TS. Phạm Minh Thế Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt: Có thể nói, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được công bố. Tuy nhiên, điểm lại trong các công trình nghiên cứu có thể nhận thấy rằng vai trò của các Ni sư với phong trào chấn hưng Phật giáo được trình bày còn thật mờ nhạt, chưa được tỏ tường. Câu hỏi đặt ra là, phong trào chấn hưng Phật giáo thời cận đại có thu hút được sự quan tâm, tham gia của các Ni sư hay không? Họ tham gia vào phong trào như thế nào? Và ở ba miền, sự tham gia của các Ni sư vào trong phong trào chấn hưng Phật giáo có sự khác biệt nào không?... Đây đều là những câu hỏi lớn mà một bài tham luận hội thảo chắc chắn không thể giải quyết được. Song với ý niệm muốn góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu và định hình vai trò của các Ni sư với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam cận đại, chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp những thông tin về Ni sư Nam kỳ với phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ khóa: Ni sư, Ni sư cận đại, Ni sư Nam kỳ, Chấn hưng Phật giáo.

I. NI SƯ THAM GIA CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở NAM KỲ TỪ KHI NÀO?

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và chính sách quản trị tôn giáo ngặt nghèo của nhà Nguyễn, cả Nho giáo và Phật giáo Việt Nam đều lâm vào tình trạng suy vi. Chứng kiến thực trạng suy vi của Phật giáo Nam kỳ, nhà sư Thiện Chiếu đã thốt lên rằng: “Tăng giới hiện thời ở nước ta mà nhất là ở Nam kỳ phần nhiều không chịu chuyên tâm về đường học vấn, kẻ hảo tâm thời lo độc thiện có khi lạc vào cái chủ nghĩa yếm thế nên không biết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; mình đã chẳng biết thời làm sao truyền bá ra cho người khác biết được? Phật lý đã không rõ rệt, nên những kẻ tại gia tín ngưỡng phần nhiều là mê tín, chỉ biết đốt hương cầu khấn Phật, Thần phù hộ, cho cuộc đời của mình được sung sướng thảnh thơi mà thôi, chớ ít ai có tiêm nhiễm được chút từ bi bác ái, thành ra cái chùa Phật hình như là cái bảo hiểm công ty, thời tránh sao cho khỏi những kẻ gian tà họ lợi dụng để mưu kế sinh nhai, khiến cho trong Tăng giới hằng diễn tấn bi kịch”1. Còn ở Bắc kỳ, Thích Trí Hải, một trong những người đầu tiên khởi động phong trào chấn hưng Phật giáo cũng cho rằng: “Trừ một số rất ít các vị cao tăng trí thức, còn phần đông tự mình không hiểu thấu nghĩa lý chân chính để tu hành tự lợi và giáo hóa cho người giác ngộ. Như thế thì làm gì mà không đưa nhau vào con đường mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng xấu cho toàn thể Phật giáo?

Cứ xem ngay hình thức của Phật giáo hiện nay. Tuy mỗi làng có một ngôi chùa, có làng tới hai, ba, bốn, năm ngôi; trừ những nơi danh lam cổ tự ra, còn hầu hết đã biến tướng rất nhiều, không còn thuần túy là Phật giáo nữa. Từ nơi thờ phụng cho đến nghi thức lễ bái, không đâu giống đâu. Không những thờ Phật, Bồ tát mà còn thờ tất cả Thánh Thần; thậm chí có nơi còn thờ cả hổ, rắn, chó đá, bình vôi… trong nhà không thờ hết đem ra cả ngoài sân, gốc cây. Nếu có các bậc trí thức hay người ngoại quốc nào tới tham quan, khảo cứu và hỏi vị trụ trì ở những nơi đấy thì không biết vị trụ trì ấy sẽ trả lời ra sao? Có những cảnh tượng đáng tiếc này chẳng qua cũng chỉ vì đa số Tăng, Ni thất học”2. Nói về nguyên nhân suy vi của Phật giáo, sư Thiện Chiếu cho rằng: “Từ khi nước Pháp sang bảo hộ nước ta, đem tân văn hóa, tân học thuật… ban bố cho ta, quốc dân ta đều khuynh hướng về tân học, thì tự nhiên Hán học phải hồi hưu, ấy là thời kỳ Phật giáo nước ta suy đồi vậy”3.

Như vậy, có thể thấy rằng, các nhà sư lúc ấy cho rằng nguyên nhân chính của việc suy vi đạo Phật là do bối cảnh nước mất, nhà tan, Hán học bị thất thế mà nên. Vì rằng: “Rất tiếc là đọc tụng toàn bằng phiên âm chữ Hán nên có nhiều người đọc tụng hằng ngày cho đến thuộc lòng mà không hiểu nghĩa lý ra sao, không biết tụng để làm gì”4. Nhận thức nguyên nhân suy vi của đạo Phật như vậy nên một số nhà sư nhiệt tâm đã đứng lên kêu gọi phong trào chấn hưng Phật giáo. Và Nam kỳ là nơi khởi phát đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam cận đại5. Theo Nguyễn Lang thì, những hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ được khởi phát ngay từ đầu những năm 1920 với các hoạt động tiêu biểu như mở các lớp đào tạo Tăng, Ni6. Ông cho biết, năm 1922, “tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc, Thiền sư Chí Thành quy tụ tăng sĩ về giảng dạy hằng năm. Dưới sự hướng dẫn của ông, một trường Phật học dành cho ni giới được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, có trên một trăm học ni tham dự”7. Sự việc này cũng được Hòa thượng Thiện Hoa đề cập đến trong cuốn Ghi ơn tiền bối 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam8.

Như vậy, có thể thấy ngay từ những ngày đầu khởi phát của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ thì các vị thiền sư cũng đã chú tâm đến vấn đề quy tụ đội ngũ Ni sư tham gia vào phong trào này. Và việc mở trường đào tạo dành riêng cho Ni giới đã thu hút, quy tụ được 100 Ni sư tham gia. Đây là một con số khá lớn, nếu đặt trong bối cảnh của Nam kỳ lúc đó. Và chùa Giác Hoa, nơi quy tụ, đồng thời cũng là nơi đào tạo các Ni sư được coi là chùa chư Ni9. Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu có đề cập đến sự tham gia của các Ni sư vào phong trào chấn hưng Phật giáo đều cho thấy, dù tham gia từ sớm, đầu những năm 1920, nhưng cũng phải đến đầu những năm 1930 trở đi thì các hoạt động của Ni sư trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ mới thực sự đều đặn và đa dạng10. Tức là khi mà các tổ chức Phật giáo như Lục hòa tăng, Lục hòa tịnh lữ, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Liên đoàn học xã, rồi Lưỡng xuyên Phật học hội được lần lượt thành lập. Và theo Nguyễn Lang thì phải đến tận năm 1943, thì trường học đầu tiên dành riêng cho Ni giới Nam kỳ mới được Thiền sư Khánh Hòa thành lập ở chùa Vĩnh Bửu, Bến Tre11.

Chùa Vĩnh Bửu, Bến Tre.
 

Tuy nhiên, nếu so sánh thì có thể thấy, ở Nam kỳ sự tham gia của giới Ni sư vào việc chấn hưng Phật giáo cũng sớm hơn hẳn so với Trung kỳ và Bắc kỳ. Ở Bắc kỳ, theo Thích Trí Hải thì ngay khi ông vận động thành lập Lục hòa tịnh lữ (khoảng năm 1929) thì có nhiều vị bên Ni giới hưởng ứng, tham gia12. Và sau này, chính Ni sư Nguyễn Thị Đoan - trụ trì chùa Quán Sứ đã chủ động ngỏ lời nhượng lại chùa cho phong trào chấn hưng Phật giáo làm nơi đầu mối13. Khi phong trào phát triển, Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập thì luôn có sự góp mặt của các Ni sư trong việc đào tạo Tăng, Ni. Một trường học của Ni chung ở chùa Bồ Đề cũng đã được lập ra từ năm 1941 với hơn 30 Ni sinh, do các vị Thượng tọa Ni và các sư ở Huế ra giúp việc giảng dạy14. Theo Nguyễn Lang thì ở Trung kỳ năm 1935, khi tổ chức lễ Phật đản, Tổng Thư ký của An Nam Phật học Thích Mật Thể đã triệu tập một ủy ban tăng ni yểm trợ cho cuộc lễ. Hai Ni sư Diệu Hương và Diệu Viên cũng đã huy động tăng đồ và tín đồ đến dự. Sáng 8-4, Ni sư Diệu Hương giảng kinh Di Đà và tiếp theo Ni cô Diệu Viên giảng về đề tài Phật học đối với phái phụ nữ15. Như vậy có thể thấy, khi phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi phát thì đều có sự tham gia, góp mặt của các Ni sư, nhưng sự tham gia góp mặt của các Ni sư Nam kỳ vào phong trào chấn hưng Phật giáo là sớm nhất. Cũng có lẽ, bởi đây là nơi khởi phát sớm nhất của phong trào chấn hưng Phật giáo của cả nước.

II. HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NI SƯ TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở NAM KỲ

Rất ít các tư liệu cũng như bài viết đề cập đến những hoạt động cụ thể của các Ni sư trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ dù rằng phong trào này quan tâm đến việc quy tụ các Ni sư tham gia và mở các lớp đào tạo Ni sư từ khá sớm. Căn cứ vào những gì đã được đề cập thì có thể thấy rằng, trong những năm 1920, hoạt động của các Ni sư ở Nam kỳ chủ yếu là tham gia vào các lớp học để tiếp thu những tinh thần mới của chấn hưng Phật giáo, đồng thời cũng là để tu tập, rèn luyện Phật pháp. Phải bước sang những năm 1930 thì sự tham gia của các Ni sư vào phong trào Phật giáo Nam kỳ mới có sự đa dạng, sôi nổi hơn, giới Ni sư mới bắt đầu thể hiện các quan điểm của mình về chấn hưng Phật giáo trên diễn đàn báo chí, đồng thời tiến hành các hoạt động vận động chấn hưng Phật giáo, kiến lập các chùa Ni ở Nam kỳ.

Có lẽ, người đầu tiên tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ là Ni sư Hồng Nga - Thích Nữ Diệu Ngọc. Ni sư có thế danh là Huỳnh Thoại Nga, người gốc Hoa ở tỉnh Bạc Liêu. Bà được học cả Hán học, Tây học và chữ Quốc ngữ. Năm 1919, bà đã xây cất chùa Giác Hoa tại tổng Thạnh An, làng Châu Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Đến năm 1923, khi chùa xây dựng xong, bà xin xuất gia với Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền. Năm 1927, bà mở trường gia giáo Ni và thường xuyên nuôi chúng tu học cho đến năm 1945. Chùa Giác Hoa được coi là ngôi chùa Ni đầu tiên của miền Nam. Ngoài ra, Ni sư Thích Nữ Diệu Ngọc còn cùng với đệ tử của mình là cô Ba Xàng lập nên chùa Tân Hòa ở Cái Tàu Hạ, Sa Đéc và cũng mở trường Ni ở đây. Ni sư Thích Nữ Diệu Ngọc còn tiến hành việc dịch và khắc in kinh Phật từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ để truyền bá Phật giáo được dễ dàng hơn trong bối cảnh Nho học bị tàn lụi. Ni sư đã tổ chức khắc in hai bộ kinh: Kinh Đại bi xuất tượng và Kinh Tam bảo16.

Người thứ hai có sự tham gia một cách đầy nhiệt huyết vào phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ chính là Ni sư Thích Nữ Diệu Tịnh17. Thế danh của Ni sư là Phạm Thị Thọ18, sinh năm 1910, tại Gò Công. Năm 15 tuổi ngài đến chùa Tân Lâm ở Tân Sơn Nhất cầu Pháp với Tổ Chí Thiền, được Tổ đặt Pháp danh là Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh. Sau một thời gian theo học tại trường hạ Giác Hoa - trường có lớp đào tạo Ni sư đầu tiên của Nam kỳ do phong trào chấn hưng Phật giáo khai mở - ngài về Gia Định theo học với Hòa thượng Như Quý (tổ đình Phước Tường - Thủ Đức). Năm 19 tuổi, Ni sư Diệu Tịnh được cử về làm trụ trì chùa Hội Sơn. Năm 1930, Diệu Tịnh thọ giới Tỳ-kheo-ni tại Trường Kỳ núi Điện Bà.19

Hoạt động chấn hưng Phật giáo của Ni sư Diệu Tịnh chủ yếu là dịch kinh Phật sang chữ Quốc ngữ, giảng dạy cho các Ni sư, và viết bài đăng trên các tạp chí Phật học lúc đó để cổ xúy và bàn luận về đường hướng chấn hưng Phật giáo. Đồng thời, Ni sư Diệu Tịnh cũng là người đi đầu trong phong trào vận động xây dựng chùa riêng cho các Ni sư tu tập.

Về hoạt động dịch thuật kinh Phật, Ni sư Diệu Tịnh đã tự dịch Kinh Vu Lan, Phổ Môn, Pháp Bảo Đàn… và cho in Kinh ấn tống để làm tài liệu giảng dạy, tu tập cho các Tăng, Ni, Phật tử. Năm 1933, Ni sư Diệu Tịnh đã viết bài đăng trên Tạp chí Từ Bi Âm để kêu gọi, vận động chấn hưng Phật giáo, mà chủ yếu là vận động chấn hưng Ni giới. Cũng trong năm 1933, Ni sư Diệu Tịnh được mời làm Chánh Na, lãnh đạo Ni chúng cho Trường Hương chùa Giác Hoàng (Bà Điểm). Sau đó được công nhận là Giáo thọ Ni đầu tiên của tỉnh Gia Định lúc 24 tuổi.

Bên cạnh việc dịch thuật kinh Phật, viết bài đăng tạp chí để kêu gọi vận động chấn hưng Phật giáo thì Ni sư Diệu Tịnh còn mở lớp dạy chữ Quốc ngữ và chữ Hán cho trẻ em và Ni chúng. Năm 1934, khi trụ trì chùa Thiên Bửu, ngài đã mở lớp dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở chùa này. Cuối năm 1934, Ni sư Diệu Tịnh đã mời thêm Ni sư Diệu Tấn - chùa Kim Sơn, Ni sư Diệu Tánh - chùa Huê Lâm, Sư phó Diệu Thuận cùng xây dựng chùa Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì - tỉnh Gia Định. Năm 1935, chùa được dời sang làng Tân Sơn Nhất, đổi hiệu là Hải Ấn Ni Tự - đây là chùa Ni đầu tiên tại vùng đất Gia Định20. Năm 1940, Ni sư Diệu Tịnh làm Giáo thọ cho Ni giới tại trường cô Ba Xàng ở Sa Đéc (chùa Giác Linh, sau đổi là Tân Hòa). Ngoài ra, Ni sư Diệu Tịnh còn được Hội Phật học Cao Miên (Campuchia) mời sang thuyết pháp tại Nam Vang.21

Như vậy, có thể thấy Ni sư Thích Nữ Diệu Tịnh đã tham gia vào hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc mở trường đào tạo Ni sư và kêu gọi xây dựng chùa cho Ni giới với mong muốn tạo được sự bình đẳng, khoan hòa và phát huy được vai trò của Ni sư trong việc phổ độ Phật giáo, giáo hóa chúng sinh. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong quan điểm chấn hưng Phật giáo của Ni sư Diệu Tịnh được bà thể hiện trong nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Từ Bi Âm như: Lời than phiền của một cô vãi (số 27-1933), Cái án ngụy truyền chánh pháp (số 73-1935) và bài Nên tổ chức trường Phật học để giáo dục phụ nữ không? (số 148-1938). Có thể nói, việc đấu tranh đòi sự bình đẳng, dân chủ cho các Ni sư và nữ giới của Ni sư Diệu Tịnh lúc ấy đã góp một phần vào việc đấu tranh đòi nữ quyền của giới học thuật, trí thức Việt Nam cận đại22.

Ni sư Thích Nữ Như Thanh
 

Cũng tương tự như Thích Nữ Diệu Ngọc, Thích Nữ Diệu Tịnh, Ni sư Thích Nữ Như Thanh cũng là một trong những danh Ni có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bà có thế danh là Nguyễn Thị Thao, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1911 tại Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức). Pháp húy Hồng Ấn, tự Diệu Tánh, hiệu Như Thanh. Năm 1932, Ni sư Diệu Tánh theo hầu Sư tổ Phước Tường, đến chùa Giác Hoàng (Bà Điểm), tại đây mở trường Hương ba tháng. Tại đây bà chính thức thế phát xuất gia. Năm 1933, Ni sư Diệu Tánh rời chùa Giác Hoàng đến Trường gia giáo chùa Viên Giác (Bến Tre) cùng Ni trưởng Diệu Hường tu học một thời gian. Sau đó, Ni sư về chùa Thiên Bửu (Lái Thiêu), hợp tác với Ni trưởng Diệu Tịnh mở trường Giagiáoba tháng và học kinh với Sư tổ Khánh Thuyên. Năm 1935, Ni sư Diệu Tánh tham gia cùng với các Ni sư Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Thuận xây dựng chùa Từ Hóa tại Gia định. Cũng trong năm này, Sư tổ Phước Tường đã giao chùa Hội Sơn, xã Long Bình (Thủ Đức) cho Ni sư Diệu Tánh. Năm 1938, Ni sư ra Huế để thọ học Kinh Lăng nghiêm trực chỉ, Kinh Bát-nhã… ở trường Ni Diệu Đức với Hòa thượng Mật Hiển. Năm 1939, Ni sư ra Hà Nội tìm học và nghiên cứu Luật Tạng. Ni sư đã đến chùa Phúc Loại cầu thọ giới Tỳ-kheo-ni, được pháp hiệu Đàm Thanh. Sau đó Ni sư tiếp tục đi tu tập, thọ học ở một số sơn môn khác ngoài Bắc kỳ. Năm 1942, Ni sư về chùa Thập Tháp (Bình Định) cầu học bộ Kinh Lăng già tâm ất với Sư tổ Phước Huệ. Và đến năm 1943, Ni sư Diệu Tánh về đến chùa Hội Sơn. Tại đây, Ni sư đã khai đại Pháp tịch, tiếp dẫn Ni lưu, rồi mở trường dạy chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho dân làng. Cũng trong năm này, nhân mùa an cư, Ni trưởng Diệu Tấn chùa Kim Sơn (Phú Nhuận) khai trường Hương đã mời Ni sư Diệu Tánh làm Thiền chủ kiêm Pháp sư, Ni chúng hơn 80 vị. Năm 1944, Ni sư Diệu Tánh đã cùng Ni sư Diệu Tấn, dẫn Ni chúng Huyền Huệ, Viên Huy, Diệu Đức, Đạt Hòa… đến chùa Phước Tường cầu học Kinh Kim cang chư già với Sư tổ Pháp Ấn. Năm 1945, Ni sư Diệu Tánh đã cùng Ni sư Diệu Hường làm Giới sư Ni và đăng đàn thuyết pháp tại Giới đàn chùa Bình Quang (Phan Thiết). Mùa an cư cùng năm, Ni sư khai trường Hương tại chùa Hội Sơn, dạy bộ luật Tỳ-kheo-ni sao cho các Ni sư: Diệu Huệ (chùa Tâm Ấn - Bình Định), Tâm Đăng (chùa Linh Sơn - Nha Trang), Huyền Huệ (chùa Hải Ấn - Bà Quẹo)23.

Như vậy, có thể thấy, hoạt động của Ni sư Diệu Tánh trong phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ chủ yếu là việc vận động xây dựng chùa cho Ni giới và cùng với đó là hoạt động giảng dạy, truyền bá Phật pháp, đạo học cho Ni giới.

Nhắc đến hoạt động chấn hưng Phật giáo của Ni sư Nam kỳ, có lẽ cũng không thể không nhắc đến Ni sư Diệu Không. Mặc dù, Ni sư Diệu Không được coi là một danh Ni của Trung kỳ, tuy nhiên, ngài cũng đã có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Ni sư Thích Nữ Diệu Không, thế danh là Hồ Thị Hạnh, sinh năm 1905 ở Huế. Năm 1932, Ni sư được Hòa thượng Giác Tiên - trụ trì tổ đình Trúc Lâm truyền thập giới là Sa-di-ni với Pháp tự Diệu Không. Năm 1944, Ni sư được thọ tam đàn cụ túc tại đại giới đàn Thuyền Tôn do Hòa thượng Giác Nhiên - đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm đàn đầu. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ni sư Diệu Không đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo miền Trung. Ngài đã xây cất Ni viện đầu tiên cho nữ giới có chỗ tu học, đó là Ni viện Diệu Đức. Ngoài ra, ngài còn sáng lập và trùng tu nhiều chùa Ni và tịnh viện khác như: Diệu Viên, Khải Ấn, Hồng Ấn, Kiêu Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa… Đối với phong trào chấn hứng Phật giáo Nam kỳ, Ni sư Diệu Không là người đã góp công thành lập Ni trường đầu tiên ở Sa Đéc, Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng, Diệu Pháp tại Hố Nai, Long Thành. Ni sư Diệu Không cũng là người góp nhiều công sức cho việc xây dựng Viện Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam là Đại học Vạn Hạnh, cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Nhất Hạnh và cư sĩ Ngô Trọng Anh… là những vị khai sáng đầu tiên. Ngoài ra, cơ sở Kiều Đàm tại đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cũng do Ni sư Diệu Không cổ động xây cất. Ni sư cũng là người tham gia vào việc đào tạo Ni giới, tăng tài, truyền bá Phật pháp một cách nhiệt tâm cho Ni chúng Nam kỳ. Nhiều Ni sư ở Nam kỳ đã được thọ giáo Ni sư Diệu Không và trở thành những người có nhiều đóng góp, gây dựng nền móng cho sự phát triển của Phật giáo ở Nam kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung24.

Trên đây mới chỉ là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho các hoạt động của Ni giới trong việc chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XX. Chúng tôi chắc rằng, sẽ còn nhiều hơn nữa những gương mặt Ni giới có sự đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ những gì đã trình bày trên đây có thể thấy rằng, dù số lượng không đông đảo như bên Tăng, lại ít được nhắc đến trên các diễn đàn, song rõ ràng là giới Ni sư Nam kỳ đã có một vai trò hết sức to lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Các hoạt động chấn hưng Phật giáo của Ni giới đa dạng và phong phú, bao gồm cả việc vận động, đào tạo Ni chúng, tranh luận, cổ xúy chấn hưng đạo Phật trên diễn đàn báo chí, và đặc biệt là việc vận động, kiến tạo trường đào tạo Ni sư và xây cất hệ thống chùa cho Ni giới. Có thể nói, cùng với các hoạt động chấn hưng Phật giáo của các Tăng sư thì hoạt động chấn hưng Phật giáo của Ni sư đã góp phần làm nên sự thành công của phong trào này, góp phần sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn của phong trào nữ quyền và đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc.

KẾT LUẬN

Có thể thấy, rõ ràng là trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nói chung và Nam kỳ nói riêng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có sự tham gia từ rất sớm của các Ni sư. Hoạt động chấn hưng Phật giáo của Ni giới Nam kỳ cũng khởi phát sớm hơn so với Bắc kỳ và Trung kỳ và phần nào đó mang tính dẫn dắt, lan tỏa. Sự tham gia của Ni sư Nam kỳ vào phong trào chấn hưng Phật giáo đã làm cho phong trào này mang những màu sắc mới, nhất là vấn đề đấu tranh đòi nữ quyền, giải phóng phụ nữ, đòi sự tự do, dân chủ và bình đẳng cho Ni sư trong các hoạt động tôn giáo. Đồng thời, góp phần làm cho phong trào chấn hưng Phật giáo ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong đời sống, qua đó thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của công chúng. Có thể nói, sự tham gia của Ni giới vào phong trào chấn hưng Phật giáo đã góp phần làm nên tiếng vang và sự thành công của phong trào này. Các hoạt động chấn hưng Phật giáo của Ni giới là đa dạng, bao gồm cả việc vận động đào tạo Tăng, Ni, Phật tử; chuyển ngữ, phổ biến kinh Phật; chấn chỉnh lại giáo lý đạo Phật đến việc mở lớp, dựng trường và xây cất chùa chiền cho Ni giới… góp phần làm cho phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy lòng tự tôn dân tộc, tạo ra sự hòa quyện giữa đạo pháp và dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng con người, giải phóng dân tộc khỏi họa xâm lăng. Có ý nghĩa to lớn là thế song thực tiễn là việc nghiên cứu về Ni sư với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, nhất là ở Nam kỳ - nơi khởi phát đầu tiên của phong trào này - vẫn còn hạn chế, do đó chưa thể hiện hết được vai trò, ý nghĩa của Ni giới đối với sự phát triển của việc trùng chấn đạo Phật, nhất là việc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, bình đẳng tôn giáo của nhân dân Việt Nam nói chung, Nam kỳ nói riêng dưới chế độ cai trị thuộc địa của thực dân Pháp. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, đánh giá và tổng kết vai trò của Ni giới đối với sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo, làm rõ và đề cao những đóng góp của các vị danh Ni đối với đạo Phật trong quá trình chấn hưng, đối với sự đoàn kết, thống nhất của Phật giáo Việt Nam. Đó là việc làm vừa mang tính khoa học, vừa mang giá trị thực tiễn trong việc phát triển Phật giáo hôm nay và mai sau.

TS. Phạm Minh Thế Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Nguyễn Đại Đồng và Ph.D Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ năm 1927 - 1938, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 16. 2 Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tập 1, tr. 237. 3 Nguyễn Đại Đồng và Ph.D Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, 2008, Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ năm 1927 - 1938, sđd, tr. 15. 4 Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, sđd, tập 1, tr. 237. 5 Xem Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Công ty sách Thời đại và Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 756. Cũng xem Đinh Xuân Lâm (chủ biên), 2012, Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tập 3, tr. 548; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Tạ Thị Thúy (chủ biên), 2017, Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tập 8, tr. 281. 6 Nguyễn Lang (2014), sđd, tr. 756. 7 Sđd, tr. 756-757. 8 Trong cuốn sách này, Hòa thượng Thiện Hoa cho rằng, Thiền sư Chí Thiện chứ không phải là Chí Thành như Nguyễn Lang nói, đã lập trường đào tạo Tăng, Ni. Và số Ni sư là 100. Xem Hòa thượng Th n Hoa, 2009, Ghi ơn tiền bối 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr.14. Nguồn Thư viện Hoa Sen (http://thuvienhoasen.org), truy cập tháng 10 năm 2020. 9 Lê Nguyên Thảo, 2017, Chấnhưng Phật giáo Việt Nam, nguồn Thư viện Hoa Sen (https:// thuvienhoasen.org/a27398/chan-hung-phat-giao-viet-nam), truy cập tháng 10 năm 2020. 10 Nguyễn Lang, 2014, sđd, tr. 768-769. 11 Nguyễn Lang, 2014, sđd, tr. 792. 12 Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, sđd, tập 1, tr. 242. 13 Thích Trí Hải, 2019, sđd tr. 251. 14 Thích Trí Hải, 2019, sđd, tập 1, tr. 284. 15 Nguyễn Lang, 2014, sđd, tr. 769-770. 16 Quảng Tuấn, “Ba vị danh Ni tiêu biểu trong tiến trình phát triển Ni giới Nam bộ”, Bài trên Báo Giác Ngộ Online (https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5B4443). Truy cập tháng 10 năm 2020. 17 Toàn bộ phần viết về Ni sư Thích Nữ Diệu Tịnh tôi tóm lược lại theo bài viết “Sư trưởng Thích Nữ Diệu Tịnh (1910-1942), đăng trên Báo điện tử Hoa Đàm (https://dacsanhoadam. com/su-truong-thuong-dieu-ha-tinh-1910-1942/), truy cập tháng 10 năm 2020. 18 Trong bài viết “Ba vị danh Ni tiêu biểu trong tiến trình phát triển Ni giới Nam bộ”, Quảng Tuấn cho rằng tên bà là Phạm Đại Thọ. Xem Quảng Tuấn, “Ba vị danh Ni tiêu biểu trong tiến trình phát triển Ni giới Nam bộ”, đăng trên Báo Giác Ngộ Online (https://giacngo. vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5B4443), truy cập tháng 10 năm 2020. 19 https://nigioivietnam.vn/su-truong-thuong-dieu-ha-tinh-1910-1942/ 20 Tuy nhiên, theo chúng tôi thì có lẽ bài viết này có sự nhầm lẫn về sự góp mặt của Ni sư Diệu Tấn vào việc xây dựng chùa này chăng. Vì Ni sư Diệu Tấn, sinh năm 1926, năm 1935 bà mới 10 tuổi thì không thể tham gia việc xây dựng chùa này được. Xem bài “Tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tấn (1926-2019)”, đăng trên website Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế (http://phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=0&ChuDeID=0&Tin- TucID=26662). Truy cập tháng 10 năm 2020. 21 https://nigioivietnam.vn/su-truong-thuong-dieu-ha-tinh-1910-1942/ 22 Tạ Thị Bích Liên, 2019, “Vấn đề phụ nữ trên báo chí Phật giáo ở Việt Nam trước năm 1945”, tr. 355-356. Bài trích trong kỷ yếu Hội thảo khoa học cán bộ trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội (Nguồn: https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/68535/1/C%C3%A1n%20 b%E1%BB%99%20tr%E1%BA%BB%20v%C3%A0%20h%E1%BB%8Dc%20 vi%C3%AAn%20sau%20%C4%91%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%8Dc%2824%29.pdf, truy cập tháng 10 năm 2020). 23 Tóm lược theo bài viết “Tiểu sử Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh - Viện chủ tổ đình Huê Lâm, tổ đình Từ Nghiêm (1911-1999)” của Diệu Mỹ, đăng trên website của tu viện Quảng Đức, năm 2003 (https://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/64subanhuthanh. html), truy cập tháng 10 năm 2020. 24 Vũ Trung Kiên, 2020, “Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không - Một kỳ nữ của Việt Nam trong thế kỷ XX”, bài đăng trên website Thư viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/a34224/ ni-truong-thich-nu-dieu-khong-mot-ky-nu-cua-viet-nam-trong-the-ky-20). Truy cập tháng 10 năm 2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lê Tâm Đắc, Nguyễn Đại Đồng (2013), Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX nhân vật và sự kiện, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Đại Đồng, Ph.D Nguyễn Thị Minh, sưu tầm và biên soạn, (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ năm 1927 - 1938, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Thích Trí Hải (2019), Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tập 1. Hòa thượng Thiện Hoa (2009), Ghi ơn tiền bối 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr. 14. Nguồn Thư viện Hoa Sen (http://thuvienhoasen.org), truy cập tháng 10 năm 2020. Vũ Trung Kiên (2020), “Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không - Một kỳ nữ của Việt Nam trong thế kỷ XX”, bài đăng trên website Thư viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/a34224/ni- truong-thich-nu-dieu-khong-mot-ky-nu-cua-viet-nam-trong- the-ky-20), truy cập tháng 10 năm 2020. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Công ty sách Thời đại và Nxb Văn học, Hà Nội. Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (2012), Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tập 3. Tạ Thị Bích Liên (2019), “Vấn đề phụ nữ trên báo chí Phật giáo ở Việt Nam trước năm 1945”, tr. 355-356. Bài trích trong kỷ yếu Hộithảokhoahọccánbộtrẻ Đạihọc Quốcgia Hà Nội(https:// repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/68535/1/ C%C3%A1n%20b%E1%BB%99%20tr%E1%BA%BB%20 v%C3%A0%20h%E1%BB%8Dc%20vi%C3%AAn%20sau%20 %C4%91%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%8Dc%2824%29.pdf. Truy cập tháng 10 năm 2020). Diệu Mỹ (2003), “Tiểu sử Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh - Viện chủ Tổ đình Huê Lâm, Tổ đình Từ Nghiêm (1911-1999)” đăng trên website của tu viện Quảng Đức (https://www. tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/64subanhuthanh. html). Truy cập tháng 10 năm 2020. Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương (2020), “Quá trình hình thành - chuyển biến Phật giáo cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp của Ni giới của hệ phái”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. “Sư trưởng Thích Nữ Diệu Tịnh (1910-1942)”, đăng trên Báo điện tử Hoa Đàm (https://dacsanhoadam.com/su-truong-thuong- dieu-ha-tinh-1910-1942/), truy cập tháng 10 năm 2020. Lê Nguyên Thảo (2017), Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, nguồn Thư viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/a27398/chan- hung-phat-giao-viet-nam), truy cập tháng 10 năm 2020. “Tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tấn (1926-2019)”, đăng trên website Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế (http://phatgiaohue.vn/news. aspx?KenhID=0&ChuDeID=0&TinTucID=26662), truy cập tháng 10 năm 2020. Quảng Tuấn, “Ba vị danh Ni tiêu biểu trong tiến trình phát triển Ni giới Nam bộ”, Bài trên Báo Giác Ngộ Online (https://giacngo. vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5B4443), truy cập tháng 10 năm 2020. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Tạ Thị Thúy (chủ biên) (2017), Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tập 8.