Tác giả: Thích nữ Liên Thảo Học viên Khóa 3, Học viện PGVN tại TP.HCM
DẪN NHẬP
Trong tiến trình phát triển của lịch sử phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX, Phật học đường đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Giáo dục Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về trước chủ yếu diễn ra tại các trường hạ. Vào thập niên 30 của thế kỷ XX, trước những hoàn cảnh lịch sử đầy biến chuyển, các Phật học đường ở ba miền lần lượt ra đời với diện mạo mới. Tại miền Nam, trước năm 1945 mô hình giáo dục tăng tài xuất hiện với hình thức Phật học đường lưu động của Liên đoàn Phật học xã. Sau đó Phật học đường của hội Phật học Lưỡng Xuyên ra đời.
Từ Phật học đường này, một số vị tăng tài đức đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Phật giáo tại miền Nam. Đồng thời tiếp nối sự nghiệp đào tạo tăng tài qua việc thống nhất các Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Ứng Quang thành Phật học đường Nam Việt. Đánh dấu sự thống nhất giáo dục Phật giáo tại miền Nam. Hoạt động giáo dục của các vị tăng sĩ tại Phật học đường Nam Việt đã khởi mào dòng chảy chính pháp, tạo nguồn năng lượng mới cho tinh thần tu học của tăng, ni và tín đồ Phật giáo.
1. Quá trình thống nhất Phật học đường Nam Việt
Sau năm 1945, tình hình chính trị và kinh tế đã ảnh hưởng đến sự tồn tại của các Phật học đường ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, nguồn mạch đào tạo tăng tài luôn được tiếp nối tại miền Nam. Phật học đường Lưỡng Xuyên ngưng hoạt động vì thiếu kinh phí thì không bao lâu một số Phật học đường lần lược ra đời. Cuối năm 1945, Hòa thượng Thiện Hoa cùng Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng Phật học đường Phật Quang tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, quận Trà Ôn. Hòa thượng Thiện Hoa làm Giám đốc, hòa thượng Trí Tịnh làm Đốc giáo. Tăng sinh tham gia tu học có số lượng trên 30 vị.[1] Trước những nguy biến tại địa phương, Hòa thượng Trí Tịnh dời một số học tăng về chùa Vạn Phước cùng thầy Huyền Dung xây dựng Phật học đường Liên Hải. sau một thời gian số học tăng tu học tại đây khoảng 70 vị.[2] Năm 1947, thiền sư Huyền Dung khai giảng Phật học đường Mai Sơn. Một thời gian sau, do tình hình bất ổn về an ninh nên ngài Huyền Dung dời lớp học về chùa Sùng Đức ở Chợ Lớn.[3]
Ý tưởng hợp nhất Phật học đường Nam Việt xuất phát bởi chuyến đi từ Huế vào Nam của hai vị Pháp sư Trí Quang và Trí Nghiễm năm 1950. Trong chuyến thăm Phật học đường Sùng Đức và Liên Hải, hai vị này đã đưa ra ý kiến nên thống nhất các Phật học đường tại miền Nam nhằm hoạt động thuận lợi hơn. Lời đề nghị trên được tiến hành vào ngay mùa an cư 1950 với không khí hào hứng khi trường Liên Hải cho chở khung sườn nhà bằng gỗ có mái ngói âm dương cùng lớp Mông đẳng, Sơ đẳng xuống trường Sùng Đức.[4] Đến ngày mãn hạ năm 1950, Phật học đường Nam Việt được khai giảng, trụ sở đặt tại chùa Sùng Đức. Năm 1951, Thầy Trí Hữu cúng chùa Ứng Quang cho Phật học được Nam Việt. Từ đó công cuộc kiến thiết Phật học đường được tiến hành nhằm dời trụ sở về chùa Ứng Quang. Sau khi Ứng Quang thống nhất vào Phật học đường Nam Việt thì tên Ứng Quang được đổi thành Ấn Quang. Năm 1953, nhận lời mời của ban lãnh đạo Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hoa cùng các vị học tăng tại Phật học đường Phật Quang gia nhập Phật học đường Nam Việt.
Quá trình thống nhất Phật học đường khởi đầu từ năm 1950 nhưng đến năm 1953 mới bước đầu hoàn chỉnh về kiến thiết cơ sở vật chất và thành phần lãnh đạo. Qua quá trình thành lập Phật học đường Nam Việt, tăng sĩ miền Nam đã thể hiện tinh thần hòa hợp cùng nhau xây dựng nền giáo dục Phật giáo mang tính thống nhất.
2. Tổ chức Phật học đường Nam Việt trong sự nghiệp đào tạo tăng tài
Ban lãnh đạo Phật học đường Nam Việt nhìn chung đều xuất thân từ các trường Lưỡng Xuyên, Tây Thiên, Báo Quốc. Các vị đều là những học tăng ưu tú khi còn tham gia tu học tại trường. Chính những nhân duyên đó mà quá trình thống nhất và lãnh đạo tại Phật học đường Nam Việt diễn ra khá thuận lợi và nhanh chóng. Về phần tổ chức, các vị lãnh đạo nêu quan điểm xây dựng trường như sau:
“Tổ chức Phật học đường không phải riêng của một cá nhân, nhưng của đoàn thể tăng lữ học thức và Phật học đường luôn luôn mở cửa đón tiếp những đại đức tăng tứ phương đồng chí hướng, phục vụ Phật Pháp.”[5]
Ban lãnh đạo Phật học đường Nam Việt ban đầu gồm các vị đứng ra thống nhất các Phật học đường như ngài: Thiện Hòa, Trí Hữu, Huyền Dung, Quảng Minh, Quảng Liên. Đến năm 1953 có ngài Thiện Hoa về cùng chung lãnh đạo. Trải qua quá trình phát triển ban lãnh đạo có nhiều thay đổi:
Thượng tọa Thích Thiện hòa: Giám Đốc Phật học đường Nam Việt.
Thượng tọa Thích Thiện Hoa: Nguyên cố vấn kiêm Đốc giáo Phật Học Đường Nam Việt.
Thượng tọa Thích Trí Hữu: Kiểm Khán Phật học đường Nam Việt.
Thượng tọa Thích Quảng Minh: Nguyên Giáo sư Phật Học Đường Nam Việt
Thượng toạ Thích Huyền Dung, Nguyên Giáo sư Phật Học Đường Nam Việt (hiện đang du học tại Anh Quốc).
Thầy Thích Nhất Hạnh, Nguyên Giáo sư Phật Học Đường Nam Việt.
Đại đức Quảng Liên: Đốc giáo Phật Học Đường Nam Việt.
Thượng tọa Đạt Từ: Kiểm soát Phật Học Đường Nam Việt.
Thầy Thích Thanh Từ, Thích Huyền Vi, Giảng sư kiêm Giáo sư Phật Học Đường Nam Việt.
Thầy Thích Tắc Phước, Giám viện kiêm Giáo sư Phật Học Đường Nam Việt.
Thầy Thích Thiền Định, Giảng sư kiêm thơ ký Phật Học Đường Nam Việt[6].
Tổ chức Phật học đường Nam Việt được các vị lãnh đạo chủ trương xây dựng theo tinh thần cải tiến nhằm bắt kịp tiến bộ của khoa học và nhu cầu của xã hội. Chính sự tiến bộ trong đường lối tổ chức đã giúp Phật học đường Nam Việt đạt nhiều thành tựu từ giáo dục đến hoằng pháp.
“Phật học đường Nam Việt ra đời trong thời đại tân tiến, mọi tổ chức trong tất cả ngành xã hội rất có khoa học. Nên chi, Phật học đường Nam Việt không thể theo lề lối quy cũ thiền môn xưa, đành bắt buộc phải có phần cải tiến. Sự cải tiến này để sự làm việc có khoa học và thích hợp chủ trương của Phật đà là hòa đồng tu học, thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp lợi sinh”[7].
Chính vai trò lãnh đạo trên đã giúp cho các học tăng ngày càng tiến triển trên con đường tu học và đạt những thành quả trong công cuộc hoằng pháp.
3. Học tăng tại Phật học đường Nam Việt hoằng pháp qua phương tiện báo chí
Thế kỷ XX là mốc thời gian đánh dấu sự phát triển của báo chí Phật giáo qua các tờ báo như Pháp Âm, Từ Bi Âm, Duy Tâm, Viên Âm, Đuốc Tuệ... các tờ báo này đóng vai trò cơ quan ngôn luận và làm phương tiện truyền bá giáo lý của Phật giáo đến tín đồ một cách hiệu quả. Trên tinh thần kế thừa, đặc san mùa báo hiếu mang tên Hương Thiền được học tăng Phật học đường Nam Việt biên tập vào mùa an cư năm 1960.
Trên tinh thần “truyền đăng tục diệm”, Ban giám đốc Phật học đường Nam Việt khích lệ tăng sinh trao dồi khả năng viết văn phật pháp và đánh dấu những bước trưởng thành của tăng sinh trong mấy năm tu học tại trường. Đồng thời, tạo cho học tăng góp một phần sức nhỏ truyền bá giáo lý đến hàng cư sĩ: “Mục đích thứ hai của tập san này là góp công trong việc truyền bá giáo lý. Giáo lý của Phật nhiều vô lượng và rộng rãi vô biên mà cơ quan truyền bá hiện tại thật là quá ít.”[8]
Bên cạnh đó, Ban giám đốc trường muốn các vị tăng sĩ nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với Đạo Pháp: “Mục đích thứ ba là để khuyến khích tinh thần phục vụ đạo Pháp. ‘Học tăng là sức sống của đạo Pháp đang lên’, câu nói ấy không phải là quá đáng. Bởi vì chư Thượng tọa mỗi ngày một già yếu, thì mạng mạch Phật giáo tất phải trao lại cho đoàn con hậu tấn này. Nhưng nếu học tăng không có tinh thần phục vụ đạo Pháp thì học tăng sẽ là nguồn phá hoại Phật Pháp.”[9] Tập san Hương Thiền mùa Phật đản bao gồm 9 bài xoay quanh hai nội dung: một là nói lên cái ý vị của đạo pháp và sức sống mãnh liệt của học tăng; hai là tinh thần hòa đồng niềm hiếu đạo của dân tộc trong ngày Rằm tháng 7.
Ngoài ra, học tăng tại trường còn đảm nhận công tác in ấn kinh sách nhằm hỗ trợ việc giảng dạy và học tập của trường thuận tiện hơn: “Phật học đường Nam Việt vừa cho ráp xong một cái máy in để dùng ấn loát kinh, sách, báo chí và bài học Phật pháp. Nghe đâu các công việc sẽ do Tăng học sinh đảm đương”.[10] Bên cạnh việc nhận in các kinh sách, học tăng Phật học đường Nam Việt còn phát hành một số kinh điển như: kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo (Thái Hư giảng); kinh Bát Đại Nhân Giác (Thái Hư giảng); Luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn (Chuế Ngôn); kinh Lăng Nghiêm trực chỉ (Đơn Hà sớ). [11] Qua đó cho thấy, Tăng sinh tại Phật học đường Nam Việt đã thể hiện tinh thần tu học và chí nguyện hoằng pháp độ sinh qua các hoạt động trí tuệ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
4. Vai trò của tăng sĩ Phật học đường Nam Việt đối với dân tộc
Nhân loại ở thế kỷ XX trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều rơi vào tình thế mất phương hướng và lý tưởng. Đó là biểu hiện tình trạng con người mất đi niềm tin và chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống.
“Những đức tin tôn giáo, những trào lưu tư tưởng ngày nay thường là chiếc áo khoác ngoài cho những cuộc xâm lăng, những sự tranh chấp giữa những khối này với khối kia, giữa ý thức hệ này với ý thức hệ nọ. Cho nên con người ngày nay cơ hồ như mất cả niềm tin nơi khoa học, nơi các học thuyết, nơi đức tin tôn giáo mà sống trong tâm trạng của kẻ hoài nghi tuyệt đối.”[12]
Đó là những hiện trạng mà dân tộc Việt Nam phải đối diện trước sự xuất hiện của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trước những thực trạng trên, một số tăng sĩ chọn con đường “cởi cà sa khoác chiến bào” để dấn thân vào công cuộc đấu tranh bảo vệ đồng bào. Bên cạnh đó, một số tăng sĩ duy trì vai trò của Phật giáo dối với dân tộc qua sự nghiệp hoằng pháp. Tiêu biểu như Hòa thượng Thiện Hoa. Ngài đã mở lớp dạy chữ Quốc ngữ nhằm xóa nạn mù chữ và mở phòng cấp thuốc cho đồng bào tại Phật học đường Phật Quang: “Buổi sáng, học tăng tại đây thay nhau dạy học và cấp phát thuốc cho người dân ; buổi chiều các vị vào lớp học kinh điển. Nhằm “chống nạn mù chữ”, buổi tối trường còn mở lớp học bình dân, trong vòng nữa tháng là học sinh có thể đọc và viết.”[13]
Tại Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hoa đã mở các lớp dạy giáo lý cho hàng phật tử tại gia vào mỗi chủ nhật. Kết quả của lớp học này biểu hiện qua sự tiến triển về tinh thần của những người cư sĩ trước những biến động của xã hội: “Chúng tôi một nhóm tín đồ, nhờ phước duyên đời trước, nên nay mới được thường lui tới Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, Chợ Lớn và được nghe quý vị Giảng sư giảng dạy Phật pháp trong sáu bảy năm nay. Đi dần từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, càng theo học, chúng tôi càng thêm phấn khởi tinh thần, vì sung sướng nhận thấy một chân trời đạo lý rộng mở trước mắt.”[14]
Chính nhờ sự tu học theo lời Phật dạy, người cư sĩ đã tìm thấy niềm hạnh phúc, tìm lại được trái tim yêu thương của chính mình trước sự khốn khổ và khắc nghiệt của hoàn cảnh:
“Giữa cơn nắng hạn lại gặp mưa phùn, đang lúc ly loạn, lòng người đau khổ, lại được cam lồ pháp vị làm cho tâm hồn người bớt sự dau khổ, thì còn may mắn gì hơn!
Chúng tôi là cư sĩ của Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang, không biết có phúc duyên gì, mặc dầu sinh trong đời Mạt pháp, mà vẫn gặp Chính pháp của Phật Đà. Trên ba năm nay, chúng tôi thường đến Phật học đường Nam Việt học hỏi về giáo lý với quý vị Pháp sư. Càng học thấy càng hay; như người ăn mía, càng nhai lại càng ngọt. Say xưa với đạo vị, mà quên bớt những sự đau khổ giữa lúc loạn ly.”[15]
Bên cạnh vai trò hướng dẫn tinh thần đối với hàng cư sĩ, chư tăng Phật học đường Nam Việt đã thực hiện vai trò đào tạo tăng tài cho Phật giáo giai đoạn chuyển tiếp.
5. Vai trò của tăng sĩ Phật học đường Nam Việt đối với đạo pháp
Những hoạt động giáo dục tại Phật học đường Nam Việt của các vị tăng sĩ đã đánh dấu sự phát triền của giáo dục Phật giáo tại miền Nam. Đầu thế kỷ XX, một số tờ báo phản ánh về thực trạng “tăng đồ dốt và hư”, “tín đồ mê tín”. Một số vị tăng sĩ kêu gọi chấn hưng Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Khánh Hòa, sư Thiện Chiếu đều nhận thấy tầm quan trọng của Phật học đường.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, các Phật học đường dần ra đời đánh dấu giai đoạn lịch sử oai hùng đã giải phóng tăng sĩ khỏi vô minh, lấy lại niềm tín tâm cho Phật tử: “Muốn tương lai đủ nhân tài kế nối truyền đăng chính lý, không gì hơn là mở Phật học đường, giáo huấn thanh niên tăng sĩ có một khả năng tương đối và xây dựng các vị một tinh thần hiểu biết đoàn kết. Đó là giai đoạn cần thiết đầu tiên để chỉnh đốn nội bộ tăng lữ. Vì thế, Phật học đường phải được ra đời càng sớm càng tốt.”[16]
Trước đó, các vị miền Nam nhận thấy cần phải duy trì hoạt động giáo dục nên dù hoàn cảnh đầy khó khăn các vị vẫn lập trường lớp. Mặc dù các Phật học đường được thành lập, có học tăng theo học nhưng hoạt động dạy và học này chỉ có tính chất duy trì chứ không tạo được sức ảnh hưởng mạnh đến tín đồ và tăng sĩ. “Sự hoạt động của ba Phật học đường này không có gì đáng kể, vì đó chỉ là công việc riêng tư và phần ai nấy lo, miễn có một số tín đồ cúng hiến đủ nuôi đồ chúng trong trường là được rồi. Đến như sự giáo huấn cũng không có phương pháp và chương trình nhất định. Hầu hết theo lề lối giáo dục xưa, nghĩa là học bộ kinh và rãnh đâu dạy đó. Vì trong một trường học chỉ có một giáo sư hoặc giảng sư nếu bị bệnh hoạn hoặc đám tiệc đưa đến thì ngày ấy chúng tăng phải nghỉ học. Vì lẽ ấy nên học tăng khó bề tiến triển và duy trì lâu dài được”[17].
Sau khi thành lập Phật học đường Nam Việt, dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc, tinh thần học Phật đã len lỏi vào tâm hồn tăng, ni và cư sĩ khắp cả nước: “Một Phật học đường mô phạm của Phật giáo miền Nam. Bao nhiêu năm tiếng pháp loa được bủa khắp các tỉnh Nam phần, từ thành thị đến thôn quê đều do giảng sư Phật học đường Nam Việt ban đến”[18].
Phật học đường có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa Phật giáo. Qua đó cho thấy, Phật học đường Nam Việt đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam: “Phật học đường quan trọng, vì nó là một trung tâm ghi nhận bồi dưỡng, duy trì Chính Pháp Như Lai một cách có hệ thống, có trật tự. Đó là trung tâm sinh hoạt của Phật pháp – coi như là cơ quan đầu não cho mọi cuộc vận động về sau. Có thể nói văn hoá Phật giáo chỉ phát triển từ Phật học đường.”[19] Những bước tiến triển của Phật học đường Nam Việt qua hoạt động nhiệt huyết của ban lãnh đạo trường và học tăng đã thổi một luồng sinh khí mới cho Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
KẾT BÀI
Ý tưởng hợp nhất các sơn môn cùng nhau thực hiện hoạt động giáo dục tăng ni trong phong trào chấn hưng tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung được manh nha từ Hòa thượng Khánh Hòa. Trong “Hành trình nhựt ký đi cổ động cuộc sáng lập tòng lâm Phật giáo hội”, Hòa thượng đi khắp các tòng lâm tại miền Nam và cử thiền sư Thiện Chiếu ra tận miền Bắc nhưng kết quả không như mong muốn. Sau cùng, phong trào chấn hưng Phật giáo vẫn được diễn ra với sự ra đời của các hội Phật học tại ba miền đất nước. Tuy nhiên, các hội hoạt động độc lập, phương diện giáo dục của các hội trên ba miền mặc dù có sự liên kết và học hỏi lẫn nhau về cách thức tổ chức nhưng mỗi hội đều mang một màu sắc khác nhau.
Nếu như Hòa thượng Khánh Hòa là người khởi xướng tư tưởng hợp nhất về giáo dục tăng ni, thì đến năm 1950 trở về sau, chư tăng tại Phật học đường Nam Việt đã kế thừa và thực hiện tư tưởng đó một cách thành công. Đồng thời, các vị đã mở ra bước tiến mới cho hoạt động giáo dục tăng ni và cư sĩ của Phật giáo Việt Nam và làm nền tảng cho nền giáo dục Phật giáo giai đoạn chuyển tiếp. Bên cạnh đó, một số tăng sĩ được đào tạo tại Phật học đường này đã trở thành rường cột cho Phật giáo Việt Nam giai đoạn về sau.
Tác giả: Thích nữ Liên Thảo Học viên Khóa 3, Học viện PGVN tại TP.HCM ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hướng Chân, Tiểu Sử cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Ấn quán Sen Vàng chùa Ấn Quang, 1973. 2. Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh Toàn Tập, Nxb. Hồng Đức, 2012. 3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập3, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ CHí Minh, 2012. 4. Trí Không, Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ năm 1950 trở đi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2009. 5. Hòa thượng Thích Thiện Hoa, “Thay Lời Tựa”, Phật học phổ thông 2, Khóa VIII, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 6. “Tin tức”, Tạp chí Từ Quang, số 30, 6/1954. 7. Hương Thiền, “Lời Phi Lộ”, Đặc San Hương Thiền, 1960. 8. Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt,1958. 9. Hải Âu, “Vầng trán Chánh Pháp Như Lai trong thế kỷ XX”, Đặc san Hoa Thiền, 1966. 10. T. Tùng, “Giới Tăng sinh sẽ đi về đâu”, Đặc san Hoa Thiền, 1967.
Chú thích: [1] Hướng Chân (1973), Tiểu Sử cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Ấn quán Sen Vàng chùa Ấn Quang, tr.11. [2] Hòa thượng Thích Trí Tịnh (2012), Trí Tịnh Toàn Tập, Nxb. Hồng Đức, tr. 24. [3] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập3, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ CHí Minh, tr. 771. [4] Trí Không (2009), Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ năm 1950 trở đi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr. 187-188. [5] Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, 1958, tr.8. [6] Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, 1958, tr.8-15. [7] Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, 1958, tr.8. [8] Hương Thiền, “Lời Phi Lộ”, Đặc San Hương Thiền, 1960, tr.8. [9] Hương Thiền, “Lời Phi Lộ”, Đặc San Hương Thiền, 1960, tr.8. [10] “Tin tức”, Tạp chí Từ Quang, số 30, 6/1954, tr. 46. [11] “Phật Điển Giáo Khoa”, Tạp chí Từ Quang, số 30, 6/1954, tr. 45. [12] Hải Âu, “Vầng trán Chánh Pháp Như Lai trong thế kỷ XX”, Đặc san Hoa Thiền, 1966, tr.20. [13] Hướng Chân (1973), Tiểu Sử cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Ấn quán Sen Vàng chùa Ấn Quang, tr.12. [14] Hòa thượng Thích Thiện Hoa (2012), “Thay Lời Tựa”, Phật học phổ thông 2, Khóa VIII, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 651. [15] Hòa thượng Thích Thiện Hoa (2012), “Thay Lời Tựa”, Phật học phổ thông 2, Khóa VIII, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 371 [16] Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, 1958, tr.6-7. [17] Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, 1958, tr.7. [18] Phật học đường Nam Việt, “Lời phi lộ”, Tập kỷ niệm Phật Học Đường Nam Việt, 1958. [19] T. Tùng, “Giới Tăng sinh sẽ đi về đâu”, Đặc san Hoa Thiền, 1967, tr. 45-46.
Bình luận (0)