Trang chủ Bài viết nổi bật Vị thế và vai trò của Phật giáo trong công cuộc mở mang bờ cõi vào Nam của các chúa Nguyễn

Vị thế và vai trò của Phật giáo trong công cuộc mở mang bờ cõi vào Nam của các chúa Nguyễn

Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đã có nhận định rằng: “Phật giáo thời này phát triển lên một nấc cao hơn không chỉ về số lượng chùa và tăng sĩ mà cả về quy mô, quy củ uy nghi, phong cách tăng giới,...”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đã có nhận định rằng: “Phật giáo thời này phát triển lên một nấc cao hơn không chỉ về số lượng chùa và tăng sĩ mà cả về quy mô, quy củ uy nghi, phong cách tăng giới,…”

Tác giả: Chấn Pháp
Học viên cao học khóa ll – Học viện PGVN tại Huế

Mở đầu

Như chúng ta đã biết, Phật giáo đã du nhập và ảnh hưởng một cách trực tiếp trong đời sống dân chúng vào những thế kỉ đầu. Theo dòng thời gian lịch sử Phật giáo đã tồn tại hơn hai ngàn năm trên đất nước Việt Nam, suốt thời gian đó Phật giáo luôn là người bạn đồng hành cùng đất nước dân tộc, cùng nhau trải qua nhiều biến cố của chiến tranh và thăng trầm của thời cuộc.

Phật giáo ngoài việc hoằng truyền phật pháp hóa độ nhân sinh còn làm tròn trách nhiệm của mình đối với đất nước dân tộc trên tinh thần hộ quốc an dân. Từ đó Phật giáo cùng với đất nước đã tạo lên những trang sử hào hùng trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ tổ quốc, dẹp quân xâm lược.

Vào năm 1558 sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ tại vùng Thuận Quảng bắt đầu tiến trình mở mang bờ cõi đi vào phía nam của nước ta. Lúc này xứ Đàng Trong chỉ là một vùng biên địa xa xôi hẻo lánh ít dân qua lại, dần dần được các chùa Nhà Nguyễn tạo thành vùng đất mới và nhanh chóng có được sự phát triển sánh ngang với xứ Đàng Ngoài.

Tại đây, Phật giáo lúc này nhận được nhiều sự ủng hộ chúa Nguyễn, chùa chiềng được phép xây dựng ở nhiều nơi, các bậc danh tăng các nơi khác được phép đến để truyền đạo. Từ đó, Phật giáo dần trở thành điểm dựa cho các chúa Nguyễn trong việc trị nước quản dân, đứng vào vị thế không thể thay thế và vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc tiến nam mở rộng bờ cõi.

1. Bối cảnh lịch sử và tình hình Phật giáo dưới thời chúa Nguyễn

1.1. Bối cảnh lịch sử

Nguyễn Hoàng dưới sự bảo hộ của anh rể Trịnh Kiểm, đã xin vua Lê Anh Tông vào vùng đất Thuận Hoá để trấn giữ với mục đích xây dựng lực lượng với ước vọng xưng vương một vùng. Vào năm 1558, Sau khi vua Lê chấp nhận và đã phong tước Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã được tiến cử vào trấn giữ vùng đất Thuận Hoá. Với chính sách đường lối chính xác đã chiêu mộ được nhiều nhân tài, lấy được lòng dân, khai khẩn đất hoang, thế nên chỉ với thời gian không lâu đã biến vùng đất Thuận Hoá phát triển về kinh tế vững mạnh sánh tầm với xứ Đàng Ngoài.

Không chỉ dừng lại ở đó, các Chúa Nguyễn đã xây dựng cơ chế chính trị riêng biệt, củng cố quyền lực, tách rời triều vua Lê chúa Trịnh sau sự việc chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã không chỉ không nộp thuế cho triều Lê mà còn đem quân chống đánh với quân Trịnh. Lịch sử từ đó bước vào sự phân chia mạnh mẽ giữa hai thế lực Trịnh – Nguyễn, chiến tranh giành co liên miên, vì đấu tranh gianh bất phân thắng bại nên đành lấy sông Gianh làm ranh giới chia thành hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Để có thể đứng vị trí vững chắc, nâng cao thế lực các chúa Nguyễn đã thực hiện chính sách mở rộng bờ cõi tiến dần vào phía nam, thực hiện chính sách khai hoang canh tác phát triển nền nông nghiệp, chính sách giao thương buôn bán cũng được mở cửa thu hút nhiều khách thương nước ngoài đến trao đổi hàng hoá. Nhờ những chính sách đúng đắn, kinh tế xứ Đàng Trong ngày càng được hưng thịnh, xã hội phồn vinh, đời sống dân nhân dần được ổn định.

Đây chính là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo có thể tồn tại và phát triển rực rỡ, đóng vai trò thiết yếu trong đời sống dân chúng nơi này. Với thời giản khoảng hơn 200 năm, trãi qua 9 đời chúa cai trị vùng đất Thuận Hóa, đến thế kỷ XVII các chúa Nguyễn đã xây dựng Thuận Hóa từ một vùng đất hoang vu ác địa trở thành vùng phồn hoa trù phú, phát triển trên nhiều phương diện khác nhau như: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Tuy nhiên vào những vị chúa cuối, tình hình xã hội đã trở nên rối ren, chính sự rơi vào sự kiểm soát của Trương Phúc Loan khiến cho triều đình suy yếu, dân chúng loạn lạc với nhiều công cuộc nông dân nỗi dậy, đói kém mất mùa diễn ra khắp nơi khiến cho đời sống nhân dân trở nên khó khăn.

Mặc khác, vào những năm giữa thế kỷ XVII, tình hình chính trị của Trung Hoa cũng bước vào những năm tháng tranh đấu nội bộ liên miên. Khi nhà Thanh lên cầm quyền rất nhiều quan lại trung thần nhà Minh đã không chịu khuất phục nên rời quốc tìm đến nước ta. Xứ Đàng Trong là nơi dể dàng đến trú ngụ sinh sống nhờ chính sách chiêu mộ nhân tài, tìm kiếm nguồn nhân lực, do đó có rất nhiều người Hoa kiều di dân đến đây sinh sống trong đó có nhiều bậc quan lại triều thần.

Bên cạnh cũng không ít vị thiền sư ở Trung Hoa đến đây trước để trú ẩn, thứ đó là truyền thừa giáo pháp, đây cũng chính là yếu tố để cho Phật giáo thời chúa có sự phát triển mạnh mẽ.

1.2. Tình hình Phật giáo

Xứ Đàng Trong là một vùng đất mới được các chúa nhà Nguyễn khai hoang lập đất nên có rất nhiều cư dân khắp nơi đến trú ngụ, sinh sống. Mỗi cư dân có mỗi nền văn hoá, phong tục tập quán và tín ngưỡng khác nhau. Để có được sự tín nhiệm của dân chúng buộc các chúa Nguyễn phải lựa chọn một tín ngưỡng phù hợp cho đại đa số dân Việt, phù hợp với nền văn hóa với vùng đất Thuận Hoá lúc bấy giờ để có thể dung hợp các tín ngưỡng với nhau.

Các chúa Nguyễn đã uyển chuyển trong những chính sách cai trị, trong đó chính sách “cư Nho mộ Thích” được thực hiện xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước xã hội. Lấy tư tưởng triết lý của nhà Nho đưa vào việc xây dựng nền chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội hay có thể nói dùng nho để trị thế sự nhưng lấy Phật giáo làm tư tưởng cho việc giáo dục con người hay nói là dùng Phật giáo để trị nhân tâm.

Dưới thời chúa Tiên – Nguyễn Hoàng sau khi ổn định đất nước đã chú trọng đến Phật giáo, nỗi bậc nhất là cho xây dựng chùa Thiên Mụ vào năm 1601.

Theo như Lịch sử Phật giáo xứ Huế cho rằng mục đích chính của chúa Tiên xây dựng hai ngôi chùa này là: “Lúc đầu chùa Thiên Mụ ở trên đồi Hà Khê chỉ có ý nghĩa vừa chính trị, vừa tôn giáo, đúng hơn là tín ngưỡng vùng Thuận Hoá. Còn chùa Sùng Hoá qua ngày hội “hội lớn đại pháp”, chỉ là việc chọn địa điểm làm nơi cho dân biết rõ về huyền thoại Thiên Mụ và tin rằng Nguyễn Hoàng là vị chân chúa”[1].

Tại đây đã diễn ra nhiều buổi lể quan trọng có sự tham gia của chúa Nguyễn Hoàng cũng như các hoàng thân quan lại triều thần đến để tụng kinh cầu phước, mưa thuận gió hòa, đất nước cường thịnh, dân chúng bình yên. Một năm sau (1602) cho xây dựng chùa Hưng Đông tại dinh trấn Quảng Nam và chùa Sùng Hoá ở Thuận Hóa.

Trong lễ Phật đản năm 1603 tại chùa Sùng Hoá được tổ chức viên mãn với quy mô hoành tráng, số lượng tham gia đông đảo của vua quan triều thần và tín đồ dân chúng. Năm 1607 lại cho xây dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu – Quảng Nam. Năm 1609 xây dựng chùa Kính Thiên ở Lệ Thuỷ – Quảng Bình…

Ngoài những việc xây chùa, đúc tượng, đúc chuông chúa Tiên còn lập đàn cầu an và cầu siêu để cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái, bố thí phát chẩn từ thiện cho người gặp nghèo khó. Sau khi chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên lên thay thì Phật giáo vẫn được đề cao, có tầm ảnh trong đời sống chính trị văn hoá nước ta. Đặc biệt, chúa đã thỉnh bàn linh ông bà tổ tiên xin được thờ ở chùa Thiên Mụ. Chúa Thượng – Nguyễn Phúc Lan cho ban đất xây dựng chùa Vĩnh Ân (sau đổi Quốc Ân) thỉnh tổ sư Nguyên Thiều đến trụ trì.

Thời kì này Phật giáo được phát triển mạnh nhờ chính sách cho phép các vị thiền sư Trung Hoa sang lập am truyền giáo. Thời Chúa Hiền – Nguyễn Phúc Tần tiếp tục nâng cao Phật giáo với việc dung hợp nho giáo để ổn định xây dựng đất nước. Chúa không chỉ cho xây dựng ở xứ Thuận Hoá như: chùa Thiên Tôn ở Phủ Triệu Phong, chùa Hoà Vinh ở núi Linh Thái – Phú Lộc, mà còn xây dựng chùa Thập Tháp tại Bình Định vào năm 1683.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao chua Nguyen Chua Thap Thap 1

Chùa Thập Tháp, Bình Định. Nguồn: St

Các Thiền sư Trung Hoa cũng được phép sang để truyền giáo như ngài Lục Hồ – Viên Cảnh, ngài Đại Thâm – Viên Khoan để truyền bá dòng thiền Lâm Tế. Tiếp đến đời chúa Ngãi – Nguyễn Phúc Thái, tuy trị vị trong thời gian ngắn những Phật giáo vẫn được ngài chú tâm với đạo, thực hiện nhiều chính sách để một mặt để phát huy nền văn hoá và một mặt giúp phát triển đạo Phật trên vùng Thuận Hóa.

Đã cho dựng viện Thiền Tĩnh tại núi Qui Kính để làm chốn tu tập cho thiền sư Hương Hải và xây dựng chùa Thuận An. Đặc biệt, chúa đã truyền Thiền sư Nguyên Thiều sang Trung Hoa để thỉnh mời ngài Thạch Liêm Đại Sán và Ngài đã đến Thuận Hóa sau lời thỉnh mời đó.

Sau khi chúa Ngãi mất, chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp nối cơ nghiệp và cũng kế thừa sự tín mộ và ủng hộ Phật giáo của các chúa đi trước. Chúa đã thỉnh mời được Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán đến để giảng pháp truyền giới.

Theo như Hải Ngoại kí sự của ngài Đại Sán có nói rằng: “Nay ta xem người bản quốc, có lòng tin rất kiên cố, chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn, há phải thiếu kẻ tu hành có căn tinh linh lợi… ”[2], cho thấy Phật giáo ở Thuận Hoá có sự phát triển mạnh về chùa chiêng và tu sĩ, địa đa số dân chúng tin mộ Phật giáo khi mà ngài đặt chân đến đây.

Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đã có nhận định rằng: “Phật giáo thời này phát triển lên một nấc cao hơn không chỉ về số lượng chùa và tăng sĩ mà cả về quy mô, quy củ uy nghi, phong cách tăng giới,…”[3].

Vào tháng 4 năm Ất Hợi -1695, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cùng với ngài Thạch Liêm tổ chức đại giới đàn với quy mô lớn về số lượng cũng như chất lượng. Số tín đồ tham gia lên số ngàn người với nhiều hạng người khác nhau từ thượng dân cho đến thứ dân, xuất gia cho đến tại gia đều đến đề cầu pháp thọ giới. Đặc biệt, chúa Ngãi đã xin thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân.

Vào tháng 6 năm ấy, ngài Thạch Liêm đã tổ chức giới đàn Bồ tát giới với 300 tín đồ tại chùa Di Đà. Với một lòng tín Phật trọng tăng chúa đã lập ra hai Ty: Đăng lục và Nội pháp để có thể quản lý trong coi Phật giáo một cách chặc chẽ và sâu sát. Vào năm Giáp Ngọ – 1714, chúa đã cho trùng tu lại chùa Thiên Mụ với nhiều hạng mục quan trọng, quy mô hoành tráng. Tiếp đó cử người sang Trung Hoa cầu thỉnh bộ Đại Tạng kinh và được lưu giữ tại Tàng Kinh lâu của chùa Thiên Mụ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao chua Nguyen Chua Thien Mu 1

Chùa Thiên Mụ, TT.Huế. Nguồn: St

Sau đó cho đúc đại hồng chuông và khắc bài minh trên bia với tựa đề “Ngự kiến Thiên Mụ tự”. Ngoài ra, còn cho lập chùa Kính Thiên năm 1716 và chùa Giác Hoàng năm 1721 tại Thuận Hoá. Kế tục học theo cha ông của mình, chúa Ninh – Nguyễn Phúc Chú cũng là Phật tử thuần thành lấy hiệu Vân Tuyền Đạo Nhân, tới chúa Võ – Nguyễn Phúc Khoát lấy hiệu Từ Tế Đạo Nhân và chúa – Nguyễn Phúc Thuần cũng đặt hiệu Khánh Thuận Đạo Nhân.

Vào thời các chúa đó Phật giáo tuy không có sự nỗi bậc, nhưng việc tổ chức các đại lễ Phật đản, Vu Lan hay tổ chức giới đàn vẫn được diễn ra, cạnh đó cũng ban giới đao độ điệp, ban hiệu chùa và sắc tứ một số chùa.

Phật giáo thời này đã được phục hồi sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc. Phật giáo không phát triển mạnh ở việc xây chùa chiềng, số lượng tu sĩ và tín đồ đông đảo mà còn phát triển mạnh với nhiều thiền phái, đặc biệt có các thiền phái được du nhập từ Trung Hoa sang. Lúc bấy giờ xứ Thuận Hoá được xem là trung tâm Phật giáo, hội tụ nhiều thiền phái lớn, trong đó có 5 dòng thiền chính.

Có hai dòng thiền được du nhập từ Trung Hoa sang là thiền phái Tào Động và Lâm Tế; thiền Trúc Lâm Yên Tử được truyền từ Đàng Ngoài; dòng thiền Chúc Thánh là dòng thiền được thành lập tại chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam, do thiền sư Minh Hải Pháp Bảo người Phúc Kiến Trung Hoa khai sang phát kệ truyền thừa. Đặc biệt, một dòng thiền được sáng lập bởi một thiền sư Việt, mang đậm cốt cách của người Việt đó chính là thiền phái Liễu Quán.

Dòng thiền này đã phát triển rực rỡ thịnh vượng tại xứ Thuận Hoá từ đó cho đến nay vẫn còn tồn tại và phát triển bền vững, được lưu truyền lan rộng ra khắp nhiều nơi khác trên lãnh thổ nước ta đặc biệt là Phật giáo vùng miền Trung và miền Nam.

2. Vị thế và vai trò của Phật giáo trong qua trình mở cõi phương nam của các chúa Nguyễn

2.1. Vị thế

Sau nhiều lần mở mang lãnh thổ, khai hoang bờ cõi vào phương Nam, xứ Đàng Trong ngày càng thu hút nhiều dân di cư đến sinh sống và kết hợp với dân địa phương nên có sự giao thoa giữa các nền văn hoá khác nhau tạo ra sự đa dạng phong tục tín ngưỡng. Để làm cho dân chúng có được sự đoàn kết và có sự hài hoà giữa các nền văn hoá khác nhau, các chúa Nguyễn ngay lúc ban đầu đã quyết định lựa chọn Phật giáo để làm nền tảng chính trong việc xây dựng đất nước và ổn định dân tình.

Cho thấy vị thế và tầm quan trọng của Phật giáo đối với quá trình mở rộng bờ cõi của các chúa Nguyễn. Dưới thời chúa Nguyễn vị thế Phật giáo được nâng cao và được xem là nguồn tác động chính đến những chính sách xây dựng, phát triển ổn định đất nước.

Sau thời hoàng kim ở thời Lý Trần thì Phật giáo đã đi vào thời gian không mấy phát triển, bị suy vong trì trệ và Nho giáo đã lên thay thế Phật giáo ở thời nhà Hồ, nhà Lê và sau đó là thời gian đấu tranh giữa các thế lực nội chiến. Mãi cho đến thời chúa Nguyễn thì Phật giáo mới được phục hồi và phát triển rực rỡ, có vị trí quan trọng và tầm ảnh hưởng một cách trực tiếp trong công cuộc an bang trị quốc, thâu nhiếp lòng dân.

Tuy các chúa Nguyễn đều đưa ra chính sách “cư Nho mộ Thích” trong việc xây dựng đất nước, tuy nhiên các chúa Nguyễn chỉ lấy những tư tưởng trong Nho giáo để xây dựng cai trị đất nước nhưng thực tế vẫn phải dựa trực tiếp vào Phật giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước, dùng Nho trị thế sự và Phật giáo trị nhân tâm. Vì thế, Nho giáo và Phật giáo đã được các chúa Nguyễn kết hợp một cách uyển chuyển hoà vào nhau một cách mềm mại, luôn luôn đi song hành cùng nhau trong việc trị nước.

Phật giáo được xem như là nơi nượng tựa vững chắc cơ đồ của các chúa Nguyễn. Khi đi vào sự bế tắc trong việc không thể nhiếp phục được lòng tin yêu của dân chúng khiến cho sự nghiệp xưng bá khó thành thì Phật giáo chính là phương pháp tối ưu trong việc ổn định lòng dân, từ đó sự nghiệp các Chúa Nguyễn được thuận lợi.

Theo như Li Tana cho rằng: “Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng động các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của người cai trị”[4], cho thấy rằng vị thế của Phật giáo vô cùng quan trọng trong việc mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước không chỉ trong thời gian ngắn mà trải dài xuyên suốt đến các vị chúa Nguyễn cuối cùng.

2.2. Vai trò

Phật giáo chính là phương tiện giúp các chúa Nguyễn cai trị đất nước, nhiếp phục được quần thần, thuần phục lòng dân. Theo Lịch sử Phật giáo xứ Huế có nói về đường lối của Nguyễn Hoàng khi bước đầu xây dựng đất nước rằng: “Ông nghiên cứu thấy dân Thuận Hoá tin vào Phật giáo có phần mạnh hơn các tín ngưỡng khác. Ông bèn đổi các chiến thuật: từ ghét các nhà sư sang vị trí “ái mộ đạo Phật” để cho dân thấy ông cũng là người phật tử, không khác họ”[5].

Cho thấy bước của chúa Tiên rất khôn khéo, muốn đất nước hưng cường thì phải có được lòng dân, thu phục lòng người. Do đó, Phật giáo như là chiếc cầu kết nối vững chắc giữa vương quyền và dân chúng.

Phật giáo giúp cho các chúa Nguyễn gắn kết các nền văn hoá, làm cho dân nhân có sự đoàn kết hổ tương lẫn nhau. Trong tiến trình mở rộng đất nước vào Nam thì mỗi vùng đất đều có những nền văn hoá riêng biệt của từng vùng như: Văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Champa, văn hoá của các dòng người di cư từ Đàng Ngoài vào và Trung Hoa…Các nền văn hoá đó đều có những nết tương đồng với đạo Phật nên Phật giáo giúp người dân dể dàng tiếp cận và dung hoà với nhau.

Phật giáo là điểm tựa vững chắc an ổn lòng dân. Nhìn lại bối cảnh lịch sử thì đất nước ta rơi vào những cuộc chiến giữa các thế lực trong nước khiến cho dân chúng loạn lạc đói kém. Mặc khác xứ Thuận Hoá là một vùng đất mới được khai phá còn hoang vu ác liệt khiến dân chúng di cư tới đầy còn hoang mang lo sợ. Phật giáo như là nguồn năng lượng tích cực, là nơi để cho dân chúng dựa vào những lời kinh tiếng kệ, những tiếng chuông chùa trầm lắng để xoá tan sự sợ hãi lo âu ở nơi chốn Ô Châu ác địa này.

Phật giáo giúp xây dựng lối sống đạo đức lành mạnh giúp xã hội ổn định trật tự kỉ cương. Tuy chính sách đưa ra của các chúa Nguyễn là “cư Nho mộ Thích” nhưng trên thực tế công cuộc xây dựng đất nước phát triển, dân chúng an yên, các chúa Nguyễn đã tích cực xây dựng chùa tháp, ủng hộ Phật giáo nhằm xây dựng phát triển đạo Phật.

Với những triết lý sâu sắc của nhà Phật về nhân quả, luân hồi, nghiệp báo…Phật giáo đã gieo những mầm mống tốt đẹp vào lòng người, dạy con người phải làm lành lánh giữ, làm những việc giúp đời tránh hại người nên đời sống xã hội được đi vào nề nếp, dân chúng bình yên.

Kết luận

Theo dòng lịch sử Việt Nam chúng ta có thể dể dàng nhận thấy Phật giáo và dân tộc luôn gắn bó đoàn kết với nhau, cùng so hành với đất nước. Cũng vậy, kể từ khi các chúa Nguyễn khai hoang lập địa cho đến khi đất nước được mở rộng dài vào miền Nam, biến chuyển xứ Đàng Trong từ một vùng đất hoang vắng thưa dân, thành một vùng đất màu mở phồn hoa. Trong đó, Phật giáo luôn có một vị trí quan trọng và vai trò thiết yếu giúp các chúa Nguyễn vững vàng trong công cuộc xưng bá của mình làm rạng rở vùng đất Đàng Trong.

Phật giáo là phương thức chính để các chúa Nguyễn dựa vào đó đưa ra những chính sách, đường lối đúng đắn trong việc trị nước an dân. Phật giáo giúp các chúa Nguyễn nhiếp phục lòng dân, giúp dân chúng đoàn kết nhau, giúp đỡ hổ trợ nhau trong việc khai hoang mở mang bờ cõi vào Nam. Phật giáo xây dựng lối sống đạo đức nhân sinh giúp duy trì sự kỉ cương xã hội, bình định dân sinh.

Ngoài ra, những bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo, Tổ sư các thiền phái và các tín đồ phật tử đã có nhiều đóng góp to lớn không chỉ riêng Phật giáo mà còn đóng góp cho sự nghiệp gìn giữ bảo vệ xây dựng phát triển đất nước của các chúa Nguyễn.

Tác giả: Chấn Pháp
Học viên cao học khóa ll – Học viện PGVN tại Huế

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn Hoá Sài Gòn.
2. TT. TS. Thích Đồng Bổn & TS Nguyễn Quốc Tuấn (2015), Phật giáo thời Nguyễn (Phần I), Nxb Tôn Giáo.
3. TS. Thích Phước Đạt – TS. Thích Hạnh Tuệ – TS. Thích Nữ Thanh Quế – TS. Đinh Văn Viên (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.
4. Li TaNa (2017), Xứ Đàng Trong – lịch sử, kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18, Nxb Trẻ, Thành Phố Hồ Chí Minh.
5. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại ký sự, Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại Học Huế

CHÚ THÍCH
[1] Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn Hoá Sài Gòn, tr. 94.
[2] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại ký sự, Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại Học Huế, tr. 46.
[3] TS. Thích Phước Đạt – TS. Thích Hạnh Tuệ – TS. Thích Nữ Thanh Quế – TS. Đinh Văn Viên (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr 217-218.
[4] Li TaNa (2017), Xứ Đàng Trong – lịch sử, kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18, Nxb Trẻ, Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 222.
[5] Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn Hoá Sài Gòn, tr. 93.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường