Tác giả: Anam Thubten Rinpoche Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Buddhistdoor Global
Vai trò của nữ giới trong các tôn giáo thường không có địa vị như nam giới, thậm chí còn có lập luận cho rằng, tôn giáo thường đối kháng với nữ giới. Trong đạo Phật thì sao?
Đạo Phật luôn đồng hành bảo hộ quyền nữ giới và tôn vinh họ bằng cách thúc đẩy sự bình đẳng giữa tình nhân loại với nhau. Đây là một câu chuyện khá khó để đưa ra bởi một vài lý do nhưng bằng cách nhìn vào lịch sử trước đây và những giáo lý cơ bản của đạo Phật, chúng ta sẽ hiểu điều này thật chính xác. Khởi đầu bình minh ở tiểu lục địa Ấn Độ, đạo Phật xuất hiện không chỉ là một hình thái mới về tâm linh và một phần của phong trào Sa môn (sramana, 沙門) thách thức sự hình thành tôn giáo và tăng đoàn theo cách truyền thống, mà còn là một hiện tượng tâm linh mang lại sự tự do, bình đẳng giới, xóa tan những phong tục không vì sự phúc lợi chung của mọi người.
Khi cá nhân hay một nhóm người cố gắng chuyển hóa xã hội hoàn hảo hơn, sẽ luôn có những rào cản từ những người tìm thấy những lợi ích ích kỷ từ hệ thống xưa cũ.
Đức Thế tôn không chỉ là bậc Đạo sư tâm linh tuyệt hảo mà Ngài còn xuất sắc khi dẫn dắt và thách thức các quy ước xã hội để đưa ra phong trào mới.
Đức Phật tuyên bố: Con người từ mọi giai cấp, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, màu da…đều bình đẳng trong cộng đồng và có thể đạt thành quả giác ngộ.
Di mẫu của đức Phật, Nữ tôn giả Kiều Đàm Di (Đại Ái Đạo, Mahapajapati Gotami), vị nữ đầu tiên xuất gia, thụ Tỳ Kheo ni, thành Thánh đạo được hậu thế tôn vinh Thánh Tổ Ni. Thời cổ đại, một câu chuyện được ghi trong Thánh điển Phật giáo, việc này xảy ra như thế nào.
Tại công viên Nigrodha (Ni Câu Luật), di mẫu Kiều Đàm Di xin phép đức Phật được thế phát xuất gia làm Sa môn. Ba lần thưa thỉnh, Đức Như Lai Thế Tôn vẫn chưa chấp thuận. Sau đó, đức Phật cùng tăng đoàn rời Kapilavastu (Ca Tỳ La vệ) tiếp tục từng bước chân an lạc đến Vesali (Tỳ xá ly). Di mẫu quyết tâm giã từ lầu son gác tía, cung vàng điện ngọc, với năm trăm Thích nữ Hoàng gia, tự cạo tóc, quyết tâm theo chân Đức Như Lai Thế Tôn.
Thấu hiểu được sự quyết chí cầu tu học Phật pháp của di mẫu và 500 nữ nhân Hoàng tộc họ Thích, sau ba lần thưa thỉnh chính đáng của Ngài A Nan, Đức Như Lai Thế Tôn đã đồng ý chấp thuận cho nữ giới xuất gia với điều kiện suốt đời phải tuân thủ Bát kỉnh pháp (theo Kinh sách Phật giáo Đại thừa).
Ngay sau khi thụ Bát kỉnh pháp, Đức Như Lai Thế Tôn cho phép Tôn giả Kiều Đàm Di và với năm trăm Thích nữ Hoàng tộc thụ đại giới, trở thành những vị Tỳ kheo ni đầu tiên trong giáo đoàn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ mùa an cư kiết hạ năm ấy, Tăng đoàn Ni giới được thành lập dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Tổ Ni Kiều Đàm Di, tuân theo sự lãnh đạo của Đức Thích Ca Như Lai Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của Tăng đoàn Phật giáo.
Nhờ khéo tổ chức và trí tuệ của Đức Thánh Tổ Ni Kiều Đàm Di mà Tăng đoàn Ni giới nhanh chóng phát triển và lớn mạnh. Kể từ đây, chốn thiền môn, cửa giải thoát đã mở rộng cho mọi thành phần, giai cấp, giúp cho nữ giới vượt qua nhiều chướng duyên, tìm sự an tĩnh tâm hồn.
Tôn giả Kiều Đàm Di luôn tinh tấn tu học Phật pháp. Một lần, tại Tinh xá Kỳ Viên, đức Như Lai Thế Tôn xác chứng Thánh giả Kiều Đàm Di Đệ nhất kinh nghiệm, người sống an lạc, hạnh phúc giải thoát, an nhiên tự tại cõi Niết bàn, chứng quả vị A La Hán của bậc Thánh Tổ Ni trụ thế 120 xuân, Giới lạp 40 Hạ.
Ngày nay, chúng ta sẽ thấy việc nữ giới xuất gia là chuyện bình thường nhưng nếu chúng ta sống ở Ấn Độ thời cổ đại cách đây hơn 25 thế kỷ trước mới thấy được ý nghĩa của việc đức Phật đã ủng hộ quyền cho nữ giới là một cuộc cách mạng nữ quyền đầu tiên trên thế giới. Thông thường, trong lịch sử chúng ta có khuynh hướng phán đoán con người thông qua lăng kính thời đại mà chúng ta đang sống. Điều này có thể là một cách sai lầm cũng như hiểu một cách thiên kiến về bản chất tự nhiên phức tạp của các sự kiện trong quá khứ. Mặc dù còn có chỗ để chuyển hóa, mức độ về tự do, bình đẳng mà chúng ta trải nghiệm hiện nay không hoàn toàn là sự trùng hợp, nhưng là ảnh hưởng tổng hợp từ tất cả những thay đổi xảy ra trong lịch sử.
Đặc biệt Phật giáo Kim Cương thừa Mật tông đã tạo nên một phong trào quy mô ở phương Đông để trao quyền cho nữ giới bằng cách thách thức các thái độ tiêu cực của xã hội và tôn giáo.
Nhiều vị Thánh tăng trong Mật thừa Phật giáo xuất hiện với hình tướng là nữ giới thể hiện trí tuệ cao nhất như Đức Bồ tát Phổ Hiền (समन्तभद्रl, Samantabhadra), Hộ pháp Kim Cương Hợi Mẫu (वज्रवारारी, Vajrayogini), Hộ pháp Không Hành Mẫu (Krodikali) và Hộ pháp Sư Diện Mẫu (Singhamukha). Thậm chí không hề có sự ẩn ý dù nhỏ nhất về sự bất thường phân biệt nữ giới trong kinh điển thuần túy của Phật giáo Kim Cương thừa Mật tông.
Tôn giáo và văn hóa có thể ảnh hưởng và thậm chí chế ngự lẫn nhau. Nó đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc để phát hiện sự thuần túy của một tôn giáo trong bối cảnh văn hóa. Rất nhiều người cảm thấy rằng có sự bất bình đẳng về giới tính trong đạo Phật, đặc biệt là ở các xã hội Á Châu ưu tiên cho nam giới. Bây giờ chúng ta phải hiểu rằng đạo Phật không thiên vị nam hay nữ. Nó là một truyền thống dạy rằng, mọi người đều bình đẳng trong bản chất tự nhiên. Sự lo ngại là vấn đề văn hóa hơn là vấn đề của đạo Phật. Đạo Phật vì thế không chỉ là một tôn giáo ở quá khứ mà còn là một tôn giáo của tương lai.
Châu Á vẫn đang trong quá trình hiện đại hóa rất chậm, châu Á có cuộc cách mạng công nghiệp ở một số vùng, nhưng chậm hơn Châu Âu. Cuộc cách mạng công nghiệp là lực lượng để tạo ra một thế giới tự do được dẫn đầu bởi châu Âu và Bắc Mỹ - tất cả chúng ta đều phải đối phó với guồng quay này. Mặc dù một số quốc gia Châu Á đã tham gia vào vòng xoay của những đất nước tiên phong trên thế giới với sự khuếch trương về kinh tế, họ vẫn còn ở phía sau Châu Âu cả về các vấn đề chính trị và xã hội.
Trong truyền thống đạo Phật có rất nhiều vị sư là nữ giới, từ thời đức Phật cho đến thời đại ngày nay. Ví dụ, trong truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa Mật tông có một số vị Tỳ kheo ni chứng đắc đáng tôn kính. Hai vị Thánh Tăng nữ giới nổi tiếng đó là Trưởng lão ni Yeshe Tsogyal (777 - 837) và Trưởng lão ni Machig Labdron (1055 – 1145). Trưởng lão ni Yeshe Tsogyal, bậc trí tuệ đa văn sống vào thế kỷ thứ VIII khi ánh sáng đạo Phật từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng đã lan tỏa khắp đất nước của Ni trưởng. Ni trưởng không những là vị Trưởng lão ni đáng tôn kính mà còn là một trong những vị nữ giới đầu tiên ở Tây Tạng tu hành chứng Thánh quả.
Ni trưởng được trân trọng tôn quý sánh với những vị đạo sư khác như Đại thành tựu giả Milarepa (1052 - 1135), Đại thành tựu giả Longchen Rabjam (1308 – 1364) và Đại thành tựu giả Tsongkapa (1357-1419) những vị Thánh tăng sáng lập thế giới Mật tông Tây Tạng, Nữ hành giả Thành tựu giác ngộ Machig Labdron (1055-1152) bậc thượng thủ Truyền thừa pháp Chod Đại Ấn (Mahamudra Chod), góp phần phục Phật giáo vào thế kỷ 11 ở Tây Tạng. Những lời giảng dạy của Trưởng lão ni vẫn được nghiên cứu tu tập bởi các truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Thời đại ngày nay, có nhiều vị Tỳ kheo ni đến từ cả phương Đông và phương Tây. Tại Bắc Mỹ, có rất nhiều vị Tỳ kheo ni không thua kém Tỳ kheo nam. Họ có học thức rất tốt, nhân đạo và có tư duy tiến bộ, họ đang thay đổi cảnh quan trong tăng đoàn bằng cách chú trọng vào sự phát triển sự tỉnh giác của trí tuệ hơn là sự tranh luận vào việc bảo vệ những cấu trúc quyền lực cổ đại.
Đạo Phật ở Phương Tây có một hương vị đặc trưng được ảnh hưởng bởi văn hóa. Không ai biết rằng tương lai như thế nào; hầu hết mọi khuynh hướng đều đến và đi theo các quy luật. Thật tuyệt hảo để nhìn những khuynh hướng hiện hành tiếp tục và nó sẽ tiếp tục cho đến khi nào nó khỏa lấp được nhu cầu về tâm linh của con người trong xã hội đang diễn tiến và thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Tác giả: Anam Thubten Rinpoche Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Buddhistdoor Global
Bình luận (0)