Xây dựng trường Phật học theo hướng hiện đại
Để giải quyết nạn thất học và phá giới của tăng già, Hội thiết lập Ban luật sư kiểm sát giới hạnh và Ban nghi lễ. Đồng thời, Hội khuyến khích tín đồ Phật tử hộ trì Tam bảo, tu học chính pháp và không liên hệ với những vị thầy phá giới. Cụ Tâm Minh được sự ủng hộ của các vị thiền sư chứng minh trong Hội, sự góp sức của các vị đồng học cùng giới tri thức cựu học và tân học đã thành lập các lớp Phật học cho tăng ni đến học: trường ni học mở lớp đào tạo tại chùa Từ Đàm do Ni sư Diệu Hương làm giám đốc (1932), trường Phật học An Nam mở tại chùa Vạn Phước (1933), trường Phật học Sơn Môn khai giảng tại chùa Trúc Lâm và chùa Tường Vân (1935).
Cụ Tâm Minh cùng các vị lãnh đạo trường dự tính sẽ đào tạo lớp Tiểu học trong 5 năm, lớp Đại học trong 5 năm, và lớp tham cứu trong 5 năm (xem phụ lục bảng số 2). Theo HT. Nhất Hạnh nhận định rằng: 1/ chương trình học dài quá (mất 10-15 năm); 2/ hai năm đầu tiểu học không cần phải học các kinh luận mà thiền môn đã hướng dẫn tu học nhằm tiết kiệm tài chính cho Phật học trường; 3/ lớp tham cứu năm thứ nhất học quá nặng, không ai có thể dạy và học Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Duy Ma Sớ, Viên Giác Lược Sớ mà còn phải dạy và học thêm phần Tam luận (Thập nhị môn luận, Bách luận, Trung luận)(1).
Với kiến thức Phật pháp uyên thâm, cụ đã đảm nhận chức Kiểm duyệt giáo lý và tham gia giảng dạy lớp đại học tại chùa Trúc Lâm (do HT. Giác Tiên làm giám đốc) và lớp trung học tại chùa Tường Vân (do Thiền sư Tịnh Khiết quản lý). Cụ luôn mặc áo tràng và xá chào chư tăng trước khi bước lên pháp tòa để giảng dạy(2). Đến năm 1937, cụ hỗ trợ đạo hữu Trí Độ dạy bên lớp Tiểu học và từ chối dạy lớp Trung học khi dời về chùa Tây Thiên vì đường xa và bận nhiều việc(3). Theo HT. Nhất Hạnh (tức Nguyễn Lang) cũng cho rằng lớp trung học dời về chùa Tây Thiên năm 1937, nhưng không đề cập đến vấn đề cụ tiếp tục dạy cho lớp này thế nào. Còn theo tác phẩm Phật học thường thức, phần Tiểu sử của cụ Tâm Minh do gia đình cụ viết thì bảo rằng cấp đại học tổ chức tại chùa Tây Thiên do chính cụ phụ trách về luận giải, triết học phương Đông và phương Tây, là thông tin sai lệch so với hai nguồn trên.
Ngày 29/5/1937, cụ Tâm Minh cùng các vị trong Ban trị sự Hội An Nam Phật học do cụ Chánh hội trưởng Nguyễn Đình Hòe dẫn đầu tiếp đón cụ Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục đến thăm các trường Phật học tại chùa Bảo Quốc (tiểu học), chùa Tường Vân (trung học). Sau lời trần thiết của học tăng trung học Chánh Quang, cụ Lê Đình Thám thay mặt Ban trị sự Hội An Nam Phật Học phát biểu mục đích lập Phật học trường của Hội. Cụ Thượng thư rất vui với sự đón tiếp trang nghiêm và nhiệt tình của Hội và bảo rằng: "Tôi rất trông mong được nhiều dịp đến nghe các bài diễn thuyết như bài quan đốc Lê-đình-Thám nói vừa rồi để cầu học thêm."(4).
Sau đó, cụ Thượng thư cũng trình bày cho Hội và Phật học trường về vấn đề giáo dục trong nước về ba lĩnh vực: 1/ Môn học thực nghiệm; 2/ Môn học tình cảm; 3/ Môn học đạo lý. Nhận thấy được sự cấp thiết trong việc đào tạo tăng tài, nên trong Bài diễn văn khai mạc vào ngày 14/8/1938, Hội An Nam Phật Học nhận định rằng: "Vấn đề Phật học trường là vấn đề quan trọng nhứt của Hội, vì sau này nếu không có một đoàn thể Tăng- già y theo giới luật, để thừa truyền chí nguyện của các vị Đại đức, trú trì các chùa hội-quán, để giảng dạy cho hội-viên và thập phương thiện-tín, thì mục đích của hội chúng ta khó mà thành tựu viên mãn."(5).
Hội dự tính sẽ mở 4 lớp học gồm 1/ Tiểu học (dạy giáo lý Tiểu thừa, hai thời công phu, địa dư, toán học, mỹ thuật), 2/ Trung học (học kinh điển và giáo lý Đại thừa, triết học phương Đông và phương Tây, thực tập diễn giảng), 3/ Đại học (học cách sư phạm cho việc hoằng pháp); 4/ Lớp ni cô (học Tiểu học và Trung đẳng như tăng; chỉ có Đại học thì học chung nhưng ở ngoại trú)(6).
Với cương vị Hội trưởng (1938), cụ Tâm Minh đã tán thán đạo tâm của các vị quản đốc và mạnh thường quân Bảo-trợ giúp cho trường bước đầu có kết quả tốt đẹp. Đồng thời, cụ nhấn mạnh đến việc thống nhất chương trình giảng dạy ở các trường để kết quả được viên mãn rực rỡ(7). Chính vì thế, năm 1938, cụ Chánh Hội trưởng Tâm Minh và Ban kiểm duyệt Viên Âm đề xuất: "Chúng tôi soạn thảo lại bản chương trình lựa chọn những thứ kinh ở Bắc đã sẵn bản, và các thứ kinh ở Trung kỳ và Nam kỳ thường học chương trình này. Chúng tôi lấy theo cách thức sắp đặt các Phật-học-đường ở Tàu và chăm chước dễ hơn, cho hiệp với sức học sinh xứ ta."(8).
Vào ngày 27/11/1938, cụ Nguyễn Đình Hòe nhắc lại diễn văn của cụ Tâm Minh về tầm quan trọng của trường Phật học đối việc hoằng pháp; đồng thời báo cáo những khó khăn của các trường Phật học như sau: 1/ trường Sơ đẳng (chùa Bảo Quốc) thì các liêu tối tắm chật hẹp, không được kín đáo, nơi ăn ngủ và tu học lộn xộn; 2/ trường Trung đẳng (chùa Tây Thiên) khí hậu chẳng lành, tăng sinh bệnh, cơ sở vật chất chật hẹp và thiếu thốn. Qua đó, cụ Hòe nhận thấy địa thế chùa Báo Quốc rất thích hợp cho việc kiến tạo trường Phật học, và vận động tùy hỷ cúng dường xây dựng trường Phật học Bảo Quốc(9).
Để giải quyết tình trạng thất học và đào tạo tăng tài phụng sự cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Trung kỳ và Việt Nam thời bấy giờ, Ban kiểm duyệt Viên Âm đã hoạch định chương trình Phật học được chia thành bốn lớp: Sơ đẳng, Trung đẳng, Cao đẳng và Đại học. Lớp Sơ đẳng đào tạo trong sáu năm, lớp Trung đẳng học bốn năm, lớp Cao đẳng học ba năm(10). Lớp Đại học sẽ học ít nhất 5 năm, hoặc học hơn 15 năm mới bổ sung đầy đủ kiến thức.
Gần 10 năm đào tạo Phật học, Hội An Nam Phật Học nhận thấy đã đào tạo một đội ngũ tăng ni hoằng pháp và giáo dục, Phật pháp đã phổ biến rộng khắp, nên các vị lãnh đạo rút ngắn lại chương trình học. Thay vì lớp Sơ đẳng trước đây học sáu năm thì giờ chỉ cần học hai năm. Lớp Trung Đẳng từ học bốn năm xuống còn hai năm. Lớp cao đẳng từ học ba năm xuống còn hai năm. Nghĩa là các lớp chỉ học và hoàn tất chương trình học trong vòng hai năm. Đặc biệt, những vị tăng nào tốt nghiệp lớp cao đẳng xong, ở lại Hội An Nam Phật Học nghiên cứu kinh điển và tu tập trong vòng ba năm thì sẽ được Hội cử đi giảng dạy tại các trường Phật học. Đến khi hướng dẫn các học Tăng tốt nghiệp xong lớp Cao đẳng thì những vị giáo thọ đó trở thành Đại sư Đốc giáo trong bản trường.
Trong năm 1944, cụ dự tính di dời các lớp Phật học về Kim Sơn để thành lập Đại Tòng Lâm Kim Sơn ở Huế. Nhưng khi đó, kinh tế khó khăn, chiến tranh bùng nổ, và năm 1946 cụ về Quảng Nam tham gia kháng chiến nên công tác đành phải tạm ngưng. Từ 1947-1949, cụ đã tập hợp các thanh niên Phật học Đức Dục, Hội viên Hội An Nam Phật Học, và giới trí thức thành lập Phong trào Phật giáo và dân chủ mới do chính cụ Tâm Minh lãnh đạo. Không những lo việc đào tạo Tăng tài trong các trường Phật học, giảng pháp cho thiện nam tín nữ phá trừ mê tín mà cụ còn quan tâm đến các thế hệ trẻ của các gia đình cư sĩ. Chính nỗi ưu lo đó thôi thúc cụ vận động các em tham gia Đoàn Phật học Đức Dục và sau này hướng tới thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam.
Bậc thầy khai sáng gia đình Phật tử Việt Nam
Từ năm 1932, Ban Đồng ấu do cụ Bửu Bác hướng dẫn nhưng hoạt động theo phương pháp cổ điển. Năm 1938, trong buổi lễ cầu an và cầu siêu của Tỉnh hội Quảng Trị tại chùa Thạch Hãn, sau khi tụng niệm xong, Ban đồng ấu ra xưng tán Phật hài hòa khiến đại chúng đều khâm khen(11). Ngày 1/4/1939, sau tuồng "Trương cổ thành" của các cư sĩ Hội An Nam Phật Học, các em hát điệu tây do cụ Lê Đình Thám và cụ Bửu Bác hướng dẫn đã thu về cho Hội hơn 600 USD(12). Nhận thấy tiềm năng của giới trẻ, năm 1940, cụ Tâm Minh đã vận động các thanh niên tri thức tân học (con cháu các vị trong Hội) tại Huế thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục. Tên tiếng Pháp của Đoàn là "Commission d'Etudes Bouddhiques Et De Perfectionnement"(13).
Chính cụ đã trực tiếp hướng dẫn và dạy giáo lý tân học trở thành những phật tử chân chính (Viên Âm số 60-61, năm 1943). Hội hướng các em có lòng tin dõng mãnh, tinh thần hùng dũng và châm ngôn "hòa-thuận, tin yêu, vui vẻ"(14). Các em học Phật pháp theo xu hướng tân học nên nắm bắt giáo lý một cách nhanh chóng. Đồng thời cụ còn thỉnh tiến sĩ Đinh Văn Chấp giảng dạy Nho giáo và Lão giáo cho Đoàn. Hội trang bị cho các em kiến thức tân học và cựu học, và hy vọng: "Các em sẽ là các thiếu niên Phật tử chân-chính, đúng theo ước vọng của em, của cha mẹ các em, và của tất cả mọi người."(15).
Cụ Tâm Minh đã yêu cầu các em đoàn sinh cần phải: 1/ Tinh tấn niệm Phật, nghiên cứu kinh điển để tu học; 2/ Hiếu kính với cha mẹ, anh em luôn sống hòa thuận; 3/ Trải tâm yêu thương người và vật; 4/ Giao lưu với bạn tốt; 5/ Tâm sự sẻ chia, khuyến tấn làm lành lánh dữ; 6/ Nói lời chân thật, từ hòa; 7/ Sống nhiệt huyết và đúng phép tắc; 8/ Sống tiết độ và giản đơn; 9/ Luôn định tĩnh và lạc quan trước mọi vấn đề; 10/ Làm tròn bổn phận người cư sĩ. Để thực hiện điều đó, cụ cùng Hội đề ra chương trình học lớp Đồng ấu thành bốn bậc: Tùy hỷ (1 tháng), Tụng chúng (6 tháng), Dự bị (1 năm) và Sơ đẳng (1 năm)(16).
Từ năm 1940 đến 1941, cụ đảm nhận chức trưởng ban kiểm sát trong Tiểu ban Diễn kịch của Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Cụ đã sáng tác ra bài hát chính thức cho đoàn: "Rangeons nous, mes amis pour chanter gaiement en choeur. Portons tous vers Bouddha notre foi et notre ardeur. Engageons-nous à tout prix sur la route qui monte brille. Et ce chant s'élèvera pour unir nos jeunes coeurs…"(17) (Nghĩa là: Hãy dừng lại, các bạn của tôi cùng hát một cách vui vẻ trong điệp khúc. Tất cả chúng ta đồng hướng về Đức Phật bằng niềm tin và nhiệt huyết của chúng ta. Hãy tham gia mọi cách trên con đường vươn lên tỏa sáng. Và bài hát này cất lên đoàn kết bao con tim trẻ chúng ta). Cụ cùng Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục biên soạn và xuất bản quyển Phật giáo sơ học năm 1942. Đây là quyển sách giáo lý căn bản của các em thanh thiếu thiếu niên Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục.
Hội An Nam Phật Học quyết định hàng năm vào dịp lễ Phật đản Vesak, sẽ tổ chức đại hội Ban đồng ấu(18). Tiêu biểu như lễ khánh đản năm 1942 tại chùa Tỉnh hội Thừa Thiên của Hội An Nam Phật Học, bác sĩ Lê Đình Thám đã phân công việc cho các em vào ban tiếp tân, ban diễn kịch, và ban trật tự(19). Nhận thấy các em tổ chức sinh hoạt hiệu quả và tạo một môi trường cho các em phát triển nên cụ Tâm Minh đã giao phó cho Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục đảm nhận việc biên tập và xuất bản tạp chí Viên Âm. Theo cụ Nguyễn Lang cho rằng cụ đã giao cho Đoàn từ Viên Âm số 48 (5/1942) do S.E. Ưng Bàng làm chủ nhiệm, cụ Lê Đình Thám làm chủ bút(20). Nhưng căn cứ vào trong tạp chí Viên Âm, S.E. Ưng Bàng đã đảm nhận chức chủ nhiệm từ Viên Âm số 45 (5/1941) đến số 65 (1943), thay thế cho ông Nguyễn Đình Hòe. Vào các mùa hè trong năm 1942, 1943 và 1944, cụ Tâm Minh đảm nhận giảng dạy lớp Phật pháp cho thanh niên tân học. Đến Phật đản 1944, các em tổ chức đại hội tại rừng Quảng Tế, thành lập tổ chức Gia đình Phật hóa phổ, tiền thân của Gia đình Phật tử về sau.
3. Kết luận
Đức Phật dạy Mahànàma rằng: "Ai quy y Phật, này Mahànàma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ."(21). Là bậc trí thức tân học và cựu học, bác sĩ Lê Đình Thám đã phát tâm quy y Tam bảo và được Hòa thượng Giác Tiên đặt pháp danh là Tâm Minh. Là một người cư sĩ tài trí và theo học kinh luận với các vị Tôn túc giúp cụ thành tựu niềm tin sâu sắc với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), phát tâm bố thí cúng dường, trì trai giữ giới nghiêm mật và hành trì tu tập phát sinh trí tuệ. Cụ là một bậc chân nhân, một vị cư sĩ lý tưởng: "ổn định về kinh tế, trang nghiêm về giới hạnh, thăng bằng và điều hòa, hộ pháp và hoằng pháp"(22).
Từ khi dấn thân phụng sự cho Hội An Nam Phật Học, cụ đảm nhận những chức vụ ở các kỳ họp như Chánh hội trưởng, Ban kiểm sát, Ban Giáo lý kiểm duyệt,.. đều là những vị thế chủ chốt trong Hội. Thực hiện việc hoằng pháp lợi sinh, cụ đã thuyết giảng tại đạo tràng chùa Hội quán và ở các Tỉnh hội, kể cả ở trường Phật học. Nhận thấy việc xuất bản báo chí là ngọn đuốc tinh thần cho việc hoằng pháp với sự tham gia viết bài của các nhà trí thức tân học và cựu học, tu sĩ và cư sĩ,…, cụ được Hội tín nhiệm giao phó chức chủ nhiệm và chủ bút Viên Âm. Tiếp thu các phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới và là nhà trí thức tân học, cụ đảm nhận phân bổ thời gian học cho từng cấp học và môn học phù hợp, nhằm đào tạo tăng tài phục vụ cho Hội và Phật giáo các miền. Để cho các em có cơ hội tiếp xúc và học tập Phật pháp, mai sau dấn thân phụng sự cho Hội, cụ đã thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, và về sau phát triển thành Gia đình Phật tử. Cụ đã hướng dẫn các em múa hát, học tập kinh luận, tham dự vào các công tác trong các lễ hội và là thế hệ sẽ tiếp nối những bậc đi trước. Tiêu biểu như cụ khuyến tấn các em viết báo, quản lý tòa soạn Viên Âm, …
Một con người tài trí trong xã hội và hạnh trí trong Phật pháp, cư sĩ Tâm Minh là một ngôi sao sáng trong ngôi nhà Phật giáo Trung kỳ. Những cống hiến của cụ Tâm Minh góp phần cho việc chấn hưng Phật giáo Trung kỳ thành công, là sức mạnh tiếp bước cho cụ Mai Thọ Truyền phát triển Hội Phật học Nam Việt ở miền Nam Việt Nam sau này. Cụ Tâm Minh là tấm gương sáng ngời cho hàng cư sĩ hiện nay và mai sau học tập và tiếp bước phụng sự cho đạo pháp và đất nước Việt Nam.
Kỳ II, tiếp theo Tạp chí NCPH số 168 Thích Thiện Mãn - Học viện Cao học Phật học khóa III HVPGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021 ----------------CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Lang (2008), Sđd., tr. 822-23. (2) Nguyễn Lang (2008), Sđd., tr. 818. (3) Phật học hội, "Bài diễn văn đọc trong lúc khai mạc (Tổng hội đồng ngày 14 Aout 1938)", Viên Âm, số 32, 8-9/1938, tr. 43. (4) Một người dự lễ lai cảo, "Cuộc thăm trường Phật học", Viên Âm, số 25, 1-6/1937, tr. 54-55. (5) Phật học hội, "Bài diễn văn đọc trong lúc khai mạc (Tổng hội đồng ngày 14 Aout 1938)", Viên Âm, số 32, 8-9/1938, tr. 42-43. (6) Phật học hội, "Thanh niên học tăng", Viên Âm, số 28, 9/1937, tr. 45. (7) Viên Âm, "Phật học đường", Viên Âm, số 30, 6/1938, tr. 63-64. (8) Ban Kiểm duyệt Viên Âm, "Kính trình liệt vị Đại đức, Đốc giáo các Phật học đường và các vị học sanh toàn xứ", Viên Âm, số 30, 6/1938, tr. 54-55. (9) Nguyễn Đình Hòe, "Phật học trường, Bài diễn văn thứ hai, đọc trong lúc làm lễ đặt viên đá đầu tiên của các Phật học trường tại chùa Báo Quốc ngày 27 Novembre 1938", Viên Âm, số 34, 12/1938 – 1/1939, tr. 48-49. (10) Viên Âm, "Chương trình Phật học đường", Viên Âm, số 30, 6/1938, tr. 56-57. (11) Nguyễn Đình Hòe, "Phật học trường, Bài diễn văn thứ hai, đọc trong lúc làm lễ đặt viên đá đầu tiên của các Phật học trường tại chùa Báo Quốc ngày 27 Novembre 1938", Viên Âm, số 34, 12/1938 – 1/1939, tr. 50. (12) Viên Âm, "Tin tức", Viên Âm, số 36, 4-5/1939, tr. 31. (13) Nguyễn Lang (2008), Sđd., tr. 831. (14) Viên Âm, "Gia đình Phật hóa", Viên Âm, số 75-76, 1945, tr. 41. (15) Viên Âm, "Phụ giải về chương trình học Phật pháp", Viên Âm, số 60-61, 1943, tr. 71. (16) Viên Âm, số 60-61 (1943), Tạp chí đã dẫn, tr. 72. (17) Nguyễn Lang (2008), Sđd., tr. 832. (18) Viên Âm, "Phụ giải về chương trình học Phật pháp", Viên Âm, số 60-61, 1943, tr. 71. (19) Tỉnh hội Thừa Thiên, "Thừa Thiên: Lễ khánh đản đức Phật Thích Ca", Viên Âm, số 50, 7/1942, tr. 20. (20) Nguyễn Lang (2008), Sđd., tr. 832. (21) ĐTKVNNT, Kinh Tương ưng bộ II, quyển 5, tập Đại phẩm, chương Tương ưng dự lưu, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, HN, 2018, tr. 760. (22) Thích Chúc Phú, Vài vấn đề về Phật giáo và nhân sinh, Nxb Hồng Đức, HN, 2013, tr. 275.
Bình luận (0)