Thích Trí Phước Lớp Cao học khóa III - Học viện Phật giáo Việt Nam Tp.HCM

Tóm tắt: Thế kỷ XVII, Việt Nam bước vào giai đoạn đầy biến động trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị, văn hóa xã hội. Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628 - 1715) xuất hiện vào giai đoạn này. Bối cảnh lịch sử rối ren là nhân duyên tạo nên một cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII.  Bài viết chỉ ra những cống hiến của thiền sư Minh Châu Hương Hải trong công cuộc củng cố và phát triển Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là dòng phái Trúc Lâm Yên Tử..

Từ khóa: Thiền sư, Minh Châu Hương Hải, Phật giáo Việt Nam, vai trò, Phật giáo Trúc Lâm, Trúc Lâm Yên Tử,...

1. MỞ ĐẦU

Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ II, đến đầu thế kỷ XIII xuất hiện dòng phái mới do người Việt sáng lập; đó là Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Hơn hai thế kỷ sau, thiền sư Minh Châu Hương Hải (thiền sư Hương Hải) là một trong số ít những vị đã khôi phục và phát triển dòng Thiền này. Đặc biệt, dấu ấn và sức ảnh hưởng của thiền sư Hương Hải không chỉ lúc bấy giờ, mà còn là mấu chốt đem đến sự nối tiếp mạng mạch của Phật giáo Trúc Lâm từ đó đến nay. Bài viết này, chủ yếu làm rõ vai trò của thiền sư Hương Hải đối với Phật giáo Việt Nam đặc biệt là việc kế tục, phát triển dòng phái Trúc Lâm Yên Tử.

2. NỘI DUNG

2.1. Xây dựng nền Phật học và Thiền học, thiết lập đời sống Đạo trên tinh thần Việt hóa đạo Phật

Thiền sư Hương Hải là người có cống hiến rất lớn trong giai đoạn đầu về việc đưa số lượng lớn chữ Nôm vào công tác truyền bá đạo Phật trên phương diện văn tự hướng theo thuần Việt, thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc. Từ đó, cho thấy Thiền sư Hương Hải không những đóng góp về mặt văn học, mà còn về sự phát triển ngôn ngữ dân tộc.

Một điều quan trọng hơn là chính trong những tác phẩm chữ Nôm ấy, thiền sư Hương Hải đã kết hợp tinh hoa Phật giáo thời Trần và bổ sung thêm phương pháp cụ thể khi hành đạo cứu nhân độ thế. Đó là những tư tưởng về dung hợp tam giáo; dung hợp giữa Thiền tông và Tịnh độ; tinh thần nhập thế tích cực với các tư tưởng như tùy duyên tùy tục, trung hiếu, con đường Bồ Tát hạnh; đặc biệt vận dụng các tư tưởng ấy hướng đến thiền giáo song hành và vận dụng đồng thời cả đốn - tiệm trong tu tập lẫn hoằng pháp độ sinh.

Hơn thế nữa, những cống hiến của sư không những làm đạo pháp hưng thịnh trường tồn, mà còn, thể hiện tinh thần đặc trưng của Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay.

Khoảng 1667, bắt đầu phát triển “Thiền Tịnh Viện”, sư Hương Hải đã khôi phục nền Phật giáo trúc Lâm, nền Phật giáo thuần Việt, thổi vào tâm tư mỗi người dân một nếp sống Đạo, hướng về văn hóa dân tộc Việt.

Chính vì thế, ở Đàng Trong, các tầng lớp từ cao xuống thấp đều thấm nhuần đời sống đạo đức Phật giáo. Điều đó, giúp họ tự quán chiếu và hóa giải được những hiềm khích bên trong nội tại mỗi người, đem lại tinh thần đoàn kết dân tộc.

Cùng với sự phát triển của tổ đình Bửu Lâm ở Đồng Tháp đã lan tỏa tư tưởng thiền sư Hương Hải khắp miền Nam từ đời tổ Thiện Châu về sau lại càng chứng minh người Đàng Trong đã tiếp nhận dòng Đạo này, mặc dù có những giai đoạn không có sư ở đó.

Chùa Nguyệt Đường, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: St

Kết hợp với quá trình hoằng pháp thành công của sư ở Đàng Ngoài, cụ thể là đạo tràng chùa Nguyệt Đường cũng được lan truyền tiếp nối đến những đời về sau.

Đặc biệt, trong việc sử dụng chữ Nôm hướng đến tư tưởng độc lập tự chủ và thống nhất của người Việt trên phương diện văn tự ngôn ngữ, đã góp phần truyền bá tư tưởng yêu nước đến người dân Việt. Từ đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong mỗi cá nhân, tập thể, vùng miền, lãnh thổ với nhau. Điều đó góp phần làm vơi đi những hiềm khích trước đó, nhất là những tổn thương bên trong mỗi người ở cả hai Đàng sẽ được chữa lành lại và cũng tạo nên một đời sống đạo thuần Việt với tinh thần đoàn kết mạnh mẽ hơn.

Chính vì thế, ở cả hai Đàng đều thấm nhuần tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Trúc Lâm. Nó đem lại giá trị sống chuẩn mực cho người Việt với các tinh thần làm thiện, bố thí, thương yêu người khác, tôn trọng phép nước, kính cha mẹ, thờ vua… thể hiện rõ tinh thần nhập thế giúp dân, giúp nước nói chung và đạo pháp hưng thịnh nói riêng. Điều đó, đồng nghĩa với việc hóa giải được mâu thuẫn nội tại giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Trong nhân duyên hoằng pháp đầu tiên, sư đưa ra phương thức trị bệnh là không sử dụng thần thông, mà hướng về hoạt động thường nhật trong thiền môn nước Việt là tụng kinh, bái sám hóa giải nghiệp chướng. Đặc biệt, nhắc đến từ “gia tiên”, là từ gần gũi của dân Việt, ăn sâu vào tâm thức người Việt, lúc nào cũng hướng về cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ. Đó là tinh thần hiếu đạo của dân tộc Việt, tư tưởng này được bắt gặp trải dài trong suốt quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Tinh thần tùy duyên tùy tục trong các sự kiện như chuyên tu khổ hạnh ở đảo; tuy rằng liễu ngộ thiền, nhưng vẫn tùy thuận dùng phương tiện chữa bệnh cho người cần; quán nhân duyên ra Đàng Ngoài khi hết duyên ở Đàng Trong; hiểu thời cuộc tùy thuận vẽ bản đồ; đi đến đâu từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài trước khi ra hoằng pháp lợi sinh thì thiền sư Hương Hải chuyên tu tập trước (tự độ), rồi sau mới ra giúp chúng sinh,… một lần nữa cho thấy, giữa thơ văn và hành động thực tế của sư mang tính thống nhất.

Tiếp theo, hạnh Bồ Tát được sử dụng hầu hết trong quá trình hoằng pháp, nổi bật là tu tập thí pháp như những lần lập đàn chữa bệnh, cầu tự, thuyết pháp; dịch giải kinh sách và trước tác thơ văn Thiền theo nhiều thể loại hướng theo Phật giáo Việt Nam, bởi muốn phổ cập khắp quần chúng như trên đã nói. Cho đến, tạo dựng hai trung tâm Phật giáo nổi tiếng lúc bấy giờ theo mô hình Phật giáo nhập thế đời Trần. Đây là tính thuần Việt của tinh thần Bồ tát này.

Đến tư tưởng đốn tiệm và thiền giáo song hành, Sư đều được áp dụng rõ từ việc tu chứng tại đảo, đủ duyên ra độ sinh, hết duyên đi ra Đàng Ngoài cho đến quá trình tiếp xúc với vua, chúa, quan lại, hoàng tộc… đã dùng đủ mọi phương tiện, tùy thuận chúng sinh, nhập thế tích cực.

Toàn bộ những cống hiến nêu trên của thiền sư Hương Hải cho đạo pháp và dân tộc đã tạo ra bước ngoặt lớn cho Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XVII đầu thể kỷ XVIII. Trên tinh thần đó, Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn sau tiếp tục truyền thừa mạng mạch ấy, phát triển và xiển dương.

2.2. Đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn sau

Sau khi thiền sư Hương Hải viên tịch, di sản mà ngài để lại không chỉ gồm các tăng tài, các trước tác, mà còn cả hệ thống các chùa có ảnh hưởng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp từ cuộc đời hoằng pháp của ngài. Theo sách chùa Bửu Lâm, trên bàn tổ chùa, các long vị thể hiện như sau:

Thứ nhất, một mạng lưới phân bổ rộng khắp ở Nam bộ của dòng Đạo Bổn Nguyên như Tổ Án Mật Hoằng, Tiên Giác Hải Tịnh, Tiên Kiên Từ Tâm[1], Hồng Thanh, Nhật Quang, Hòa thượng Chơn Thới[2]… Đặc biệt, có liên quan đến tổ đình Giác Lâm, vào thời tổ Tiên Giác Hải Tịnh (1788-1875) đã đào tạo tăng tài đi trụ trì các chùa khắp Nam bộ; trong đó, có đưa về chùa Bửu Lâm trụ trì. (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 133)

Điểm trùng khớp là sau khi hai thầy trò sư Tánh Nhẫn viên tịch thì chùa khuyết trụ trì đến đầu thế kỷ XX mới có thiền sư Minh Thông - Hải Tuệ (1815-1907), thuộc phái Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên, đời thứ 38 về trụ trì. Ngoài ra, còn có bài vị một số thiền sư như Minh Chức, Như Liễn, Như Linh. (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 132)

Thứ hai, khá nhiều mối liên hệ với dòng Đạo Bổn Nguyên, đời thứ 38 trong khu vực chùa thuộc tỉnh Đồng Tháp, như thị xã Cao Lãnh có chùa Kim Quang[3] - xã Hòa An, chùa Hội Khánh[4] - xã Tịnh Thới, chùa Hòa Long[5] - phường 4; thị xã Sa Đéc có chùa Phước Hưng[6]; huyện Châu Thành có chùa Linh Chiếu[7] - Xã Tân Bình; huyện Lấp Vò có chùa Thiên Phước và chùa Linh Thứu thuộc xã Hội An Đông[8]. (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 133)

Những tư liệu trên thể hiện giá trị lịch sử về sự xuất hiện khá sớm của tông Lâm Tế tại đây.

Ngoài ra, chùa Bửu Lâm còn mang lại giá trị văn hóa Phật giáo quan trọng như nghệ thuật tạc tượng thờ và kỹ thuật in trên bản gỗ đã lưu lại nhiều loại sách chữ Hán và chữ Nôm (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 133).

Đặc biệt, trong các sách còn tại chùa với nhiều hình thức như chép tay, in trên bản đồng hay bản gỗ…; trong đó, bao gồm nhiều thể loại kinh, luật, luận - có cả sách luận giải “Hoa Nghiêm nguyên nhân luận giải tự” bằng chữ Hán và sách viết bằng chữ Nôm - nội dung viết về Thuyết sanh tử. (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 134) Từ đó chứng minh, tổ Tánh Nhẫn có truyền lại tư tưởng của Phật giáo Đại thừa như kinh Hoa Nghiêm, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Kim Cang…

Về tạo tượng, chùa Bửu Lâm sáng tạo trong việc dùng mây rừng làm cốt tượng, đắp cỏ tranh trộn bùn bên ngoài, tuy thô sơ nhưng rất bền. (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 133)

Về các loại ấn như “ấn tam bảo, ấn trụ trì, ấn ông Tiêu (Tiêu Diện Đại sĩ) - hiện vẫn còn được lưu giữ” (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 134), thể hiện sinh hoạt thiền môn đặc thù ở vùng đất Nam bộ, là tín ngưỡng cầu an, cầu siêu, các nghi lễ cúng chẩn tế.

Kết nối các sự kiện trong cuộc đời của Thiền sư Hương Hải và chùa Bửu Lâm có thể suy luận hai vấn đề sau: Một là, dù không tìm thấy tài liệu nhắc đến việc sư Hương Hải dịch giải kinh điển hay trước tác tác phẩm thơ văn nào thời gian ở Thiền Tịnh viện từ 1667-1682 (khoảng 15 năm), nhưng sư đã tạo ra dấu ấn mạnh mẽ trong quá trình hoằng pháp, độ sinh. Bằng chứng là Thiền Tịnh viện đã trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng nhất lúc bấy giờ ở Đàng Trong và ngay sau khi sư ra Đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã phải thỉnh các sư từ Trung Hoa sang và lúc này tông phái Lâm Tế mới thực sự phát triển.

Hai là, tổ Tánh Nhẫn đã tiếp nối tư tưởng thiền sư Hương Hải ở Đàng Trong làm cho Phật giáo Trúc Lâm tiếp tục dòng chảy, chuyển mình, khoác chiếc áo mới với tên dòng Lâm Tế, mà bên trong chất liệu của thiền phái Trúc Lâm nhà Trần: “Chùa Bửu Lâm… thể hiện được tính chất phong phú, đặc thù của Phật giáo Việt Nam, đó là tinh thần nhập thế… năng động của các thiền sư thuộc dòng phái Trúc Lâm Yên Tử… cũng được thể hiện qua việc đồng thời bao hàm cả ba yếu tố Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông… Sự sáng tạo, tính đa dạng trong cách thức tiếp nhận tinh hoa Phật giáo… làm cho đạo Phật ở Việt Nam luôn đi với đất nước và dân tộc” (Trần Hồng Liên, 2003, tr. 136).

Sự tiếp nối Thiền sư Hương Hải ở Đàng Trong còn thể hiện qua những dữ kiện lịch sử về chùa Bửu Lâm trong giai đoạn sau (Lệ Nhật, 2016), (Lê Khánh Hòa, tr. 18), (Thích Như Niệm và Đinh Thu Xuân, 2016, tr. 31):

Theo Lệ Nhật nhận định, hòa thượng Phổ Lý đóng vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam bên cạnh hai vị chủ chốt là Hòa thượng Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu. Điển hình, khi theo phái đoàn của sư Thiện Chiếu ra miền Trung và miền Bắc vận động các chùa tham gia phong trào, sư Phổ Lý tìm được tông tích của tổ Tánh Nhẫn vào năm 1929; và ngài nằm trong những vị đầu tiên hăng hái tham gia. Ngoài ra, căn cứ vào những gì còn lưu lại ở chùa Bửu Lâm, cho biết hệ thống truyền thừa của chùa từ đời 33 (1622-1714) đến đời 41 (1919-1989); trong đó, Như Liển - Phổ Lý (1868-1948) thuộc Lâm Tế chính tông, đời thứ 39. (Lệ Nhật, 2016)

Theo bài “Tự trần” trên báo “Pháp Âm” hòa thượng Khánh Hòa thuật lại rằng: “… Bấy giờ có hòa thượng ở chùa Bảo Lâm, Cái Bè, Sadec, (Cái Bèo ngày nay) động chút thương tâm, buộc thầy phải đôi dòng tầm tã” (Lê Khánh Hòa, tr. 18).

Hai dữ liệu trên, thể hiện sư Phổ05 Lý đóng góp không nhỏ trong phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ, với cách xưng hô “thầy” của hòa thượng Khánh Hòa đối với sư cùng với dẫn chứng nêu trên trong bài “Tự trần” đã chứng tỏ sư có tâm với Phật pháp và là một trong những người gần gũi và tham gia cùng với hai vị được tôn xưng là những vị có công vô cùng lớn trong phong trào chấn hưng đầu tiên ở Việt Nam; cũng như đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam về sau này.

Điều đó, đúng như Nguyễn Hữu Phúc đã nhận định “Nếu không chấn hưng thì Phật giáo Việt Nam tất sẽ bị suy diệt do sự suy giảm uy tín và ảnh hưởng của Phật giáo đối với niềm tin dân chúng” (Nguyễn Hữu Phúc, 2021, tr. 141).

Năm 1936, Phật giáo hội đã xuất bản trong Tạp chí Đuốc Tuệ, lần lượt 7 số[9] với nội dung viết về chùa Xích Đằng và một số thơ văn của thiền sư Hương Hải, chứng minh tư tưởng giáo dục của sư Hương Hải có giá trị vượt thời đại, đặc biệt thích hợp áp dụng trong thời loạn và được hàng tri thức đề cao.

Trên đây là ảnh hưởng của sư Hương Hải ở Đàng Trong đến thời hiện đại.

Giai đoạn ở Đàng Ngoài, dưới sự xiển dương của sư, từ vua, quan lại, quý tộc, quân đến dân đều đem lòng tôn kính, tin tưởng sâu dày đối với Tam Bảo, cũng như rất tôn sùng sư.

Cho nên ngôi già lam Nguyệt Đường chứng tỏ sự cống hiến vô cùng lớn của sư đối với đạo pháp và dân tộc từ đó cho đến về sau này.

Vì vậy, dù chiến tranh người dân vẫn tìm một nơi khác để lập chùa lại, “dời chùa vào phía sau chùa đức thánh Mây”.

Theo Thích Trí Hiếu, trong một bài viết về chùa Xích Đằng[10] trong Tạp Chí Đuốc Tuệ xuất bản năm 1936, có đề cập về những hiện vật còn lại gồm có: sáu tượng Thánh Tổ; hai bức hoành phi, trong đó lần lượt có ghi: “Hải-quốc linh quang” làm tự Gia-long thập niên và Ngự-bút Tứ Nguyệt Đường Tự” tự năm Nhâm-tý; hai bia đá - ghi chép công đức các vị tổ khai sơn; hai ngôi bảo tháp bằng đá - một là tháp thờ ngài Hương Hải và một là đệ nhị tổ của chùa; hai án thờ của tiền triền làm - một cái trên chùa và một cái dưới hậu tổ; một tượng hậu bằng đá - đó là tượng của bà Đỗ Thị Hồ, hiệu Diệu Trí, người xã Trung Châu, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Bà chỉ là người quét lá quéo, nấu nước bán cho khách thập phương khi đến viếng cảnh chùa. (Thích Trí Hiếu, 1936, tr. 17) Từ những hiện vật này, cho thấy, trải qua một thời gian dài hơn hai thế kỷ từ khi sư Hương Hải viên tịch, giá trị về tư tưởng, tinh thần của sư vẫn được đời sau lưu giữ và tái hiện lại trong chùa.

Nền tảng đó, thể hiện rõ hơn khi tông phái truyền thừa của sư vẫn lấy hiệu là Nguyệt Đường Tự, là Đại Thiền Lâm của phương Nam cho đến năm 1777. (Nguyễn Khắc Thuần, 2009, tr. 307)

Tương tự, sơn môn Phổ Đà là nơi quy tụ các sư trong dòng phái về an cư kiết hạ và đóng góp vai trò không nhỏ cho Phật giáo nước nhà. Và là nơi khắc nhiều bộ ván có giá trị, làm tư liệu tu học cho hàng hậu học. Vị tổ lập nên sơn môn này là sư Viên Giác (1825-1885) làm trụ trì một số chùa và một số bộ kinh - luật - luận do sư soạn ra còn lưu lại trong một số chùa thuộc sơn môn như chùa Yên Ninh ở Hải Dương, chùa Tứ Ân trên núi Bổ Đà ở Bắc Giang… và còn truyền xuống tận Hải Phòng. Bản khắc tác phẩm chữ Nôm do Thiền sư Hương Hải trước tác được lưu truyền đến khoảng đầu thập niên thứ hai nửa sau thế kỷ XIX (1863). (Thích Đồng Dưỡng, 2011)

Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa Nguyệt Đường bao phen được lập đi lập lại, gần nhất với sư Viên Giác là giai đoạn chùa bị phá năm 1786. Đến 1863, vai trò của thiền sư Hương Hải được khôi phục về mặt tư tưởng qua “lý sự dung thông”, là nền tảng tư tưởng ăn sâu vào tâm thức tu sĩ và người dân.

Thiền sư Minh Châu Hương Hải xuất thân theo Nho học, sau theo Phật giáo, xem Nho giáo “không bằng Phật giáo và như một phương tiện bộ phận để truyền bá Phật giáo” (Lê Mạnh Thát, 2000, tr. 62). Ngài cốt yếu chỉ ra Phật - Đạo - Nho như ba chiếc xe cùng đi trên một con đường, mỗi một chiếc xe đều có công dụng riêng, rất mực cần thiết cho hành giả trên lộ trình tìm về bảo sở. Chẳng hạn, cái này sử dụng hòa nhập vào đời (lợi tha), cái kia giúp trở về bên trong (tự lợi).

Thiền sư Hương Hải đã sử dụng nhiều cách thức để tu học và hoằng truyền chính pháp của Như Lai mang tinh thần tùy duyên tùy tục, tùy duyên hóa độ, ở trong trần mà không ô nhiễm. Cả cuộc đời tu hành, tất cả đều được sư vận dụng nhu nhuyễn, tạo ra sự phát triển, như sợi chỉ đỏ tiếp nối từ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thế kỷ XIII đến Thiền sư Hương Hải ở thế kỷ XVII, phát tích trở lại của Lâm Tế Liễu Quán, đến cuối thế kỷ XVIII với “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” của Ngô Thì Nhậm. Đến thời cận đại, hòa thượng Thanh Từ[11] tiếp tục nối gót các tổ trước phục hưng và xiển dương dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Thứ nữa, với kiến trúc bày trí ở chùa Nguyệt Đường, cho thấy thiền sư Hương Hải trong quá trình dung hợp các tư tưởng để vào đời cứu độ, Ngài đã kế thừa tinh hoa bản thổ nơi đó (đất Bắc) nói riêng, của thế kỷ XVII nói chung với mô hình tháp “Cửu phẩm Liên Hoa” và thờ tôn tượng thiên thủ thiên nhãn. Và điều đó chắc chắn sẽ tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển mạnh mẽ, bởi vì, hiện tại vẫn đang học hỏi, sử dụng những tư tưởng của giai đoạn này rất thành công và đạt được thành tích.

Cụ thể, nghệ thuật tạo hình của các nghệ sĩ hiện nay chưa vượt qua cha ông ở thế kỷ XVII-XVIII. Các nhà điêu khắc, họa sĩ Việt Nam đang tìm hiểu nghiên cứu nghệ thuật của quá khứ để học tập, như có họa sĩ đã dùng bố cục trong cối kinh “Cửu phẩm Liên Hoa”[12] vẽ thành hai hàng dân quân đã đạt giải thưởng quốc tế. (Trịnh Quang Vũ, 1995, tr. 382-383)

Ngoài ra, tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay tạc năm 1656 là tượng độc nhất vô nhị tạo Việt Nam. Hồ Chủ Tịch đã đổ lại tượng này, đem tặng cho Phật giáo Ấn Độ và nhận được ca ngợi từ họ về sự sáng tạo rực rỡ của người Việt Nam. (Trịnh Quang Vũ, 1995, tr. 376)

Khế hợp sự ảnh hưởng ở cả hai Đàng, chứng tỏ thiền sư Hương Hải gián tiếp ảnh hưởng đến thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ XX.

Những di sản hữu hình và vô hình của thiền sư Hương Hải được lưu lại đến nay, chứng tỏ công nghiệp hoằng pháp của Ngài có giá trị vượt thời gian, không gian, thích hợp mọi căn cơ, đặt nền tảng vô cùng chắc chắn cho nền đạo pháp nước nhà.

3. KẾT LUẬN

Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc từ khi du nhập ở thế kỷ thứ II đến hết thế kỷ XIII. Thế kỷ XVII, thiền sư Hương Hải là người có công khôi phục và xiển dương mạnh mẽ Phật giáo từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài. Thiền sư chủ trương xây dựng một nền Phật giáo gắn bó với sự tự tôn dân tộc, Ngài đã thực hiện thành công công nghiệp hoằng pháp, trên tinh thần từ bi và trí tuệ.

Thiền sư cũng để lại những di sản to lớn trong việc uyển chuyển tiếp biến tư tưởng thiền Lâm Tế hướng đến dòng Thiền Đại Việt, chuyển từ nền Phật học sang Thiền học đậm chất Việt, như một nỗ lực thoát khỏi những ảnh hưởng quá sâu đậm của Phật giáo Trung Hoa.

Bên cạnh đó, thiền sư cũng để lại những di sản hữu hình khẳng định vai trò to lớn của thiền sư Hương Hải đối với đạo pháp và dân tộc. Thông qua số lượng và thành tựu của các thế hệ kế thừa sư Hương Hải; quá trình tạo lập nơi tu học hay các ngôi phạm vũ; cùng với số lượng và nội dung tải Đạo trong các tác phẩm bằng chữ quốc ngữ… tất cả là đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam không chỉ ở thế kỷ XVII mà còn mãi đến sau này.

Thích Trí Phước Lớp Cao học khóa III - Học viện Phật giáo Việt Nam Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH [1] Chùa Thủ Huồng - Đồng Nai. [2] Trụ trì chùa Long Cốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu. [3] Tổ khai sơn là ngài Minh Tịnh, đời 38. [4] Trụ trì là hòa thượng Hồng Liên, thuộc tăng sĩ chùa Bửu Lâm, đời thứ 40. [5] Hòa thượng Kiểu Quang về đầu thế kỷ XX vì khuyết trụ trì. Ngài thuộc đời 40. [6] Lần lượt có các hòa thượng như Minh Phước (đời 38), Hồng Bích (đời 40), Nhựt Chiếu (đời 41). [7] Hòa thượng Đạt Sự thuộc Lâm Tế chính tông, đời thứ 38. [8] Được xây dựng năm 1875-1876 bởi hòa thượng Minh Thông Hải Huệ, đời 38. [9] Bao gồm: số 7 (Thích Trí Hiếu, 1936, tr. 17-22, số 36 (Nguyễn Trọng Thuật, 1936, tr. 3-9), số 38 (Nguyễn Trọng Thuật, 1936, tr. 8-13); số 41 (Nguyễn Trọng Thuật, 1936, tr. 6-11], số 42 (Nguyễn Trọng Thuật, 1936, tr. 8-13), số 44 (Nguyễn Trọng Thuật, 1936, tr. 14-17), số 46 (Đồ Nam Tử, 1936, tr. 6-10). [10] Tiền thân là chùa Nguyệt Đường. [11] Thiền sư Thích Thanh Từ ngộ đạo vào năm 1968 và phát triển ngày càng hưng thịnh dòng thiền Trúc Lâm, chẳng những lan tỏa khắp nơi trên đất nước Việt Nam, mà còn, truyền sang ngoại quốc. Hiện nay đang vẫn tồn tại và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đặc biệt, Thiền sư Thanh Từ thuộc dòng Liễu Quán. (Nguyễn Công Lý, 2021, tr. 89-90) [12] Tháp Cửu phẩm Liên Hoa có nguồn gốc từ tháp quay ở Tây Tạng (Căn cứ theo tháp ở chùa Bút Tháp có niên đại 1646). (Trịnh Quang Vũ, 1995, tr. 376)

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đồ Nam Tử, “Giải thêm nghĩa cho bài kệ số 14 đã dịch ở truyện Hương Hải thiền sư - Đuốc Tuệ số 42,” Đuốc Tuệ, (Hà Nội), số 46 (27.10.1936), tr. 6-10. 2. Lê Khánh Hòa (chủ nhiệm), Pháp Bảo Âm, tập 1. 3. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. Tp. HCM. 4. Lệ Nhật (2016), Chùa tổ Bửu Lâm, một di tích của phái Trúc Lâm phục hưng ở Nam bộ [online], viewed 28/5/2022, from:<https://www.phatgiaodongthap.vn/2016/05/chua-to-buu-lam-mot-di-tich-cua-phai>. 5. Nguyễn Công Lý., “Từ thiền phái Trúc Lâm đời Trần đến hệ thống thiền viện Trúc Lâm hiện nay” trong Thích Nhật Từ (chủ biên), Các hệ phái Phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam bộ, (2021), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 89-90. 6. Nguyễn Hữu Phúc., “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XX - Đòn bẩy cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam” trong Thích Nhật Từ (chủ biên), Phật giáo vùng Nam bộ trong thế kỷ XX, (2021), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 141. 7. Nguyễn Khắc Thuần (Bản dịch, hiệu đính và chú thích, 2009), Lê Quý Đôn tuyển tập - tập 5: Kiến Văn Tiểu Lục - phần 2, Khánh Thục và Nguyễn Văn Hân (Biên tập nội dung), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh. 8. Nguyễn Trọng Thuật, “Việt Nam Cao Tăng khảo - Hương Hải thiền sư,” Đuốc Tuệ, (Hà Nội), số 36 (18.8.1936), tr. 3-9; số 38 (1.9.1936), tr. 8-13; số 41 (22.9.1936), tr. 6-11; số 42 (29.9.1936), tr. 8-13; số 44 (13.10.1936), tr. 14-17. 9. Thích Đồng Dưỡng (2011), Lý sự dung thông: Về văn bản Lý sự dung thông [online], viewed 28/5/2022, from:<lytranvien]http://lytranvien.blogspot.com/2011/06/ly-su-dung-thong>. 10. Thích Như Niệm và Đinh Thu Xuân (2016), Thiện Chiếu: danh sư, trí thức cách mạng (1898-1974), Phạm Chí Thành (Tổng biên tập), GHPGVN, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Thành phố Hồ Chí Minh. 11. Thích Trí Hiếu, “Lịch sử chùa Xích Đằng”, Đuốc Tuệ, (Hà Nội), số 7 (21.1.1936), tr. 17-22. 12. Trần Hồng Liên., “chùa Bửu Lâm trong bối cảnh chùa Nam bộ” trong Nguyễn Hữu Ý (chủ biên), Di tích chủa cổ Bửu Lâm, (2003), Nxb. Trẻ, TP.HCM, tr. 129, 132-136. (132, 133, 134 13. Trịnh Quang Vũ (1995), “Nghệ thuật tạo hình thời Trịnh (Thế kỷ XVI-XVIII)” trong Chúa Trịnh: Vị trí và vai trò lịch sử, Xí nghiệp in Ba Đình, Thanh Hóa, tr. 376, 382-383.