ Tăng Xán, thấy phong độ phi phàm, liền chắp tay ba lần tổ vẫn ngồi yên không nói năng gì. Trong lúc đứng chờ suy tư, tâm bỗng mở ra như có chỗ sở đắc, ông liền lạy xuống ba lạy. Sau đó ít lâu, Tổ dạy Ngài đi về phương Nam. Đến tháng 3 năm 580, Ngài vào đến nước ta, ở lại Pháp Vân Tự.

Về phái thiền Vô Ngôn Thông, theo Việt Nam Phật giáo sử lược năm 820 Thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu - Trung Hoa qua Việt Nam và ở lại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Từ đó một thiền phái khác được thành lập mang tên là thiền phái Vô Ngôn Thông. Vô Ngôn Thông người Quảng Châu, họ Trịnh, xuất gia tu học tại chùa Song Lâm ở Vũ Châu.[21]

Chùa Kiến Sơ, Hà Nội. Ảnh: St

Thêm vào đó là phái Thảo Đường, do nhà sư Thảo Đường từ Trung Hoa sang. Trong quá trình chạy nạn thiền sư đã bị vua Lý Thánh Tông bắt làm tù binh. Vua cho ngài làm tạp dịch ở trong cung. Sau khi nhận thấy tài năng của Ngài, nhà vua hết sức kính trọng và theo Ngài học đạo. Thiền phái Thảo Đường thu hút một số vị vua và quan lại có chức tước tồn tại qua năm thế hệ. Đây là thiền phái được vua Lý Thánh Tông và các đời vua kế tiếp cũng như các quan đại thần trong triều đình nhà Lý chú tâm phát triển. “Các vua thời Lý rất sùng đạo, một số vua được tôn là tổ của các phái thiền. Vua Lý Thái Tông là vị Tổ thuộc thế hệ thứ bảy phái Thiền Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông là Tổ thứ hai Thiền phái Thảo Đường”[22]. Từ sự ủng hộ nhiệt thành của vua chúa, quý tộc quan liêu, Phật giáo thời Lý có vị trí lớn trong xã hội, đến với mọi miền đất nước và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

2.4. Các thiền sư và các tư tưởng tiêu biểu

Giai đoạn được nhà Lý có nhiều vị thiền sư được nhà vua kính trọng đồng thời có những đóng góp to lớn cho vương triều với vai trò là những vị quốc sư tiêu biểu đó chính là “Thiền sư Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Từ Đạo Hạnh Viên Chiếu, Thông Biện, Không Lộ, Minh Không, Mãn Giác, Thường Chiếu” ngoài ra còn có vị ni là công chúa của vương triều nhà Lý con của vua Lý Thái Tông đã xuất gia tu học và là bậc ni lưu xuất chúng người đứng đầu của dòng “Tỳ-ni-đa-lưu-chi” dòng thứ 17 đó là NS. Diệu Nhân. Song đó “các Tăng quan được ví như những cố vấn chính trị đặc biệt của nhà vua. Tuy nhiên cắc vị thiền sư chỉ tham gia chính sự mà không tham gia chính quyền vì họ không nhận chức vụ trong nội các”[23]. Các vị đã có những tư tưởng về học vấn rất uyên thâm về Phật pháp chính vì thế nên có thể áp dụng được các tư tưởng vào đường lối giúp vua trị nước và đưa giáo lý đến với quần chúng nhân dân một cách hiệu quả nhất, để Phật giáo có được sự bám rễ và ăn sâu vào trong nền văn hóa nước nhà.

Nhìn vào xã hội thời Lý có thể thấy rõ tính chất đa nguyên hỗn hợp trong hệ tư tưởng. Xét trên bình diện tâm linh, ta thấy rõ sự kết hợp mật thiết giữa Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo hòa nguyện vào nhau tạo nên một nền văn hóa thể hiện trình độ tư duy tổng hợp của dân tộc Việt, bởi “sự thu dụng những điều hay của các nền văn hóa khác vốn là một hành động làm giàu cho nền văn hóa dân tộc”[24]. Việc làm này phải được thực hiện trên căn bản vốn củ của văn hóa dân tộc với tinh thần cởi mở, hòa hợp từ bi của Phật giáo tạo nên hòa bình và thịnh vượng cho nước nhà. Phật giáo nhà Lý có địa vị quốc giáo và các vua Lý có sự am hiểu về Phật giáo.Tuy nhiên, họ không muốn biến đạo Phật thành tôn giáo độc tôn và chèn ép, bài xích các tôn giáo khác. Ngược lại, đạo Phật thời này, trong khi phát triển mạnh mẽ đã tỏ ra rất thân thiện, cởi mở và bao dung đối với các giáo khác như Nho giáo và Lão giáo. Ngoài ra còn có tinh thần nhập thế tư tưởng giải thoát qua một số quan điểm về tính không được biểu hiện qua bài kệ của TS Từ Đạo Hạnh:

“Tác hữu, trần sa hữu Vi không, nhất thiết không Hữu không như thủy nguyệt Vật trước hữu không không”[25] Dịch nghĩa: “Có thì có tự mảy may Không thì cả thế gian này cũng không Vừng trăng vằng vặc in sông Chắc chi có có không không mơ màng”

Những quan điểm về không-hữu không những chỉ được các thiền sư quan tâm mà đối với tư tưởng này cũng được các giới cư sĩ có sự am hiểu Phật pháp thể hiện qua bài kệ của mình tiêu biểu trong giai đoạn nhà Lý có Nguyên Phi Ỷ Lan[26] qua bài thơ “sắc không”:

“Sắc thị không, không tức sắc, Không thị sắc, sắc tức không. Sắc, không câu bất quản, Phương đắc khế chân tông.

Dịch nghĩa:

Sắc là không, không tức là sắc, Không là sắc, sắc tức là không. Sắc, không đều chẳng vấn vương gì, Thì mới khế hợp được với chân tông.”[27]

3. VAI TRÒ VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VĂN HÓA THỜI LÝ

Thời Lý có một vai trò vô cùng quan trọng đối với Phật giáo nói riêng cũng như đất nước Đại Việt nói chung chính vì thế cho nên có nhiều sự tác động và ảnh hưởng nhất định về nhiều mặt. Tuy trong giai đoạn này có sự dung hợp về Tôn giáo, tín ngưỡng nhưng trên hết được quan tâm và tôn sùng vẫn là Phật giáo “Đạo Phật là tôn giáo thịnh đạt nhất trong xã hội”[28], có thể nhận định đây chính là do sự thiết thực qua quá trình nhập thế nhằm hướng đến sự tồn vong của đất nước, và những người đóng vai trò quan trọng không ai khác đó chính là các nhà sư luôn là những cố vấn đắc lực cho triều đình kể đến như Vạn Hạnh, Nguyễn Minh Không…Từ đây đạo Phật đã đóng vai trò quan trọng và có được nhiều sự ảnh hưởng to lớn.

3.1. Vai trò

3.1.1. Về chính trị

Về vai trò chính trị có thể thấy được ở hai khía cạnh quan trọng đó chính là các vị thiền sư tham gia vào chính trị và cố vấn chính trị cho vua. Người phải kể đến đó chính là Thiền sư Vạn Hạnh là người có công rất lớn với vai trò đóng góp cho vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm để giữ vững độc lập nước nhà, hơn thế nữa với sự nhạy bén tinh thông nhìn thế cuộc đã đưa Lý Công Uẩn lên ngôi với sự kết hợp của ý thức phụng sự đất nước và tư tưởng của Phật giáo. Cả hai triều đại điều có sự cống hiến to lớn của ông chính vì thế nên được vua “Lý Thái Tổ phong làm quốc sư”[29]. Nhà văn Lê Văn Siêu, tác giả sách “Văn Minh Việt Việt” đã viết về ngài Vạn Hạnh: “…Người ấy thì phải có công nghiệp, mà công nghiệp này nhất định có Người ấy mới làm nổi. Bởi Người thức cảm hơn ai hết, sự áp bức của nền văn hóa ngoại lai còn nguy hiểm gấp bội sự áp bức về chính trị, nên Người đã nêu cao ngọn cờ độc lập văn hóa để loại trừ sự áp bức chính trị của kẻ thù”[30]. Theo lịch sử cho thấy vai trò của Phật giáo không chỉ bắt đầu ở Nhà Lý mà trước đó từ thời Đinh, tuy nhiên vai trò của các vị chưa được nổi bậc do sự cải tổ chính trị, kinh tế chưa được sự hợp lý. Đến giai đoạn nhà Lý do ý thức mới được tạo ra bởi những con người mới có một chính sách phù hợp rõ ràng từ đó đưa nước Việt Nam phát triển cường thịnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những sự nhận định: “Sau nhà Đinh và Tiền Lê ta biết đến Nhà Lý người đã khởi nghiệp xây dựng nền văn hiến quốc gia qua việc dời đô tiếp việc nối tiếp truyền thống cũng như dòng mạch Phật giáo xây dựng các triều đại bền vững Lý, Trần, Lê với tinh thần dân tộc gắn kết”. Ngoài ra còn có Thiền sư. Nguyễn Minh Không với vai trò đóng góp cho các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội cho đất nước dưới triều đại nhà Lý. Không chỉ là một vị Thiền sư mà còn là vị Thầy thuốc nổi tiếng trị bệnh cho vua Lý Thần Tông, có thể nói cuộc đời của Ngài đã được xây dựng như: “một không gian văn hóa đậm chất lịch sử và huyền tích. Các lớp văn hóa được bồi đắp chung quanh nhân vật Nguyễn Minh Không đa tầng, đa sắc thái và cùng với nó là những dị bản do sự tiếp xúc giao lưu và dịch chuyển không gian văn hóa từ quê hương nơi ông sinh ra cho tới những nơi ông đã đi qua, xây dựng sự nghiệp của một vị Thiền sư có vị trí đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Thiền sư Nguyễn Minh Không từ đời thực đã bước vào đời sống dân gian đậm màu truyền thuyết và huyền thoại với rất nhiều quyền năng. Trong tâm thức dân gian, Nguyễn Minh Không là người có khả năng phi thường, đi mây về gió; là người có phép thuật tài ba, là ông tổ nghề đúc đồng. Ông là một trong số rất ít những nhân vật lịch sử được dân gian phong Thánh”[31]. Bên cạnh đó còn nhiều thiền sư đóng vai trò về việc chỉ đạo trên phương diện tinh thần cũng như đào tạo ra một số tầng lớp kế thừa.

3.1.2. Về giáo dục

Các Thiền sư đã có công đào tạo một lớp trí thức không cố chấp, biết dung hợp các ý thức dị biệt như Nho, Lão, Phật để “phò vua giúp nước” cũng như gần gũi với nhân dân. Các Ngài đã mở trường dạy học, sử dụng kiến thức Nho giáo hoán theo tinh thần Phật giáo. Trong thời kỳ đầu nhà Lý “nền giáo dục Đại Việt có thể chủ yếu là Phật học”[32]. Giai đoạn lịch sử phát triển này đã tạo nên sắc thái riêng cho nền giáo dục nước nhà đứng trên lập trường tri thức của sự độc lập tự chủ “được định danh bằng nền văn hoá lấy Phật giáo làm quốc giáo trên nền tảng nhận thức Tam giáo đồng nguyên trong đó bản thân hoạt động giáo dục Phật giáo có một vai trò đặc biệt quan trọng với việc khẳng định và phát triển các giá trị tinh thần dân tộc”[33].

Khi mở trường dạy học các vua luôn chủ trương không những cho tăng sĩ mà còn cả cư sĩ. Ngay từ buổi đầu thành lập nhà Lý ta thấy được Vạn Hạnh đã đào tạo ra nhân tài Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ hay ngài Trí Thiền cũng đã đào tạo ra Tô Hiến Thành và Ngô Hòa Nghĩa. Các vị thiền sư trong giai đoạn này không chỉ am tường về Phật giáo mà còn tinh thông cả Tam giáo chính vì lẽ đó khi làm công tác cố vấn các vị đã sử dụng Nho giáo trên tinh thần của Phật giáo một cách cởi mở đây chính là thái độ của quá trình dung hợp ý thức hệ. Vì thế nên có sự khuyến khích việc học Nho giáo và giảng dạy những kiến thức về Nho giáo. Điều này đã thể hiện vào 1070 “vua Lý Thánh Tông lập văn miếu ở kinh thành đúc tượng Khổng Tử, Chu Công, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử để thờ, còn vẽ tranh 72 vị tiên hiền để treo, vua Anh Tông cũng đã hai lần lập miếu thờ Khổng Tử”[34]. Từ đây có thể thấy được về công tác giáo dục có sự giao lưu văn hóa tôn giáo nhưng vẫn trong tinh thần tiếp biến một cách khéo léo và huyền xảo của tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc chính là Phật giáo.

3.2. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa thời Lý

3.2.1 Ảnh hưởng đến chính trị, xã hội

Đối với chính trị Phật giáo đã có một sự ảnh hưởng quan trọng trong bộ máy của chính quyền trung ương tuy là người tu sĩ nhưng khi đứng trong vai trò cố vấn đã làm trọn vẹn vai trò phục hưng đất nước đồng thời giáo hóa dân chúng chính vì lẽ đó hệ thống Tăng quan với sự đóng góp của các Thiền sư như “Vạn Hạnh, Viên Thông, Viên Chiếu, Trí Thiền” đã đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia Đại Việt qua các phương diện “chính trị, văn hóa, giáo dục”. Hệ thống bao gồm: “Đứng đầu hệ thống Tăng quan là Tăng Thống. Tăng Thống là một chức sắc của đạo Phật, là người đứng đầu tăng ni cả nước. Dưới là Tăng Lục, ngoài ra còn có Tăng Ty giác nghĩa, Tăng đạo chánh, phó Tăng đạo chánh đều chật tòng cửu phẩm. Các Tăng quan và nhà sư có tài được nhà vua rất trọng dụng và có vai trò lớn trong việc ban bố các chính sách của nhà nước. Nhiều khi họ được trực tiếp tham gia bàn chính trị với nhà vua và bá quan văn võ trong triều”[35]. Hai vị đầu tiên đó chính là Đào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh.

Tăng quan cũng là đội ngũ quan trọng trong triều đình với sự am tường, với vốn kiến thức sâu rộng nên đứng trên lập trường cố vấn để củng cố đức trị nước cho vua trong các việc chính sự một cách quyết đoán ví như Viên Thông Quốc sư khi được vua Lý Thần Tông hỏi về đạo “lý trị loạn thịnh suy” đã mạnh dạn khuyên can nhà vua phải nắm và thực thi quyền lực đúng lúc sao cho phù hợp: “Thiên hạ ví như một thứ đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào chỗ nguy thì nghiêng, chỉ vì nhà vua nhân chủ hoạt động như thế nào đó thôi”[36]. Các vị luôn có những lời khuyên để các vị vua biết trao dồi đạo đức nơi chính bản thân để lấy đó làm gương trị dân trị nước nên đã luôn khuyên rằng “Các thánh vương đời xưa biết như thế nên bắt chước trời thì chăm lo tu sửa đạo đức của mình không ngừng, phải theo định luật của đất không ngừng tu cái đức để yên dân”[37] chính vì thế nên đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến với việc chính trị quyền hành của một quốc gia.

Do có sự ảnh hưởng của đạo Phật trên tinh thần từ bi-vô ngã nên so với các triều đại trước không có sự gay gắt như nhà Đinh đến giai đoạn này hệ thống Luật pháp đã được cải cách đầu năm 1042 “Luật Hình Thư” do vua Lý Thái Tông ban hành “mở ra đường lối cho ngành tư pháp”[38]. Trong các điều luật được ban hành có thể thấy được sự am tường về Phật giáo qua sự phạm tội ngũ nghịch hay sự thực hành “Thập thiện nghiệp”, “ngũ giới” để từ đó đưa ra những hình phạt thích đáng nhưng không ngoài ý nghĩa răn đe. Tất cả chỉ nhằm mục đích trị nước an dân các vua thời Lý đã củng cố sự cường thịnh của một đất nước, có thể khẳng định rằng phương pháp cai trị của vương triều có sự ảnh hưởng của đạo Phật vào trong luật pháp.

Hơn thế nữa còn được ứng dụng các phương pháp đạo đức căn bản của Phật giáo như “Tứ nhiếp pháp” trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc. Tuy nhiên đối với việc khai hóa ở các vùng thiểu số dù có nhiều khó khăn vất vả nhưng với tấm lòng yêu nước thương dân các vua luôn chú trọng đến việc tạo công ăn việc làm ổn định quan tâm chăm sóc đến đời sống của họ do đó việc khai hóa thành công trên tinh thần khoan dung, từ bi và đầy trí tuệ. Tất cả đều không ngoài “đất vua-chùa làng- phong cảnh Bụt”

Bên cạnh đó Tinh thần tự tôn dân tộc, nên khi vừa lên ngôi. Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Đây là việc làm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố vị thế của một quốc gia độc lập. Với các nước láng giềng luôn giữ được mối quan hệ hào hiếu đồng thời bằng sự khoan dung độ lượng đã tha chết cho 5.000 tù binh do vua Lý Thái Tông cầm quân chinh chiến Chiêm Thành vào 1044 không những không giết mà còn tạo cho họ cơ hội làm ăn sinh sống. Hay vua Lý Thánh Tông bắt được vua Chiêm Thành vào năm 1069 cùng 5 vạn quân nhưng ông cũng không giết một ai. “Đối với nhà Tống, triều Lý có quan hệ hoà hiếu, ân cần nhận sắc phong, đồng thời thực hiện lễ sính và triều cống đều đặn. Sau khi đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống, triều Lý giao trả cho nhà Tống những dân phu, quân lính bị bắt tại Khâm Châu, Ung Châu năm 1075. Chính sách ngoại giao khôn khéo của triều Lý đối với Chiêm”[39]

Tượng Vua Lý Thái Tổ. Ảnh: St

3.2.2. Ảnh hưởng đến tín ngưỡng, phong tục tập quán và đạo đức, lối sống

Nhà Lý chính là vương triều đã dùng Phật giáo để xây dựng con đường tâm linh vào trong tâm thức của mỗi người dân Việt có một sự tác động rất lớn đối với tín ngưỡng, phong tục tập quán, đạo đức cũng như lối sống của người dân. Bằng sự khéo léo tiếp biến của một tôn giáo ngoài lại để hình thành nên một nền tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là điều không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện nào chính điều này đã thể hiện nền tự hào dân tộc Đại Việt. Sự tiếp biến đó đã đi vào trong ngõ ngách tâm thức của cộng đồng người Việt và nền văn hóa dân tộc. Các vị thiền sư chính là những người dạy đạo hay người thầy thuốc cho dân song song đó mái chùa chính là nơi lưu giữ những tinh hoa về Phật pháp và sự hội tụ của tinh hoa văn hóa dân tộc.

Nhà Lý, trong đời sống của người Việt phổ biến những phong tục, tập quán tiêu biểu, mang đậm màu sắc tôn giáo của cư dân nông nghiệp chính vì thế đạo Phật đã được bản địa hóa ngay từ buổi đầu khi Phật giáo du nhập đến giai đoạn này vẫn được duy trì với hình tượng “Phật Mẫu Man Nương, Phật Mẫu Tây Thiên, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, được thờ không chỉ ở chùa Dâu mà trong khắp các vùng miền của đồng bằng Bắc bộ. Các chùa thời Lý thờ Phật Thích Ca và Đế Thiên Đế Thích, tứ pháp, tương truyền rất linh thiêng được vua chúa, dân chúng sùng bái, cầu đảo”[40]. Không những thế còn có một vài biểu tượng đã được nhận định của sự ảnh hưởng Hindu giáo được ghi lại trong ĐVSKTT tiêu biểu như “Mùa đông, tháng 12, làm hai chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ. Đúc hai pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để phụng thờ.”

Phật giáo đã có sự kết hợp hài hòa giữa “Thiền, Tịnh, Mật” để cùng với một số sự ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo bên cạnh những tín ngưỡng đã được bản địa một cách nhuần nhuyễn như cúng bái tổ tiên xuất phát từ Lão giáo từ đó có sự dung hợp một cách nhịp nhàng trong đời sống tâm linh của dân tộc cũng như có sự gần gũi đối với một nền dân tộc lâu đời với nền văn minh lúa nước.

Ngoài ra còn có “tinh thần sùng Phật, biểu hiện qua các sinh hoạt Phật giáo, cùng với nhiều hội lễ của nó, đã trở thành một đặc điểm của văn hóa thời Lý. Do việc xây chùa khắp nơi, luôn có những lễ hội được tiến hành để khánh thành các kiến trúc Phật giáo”[41]. Bên cạnh đó còn có những buổi lễ đã được bia ký nhắc đến như “lễ tắm Phật, Vu Lan, hay hội thích giáo” và còn một số do vua đích thân tổ chức trong nhân dân.

Ngay trong vương triều nhà Lý có thể thấy rõ được lối sống đạo đức được các vua Lý áp dụng bằng các hình thức phạt đối với những người giết các con vật như trâu và bò và Lý Nhân Tông xuống chiếu bằng các hình thức phạt tùy theo tội nặng nhẹ khác nhau, hoặc trộm cắp, giết người điều được luật pháp định tội. Đây chính là việc áp dụng “đạo đức Phật giáo qua năm giới cấm” và bằng tinh thần khoan dung đã xử lý một cách “nhân bản” cho những tội nhân. Đồng thời người dân cũng trong giai đoạn này đã có sự “giao duyên” giữa Phật giáo và tôn giáo dân gian thời Lý còn thể hiện qua các lễ hội. Trong hội làng, hội chùa có phong tục tập quán thả chim, là một nghi lễ “phóng sinh” thể hiện tinh thần từ bi hỉ xả.

3.2.3. Ảnh hưởng đến kiến trúc và điêu khắc

Có thể thấy rằng Phật giáo trong giai đoạn này được ủng hộ và phát triển của vua quan chính vì thế nên những chùa, tháp lớn luôn có được sự ủng hộ trong quá trình xây dựng của giới quý tộc. Chính vì thế nên đã chiếm được vị thế quan trọng trong xã hội bấy giờ. Bia Chùa Linh Xứng đã chép rằng: “Từ khi có Phật giáo đến nay đã hơn hai nghìn năm mà sự thờ phụng ngày càng them mới. Hễ có cảnh đẹp núi non thì không có nơi nào là không mở mang để xây dựng chùa chiền, nhưng không có các bậc vương công đại nhân giúp đỡ thì làm sao mà nên được”[42].

Do sự ảnh hưởng từ Trung Quốc và Ấn Độ nên kiến trúc và điêu khắc trong giai đoạn này có những đường nét đặc sắc do sự dung hợp của nền văn hóa bản địa tạo nên nét riêng mang giá trị tâm linh của nền Phật giáo Việt Nam. Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử để rồi mái chùa chính là nơi che chở hồn dân tộc và chính nơi đây đã ăn sâu vào trong từng trái tim khối óc của con người để tạo nên một nếp sống muôn đời của tổ tông qua các thời đại. Nền móng kiến trúc thời này đã để lại giá trị xây dựng kỷ thuật đạt đến đỉnh cao với sự trang trí công phu điển hình như “tháp Trung Sơn gần Hoa Lư” ‘hay “Long Đọi Sơn ở Hà Nam”. Ngoài ra bốn công trình kiến trúc tiêu biểu được vang danh trong trang sử Việt chính là “An Nam Tứ Đại Khí”.

Dấu tích chùa Diên Hựu mang một giá trị nghệ thuật kiến trúc đồng thời cũng mang âm hưởng tâm linh to lớn được miêu tả một cách đầy linh thiêng và huyền bí “Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có đóa hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang vẽ bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Ở sân trước cầu, hai bên tả hữu, xây tháp báo lưu ly”[43]. Tuy nhiên so với mô hình ngày nay và trải qua các giai đoạn lịch sử chùa không giống hoàn toàn so với sự miêu tả như thế, tuy nhiên với giá trị về mặt văn hóa lịch sử mãi với thời gian.

Kiến trúc đăng đối và đối xứng qua một trục hay ở trung tâm là những quần thể Phật giáo giai đoạn này. Cạnh chùa thường có nhiều tháp với nhiều tầng nối tiếp nhau như “Tháp đại Thắng Tư Thiên” với 12 tầng và có độ cao là vài chục trượng. Tuy nhiên trong Việt sử lược cho rằng có 20 tầng. Ngoài ra còn có “tháp Sùng Thiện Diên Linh” có 13 tầng. Các chùa thường được trang trí với nhiều bức phù điêu đẹp và một số hình ảnh của các con vật tượng trưng cho sức mạnh cũng như các vị Bồ-Tát thường song hành như voi, sư tử, trâu, ngựa, tê giác ở chùa Phật Tích hay các tượng chim thần và hình tiên nữ múa hát ở Tháp Chương Sơn. Song song đó cùng với các hoa văn được vẽ một cái mềm mại uyển chuyển như cúc dây, hoa sen, sóng nước tượng trưng cho sự thanh thoát. Ở chùa “Sùng Nghiêm Diên Thánh thì “tranh vẽ ở tường vôi, mọi duyên nhân quả, muôn nghìn biến hóa, hết đỗi diệu huyền”[44]. Các mô hình nghệ thuật kiến trúc đã làm nên vẻ đẹp cũng như tạo ra nguồn cảm hứng vô cùng to lớn để có những tác phầm mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật Phật giáo còn được thể hiện qua các tượng thờ được kể đến đó chính là tôn tượng A-Di-Đà chùa Phật Tích với chiều cao 1,87m kể cả bệ theo các bia ký ghi lại thì cao 2,77m đã được tạc vào năm 1957. Ngoài tín ngưỡng thờ Phật Di Đà còn có tượng Quan Âm điều này có thể thấy ngày nay các chùa ở đều có tôn tượng của Ngài. Điểm khác biệt về cách tôn tượng tại chùa Diên Phúc chính là đặt tượng Quan Âm ở giữa còn hai bên là Ngài Văn Thù và Phổ Hiền tuy nhiên theo đa số các chùa ở giữa sẽ để đức Phật Thích Ca. Ở chùa Quỳnh Lâm cũng đã nói đên pho tượng đức Di Lặc do thiền sư Không Lộ là người dựng lên. Ngoài ra còn có các chùa thờ Tứ Thiên Vương.

Qua đó có thể thấy được Phật giáo Nhà Lý đã có nhiều chùa với sự bày trí khác nhau đối với các pho tượng do đó nên chưa có một sự thống nhất. Ngoài ra có các chùa chỉ chuyên thờ các vị thiên vương nhất định. Đặc biệt để có sự dung hợp với tín ngưỡng của quần chúng nhân dân như chùa Báo Thiên là nơi thỉnh tượng của Pháp Vân ở chùa Dâu về làm lễ cầu mưa hay cầu cho mưa tạnh chính vì điều này đã tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa tín ngưỡng dân gian. Như vậy nhìn tổng quan có thể thấy được nét đặc sắc và tính đa dạng của Phật giáo về lĩnh vực kiến trúc điêu khắc trong giai đoạn này để từ đó tạo nên những tác phẩm thế hệ hôm nay được kế thừa nhờ tinh hoa trí tuệ của cha ông đã để lại.

Tóm lại, với bề dày lịch sử gần 400 năm, văn hóa Phật giáo thời Lý đã để lại một khối lượng đồ sộ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên các phương diện kiến trúc, xây dựng, hội họa, nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, văn học, ngôn ngữ, trang phục, hệ tư tưởng. Biểu hiện cụ thể như: chùa, tháp, lăng mộ, bi ký, tranh, tượng, đồ thờ, kinh sách, văn học, các giá trị chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán, lối sống, nếp sống. Giá trị của những di sản Phật giáo thời kỳ nhà Lý thật to lớn và là di sản chung của văn hóa Việt Nam.

KẾT LUẬN

Trong Pháp Bảo Đàn kinh Phật nói: “佛法在世間, 不離世間覺, 離世覓菩提, 恰如求兔角”[45]. Phật pháp tại thế gian, không ngoài thế gian mà giác ngộ. Nếu lìa thế gian để tìm cầu Bồ Ðề, không khác nào người đi tìm lông rùa sừng thỏ, vì đó là việc không bao giờ có. Do đó, đạo và đời luôn gắn liền nhau và không cách xa nhau, tựa như hai mặt của đồng tiền. Trên tinh thần ấy các vị Thiền sư thời Lý đã hành động cụ thể và phát huy một cách trọn vẹn tinh thần vô ngã vị tha của những con người mang hạnh nguyện độ sinh. Đó là những chất liệu giúp cho đàn hậu học chúng ta phát Bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo, hoàn thành sự nghiệp tự lợi, lợi tha. Vì vậy Phật giáo khi du nhập vào nước ta từng bước trải qua thăng trầm của các triều đại. Nhưng đến thời Lý Phật giáo đã bật sáng, một thời kỳ được xem là thời kỳ quốc giáo, với một vị thế đặc biệt đứng vững trong lòng dân tộc Việt. Các vị vua thời Lý biết vận dụng giáo lý Phật giáo, luôn luôn chủ động gạn lọc, tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở, từ đó sáng tạo ra một xã hội thường xuyên đổi mới, trẻ trung, cập nhật với thời thế, có nhiều sinh khí. Phật giáo thời đại này đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền độc lập quốc gia trong lịch sử nước nhà. Các vua trị vì đã thực sự thấm nhuần lời dạy của đức Phật, trong kinh Trường A Hàm Phật dạy: “Biết đoàn kết, biết ăn ở hòa hảo cùng nhau và thường hội họp nhau lại để lo bàn việc nước thì không sợ gì sẽ bại vong mà nhất định sẽ được cường thịnh, phong phú thêm”. Đây là những nhân tố tư tưởng góp phần tích cực vào sự tồn tại lâu dài của vương triều Lý phát triển tạo nên một sự ảnh hưởng đối với văn hóa Đại Việt. Tăng ni chúng ta là những người kế thừa mạng mạch sinh tồn của đạo pháp, kế thừa sự nghiệp Như Lai, tiếp nối con đường chư Tổ, đem đạo vào đời làm sáng đạo đẹp đời, thay Phật Tổ tuyên dương giáo pháp. Với sứ mạng tối cao, hiến trọn đời mình cho lí tưởng lợi tha, muốn thành tựu vẻ vang, chúng ta phải thiết thực áp dụng tinh thần vô ngã vị tha của các vị Thiền sư để cảm hóa lòng người, hay nói cách khác, phải hòa nhập vào cuộc đời, hành Bồ Tát đạo để tiến đến quả vị toàn giác. Từng bước thể hiện tinh thần nhập thế trong mọi sinh hoạt của cuộc đời, cho Phật pháp mãi sáng ngời lợi lạc khắp muôn nơi.

Thích Nữ Chơn Ngọc - Học viên cao học khóa III Học Viện PGVN tại Tp.HCM. Chùa Dược Sư, 464 Lê Quang Định, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM

------------------

CHÚ THÍCH

[1] Trần Thuận (2014), Tư tưởng Việt nam thời Trần, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang. 11. [2] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học của Thiền Phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, trang. 40. [3] Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học xã hội, 1977. [4] Nguyễn Lang (1992), Việt nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang. 231- 232. [5] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học của Thiền Phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, trang. 44. [6] Đức Nhuận (2009), Đạo Phật và dòng sử Việt, NXB Phương Đông, tr. 112-113. [7] Sđd, tr. 113. [8] Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Tủ sách đại học tổng hợp, tr. 108-109. [9] Sđd, tr.111. [10]Sđd, tr.112. [11] Sđd, tr.194. [12] Kỷ yếu hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long, tr. 595-596. [13] Sđd, tr.194. [14] Nguyễn Tài Thư chủ biên (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB khoa học xã hội Hà Nội, tr.147-148. [15] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB Văn học, tr.163 [16] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB Văn học, tr.196-197. [17] Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Tủ sách đại học tổng hợp, tr. 116. [18] Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB khoa học xã hội Hà Nội, 1988, tr.155 [19] Đại Việt Sử ký toàn thư (bản kỷ, q.2, tr. 8b) chép là Nguyễn Đạo Thanh, còn Việt sử lược (q.2, tr.3b) chép là Nguyễn Thanh Đạo [20] Việt Sử Lược, q3, tr.10a. [21] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận (toàn tập), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.150. [22] Th.S. Lê Thị Cúc, Vai trò của Phật giáo thời Lý và sự phát triển văn minh Đại Việt, phatgiao.org.vn, truy vập 22/2/1021. [23] Nguyễn Lang (2012) Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 154. [24] Nguyễn Lang (1992), Việt nam Phật giáo sử luận, tập II, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang. 486. [25] Viện Văn học(1988), Thơ văn Lý – Trần, tập I, quyển thượng, NXB Khoa học-Xã hội, Hà Nội, tr.345. [26] Ỷ Lan (7/4/1044 – 24/8/1117) hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu, là phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều triều Lý được hưng thịnh, những đóng góp cho hoàng triều nhà Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương. [27] Sđd, tr.353. [28] Nguyễn Quang Ngọc (2014), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo Dục, Hà Nội, tr.96. [29] Sđd, tr.214. [30] Lê Văn Siêu(2013), Việt Nam văn minh sử cương, NXB. Thanh Niên, Bến Tre. [31] http://phatgiaonamdinh.vn/van-hoa/doi-song-tu-tap/nghien-cuu-ve-thien-su-nguyen-minh-khong.html, truy cập ngày 23/2/2021. [32] Nguyễn Quang Ngọc (2014), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo Dục, Hà Nội, tr.99. [33] https://thuvienhoasen.org/a16775/giao-duc-phat-giao-thoi-ly-tran-dong-hanh-cung-dan-toc-nguyen-huu-son, truy cập ngày 23/2/2021. [34] Nguyễn Lang (2014) Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 190. [35] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 154. [36] Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.88. [37] Sđd, tr.89. [38] Đức Nhuận (2019), Đạo Phật và dòng sử Việt, NXB Phương Đông, tr.157. [39] Trần Xuân Trí, Ảnh hướng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý, tr. 296. [40] http://tapchinghiencuuphathoc.vn/ly-trieu-quoc-su-nguyen-minh-khong-voi-he-tu-tuong-va-tin-nguong-thoi-ly-ky-1.html, truy cập 23/2/2020. [41] Sđd, tr.153. [42] Sđd, tr.147. [43] Thơ Văn Lý-Trần, q1, tr.405. [44] Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, thơ văn Lý-trần, q1. Tr.376. [45] CBETA, T48, no. 2008, p. 351, c9-10

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thuận (2014), Tư tưởng Việt nam thời Trần, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học của Thiền Phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức. 3. Thơ văn Lý Trần(1977), tập I, Nxb Khoa học xã hội. 4. Nguyễn Lang (1992), Việt nam Phật giáo sử luận, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội. 5. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học của Thiền Phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức. 6. Đức Nhuận (2009), Đạo Phật và dòng sử Việt, NxB Phương Đông. 7. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Tủ sách đại học tổng hợp. 8. Kỷ yếu hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long. 9. Nguyễn Tài Thư chủ biên (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb khoa học xã hội Hà Nội. 10. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn học. 11. Viện Văn học(1988), Thơ văn Lý – Trần, tập I, quyển thượng, Nxb Khoa học-Xã hội, Hà Nội. 12. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 13. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (2011), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb thời đại, Hà nội. 14. Lê Văn Siêu(2013), Việt Nam văn minh sử cương, Nxb Thanh Niên, Bến Tre. 15. Trần Xuân Trí, Ảnh hướng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý. 16. S. Lê Thị Cúc, Vai trò của Phật giáo thời Lý và sự phát triển văn minh Đại Việt, phatgiao.org.vn, truy cập ngày 22/2/1021. 17. http://phatgiaonamdinh.vn/van-hoa/doi-song-tu-tap/nghien-cuu-ve-thien-su-nguyen-minh-khong.html, truy cập ngày 23/2/2021. 18. https://thuvienhoasen.org/a16775/giao-duc-phat-giao-thoi-ly-tran-dong-hanh-cung-dan-toc-nguyen-huu-son, truy cập ngày 23/2/2021. 19. http://tapchinghiencuuphathoc.vn/ly-trieu-quoc-su-nguyen-minh-khong-voi-he-tu-tuong-va-tin-nguong-thoi-ly-ky-1.html, truy cập 23/2/2020. 20. CBETA, T48, no. 2008, p. 351, c9-10.