Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Vai trò của Trần Thái Tông trong việc xây dựng nền văn hóa Đại Việt thời Trần

Vai trò của Trần Thái Tông trong việc xây dựng nền văn hóa Đại Việt thời Trần

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tóm tắt: Kế thừa những giá trị tinh hoa từ triều đại nhà Lý, Trần Thái Tông đã thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng nền văn hóa Đại Việt thời Trần và là người đặt nền móng cho sự hình thành thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc dân tộc về sau. Ông là vị cư sĩ hộ trì chính pháp, đồng thời cũng là vị vua xây dựng đất nước thuần từ và hùng mạnh.

Từ khóa: thời Trần, Trần Thái Tông, văn hóa Đại Việt.

Nội dung
1. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thái Tông
2. Vai trò của Trần Thái Tông đối với Phật giáo thời Trần
3. Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo của Trần Thái Tông đến nền văn hóa Đại Việt thời Trần

1. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thái Tông

Nhận thấy bệnh nặng trầm trọng, vua Lý Huệ Tông không học theo cách vua Nghiêu, vua Thuấn hay vua Lý Nhân Tông đã làm là “truyền hiền không truyền tử”; quyết định truyền ngôi lại cho công chúa Chiêu Thánh Lý Phật Kim vào năm 1224, rồi về chùa Chân Giáo xuất gia tu học[10, tr.122]. Lúc bấy giờ, với quyền lực triều chính, Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đã bức ép vua Huệ Tông tự tử, đồng thời cho cháu mình Trần Cảnh kết duyên cùng nữ vương Chiêu Hoàng. Sau đó, Thủ Độ ép nữ vương nhường ngôi lại cho chồng (tức vua Trần Thái Tông sau này). Chính việc làm đó, Trần Trọng Kim nhận định rằng: “Thủ Độ thật là người gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một người đại công thần của nhà Trần”[10, tr.124]. Từ đó, triều đại nhà Lý khép lại, mở ra triều đại nhà Trần đầu thế kỷ XIII.

Trần Thái Tông tức Trần Cảnh (1218-1277) là con thứ của Trần Thừa, và là em trai của Trần Liễu. Theo tác phẩm Lược truyện các tác giả Việt Nam của Viện sử học ghi rằng ông sinh ngày 10/07/1218[22, tr.21], nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi là ngày 16/06/Mậu Dần (niên hiệu Kiến Gia thứ tám)[14, tr.1271]. Vì tuổi còn nhỏ nên việc triều chính giai đoạn đầu do Trần Thủ Độ và Trần Thừa cai quản. Suốt hơn 10 năm chung sống, Trần Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Hoàng vẫn chưa sinh một thái tử nào để kế vị. Năm 1236, nhân dịp giao cho Trần Thái Tông đảm nhận triều chính, Trần Thủ Độ yêu cầu phế Chiêu Thánh và cưới chị dâu Thuận Thiên đang mang thai ba tháng làm hoàng hậu. Sự kiện này cũng có phần giống với cuộc hôn nhân bất chính vào thời Tần (Trung Quốc) thể hiện qua việc Lã Bất Vi đem vợ mình (tức Triệu Cơ) đang mang thai dâng làm thiếp cho vua Doanh Dị Nhân. Việc làm này của Trần Thủ Độ chỉ nhằm mục đích duy trì cơ nghiệp đời Trần; đồng thời chắc chắn ông cũng đã thỉnh ý kiến của thái hậu Trần Thị Dung và vua Trần Thái Tông. Mùa xuân Đinh Dậu (1237), thể hiện lập trường của vị vua không chấp nhận việc làm sai trái này, Trần Thái Tông bỏ ngôi vị mà lên núi Yên Tử tu tập. Theo Thiền tông bản hạnh của Chân Nguyên ghi lại rằng: “Trúc Lâm Viên Chứng là thầy. Ra mừng hoàng đế nói bày thiền gia”[16, tr.274].

Bấy giờ, thái sư Thủ Độ và đại thần lên núi thống thiết thỉnh vua về, cùng với lời khuyên của quốc sư Viên Chứng rằng: “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được”[8, tr.6] nên Trần Thái Tông quay về hoàng cung, vừa trị nước vừa tu học Phật pháp. Sau khi lãnh đạo kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất thắng lợi (1258), ông nhường ngôi lại cho thái tử Trần Hoảng để chuyên tâm tu học Phật pháp trong suốt quãng đời còn lại và băng hà vào năm 1277.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Vu Tran Thai Tong 1

2. Vai trò của Trần Thái Tông đối với Phật giáo thời Trần

Thứ nhất là vị vua hộ trì Phật pháp, theo Đại Nam thực lục chính biên ghi rằng: “Năm Kiến Trung thứ 7 (1231), vua Thái Tôn sắc cho nhân gian vẽ hình Phật ở khắp các nơi công án và các nơi công chúng hội họp”[19, tr.150]. Qua việc làm này cho thấy trước khi lên núi gặp Quốc sư Viên Chứng thì Trần Thái Tông đã có niềm tin nơi Phật pháp nên mới ban hành lệnh như thế.

Năm 1237, đau buồn trước việc làm của chú ruột Trần Thủ Độ nên Trần Thái Tông trốn lên Yên Tử để tu tập thành Phật. Sự việc này cũng giống với việc thái tử Tất Đạt Đa nửa đêm vượt thành xuất gia học đạo tìm cầu chân lý để thoát khỏi khổ đau. Tất Đạt Đa đã tự thân nỗ lực thiền định và chứng ngộ thành Phật dưới cội Bồ đề[13, tr.60], còn vua Trần Thái Tông thì khác. Vua được quốc sư Viên Chứng khuyên: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài”[25, tr.25-28]. Nếu khi đó, vua không về lại hoàng cung cùng với những lời quả quyết của Trần Thủ Độ thì có thể cảnh đẹp núi rừng Yên Tử sẽ biến thành cung điện. Để chốn thiền môn yên tĩnh tu tập, ông đã từ bỏ chí nguyện tu tập ở Yên Từ mà trở về hoàng cung.

Đức Phật cũng từng khuyên một vị vua nên thực hành mười pháp sau:

1. Không tham tài vật, không sân hận.
2. Khéo nghe lời can ngăn của quần thần.
3. Biết bố thí.
4. Thu thuế đúng luật quy định.
5. Chỉnh túc việc phòng the.
6. Không để rượu mê loạn tinh thần.
7. Giữ uy nghiêm bậc quân vương.
8. Trị dân đúng pháp luật.
9. Hòa hợp với quần thần.
10. Sống tiết độ và chăm lo cho muôn dân[3, tr.291].

Trần Thái Tông đã thực hành mười điều đó, dẹp trừ tâm tham muốn chấp ngã. Mỗi ngày, ông luôn cảnh tỉnh tự thân rằng lấy ý muốn của mình làm ý muốn muôn dân, tâm mình hòa cùng tâm mọi người thì mới xứng đáng là “bậc làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai”[8, tr.67]. Ngoài việc triều chính, thay vì như nhiều vua khác thưởng ngoạn ca hát nhảy múa hoặc vui chơi với phi tần thì Trần Thái Tông lại chuyên tâm tu tập. Ông thường vấn đạo với các vị thiền sư để trau dồi kiến thức Phật pháp cho mình. Bằng sở học và sở tu, Trần Thái Tông đã dạy dỗ cho các hoàng tử và khuyến tấn muôn dân cùng tu học.

Năm 1249, ông cho trùng tu chùa Chân Giáo hình thành từ thời Lý. Bảy năm sau, Trần Thái Tông ra lệnh đúc 330 quả chuông treo ở các ngôi chùa. Chính điều đó, Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã nhận xét rằng: “Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông là những người có căn bản vững chắc về Phật học. Họ ủng hộ Phật giáo một phần vì họ là phật tử, một phần có lẽ vì muốn liên kết nhân tâm trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước”[11, tr.375].

Thứ hai là vị thiền gia sáng tác thi ca Phật giáo, trong Tương ưng bộ kinh, Đức Phật dạy Ma Ha Nam rằng: “Ai quy y Phật, này Mahànàma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ”[7, tr.760]. Sau khi trở thành vị cư sĩ hay thiền gia, Trần Thái Tông đã dành nhiều thời gian cho việc sáng tác văn thơ Phật giáo. Theo Thánh đăng ngữ lục, các tác phẩm của Trần Thái Tông gồm có Văn tập (1 quyển), Thiền tông Khóa hư (10 quyển), Chỉ nam ca (1 quyển), và nhiều tác phẩm khác. Nhưng hiện nay chỉ có Khóa hư lục được tìm thấy, còn Chỉ nam ca và Văn tập đều đều bị thất lạc[8, tr.50]; đồng thời các tác phẩm khác chỉ còn lại phần tựa được Nguyễn Lang liệt kê trong Việt Nam Phật giáo sử luận như Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi, Khóa hư lục, Kim cương tam muội kinh chú giải, Bình đẳng lễ sám văn, Thi tập[11, tr.225]. Phần tựa của các bản này được người đời sau đưa vào Khóa hư lục. Theo Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cho rằng Trần Thái Tông còn viết hai tác phẩm khác, đó là Triều đình thông phán (20 quyển) và Kiến trung thường lễ (10 quyển) nhưng đều bị thất lạc.

Thứ ba là người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời, trước xu hướng phát triển của đất nước, tâm nguyện của Trần Thái Tông là muốn thống nhất các thiền phái như Tỳ Ni Đa Lưu Chi (du nhập vào thế kỷ VI), Vô Ngôn Thông (du nhập vào thế kỷ IX) và Thảo Đường (du nhập vào thế kỷ XI) thành Phật giáo Nhất tông mang sắc thái Đại Việt. Mãi đến đời Trần Nhân Tông vào thế kỷ XIII, ba thiền phái này được sáp nhập lại thành Thiền phái Trúc Lâm đời Trần.

Để làm được điều đó, bản thân ông quyết tâm hành trì giới luật một cách nghiêm mật, chuyên tâm thực hành thiền quán. Ông đã trình bày phương pháp tu tập của mình với mọi người như sám hối sáu căn, thực tập thiền định và chuyên tâm niệm Phật để tìm về và sống với bản tâm thanh tịnh tự thân. Tinh thần giải thoát mà ông chủ tương đó là tu học Giới-Định-Tuệ, khế hợp với lời đức Thế Tôn từng dạy: “Vị Thánh đệ tử như vậy đầy đủ giới, như vậy đầy đủ định, như vậy đầy đủ tuệ, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”[5, tr.251].

3. Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo của Trần Thái Tông đến nền văn hóa Đại Việt thời Trần

Về phương diện chính trị và đời sống xã hội, Ngô Sĩ Liên đã nhận định về Trần Thái Tông trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: “Vua khoan dung đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập dựng kỷ cương, chế độ nhà Trần to lớn vậy”[12, tr.6]. Có được phẩm chất ấy là nhờ kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và vâng theo lời huấn từ của Quốc sư Trúc Lâm: “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình”[28, tr.24-27]. Lời dạy này khế hợp với với lời Đức Phật dạy về việc thực hành trải tâm từ: “Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”[4, tr.63]. Trần Thái Tông đã thể hiện tình thương vô ngã vị tha, sống đời thiểu dục tri túc, xứng đáng là “con người thật không địa vị”[26, tr.78]. Lấy từ bi làm tôn chỉ, ông đem hết sức lực và trí tuệ của mình cống hiến cho quốc gia Đại Việt.

Năm 1242, 24 lộ của thời Lý được gom thành 12 lộ. Dưới lộ có huyện, hương và xã. Trung ương thì lập các cơ quan như Thẩm hình viện, Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Thái y viện,… còn ở địa phương thì lập An phủ sứ, Hà đê sứ, Đại tư xã, Tiểu tư xã[15, tr.189],…. Ông ra lệnh cho xây Viện Tả Nhai để các vương hầu và quan lại đến đến học Phật pháp và quy định lương bổng các cấp quan một cách rõ ràng. Ông kêu gọi toàn dân đắp đê ngăn chặn lũ lụt mất mùa của nhân dân; đồng thời khuyến tấn mọi người phát triển kinh tế và dự trữ lương thực cho chiến tranh. Năm 1256, vua Trần Thái Tông sắc lệnh cho phép bán ruộng nhà nước thành ruộng đất cá nhân. Năm 1266, vua cho phép các vị hoàng tộc lập điền trang riêng bằng việc tuyển chọn các nô tỳ và những người dân nghèo đi khai khẩn[1, tr.510].

Về giáo dục và tôn giáo, nhân tài cho quốc gia cần phải hội đủ hai yếu tố: thứ nhất có học vấn và nhân cách tốt; thứ hai có phẩm hạnh và tu tập Phật pháp[8, tr.68]. Năm 1230, ông ban hành Quốc triều thông chế (20 quyển) nhằm cai trị và phát triển đất nước Đại Việt ngày một hưng thịnh. Năm 1232, vua cho mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên; sau đó mở Lại viên tuyển người cấp dưới. Tiếp nối truyền thống thi cử từ thời Lý, ông đã tổ chức khoa thi tam giáo tuyển chọn những vị tài đức, am hiểu giáo lý của Nho, Phật và Lão để cống hiến cho triều đình. Ông còn đặt ra các danh hiệu đạt được trong kỳ thi như Trạng nguyên, thám hoa và bảng nhãn,.. từ năm 1247. Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông cho xây trường học Quốc học viện và nơi binh sĩ luyện tập võ tại Giảng võ đường.
Ông đã đem Phật pháp chỉ dạy cho mọi người tu tập, tiêu biểu như sám hối sáu thời, thực hành mười thiện nghiệp, tu tập niệm Phật,… giúp cho ba nghiệp được thanh tịnh, mà trong kinh Pháp cú có ghi rằng:

Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy[6, tr.68].

Trong kinh Sự kiện cần phải quán sát, đức Phật đã dạy rằng: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa”[5, tr.672]. Trần Thái Tông đã khuyến tấn mọi người sám hối sáu căn của mình và thực hành mười điều thiện được ghi chép trong tác phẩm Khóa hư lục. Nguyễn Duy Hinh từng nhận định về Khóa hư lục là bộ kinh nhật tụng răn đe con người không tham lam của cải, sắc đẹp, rượu nồng thịt béo, công danh phú quý…, bởi do lòng tham đó mà con người phải gánh chịu khổ đau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Pho Minh Nam Dinh 1

Chùa Phổ Minh, Nam Định. Ảnh: St

Một trong những pháp chuyển hóa tham lam mà trong kinh Tăng Chi dạy rằng: “Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhấtt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật”[5, tr.67]. Phật giáo thời kỳ đầu du nhập vào Việt Nam, trước sự vặn hỏi của Nho giáo và Lão giáo, Mâu Tử đã định nghĩa chữ Phật trong điều 2 của Lý hoặc luận như sau: “Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh”[18, tr.178]. Đến thời Lý, y cứ vào các bản kinh của Phật giáo Đại thừa cùng với quan điểm “tùy tục” của mình, thiền sư Thường Chiếu đã bảo rằng: “Rõ tâm mình mà tu đạo thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mà tu đạo thì chỉ phí công vô ích mà thôi”[17, tr.238-239]. Kế thừa những tinh hoa đó cùng với lời dạy của Quốc sư Viên Chứng, Trần Thái Tông bảo rằng: “Thân ta, tức là thân thân Phật, không có hai tướng”[2, tr.109]. Với quan điểm “biện tâm” đó, Trần Thái Tông đã khuyến khích mọi người tu học Phật pháp, không phân biệt giai cấp, nghề nghiệp hay giới tính; chỉ cốt tuệ tri và trau nhiếp tâm mình để tỉnh giác an lạc trong cuộc sống.

Về quân sự, năm 1239, vua ban lệnh tuyển chọn người vào quân đội. Đến năm 1246, Trần Thái Tông tổ chức lại hệ thống quân đội từ quân Cấm vệ và quân Túc vệ ở kinh thành cho đến quân Tứ sương ở các địa phương[15, tr.192]. Đặc biệt, các quân sĩ đều khắc trên bụng tám chữ “Nghĩa dĩ quyên sinh, hình vu báo quốc” mà Huỳnh Công Bá dịch là “vì nghĩa sẵn sàng hy sinh, hình dung ở chỗ đền nợ nước”[1, tr.551]. Không những ngồi trên ngai vị, mà Trần Thái Tông còn đích thân trở thành vị tướng quân cùng quân lính xông pha nơi trận mạc, vận động toàn dân đánh giặc “chiến trường là thiền đường”. Trước sự cướp phá và lấn đất Đại Việt, ông tiến quân chinh phạt nước Chiêm Thành vào năm 1252. Còn nước Ai Lao có phá rối ở biên giới, vua Thái Tông cũng đánh nhưng không xâm lấn để nước kia biết mà quy hàng vào năm 1240.

Ông cùng thái tử Trần Hoảng chỉ huy quân đội đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), đặt nền tảng cho cuộc kháng chiến lần thứ hai của Trần Thánh Tông (1285) và lần thứ ba của Trần Nhân Tông (1288) thắng lợi. Chính điều đó, giới sử học đều thừa nhận rằng: “Triều Trần là một trong những cường quốc của Đông Nam Á, lừng danh với ba trận đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên”[21, tr.130]. Sau thắng lợi năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi lại cho thái tử Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông), và dạy cho Thánh Tông cách thức cai trị đất nước.

Về thân tộc, trước cảnh thái sư Trần Thủ Độ quyết truy giết nhóm phản loạn do Trần Liễu dẫn đầu, Trần Thái Tông đã cứu anh mình bằng việc khuyên bãi binh và phong cho chức An Sinh vương cai quản các vùng đất An Sinh, An Dưỡng và An Bang. Đối với con cháu hoàng tộc, ông viết bài minh răn nhắc các hoàng tử phải sống trung hiếu, ôn hòa, từ tốn, hiền lương, cung kính và cần kiệm; đồng thời cảnh tỉnh chúng rằng: “Há lại không biết mầm giác ngộ ai ai cũng có tròn đầy, sao lại không hay trí tuệ Bát nhã người người đều có đẩy đủ”[28, tr.62].

Về giá trị kiến trúc, theo Việt sử thông giám cương mục ghi rằng: “Năm Nhâm Tuất, Thiệu Long thứ 5 (1262), thượng hoàng Trần Thái Tông đến chơi hành cung ở Tức Mặc, và đổi làng Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang để cho các vua đã nhường ngôi rồi về ở, phía Tây cung dựng chùa Phổ Minh; lại dựng riêng cho vua đương kim khi đến chầu thượng hoàng thì đến ngự ở đó, gọi là cung Trùng Hoa”[24, tr.418]. Trong Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIX của Nguyễn Khắc Thuần cũng ghi vua Thái Tông trùng tu chùa Phổ Minh[21, tr.493]; nhưng trong Việt Nam Phật giáo sử lược của Mật Thể lại ghi là chùa Phổ Ninh[19, tr.154]. Có thể do Mật Thể ghi nhầm hoặc do lỗi đánh máy, vì chùa Phổ Ninh thuộc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), còn chùa mà thời Trần tu bổ là chùa Phổ Minh. Ngoài ra, Trần Thái Tông còn cho trùng tu Quốc Tử Giám (1943) và chùa Một Cột (1949), tô đắp tháp Bảo Thiên (1258)[1, tr.573-74]; tô lại tượng Khổng Tử, Chu Công và khắc hình 72 vị tiên hiền (1253),…

Theo sự khảo cứu của Chu Quang Trứ, năm 1262, vua Trần Thái Tông đã cho chạm những con sấu theo kiểu thời Lý một cách trau chuốt, nhưng bỏ đi những bông hoa phủ khắp trên thân con vật[25, tr.80]. Ngoài ra, ở lăng thái sư Trần Thủ Độ có tạc tượng hổ – tượng sớm nhất từ khi đất nước độc lập năm 938 cho đến nay: “Tượng dài 143cm, cao 75 cm, rộng 64 cm. Trong tư thế nằm dễ chồm dậy, các chân được gấp đưa về đằng trước, cái đuôi dài cũng quặt về cùng phía xuôi chiều để cùng hòa đồng một tuyến. Bờm tóc được chải xuống gáy tỏa về hai bên rất mượt”[25, tr.90]. Phía trước bàn thờ Trần Thủ Độ có ghi:

Công đáo vu kim bất đãn Trần gia nhị bách tải.
Luận định thiên cổ kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.

được Hoa Bằng dịch là: “Công đức của ông để lại mãi dến ngày nay, chẳng những chỉ bó hẹp trong hai trăm đời Trần. Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam”[14, tr.1265-66].

Hai cây cột ở hàng hiên của lăng Trần Thủ Độ ghi là:

Danh chấn nam thiên lưu tại sử.
Uy dương Bắc địa tích do Trần.

Dịch là:

Tiếng tăm vang động trời Nam, đề trong sử sách
Uy thế được nêu cao ở đất Bắc, sự tích từ họ Trần[14, tr.1266].

Về văn học Việt Nam, tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông được nhà Phật học Thiều Chửu đánh giá rằng: “Thực là một bộ kinh cứu khổ cho đời, trong kho sách Phật nước nhà, có lẽ bộ này là hoàn toàn đặc sắc hơn cả, cho nên dịch giả kêu là Kinh khóa hư thì có lẽ hay hơn”[27, tr.143]. Không gian trong Khóa hư lục không phải huyền diệu với các thi sĩ thời Lý mà nó rất gần gũi với đời thường: “Hoặc thiêu đốt núi rừng, hoặc tát ca khe suối, Buông chài bủa lưới, đuổi chó thả chim. Thấy nghe tủy thích, nghĩ ra là làm; cử động xoay vần đều là tội cả”[28, tr.207-08].

Khóa hư lục là một luận thuyết tôn giáo được viết bằng bút pháp “tả thực” dưới góc độ thiền học. Khác với thiền gia thời Lý, Trần Thái Tông sử dụng ngữ lục, phổ thuyết, 43 bài niêm tụng kệ, và trong đó thi kệ đậm chất trữ tình tạo sức lôi cuốn đối với hành giả tu học và các học giả nghiên cứu. Chính điều đó, Nguyễn Phạm Hùng nhận định rằng: “Mối quan hệ giữa thiền ngữ và thi ca trong thơ Trần Thái Tông nhìn chung là chặt chẽ và thống nhất. Thơ ca chỉ là phương tiện của thiền ngữ. Song nhiều khi nó vượt ra khỏi thiền ngự, có giá trị tự thân nhất định”[9, tr.327]. Ngoài ra, Trần Thái Tông còn dùng hình ảnh con cò, chim oanh vàng,… trong sáng tác của mình, hướng đến sự giải thoát:

Cò trắng xuống ruộng ngàn điểm tuyết,
Oanh vàng trên cây một cành xuân[23, tr.189].

Tóm lại, nhờ sự khai thị của quốc sư Trúc Lâm, Trần Thái Tông nỗ lực tu học, hộ trì Phật pháp và khuyến tấn mọi người sống thiện. Ông được xem là bó đuốc của thiền học Việt Nam – người đặt nền móng cho sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc Việt trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông đã xây dựng quốc gia Đại Việt thuần từ, từ triều chính đến đời sống muôn dân. Chính sự gắn kết bằng tình thương của bậc quân vương đã tạo nên sức mạnh chiến thắng quân Nguyên-Mông lần thứ nhất, bảo vệ bờ cõi trước sự quấy phá của xứ Ai Lao (tức nước Lào) và xứ Champa (Chiêm Thành). Ông đã ra sức tu bổ lại và xây thêm một số hạng mục ở các thắng tích Phật giáo và Nho giáo. Và hơn hết, ông đã trước tác rất nhiều tác phẩm văn học Phật giáo với thủ pháp tả thực và triết lý Phật pháp, nhưng đa phần đều bị thất lạc. Trong số các tác phẩm, Khóa hư lục đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc từ xưa đến nay.

Thích Thiện Mãn – Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

———————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Công Bá (2016), Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Minh Chi (2003), Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, HN.
3. ĐTKVN (1998), Kinh Tăng Nhất A-hàm, tập 3, VNCPHVN ấn hành.
4. ĐTKVN (2017), Kinh Trung bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN.
5. ĐTKVN, Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, 2018.
6. ĐTKVN (2018), Kinh Tiểu bộ, tập 1, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN.
7. ĐTKVN (2018), Kinh Tương ưng bộ, tập 5, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN.
8. Thích Phước Đạt (2019), Trần Thái Tông và Khóa hư lục nhìn từ góc độ văn học, Nxb. Hồng Đức, HN.
9. Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên hành trình văn học trung đại, Nxb. ĐHQG Hà Nội.
10. Trần Trọng Kim (2006), Việt Nam sử lược, Nxb. Thanh Hoá.
11. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, HN.
12. Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Viện sử học dịch, Nxb. KHXH, HN.
13. Thích Thánh Nghiêm (2013), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí (dịch), Nxb. Phương Đông.
14. Nhiều tác giả (2007), Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, HN.
15. Hà Văn Tấn (2018), Sự sinh thành Việt Nam, Nxb. Thế giới, HN.
16. Lê Mạnh Thát (1980), Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, TP.HCM.
17. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP.HCM.
18. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. TP.HCM.
19. Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Tôn giáo, HN.
20. Nguyễn Khắc Thuần (2002), Nước Đại Việt thời Lý-Trần, Nxb. Thanh niên, TP. HCM.
21. Nguyễn Khắc Thuần (2010), Tiến trình văn hoá Việt Nam từ khởi thuỷ đến thế kỷ XIX, Nxb. Giáo dục Việt Nam, HN.
22. Nguyễn Đăng Thục (1971), Thiền học Trần Thái Tông, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
23. Trung tâm nghiên cứu quốc học (2009), Thiền tông khóa hư ngữ lục, Nxb. Văn học, HN.
24. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý-Trần, Nxb. Mỹ Thuật, HN.
25. Chu Quang Trứ (2016), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb. Mỹ Thuật, HN.
26. Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam: Một hướng tiếp cận, Nxb. KHXH, HN.
27. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2010), Phật giáo đời Trần, tập 3, Nxb. Tôn giáo, HN.
28. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. KHXH, HN.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường