Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Vai trò của Lê Dư trong việc tái thiết chùa Quán Sứ

Vai trò của Lê Dư trong việc tái thiết chùa Quán Sứ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

(Phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ, giai đoạn 1934-1955)

Thích Bổn Đức
Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Từ những ngày đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo, Lê Dư đã là một trong thành viên quan trọng, người đồng sáng lập Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934). Vai trò của Lê Dư dành cho Phật giáo Bắc kỳ đến nay vẫn còn được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến. Trong số những đóng góp mà Lê Dư, đó là việc ông đứng ra tiếp quản chùa Quán Sứ. Trong bối cảnh đó, sự có mặt của Lê Dư chẳng những kịp thời cứu vãn tình trạng ngôi chùa sắp bị chính quyền thực dân dỡ bỏ, hơn thế nữa sự tác động của Lê Dư còn nâng cao vị thế ngôi chùa, đưa Quán Sứ trở thành trung tâm đầu não cho các hoạt động chấn hưng Phật giáo tại Bắc kỳ diễn ra vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Từ khóa: Lê Dư, chùa Quán Sứ, Phật giáo Bắc Kỳ, chấn hưng Phật giáo,…

1. Tiểu sử Lê Dư

Lê Dư, hiệu là Sở cuồng (1885-1967), là nhà văn, nhà nghiên cứu Hán – Nôm. Nguyên quán của ông tại làng Nông Sơn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông có nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Nam Phong, báo Đông Thanh và báo Tri tân[1].

Giai đoạn những những 1904-1905, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đề xướng phong trào Đông Du, kêu gọi thanh niên Việt Nam xuất dương sang Nhật Bản, Lê Dư là một trong số những học sinh đầu tiên đã tham gia và gắn bó với phong trào này. Tuy nhiên, quá trình học tập tại Nhật Bản chưa được bao lâu thì số học sinh và nhà lãnh đạo Phan Bội Châu bị chính phủ Nhật trục xuất về nước.

Về sau, chứng kiến phong trào đấu tranh chống Pháp do Phan Bội Châu lãnh đạo liên tục thất bại, Lê Dư bắt đầu tách khỏi Phan Bội Châu rồi tham gia viết báo và làm việc cho chính quyền thuộc địa.

Năm 1917, Tạp chí Nam Phong ra đời, Lê Dư phụ trách phần tiếng Hán của tạp chí. Theo Phạm Hoàng Quân, tác giả cuốn Mục lục đề yếu phần Hán văn Tạp chí Nam phong (1917-1934) nhận định: “Hai tác giả Nguyễn Bá Trác và Lê Dư có số bài viết chiếm gần 1/3 dung lượng toàn phần Hán văn”[2].

Năm 1925, Lê Dư được mời làm việc tại Trường Viện Đông bác cổ, ông “phụ trách phông chữ Nhật Bản trong thư viện trường”[3]. Năm 1945, trong hai tháng từ tháng 9 đến tháng 10, ông được bổ nhiệm nắm quyền Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ [4]. Năm 1945, khi phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp được đẩy mạnh, Lê Dư tản cư đến vùng Thanh Hóa và tiếp tục các hoạt động liên quan đến văn hóa. Đến năm 1954, ông trở về Hà Nội sinh sống và mất tại đây vào tháng 8 năm 1967, thọ 82 tuổi.

Trong sự nghiệp văn học, Lê Dư được giới trí thức cùng thời đánh giá là một nhà văn có chuyên môn cao trong lĩnh vực biên tập và khảo cứu. Những công trình khảo cứu và sáng tác của Lê Dư rất đa dạng, phong phú, nội dung bao quát với nhiều thể loại như bút ký, biên khảo, triết học, tôn giáo, lịch sử, văn học sử, sưu tập các tài liệu cổ trong và ngoài nước.

Điểm mạnh chuyên môn của Lê Dư chính là trình độ Hán văn, do đó các bài viết bằng tiếng Hán của ông chiếm lượng lớn trong số các sáng tác ông đã đăng tải. Nếu chỉ tính riêng trong Tạp chí Nam Phong phần Hán văn thì số bài viết của Lê Dư đã vượt hơn 125 bài[5]. Bên cạnh việc tham gia và viết báo cho Tạp chí Nam Phong, Lê Dư còn làm chủ biên cho bộ Quốc học tùng san và những sách do ông sưu tập, biên soạn đều được ông gọi là Sở cuồng văn khố Quốc học tùng san.

Giai đoạn những năm 30 của thế kỷ XX, Lê Dư là người tiên phong và thường xuyên sử dụng hai từ “quốc học” trên các diễn đàn văn học và báo chí trong nước. Lê Dư đã dành hết tâm huyết để cổ suy cho nền “quốc học”, và ông cho rằng phát huy được sức mạnh của “quốc học” chính là phát huy được sức mạnh “quốc túy”, “quốc hồn” của dân tộc.

Vậy “quốc học” là gì? Tìm hiểu trong những tài liệu biên tập và khảo cứu của Lê Dư, ta có thể thấy Lê Dư không quá đặt nặng vấn đề khi định nghĩa về “quốc học”. Tất cả những tác phẩm thuộc văn học cổ đại do người Việt sáng tác bằng chữ Hán hay chữ Nôm, ông đều tiến hành sưu tập, biên soạn và xem đó đều thuộc về “quốc học”. Do đó, hai từ “quốc học” được ông định nghĩa: “Toàn bộ di sản văn hóa tinh thần của cha ông đều được coi là quốc học”[6].

Tóm lại, việc sưu tầm và cổ súy nền văn học nước nhà (bao gồm văn học Hán ngữ, Nôm hay chữ Quốc ngữ), tính trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, thì Lê Dư được đánh giá là một trong những nhà hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết. Ông có nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo khi cố gắng đề cao nền “quốc học” cho Việt Nam. Chính sự tâm huyết này đã phản ánh được tình cảm yêu quý và trân trọng của Lê Dư dành cho các di sản văn hóa mà tiền nhân để lại.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2021 Phong trao chan hung Phat giao chua Quan Su 2

Chính điện chùa Quán Sứ năm 1942 (Nguồn: Tràng Thuyền học Hội Phật giáo Bắc kỳ, Nhòm qua cửa Phật, nhà in Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1942)

2. Ý nghĩa thực tiễn từ việc Lê Dư nhận chùa Quán Sứ

Lê Dư tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ từ những năm 1933, thông qua việc ông được Lê Toại mời cộng tác chung trong Phật học tùng thư[7]. Phật học tùng thư được sáng lập bởi Thái Hòa, Vũ Đình Ứng (sư Hải Châu), Trí Hải, Lê Toại, Trần Văn Giác và Nguyễn Hữu Kha. Bấy giờ, tùng thư đã là nơi tụ hội của nhiều nhà trí thức, nhà văn, nhà báo hữu danh như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Lê Toại.

Tham gia vào Hội Phật giáo Bắc kỳ, công việc chủ yếu của Lê Dư là quản lý và cố vấn các hoạt động cho hội. Ông thường thay mặt cho hội tiếp đón khách trong và ngoài nước. Vì phần lớn thời gian Lê Dư phụ trách công việc hành chính, nên ông có rất ít bài viết đăng trên Đuốc Tuệ, duy nhất trên Đuốc Tuệ số 53, ra ngày 15/01/1937 bài đăng tiêu đề “Bịnh tình cụ Thiền gia Pháp chủ” là ghi tên Sở cuồng Lê Dư mà thôi.

Tuy nhiên, một trong những đóng góp được xem là quan trọng nhất của Lê Dư dành cho Hội Phật giáo Bắc kỳ nói chung, chính là việc ông đứng ra tiếp nhận chùa Quán Sứ nằm trên đường Richaud từ tay hai sư ni là Nguyễn Thị Đoan và Nguyễn Thị Tần. Và sau đó, Lê Dư giao chùa cho Hội Phật giáo Bắc kỳ chọn làm hội quán trung ương.

Về chùa Quán Sứ, cuốn Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ của tác giả Ninh Thị Sinh xuất bản năm 2020, đã cung cấp được lượng lớn thông tin cần thiết. Ngoài ra, tài liệu xưa hơn liên quan đến ngôi chùa này, ta có thể tìm thấy trong 城南舘使寺與李國師攷 (Thành nam Quán Sứ tự dữ Lý Quốc sư khảo) của tác giả Lê Dư đăng trên Nam Phong (phần Hán văn) số 206, 10/1934 và “Dấu xưa vết cũ” đăng trên Ngọ báo Hà Thành, 21/01/1932.

Theo cuốn Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, tác giả Ninh Thị Sinh trình bày trước khi chùa Quán Sứ được chọn làm hội quán trung ương của Hội Phật giáo Bắc kỳ, chùa này do hai sư ni là Nguyễn Thị Đoan và Nguyễn Thị Tần quản lý. Khi đó, chùa toạ lạc tại góc phố Teinturiers (phố Thợ Nhuộm) và phố Richaud (phố Quán Sứ). Tình trạng của chùa đã xuống cấp khá nghiêm trọng, nhưng bù lại trong khuôn viên lại có nhiều cây xanh tươi tốt, là khu đất rất mát mẻ. Năm 1933, sở Đốc lý Hà Nội có kế hoạch chọn khu đất này trong đó gồm cả chùa Quán Sứ để xây dựng vườn hoa thành phố. Trước đó, sở Đốc lý đã cho đổ đất lấp hết các ao rạch và xây dựng tường rào bao quanh. Vì tiếc một di tích tồn tại từ lâu đời, nên sư Đoan tìm cách thương thảo cùng hai thầy là Thái Hòa và Trí Hải, nếu như có thể giữ lại được chùa thì sư Đoan xin nhượng chùa và quyền quản lý cho các thầy có nơi để làm phật sự.

Trước tình huống này, sư Trí Hải đem việc bàn bạc cùng các vị cư sĩ trong đó có Lê Dư, cuối cùng mọi người đều tán đồng sẽ nhận và tái thiết chùa Quán Sư. Khi đề xuất việc nhận chùa Quán Sứ, Lê Dư từng phát biểu: “Chùa Quán Sứ chính là nới cổ tích lịch sử của nước nhà, chúng ta có bổn phận phải duy trì không thể để mất chốn di tích ấy được”[8].

Đúng theo lời thương thảo, sư Đoan và tập thể làng Yên Tập đã viết giấy cam kết xin bàn giao chùa Quán Sứ trong thời hạn 6 năm lại cho hai vị là thầy Trí Hải (tên tục Đoàn Thanh Tảo) chùa Mai Xá và Lê Dư quản lý. Ngoài ra, giao kết cũng đề cập nếu quá thời hạn 6 năm, các vị (thầy Trí Hải và Lê Dư) không giúp chùa phát triển thì phải giao trả chùa cho sư Đoan.

Sự kiện Lê Dư nhận chùa Quán Sứ chứa đựng nhiều ý nghĩa. Trong tập Hồi ký Thành lập Hội Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-197), lúc đầu khi thành lập Phật học tùng thư, do vì tại Hà Nội không tìm được địa điểm thích hợp để làm cơ sở hoạt động, nên các nhà sáng lập tùng thư buộc phải di chuyển và dời về chùa Mai Xá, tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2021 Phong trao chan hung Phat giao chua Quan Su 1

Toàn cảnh ngôi chùa Quán Sứ theo bản thiết kế. (Nguồn : Đuốc Tuệ, số 89, ngày 15/7/1938)

Tại Mai Xá, trên thực tế tùng thư chỉ là một căn phòng nhỏ với một vài trang thiết bị tủ, bàn, ghế rất đơn sơ. Dù có quy mô khiêm tốn, nhưng thời điểm đó, tùng thư đã thu hút không ít trí thức lớn tham gia sinh hoạt, tiêu biểu như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh. Một trong những khó khăn vấp phải cho các hoạt động Phật học của tùng thư chính là việc di chuyển qua lại giữa các trí thức luôn gặp trở ngại vì đường xá xa xôi, thiếu thốn phương tiện. Bấy giờ, nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra là tìm cho được một nơi phù hợp, nơi này cần gần thành thị, đồng thời phải có đường giao thông thuận lợi giao để tiện bề thúc đẩy quá trình chấn hưng Phật giáo.

Đến năm 1934, đáp lại sự cấp thiết của phong trào chấn hưng Phật giáo, Lê Dư đã đứng ra nhận và quản lý chùa Quán Sứ, sau đó bàn giao lại cho giới trí thức chọn làm cơ sở, hướng tới việc thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ. Về vị trí địa lý, chùa Quán Sứ đã đáp ứng đủ các tiêu chí do nhóm trí thức Phật học tùng thư đặt ra, chùa toạ lạc tại góc phố Teinturiers (nay là phố Thợ Nhuộm) và phố Richaud (nay là phố Quán Sứ).

Việc Lê Dư nhận chùa Quán Sứ, tác giả Ninh Thị Sinh trong cuốn Phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ có những nhận định: “Lê Dư là người giữ vai trò chủ chốt trong việc nhận chùa Quán Sứ và chính ông đã mời sư Trí Hải chùa Mai Xá, Hà Nam lên trông nom chùa Quán Sứ”[9]. Như vậy, Lê Dư không chỉ kịp thời bảo vệ chùa Quán Sứ thoát khỏi tình trạng sắp bị dỡ bỏ, ông còn góp phần đưa ngôi chùa phát triển lên vị thế mới. Năm 1934, chùa Quán Sứ được Hội Phật giáo Bắc kỳ chọn làm hội quán trung ương,  trở thành địa điểm quan trọng cho tất cả hoạt động chấn hưng Phật giáo được thực hiện bởi giới trí thức.

3. Kết luận

Quá trình thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ và sự thành công trong các hoạt động chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, trong đó trí thức nói chung có vai trò hết sức quan trọng, phần khác là nhờ vào công sức của Lê Dư khi đứng ra nhận lãnh chùa Quán Sứ. Lê Dư và giới trí thức cùng nhau đưa phong trào Phật giáo đi đúng quỹ đạo đã định, từ đó việc khôi phục, chấn hưng Phật giáo trở nên thuận lợi, tiến triển tốt đẹp.

Hiện nay, chùa Quán Sứ đã trở thành biểu tượng văn hóa thủ đô, là trung tâm hành chính, tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng không chỉ riêng tại Hà Nội, mà còn đối với cả nước. Những gì Lê Dư đóng góp trong quá khứ sẽ còn nguyên giá trị và luôn được các thế hệ sau nhắc đến trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Thích Bổn Đức
Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] Ngô Thế Long, Trần Thái Bình (2021), Học viện Viễn Đông bác cổ (Giai đoạn 1898-1957), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 70, 71
[2] Phạm Hoàng Quân (2019), Mục lục đề yếu phần Hán văn tạp chí Nam phong (1917-1934), Nxb. Đà Nẵng, tr. 19
[3] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 102
[4] Ngô Thế Long, Trần Thái Bình (2021), Học viện Viễn Đông bác cổ (Giai đoạn 1898-1957), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 71
[5] Thống kê này dựa theo cuốn Phạm Hoàng Quân (2019), Mục lục đề yếu phần Hán văn tạp chí Nam phong (1917-1934), Nxb. Đà Nẵng, tr. 65-89
[6] Lê Thị Huyền Trang, Luận văn Thạc sĩ: Tiếp xúc văn hóa Đông – Tây trên lĩnh vực giáo dục qua Nam Phong tạp chí (1917-1934), Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2013.
[7] Phật học tùng thư có trụ sở đặt tại chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nơi của Hòa thượng Thích Trí Hải). Công việc chủ yếu của Phật học tùng thư là phiên dịch kinh điển đạo Phật sang chữ Quốc ngữ, xuất bản để phổ biến sâu rộng giáo lý đạo Phật. (Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 90)
[8] Nguyễn Đại Đồng, “Các cư sĩ Bắc kỳ với phong trào chấn hưng Phật giáo”. Sơn môn Tổ đình Tế Xuyên, Kỷ yếu Các hội thảo toạn đàm khoa học về Sa môn Thích Trí Hải, Quyển 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2021, tr. 77
[9] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 95, 96

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Thế Long, Trần Thái Bình (2021), Học viện Viễn Đông bác cổ (Giai đoạn 1898-1957), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
2. Phạm Hoàng Quân (2019), Mục lục đề yếu phần Hán văn Tạp chí Nam phong (1917-1934), Nxb. Đà Nẵng.
3. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Phật giáo (1934-1945), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4. Thích Trí Hải, Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004.
5. Sơn môn Tổ đình Tế Xuyên, Kỷ yếu Các hội thảo toạn đàm khoa học về Sa môn Thích Trí Hải, Quyển 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2021.
6. Ngọ báo Hà Thành, ngày 21 tháng 1 năm 1932.
7. Tạp chí Nam Phong (phần Hán văn) số 206, tháng 10 năm 1934.
8. Đuốc Tuệ số 53, ra ngày 15/01/1937.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường