Đặc san Hoa Đàm đã thực sự mang lại một tiếng nói thống nhất trên mọi mặt của đoàn thể Ni giới, khẳng định được tinh thần đoàn kết, thống nhất trong sinh hoạt của Ni bộ Bắc tông. Qua đó, góp phần thúc đẩy vai trò hoằng pháp, giáo dục, báo chí trong Ni lưu. Bằng tính chất bắc cầu, đặc san Hoa Đàm đã đại diện cho bộ phận Ni giới gặp gỡ, tiếp cận, chuyển tải nhiều giá trị nhân văn đến với nhiều đối tượng trong quần chúng xã hội.
Tác giả: Thích nữ Như Hạnh
I. Dẫn nhập
Bước ra từ báo chí các Hội đoàn, Ni giới Việt Nam không ngừng tiếp nối con đường của chư tiền bối khai thông. Ngang qua những tấm gương lớn dành cho hoạt động báo chí như Sư bà Diệu Tịnh, Ni cô Huệ Tâm, Sư bà Diệu Không, Sư bà Huỳnh Liên … bước tiến của chư Ni được nhìn thấy rõ rệt từ thuở ban sơ (1933) cho đến thời điểm sáng lập những cơ quan ngôn luận riêng cho đoàn thể Ni giới. Ngoài vai trò hoằng pháp, giáo dục, báo chí còn là cầu nối thúc đẩy giềng mối và gìn giữ đạo mạch Ni lưu hơn 40 năm trước ngày thống nhất đất nước. Đánh dấu cho sự lớn mạnh của chư Ni trên phương diện báo chí phải kể đến đặc san Hoa Đàm – đứa con tinh thần của Ni bộ Bắc tông, tiền thân của Ni bộ Nam Việt. Trong ý nghĩa đó, tờ báo không chỉ thực hiện sứ mạng truyền thông mà còn đảm nhận vai trò cốt cán của Ni bộ trong việc kiện toàn, thống nhất Ni giới nước nhà.
II. NỘI DUNG
1. Đôi nét về Hoa Đàm
Xuất hiện sau cùng trong các cơ quan ngôn luận của Ni giới, Hoa Đàm[1] (1973 – 1975) được biết đến là một đặc san trực thuộc Ni bộ Bắc tông, do Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản. Tờ báo chính thức ra đời vào ngày 3/2/1973 nhằm ngày 1/1/Qúy Sửu – PL. 2516, tòa soạn đặt tại chùa Từ Nghiêm, số 415 – 417 đường Bà Hạt, Sài Gòn. Nhìn về hình thức, đặc san có sự tiến bộ rõ rệt; đội ngũ quản lý chắc chắn, có tố chất lãnh đạo như một tờ báo lớn của Phật giáo hiện thời. Hai số đầu chưa đề cập đội ngũ lãnh đạo; qua số 3 phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Từ số thứ 3, Sư trưởng (ST) Như Thanh nắm giữ vai trò chủ nhiệm kiêm chủ bút; TN. Như Thường – Thư ký tòa soạn; TN. Như Lượng – chịu trách nhiệm về Thư từ bài vở; Phạm Thị Ngọ quản lý tiền bạc, ngân phiếu. Sang số 4,5,6; ST. Như Thanh và TN. Như Thường đồng chủ biên. Số 7 trở đi, chỉ còn một mình ST. Như Thanh chủ biên, không thấy Như Thường trong đội ngũ nữa.
Như vậy, bộ ba đồng hành xuyên suốt nhất từ lúc tờ báo ra đời cho đến lúc đình bản là ST. Như Thanh, TN. Như Lượng và Phạm Thị Ngọ. Từ số 6 trở đi, báo có thêm Phạm Đỗ, Thương Thương và Thiện Chí phụ trách thiết kế, kỹ thuật trong những Đại lễ đặc biệt. Do đó, bìa báo cũng khác nhau tùy theo tính chất mỗi chủ đề. Sau những lần tái bản, Hoa Đàm lưu bổn có 3 khuôn báo: tiểu bản (bản gốc, kích thước mỏng nhất), trung bản (2 số một tập) và bản đại (9 số gộp lại).
Với tuổi thọ 3 năm, đặc san duy trì được 9 số; năm 1973 và 1974 ra mỗi năm 4 số, năm 1975 chỉ 1 số. Ngoại trừ số đầu tiên không có chủ đề nhất định; 8 số sau đều tập trung vào những đại lễ lớn trong như Phật Đản, Vu Lan, Xuân Di Lặc, đại lễ Phật A Di Đà. Năm đầu in tại Ấn Quán Đăng Quang; từ năm thứ 3 trở về sau, in tại nhà in Việt Liên. Số 3, 4 in 2000 cuốn, giá báo giao động từ 300$ – 350$ / năm. Điểm phát hành của Hoa Đàm rãi rác từ Sài Gòn ra đến Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Lạt, Sa Đéc, Vũng Tàu. Thường xuyên nhất là chùa Ấn Quang, chùa Từ Nghiêm, chùa Huê Lâm, chùa Xá Lợi, Tịnh Tâm Trai, chùa Phổ Đà, chùa Hải Huệ, Ni viện Diệu Quang …
2. Vị trí của Hoa Đàm trong lịch sử báo chí Ni giới Phật giáo Việt Nam
Khép mình bên lề của dòng chảy lịch sử báo chí, Hoa Đàm được xem là một tờ báo rất nhỏ so với báo chí Việt cũng như báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1975. Nhìn về trang sử báo chí của Ni giới nước nhà, Hoa Đàm vẫn là một kênh ngôn luận ra đời sau cùng. Tuy nhiên, tờ báo có thời gian duy trì dài nhất với số lượng bài viết nhiều nhất, mật độ dày dặn nhất, nội dung phong phú, đa sắc nhất kể từ 1933 – 1975. Để minh chứng cho điều này, trước tiên cần nhìn rõ qua sự xuất hiện và tồn tại của 6 cơ quan ngôn luận do Ni giới thành lập. Trong đó, có 4 tờ do chư Ni Bắc tông đãm nhiệm, gồm Liên Hoa văn tập[2] (Huế), bán nguyệt san Sen Hồng (1956) [11, tr. 207], tập san Nhân cách (1966) [36, tr. 139] và đặc san Hoa Đàm (1973 - 1975). Hai tờ do Ni giới khất sĩ đảm nhiệm gồm có đặc san Hành Động và đặc san Thuyền Sen (1966). Nếu không kể đến sự thất lạc của các tờ Sen Hồng, Nhân Cách, Hành Động thì Hoa Đàm vẫn nắm giữ vị trí lâu nhất; khá hoàn thiện nhất trong chuỗi báo chí của Ni giới.
Nhìn về nội dung, Hoa Đàm đã kế thừa tinh hoa của những kênh ngôn luận trước. Tờ báo đã tập trung tới nhiều đối tượng như NS. Diệu Không thực hiện trên Liên Hoa; bày tỏ sự quan tâm đến giới trẻ như ở Sen Hồng; xây dựng đạo đức, phẩm chất Ni – nữ học Phật như ở Thuyền Sen, Nhân Cách; đề cao ý thức dân tộc như ở Hành Động … Để rồi những tinh hoa ấy được thể hiện đầy đủ nhất trong Hoa Đàm, thông qua các mục giảng giải giáo lý, Phật pháp vấn đáp, phụ nữ, giáo dục nhi đồng, truyện, đố, thơ ca … Cũng chính từ tờ báo ấy, tính mới mẻ và sáng tạo trở nên rõ nét với nhiều pháp môn, nhiều phương diện tiếp cận, thích hợp cho nhiều đối tượng bạn đọc. Điều đó không chỉ thấy được tài năng, tiềm năng trong Ni giới mà còn thể hiện được tinh thần kế thừa tiền bối trong công cuộc khai phá, mở đường cho tiếng nói của Ni lưu được đánh thức, lan tỏa trên các không gian, phương tiện đại chúng. Quả đúng như khao khát mà Ni cô Huệ Tâm, Sư bà Diệu Không, Sư bà Diệu Tính, … cũng như nữ cư sĩ Võ Thị Khánh đã vạch ra trên Từ Bi Âm[3].
Tất nhiên, Hoa Đàm không chỉ cất lên tiếng nói trong phạm trù tôn giáo của một đoàn thể, một số bài viết cũng từng góp phần vào tiếng nói của dân tộc, chẳng hạn “Tâm nguyện đầu xuân”[4], “Xuân cảm”[5], “Hoa Mai trong biển lửa”[6], “Hoa Đàm nở”[7], “Trong rừng Y Lan”[8], “Ngày Vạn Hạnh”[9], … Tất cả đều mang đậm nỗi khát khao hòa bình trước bức tranh máu lửa trên quê hương Việt Nam. Với những nỗ lực đó, Hoa Đàm đã thể hiện một màu sắc riêng trong dòng chảy báo chí Phật giáo Việt Nam, tạo nên sự phong phú cho lĩnh vực báo chí tôn giáo cũng như báo chí của dân tộc.
3. Sự gắn kết giữa Hoa Đàm và Ni Bộ Bắc Tông
Để thấy được vai trò xuyên suốt của Hoa Đàm trong dòng chảy Ni Bộ Bắc Tông, cần xem sự đáp ứng của tờ báo ngang qua 4 tiêu chí đặt ra ban đầu: 1. Cơ quan phổ biến giáo lý Phật pháp; 2. Xây dựng tinh thần đoàn thể Ni giới; 3. Phát triển kiến thức đạo đức cho giới phụ nữ; 4. Hướng dẫn giới trẻ trên đường hướng hỗ trợ nhau từ tinh thần đến vật chất[10].
- Phổ biến giáo lý Phật Đà
Đây là tiêu chí đầu tiên của Hoa Đàm, được nhấn mạnh ngay từ những trang đầu để cho thấy tờ báo ra đời “không ngoài phổ biến Đạo lý, nói lên tiếng nói của nội tâm, cốt làm sáng tỏ đức hạnh từ bi cao đẹp của đạo Phật mà cũng là làm nổi bật tinh thần ưu tú của nữ giới”[11]. Duy trì 3 năm với 9 số báo, Hoa Đàm đã xây dựng một hướng phổ biến giáo lý rất phong phú, đa sắc, nội dung thay đổi đa dạng theo từng chủ đề. Đối tượng Hoa Đàm tập trung hướng tới là Ni chúng, phụ nữ, nhi đồng Phật tử. Ở đó, chư Ni không chỉ được đón nhận giáo lý mà còn là những người phổ biến, truyền tải giáo lý; không chỉ là những cộng tác viên mà còn là những hoằng pháp viên, … Chính vì thế báo chí với chức năng truyền thông, còn mở ra cánh cửa hoằng pháp, giáo dục cho chư Ni thời cận đại.
Ngoài những chuyên mục rõ nét về giáo lý, tư tưởng Thiền, Tịnh, Bát Nhã, Duy Thức, … Hoa Đàm còn có các mục thơ tín vãng lai, đố thử, gia chính, … cho chị em phụ nữ và các mục cư sĩ truyện, truyện cổ, … cho tầng lớp thanh thiếu niên, gia đình Phật tử. Về sau, tờ báo còn mở thêm mục “văn chương và đạo đức”[12] dành cho giới trẻ với kỳ vọng Hoa Đàm sẽ trở thành một cuốn sách của gia đình; phần khác, giúp người có tinh thần nghiên cứu Phật học thêm một phương tiện trau dồi văn chương, tỏ bồi cho vườn hoa đạo lý.
- Phát triển tinh thần đoàn kết của Ni giới
Phải nói rằng, sự có mặt của Hoa Đàm là một điều kiện tất yếu trong việc thống nhất đoàn thể Ni giới. Trước hết, tờ báo phản ảnh rõ đường lối sinh hoạt của Ni bộ Bắc tông(1964) - tiền thân là Ni bộ Nam Việt (1956). Ngang qua Đại hội lần thứ nhất[13], Hoa Đàm đã phô rõ diện mạo của Ni bộ Bắc tông sau 9 năm hoạt động. Đây cũng là sự kiện được tờ báo đăng tải chi tiết ngay từ số đầu tiên, “đánh dấu một bước tiến của Ni bộ trong hệ thống duy nhứt, có kỷ cương và trật tự trang nghiêm, đáng đề cao tinh thần “xả kỷ vị tha” và ý niệm đoàn kết chặt chẽ”[14].
Tại số báo đầu, thành phần nhân sự thuộc hệ thống Ni bộ Bắc tông[15] được công khai trên mặt báo. Trong đó, Tân ban chấp hành niên khóa 1972 – 1974 gồm 13 vị (10 sư bà, 2 Ni sư và 1 sư cô). ST. Như Thanh đứng đầu với cương vị Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông . 12 vị còn lại lần lượt đảm nhiệm vai trò Phó Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông tại miền Trung, phụ trách Phật học Ni viện thuộc Ni bộ Bắc tông, phụ trách xã hội tại 2 miền Trung - Nam, giám luật, nghi lễ, hoằng pháp, thủ bổn, văn hóa giáo dục. Những gương mặt tiêu biểu bấy giờ là quý Sư bà đạo hiệu Như Hương, Diệu Không, Như Hoa, Như Huệ, Như Huy, Như Châu, Như Tính, Thể Quán, Cát Tường, Như Hoa, Như Hương, Như Chính. Sát cánh với các đại diện trưởng đầu ngành chính là chư Ni đại diện các tỉnh, quận, đô thành thuộc Ni bộ Bắc tông; chư Ni đại diện Ni bộ Bắc tông các tỉnh miền Tây Nam phần và miền Trung. Điều này cho thấy Ni bộ Bắc tông cơ cấu nhân sự rất chắc chắn như mô hình từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó gặt hái được nhiều thành quả đáng kể về hoằng pháp, giáo dục, cơ sở hạ tầng, từ thiện xã hội[16].
Sau Đại hội, Hoa Đàm cho thấy vấn đề đặt nặng ở tổ chức Ni bộ Bắc tông chính “Trách nhiệm Tỳ kheo ni đối với tôn chỉ giáo dục Ni tài”[17]. Tại đó, học Ni phải nắm rõ nguyên lý của Phật pháp lại còn phải ý thức các yếu hạnh trong Phật thừa, qua 5 giai đoạn: 1. Cần y theo giáo điển nghiên cứu; 2. Phải hiểu rõ nghĩa lý trong các phái Đại thừa, Tiểu thừa; 3. Phải tu hành; 4. Cầu chứng quả; 5. Kiến lập Phật giáo.
Cụ thể hóa cho những tiêu chí đó, chư Tôn túc Ni trong Ni Bộ đã nhanh chóng mở các Phật học Ni viện như Từ Nghiêm, Dược Sư và Huê Lâm với các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng, khóa Sư phạm đào tạo giảng sư cho các Ni sinh. Hoa Đàm cũng từng ghi nhận Phật học Ni viện Huê Lâm mở hai cấp Sơ đẳng và Trung đẳng I chuyên khoa đặt dưới quyền điều khiển của ban giám đốc như Sư bà Như Thanh (giám viện kiêm giám luật), Sư bà Như Thuận (giám sự), sư bà Như Chí (giám học), Sư cô Như Ấn (quản sự kiêm thủ bổn), Sư cô Như Châu (quản chúng), Ni cô Như Lượng (thư ký). Hai cấp học đã thâu nhận được 80 ni sinh. Chương trình học đủ cả nội lẫn ngoại điển để trau dồi kiến thức phổ thông và chuyên khoa nội điển cho Ni sinh.
Với chức năng ngôn luận, phục vụ cho công tác đào tạo Ni giới, Hoa Đàm bấy giờ là cơ quan thường trực đăng tải các tin tức chiêu sinh, kết quả trúng tuyển, mãn khóa của Ni sinh tại các Phật học Ni viện miền Nam và miền Trung. Số lượng Ni sinh theo học các khóa không đông, một lớp thường khoảng 40 vị, năm ít nhất 17 vị. Hoa Đàm cũng là diễn đàn để chị em Ni chúng ở các Phật học Ni viện kêu gọi tinh thần, ý chí đoàn kết, cùng hướng về đoàn thể NG với kỳ vọng đức độ lớn, sở học cao.”[18] Bên cạnh đó, tờ báo cũng có sự quan tâm đến việc Ni Bộ kiến lập Đại giới đàn Kiều Đàm, truyền trao giới pháp cho các giới tử Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di ni, Bồ tát giới tại trụ sở Ni bộ Bắc tông(ấn định vào tháng 9/1975).
Ngoài việc đáp ứng tính truyền thông cho tổ chức Ni giới, Hoa Đàm còn đem lại cơ hội mới cho Ni chúng trong con đường hoằng pháp, giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật bằng báo chí. Dù“… thâu hẹp trong phạm vi của Ni Bộ nên phần hương sắc chưa đủ điều kiện để làm vừa lòng mọi giới”[19] nhưng sự có mặt của tờ báo cũng góp phần không nhỏ trong việc kiện toàn đoàn thể Ni giới trước 1975. Qua đó, phản ánh được kiến thức, tài năng cũng như tầm nhìn lãnh đạo của chư Ni tiền bối.
- Hướng dẫn nữ Phật tử phước huệ song tu
Đối với mục đích giáo hóa tín đồ, Hoa Đàm là kênh hoằng pháp hữu hiệu và gần gũi cho nữ Phật tử lúc bấy giờ. Trong số các chuyên mục, tờ báo dành có đến 4 mục liên quan đến việc giáo dục phụ nữ. Ban đầu Hoa Đàm dành hẵn một mục cho Phụ nữ (từ sau số 3, không để tên mục). Sau đó, có thêm mục Thư tín vãng lai để chị em trao đổi sự tu học, hành trì đạo đức. Một số bài viết tiêu biểu có thể kể đến như “Khuyên đừng mê tín”[20], “Nhát phê bình”[21], băn khoăn về pháp Thiền, Tịnh[22], “Người phụ nữ đối với hạnh từ của đức Quan Thế Âm”[23], “Giải mối oan cừu”[24], … Bên cạnh bàn luận tín ngưỡng, pháp môn, tông phái, … các tác giả còn thăm hỏi, động viên, ghi nhận những tấm gương kiệt xuất, tán thán thiện hạnh và sự trau dồi đạo đức của chị em.
Kế tiếp, mục tìm hiểu “Đố thử” với những câu chuyện có thật, đối thoại về các vấn đề sinh tử, chân vọng, lục độ, thập pháp giới, thất tình lục dục, Phật tính chân như, bình đẳng … thậm chí chuyển tải những vấn đề rất gần gũi trong đời sống gia đình của hàng cư sĩ tại gia như “Vấn đề thẩm mỹ”[25]. Qua đó, những tấm gương đạo đức, những giáo lý, tư tưởng Phật học được khơi dậy. Đồng thời, có cả mục “Gia chính” hỗ trợ chị em trau dồi thêm kỹ năng nội trợ.
Ngoài việc giáo dục bằng các bài viết đăng trên đặc san, Hoa Đàm còn đề cập công tác giảng dạy cho nữ cư sĩ tại các lớp Phật học chùa Từ Nghiêm và Huê Lâm với các bộ kinh Đại thừa và các pháp Thiền tập ứng dụng. Thỉnh thoảng, tờ báo cập nhật cả các lớp cắt may miễn phí tại chùa Huê Lâm giúp các thiếu nữ không đủ phương tiện theo đuổi học vấn có thêm nghề nghiệp giúp đỡ gia đình và nuôi sống bản thân”[26]. Điều này đã đáp lại phần nào sự quan tâm của Sư Tâm Lai hơn 45 năm trước trong việc dạy nữ công cho con gái thiện tín tránh khỏi nạn gái giang hồ, xướng ca kỷ nữ[27]. Nhờ sự truyền dạy tận tình đó, các nữ cư sĩ Việt Nam tại Hải ngoại đã ý thức hơn trong việc đưa tiếng nói Ni giới lan truyền nhanh chóng cho bạn đạo tại Canada và Pháp quốc.
4. Mở mang đường lối giáo dục Nhi đồng
Nếu trước đó từng có Sư bà Hải Triều Âm, Sư bà Diệu Không, Sư bà Thể Quán quan tâm nhiều đến tầng lớp nhi đồng, gia đình Phật tử thì vào những năm 1973 – 1975, Hoa Đàm do ST. Như Thanh chủ nhiệm lại tiếp tục đẩy mạnh đường lối giáo dục mầm non PG với sự cần mẫn, sát sao. Có thể nhìn thấy từ “Tổng quát đường lối giáo dục nhi đồng”[28], “Chọn trường cho trẻ”[29], “Tinh thần giáo dục trẻ em”[30], “Tâm lý giáo dục trẻ em”[31], “Mẫu chuyện thật của trẻ”[32] (giáo hóa trẻ bằng cách tìm hiểu tâm lý của trẻ), “Từ trường học đến trường đời”[33], “Từ trường đời đến trường đạo”[34], … Trong đó vừa hướng đến một chương trình giáo dục nhất định[35], vừa chỉ ra quan niệm về một đứa trẻ toàn diện, thấy được những nhu cầu căn bản của trẻ[36]. Với mục tiêu này, Hoa Đàm đã nhận được sự đóng góp của những cây bút trí thức, có tầm nhìn trong công tác đào tạo giới trẻ. Các tác giả cũng không quên vạch ra mối liên hệ trách nhiệm giữa phụ huynh và giáo chức, gia đình và nhà trường để trẻ em được đảm bảo trong sự yêu thương, thông cảm, nâng đỡ, khích lệ, …[37].
Đối với việc giáo dục lứa tuổi thanh thiếu niên, nhiều bài viết lại tập trung nhấn mạnh đến tinh thần, ý thức phụng sự[38]. Tiêu biểu phải kể đến nhóm cựu học sinh trường Hoài Đức thông qua việc lập ngân hàng phát triển thương mãi của Hội Nhơn Ái; bệnh viện Từ Tâm, trường Trung học Nhơn Ái (vừa dạy văn hóa và dạy nghề như điện, máy móc, đồng hồ, đánh máy chữ, tốc ký, doanh thương, hội họa, âm nhạc, kinh tế gia đình …), trường dạy về Phật pháp để mở mang tâm trí và đạo đức cho giới trẻ. Thậm chí, xuất bản một tờ tạp chí của Hội Nhơn Ái để giới trẻ có dịp phát biểu những lời hay ý đẹp. Đây cũng là nơi khơi dậy trọng trách của những ni cô trẻ ưu tú sau những tháng ngày được giáo dưỡng trong mái ấm của Phật học Ni viện.
Đặc biệt, tờ báo cũng bắt kịp những thành tựu của Ni giới trong việc mở các buổi học giáo lý Đại thừa tại chùa Từ Nghiêm và Huê Lâm cho Phật tử lớn tuổi, các nữ giáo sư, sinh viên và học sinh Phật tử[39]. ST. Như Thanh cũng không ít lần khích lệ các em trên con đường sự nghiệp cũng như khuyến tấn các thanh thiếu niên tinh cần tu phúc, tu huệ; ngõ hầu trả được món nợ cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước, đạo pháp, trở thành công dân tốt, Phật tử mẫu mực.
Nhờ Hoa Đàm thông tin lịch sử về Trường Trung Tiểu học Kiều Đàm tại chùa Huê Lâm được ghi nhận với 15 năm hoạt động. Đặt dưới sự bảo trợ của Hội từ thiện Phật giáo Việt Nam và sự ủng hộ của ST. Như Thanh, trường đã mở từ lớp Một đến lớp Chín. Riêng bậc Trung học đã thu nhận nữ sinh. Đây là một trường nữ Trung học chú trọng đặc biệt về học hạnh cho các nữ sinh và ni sinh[40]. Đó là lý do vì sao Hoa Đàm thường có những bài viết mến tặng các em học sinh Kiều Đàm và những mẫu chuyện phụ huynh hướng dẫn các em tìm hiểu về Tam Bảo.
III. KẾT LUẬN
Nhìn chung, sự có mặt của Hoa Đàm đã đánh dấu một bước tiến rất lớn của Ni giới về mặt báo chí, đồng thời chuyển tải khá toàn diện bức tranh Ni bộ Bắc tông vào những năm 1973 – 1975. Dù không có vị trí quá lớn lao trong dòng chảy báo chí nước nhà cũng như lịch sử báo chí Phật giáo nhưng tờ báo lại có một vị trí, ý nghĩa rất đặc biệt trong lịch sử báo chí Ni giới Việt Nam, nhất là đối với Ni bộ Bắc tông. Với thời gian tồn tại 3 năm, Hoa Đàm đã mang lại nhiều thông điệp rất cụ thể do Ni bộ Bắc tông đặt ra. Ngoài phổ biến chính pháp, phô diễn đường lối sinh hoạt của tổ chức Ni giới, tờ báo còn là không gian gắn kết giữa bộ phận Ni giới và nữ giới học Phật, làm lớn mạnh công tác giáo dục Thanh thiếu niên, Gia đình Phật tử. Nhờ đó, đáp ứng được phần nào mong mõi của Ni giới ở giai đoạn vận động chấn hưng, đặc biệt là công tác giáo dục và mở trường lớp đào tạo Ni lưu tài đức. Sự quan tâm ấy được kiện toàn từ hình thức đến nội dung, từ cơ sở vật chất đến môi trường tu học, giáo điển hành trì, … Có thể nói, Đặc san Hoa Đàm đã thực sự mang lại một tiếng nói thống nhất trên mọi mặt của đoàn thể Ni giới, khẳng định được tinh thần đoàn kết, thống nhất trong sinh hoạt của Ni bộ Bắc tông. Qua đó, góp phần thúc đẩy vai trò hoằng pháp, giáo dục, báo chí trong Ni lưu. Bằng tính chất bắc cầu, đặc san Hoa Đàm đã đại diện cho bộ phận Ni giới gặp gỡ, tiếp cận, chuyển tải nhiều giá trị nhân văn đến với nhiều đối tượng trong quần chúng xã hội. Đồng thời khơi dậy tiềm năng, tài năng cũng như tầm nhìn lãnh đạo của chư Ni tiền bối.
Tác giả: Thích nữ Như Hạnh ***
Chú thích [1] Tránh nhầm lẫn với “Giai phẩm Hoa Đàm” (GHPGVN Thống Nhứt – Quận Tân Châu) do TT. Thích Đàm Hoa (tức HT. Chơn Như) chủ trương biên tập. [2] Chỉ có năm đầu tiên, năm thứ hai đã được cúng dường lại cho Tăng già Trung Việt. [3] Võ Thị Khánh – Lite Như Ý, “Cái quan niệm đối với chị em ni – nữ trong Phật giáo đồ” , Từ Bi Âm số 149/1938, tr. 30. [4] Diệu Ngọc, “Tâm nguyện đầu xuân”, Hoa Đàm, Tòng lâm Ni bộ xuất bản ngày 3/2/1973, tr. 4-5. [5] Diệu Ngọc, “Xuân cảm”, Hoa Đàm, Tòng lâm Ni bộ xuất bản ngày 3/2/1973, tr. 128 – 130. [6] Diệu Ngọc, “Hoa Mai trong biển lửa”, Hoa Đàm, ra vào mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, tr. 37 – 38. [7] Thích nữ Chí Kiên (tức Như Chí), “Hoa Đàm nở”, Hoa Đàm, ra mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, tr. 13. [8] Thích nữ Thể Quán, “Trong rừng Y Lan, Hoa Đàm, ra vào Đại lễ Vu Lan năm Giáp Dần, tr. 63. [9] Ni sinh Như Như, “Ngày Vạn Hạnh”, Hoa Đàm, ra mùa Phật Đản năm Qúy Sửu - PL 2517, tr. 129. [10] Hoa Đàm, số đặc biệt Đại lễ A Di Đà, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, 1974, tr. 126. [11] Hoa Đàm, Tiếng nói đầu tiên – Đặc san Hoa Đàm” Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 2. [12] Diệu Nga, “Văn chương và đạo đức”, Hoa Đàm, xuân Di Lặc năm Ất Mão – 1975, tr. 59 – 60. [13] Diệu Hạnh, “Tường thuật Đại hội Ni bộ Bắc tông, ngày 30,31 – 12 – 1972, nhằm ngày 25 – 26 tháng 11 năm Nhâm Tý”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 6 – 12. [14] Nt, tr. 12. [15] Không tên, “Thành phần các ban thuộc hệ thống Ni bộ Bắc tông”, ngày 30,31 – 12 – 1972, nhằm ngày 25 – 26 tháng 11 năm Nhâm Tý”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 147 – 152. [16] TKN. Như Hoa, “Báo cáo thành quả hoạt động của Ni bộ Bắc Tông, trong ngày Đại hội Ni bộ toàn quốc 31/12/1972 (26/11/Nhâm Tý)”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 153 – 157. [17] Hoa Đàm, “Trách nhiệm Tỳ kheo ni đối với tôn chỉ giáo dục Ni tài”, Hoa Đàm, ra số Liên Trì Hải Hội - PL. 2517, tr. 15 – 16. [18] Tịnh Thường, “Thư về Chị em Ni chúng ử các Phật học Ni viện”, Hoa Đàm, số Xuân Di Lặc - Giáp Dần/ 1974, tr. 52 – 56. [19] Hoa Đàm, Tiếng nói đầu tiên – Đặc san Hoa Đàm”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 3. [20] Thanh Tâm, “Khuyên đừng mê tín”, Hoa Đàm, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, số 1 ngày 3/2/1973, tr. 54 – 58. [21] Thanh Nhã, “Nhát phê bình”, Hoa Đàm, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, mùa Phật Đản - Qúy Sửu, tr. 74 – 78. [22] Thanh Quang, “Kính gửi chị Thanh Tâm”, Hoa Đàm, mùa Thắng Hội Vu Lan, tr. 66 – 69. [23] Diệu Hoa – P.L.N, “Người phụ nữ đối với hạnh từ của đức Quan Thế Âm”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 74 – 80. [24] Bích Thu, “giải mối oan cừu”, Hoa Đàm ra mùa Phật Đản – Qúy Sửu, tr. 39 – 42. [25] Thích nữ Dạ Quang, “Vấn đề thẩm mỹ”, Hoa Đàm mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, 111 – 116. [26] Tin tức Phật giáo, Hoa Đàm, ra mùa Thắng Hội Vu Lan - PL 2517, tr. 158. [27] Nguyễn Đại Đồng – PhD. Nguyễn Thị Minh sư tầm và biên soạn, (2008), “Phong trào chấn hưng Phật giáo – Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927 – 1938), NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 119. Nguồn: Tỷ khiêu tự Lai (trụ trì chùa Hang, Thái Nguyên), “Về Chấn hưng Phật giáo – VIII – Nói về việc lập nhà bảo cô", KHNB số 1664, ngày 20/2/1927) [28] Tâm Hiền, “Tổng quát đường lối giáo dục nhi đồng”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 132 – 135. [29] Diệu Ý, “Chọn trường cho trẻ”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 138 – 139. [30] Diệu Ý, “Tinh thần giáo dục trẻ em – Trách nhiệm phụ huynh và giáo chức”, Hoa Đàm, mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, tr. 119 – 123. [31] Thềm Văn Đất, “Tâm lý giáo dục trẻ em”, Hoa Đàm, số Vu Lan - PL. 2517, tr. 112 – 116. [32] Diệu Ý, “Mẫu chuyện thật của trẻ”, Hoa Đàm, số Liên Trì Hải Hội - PL. 2517, tr. 102 – 107 và số Xuân Di Lặc – Giáp Dần (1974), tr. 131 – 147. [33] Ngọc Minh, “Từ trường học đến trường đời (Nhóm học sinh trường Hoài Đức)”, Hoa Đàm, số Vu Lan - PL. 2517, tr. 133 – 155 và số Xuân Di Lặc – Giáp Dần (1974), tr. 148 – 183. [34] Ngọc Minh, “Từ trường đời đến trường đạo”, Hoa Đàm, Đại lễ Phật Đản năm 2518, tr. 79 – 114. [35] Tâm Hiền, “Tổng quát đường lối giáo dục nhi đồng”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 132 – 135. [36] Thềm Văn Đất, “Tâm lý giáo dục trẻ em”, Hoa Đàm, số Vu Lan - PL. 2517, tr. 112 – 116. [37] Diệu Ý, “Tinh thần giáo dục trẻ em – Trách nhiệm phụ huynh và giáo chức”, Hoa Đàm, mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, tr. 119 – 123. [38] Ngọc Minh, “Từ trường học đến trường đời (Nhóm học sinh trường Hoài Đức)”, Hoa Đàm, số Vu Lan - PL. 2517, tr. 133 – 155 và số Xuân Di Lặc – Giáp Dần (1974), tr. 148 – 183. [39] TKN. Như Hoa, “Báo cáo thành quả hoạt động của Ni bộ Bắc Tông, trong ngày Đại hội Ni bộ toàn quốc 31/12/1972 (26/11/Nhâm Tý)”, Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 153 – 157. [40] Tin tức, Hoa Đàm ra mùa Đại lễ Vu Lan năm Giáp Dần, tr. 125.
Tài liệu tham khảo
- Thềm Văn Đất, “Tâm lý giáo dục trẻ em”, Đặc san Hoa Đàm, số Vu Lan - PL. 2517, tr. 112 – 116.
- Nguyễn Đại Đồng – PhD. Nguyễn Thị Minh sư tầm và biên soạn, (2008), “Phong trào chấn hưng Phật giáo – Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927 – 1938), NXB. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 119.
- Diệu Hạnh, “Tường thuật Đại hội Ni bộ Bắc tông, ngày 30,31 – 12 – 1972, nhằm ngày 25 – 26 tháng 11 năm Nhâm Tý”, Đặc san Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 6 – 12.
- Tâm Hiền, “Tổng quát đường lối giáo dục nhi đồng”, Đặc san Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 132 – 135.
- Hoa Đàm, số đặc biệt Đại lễ A Di Đà, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, 1974, tr. 126.
- Hoa Đàm, Tiếng nói đầu tiên – Đặc san Hoa Đàm” Đặc san Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 2.
- Hoa Đàm, “Trách nhiệm Tỳ kheo ni đối với tôn chỉ giáo dục Ni tài”, Đặc san Hoa Đàm, ra số Liên Trì Hải Hội - 2517, tr. 15 – 16.
- Diệu Hoa – P.L.N, “Người phụ nữ đối với hạnh từ của đức Quan Thế Âm”, Đặc san Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 74 – 80.
- Như Hoa, “Báo cáo thành quả hoạt động của Ni bộ Bắc Tông, trong ngày Đại hội Ni bộ toàn quốc 31/12/1972 (26/11/Nhâm Tý)”, Đặc san Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 153 – 157.
- Thích nữ Chí Kiên (tức Như Chí), “Hoa Đàm nở”, Đặc san Hoa Đàm ra vào mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, tr. 13.
- Võ Thị Khánh – Lite Như Ý, “Cái quan niệm đối với chị em ni – nữ trong Phật giáo đồ” , Từ Bi Âm số 149/1938, tr. 30.
- Ngọc Minh, “Từ trường học đến trường đời (Nhóm học sinh trường Hoài Đức)”, Đặc san Hoa Đàm, số Vu Lan - PL. 2517, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, tr. 133 – 155 và số Xuân Di Lặc – Giáp Dần (1974), tr. 148 – 183.
- Ngọc Minh, “Từ trường đời đến trường đạo”, Đặ san Hoa Đàm, Đại lễ Phật Đản năm 2518, tr. 79 – 114.
- Thanh Nhã, “Nhát phê bình”, Đặc san Hoa Đàm, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, mùa Phật Đản- Qúy Sửu, tr. 74 – 78.
- Ni sinh Như Như, “Ngày Vạn Hạnh”, Đặc san Hoa Đàm ra mùa Phật Đản năm Qúy Sửu - PL 2517, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, tr. 129.
- Diệu Nga, “Văn chương và đạo đức”, Hoa Đàm , xuân Di Lặc năm Ất Mão – 1975, tr. 59 – 60.
- Diệu Ngọc, “Tâm nguyện đầu xuân”, Đặc san Hoa Đàm, Tòng lâm Ni bộ xuất bản ngày 3/2/1973, tr. 4 - 5.
- Diệu Ngọc, “Xuân cảm”, Đặc san Hoa Đàm, Tòng lâm Ni bộ xuất bản ngày 3/2/1973, tr. 128 -130.
- Diệu Ngọc, “Hoa Mai trong biển lửa”, Hoa Đàm ra vào mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, tr. 37 - 38.
- Thích nữ Thể Quán, “Trong rừng Y Lan, Đặc san Hoa Đàm ra vào Đại lễ Vu Lan năm Giáp Dần, tr. 63.
- Thích nữ Dạ Quang, “Vấn đề thẩm mỹ”, Đặc san Hoa Đàm mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, 111 – 116.
- Thanh Quang, “Kính gửi chị Thanh Tâm”, Đặc san Hoa Đàm, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, mùa Thắng Hội Vu Lan, tr. 66 – 69.
- Thanh Tâm, “Khuyên đừng mê tín”, Đặc san Hoa Đàm, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, số 1 ngày 3/2/1973, tr. 54 – 58.
- Tin tức Phật giáo, Đặc san Hoa Đàm ra mùa Thắng Hội Vu Lan - PL 2517, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, tr. 158.
- Tin tức, Đặc san Hoa Đàm ra mùa Đại lễ Vu Lan năm Giáp Dần, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, tr. 125.
- Bích Thu, “Giải mối oan cừu”, Đặc san Hoa Đàm ra mùa Phật Đản – Qúy Sửu, tr. 39 – 42.
- Tịnh Thường, “Thư về Chị em Ni chúng ử các Phật học Ni viện”, Đặc san Hoa Đàm, Xuân Di Lặc - Giáp Dần, Tòng
- Lâm Ni bộ xuất bản, 1974, tr. 52 – 56.
- Diệu Ý, “Chọn trường cho trẻ”, Đặc san Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 138 – 139.
- Diệu Ý, “Tinh thần giáo dục trẻ em – Trách nhiệm phụ huynh và giáo chức”, Đặc san Hoa Đàm, mùa Phật Đản năm Qúy Sửu, Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản, tr. 119 – 123.
- Diệu Ý, “Mẫu chuyện thật của trẻ”, Đặc san Hoa Đàm, số Liên Trì Hải Hội - PL. 2517, tr. 102 – 107 và số Xuân Di Lặc – Giáp Dần (1974), tr. 131 – 147.
- Không tên, “Thành phần các ban thuộc hệ thống Ni bộ Bắc tông”, ngày 30,31 – 12 – 1972, nhằm ngày 25 – 26 tháng 11 năm Nhâm Tý”, Đặc san Hoa Đàm ra ngày 3/2/1973, tr. 147 – 152.
Bình luận (0)