Ban Trị sự GHPGVN Tp.Đà Nẵng Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Kính bạch… kính thưa… Kính thưa Đại hội.

Thật là hân hạnh cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Tp. Đà Nẵng khi tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc ngày hôm nay. Thay mặt toàn Ban, lời đầu tiên chúng con xin kính chúc chư Tôn Hoà thượng chứng minh, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự (HĐTS), chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự (BTS) sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành, quý Ban, Viện và toàn thể quý vị hiện diện trong Đại hội được vô lượng sức khoẻ, thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành và kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Kính thưa liệt quý vị!

Chủ đề tham luận của Ban Trị sự GHPGVN Tp. Đà Nẵng là “Vai trò của tự, viện Phật giáo trong đời sống đạo đức của người Phật tử”. Trong chủ đề này, chúng tôi xin đề cập đến 2 phần lớn:

Phần thứ nhất: Vai trò của ngôi chùa. Có 3 yếu tố quan trọng liên quan đến giáo dục đạo đức: 1) Ý nghĩa và mục đích xây dựng chùa; 2) Tu sĩ trụ trì: Người lãnh đạo cũng như quản lý chùa; 3) Phật tử tại gia: Nếp sống và đức tin - Đạo đức. Phần thứ hai: Những góp ý cho công tác xây dựng và quản lý chùa.

1. Vai trò của ngôi chùa.

1.1. Ý nghĩa và mục đích xây dựng chùa.

Như chúng ta đã biết, hình ảnh ngôi chùa rất là gần gũi và thân thương với hầu hết những người Phật tử và người có cảm tình với đạo Phật. Theo thiển ý của chúng tôi, từ ngàn xưa, chùa đã là nơi sinh hoạt chính của dân tộc Việt Nam, mà theo sử liệu để lại, chúng ta còn chùa Yên Phú - Hà Nội (TCN) nơi Ni sư Phương Dung - một tướng lĩnh của Hai Bà Trưng xuất gia tu học sau khi hai bà tuẩn tiết. Hoặc chùa Khai Quốc được xây dựng thế kỷ thứ VI do vua Lý Nam Đế sau này là chùa Trấn Quốc. Đến thời Đinh Lê Lý Trần thì chùa chiền được xây dựng khá nhiều, nhất là thời Lý thì chùa là nơi giáo dục, tu dưỡng đạo đức, học thuật cho chư Tăng cũng như tín đồ.

Chúng ta biết rằng, mỗi ngôi chùa là 1 trường học, bởi vì thời ấy chưa có trường, chưa có tầng lớp trí thức bao nhiêu ngoài các vị tăng sĩ. Ngôi chùa được xây dựng nên để thay thế trường học, để con em Phật tử có nơi giáo dưỡng, rèn luyện đạo đức. Các vị thiền sư thời ấy kiêm luôn cả giáo dục vừa dạy chữ, vừa dạy giáo lý, đạo đức cho tín đồ. Ngay cả vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) vốn là một chú tiểu ở chùa nhưng đã được đào tạo thành một ông quan, rồi trở thành một vị vua khai sáng triều Lý. Ngoài công tác chính là giáo dục đào tạo, ngôi chùa còn là nơi tín ngưỡng của dân chúng. Niềm tin vào Tam Bảo, vì Phật là bậc Giác ngộ có trí tuệ và từ bi lớn, giáo pháp là những giáo lý nhân quả, nghiệp báo luân hồi, nhân duyên sinh vạn pháp, ảnh hưởng của Phật sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Chư Tăng là những tu sĩ giữ vai trò truyền bá chính pháp, duy trì đạo đức, đem lại an vui và hạnh phúc cho nhân dân. Do đức tin thâm sâu vào đạo Phật, người ta đã lánh dữ làm lành theo thuyết nhân quả luân hồi như tục ngữ có câu: “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão”, hay “Ai ơi hãy ở cho lành / kiếp này không được, để dành kiếp sau”.

Các lễ hội Phật giáo hằng năm được tổ chức tại các chùa khá nhiều. Đặc biệt là “Thắng hội Vu Lan” là một trong lễ hội lớn của Phật giáo. Hầu như là cả tháng 7 âm lịch, mặc dù lễ chính là rằm tháng 7, được tổ chức theo kinh Vu Lan Bồn, lễ hội này được Phật tử và nhân dân thâm tín vì đây là lễ hội tri ân, báo ân, báo hiếu. Không những vì cha mẹ hiện tại mà cả cha mẹ nhiều đời. Không những vì bà con thân thuộc mà còn vì các loài khác như cô hồn ngạ quỹ. Người ta đã tin 1 cách thâm sâu cách báo hiếu Phật dạy qua kinh Vu Lan để cứu khổ cha mẹ đã quá vãng, đang trầm luân nơi ác đạo theo nghiệp quả mà mình phải nhận vì đã tạo nhân. Người ta biết rằng, phải giúp cha mẹ chuyển nghiệp bằng cách tạo nhân bố thí, cúng dường, đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ. Pháp môn ấy được tu tập, tổ chức và trở thành một lễ hội thù thắng trên khắp các chùa trong cả nước. Nên ngôi chùa thật sự là nơi đem lại an vui lợi lạc cho xã hội, gia đình và Tổ quốc.

Chùa Pháp Lâm, Q.Liên Chiểu, Tp.Đà Nẵng. Ảnh: St

Ngôi chùa còn là nơi tụ hội của dân làng, là nơi đem lại đoàn kết giống nòi của dân tộc Việt. Chẳng thế mà chúng ta thấy thời Lý thì dân tộc ta đánh Tống bình Chiêm, thời Trần thì chống Nguyên diệt Mông… Nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1872 - 1926) cũng nói: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng. Không có tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ giữ lấy cái riêng của mình, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy. Quân Nguyên thắng cả Âu, Á, nuốt trọn Trung Hoa, mà qua đến nước ta thì lại bại tẩu, nào bị cướp sáo ở Chương Dương độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng. Như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư, nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”. (VNPGSL của Nguyễn Lang, tập 3, trang 16).

2.2. Tu sĩ trụ trì - Người lãnh đạo và quản lý chùa và Phật tử

Để ngôi chùa là nơi quy hướng tín ngưỡng của quần chúng Phật tử, là nơi giáo dục đạo đức, là nơi từ thiện đem lại an vui lợi lạc cho nhân dân, ngôi chùa cần có một vị trụ trì xứng đáng, nghĩa là có thực tu, thực học, thực tài, có tâm xiển dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh. Như vậy, vị trụ trì trước hết phải là nhà giáo dục. Theo HT. Thích Thiện Siêu: “Trong giáo dục là sự truyền thọ kiến thức, đạo đức và kỹ năng cho người ta, khiến người ta thích nghi với cuộc sống, với thiên nhiên và xã hội. Về sau, giáo dục còn có nghĩa là khiến cho người ta có được khả năng sáng tạo, tự nhận biết mình và phát huy cái tốt vốn có của mình”. (GDPG trong thời hiện đại, trang 24).

“Sáng tạo, tự nhận biết mình và phát huy cái tốt vốn có của mình” theo chúng tôi, đó chính là mục tiêu giáo dục của Phật giáo. Vị trụ trì cần phải có các yếu tố ấy mới có thể phát huy được năng lực của chùa làm lợi lạc chúng sanh. HT. Thích Minh Châu trong phát biểu tại Hội nghị 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn đã nói: “Việc giáo dục và đào tạo của Phật giáo khởi sự từ những ngôi chùa. Đầu tiên, các vị cao tăng giảng dạy Phật pháp, khuyên dạy đạo đức, gây ý thức nề nếp sống hiền thiện cho quần chúng Phật tử. Giáo dục, đào tạo lớp tu sĩ kế thừa, truyền bá chính pháp. Như thế, ý nghĩa giáo dục và đào tạo đã được thực hiện nhằm vào đối tượng tu sĩ và cư sĩ Phật giáo. Trách nhiệm của vị trụ trì như vậy là rất rõ ràng. Ngôi chùa có được hoàn thiện mục đích của mình hay không. Phật giáo có được rạng rỡ hay không, Phật tử có được an lạc hay không, chính là ở vị trụ trì, đại diện cho Tam Bảo ở thế gian.

2.3. Phật tử tại gia

Đạo đức là nếp sống và đức tin. Phật tử tại gia, thuật ngữ Phật giáo gọi là cư sĩ, là những người mến Phật, thích Phật. Tuy ở nhà nhưng thường xuyên đến chùa tu tập, học Phật, lễ Phật. Những vị cư sĩ có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo với năng lực mà mình có. Để trở thành một cư sĩ, người ấy phải quy y Tam Bảo và giữ gìn, thực hành 5 giới hạnh. Quy y Tam Bảo là nương tựa, kính ngưỡng Phật, Pháp, Tăng. 5 giới hạnh là không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không dối gạt, không say xỉn. Đây chính là đạo đức căn bản của người Phật tử.

Đạo đức căn bản này được đặt trên tiêu chí “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (những điều mình không muốn xảy ra cho mình thì đừng làm cho người khác). Mình không muốn bị giết hại thì đừng giết hại kẻ khác. Kinh Pháp Cú, Phật dạy: “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ chết. Vì vậy chớ giết, chớ bảo người khác giết”. Đặc biệt ở giới hạnh thứ 5, Phật khuyên không uống rượu, không say xỉn là để bảo vệ tuệ giác, không để mất lý trí khi say sưa. Những tội ác do rượu gây nên không phải là ít, nhiều gia đình bị tan nhà nát cửa cũng từ rượu. Phần lớn tai nạn giao thông và những cuộc ẩu đả dẫn đến chết người cũng do rượu mà ra. Nên giữ gìn 5 tiêu chí này thì người Phật tử có đạo đức tốt đẹp. Các giáo lý Từ, Bi, Hỷ, Xả (Tứ Vô lượng tâm), Vô Ngã Vị Tha của Phật dạy cũng làm cho Đạo đức của người Phật tử sáng ngời. Người ta có thể hy sinh thân mình để cứu người cứu vật. Người ta có thể hoan hỷ, xả bỏ những tham chấp để tránh đi các phiền não khổ đau. Giáo lý đề cao sự thí xả như Tứ nhiếp pháp gồm Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự cũng làm cho đạo đức được tôn vinh và toả hương trong đời sống như kinh Pháp Cú dạy: “Hương các loại hoa bay theo chiều gió, hương người đức hạnh ngược gió khắp tung bay”. Ông bà cũng dạy: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng” để răn đe con cháu sống thiện, sống lành.

Người Phật tử đến chùa tu học, là sửa đổi những tính nết xấu thành tốt. Nếu đến chùa mà chỉ biết cúng lễ cầu xin, không biết Phật pháp để tu học, thì người không có đạo đức, mặc dầu là Phật tử. Nên phải đem đạo vào đời sống của mình để có đức. Nếp sống của người Phật tử là nếp sống đạo đức. Nguyễn Công Trứ trong bài Vịnh Phật đã cảnh báo: “Trong nhật dụng sao rằng đạo khác, cái luân hồi chẳng ở đâu xa. Nghiệp duyên vốn tại mình ra, trong vuông tấc đủ thiên đường địa ngục”. Người Phật tử cần có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo. Có niềm tin Tam Bảo, người ấy không rơi vào mê tín dị đoan. Phật dạy đạo lý quả nghiệp báo. Đây là chân lý của thế gian mà Phật ra đời hay không, nó vẫn vậy. Tin chắc vào nhân quả, người Phật tử sẽ tránh những điều xấu ác, làm việc hiền thiện, để không bị quả báo xấu và gặt được quả báo tốt. Chỉ cần sợ nhân quả là đã có đạo đức tốt, không hại mình hại người, an nhiên hưởng quả phúc, được người khen ngợi.

Chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Tp.Đà Nẵng

2. Những góp ý cho công tác xây dựng và quản lý chùa

Ngôi chùa như đã trình bày ở phần thứ nhất là quan trọng đời sống của dân tộc Việt Nam. Ngày nay với số lượng Tăng sĩ đông đảo, nhu cầu làm chùa càng thêm cấp thiết. Nhiều tu sĩ trẻ được đào tạo tại các trung cấp và đại học Phật giáo đã tốt nghiệp và mong muốn lập chùa để hành đạo, nhưng họ không đáp ứng được các yêu cầu của Hiến chương và Nội quy Tăng sự và các luật lệ của Nhà nước nên chỉ làm những am, cốc, thất nhỏ để tu tập. Rất mong Ban Tăng sự Trung ương nghiên cứu kỹ để các trường hợp của các am, cốc, thất để hướng dẫn cho các Tăng Ni đủ điều kiện để lập Chùa. Một ý kiến nữa, là Ban Tăng sự cần quy tụ những Tăng Ni đã tốt nghiệp cử nhân, tiến sĩ bổ nhiệm vào các chùa chưa có trụ trì để họ có thể đáp ứng được nguyện vọng của họ, đồng thời giúp đỡ cho Giáo hội có người quản lý, truyền bá chính pháp, lợi lạc quần sinh.

Tại các tỉnh thành, đâu đó vẫn có những ngôi chùa chưa sinh hoạt trong cơ chế Giáo hội, hoặc là chùa của tư gia, hoặc là của làng, nhưng họ tự quản lý và từ đó có những tệ hại, ảnh hưởng đến đạo đức và an ninh xã hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là Giáo hội đại diện cho Tăng Ni Phật tử 63 tỉnh thành trong nước cũng như ngoài nước. Không lý gì lại có những ngôi chùa ở ngoài Giáo hội và sinh hoạt độc lập. Nên Giáo hội cần có những vận động khiến cho họ tham gia sinh hoạt trong Giáo hội để cho sự lãnh đạo của Giáo hội được thống nhất, có kết quả tốt đẹp, đưa đến một Phật giáo Việt Nam vững mạnh, đem lại an vui lợi lạc cho đất nước, an bình cho xã hội và hạnh phúc cho muôn loài.

3. Kết luận.

Trong “Tình sông nghĩa biển” nhà thơ Trụ Vũ đã viết: “Việt Nam và Phật giáo, Phật giáo và Việt Nam, Nghìn năm xương thịt kết liền, Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng”. Thật là sự liên hệ mật thiết giữa xã hội và Phật giáo. Đó là sự liên hệ của Đạo đức. Giáo lý Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm đến đạo đức của dân tộc Việt Nam, mối liên hệ ấy được kết nối qua mái chùa mà nhà thơ Huyền Không đã viết: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Ngày nay, đạo đức đang suy đồi, từ trường học đến bệnh viện, từ gia đình đến xã hội. Những tệ nạn đang có mặt khắp nơi. Đó đây đang cảnh báo “Đạo đức xuống cấp”. Phật giáo với tư cách là một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, sống trong lòng dân tộc cũng phải gánh lấy trách nhiệm này. Không thể thờ ơ được nữa, nên mong sao các chùa, các cơ sở tự viện của Giáo hội hãy gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Mỗi chùa phải là một cơ sở giáo dục, mỗi chùa phải là chỗ nương tựa của đạo đức. Phật giáo có hàng chục ngàn ngôi chùa trên cả nước. Giáo hội cần có những chỉ đạo để các chùa làm tốt trách nhiệm của mình. Cuối cùng, chúng con một lần nữa, xin vấn an sức khoẻ đến toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni. Kính chúc các vị quan khách thân tâm thường lạc, các Phật tử sở nguyện như ý và kính chúc Đại hội Phật giáo toàn quốc thành công viên mãn./.

Ban Trị sự GHPGVN Tp.Đà Nẵng Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX