Tôn chỉ của Phật hoàng Trần Nhân Tông hướng chúng sinh chỉ thẳng vào tâm tìm ra Phật nơi tự thân; đừng để tâm chạy lăng xăng tìm Phật bên ngoài, mà hãy tìm vị Phật bên trong nội tại.

Tóm tắt

Chủ thuyết “Cư Trần Lạc Đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận biện tâm, thực thi đời sống hướng nội. Tư tưởng “Cư Trần Lạc Đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông mang đầy tính nhân văn và có ảnh hưởng tích cực đối với quá trình cải tạo phạm nhân trong các trại giam ở Việt Nam hiện nay. Điều này sẽ giúp cho phạm nhân có một môi trường cải tạo tích cực, có lối sống lạc quan để tự mình vượt qua những biến cố trong cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm, tái phạm nguy nhiểm và giúp họ hòa nhập được với cộng đồng khi chấp hành xong hình phạt.

1. Lịch sử tư tưởng “Cư Trần Lạc Đạo”

Chủ thuyết “Cư Trần Lạc Đạo” của Phật hoàng Trần Nhân được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận:

Cư trần vui đạo hãy tuỳ duyên, Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền. Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm, Vô tâm trước cảnh hỏi gì Thiền).

2. Vận dụng tư tưởng Trần Nhân Tông vào quá trình cải tạo phạm nhân

Nhà nước áp dụng hình phạt để xét xử đối với người thực hiện hành vi phạm tội, tuy nhiên mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới.

Theo con số thống kê của Tổng cục VIII (Bộ Công an), công an các địa phương đã điều tra, khảo sát tình hình tổng hợp có 424.878 người chấp hành xong án phạt tù từ năm 2002 – 2012, số người về cư trú ở địa phương là 79.906 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó tỷ lệ tái phạm chiếm 25,64% [19]. Như vậy, tỷ lệ tái phạm còn khá cao, việc hòa nhập cộng đồng đối với họ còn gặp nhiều khó khăn.

Để phân tích tâm lý và hành vi của phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù, tác giả sử dụng một số phương pháp của tâm lý học và tội phạm học, từ đó tìm ra cách thức tác động đến nhận thức của phạm nhân, làm tăng hiệu quả của việc giáo dục đối với họ.

2.1. Tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong giáo dục phạm nhân

“Cư trần” là ở nơi thế gian, vui với thế gian, sống với thế gian và cống hiến cho thế gian. “Lạc đạo” là lấy đạo làm nguồn vui sống. Đời – Đạo là hai khái niệm song song không tách rời, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Mỗi người, mỗi xã hội sẽ có chuẩn mực đạo đức khác nhau, nhưng đều chung gốc đó là đạo đức con người. “Đạo” ở đây theo Phật hoàng Trần Nhân Tông là đạo Phật. Phật giáo được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, dưới góc độ khoa học xã hội thì Phật giáo không chỉ là tín ngưỡng tôn giáo mà còn là một khoa học vi diệu về thực thể vũ trụ và con người. Phật giáo đưa ra cách nhìn vạn vật một cách biện chứng trong sự hình thành, phát triển từ sâu bên trong thực thể để lý giải các hiện tượng tự nhiên và xã hội.

Trong cuộc sống diễn ra hối hả, tất bật với bao bộn bề lo toan thường nhật thử hỏi mấy ai được “Cư trần”?... Đối với phạm nhân đang phải chấp hành án phạt tù thì họ có thực sự được “Cư trần”?

2.1.1. Lấy gốc chân tâm để đạt trạng thái sống “cư trần”

Theo đánh giá tại Hội nghị đảm bảo an ninh trật tự của các đơn vị Trại giam số 3, Trại giam số 6 và Công an tỉnh Nghệ An cho thấy những phạm nhân có tư tưởng chống đối, khi vào thụ án tại các trại giam thường tìm mọi cách để gây hấn hòng tạo áp lực, quấy nhiễu, thậm chí tiếp tục phạm tội trong quá trình cải tạo [19]. Trại giam tập trung cải tạo nhiều đối tượng phạm nhân khác nhau, có những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ hung hãn. Việc để cải tạo đối với họ là làm hết sức khó khăn.

Đối với phạm nhân phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… thì bản thân họ luôn có suy nghĩ chống đối, có nhiều hành động phá vỡ quy tắc, nội quy của trại giam. Nếu chỉ đơn thuần sử dụng những biện pháp cứng rắn trừng phạt đối với họ thì sẽ không mang lại kết quả tác động như mong muốn, mà ta cần sử dụng các kỹ năng mềm để đánh thức phần lương tri trong họ. Khi tâm đã bị cảm hóa thì họ sẽ cải tạo tốt, không tiếp tục thực hiện những hành vi quấy rối nữa. Do vậy, tâm ở đây trở thành một đối tượng nghiên cứu quan trọng, nếu ta tìm được cách để điều tâm thì mới áp dụng được tư tưởng “cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đi sâu phân tích con đường dẫn đến cư trần lạc đạo của con người. Trong hội thứ 5 bài phú Cư Trần Lạc Đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viết:

“Bụt ở cuông nhà,

Chẳng phải tìm xa

Nhân khuấy bổn, nên ta tìm bụt

Ðến cốc hay chỉn Bụt là ta (1)

Cư trần là quả của tâm, muốn phân tích được đầy đủ ý nghĩa của tư tưởng cư trần để áp dụng vào việc giáo dục phạm nhân, ta cần có đánh giá về chân tâm, để có lý giải đúng đắn nhất.

Về tâm thanh tịnh, Tuệ Trung Thượng Sĩ có nói “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác”. Lời nói ấy khiến Trần Nhân Tông thấy được ánh sáng của thiền đạo từ đó giác ngộ. Phật tính có sẵn trong mỗi người, chẳng qua vì vô minh mà chúng sinh không tìm thấy. Trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có dạy: "Nhất thiết duy tâm tạo", nghĩa là mọi sự vật đều do tâm tạo ra tất cả, công đức cũng do tâm tạo, nghiệp chướng cũng bởi tại tâm. Tâm có sinh sinh ắt có diệt; tâm tham, sân, si chi phối, thúc đẩy, điều khiển con người tạo nghiệp bất thiện. Cuộc đời là vô thường, không có gì tồn tại vĩnh viễn, không có gì là tự nhiên sinh mà không có nguyên nhân.

Trong phần Tổng nêu pháp dụ và đề mục của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có giải thích về niệm Tâm thanh tịnh như sau: Pháp tức là tâm xưa nay trong sạch. Tâm ấy, xưa nay không sinh không diệt, chẳng sạch chẳng nhơ, chẳng thêm chẳng bớt. Ở phiền não mà chẳng loạn động, trụ trần lao mà không nhiễm ô. Cho nên nói, tâm xưa nay trong sạch là vậy…tất cả sự vật trong thế gian, chẳng kham làm dụ cho tâm,…tâm ở trong trần lao, mà chẳng bị trần lao làm mê hoặc. Tâm không hình tướng… Nhân hoa mà rõ cái thấy, do thấy mới biết hoa. Hoa là sắc tướng vô tình, còn thấy biết chính là chân tâm. Chỉ chẳng vọng sinh phân biệt thì vật ngã tự như như.

Như vậy, quay về chân tâm sẽ tìm được “bản lai diện mục” của mình. Tôn chỉ của Phật hoàng Trần Nhân Tông hướng chúng sinh chỉ thẳng vào tâm tìm ra Phật nơi tự thân; đừng để tâm chạy lăng xăng tìm Phật bên ngoài, mà hãy tìm vị Phật bên trong nội tại.

Tâm cũng là đối tượng nghiên cứu của nhiều trường phái tâm lý. Có trường phái đưa tâm làm chủ đạo điều chỉnh hành vi, có trường phái gạt tâm ra khỏi đối tượng nghiên cứu, tuy nhiên để tìm hiểu được tâm con người các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguồn lý giải cuối cùng. Nhận diện tâm rõ ràng và lý giải quá trình tâm sinh lý của con người, ta sử dụng một số góc nhìn của ngành tâm lý học, phân tâm học.

Ông tổ của trường phái phân tâm học S.Freud2 xây dựng khái niệm về “vô thức”, theo đó con người xét cả về phương diện loài và cá thể, hơn con vật là ở chỗ, trong phần lớn cuộc đời của mình, bằng mọi cách con người thực hiện việc kiểm soát các xung lực vô thức. S.Freud khẳng định nguyên tắc chữa trị các rối nhiễu tâm lý là làm cho cái vô thức được ý thức hoá. Vậy chủ nhân đích thực của ngôi nhà tâm lý cá nhân là ý thức, chứ không phải là vô thức. S.Freud đã vạch ra các nền tảng sâu thẳm của đời sống tâm lý con người. Nhưng để đạt được sự lý giải về hành vi của con người một cách đầy đủ và biện chứng thì ngành khoa học này vẫn đang nghiên cứu.

Vô thức theo Freud là vô thức động, như ông đã ví trong đó có quá nhiều khuynh hướng chen chúc nhau trong “căn nhà vô thức chật hẹp”. Nó biểu thị cho đời sống tinh thần, chứa đựng những ý tưởng tiềm tàng. Vậy “vô thức” của Freud ở đây được lý giải như thế nào dưới góc độ giáo lý nhà Phật? Vô thức làm con người bất an, đưa con người tới ham muốn mà trong Phật giáo gọi là Tham – Sân – Si. Chính những yếu tố này thúc đẩy người có khuynh hướng tiêu cực thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đôi khi còn dẫn đến tâm bệnh. Ta sẽ đi tìm lời lý giải về vấn đề này ở nội dung sau.

Còn trong tâm lý học hành vi, J.Watson3 đã gạt bỏ ý thức người ra khỏi danh mục đối tượng nghiên cứu, chỉ thừa nhận đối tượng duy nhất của tâm lý học là hành vi với tư cách là tổng số các phản ứng của cơ thể có thể quan sát và kiểm soát được bằng thực nghiệm. Việc đánh giá về hành vi mà bỏ qua nhận thức là chưa đầy đủ, dẫn đến việc đánh giá về hành vi người thiếu khách quan và toàn diện. Còn đối với tâm lý học hoạt động, các nhà khoa học đã vận dụng triết học Mác - Lênin vào lĩnh vực nghiên cứu ý thức con người, tạo thế cân bằng và xác lập được lôgíc khách quan của việc chuyển cái tâm lý từ bên ngoài thành cái bên trong. Tâm lý học hoạt động đã giải quyết được khá đầy đủ mệnh đề triết học của C.Mác: "ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất bên ngoài được chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biên trong đó". Quá trình phát triển tiếp đã đưa các lý thuyết tâm lý học được xuất phát từ nhiều cực khác nhau đến chỗ xích lại gần nhau, tiến gần đến tâm điểm của chân lý về sự phát triển người.

Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học ứng dụng thì Tâm của con người khó nắm bắt, khó xác định và còn nhiều tranh cãi, nhưng Tâm khi được quán chiếu bằng lăng kính của Phật học thì Tâm này được lý giải biện chứng, sâu sắc toàn diện và đầy đủ. Theo đó, Tâm là bản nguyên của chư Phật, là Phật tính bên trong mỗi người, là bản thể bất sinh, bất diệt trong vạn pháp “Tròn đồng thái hư, lớn không bờ mé. Linh linh lặng lặng, phô xưa bày nay. Trạm trạm lóng trong, tức không tức sắc” và không chỉ dùng tâm thức suy lường mà biết được. [16]

Để phạm nhân chấp hành án mà được “cư trần” cũng là một chủ trương nhân đạo và mang đầy tính nhân văn. Nhà nước ta có nhiều chính sách khuyến khích phạm nhân cải tạo tốt để được tha tù trước thời hạn hay giảm thời hạn chấp hành án, có nhiều chính sách đối với họ theo quy định tại khoản 3 Thông tư số 07/2018/TT- CA ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Bộ Công an về việc phạm nhân gặp thân nhân, gửi thư, nhận tiền, đồ vật, liên lạc điện thoại với thân nhân thì:“Phạm nhân được gặp thân nhân…Những phạm nhân chấp hành tốt Nội quy của cơ sở giam giữ; tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì được kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 3 (ba) giờ. Phạm nhân là người dưới 18 (mười tám) tuổi được gặp thân nhân theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án hình sự… Giám thị trại giam… phải tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày Lễ, Tết. … gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 (hai bốn) giờ, căn cứ điều kiện cụ thể, Giám thị trại giam… xem xét, quyết định có thể cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân tại căng tin nhà thăm gặp trong thời gian 60 phút… Ngoài ra, khi tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân; hoặc trường hợp đặc biệt, do yêu cầu của công tác giáo dục, cần có sự phối hợp, tác động của gia đình để giáo dục phạm nhân; hoặc những phạm nhân có 2 (hai) quý liền kề ở thời điểm xét duyệt được xếp loại Tốt; hoặc lập công thì Giám thị trại giam,… xem xét, quyết định cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân. Việc tổ chức cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cơ sở giam giữ, quản lý chặt chẽ phạm nhân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho thân nhân phạm nhân.”

Trên đây, là quy định của Nhà nước khuyến khích phạm nhân cải tạo tốt để có được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, đó là những yếu tố bên ngoài. Còn sự tác động bên trong các trại giam mới là yếu tố quan trọng, then chốt, vì nó tác động trực tiếp đến con người. Do đó, khi xây dựng giáo trình cải tạo phạm nhân, ta phải tìm ra giải pháp giúp cho họ có sự thay đổi về nhận thức cũng như là định hướng hành vi tích cực. Một trong những nội dung đó là việc xây dựng các phương pháp giúp phạm nhân kiểm soát được các suy nghĩ còn đang “chen lấn” nhau trong vô thức, tức là phải để chủ thể tự điều chỉnh, sàng lọc trong ý thức và tự quyết định sẽ cho nguồn suy nghĩ nào được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi. Nếu hành vi tốt, lúc đó phạm nhân đã thực hiện đúng các quy định của trại giam đề ra, theo các chuẩn mực nhất định. Khi phạm nhân không bị kỷ luật và có lối sống lành mạnh thì quá trình cải tạo sẽ dễ dàng hơn.

Như vậy, thuật ngữ cư trần không còn là một khái niệm xa vời, một khái niệm trong mơ hồ, khi đưa ra triển khai phân tích, đối chiếu so sánh thì nó trở thành tiêu điểm quan trọng để xây dựng hệ thống các biện pháp giáo dục trong giáo trình của trại giam đối với phạm nhân, đảm bảo được quyền con người cho họ.

2.1.2. Ảnh hưởng tư tưởng “lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong giáo dục phạm nhân

Như đã phân tích ở trên, tâm điều chỉnh hành vi. Tâm của phạm nhân trong sáng thì hành vi tốt, thiện không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác, lúc đó họ sẽ đạt trạng thái sống “cư trần”. Khi đã được cư trần thì lạc đạo sẽ theo sau. Trong Hội thứ 6 bài phú Cư trần lạc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông có chỉ rõ:

Hãy xá vô tâm Tự nhiên hợp đạo Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm Đạt một lòng thì thông tổ giáo

Lạc đạo đề cập đến ý thức, là một trạng thái tinh thần lạc quan, lấy tư tưởng Phật giáo để làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động. Phật hoàng Trần Nhân Tông dạy, khi con người dừng những việc làm ác thì thân tâm được hòa đồng, lúc đó sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Khi đã hiểu ý nghĩa của cuộc sống con người sẽ hướng tới việc làm thiện. Nhà nước ta luôn muốn tìm ra cách để giáo dục phạm nhân cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, bằng các biện pháp từ trừng phạt đến giáo dục thuyết phục. Những quy định về đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho phạm nhân, Nhà nước ta có quy định rõ: Phạm nhân được ăn theo tiêu chuẩn, uống ước đảm bảo vệ sinh, được sử dụng quà của gia đình và tiền được thưởng trong lao động để ăn thêm,… Trẻ em là con của phạm nhân ở cùng bố hoặc mẹ trong trại giam được hưởng mức tiền ăn như bố, mẹ. Ngoài ra, các ngày 1/6, Tết Trung thu còn được chi ăn thêm theo mức ăn gấp 2 lần ngày thường. Giám thị trại giam quyết định chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của các trẻ em đó… Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ phù hợp với quy định của trại giam… Mỗi phân trại được trang bị 1 hệ thống truyền thanh, mỗi buồng giam tập thể được trang bị 1 máy vô tuyến. Phạm nhân được đọc sách, báo, nghe đài xem truyền hình theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Tuy có nhiều chính sách quan tâm của Nhà nước như vậy, nhưng vẫn có những phạm nhân không tuân thủ quy định mà vẫn luôn chống đối, có nhiều hành động xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của bạn tù. Thực tế khi các phạm nhân được ra tù, họ vẫn tái phạm, thậm chí còn là tái phạm nguy hiểm. Do đó, việc giáo dục phạm nhân để hình thành trong họ những tư tưởng lạc quan là vô cùng khó khăn. Cán bộ quản giáo chỉ đơn thuần là dạy, truyền đạt những quy định của pháp luật hay những giáo điều đạo đức thì khó tiếp cận được tâm lý của họ, đôi khi sáo rỗng và phản tác dụng. Nếu ta lồng ghép đạo đức Phật giáo thì dễ dàng tác động đến cảm nhận và suy nghĩ của họ hơn. Ta có thể vận dụng cách điều thân (như việc hành thiền của Phật giáo) vào hệ thống giáo trình như một hoạt động cải tạo, thực hiện được việc này có thể có những ảnh hưởng sâu sắc vào tư duy của họ. Vấn đề này cần nghiên cứu và thực nghiệm trong thực tế để có thể xây dựng được giáo án cụ thể có tính ứng dụng cao.

(Trong thực tiễn công tác, đã có lần tôi có trao đổi với một phạm nhân (xin không nêu cụ thể). Người này đã bị đi tù từ năm 16 tuổi với mức án 7 năm tù về tội cướp tài sản, mới ra tù được 1 năm thì lại tiếp tục phạm tội. Nói chuyện với tôi khi đã nhận thức được việc làm sai trái của mình, phạm nhân này có kể trong trại giam anh ta đã thử ngồi thiền, thấy sau khi ngồi thiền tâm trí anh ta thông suốt hơn, đỡ phần bế tắc).

Phật giáo là một tôn giáo khoa học, trí tuệ, mang đầy triết lý triết học đưa con người hướng đến chân lý giác ngộ. Phật hoàng Trần Nhân Tông thấy chúng sinh còn lầm than xoay vần trong sáu nẻo khổ, tâm phật từ bi muốn độ cho muôn dân được an lạc, Ngài đã chỉ:

Gìn tính sáng, tính mới hầu an;

Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác;

Dứt trừ tâm ngã, thì ra tướng thực kim cang;

Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác;

Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;

Di đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.

(Trong hội thứ 2, Cư trần lạc đạo phú)

Đó là cách chân thực, gần gũi để tu sửa mình mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chỉ cho chúng sinh thực hành trong cuộc sống. Hiểu được bản ngã chân tâm thì mới mong hành đạo. Tâm còn vọng niệm, còn chạy lăng xăng thì sao mà hiểu được đạo. Thiền định là một biện pháp điều thân rất tốt để phạm nhân quay lại chân tâm của chính mình.

Cán bộ quản giáo khi giáo dục phạm nhân cần lồng ghép khéo léo quy luật Nhân – Quả vào nội dung giáo trình giảng dạy, để phạm nhân hiểu và thực hiện.

Để cải tạo phạm nhân tốt, trước tiên ta phải điều chỉnh hành vi, muốn điều chỉnh được hành vi thì phải điều chỉnh cho được nhận thức. Tác động đến những người này cần tìm ra nơi tâm họ hạt giống “nhân” còn sót lại. Để từ đó “dưỡng” nó lớn lên, kìm lại những thói hư, tật xấu để phần nào giảm nghiệp chướng mà họ đã gây ra. Đối với những người làm công tác quản giáo trong tại giam cần hiểu và nắm được nguyên lý này, để có thể áp dụng trong công tác giáo dục, thuyết phục đối với phạm nhân.

Ta có thể kết hợp sử dụng phương pháp tâm lý như chuỗi các hoạt động: hành vi – phản ứng, hay thực hiện việc phân tích vô thức trong phân tâm học để tác động lên đối tượng, điều chỉnh suy nghĩ, tư duy của phạm nhân hướng họ thực hiện hành vi tích cực, kiềm chế những suy nghĩ lệch chuẩn. Nhưng, xét cho đến cùng thì cái gốc vẫn là tâm, sự giác ngộ của tâm là quan trọng nhất. Khi tâm niệm tức giận, sân hận khởi lên mà phạm nhân không tự kềm chế, không tự khắc phục, thì hành vi chống đối và tái phạm ắt sẽ xảy ra. Trong Kinh Đại Tập, đức Phật có dạy: "Nếu thường xuyên giữ được chính niệm, tâm không loạn động, dứt trừ được phiền não, thì chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề".

Áp dụng tư tưởng sống cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong việc giáo dục phạm nhân ở nước ta hiện nay có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

3. Kết luận

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật tạo lên sự biến đổi không ngừng của xã hội, nhưng mặt trái của nó là con người lại bị ràng buộc bởi quá nhiều yếu tố tác động và bị che mờ bởi vô minh. Trần Nhân Tông người cũng đã chỉ ra: “Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo”. Tình hình tội phạm ở Việt Nam hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, các nhà lập pháp, hành pháp đã ban hành nhiều hệ thống quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người nhằm hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm xảy ra. Cải tạo phạm nhân là một quá trình quan trọng trong việc buộc người phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật về hành vi của mình gây ra, tuy nhiên quá trình ấy phải thể hiện được tính nhân đạo trong việc cải tạo họ họ trở thành người có ích cho xã hội. Thực tế cho thấy việc xây dựng được giáo trình cải tạo có tính khả thi là một vấn đề nan giải hiện nay. Theo các nhà Tội phạm học, hành vi tội phạm của con người được hình thành bởi nhiều yếu tố tác động từ gia đình đến xã hội. Nhưng cái để điều chỉnh hành vi là ở tâm con người. Theo học thuyết của C.Mác, con người là sản phẩm của tự nhiên, nên trước hết con người mang đặc tính sinh học. Cái sinh học của con người quyết định sự hình thành các hiện tượng và quá trình tâm – sinh lý trong con người. Nhưng con người là sản phẩm của xã hội, mang đặc điểm của xã hội. Chính trong môi trường xã hội con người hình thành và phát triển các đặc điểm của mình. Như vậy, trong con người luôn luôn tồn tại hai loại đặc tính: sinh học và xã hội. Chính trong quá trình tồn tại và phát triển con người đã hình thành và phát triển nhân cách của mình. Ý thức là toàn bộ thế giới tinh thần phong phú của con người, là nhân tố chỉ đạo hành vi của con người, “Con người là sự thống nhất giữa các đặc tính xã hội và đặc tính sinh học, trong đó đặc tính xã hội có ý nghĩa quyết định” [12,tr. 94]. Chính vì những đặc điểm này sẽ chi phối nhận thức của phạm nhân trong cả quá trình chấp hành án.

Sự ảnh hưởng tư tưởng sống “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông có ý nghĩa nhân văn trong việc đảm bảo quyền sống con người trong quá trình xây dựng pháp luật, đảm bảo quyền của phạm nhân trong quá trình cải tạo, đáp ứng những điều kiện vật chất sinh hoạt tối thiểu cho họ. Vận dụng tư tưởng này cũng góp phần đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất nhân quyền trong các trại giam. Khi vận dụng tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông làm nền tảng để xây dựng hệ thống giáo trình giáo dục phạm nhân sẽ có tác động tích cực và mang lại kết quả tốt. Trên cơ sở đó, hình thành cho chủ thể các chuỗi hành vi tích cực, nhận thức tích cực, dần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, hạn chế việc tái phạm khi được trở về với cuộc sống bình thường.

Tác giả: TS Lê Thị Thu Dung - Viện KSND Tp.Hải Phòng

Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2019

-------------------------------------------------------------------

CHÚ THÍCH: 1. Các từ nôm cổ: cuông nghĩa là trong, cốc là biết, khuấy là quên, chỉn là chính; 2. Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud; 6 tháng 5 năm 1856 – 23 tháng 9 năm 1939) là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. 3. John Broadus Watson (1878-1958), người Mỹ, người sáng lập Tâm lý học hành vi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, NXB Thế Giới; 2. Bộ luật tố tụng hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, NXB Thế Giới; 3. Nguyễn Huệ Chi, Đào Phương Đỉnh, Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Đức Vân biên soạn (1977), Thơ Văn Lý - Trần (3 tập), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội; 4. Lê Thị Thu Dung (2016), Luận án tiến sỹ tội phạm học, Đấu tranh phòng chống tình hình tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng, bảo vệ tại Học viện khoa học xã hội; 5. Hòa thượng Tuyên Hóa, Kinh Lăng Nghiêm, NXB Tôn giáo; 6. Thích Phước Tấn, Bát Nhã Tâm Kinh lược giảng, NXB Tổng hợp TpHCM; 7. Chủ biên Đ.Đ. Thích Quảng Hợp, Thơ thường thức, NXB Hội Nhà văn năm 2018; 8. Trần Nhựt Tân (2018), Tâm lý học, NXB Hồng Đức; 9. Trần Văn Thành (2017), Nguyên lý Tính Không trong Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ và ý nghĩa của nó, Luận án tiến sỹ triết học học, bảo vệ tại Học viện khoa học xã hội; 10. Thích Chơn Thiện, Kinh Kim Cương, NXB Tôn giáo; 11. Thích Thanh Từ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, NXB Tôn giáo; 12. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý (1995), Hình phạt trong hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia; 13. Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật (2000), Tội phạm học Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Công an nhân dân; Trang Website 14. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng (Truy cập 15 giờ ngày 17/7/2018) 15. http://enternews.vn/bo-truong-bo-cong-an-to-lam-toi-pham-2018-van-du-bao-phuc-tap-119560.html (tra cứu hồi 9 giờ ngày 21/7/2018) 16. https://thuvienhoasen.org/a26478/giao-ly-duyen-khoi-nen-tang-cua-giao-duc-phat-giao (Truy cập 15 giờ ngày 17/7/2018) 17. https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/the-gioi-nam-2017-tu-goc-nhin-an-ninh-quan-su-582346.vov 18. http://www.thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=280:chanh-vn-tng-neu-phap-d-va--mc-cakinh&catid=31:diu-ngha-kinh-phap-hoa&Itemid=46 19. http://m.baodaknong.org.vn/xa-hoi/ket-qua-dieu-tra-khao-sat-tinh-hinh-nguoi-chap-hanh-xong-an-phat-tu-ve-cu-tru-o-diaphuong-25566.html 20. http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Cai-tao-pham-nhan-tai-cac-trai-giam-Lay-yeu-thuong-de-cam-hoa-lam-loi-459006 Tác phẩm của tác giả nước ngoài 21. Gustave Le Bon, Tâm lý học dân tộc, NXB Thế giới; 22. Sigmund Freud, Phân tâm học nhập môn, NXB Đại học Quốc gia HN; 23. Sigmund Freud, Các bài viết về giấc mơ và giải thích về giấc mơ nhập đề của Hermann Beland, NXB Thế giới.