1. Đặt vấn đề
Kể từ năm 1858 đến năm 1884, thực dân Pháp dần dần đặt ách cai trị trên toàn bộ đất nước ta, bắt đầu thời kỳ Pháp thuộc. Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo bị xáo trộn nghiêm trọng. Đối với Phật giáo, một tôn giáo lâu đời, luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc đi vào suy thoái. Trong đó, biểu hiện rõ ràng nhất là tăng già rời rạc, tăng ni xuống cấp về mặt tu học, về mặt đạo đức, Phật tử trước những biến động của thời cuộc, mất phương hướng, ngày càng sa vào mê tín dị đoan.
Trước tình hình như vậy, nhu cầu canh tân Phật giáo Việt Nam đặt ra ngày càng cấp thiết trên nhiều phương diện như chấn chỉnh thiền môn, kết nối tăng già, giáo dục đào tạo tăng tài nhằm khơi dậy tinh thần "hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam.
Dưới ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo ở các nước như Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, … Luồng gió tư tưởng mới từ phương Tây truyền đến, … Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra những trong các thập niên đầu của thế kỷ 20 về cách thức, phương pháp canh tân Phật giáo giữa các cao tăng ba miền đau đáu với Phật giáo nước nhà, song không tìm được tiếng nói chung. Ở ba miền đã hình thành nhiều Hội nghiên cứu Phật học và xuất bản tạp chí, nguyệt san hay bán nguyệt san riêng nhằm cổ động, kêu gọi chấn hưng Phật giáo nước nhà và dần dần xu hướng thống nhất Phật giáo Việt Nam trong một tổ chức là một tất yếu lịch sử.
Có thể nói, công tác báo chí của các Hội/Tổ chức Phật giáo ở ba miền dù mỗi tạp chí Phật giáo có tôn chỉ hoạt động riêng, song đều vì mục đích là kêu gọi canh tân Phật giáo trong bối cảnh lúc bấy giờ, trường hợp Tạp chí Viên Âm là tiêu biểu.
2. Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và Tạp chí Viên Âm
Trước khi đề cập đến vấn đề này, chúng tôi điểm một vài tạp chí, nguyệt san Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ 20 như sau:
Ở miền Nam: Năm 1920, Hòa thượng Khánh Hòa và Sư Thiện Chiếu thành lập Lục Hòa Liên Xã, xuất bản Tạp chí Pháp Âm năm 1929; Tạp chí Phật hóa Tân Thanh niên năm 1930, biên soạn Phật học tùng thư bằng chữ quốc ngữ. Mặc dù thời kỳ này, hầu hết các Tăng sĩ và cư sĩ đều thông thạo Hán ngữ. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời năm 1931 và năm 1932 xuất bản Tạp chí Từ Bi Âm. Hòa thượng Khánh Hòa làm chủ bút; Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu thành lập năm 1934, xuất bản Tạp chí Bát Nhã Âm do Hòa thượng Huệ Đăng làm Hội trưởng và chủ bút. Hội Phật giáo Tương Tế thành lập năm 1936, xuất bản Tạp chí Bồ Đề Phật học do Hòa thượng Lê Phước Chí làm Hội trưởng và chủ bút. Tịnh Độ Cư Sĩ ra đời vào năm 1937, xuất bản Tạp chí Pháp Âm do Cư sĩ Trần Quỳnh làm chủ bút; Hội Phật học Kiêm Tế thành lập năm 1937, xuất bản Tạp chí Tiến Hóa năm 1938 do Cư sĩ Phan Thanh Hà làm chủ bút, …
Ở miền Trung: Năm 1932, Hòa thượng Giác Tiên, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Hội An Nam Phật học, xuất bản Tạp chí Viên Âm năm 1933, Chủ bút chính là Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Hội Đà Thành Phật học thành lập năm 1937, xuất bản Nguyệt san Tam Bảo tạp chí do Hòa thượng Bích Liên làm chủ bút, …
Ở miền Bắc: Năm 1934 thành lập Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội, xuất bản Tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935 do Nguyễn Năng Quốc làm chủ bút. Năm 1934, Hội Bắc Kỳ Cổ Sơn Môn ra đời, ra bán nguyệt san Tiếng Chuông Sớm năm 1935.Bán nguyệt sanTiếng Chuông Sớm "theo khuynh hướng bảo thủ”. Bắc Kỳ Cổ Sơn Môn cho rằng: Ban Trị sự của Hội Phật giáo Bắc Kỳ chỉ toàn là cư sĩ; Hội lập trường phật học theo "lối mới" để đào tạo một thế hệ "sư mới", như vậy là phủ nhận truyền thống học tập trong mùa kết Hạ của thiền môn và họ không thể chấp nhận chấn hưng Phật giáo với những nội dung như vậy"[1].
Có thể nói, Tạp chí Từ Bi Âm, Viên Âm và Đuốc Tuệ là ba tạp chí nổi tiếng nhất của ba kỳ trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ba tạp chí này xuất bản bằng chữ quốc ngữ, quốc ngữ - tiếng Pháp, …Song quan trọng hơn, các bài viết trên các tạp chí này phần lớn của các tăng sĩ và cư sĩ, tạo thành phong trào nghiên cứu giáo lý đạo Phật rất sôi động. Nổi trội là các diễn đàn nhằm giải quyết các vấn đề như "Phật giáo có thích hợp với xã hội hiện đại không? Vì sao phải theo Đạo Phật? Đạo Phật có phải là mê tín dị đoan, lạc hậu không? Đạo Phật là duy tâm hay duy vật (chưa phải biện chứng mác xít), tức là hữu thần hay vô thần? ... "[2].
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến Tạp chí Viên Âm do Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ bút. Ông người Đông Mỹ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông là người thông minh, theo học Nho giáo với thân phụ là Đông các Đại học sĩ, Binh bộ Thượng thư Lê Đĩnh. Khi trưởng thành, ông theo Tân học, đỗ Á khoa Y sĩ trường Đông Dương năm 1915 và Thủ khoa năm 1916. Năm 1930, ông lấy bằng Y khoa bác sĩ ngạch Pháp.
Năm 1926, một lần viếng thăm Non Nước, ông đọc trên vách thấy bài kệ của Tổ Huệ Năng trên vách núi:
“Bồ đề bản vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai”.
Bài kệ này đã khiến cho ông chú ý đặc biệt đến Phật giáo. Sau đó, ông tham gia truy điệu cụ Phan Châu Trinh nên ông bị điều về Hà Tĩnh. Ít lâu sau, năm 1928, ông được điều về Huế và đảm nhiệm Y sĩ trưởng Viện Bào chế và Vi trùng học Louis Pasteur. Năm này, cơ duyên đến, ông đến chùa Trúc Lâm, yết kiến Hòa thượng Giác Tiên và quy y Tam bảo, pháp danh Tâm Minh. Sau khi quy y, ông cùng tôn sư thỉnh Hòa thượng Phước Huệ ra Huế và tham học với Hòa thượng về Phật pháp.
Năm 1932, ông cùng các bị trưởng lão trong hàng xuất gia và các vị cư sĩ tại gia sáng lập Hội An Nam Phật học, thiết lập Phật học viện đủ ba cấp Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng mà ông là người bảo trợ đồng thời là Giảng sư chính. Phát triển hội Phật học, Giáo dục thanh thiếu niên Phật tử, Xuất bản Phật học tùng thư, và đặc biệt là xuất bản Tạp chí Viên Âm.
Mục đích của Hội An Nam Phật học là "Thiện hành và truyền bá đạo Phật. trong hội quán, không được luận bàn về chính trị và công kích các tôn giáo đã có chỗ đứng trong bản xứ. Đồng thời làm hậu thuẫn để chấn hưng đạo pháp. Bảo trì các vị tăng già có giới hạnh, có khả năng hướng dẫn phật tử, nhất là những người có chí nguyện với công đức Phật sự. Hướng dẫn, giải thích giáo lý Phật giáo, những nếp sống đạo vị, lòng tâm thành hướng thiện. Hướng dẫn giúp nhau đào tạo, tu dưỡng chính bản thân một cách xứng đáng được thực hiện trong gia tộc và xã hội. Tạo niềm tin vào đạo hạnh của Phật giáo.Công bố và hoạt động cho lý tưởng từ bi, chống thù hận, chia rẽ gây chiến tranh"[3]. Tâm Minh Lê Đình Thám cho rằng: "Hiện nay, loài người toàn đem tham, sân, si, mạng mà đối với nhau, nên gây ra tai hại đã lắm. Muốn cho loài người yên lành, vui vẻ thì cần phải pháp cái lòng tham, sân, si, mạng. Muốn trừ cái lòng tham, sân, si, mạng của loài người, ngoài Phật - pháp ra không còn phương pháp gì phá trừ được cả"[4].
Tạp chí Viên Âm là cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học. Số đầu tiên ra ngày 01/12/1933. Viên Âm được Ban Biên tập Tạp chí giải thích như sau: "Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn: Tiếng nói hoàn toàn duy chỉ có pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tính thanh tịnh"[5]. Về tôn chỉ hoạt động được nêu rõ: "Phật học Nguyệt san ở Huế xuất bản, nêu hai chữ Viên Âm làm tôn chỉ, còn ba tạng kinh điển làm tài liệu cho ngôn luận nội dung; nhất thiết bình luận, giảng giải thi văn trong Nguyệt san đều theo ý nghĩa chơn chính hai chữ Viên Âm mà tuyên dương Phật pháp cho thích hợp với đời, bổ ích cho đời, thề không đem lời hung ác, nói việc hoang đàng, di hại về sau, mang lấy điều tội lỗi"[6].
Nội dung của Tạp chí Viên Âm "chỉ giảng giải các giáo lý Phật giáo ra chữ quốc ngữ". Song trong quá trình phát triển, Tạp chí Viên Âm có những điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình thực tế. Số đầu tiên có 4 mục thì từ số 3 đã có thêm mục tin tức. Bao gồm:
Mục thứ nhất: Quyển đầu ngữ do Viên Âm phụ trách;
Mục thứ hai; Như thị pháp: Luận đàn (giảng nghĩa); diễn đàn (đăng các bài thuyết pháp); Chư kinh giải nghĩa (chủ yếu giảng về Tâm kinh và Lăng Nghiêm);
Mục thứ ba: Biệt khai phương tiện: Thế gian thuyết (các bài của các học giả); Phạt học dị giải (giảng giải về các vị Bồ tát), Thi lâm (thơ viết về đạo Phật), Phiền não tức bồ đề (những mẩu chuyện khôi hài);
Mục thứ tư: Sự tích Phật Thích Ca;
Mục thứ năm: Tin tức Phật giáo ở các nơi.
Điều quan trọng là, ở các số Viên Âm mời các Cao tăng uyên thâm Phật học tham gia phản biện, nhằm hướng cho tạp chí đi đúng hướng. Bởi "là chìa khóa thành công trong việc phổ biến chủ trương, đường lối của Hội đến tăng, ni, phật tử trong suốt thời kỳ chấn hưng"[7].
Từ năm 1937, Tạp chí Viên Âm lại có sự điều chỉnh. Trong mục thứ hai, phần Luận đàn đã bổ sung thêm nội dung ý kiến của phụ nữ đối với Phật học (số 26) và mục Thanh niên học tăng. Từ năm 1940, thêm nội dung Ngôn luận thanh niên nhằm hướng tới các cây bút trẻ như Đinh Văn Nam, Ngô Thừa, Võ Đình Cường, …
Tuy nhiên, từ năm 1940, Thực dân Pháp kiểm soát báo chí, hạn chế buôn bán sử dụng giấy in do đó, nhiều tờ báo, tạp chí trong đó có Viên Âm đình bản (số 78) do thiếu kinh phí, giấy in. Đến năm 1949, Tạp chí Viên Âm tục bản, Chủ nhiệm là Lê Văn Định. Nội dung có sự điều chỉnh, tiếp tục đăng các bài đã được Việt hóa, đồng thời đăng những bài mang tính phổ quát hơn nhằm mục đích cho tăng ni có cái nhìn bao quát về Phật giáo cũng như các phương pháp tu hành. Đặc biệt, ở phần Nghiên cứu Phật giáo chia làm các tiểu mục: 1. Phật giáo với lịch sử; 2. Phật giáo với Triết học; 3. Phật giáo với Khoa học; 4. Phật giáo với Giáo dục; 5. Phật giáo với Nghệ thuật. Và "với những đổi mới này, Nguyệt san Viên Âm tục bản đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả đương thời nhất là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên.Nhiều cây bút trẻ với những quan điểm, cách nhìn nhận và đánh giá mới về đạo Phật, về cuộc sống con người đã tích cực tham gia đóng góp bài vở.Đến ngày 8/1/1954, tờ Nguyệt san Viên Âm tục bản đã đình bản ở số 129. Có thể nói rằng, trong suốt quá trình tồn tại của mình, Nguyệt san Viên Âm đã góp phần quan trọng vào việc truyền tải nội dung chấn hưng Phật giáo đến đông đảo tăng ni, Phật tử cũng như quần chúng nhân dân"[8].
Tạp chí Viên Âm dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Lê Đình Thám (1879-1969) tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản đó một cách khoa học về mặt phương pháp luận: trình bày giáo lý cơ bản, giải thích có liên hệ thực tế. Và trong 24 số do bác sĩ Lê Đình Thám làm chủ bút đã đề cập đến các nội dung Phật học sau đây:
- Chương trình đạo tạo Phật học.
- Giới thiệu kinh Bát nhã ba la mật đa tâm kinh, Thủ Lăng Nghiêm kinh...
- Phương pháp tu Tịnh Độ
- Phật giáo là hữu thần hay vô thần, duy tâm hay duy vật, tôn giáo hay mê tín.
- Giá trị Phật giáo trong đời sống hiện đại. Phật giáo với khoa học, đạo đức xã hội, kinh tế chính trị. So sánh với Nho giáo
- Bản thể luận Phật giáo: Có (Hữu), Không (Vô), Hồn/Thức.
- Lịch sử Phật giáo nước nhà. Tình hình Phật giáo đương thời
- Phụ nữ với Phật giáo.
Nhìn chung, Tạp chí Viên Âm là một Tạp chí khá đặc biệt và tiến bộ bởi chủ bút là một người Tây học. Vì thế, những vấn đề mà Tạp chí này đề cập vừa mang tính hướng dẫn cơ bản về Phật học lại phù hợp với thời đại."Trong Viên Âm phần chủ yếu dành cho giáo lý và tu tập, song cuối mỗi số đều có thi ca, truyện kể dạng tiểu thuyết đương đại như các tạp chí thông thường đương thời. Cho nên nội dung rất khoa học và hiện đại, hiện đại đến mức trong Viên Âm có cả bài chữ quốc ngữ, chữ Hán và chứ Pháp như một tạp chí đa ngữ hiện đại mà hiện nay (sau Viên Âm nửa thế kỷ) vẫn còn hiếm hoi trên các tạp chí hoặc tác phẩm văn chương không những ở nước ta mà còn cả thế giới. Thế mới biết phương pháp công tác theo kiểu Tây phương đã được Lê Đình Thám vận dụng tài tình như thế nào. Hai mươi bốn số Viên Âm tuy do nhiều tác giả viết, song tư tưởng chủ đạo cũng như những bài chính nhất là những bài Quyển Đầu Ngữ (như xã luận của các báo hiện đại) đều của ông hay thể hiện đúng tư tưởng của ông"[9]. Đây là vai trò chủ yếu của người Cư sĩ tài ba này trên phương diện công tác báo chí trong phong chào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam giai đoan 1932-1951.
3. Kinh nghiệm lịch sử
Theo cố PGS. Nguyễn Duy Hinh, phong trào chấn hưng Phật giáo có hai đặc điểm. Thứ nhất là Phật học thay cho Phật giáo. Nghĩa là nghiên cứu giáo lý Phật giáo trong tình hình khoa học kỹ thuật phát triển của thế kỷ 19 và 20. Vì thế, ông xem việc nghiên cứu kinh điển Phật giáo thời kỳ này là Phật giáo bác học và mang tính kế thừa truyền thống Phật giáo bác học của thế kỷ 11-14. Thứ hai, việc thành lập các hội Nghiên cứu Phật học, xuất bản sách và đặc biệt là báo chí bằng quốc ngữ chuyển tải những kiến thức Phật học và theo chúng tôi, từ Tạp chí Viên Âm cho thấy một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, dưới sự dẫn dắt của Tâm Minh Lê Đinh Thám, Tạp chí Viên Âm kiên trì theo tôn chỉ của tạp chí đề ra, nên trong bối cảnh thực dân Pháp tìm mọi cách chèn ép tự do báo chí, dự luận thì Tạp chí Viên Âm vẫn thu hút được đông đảo độc giả, qua đó đóng góp xứng đáng cho đạo pháp, dân tộc;
Thứ hai, các bài viết được các cao tăng phản biện trước khi xuất bản. Đây là phần rất quan trọng của tạp chí này, không chỉ giữ cho tạp chí đi đúng tôn chỉ, mục đích mà còn bảo đảm chất lượng của Tạp chí;
Thứ ba, nội dung các bài viết có sự điểu chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, thu hút được nhiều tác giả, độc giả, nhất là thanh niên, thiếu niên lúc bấy giờ.
Mặc dù Cư sỹ Tâm Minh Lê Đình thám làm Chủ bút 24/78 số trước khi bị đình bản lần 1 hay 24/129 số khi đình bản lần thứ hai. Song có thể thấy rõ vai trò đặc biệt của vị cư sĩ này đối với Tạp chí Viên Âm nói riêng và trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền trung nói chung. Ông và Tạp chí Viên Âm đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho tăng ni, Phật tử trong một thời kỳ sôi động chấn hưng của Phật giáo nước nhà. Nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn đã đã được bàn luận bằng phương pháp khoa học thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Do đó, nhiều tư tưởng lạc hậu, mê tín, suy thoái đạo đức trong Phật giáo được đẩy lùi và tiếp nối truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam./.
NCS. Nguyễn Văn Quý Phòng Nghiên cứu Phật giáo - Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Thành tựu và Định hướng”
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn 2. Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam (từ khởi nguyên đến 1981), Nxb. Văn học, Hà Nội 3. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo & Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội 4. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội 5. Tâm Minh (1938), "Tôn chỉ An Nam Phật học hội", Viên Âm, số 33 6. Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb. Đà Nẵng 7. Trần Thiều (2006), "Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930-1945", Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, tr25-32
CHÚ THÍCH [1] Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam (từ khởi nguyên đến 1981), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr216 [2]PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo & Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr527 [3]Trần Thiều (2006), "Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930-1945", Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, tr25-32 [4]Tâm Minh (1938), "Tôn chỉ An Nam Phật học hội", Viên Âm, số 33, tr41 [5]Theo: Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr117 [6]Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.402 [7]Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền trung Việt nam (1932-1951), Nxb. Đà Nẵng, tr197 [8]Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền trung Việt nam (1932-1951), Nxb. Đà Nẵng, tr201 [9]PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb. Tôn giáo & Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr528
Bình luận (0)